Thứ Ba, 24 tháng 7, 2007

Xem Quốc hội trá hình nhóm họp!


Ðại biểu Nhân Dân (Hình: http://360.Yahoo.com/VNTuongLai )
Ngày 19/07/2007 Quốc hội bù nhìn cộng sản Việt Nam khóa 12 nhóm họp tại Hà Nội với 493 nghị sĩ gật gù, gia nô của Đảng CS vì:

1/ Thành phần Quốc hội:
Toàn là đảng viên chiếm 90%, số còn lại cũng là loại đảng viên không cần thẻ đảng để trang sức cho chế độ độc đảng không hơn không kém. Đây là chuyện lạ của thế giới văn minh vì QH từ Chủ tịch nước, thủ tướng, tổng bí thư đến các bí thư trung ương, bí thư tỉnh, các chủ tịch tỉnh, hội đồng nhân dân tỉnh, các bộ trưởng… và cả thầy tu quốc doanh, không thiếu một ai trong bộ máy “nhà nước” để kết hợp tài tình thành công thức bất biến:

Quốc Hội = Hành pháp + Tư Pháp + Lập Pháp + Thầy Pháp *

dưới sự độc quyền lãnh đạo của đảng CSVN, thật đúng là “khuôn vàng thước ngọc” của một thể chế độc tài độc đảng.

2/ Cách vào Quốc hội:
Được Đảng lựa chọn qua cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc, ép dân bầu rồi nói xạo là 99% dân đi bầu, nhưng thực tế chỉ khoảng 32% dân đi bầu, ai không tin hỏi lại dân và cả bọn thuộc ban bầu cử của chúng xem, hộ nào cũng cầm 1 nắm thẻ cử tri bầu thế cho xong, trả nợ cho rồi!

Có nơi buổi chiều xem danh sách cử tri và số phiếu chênh lệch hốt đại cho vào đủ số (như ở Đồng nai… và ở đâu cũng vậy) vì thừa biết ai vào QH cũng phải là “tín đồ” thờ: Mác Lê - Hồ - Mao – Staline - Pônpốt - Fidel Castro – Dollar - Euro – vàng - kim cương - bất động sản – ăn chơi - gái đẹp … cả! nên nhân dân Việt nam quá biết không thèm đi bầu, có nơi không quá 20% đi bầu, mà nói xạo hết biết là “Ngày hội toàn dân” mà không thấy ngượng, sự thực nầy ai mà không biết ???

3/ Hành vi tại Quốc hội:
Ngáp, nặn mụn, ngủ gục... vì toàn nghe nghị quyết, nghe báo cáo láo, tô hồng chủ nghĩa xã hội hoang đường… dài lê thê, nghe phổ biến đường lối Ðảng, rồi vẽ một kẻ thù trừu tượng chung chung nào đó như “các thế lực thù địch, phản động từ Mỹ đang thực hiện diễn biến hòa bình…” (thực ra lúc thì : “khúc ruột ngàn dặm” lúc thì "phản động" chẳng hạn) để đoàn kết bên nhau không xa rời Đảng ta, chiến đấu bảo vệ sự giàu sang kiếm được nhờ cai trị độc tài, bất chấp bị nhân dân và lịch sử vạch mặt hỏi tội.

Chỉ cần biết cách nhận phong bì rồi về “nghiên cứu” làm thế nào kiếm tiền nhiều hơn như bàn cách xẻ ngân sách, thông qua những gì Ðảng “làm”, kể cả luật do Ðảng soạn trước để tạo điều kiện có nhiều cơ hội ăn cướp và áp chế nhân dân nhiều hơn… để củng cố và duy trì chế độ độc đảng cho càng ngày càng độc ác, khiếp hãi hơn…. là xong.

Còn chất vấn ư? Trò hề rẻ tiền nhất là ai chất vấn? và có chất vấn thì làm gì được ai khi tất cả quyền lực nằm trong tay Ðảng? Thực tế chất vấn đi về đâu, giải quyết được gì? Trăm năm sau vẫn thế, nếu cái đảng CS gian dối nầy còn tiếm quyền nhân dân.

Chú ý:
Tại Việt nam không có chuyện phe thân Trung Quốc hay phe thân Mỹ : Không, không bao giờ có, bọn bồi bút, cò mồi viết xạo tung hỏa mù làm lạc hướng chú ý của dư luận. Tất cả chỉ “cá mè một lứa” hết, toàn bọn bất lương quỉ quyệt ám hại tương lai dân tộc Việt đau khổ nầy. Tham quyền, tham tiền, nói dối, nói ngang ngược với nhân dân.

Tóm lại:
Nếu nói QH Việt Nam là Bù Nhìn là hơi cao giá vì bù nhìn còn dọa được chim muông bảo vệ mùa màng, còn QH Việt Nam không bảo vệ được ông chủ của mình là nhân dân.

Chứng minh:
Tối 18/07/2007 tại 194 Hoàng văn Thụ được gọi là tòa nhà Quốc hội 2 sau khi đóng cửa không cho cụ già, phụ nữ đi vệ sinh nhiều ngày, đã trấn áp bởi cả ngàn công an, chuyện nầy mới toanh đây, ai cũng nhớ chối không được rồi!.

Hoặc kiến nghị cử tri có bao giờ các đại biểu Quốc hội dám trả lời trực tiếp thẳng vào câu hỏi của dân đâu? Ði lạc đề, lòng vòng, và còn sai công an canh me cử tri đến độ ngạt thở dù cử tri là hầu hết cán bộ địa phương chiếm 80% ghế cử tri.

Thật đau khổ cho đồng bào chúng ta, cái Quốc hội mà nhìn quanh toàn là toàn người trong bộ máy đảng và chính quyền tham nhũng là những người nắm quyền lực, kết băng đảng, phe cánh khắp địa phương, khắp tỉnh thành để hối lộ tham nhũng, trấn lột, gieo tai ương cho nhân dân lại là đại biểu cho họ, thật là một sự lừa dối nhân dân vô tiền khoáng hậu trong lịch sử dân tộc của "thời đại Hồ chí Minh”

Như vậy QH Việt nam là gì đây? Xin đồng bào xác định dùm…

Kỹ sư Ngọc Anh
Sài Gòn ngày 24/07/2007

Nhìn Tiền Giang Nhớ Tới Thái Bình

Sau gần một tháng lên thành phố Sài Gòn, tập họp trước Văn phòng 2 Quốc hội để khiếu kiện về nhà đất, ruộng vườn, tài sản bị chính quyền địa phương chiếm đoạt, dân chúng các tỉnh miền Nam không được chính quyền trung ương giải quyết mà lại còn ra lệnh cho công an đàn áp và giải tán bằng vũ lực.

Cuộc biểu tình của các bà con Miền Nam, khiến người ta nhớ tới lại cuộc nổi dậy của các nông dân tỉnh Thái Bình và mấy tỉnh miền Bắc, xẩy ra khoảng mười năm trước, và cuối cùng, đã bị đàn áp vô cùng dã man.

Điểm khác biệt giữa mười năm trước và bây giờ, là các phương tiện thông tin hồi ấy chưa thuận tiện như ngày nay, và cuộc nổi dậy phát xuất một tỉnh nhỏ, nên nhà cầm quyền cộng sản đã có thể đàn áp trong âm thầm, tránh được con mắt quan sát của giới ký giả quốc tế.

Cuộc biểu tình của hàng ngàn bà con Tiền Giang diễn ra tại nơi “nhĩ mục quan chiêm”, ngay tại thành phố đông nhất nước là Sàigòn, và có người tham dự biểu tình còn có cả điện thoại di động, có thể trực tiếp nói truyện hay gửi hình đi khắp thế giới. Điều mà các sinh viên ở Thiên An Môn, và các nông dân ở Thái Bình không có. Với kinh nghiệm bức hình bịt miệng Cha Lý đã làm cả thế giới nổi giận, hy vọng Hà Nội sẽ nhận thức được rằng những chiếc điện thoại cầm tay nhỏ xíu là thứ võ khí đáng sợ hơn nhiều so với súng ống, dùi cui, và những bàn tay bịt miệng.

Nhưng tàn bạo là bản năng của mọi chế độ độc tài, và bản năng này thường làm họ mất khôn. Vì vậy, tuy cuộc biểu tình của bà con Tiền Giang có ưu thế hơn các nông dân Thái Bình trước đây, nhưng người ta vẫn không khỏi lo ngại khi nghĩ tới những hậu quả tàn khốc nếu cuộc đàn áp diễn ra. Hà Nội chỉ không dám đàn áp khi họ thấy được rằng cuộc đàn áp sẽ là một tai họa khổng lồ cho chính họ, còn tai hại gấp trăm gấp ngàn lần vụ bịt miệng cha Lý. Ý chí sắt đá của bà con biểu tình khiếu kiện, và hậu thuẫn rộng rãi của đồng bào trong nước cũng như ngoài nước, là thành trì bảo vệ trước đe dọa đàn áp.

Nói tới cuộc đàn áp phong trào nổi dậy của nông dân Thái Bình, có lẽ không mấy ai biết rõ hơn nhà văn Dương Thu Hương, quê Thái Bình, người đã trưởng thành và được giáo dục ngay trong lòng Xã hội chủ nghĩa. Từ khi quyết định ở lại Paris vào cuối năm ngoái để có thể yên ổn viết văn, bà Dương Thu Hương đã cho phổ biến vào tháng Tư vừa rồi một đoản văn mang tựa đề “Bức tường của các huyễn tưởng”. Để độc giả có một ý niệm về phương cách đàn áp hiểm độc của Cộng sản Việt Nam, chúng tôi xin trích lại sau đây phần nói về vụ Thái Bình:

***

Cách đây chừng một thập kỷ đã xảy ra vụ nổi loạn của nông dân Thái Bình. Những người dân cày đói ăn biểu tình yêu cầu bọn quan chức địa phương hoàn lại những món tiền bị cưỡng đoạt trái phép. Cuộc khởi loạn thoạt tiên xảy ra trên bảy huyện trong tỉnh, trước hết là Quỳnh Phụ, sau đó lan ra các tỉnh lân cận như Hải Hưng, Vĩnh Phú, Quảng Ninh…

Phóng viên nước ngoài rầm rộ đổ đến Hà Nội. Đương nhiên đây là bộ phận đáng e ngại nhất đối với nhà cầm quyền Hà Nội vì ở Việt Nam chưa có báo chí theo đúng nghĩa. Đối với đảng Cộng sản, phóng viên là con cháu trong nhà, bảo gì phải nghe nấy, nếu hỗn hào sẽ đuổi ra khỏi cửa, bẻ gẫy cần câu cơm… Cho dù vẫn dương dương tự đắc là độc lập, quan lại Việt Nam chỉ e ngại mấy ông mắt xanh mũi lõ, vì chỉ mấy ông này mới có khả năng gia tăng hoặc làm hao hụt hầu bao của các bậc lãnh đạo dân chúng. (Những chiếc vé xanh là quốc hồn quốc túy bây giờ). Vậy thì họ sẽ phản ứng ra sao với đám phóng viên ngoại quốc?

Họ đón tiếp niềm nở, nụ cười thường trực gắn trên môi: trà ngon, gà vườn, quà tặng rẻ tiền nhưng lạ mắt… Kèm theo đó là sự hứa hẹn mềm mỏng: “chúng tôi sẽ để các ông các bà xuống tỉnh Thái Bình trong thời gian ngắn nhất, với điều kiện bảo đảm được sự an toàn của quý vị”. Sự trì hoãn đó có hiệu lực. Một tuần, hai tuần, ba tuần trôi qua. Các ông tây bà đầm không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Quỹ thời gian có hạn. Hà Nội chỉ là một quán trọ xoàng. Hành tinh mênh mông còn có biết bao nơi chốn mời gọi… Họ lần lượt ra đi.

Khi phóng viên nước ngoài cuối cùng lên máy bay và các ống kính đã chĩa về hướng khác là lúc cuộc đàn áp bắt đầu. Trong một đêm, hàng nghìn cựu chiến binh đã bị bắt. Không một tờ lệnh. Hoàn toàn là lệnh mồm. Ở Việt Nam, lệnh mồm là thứ hiệu lực nhất. Lực lượng đàn áp là bộ phận được trả lương hậu hĩnh nhất trong guồng máy này. Trên 40% kinh phí quốc dân dành để nuôi họ. Vì thế, cuộc vây bắt diễn ra êm nhẹ. Hoàn toàn trong bóng đêm. Sót lại là tiếng kêu khóc của đám dân quê đói khổ, thất học, thân nhân của những người bị cùm trói và tống vào xe thùng sắt.

Các cựu chiến binh Thái Bình, những người đã hiến dâng toàn bộ tuổi thanh xuân trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, những thương bệnh binh nạn nhân của chất độc da cam, những người thường được ca ngợi véo von là anh hùng cứu nước. Họ sẽ được đảng Cộng sản thân yêu đối xử ra sao?

Họ bị phân tán vào khắp các trại tù, sống trà trộn giữa đám tội phạm thật sự. Ở đó, họ sẽ chết trong một thời gian rất ngắn bởi chính các bạn tù này. Bọn tội phạm được lệnh thủ tiêu họ. Đương nhiên, “lệnh mồm” và ban bố một cách thì thầm đến tận từng cá nhân.

Đây chính là “phương thức châu Á”, nhóm danh từ tôi tạm mượn ông Karl Marx tôn kính ở phương Tây. Bọn tội phạm được hứa hẹn giảm án theo thành tích: giết một người án 20 năm giảm xuống 18 năm. Giết hai người, 18 năm còn lại 16… Cứ thế mà thực thi.

Khởi sự là các cuộc khiêu khích, gây hấn. Sau đấy là cuộc tàn sát bằng các hình thức khác biệt, trong đó một hình thức đặc biệt hiệu nghiệm và rất ấn tượng: giết người bằng đũa ăn. Người châu Á ăn cơm bằng đũa. Dụng cụ ẩm thực biến thành vũ khí sát nhân là sự ứng biến tuyệt vời. Người ta vót những chiếc đũa bằng gốc tre đực, thứ tre cứng như sắt, một đầu đũa được chuốt nhọn như kim đan. Khi các cựu chiến binh Thái Bình đang ngủ, bọn tội phạm bất thình lình đóng chiếc đũa này vào lỗ tai của họ. Với độ dài 25cm, đũa xuyên suốt từ tai nọ sang tai kia. Nạn nhân chết tức khắc không kịp bật một tiếng kêu.

Như thế, trong bóng đêm và trong sự im lặng, những người cầm đầu cuộc biểu tình của dân cày Thái Bình đã chết theo kiểu ấy. Chính quyền Việt Nam thực sự là kẻ sáng tạo lỗi lạc. Với nguyên tắc: hiệu quả tuyệt đối trong sự an toàn tuyệt đối, họ đã thực hiện một Thiên An Môn nhung lụa mà sự thành công ở mức tối đa. Hiệu quả tuyệt đối vì số người bị giết nhiều gấp bội số người chết bởi xe tăng và súng liên thanh trên quảng trường Thiên An Môn Trung Quốc. An toàn tuyệt đối vì không một nhà báo nước ngoài nào nhòm ngó nổi nhà ngục Việt Nam, không một ống kính nào ghi lại được, dù một hình ảnh nhù nhòa, tội ác của họ. /.

Đa Nguyên

Thư Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ gởi Cụ Hoàng Minh Chính


Ngày 24 tháng 7 năm 2007

Kính gửi: Cụ Hoàng Minh Chính
Tổng thư ký Đảng Dân Chủ XXI

Thưa Cụ Tổng thư ký,

Vì hoàn cảnh, đã lâu tôi không có dịp liên lạc được với Cụ, tuy nhiên tôi vẫn quan tâm theo dõi tin tức về sức khỏe của Cụ. Hôm nay tôi rất mừng được đọc bản Tuyên bố của Đảng Dân Chủ XXI đề ngày 18.7.2007 về chuyến đến thăm đồng bào khiếu kiện ở trước văn phòng Quốc hội II tại Sài gòn của phái đoàn GHPGVNTN vào ngày 17.7.2007 với tình cảm sâu đậm. Thay mặt Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang và Hội Đồng Lưỡng Viện, tôi chân thành cám ơn tấm lòng ưu ái và sự tín nhiệm của Cụ Tổng thư ký đã dành cho Giáo hội chúng tôi.

Trong bản Tuyên bố có hai vấn đề thiết yếu liên quan đến việc giúp đỡ đồng bào khiếu kiện mà Cụ đã có nhã ý đề nghị Giáo hội chúng tôi thực hiện sau đây:

Thứ nhất: Chuyển số tiền 3000 USD (ba nghìn đô la Mỹ) đến đồng bào khiếu kiện để giúp đỡ họ phần nào trong hoàn cảnh đói khát, màn trời chiếu đất. Nhưng rất tiếc là phái đoàn Giáo hội chúng tôi đến thăm đồng bào lần thứ hai vào sáng ngày 17.7.2007 thì đêm ngày 18.7.2007 công an đã đàn áp và cưỡng bức đồng bào lên xe đưa về quê. Như vậy hiện giờ chưa có nhu cầu yểm trợ đồng bào khiếu kiện, do đó chúng tôi xin gửi lại Cụ số tiền 3000 USD nói ở trên.

Thứ hai: Cụ đề nghị Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đứng ra thành lập một Ủy ban nhân dân cứu trợ đồng bào khiếu kiện, chúng tôi rất hân hạnh được ủy thác và sẵn sàng làm việc này vào bất cứ thời điểm nào có nhu cầu và không gặp khó khăn, trở ngại. Nhưng tôi nghĩ điều này sẽ không dễ dàng đâu. Như chuyến đến thăm đồng bào bất ngờ vào ngày 17.7.2007 vừa rồi, chắc phái đoàn Giáo hội chúng tôi chỉ may mắn hơn các tổ chức và đoàn thể khác mà tôi tin là cũng đã thử nghiệm nhưng không thành công đó thôi. Tuy nhiên, chúng ta hãy cứ hy vọng và tin tưởng sẽ thành công.

Kính chúc Cụ cùng gia quyến bình an và mạnh khỏe.

Viện Trưởng Viện Hóa Đạo
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Thích Quảng Độ.

Nhận thức rõ việc dập tắt khiếu kiện

Nguyễn Quang
Gửi đến BBC từ Paris

Khi lần đầu ra nước ngoài tôi mới được nghe là có vụ biểu tình ở Thái Bình với lời bình luận: “Nhà nước thật giỏi vì đã giữ kín chuyện, nếu không thì… cả nước đã loạn rồi”. Lúc đó tôi rất đồng tình với cách hành động “đúng đắn” đó của Nhà nước.

Nhưng vài tháng sau khi suy nghĩ lại câu “nếu không thì … cả nước đã loạn rồi” tôi chợt nhận ra là: thực chất thì cả nước ta đã đều có mầm mống “loạn”, cũng đều là Thái Bình cả, nhưng không “liều” bằng Thái Bình hay do không được biết tin từ Thái Bình mà thôi.

Và thành công của Nhà nước chỉ là việc ngăn chặn thông tin từ Thái Bình đi khắp nơi để không bị loạn. Nếu ai đó khen bạn là: “Nhà anh thật giỏi, lửa cháy ở bếp thế mà dập được không để nó lan đến mấy quả bom ở góc nhà!”, bạn mừng hay lo?

Trở lại với vụ giải tán khiếu kiện vừa qua, tôi thấy cách thức Nhà nước ta xử sự tương tự như việc dập lửa vậy. Mọi việc được mô tả như một ngọn lửa nhỏ vừa được dập tắt, không có gì nghiêm trọng cả. Họ đang cố tình lờ đi những trái bom.

Nguồn gốc khiếu kiện

Các vụ khiếu kiện xuất phát chủ yếu từ những tranh chấp trong giải toả đất đai, đây là vấn đề chung của tất cả các nước trong giai đoạn công nghiệp hoá, không loại trừ nước nào. Bên cạnh đó có cả tranh chấp trong cấp phát đất định cư, tranh chấp đất đai giữa những cá nhân mà cách giải quyết của chính quyền đã khiến cho nhiều người khiếu kiện cảm thấy bất công.

Nhìn vào một số biểu ngữ chúng ta thấy đây là những vụ việc kéo dài, có những vụ cả chục năm. Người dân đã từng khiếu kiện ở cấp địa phương nhiều lần nhưng họ vẫn cho rằng chưa thoả đáng, nhiều đơn thư phản ánh việc chính quyền không trả lời đơn từ của họ trong nhiều năm.

Không chỉ ở trong Nam, tại Hà Nội, đường Mai Xuân Thưởng từ cả chục năm nay đã có người khiếu kiện. Việc người dân khiếu kiện nhiều năm như vậy khiến ta phải đặt câu hỏi về năng lực giải quyết vấn đề đất đai của địa phương đến đâu. Rất nhiều cán bộ bị nêu đích danh là tham nhũng đất đai, tôi không thể tìm hiểu và quy kết ai nhưng việc có những cán bộ thực sự đã tham nhũng là điều chắc chắn. Tham nhũng đất đai, điển hình như vụ Đồ Sơn, không phải là ngoại lệ ở nước ta.

Một đặc điểm nữa là sự tự tung tự tác của các quan chức địa phương khiến người dân bất bình. Các quan chức ít khi bị chất vấn hay phải giải trình trước cử tri, và chưa có trường hợp nào bị bãi nhiệm bởi HĐND cả. Quyền giám sát của cử tri không được tôn trọng, người dân không cảm thấy quyền làm chủ của mình. Chính vì không có cơ hội đối thoại ngang hàng, có quyền giám sát và bãi nhiệm (thông qua HĐND) các quan chức địa phương khiến cho dân phải cầu cứu cấp cao hơn, lên Trung ương và Thủ tướng chính phủ.

Trong suốt quá trình khiếu kiện ít khi nào những giải trình của bà con được đưa lên mặt báo và được phổ biến rộng rãi đến công luận. Tại sao không mời những vị chủ tịch, bí thư có tên trong các biểu ngữ kia lên báo (địa phương) để giải trình? Sự thờ ơ của báo chí, của công luận khiến cho người khiếu kiện có cảm giác bị bỏ rơi, cô độc, bị dồn vào đường cùng dẫn đến những giải pháp nhiều khi cực đoan.

Như vậy có thể xác định những nguyên nhân chính của việc biểu tình vượt cấp dài ngày như vừa qua là: Sự yếu kém về năng lực hành chính của chính quyền địa phương trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp ; Tham nhũng đất đai của một số cán bộ địa phương ; Thiếu dân chủ trong hoạt động giám sát chính quyền của cử tri và các cơ quan dân cử; sự thờ ơ, bỏ rơi người khiếu kiện của các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận địa phương.

Sự xúi giục của bên ngoài như nhà nước vẫn thường nói, nếu có, cũng chỉ góp phần rất nhỏ. Có ai trong số các bạn có ai tình nguyện rời nhà cửa, gia đình mình ra hè phố ngủ chỉ một đêm thôi không vì nghe những lời xúi giục của những phần tử bên ngoài hay vì vài trăm nghìn?

Chỉ có những bức xúc bị dồn nén đến đường cùng thì người dân mới chọn giải pháp như vậy. Cứ cái gì cũng đổ hết cho ‘phản động’ chỉ để nhằm che giấu những ung nhọt trong chính quyền không phải là cách giải quyết vấn đề triệt để và lâu dài.

Tính hợp pháp của biểu tình

Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình (điều 69). Cho đến nay chưa có Luật biểu tình nhưng cũng không thể tước bỏ quyền Hiến định này. Việc làm luật là trách nhiệm của của Quốc hội mà dân không có nghĩa vụ phải chờ để thực hiện quyền. Nhưng có một điều ai cũng thống nhất là phải biểu tình trong hoà bình, không bạo lực thì người dân đã hoàn toàn tuân thủ.

Việc khiếu kiện vượt cấp là không đúng quy định pháp lý, nhưng ở đây phải đặt trong hoàn cảnh là người dân đã đi khiếu kiện rất lâu tại địa phương và không có kết quả. Đây thực chất là lời kêu gọi sự quan tâm của cấp Trung ương tới việc giải quyết khiếu kiện tại địa phương. Một ví dụ ở nước Pháp gần đây là khi sinh viên biểu tình chống luật lao động mới thì đích thân Tổng thống phải gặp trực tiếp đại diện sinh viên để đối thoại.

Ở nước ta cũng không ngoại lệ, nhiều vụ việc được xin ý kiến vượt cấp lên Thủ tướng và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo, ví dụ như vụ nuôi hổ ở Bình Dương, …

Những vụ như thế này vai trò của báo chí và công luận mang tính quyết định.
Cơ quan Quốc hội cũng không phải là nơi giải quyết khiếu kiện nhưng cũng có thể là nơi chia sẻ, giảng giải cho người dân về đường lối, chính sách, lên tiếng kêu gọi các cơ quan chức năng khác, các chính quyền địa phương tập trung giải quyết vấn đề. Không một đại biểu nào đứng ra phát biểu, do vậy mà người dân đã “tặng” Quốc hội bài thơ sau:

Quốc hội ! Quốc hội ư ?
Sao mà vắng lặng ?
Để dân khiếu kiện chờ
Cơ quan gì giống bãi tha ma
Không thấy một bóng hình cán bộ
Trách nhiệm đâu, lòng bác ái đâu ?
Sao lại nỡ đoạn tình nhân loại ?
Máu chảy ruột mềm người xưa nói
Quốc hội sao đành ngoảnh mặt làm ngơ

Nếu việc biểu tình của người dân là hợp pháp, hợp lý thì việc giúp đỡ vật chất cho họ-như nhiều người qua đường đưa nước, đưa mỳ gói, thậm chí đưa tiền- có phải là hợp tình không ?

Vai trò của báo chí

Tất cả chúng ta phải công nhận rằng truyền thông đóng một vai trò rất lớn trong việc biểu tình này. Vai trò gì? Vai trò làm cho người dân cả nước không biết đến hoặc tỏ ra dửng dưng và thờ ơ trước vụ biểu tình bằng cách không đưa tin một cách kịp thời và đầy đủ.

Tất cả các tờ báo trong nước đã im tiếng. Hệ thống báo chí của ta với hơn 600 đầu báo cư xử như là một cơ quan nhà nước chứ không phải là một cơ quan thông tin của nhân dân.

Tuy nhiên, điểm đáng ghi nhận trong sự việc này đó là truyền thông trên Internet, một thứ TRUYỀN THÔNG SONG SONG. Chúng ta có được những tấm ảnh chụp vụ biểu tình nhờ có những trang blog mà các bạn trẻ ở Sài Gòn đã chụp được và gởi lên. Những thông tin phản ánh trên các trang blog, trên các diễn đàn trong và ngoài nước đã có những tác động đáng kể.

Thế nhưng so sánh về mức độ thông tin thì nó vẫn còn thua xa sự quan tâm của người Việt Nam trước trận đấu lịch sử Việt Nam-Iraq.

Những người biểu tình đã “thua” trong vấn đề truyền thông. Nhưng biết làm sao được khi mà mọi cuộc phỏng vấn, quay phim, chụp hình đều phải thực hiện một cách lén lút dưới áp lực của các cơ quan an ninh.

