Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

Lối thoát nào cho người lao động?


Trong cơn lốc phát triển không ngừng của nhân loại, Việt Nam cũng từng bước nhập cuộc, nhưng lại bằng những bước đi thật khập khiễng. Chính sách đóng cửa nền kinh tế và áp đặt mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, đã kéo Việt Nam lún sâu vào vũng lầy tụt hậu, kinh tế trì trệ không phát triển, đời sống nhân dân cơ cực, bấp bênh.

Đến năm 1986 đảng CS nhận ra sai lầm của mình và bắt đầu mở cửa kinh tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Nhưng nhìn lại một cách khách quan hai mươi năm đổi mới ấy, Việt Nam thực sự đã đạt được những gì? Có phải chăng thực chất kết quả mặt nổi mà đảng CS gọi là thành tựu trong thời kỳ đổi mới chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài. Nó che lấp đi những mất mát mà cả dân tộc phải gánh chịu. Chưa kể, nó đang gây ra những hậu quả cho các thế hệ con cháu chúng ta.
Những hoạch định mà đảng CS tung hô là đúng đắn, là sáng suốt ấy lại gây ra cho nước ta những khoản nợ khổng lồ, tình trạng lạm phát không ngừng gia tăng, và các tệ nạn xã hội ngày càng nghiêm trọng. Nguy hại hơn nữa, khi Việt Nam chưa là một nước phát triển, thì tình trạng ô nhiễm môi trường lại được xếp vào hàng đầu, ngang hàng với mức độ ô nhiễm của những nước công nghiệp lớn.

Mặt khác, khi nhà nước cho đầu tư ồ ạt các dự án, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, thu hồi đất canh tác của người nông dân để xây dựng nên những khu công nghiệp, khu đô thị, thì lợi ích chung đâu chưa thấy, mà chỉ thấy vô số nhân dân phải lâm cảnh khốn khổ. Vì không có cách nào khác hơn là phải chấp hành lệnh của nhà nước, người nông dân đã phải chịu thiệt thòi khi chấp thuận mức giá đền bù. Tuy nhiên, khi các địa phương áp dụng thực thi bồi thường thì chỉ còn 10%-20% so với mức giá quy định, thậm chí còn bị giải tỏa trắng. Thực tế ấy đã chỉ ra rằng nhà nước đã chỉ chạy theo những lợi hời hợt bên ngoài, và không màng đến tác động, hậu quả mà những dự án gây ra. Nhưng tình trạng cưỡng chế không phải chỉ là để thực thi kế hoạch công nghiệp hoá, mà trong nhiều trường hợp là do đám tham quan cậy quyền ngang nhiên cướp đất của người dân để chia chác làm tài sản riêng, bất chấp luật pháp và tiếng than oán của gia đình các nạn nhân.

Vì lý do đó, nhiều người phải chịu sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu thốn, lang thang cơ cực còn bị o ép đủ điều. Cảnh đội đơn đi đến các ngành TW ngày càng nhiều. Nhưng vì sự độc tài bao bọc, đến tòa án thì tòa án xử sai, báo chí mất đi quyền tự do ngôn luận, đến TW thì nhận được những văn bản, công văn đưa về các địa phương, và địa phương cũng chỉ coi là những tờ giấy lộn; trình lên chuyển xuống rồi đi vào im lặng, kéo dài theo năm tháng. TW chẳng có quyền uy gì nữa, hay đó là sự bao che từ trên xuống dưới? Đắng cay hơn nữa là họ còn bị địa phương trù dập, bắt bớ khi đi khiếu nại tố cáo… Vậy thì người dân biết tìm đâu sự công bằng? Cán cân công lý ởû đâu? Tại sao người dân lành phải gánh chịu sự lộng hành từ nạn cửa quyền, tham ô lũng loạn của cán bộ các cấp?

Từ chỗ không còn đất đai, nhiều nông dân và cả con cái họ phải bán sức lao động của mình một cách rẻ mạt cho các công ty, nhà máy sản xuất với đồng lương thấp, thời gian lao động kéo dài. Điều đáng nói hơn những quyền căn bản của người công nhân lại không được các tổ chức công đoàn bảo vệ. Bởi lẽ công đoàn chỉ là cánh tay trá hình của quyền lực. Chính vì vậy mà người công nhân không có quyền bãi công, không có quyền đòi hỏi quyền lợi. Nếu có nơi nào dám lên tiếng thì lập tức bị công đoàn, công an ngang nhiên dập tắt, đàn áp.

Những điều nói trên là những minh chứng thực tế nhất về sự thiếu dân chủ, tự do, ấm no và tiến bộ. Điều đó phải được lên án và loại bỏ để trả lại sự công bằng cho người lao động Việt Nam.

Không có nhận xét nào: