Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2007

Công An Hà Nội Ngăn Chận Ông Michael Orona Tiếp Xúc Các Nhà Dân Chủ

Hà Nội – Ngày 30 tháng 8 năm 2007 – Qua sự vận động của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền, ông Michael Orona, phó giám đốc thuôc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đặc trách về Dân chủ, Nhân Quyền và Lao Động đã có cuộc tiếp xúc với nhiều nhà dân chủ ở Hà Nội để tìm hiểu thêm về tìinh hình dân chủ tại Việt Nam.

Cuộc tiếp xúc dự trù diễn ra tại văn phòng làm việc của ông Nguyễn Phương Anh vào lúc 3 giờ chiều ngày 30 tháng 8 năm 2007 bao gồm 15 nhà hoạt động cho dân chủ tại Việt Nam như Phạm Văn Trội, Vũ Hùng, Phạm Đức Chính, Đỗ Duy Thông v.v….. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Hà Nội đã tìm cách ngăn cản cuộc tiếp xúc này bằng cách bắt một số nhà dân chủ đến trụ sở công an tỉnh, ngăn chận họ không cho về Hà Nội. Anh Phạm Văn Trội đã bị công an bắt đem về đồn công an Hà Tây. Ngoài anh Trội, có 6 nhà dân chủ khác ở các vùng ngoài Hà Nội cũng đã bị công an bắt giữ, ngăn cản không cho về Hà Nội để gặp ông Michael Orona.

Tuy vậy, cuộc gặp mặt cũng đã diển ra giữa Ông Michael Orona với 8 nhà dân chủ khác ngay tại Hà Nội. Cuộc họp chỉ kéo dài được hơn nữa tiếng đồng hồ thì công an cũng đã ập vào văn phòng, bắt tất cả những người có mặt về đồn công an Bách Khoa để làm việc.

Nhà cầm quyền Hà Nội xác nhận quyền tự do hội họp của công dân trong điều 69 như “ công dân có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội…..” Hơn nữa cuộc gặp gỡ này với một viên chức cao cấp trong ngành Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đặc trách về Nhân Quyền. Sự đàn áp thô bạo cuộc hội họp vừa qua trước mắt ông Michael Orona đã chứng minh rõ Việt Nam là nhà nước toàn trị, không tôn trọng Nhân Quyền, không giống như những lời Chủ tịch nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Ông Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố với các dân biểu Hoa Kỳ là họ “đối xử tốt với Nhân Quyền”

Phụ Nữ Vì Nhân Quyền
womenforhumanrights@yahoo.com

Hàng đứng: Nguyễn Phương Anh, Ðỗ Chí Thông, Lê Quốc Quân, Nguyễn Quang Ðức, Phạm Văn Trội

Hàng ngồi: Vũ Hùng, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang

VIẾT VỀ HOÀ THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ

Liên tiếp trong nhiều ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam, báo nhân dân, đài tiếng nói việt nam, báo quân đội nhân dân, báo tiền phong... đồng loạt đăng tải các bài viết chỉ trích, đả phá Hoà thượng Thích Quảng Độ. Nội dung các bài được đăng tải giống nhau đến nỗi tưởng như được nhân bản, chỉ khác chút ít là ở tít đầu. Các bài viết đều thừa nhận có đông người ở các địa phương khác nhau kéo đến cơ quan nhà nước ở Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội, để khiếu kiện. Tuyệt nhiên không thừa nhận đó là biểu tình. Tất cả đều có chung khẳng định :bọn phản động ở nước ngoài móc nối với bọn cơ hội chính trị trong nước đứng đầu là Thích Quảng Độ lôi kéo, xúi dục, kích động nhiều người tham gia biểu tình chống đảng, nhà nước.

Nhiều báo chí nước ngoài và dư luận trong nước mỉa mai: Việt Nam có biểu tình lúc nào mà có chuyện Hoà Thượng Thích Quảng Độ cầm tiền đi phân phát cho dân biểu tình. Đúng vậy, khi các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Sài Gòn, Hà Nội thì báo chí Việt Nam im hơi lặng tiếng, cho đến giờ thì tập trung huy động cả một lực lượng báo chí khổng lồ chỉ trích, đả phá cái gọi là ”bọn phản động lưu vong và bọn cơ hội chính trị trong nước” mà điển hình là Hoà Thượng Thích Quảng Độ. Vấn đề là tại sao đảng, nhà nước Việt Nam lại mở chiến dịch đả phá Hoà Thượng Thích Quảng Độ với quy mô chưa từng có như hiện nay. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chính sau đây:

1. Vấn đề tôn giáo đang là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay; Hoà thượng Thích Quảng Độ đang có sự ảnh hưởng lớn đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Lẽ thường thì các hoạt động tôn giáo ở việt nam phải tuân theo sự hướng dẫn của đảng CSVN, chịu kiểm soát của đảng. Nhưng vị Hoà Thượng này đã bất chấp nguy hiểm, kiên quyết đấu tranh đòi tự do dân chủ, nhân quyền, đấu tranh cho hoạt động độc lập của tôn giáo, không chịu sự kiểm soát của đcsvn. Để thực hiện được mục tiêu ấy cái giá mà ông phải trả là đã phải vào tù ra tội nhiều lần, với thời gian gần 30 năm. Vậy mà con người ấy vẫn không chịu khuất phục; cho đến ngày nay, càng ngày ông càng có ảnh hưởng to lớn ở trong nước và quốc tế. Ông đã làm cho “nhiều người” hằn học, và tất nhiên họ phải tìm mọi cách loại bỏ ông ra khỏi thế giới tôn giáo nói chung, giáo hội phật giáo trong nước nói riêng.

2. Mâý năm gần đây, tình hình khiếu kiện của công dân vượt cấp, đông người diễn ra ngày càng gia tăng và phức tạp tại các cơ quan TW ở Hà nội và Sài Gòn, làm cho đảng, nhà nước lúng túng trong việc xử lý. Đặc biệt các sự kiện biểu tình diễn ra mới đây với quy mô chưa từng có đã làm cho đảng, nhà nước đau đầu. Trong lúc đang tính phương sách xử lý thì đột nhiên Hoà Thượng Thích Quảng Độ xuất hiện trước công chúng đang tham gia biểu tình; động viên, hỗ trợ kịp thời cho đồng bào đang gặp những khó khăn do chính quyền ngăn cấm tiếp tế, hạn chế các điều kiện sinh hoạt đối với những người tham gia biểu tình. Vì vậy được dân chúng nhiệt liệt chào đón. Việc làm này đã làm cho đảng, nhà nước Việt Nam phật ý, tức giận.

3. Đảng, nhà nước nhận thấy ở lòng dân đã không yên, báo hiệu sự không bình thường trong đời sống xã hội Việt Nam đã có mầm mống. Các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục đã không còn tác dụng, do đã quá mất lòng tin đối với nhân dân; Vì vậy, đảng, nhà nước sẵn sàng vén tay xử lý đến tận gốc rễ. Hoà thượng Thích Quảng Độ là khởi đầu cho chiến dịch này. Để trấn an, đánh lạc hướng dư luận, các cơ quan thông tin của đảng, nhà nước đã mở chiến dịch tổng tấn công, bới lông tìm vết đối với Hoà Thượng, gán ghép nhiều tội danh để có cớ xử lý theo định hướng và để tung hoả mù cho thế giới khỏi lên án.

4. Thực hiện ý tưởng dập tắt đầu mối lớn nhất trong việc yểm trợ cho những người tham gia biểu tình. Vì những người dân đi khiếu kiện, biểu tình tuyệt đại đa số là dân nghèo, không có điều kiện để đi xa và tham gia dài ngày, buộc phải ngậm đắng nuốt cay chấp nhận cách giải quyết của chính quyền địa phương và thế là xã hội trở lại thời kỳ như những năm trước đây. Một xã hội tốt đẹp, không có biểu tình, không có người dân phản đối chính phủ, đó là chế độ XHCN.

5. Sự cay cú, đố kỵ đối với cá nhân Hoà Thượng Thích Quảng Độ. Vì con người ông là con người không thể khuất phục, một con người suốt đời không chịu khoác chiếc áo của đảng cộng sản ban cho vì nó quá chật. Vậy mà được thế giới ca ngợi, trân trọng; năm 2006, ông được nhận giải thưởng rotta, và năm nay ông là một trong ứng viên sáng giá để nhận giải thưởng Nobel. Việc này không thể không chạnh lòng đối với những ai mà đang dưng dưng tự đắc, luôn cho mình là “sáng suốt, vĩ đại”.

Tập trung đả phá Hoà Thượng Thich Quảng Độ trong lúc này là một mũi tên trúng nhiều đích. Xem ra đây là việc đáng làm lắm chứ, chỉ có điều là làm thế nào để khỏi lộ rõ bản chất vốn có của mình. Xem ra các phương sách mà các cơ quan ngôn luận của đảng đang tiến hành vẫn còn non tay lắm.

Việt Nam, ngày 1 tháng 9 năm 2007
Minh Sơn
Ủy Ban Yểm Trợ Người Khiếu Kiện

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói gì về Điều 4 Hiến pháp?

“… Quy luật là, không ai có thể kéo lùi bánh xe lịch sử …”

Bản tin thời sự trên kênh truyền hình VTV3 lúc 7 giờ tối ngày Thứ Hai 27/8/2007 tại Hà nội cho biết trong ngày chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến công tác tại Tổng Cục Chính Trị quân đội. Nói chuyện với lãnh đạo, cán bộ và công nhân viên chức quốc phòng của Tổng cục chính trị, ông Nguyễn Minh Triết nhắc lại nguyên tắc quân đội và các lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ đảng cộng sản Việt Nam, và nhấn mạnh đó là con đường bảo vệ tổ quốc Việt Nam xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Ông Triết nói:

“[Tôi] Khẳng định trước sau như một là chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải xây dựng đảng của chúng ta. Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ Điều 4 hiến pháp gì đó thì không có chuyện đó. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát, cho nên phải củng cố công tác chính trị tư tưởng, củng cố vai trò của đảng…”

Nói đến củng cố quân đội, xây dựng đảng, củng cố công tác chính trị tư tưởng trong quân đội thì không có gì mới lạ. Không một cán bộ cấp trung ương nào của đảng khi có dịp nói chuyện với các sĩ quan và tướng lãnh quân đội cộng sản Việt Nam mà không nhắc đi nhắc lại điều đó.

Điều lạ là chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói với quân đội như trích ở trên rằng: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ Điều 4 hiến pháp gì đó thì không có chuyện đó. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát”.

Điều 4 Hiến pháp nói gì mà ông Triết và đảng cộng sản của ông sợ hải như vậy? Điều 4 trong bản Hiến pháp (gồm 147 điều) do quốc hội thông qua năm 1992 (và sửa đổi thêm bớt bởi Nghị quyết do ông chủ tịch nước Trần Đức Lương ký ngày 7/1/2002, trong đó Điều 4 vẫn được giữ y nguyên) ghi rằng:

“Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Như vậy Điều 4 Hiến pháp minh định rằng: “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đó là luật tối thượng của quốc gia, dựa vào đó đảng cộng sản Việt Nam thu tóm mọi quyền hành trong tay, từ quyền hành chánh, quyền làm luật, quyền xử án, quyền biến tài sản quốc gia thành tài sản riêng của đảng, và quyền biến quân đội thành lực lượng vũ trang để bảo vệ đảng bám lấy quyền hành chính trị (chứ không phải là lực lượng bảo vệ sinh mạng của nhân dân và sự an toàn của đất nước như một nguyên tắc được thế giới văn minh công nhận). Và đó là nguyên nhân tạo ra suy đồi xã hội từ đạo đức đến văn hóa, giáo dục, y tế, cũng như nạn tham nhũng cửa quyền trở thành quốc nạn không thuốc chữa. Và nhất là an ninh quốc gia đang bị đe dọa bởi người anh em “môi hở răng lạnh” phương bắc mà đảng cộng sản Việt Nam do sự cai trị độc tôn không tạo được sự đoàn kết dân tộc để cùng đồng tâm hiệp lực chuẩn bị biện pháp đối phó.

Ngoài việc nhượng đất, nhượng biển, ngư dân Việt Nam bị hải quân Trung quốc bắn giết, sự mất chủ quyền đối với Trung quốc còn được thấy rõ qua sự việc đầu tháng 8/07 bộ ngoại giao Trung quốc đã cho triệu đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh là Trần Văn Luật đến bộ để khiển trách về việc báo chí Việt Nam đã làm ầm ỉ việc thực phẩm chế biến tại Trung quốc bị nhiễm độc mà theo bộ ngoại giao Trung quốc đáng lẽ truyền thông do đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát nên im lặng để khỏi ảnh hưởng đến việc mua bán thực phẩm của Trung quốc. Trước đó, trong tháng 7/07 trước áp lực của Trung quốc, Việt Nam đã rút lại một chiếu khán nhập cảnh Việt Nam cấp cho một viên chức cao cấp thuộc đảng Dân chủ Tiến bộ (Democratic Progressive Party), đảng đang cầm quyền tại Đài Loan. (1)

Giới đấu tranh đòi dân chủ và nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, trong nhiều năm qua đã thấy Điều 4 Hiến pháp là tảng đá làm nghẽn lối xây dựng dân chủ tại Việt Nam nên đã đặt vấn đề hủy bỏ điều 4 Hiến pháp như điều tiên quyết để giải quyết bế tắc Việt Nam. Một số đảng viên cao cấp đảng cộng sản như cố trung tướng Trần Độ, ông Lê Hồng Hà sau khi hồi hưu và bị trục xuất ra khỏi đảng cũng từng lên tiếng đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp.

Nhưng một cách chính thức bộ máy cầm quyền của đảng chưa bao giờ lên tiếng về Điều 4 Hiến pháp. Lần này chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ủy viên Bộ chính trị, đến nói chuyện với Tổng Cục Chính Trị quân đội về Điều 4 và cảnh giác rằng “bỏ Điều 4 là tự sát” hẳn phải có một lý do quan trọng.

Tiền lệ làm việc của đảng cộng sản Việt Nam cho thấy đảng chỉ chính thức lên tiếng cảnh giác về một vấn đề khi vấn đề đó đang ngấm ngầm trở thành một đe dọa trong nội bộ đảng. Việc chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảnh giác về sự hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp cho thấy rằng nội bộ quân đội và các lực lượng vũ trang khác đã có sự thúc bách đảng bỏ Điều 4 Hiến pháp, và đòi hỏi này đã làm cho giới lãnh đạo lo sợ.

Người ta còn nhớ, tháng 11/2006 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ủy viên Bộ chính trị ban hành Chỉ thị số 37/2006/CT-TTg ra lệnh các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm chỉnh quyết định của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí. Đầu năm 2007, tại hội nghị báo chí toàn quốc, ông Trương Tấn Sang ủy viên Bộ Chính trị và là thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh rằng cần nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong cơ quan báo chí vì thời gian qua, hoạt động báo chí còn có những hạn chế, khuyết điểm, cần được tăng cường lãnh đạo, quản lý.

Việc này là dấu hiệu có một số tờ báo (trong đó có tờ Tuổi Trẻ tại Sài gòn) đi theo những huynh hướng khác trong đảng (chứ chưa phải là đòi tự do ngôn luận để phục vụ quyền lợi lâu dài của đất nước) làm đảng cộng sản lo ngại. Mới đây đảng cộng sản Việt Nam đã thuyên chuyển hai phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ để thay thế bằng những nhân vật dễ bảo hơn là một bằng chứng.

Nếu buổi nói chuyện của ông Nguyễn Minh Triết là để cảnh giác đòi hỏi của giới quân nhân nên thay đổi Điều 4 Hiến pháp thì đây là một dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ rằng lương tri của giới quân nhân đã sống dậy và họ đã nhận ra nguyên nhân của vấn nạn quốc gia ở đâu. Sau bao nhiêu năm bị nhồi nhét quan niệm “quân đội và các lực lượng vũ trang là của đảng và nhiệm vụ chính là nếu cần có thể bắn giết nhân dân để bảo vệ đảng” là một giáo điều phi lý bất chấp lẽ phải và lương tri của bất cứ ai còn có chút khả năng suy nghĩ.

Mục đích buổi giáo dục và răn đe những người đang nắm quân đội của ông Nguyễn Minh Triết là vậy. Ông ta và tập đoàn nắm quyền lực tại Việt Nam sẽ không thành công vì họ đang muốn kéo lùi bánh xe lịch sử. Quy luật là, không ai có thể kéo lùi bánh xe lịch sử.

Trần Bình Nam
30/08/2007

(1) Theo bài báo “Sino-Viet ties sour over reports on food scandal” của ký giả Roger Milton đăng trên tờ báo Strait Times tại Singapore số ngày 28/8/2007.

Vẫn những luận điệu ấu trĩ, phản tiến bộ

“… Một chính quyền có thể dùng các biện pháp mạnh để giấu bớt đi những bức xúc, bất công của xã hội trong một thời gian, nhưng điều đó chưa bao giờ là giải pháp làm cho xã hội ổn định hơn …”

Những ngày gần đây các phương tiện truyền thông (báo viết, truyền hình, báo mạng,…) của Nhà nước Việt nam ( dưới sự “ lãnh đạo” của đảng cộng sản) đã đồng loạt viết bài có tính đả kích, chụp mũ, bôi nhọ những người có tấm lòng hảo tâm, bác ái thực hiện công việc trợ giúp cho những người dân oan đang đi khiếu kiện tại Sài Gòn và Hà Nội. Trong số những người đó, báo chí Việt nam viết nhiều về ba nhân vật: Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ -viện trưởng Viện hóa đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt nam thống nhất (hiện chưa được Nhà nước Việt nam công nhận), người đã được trao giải thưởng Rafto của Na-uy có uy tín quốc tế về Nhân quyền; Thượng tọa Thích Không Tánh -trưởng ban từ thiện xã hội thuộc Giáo hội phật giáo Việt nam Thống nhất, và ông Nguyễn Khắc Toàn – một cựu chiến binh và là người đã được trao giải thưởng đấu tranh về nhân quyền của Tổ chức Human Rights Watch, tổ chức bảo vệ nhân quyền có uy tín trên thế giới có trụ sở tại Hoa kỳ (đã từng chỉ trích cả giới chức Hoa kỳ về nhiều vấn đề nhân quyền).

Những bài báo trên Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, An Ninh Thế Giới, Lao Động, Tiền Phong, Le Courrier du Vietnam, VTV1,…và bản tin của TTXVN tựu trung lại cùng muốn cho độc giả hiểu:

1. Nhân dân đi khiếu kiện đông người là do sự kích động, xúi giục của người khác.

2. Các vị chân tu thuộc Giáo hội Phật giáo Việt nam thống nhất đi giúp đỡ đồng bào dân oan là có mục đích “ chính trị”.

3. Cá nhân ông Nguyễn Khắc Toàn là người có tiền sự không tốt đẹp, hành động vì “cơ hội chính trị”.

4. Tất cả những người đang giúp đỡ đồng bào dân oan là kích động gây rối an ninh, trật tự, theo chỉ đạo của các “thế lực thù địch ở nước ngoài”, “phản dân hại nước”. (1)

Về điểm 1:

Xin trích dẫn một số ý kiến:

“Vấn đề giá đất, thưa Quốc hội, đây là một trong những vấn đề mà trong lãnh đạo, điều hành, trong quản lý của Chính phủ đang là khó khăn, vướng mắc rất nhiều và Chính phủ cũng tốn rất nhiều thời gian về vấn đề này.” (Trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 31/03/2007. Nguồn: VietNamNet)

“Tôi nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương và trách nhiệm của các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ. Phải có sự chuyển động từ trên xuống dưới về mặt trách nhiệm, chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề khiếu kiện đông người.” (Trích trả lời phỏng vấn của Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền ngày 31/07/2007. Nguồn: VietnamNet)

“Người dân khiếu nại hết tháng này sang tháng khác, có những người tôi tiếp tháng này, tháng sau họ lại đến gặp. Mình quen mặt họ. Nhiều người dân đến khiếu nại nói rằng, mặc dù bộ Tài nguyên môi trường có văn bản yêu cầu địa phương giải quyết, nhưng đến giờ địa phương vẫn chưa có động tĩnh gì. Họ cũng phản ánh những trường hợp giải quyết không thỏa đáng, thậm chí có trường hợp thách thức trong giải quyết khiếu nại của người dân”… “Chúng ta đã nói nhiều về chuyện địa phương nào để dân khiếu kiện mà không xử lý thì Chủ tịch ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý. Nhưng chúng ta đã xử lý ai? Chưa thấy xử lý ai về việc này cả. Trong khi đó, khiếu kiện nhiều, thậm chí, khiếu kiện vượt cấp nhiều, khiếu kiện đông người. Như vậy là, chúng ta chưa nghiêm trong việc xử lý trách nhiệm.”…“Năm ngoái, làm thử thống kê những vụ chúng tôi đã giải quyết, có đến 80% ý kiến người dân khiếu nại là đúng.” (Trích trả lời phỏng vấn của nguyên Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực ngày 26/07/2007. Nguồn: VietnamNet)

quyền trong chính thể hiện tại, có thể thấy rõ luận điệu cho rằng người đi khiếu kiện là do sự xúi giục của những “ kẻ xấu” là hoàn toàn sai trái, là ý đồ nhằm che đậy sự thật đau đớn thiệt thòi mà nhiều người dân đang phải gánh chịu. Việc khiếu kiện đông người hay tầng lớp dân oan đang hình thành ngày càng lớn là hậu quả của một chính sách điều hành yếu kém, vô trách nhiệm và đang bế tắc của những người nắm quyền.

Về điểm 2:

Việc các vị chân tu tham gia trợ giúp những cảnh đời lầm than của dân oan không chỉ thể hiện một trách nhiệm công dân mà đó cũng chính là thể hiện tấm lòng từ bi của Đạo Phật, thể hiện phẩm hạnh đầu tiên của Phật tử là tấm lòng Hiến tặng. Không kể đến những người tu hành, là một người bình thường cũng phải biết rung động, xót xa trước những cảnh thiệt thòi, oan khuất của đồng bào, đồng loại. Thể hiện một thái độ ủng hộ “một chế độ đa nguyên, đa đảng, đại diện đầy đủ cho 80 triệu dân.” ( trích lời Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ) là việc làm cần thiết của mọi người yêu chuộng tự do, lo lắng cho cuộc sống chung của cả cộng đồng, đó cũng chính là tinh thần Đạo Bát chính của Phật pháp trên con đường diệt trừ “Vô minh”. Trong khi nhiều phật tử khác của Nhà nước hiện nay luôn phải xưng tụng khẩu hiệu “Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, đó có thể là tâm niệm của một số phật tử, chúng ta tôn trọng trên tinh thần tự do, nhưng đáng tiếc nếu ai đó vẫn còn ủng hộ cho một chủ nghĩa phi khoa học đã bị thực tế loại bỏ thì con đường diệt trừ “Vô minh” sẽ phải dài thêm ra thôi.

Về điểm 3:

Các bài báo đã tỏ ra không công bằng khi nói tới tiền sự của ông Nguyễn Khắc Toàn. Các tác giả đã không đề cập chi tiết năm 2003 trước tòa ông Nguyễn Khắc Toàn đã biện hộ và bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc của phiên tòa gián điệp “công khai” (cử tọa phải có giấy phép mới được tham dự!) và tất cả các tổ chức nhân quyền quốc tế, nhiều cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ, Châu Âu,…phản đối phán quyết của “tòa án”. Về những vấn đề tố tụng của ông Nguyễn Khắc Toàn như các báo đề cập vào năm 1979, 1983, nếu giả định đó là sự thật, thì cho tới nay những án tích đó (nếu có) đã đương nhiên bị xóa bỏ, coi như chưa bị kết án (theo điều 63 bộ luật hình sự). Như thế các tác giả đã không hiểu biết pháp luật hay cố tình “đánh lận con đen”. Hơn nữa, nếu một người đã có những sai lầm trong quá khứ, mà hiện tại trở thành một người có tinh thần dấn thân vì xã hội như ông Nguyễn Khắc Toàn thì người đó càng xứng đáng được động viên và hoan nghênh.

Việc cho rằng ông Nguyễn Khắc Toàn là “kẻ cơ hội chính trị”, tôi không hiểu rõ ý của tác giả khi chụp cho ông Nguyễn Khắc Toàn “danh hiệu” đó liệu có phải ý muốn nói ông Nguyễn Khắc Toàn là người biết nắm lấy cơ hội để làm chính trị giúp dân giúp nước không. Nếu đúng như thế, tại sao lại không ủng hộ ông Nguyễn Khắc Toàn? Còn nếu tác giả muốn ám chỉ ông Nguyễn Khắc Toàn là tư lợi trong công việc chính trị thì theo tôi giải pháp hiệu quả nhất để chứng minh điều đó là để ông Nguyễn Khắc Toàn tham gia lãnh đạo cùng với những nhà chính trị khác trong chính quyền hiện nay để xem ông Nguyễn Khắc Toàn có “cơ hội” hơn những vị lãnh đạo hiện nay không. Nếu không, danh hiệu “ cơ hội chính trị” gắn cho ông Nguyễn Khắc Toàn không có sức thuyết phục, đó chỉ là một nhận xét cá nhân đã thoát khỏi sự thận trọng cần thiết.

Về điểm 4:

Việc nói những người đi giúp đỡ dân oan là kích động dân chúng gây rối là một âm mưu vu khống nhằm đe dọa những tấm lòng từ thiện và cô lập, đẩy những người dân oan vào bước đường cùng. Chúng ta hãy xem lại những lời tâm tình của Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ khi đến với hàng trăm dân oan tại Sài gòn ngày 17/07/2007: “Yêu cầu chính phủ phải giải quyết cho đồng bào thỏa đáng, đừng để cho đồng bào phải tiếp tục sống trong khổ cực. Xin đồng bào đừng vì quá bức xúc mà làm những chuyện quá khích”.

Bất kỳ một Nhà nước văn minh nào cũng phải đảm bảo cho người dân thể hiện những bức xúc, bất bình của cá nhân hoặc tập thể một cách công khai, ôn hòa và phải coi đó là một cơ chế cảnh báo sớm các sai lầm trong quá trình vận hành của xã hội. Những người giúp đỡ về tinh thần, hiểu biết, tạo điều kiện về vật chất và phương tiện cho những người muốn thể hiện bức xúc (nhân dân khiếu kiện chẳng hạn) cần phải được khuyến khích và bảo vệ. Những phương tiện như máy tính, điện thoại di động, camera, biểu ngữ chẳng phải là những phương tiện tối cần thiết cho việc biểu tỏ bức xúc, bất bình và chia sẻ bức xúc, bất bình một cách ôn hòa hay sao?

Hệ thống đoàn thể xã hội do Nhà nước công nhận hiện nay liệu có còn hoạt động hay không khi không thấy một đại diện của Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội người cao tuổi, Mặt trận tổ quốc,…có mặt để trợ giúp, động viên, thăm hỏi giúp đỡ những người dân oan đang sống cảnh tạm bợ ở quanh các văn phòng tiếp dân trung ương? Chính những người không thuộc các tổ chức của Nhà nước đang giúp đỡ dân oan là những người đang tự nguyện đảm nhận thay công việc của các Hội đoàn xã hội hợp pháp hiện nay, họ đang góp phần xây dựng nền tảng công bằng cho một xã hội an ninh trật tự theo ý nghĩa đứng trên lợi ích của người dân, chứ không phải một xã hội im lặng có lợi cho giới cầm quyền.

