Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

Có phải Việt Nam không có tù chính trị?


Đã từ lâu, mỗi khi có ai đặt vấn đề Việt Nam vi phạm nhân quyền, và yêu cầu Hà Nội thả tù chính trị và tôn giáo, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đều cả quyết rằng Việt Nam không có tù chính trị. Ngay cả mới đây, do áp lực của quốc tế, Hà Nội đã phải thả Nguyễn Vũ Bình, người đã bị tù suốt 5 năm qua, rõ ràng vì lý do chính trị, nhưng từ trước đến nay giới lãnh đạo CSVN vẫn khăng khăng cho rằng: "Tại Viêt Nam không có tù chính trị".

Trong một cuộc gặp ở Washington hồi tháng 5-2007, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã trả lời Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và phái đoàn Nghị Sĩ Thụy Điển khi họ yêu cầu Nhà nước Việt Nam trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến là ở Việt Nam không có tù chính trị mà chỉ có những người vi phạm pháp luật và sẽ bị xử theo pháp luật. Và luận điệu này cũng được những nhà lãnh đạo Việt Nam khác phát biểu khi trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề này.

Vậy ta hãy thử xem xét lại ngữ nghĩa của các cụm từ này qua Bộ Từ điển được xem là giá trị nhất của Việt Nam hiện nay để xác định có hay không có "Tù chính trị" ở Việt Nam.

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, các cụm từ "Chính trị", "Chính trị phạm" được diễn nghĩa như sau:

Chính trị:

[Là] Toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối liên hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi của nó là các vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước. Bất kỳ vấn đề chính trị nào cũng đều có liên quan đến quyền lợi của các giai cấp và nhà nước. Chính trị thuộc cấu trúc thượng tầng bao gồm - hệ tư tưởng chính trị, nhà nước, các đảng phái - xuất hiện khi xã hội phân chia thành các giai cấp dựa trên cơ sở hạ tầng kinh tế.

Chính trị "là biểu hiện tập trung nhất của kinh tế" (Lênin), đồng thời chính trị có vị trí độc lập và có tác dụng to lớn đối với kinh tế. Việc hình thành một quan điểm chính trị đúng về lĩnh vực kinh tế là điều kiện để giải quyết có hiệu quả những nhiệm vụ kinh tế. "Không có một lập trường chính trị đúng thì một giai cấp nhất định nào đó không thể giữ vững được sự thống trị của mình, và do đó cũng không hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực sản xuất" (Lênin). Chính trị còn là sự biểu hiện tập trung của nền văn minh, của hoạt động sáng tạo, của sự giải phóng.

Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, nói tới chính trị trước hết là bảo đảm vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản, hiệu lực quản lý nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân lao động trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chính trị phạm:

[Là] Người hoạt động chính trị, chống lại chế độ thống trị đương thời, bị bắt giam, tù đày. Trong chế độ lao tù của thực dân, đế quốc và tay sai, chính trị phạm được dùng để phân biệt với thường phạm - tức là những người mang án không phải vì lý do chính trị. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, những người hoạt động phản cách mạng và phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, khi bị kết án không gọi là Chính trị phạm mà gọi là "người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia".

Qua định nghĩa trên ta thấy rất rõ người hoạt động chính trị, chống lại chế độ thống trị đương thời, bị bắt giam, tù đày là Chính trị phạm hay gọi nôm na là Tội phạm chính trị hay Tù chính trị.

Vậy tại sao Bộ Luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dùng cụm từ "Tội xâm phạm an ninh quốc gia" cho nhũng người hoạt động chính trị, chống lại chế độ thống trị đương thời mà không dùng từ chính xác là "Tội phạm chính trị" mà Từ điển Bách khoa Việt Nam đã định nghĩa. Ban Biên tập chuyên ngành Chính trị học gồm toàn những nhân vật tài cao học rộng như Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thiện Nhân, Đào Văn Tiến v.v? thì không thể bảo định nghĩa trên là sai.

Lý do duy nhất mà cũng dễ hiểu là Nhà nước Việt Nam đương thời do Đảng Cộng sản lãnh đạo không muốn cho nhân dân trong nước và thế giới biết là ở Việt Nam vẫn có những người bất đồng chính kiến, họ hoạt động chống lại chế độ độc tài đảng trị và đang bị bắt bớ giam cầm như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Phong, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, v.v? Tất cả đều bị quy vào vi phạm pháp luật hình sự bình thường và đều bị xử theo pháp luật. Báo chí cũng được chỉ đạo đăng bài bêu xấu những nhân vật phản kháng này và tầm thường hóa họ cho rằng họ đấu tranh không vì lý tưởng tự do dân chủ mà chỉ là vì đồng tiền. Họ làm thế để dễ bề rêu rao rằng ở Việt Nam toàn dân đều một lòng theo đảng (tất nhiên đây là Đảng Cộng sản), để chứng tỏ rằng Việt Nam không có tù chính trị.

Một điều sâu xa nữa đó là khi dùng cụm từ "Tội xâm phạm an ninh quốc gia" thay cho "Tội phạm chính trị" Nhà nước Việt Nam đương thời [nghĩ rằng có thể] dễ dàng qua mặt dư luận quốc tế và sự can thiệp của thế giới trong lĩnh vực này. Mà nói tới chính trị là nói tới nhân quyền. Trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 18/12/1966, Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982, các điều 17, 18, 19, 21, 22 quy định rất rõ các quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, lập hội này.

Việt Nam không thể chỉ gia nhập trên giấy mà lại không thực hiện trong thực tiễn. Thế nhưng họ luôn dựa vào điều 4 của Hiến pháp 92 - một điều khoản vi phạm với Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị mà họ đã ký kết gia nhập để triệt hạ những nhà bất đồng chính kiến đấu tranh cho chế độ đa đảng. Sự thay đổi ngôn từ thành Tội xâm phạm an ninh quốc gia không thể che dấu được bản chất của nó. Nhưng trước mắt đảng Cộng sản cũng thành công trong việc cho thế giới thấy rằng ở Việt Nam không có Tù Chính trị ít nhất là trên văn bản pháp luật hiện hành. Mà không có tội phạm chính trị thì làm gì có việc đòi hỏi phải được hành xử như tù chính trị hoặc tị nạn chính trị ?

Quả là sự khéo léo trong sử dụng ngôn từ! Nhưng sự thật bao giờ cũng là sự thật. Chân lý chỉ có một! Việt Nam có tù chính trị nhưng không được xem như tù chính trị. Không thể đánh lừa nhân dân và thế giới mãi được!

Quốc Tuấn
Hà Nội 13.6.2007

Không có nhận xét nào: