“Nói thật, hai ngày rồi chú chưa có hột cơm trong bụng, đói hoa cả mắt”- người đàn ông da sạm nắng, tay run run bưng cốc nước hướng cái nhìn khắc khoải nửa như van xin về phía tôi.
Họ - những con người lang thang, không nhà cửa, không nghề nghiệp, lẳng lặng như chiếc bóng bên lề cuộc đời, thường quay mặt đi để giấu giọt nước mắt tủi cực chực trào ra.
Đi bụi vì... thích
Gió từ sông Sài Gòn thốc từng đợt mang không khí mát rượi lẫn mùi tanh nồng của nước. Đang tìm chỗ nghỉ trưa, tôi lò dò lại gần ba người đàn ông đang ngủ vùi dưới chân cầu Sài Gòn. Tiếng xe chạy rầm rì, tiếng gọt dừa rất ngọt của anh bán dừa cứ sột sột, đều đều đơn điệu, buồn tẻ. Người đàn ông to, mập, đang say giấc vẫn không quên quàng tay giữ chặt chiếc xe đạp cũ. Một đôi dép nhựa sứt quai gối đầu, tấm mền rách và ít quần áo lỗ chỗ thâm kim của anh treo vất vưởng trên cổ xe. Rất thính nhạy, anh mở to mắt nhìn tôi cảnh giác. Hàng chân mày tỉa tót kỹ lưỡng, anh mặc quần đen nên nhìn vào tôi tưởng là bà béo ị nào đó. Vẻ mặt bặm trợn mà nói chuyện hiền lành, anh hỏi:
- Sao không về nhà mà ra đây nằm?
- Chán, mới bỏ nhà đi bụi.
- Mấy bữa nay ngủ ở đâu?
- Vỉa hè.
Thứ ngôn ngữ cụt ngủn, cộc lốc pha chút bất cần của dân bụi vận vào tôi lúc nào chẳng hay. Tôi buột miệng:
- Mới lên chưa có việc làm à? Theo tui lượm bọc đi, ngày cũng kiếm được vài chục. Tối tui hay ngủ ở vỉa hè ngoài Hàng Xanh ấy. Ở đó có đứa cỡ tuổi cô hoặc nhỏ hơn cô tận Đà Nẵng vào, tụi nó cũng đi lượm bọc”. Tuấn “Vũng Tàu” - người đàn ông chết tên với địa danh quê mình cho biết. Không vợ con, không giấy tờ lận lưng, một mình Tuấn lên Sài Gòn sống bằng nghề lượm bọc mười mấy năm rồi. Lâu lâu anh cũng về thăm nhà nhưng chỉ vài hôm lại đi. Người ở quê anh không biết thằng Tuấn đi đâu, làm gì trong suốt thời gian đó, chỉ thấy lúc nào về bộ dạng của anh cũng lê thê lếch thếch với chiếc xe đạp cà tàng, vẫn nghèo rớt mồng tơi dù đã gần 30 tuổi...
Tôi hỏi: “Tắm ở đâu?”. “Dưới đó”. Nhìn khúc sông Sài Gòn đang lặng lờ chảy, chỗ nào nông, sâu, làm sao biết. Thấy tôi ái ngại, anh cười khẩy: “Ngoài mé sông có bậc thềm, đứng đó tắm, giặt tại chỗ, phơi đồ ở mấy lùm cây kia kìa. Anh chỉ về phía những bụi cỏ khô cháy, rậm rạp đến xác xơ mà một thằng nhóc vừa chui vào phóng uế; có vài bộ quần áo cũ nhăn như miếng giẻ lau nằm rạp trên ngọn cỏ lất phất theo gió. Ban ngày nằm đây ngủ, đêm xuống anh đi lượm, mệt quá thì lăn lóc đâu đó ngủ bừa.
Những mảnh đời côi cútRời cầu Sài Gòn, tôi lần về hướng chợ Thủ Đức. Có khá nhiều người sống bằng nghề móc bọc, vác bao đi thất thểu cố tìm cái gì có thể lượm để bán. Đêm xuống thật nhanh, mới nắng vàng tươm, nóng hầm hập giờ lại mát dịu như tấm khăn voan. Tôi theo chân hai cậu nhóc đi chân đất, da đen nhẻm, còm nhom, mặc độc chiếc quần tà lỏn, mái đầu lơ thơ khét nắng. Hai cậu bé độ 9, 10 tuổi ôm một đống cây sắt vừa lượm được kéo lê vô vỉa hè. Thằng nhỏ phanh cái bao tời con cho thằng lớn bẻ cong bỏ vào. Tôi lại gần hỏi:
- Hai em lượm ở đâu vậy?
- Hỏi chi? Để lượm hả? - thằng nhỏ hỏi ngược. Thằng lớn nạt:
- Ăn cắp chớ đâu.
Vừa nói, nó trân gân đạp cong cây sắt, mắt láo liên như sợ ai nhìn thấy. Tôi nói như tạo sự an tâm:
- Tui cũng mới đi lượm bọc, chưa có chỗ ngủ, tối ngủ ở đâu cho tui theo với!
- Tụi tui đi bụi, không có nhà, ngủ ở chợ đầu mối - thằng nhỏ trả lời thành thật. Nó ngây thơ, thiệt thà bao nhiêu thì thằng lớn khôn ranh, lọc lõi bấy nhiêu:
- Thôi xạo quá bà ơi, đừng có giả điên!
Nó lôi bao sắt đi xềnh xệch rồi như nặng quá nó bảo: “Mày vác đi!”. Thằng nhỏ ghé vai, mím chặt môi cho thằng lớn đặt lên, mấy ký sắt oằn vai khiến thân thể ốm như que tăm của nó lảo đảo. Nó hỏi tôi bằng một giọng hụt hơi:
- Bà nói thiệt không, chứ ba mẹ bà đâu, hổng ai nuôi bà hết hả, mà sao thấy bà thơm dữ vậy?
Câu nhận xét vừa ngây ngô vừa thành thật của thằng nhỏ làm tôi bật cười:
- Thì mấy ngày rồi tui mới được tắm chứ bộ, tui không có ba mẹ...
Thằng nhỏ hồn nhiên quá khiến tôi bối rối. Tôi hỏi như cố lấp liếm những lời nói dối:
- Còn em thì sao?
- Từ nhỏ “tự nhiên” tui lớn lên, không có ai nuôi hết, đi lạc, lượm bọc nilon tới giờ. Mặt nó thoáng buồn xo, rồi nó lại cười toe khi thấy cuộn thước dây ai đó làm rớt. Thích thú như vừa lượm được món đồ chơi quý, nó kéo ra rút vào đến tội nghiệp. Lục lọi trong đống rác bên đường, hai đứa nhỏ lôi ra ống nhựa dài ngoằng, kéo lê dưới lòng đường một cách mệt mỏi.
Đi từ chiều tới giờ mà cái bao tời con của hai đứa chỉ được mấy cây sắt, vài vỏ lon sữa bò, một bọc bánh sandwich đã “quá đát” người ta vứt lẫn trong thùng rác trước nhà. Thằng nhỏ hí hửng phủi lớp bụi bám ngoài bọc bánh mốc thếch, mở ra lấy một cái nhai nhồm nhoàm. Đưa cho tôi nguyên bọc, nó bảo: “Ăn đi, ngon lắm!”. Thằng lớn giật lại: “Chê thì thôi, để tao, mà sao bà cứ lẽo đẽo theo tụi tui vậy?”. Ánh mắt nó nhìn tôi dè chừng. Thỉnh thoảng nó đi tụt lại phía sau để canh chừng như sợ tôi giật mất “chiến lợi phẩm”. Nó sợ cũng phải, dân lượm bọc thường hay chôm đồ của nhau, hở một chút là mất... Lâu lâu, nó kéo thằng nhỏ lại xầm xì cái gì đó, thằng nhỏ nghe xong cười khì: “bả” không có nhà thiệt mà, hay mình chỉ “bả” ra ba trong một hen!”.
- Ra đó mấy thằng đó “làm thịt” bả ráng chịu! Thằng lớn nói xong mắc cỡ nhìn tôi cười ngượng nghịu.
Đã khá khuya, chợ tan, lòng chợ vắng hoe. Hai thằng nhỏ ngập ngừng trước đống rác ngay chợ Thủ Đức. Tụi nó không dám vào bởi có người đàn bà phục phịch, xăm cặp mắt sắc lẻm án ngữ ở đó, bà “đôn” vào bao những gì chú bé đi cùng nhặt được từ đống rác. Còn một chồng bao lành lặn để gần đó chưa dùng đến, hai chú nhóc lại nhìn săm soi:
- Dì Chín, cho con cái nghen!
- Để đó, thằng nào lấy tao đập què tay - cất giọng the thé bà quát. Rồi bà sấn lại nhìn kỹ coi có mất cái nào không. Hai thằng nhóc rụt cổ, thằng lớn moi trong bịch rác cố tìm cái bao lớn hơn nhưng không có, bực bội nó quay sang quát tôi:
- Đã bảo bà đừng theo tụi tui rồi mà, bà có tiền trong túi á, đi thuê phòng mà ngủ, cứ theo ám không à! Thằng lớn thật tinh mắt, nó nhìn thấy vài chục ngàn trong túi quần tôi lòi ra vì sơ ý. Tôi cười giả lả:
- Có ít à! Để dành ăn chớ.
Thằng nhỏ nhìn tôi mủi lòng bảo:
- Hay bà về chợ Tam Bình trước đi, bà xin khuân, bốc hàng cho mấy chủ vựa ở đó, một đêm người ta trả cho bà 50.000 đồng lận, có chỗ ngủ, tụi tui còn phải đi lượm nữa, thằng Tí Chuột nó không thích cho bà theo. Tôi đứng nhìn theo hai dáng nhỏ liêu xiêu khuất sau con hẻm, chẳng biết đêm nay tụi nó có lượm thêm được nhiều thứ!?
Chợ đầu mối Tam Bình 12 giờ đêm mà nhộn nhịp như ban ngày. Đèn đường sáng choang, tấp nập những xe cút kít, xe tải chở hàng... Nhịp sinh học của những người ở đây dường như bị đảo lộn, công việc mưu sinh cuốn hút khiến người ta quên mất giấc ngủ đêm. Thằng nhóc chừng 10 tuổi trải bao trên đám cỏ gần cổng ra vào ngủ chập chờn. Tôi vừa ngồi xuống cạnh liền bị nó đuổi thẳng: “Chỗ này có người nằm rồi, bà đi chỗ khác đi”. Định hỏi nó dăm ba câu, nhưng thấy mắt nó mỏi nhừ, tôi lại thôi.
Ngang qua những khuôn mặt túa mồ hôi đẩy những xe cút kít hàng đi vội vã, có em chừng 8, 9 tuổi cởi trần trùng trục làm xăng xái, gương mặt tươi tỉnh; có bác xích lô già đang co ro trong “tổ ấm” của mình đợi khách. Vài anh bảo vệ nhìn chằm chằm từng dòng người qua lại, như chờ có tên trộm nào chạy qua là “thộp cổ”.
Thằng bé tên Minh đẩy một lúc hai chiếc cút kít nhiệt tình chỉ cho tôi chỗ ngủ. Rồi nó dắt tôi lại làm quen với một chú bé bằng tuổi nó. Không biết Minh đã nói gì mà thằng nhóc gặp tôi ngơ ngác: “Nó nói em lại chị cho em đồ hả?”. Tôi phì cười: “Ừ!”. Thằng nhóc mở to đôi mắt nhìn tôi chờ đợi. Gương mặt nó bầu bĩnh, lem luốc, như thể mấy ngày không được tắm: “Nói chuyện với chị chút nha! Em ở đây với ai, ba mẹ đâu ?”
- “Biết chết liền!”.Thằng nhỏ trả lời cộc lốc, nhưng rồi lại cho tôi biết trước đây nó cùng cu Sún, bé Bẻo, thằng Tèo lượm củ cải dạt ở chợ Cầu Muối. Đêm xuống, chờ chủ vựa phân hàng, những rau, củ dạt đổ đi, tụi nó xúm lại lượm lặt, sáng ra phân thành “mớ” bán lẻ. Bây giờ chợ Cầu Muối giải tỏa cũng đồng nghĩa với miếng cơm bị cắt mất, tụi nó lên đây kiếm sống. Trong đám bạn đi cùng, có đứa có mẹ mà chẳng có ba, có đứa “tự nhiên” lớn lên như nó với thằng Tèo ở gầm cầu Ông Lãnh.