Phương châm đối ngoại của Việt nam hiện nay là “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước”. Sau thời kỳ khủng hoảng suy thoái trầm trọng của chính sách chỉ quan hệ với các nước XHCN, vẫn chưa thấy báo nào của Việt nam phê phán hoặc đặt dấu hỏi “sẵn sàng làm bạn cả với những nước có chính thể phản động”? Trong khi đó, người dân trong nước có những quan hệ, trao đổi và nhận một số trợ giúp của đồng bào hải ngoại để trợ giúp cho dân oan thì nhiều tờ báo Việt Nam dễ dàng qui chụp là “thế lực thù địch”, là “ phản nước hại dân”. Liệu có phải một số nhà báo Việt Nam đang cố tạo ra những từ ngữ truyền thống với phản nghĩa truyền thống hay không? Khi đề cập những tiêu cực, bất công của xã hội có nghĩa là “ thù địch”? Khi làm cho người cầm quyền phải có trách nhiệm có nghĩa là “ phản dân hại nước”? Phải chăng những người lãnh đạo cộng sản hoặc những người đang còn “yêu” chế độ XHCN đã quên mất rằng cần phải đứng về phía những người dân oan đáng thương đó, trong số họ đa phần là thuộc giai cấp nông dân và đang trở thành những người vô sản thực sự. Những người chấp bút các bài báo đó chắc đã quên rằng những đồng bào hải ngoại đang quan tâm trợ giúp dân oan cũng là “khúc ruột ngàn dặm” đó sao? Họ có thể không ủng hộ hoặc phản đối mô hình chính trị hiện tại, nhưng rõ ràng những việc họ đang làm chính là vì lợi ích của người dân, những người đang chịu cảnh thiệt thòi, oan ức của chính sách quản lý xã hội hiện nay.

Việc Viện Hóa Đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất có một “quĩ cứu tế dân oan” tới vài trăm triệu đồng cũng cho thấy khi một Hội đoàn hay một cá nhân không được Nhà nước ủng hộ, nhưng có tấm lòng quảng đại cứu giúp những dân oan thiệt thòi vẫn có thể nhận được sự ủng hộ, đóng góp từ đồng bào Việt nam ở khắp nơi. 300 triệu đồng Viện Hóa Đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất dự định gửi giúp tới những dân oan tại Hà nội ngày 23/08/2007 vừa qua là một số tiền lớn so với gia sản của một cá nhân bình thường, nhưng chỉ là con số rất nhỏ so với những thiếu thốn, nhu cầu của những người dân đang khiếu kiện và cũng là nhỏ so với số tiền “lót tay” hay “ giải trí” của một số đảng viên cộng sản đã phải hầu tòa trong thời gian gần đây, nhưng việc chuyển số tiền đó tới đồng bào đã bị chặn lại ngay trước những bàn tay đang cần giúp đỡ. Chính những người dân oan sẽ là người hiểu hơn ai hết ai là người vì dân ai là người đang có những hành động “phản dân hại nước”.

Vài lời kết thúc:

Một chính quyền có thể dùng các biện pháp mạnh để giấu bớt đi những bức xúc, bất công của xã hội trong một thời gian, nhưng điều đó chưa bao giờ là giải pháp làm cho xã hội ổn định hơn. Một hệ thống truyền thông do chính quyền kiểm soát có thể tạo ra một làn sóng thông tin sai lệch, nhưng sẽ chỉ làm gia tăng hiệu ứng ngược khi chính quyền đó đã mất tín nhiệm nơi dân chúng. Những người dấn thân đứng về phía những nạn nhân của một chính sách, một chính thể có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng phía sau họ luôn là đông đảo đồng bào họ và những người yêu chuộng tự do, công lý.
Phạm Hồng Sơn
30/08/2007


(1) Xin tham khảo các bài:

- “Vạch trần trò “đánh lận con đen” của Thích Quảng Độ và đồng bọn” ( Nhân Dân 25/08/2007),
- “Chặn đứng một âm mưu gây rối an ninh trật tự” ( TTXVN 25/08/2007),
- “Thích Quảng Độ và các tham vọng chính trị đội lốt tôn giáo ( Nhân Dân 28/08/2007),
- “Lật mặt những kẻ phản động kích động người khiếu kiện gây rối” ( Quân đội Nhân dân 26/08/2007),
- “Họ đang mưu toan điều gì” ( Quân đội Nhân dân 28/08/2007),
- “Bộ mặt thật những kẻ chủ mưu kích động người khiếu kiện gây rối” (Tiền phong 26, 27/08/2007),
- “Mưu đồ biến khiếu kiện thành biểu tình chống chính quyền” ( Lao động 27/08/2007),
- “Các phần tử cơ hội chính trị ngày càng lộ rõ bản chất phản động” (Lao động 25/08/2007),
- “Lật mặt những kẻ phản động kích động người khiếu kiện gây rối” (Sài gòn giải phóng 28/08/2007),
- “Ông Quảng Độ và hành động gây rối an ninh trật tự xã hội” (An ninh thế giới 29/08/2007),
- “Une organisation rebelle dementelee par la police” (Le Courrier du Vietnam 02 Sept 2007)…

Hầm chông dưới “miễn thị thực”

“… qua lời họ thì Đảng và nhà nước CSVN vẫn nuôi hận thù với những người Việt Nam ở nước ngoài …”

Nói tiếng Việt chưa phải là người Việt ?

Nhà nước Cộng sản Việt Nam thi hành quy chế “miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài” từ ngày 1/9/2007, nhưng có ai biết “hầm chông” nào núp dưới “tấm thảm” này không ?