Hành động của chính quyền

Cách giải tán biểu tình có thể nói là êm thấm, không gây bạo lực theo một số lời kể. Nhưng đối mặt với một số thông tin cho rằng có đàn áp, có dùng hơi cay, tôi không hiểu tại sao chính quyền lại không sử dụng những bằng chứng rõ rệt nhất: những hình ảnh, tư liệu về quá trình giải quyết vụ việc,… để đưa ra công luận cho mọi người cùng xem?

Từ trước đến nay nhiều thành phố lớn đã tổ chức khá nhiều vụ cưỡng chế nhà, về cơ bản thì cũng như những vụ việc này (tranh chấp về giá đền bù). Có vụ làm suốt cả dãy phố, chắc chắn có gây cản trở giao thông, nhưng tất cả đều làm ban ngày chứ chưa bao giờ cưỡng chế vào…nửa đêm cả.

Nhiều tờ báo sau hai chục ngày im lặng cũng đã có bài viết nói việc giải toả đã diễn ra tốt đẹp như tờ Tuổi trẻ, Thanh niên,…và phản đối những vu cáo từ bên ngoài. Tiếc thay vẫn không có một bức ảnh nào. Hay vì trời tối quá?

Đừng quy dân là địch

Nếu nhìn lại những nguyên nhân chính của vụ việc vừa qua thì chúng ta thấy hai nguyên nhân đầu thuộc về năng lực của chính quyền, hai nguyên nhân sau thuộc về lỗi hệ thống (chính trị).

Bên cạnh việc nâng cao năng lực của chính quyền, giái pháp cấp bách và lâu dài là nâng cao tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của nhà nước, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trả lại vai trò truyền thông (thay vì tuyên truyền) của báo chí. Những việc dù khó đến mấy, cả đối nội cũng như đối ngoại, nếu đưa ra công luận thì cũng sẽ đều tìm được giải pháp. Đưa ra công luận sẽ làm sáng tỏ những sai phạm (nếu có) của người bị tố cáo, giúp sớm giải quyết vụ việc.

Trong trường hợp ngược lại, công luận sẽ là người ủng hộ những biện pháp cưỡng chế của chính quyền. Một khi đã dựa vào nhân dân thì không ai có thể chống lại được.

Thái độ ứng xử với dân cũng cần phải xem lại, không thể coi thường dân như những người thiếu suy xét đến độ ai bảo gì cũng nghe, thế là khinh dân (như bài của chị Tạ Phong Tần phân tích). Nhận thức đúng hạn chế, khuyết điểm của Nhà nước, của chế độ mới là cầu thị, là nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề, không nên nhìn đâu cũng ra kẻ thù, cũng ra các thế lực thù địch.

Càng không nên coi thường những bức xúc của dân dù ở bất kỳ mức độ nào, coi họ là thiểu số, là đi ngược với trào lưu chung của xã hội mà từ đó cho mình cái quyền tự dẹp bỏ như kẻ địch. Phân hoá, đánh động quần chúng, tạo cảm giác xa lánh, coi thường người khiếu kiện cũng như tạo cảm giác thương hại đều là những hành động đáng lên án.

Sự nghiệp phát triển kinh tế và xã hội trong tương lai chắc chắn sẽ gặp những vấn đề phức tạp khác mà vụ khiếu kiện vừa rồi chỉ là một liều thuốc thử đối với hệ thống chính trị. Giải pháp triệt để và bền vững là đẩy mạnh tiến trình dân chủ, tự do ngôn luận một cách cấp thiết ngay từ bây giờ. Nếu không, hậu quả sẽ khó lường trước được.

Bài của Nguyễn Quang, với sự cộng tác của Hoàng Xuân Ba từ TPHCM. X-cafe là diễn đàn của một số thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước (bao gồm cả du học và Việt kiều) tách ra từ diễn đàn ddth.com từ năm 2005 do có bàn luận các đề tài chính trị - xã hội của Việt Nam. Độc giả của X-cafevn.org chủ yếu đến từ Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.