Có ai đó vừa ngang qua chỗ chúng tôi ngồi văng tục mắng yêu nó. Tiến còi (tên thằng bé) nhe hàm răng sún cười hì. Nó hất mặt về phía bờ tường chỉ: “Ngủ bên kia kìa”. Tôi nhìn theo, thấy mấy con người nằm lấp xấp ngủ ngon lành trên manh chiếu rách trải dưới nền đất lạo xạo đá cuội. Mặc cho mấy chị hàng rau, củ sát cạnh xăng xái gọt, bưng bê, xê dịch, ồn ào... thỉnh thoảng thằng bé nằm ngoài cựa quậy nó gãi khắp mình vì ngứa ngáy, muỗi chích tứ phía... Tấm mền ngắn cũn không đủ che hết bàn chân mốc thếch, đen sì của nó.
Tiến còi dắt tôi tìm chỗ ngả lưng sau khi tôi dúi cho nó vài đồng ăn kẹo. Trải tấm chiếu rách bươm mà nó giấu ở một góc khuất nào đó xuống khoảng đất trống, nó nằm cựa quậy một lúc thì ngáy khò. Tôi ngồi cạnh thằng bé ngả lưng qua đêm. Ý nghĩ những nguy hiểm xung quanh rình rập khiến tôi không sao chợp mắt. Bất giác tôi đưa tay vuốt nhẹ má Tiến còi, nhìn nó vùi mình vào giấc ngủ hồn nhiên không trăn trở, mặt buồn như phủ một lớp sương giá, tôi chắc trong trái tim nhỏ của nó cũng cồn lên sự khao khát được vỗ về. Giá mà những người mẹ, người cha không đang tâm vứt bỏ núm ruột mình thì đâu có những Tiến còi, bé Bẻo... sống cù bất cù bơ trong cảnh đói rách, thiếu thốn tình thương. Vậy mà nhiều đứa trẻ được nuông chiều, yêu thương, sống sung túc trong cảnh giàu sang thì lại bỏ nhà đi bụi khiến mẹ cha khóc hết nước mắt.
Một đêm ngồi ăn hủ tíu trên đường Võ Văn Ngân, tôi được nghe tâm sự của hai bà mẹ đi tìm hai đứa con gái bỏ nhà theo “tiếng gọi tình yêu”. Một bà than thở: “Ở nhà mở mắt ra là réo mẹ ơi con đói bụng, mẹ ơi con nhức đầu... không biết nó ra ngoài có được ăn no, tối ai đắp chăn cho. Đêm nghe tiếng kéo cửa rột rột, tôi cứ tưởng nó về mà đâu phải. Bưng chén cơm cứ nghĩ tới nó là nước mắt lưng tròng, nuốt không nổi!”. Bà kể: Một thằng lang thang bảo có gặp con bé ốm nhách, đen thui sống cùng thằng bụi đời trong căn chòi lá gần Saigon Water Park . Tụi nó lấy mì tôm sống nhúng nước sông cho nở rồi ăn, con bé chỉ có một bộ đồ mặc trên người nên khi tắm sợ ướt, nó treo đồ trong lùm cây, trần trụi trầm mình xuống sông. Thằng đó thấy tội nghiệp cho cái quần đùi mặc đỡ.
Bà mẹ tới tìm con, bà băng qua những bãi đất bồi lắng bùn đặc quánh, mênh mông, vắng bóng người, nhiều lần thót tim vì sợ. Người cha thì lầm lì không nói, ông quá đau lòng đã bỏ mặc đứa con gái “muốn làm gì thì làm”. Đã mấy lần ông lặn lội tìm nó về nhốt lại, dỗ dành, đe nẹt, nhưng rồi nó cũng trốn đi. Căn chòi lợp bằng lá dừa mà con bà ở nằm heo hút dưới rừng dừa nước rậm rạp. Nó sơ sài đến nỗi chỉ cần cơn gió mạnh thổi qua là mọi thứ có thể bị cuốn bay. Dưới nền là đống rơm khô mà nhìn vào người ta cứ tưởng lót ổ cho heo con nằm. Không gặp con gái mà gặp thằng bụi, bà khóc lóc, năn nỉ tha cho con gái bà, năm nay nó chỉ mới 15 - cái tuổi còn bồng bột, nông nỗi. Hôm sau, bà tìm đến thì căn chòi chỉ là đống tro tàn. “Nó đốt nhà đi rồi!” - giọng bà thảng thốt, đau khổ. Những cô con gái “rượu” của hai bà mẹ, có biết từng đêm hai bà rong ruổi khắp ngõ ngách trong thành phố, chỉ mong được tìm thấy chúng.
Bài và ảnh của Lệ Loan