Nguyễn Phú Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài tuyên bố trên báo Nhân Dân (29-8-07): “Quyết định miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ ngày 17-8-2007 vừa qua là sự khẳng định chủ trương trước sau như một của Ðảng và Nhà nước ta coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tạo điều kiện để bà con được hưởng những thuận tiện như công dân Việt Nam khi nhập, xuất cảnh Việt Nam. Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước Việt Nam với cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việt Nam là nước đi đầu trên thế giới khi thực hiện sự biệt đãi này”.

Nhưng trong cuộc phỏng vấn của báo Hà Nội Mới (28-8-07), Triệu Văn Thế, Đại tá Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công An lại nói những lời hận thù cường điệu: “Nội dung của Qui chế vừa là văn bản hướng dẫn thủ tục cho bà con Việt kiều, đồng thời cũng xác định chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về việc tạo điều kiện dễ dàng thuận lợi cho bà con kiều bào về nước. Chính sách đó dành cho những người gắn bó, có tình cảm với đất nước, dân tộc, không dành cho những phần tử đang có hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, suy tôn, treo cờ và mưu toan phục hồi chế độ phản cách mạng trước đây.”

Ông Thế cũng nói thêm: “Những đối tượng thuộc diện không được miễn thị thực là những người không có hộ chiếu hoặc không có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp còn giá trị ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh. Là những người thuộc diện "chưa được nhập cảnh VN" theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Giả mạo giấy tờ, cố ý khai sai sự thật khi làm thủ tục xin nhập cảnh; Vì lý do phòng chống dịch, bệnh; Vi phạm nghiêm trọng luật pháp VN trong lần nhập cảnh trước; Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, lý do đặc biệt khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.”

(Những người thuộc diện bị cấm nhập cảnh VN theo khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Nhập cảnh là các thành phần:

a) Giả mạo giấy tờ, cố ý khai sai sự thật khi làm thủ tục xin nhập cảnh;
b) Vì lý do phòng, chống dịch bệnh;
c) Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam trong lần nhập cảnh trước;
d) Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, lý do đặc biệt khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.)

Hai lý do “an ninh quốc gia” và “đặc biệt khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an” là những lý do không thể giải thích bằng luật pháp, nhưng lại cho phép Nhà nước có quyền đối xử tùy ý đối với những người họ không muốn cho nhập cảnh.

Trước đó, ngày 22/8/07, Lữ Phước Sơn thuộc Vụ Công Tác Cộng Đồng Thuộc Ủy Ban Người Việt Nam ở Nước Ngoài cũng nói với Đài BBC: “Việc chứng minh nguồn gốc Việt Nam không phải là điều khó khăn đối với kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, nhưng "chủ yếu là có thật tâm với việc về thăm quê hương, tìm hiểu cơ hội kinh doanh, du lịch và về với thiện chí, phù hợp với ý nguyện của nhân dân trong nước cũng như của đất nước Việt Nam hiện nay trong quá trình hội nhập."

Cởi mà không mở

Ba lời tuyên bố của các ông Bình, Thế và Sơn có trái ngược nhau không ? Trên nguyên tắc là có vì một mặt có vẻ như Cộng sản muốn mở rộng vòng tay đón mọi người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng thực tế không phải như vậy.

Xuyên qua lời họ thì Đảng và nhà nước CSVN vẫn nuôi hận thù với những người Việt Nam ở nước ngoài. Họ vẫn nghi ngờ những người về thăm gia đình, quê hương không thật tâm, thiếu thiện chí trong mỗi lần nhập cảnh nên họ muốn dùng Quy chế miễn thị thực để phân loại xem ai là người sẵn sàng đứng về phía họ.

Trước tiên, họ chỉ bằng lòng cho vào nước những ai họ biết chắc có “gắn bó với tình cảm đất nước, dân tộc” hay “có thật tâm với việc về thăm quê hương, tìm hiểu cơ hội kinh doanh, du lịch và về với thiện chí, phù hợp với ý nguyện của nhân dân trong nước cũng như của đất nước Việt Nam hiện nay trong quá trình hội nhập."

Nhưng “gắn bó” với đất nước, dân tộc có phải là “gắn bó” với đảng và nhà nước không và về thăm quê hương, gia đình như thế nào mới không bị coi là “không thật tâm”, “thiếu thiện chí” hay “không phù hợp với ý nguyện của nhân dân trong nước cũng như của đất nước Việt Nam” ?

Đảng CSVN nên cho người Việt ở nước ngoài biết rõ “ý nguyện của nhân dân trong nước” bây giờ là gì ? Đảng và Nhà nước CSVN đã hỏi nhân dân chưa, hay đó mới chỉ là “ý đảng” mà bảo là “ý dân” như đảng vẫn làm từ xưa đến nay ?

Kể từ ngày Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” ra đời (26/3/2004) đến nay người Việt Nam ở nước ngoài đã được Nhà nước đối xử ra sao và đảng CSVN đã làm gì để đoàn kết dân tộc ?

Nhìn chung, đảng CSVN đã hoàn toàn thất bại trong kế hoạch “đỏ hoá” cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt tại các nước có đông người Việt như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Úc. Hà Nội đã không được người Việt cộng tác tuyên truyền cho chế độ, không để cho báo chí, truyền thông của Việt Nam nhiễm độc. Đặc biệt không có cơ sở thương mại nào của người Việt chịu làm đại diện bán hàng cho Việt Nam.

Quan trọng hơn, chưa có mấy trong số trên 300 ngàn trí thức, chuyên viên người Việt đã đáp lại lời kêu gọi của đảng CSVN về giúp nước. Cũng chỉ có một số rất nhỏ trong số trên 3 triệu người Việt ở nước ngoài đã về làm ăn hay sống ở Việt Nam.

Nói một đàng làm một nẻo

Báo điện tử VietNamNet ngày 2/3//07 trích lời Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều tại Bỉ, người đã về Việt Nam, nói: “Vướng mắc cơ bản chính là rào cản tâm lý mà chưa có cơ chế phù hợp để xoá bỏ. Tôi có cảm tưởng là chưa có quyết tâm chính trị để thực thi Nghị quyết 36".
"Những tưởng sau Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, những vướng mắt trầm kha tồn đọng từ 30 năm nay sẽ được giải toả. Trên thực tế, từ hơn hai năm nay, việc huy động và sử dụng nguồn lực chất xám Việt kiều vẫn không được triển khai, dù chỉ một bước". "Cái hố tách rời do lịch sử để lại vẫn còn chưa được bồi lấp với một tốc độ cần thiết". Và vấn đề chất xám Việt kiều còn là "vấn đề quá nhạy cảm", liên quan đến nhiều cơ liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, chưa có cơ quan tổng diện điều động được nhiều bộ, đủ quyền lực, đủ tâm, đủ tầm, đủ ý chí đứng ra gánh vác."

Ông Hưng nói tiếp: "Hiện vẫn chưa thấy có những cơ chế hiệu quả, những hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện, kỳ vọng vẫn còn ở những khẩu hiệu, những trang giấy. Các cơ quan chức năng dường như đã ngừng lại, không quan tâm đúng mức cho vấn đề này nữa. VN vẫn chưa có được một "quyết tâm chính trị đủ lớn" để đề ra những cơ chế mới mang tính đột phá, đẩy lùi những rào cản tâm lý còn tồn đọng cũng như những quan niệm cũ kỹ có thể do hậu quả của lịch sử để lại".

Đó là lời của người trong cuộc hồi tháng 3. Nhưng 5 tháng sau, ngày 20/8, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hoà), Bộ Ngoại giao và Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW.

Theo báo điện tử của Trung ương đảng, tham dự có các đại diện của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số lãnh đạo các cơ quan ban ngành có liên quan ở Trung ương và đại biểu là lãnh đạo Đảng, chính quyền và những người làm công tác ngoại vụ của 14 tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

Báo này viết: “Hội nghị cũng đánh giá công tác tuyên truyền trên lĩnh vực này còn nhiều yếu kém, nhiều địa phương thực hiện thiếu nhất quán, chưa thực sự coi trọng công tác đối với người Việt nam ở nước ngoài, chưa quan tâm đúng mức đến tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi của họ, có lúc, có nơi còn gây nhiều khó khăn phiền hà hoặc thành kiến, hẹp hòi đối với một số bà con việt kiều; có nơi lại quá dễ dãi, mất cảnh giác chưa đấu tranh, ngăn chăn kịp thời với những phần tử phản động lợi dùng danh nghĩa Việt kiều chống đối nhà nước ta.”

Như vậy thì có gì để bảo đảm người Việt ở nước ngoài không hoài nghi về “sự thật thà” của đảng CSVN trong “Quyết định miễn thị thực” ?

Theo Quyết định 135/2007/QĐ-TTg, ngày 17/8/2007, giấy miễn thị thực có giá trị 5 năm và mỗi lần về Việt Nam, người có giấy này được “tạm trú tại Việt Nam không quá 90 ngày cho mỗi lần nhập cảnh.”

Bộ Công an cho biết: “Người nhập cảnh theo quy chế phải thực hiện việc khai báo tạm trú với Công an phường, xã nếu tạm trú tại nhà riêng thân nhân hoặc thông qua chủ cơ sở chứa trọ để thực hiện trình báo tạm trú nếu tạm trú tại khách sạn.”

Trong khi đó, Điều 4 của Quyết định buộc người xin cấp Giấy miễn thị thực phải có:

1. Hộ chiếu nước ngoài hoặc người chưa được cấp hộ chiếu nước ngoài thì phải có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp (kèm theo bản sao để cơ quan có thẩm quyền lưu hồ sơ).

2. Một trong những giấy tờ, tài liệu chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các giấy tờ được cấp trước đây dùng để suy đoán về Quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam.

Triệu Văn Thế, Đại tá Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công An giải thích với báo chí trong nước: “Điều quan trọng bà con phải chứng minh là người Việt Nam thông qua một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam; bản sao hoặc bản trích lục Quyết định cho thôi, cho trở lại quốc tịch Việt Nam; giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; hộ chiếu Việt Nam (kể cả đã hết giá trị); sổ hộ khẩu; giấy chứng minh nhân dân; giấy khai sinh; thẻ cử tri mới nhất; giấy tờ khác chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam (kể cả giấy tờ do chế độ cũ cấp như hộ chiếu, thẻ căn cước, bộ giấy khai sinh) hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”

“Đặc biệt, Cục QLXNC lưu ý, trong trường hợp không có một trong các loại giấy tờ nêu trên, nhất là với những người đã mất hết các loại giấy tờ, xa quê hương lâu năm thì bà con chỉ cần giấy bảo lãnh của hội đoàn của người Việt Nam ở nước đương sự cư trú hoặc bảo lãnh của công dân Việt Nam đảm bảo đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.”

“Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nếu trong đó có ghi đương sự là người có quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam cũng được xem là giấy tờ tham khảo để xét cấp giấy miễn thị thực.”

Ông Thế nói thêm: “Đối với người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam phải có giấy kết hôn, giấy khai sinh. Có thể khẳng định, thủ tục cấp giấy miễn thị thực cho bà con đã đơn giản ở mức tối đa.”

(Điều 4 của Quyết định Miễn thị thực viết: Trường hợp không có giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì đương sự có thể xuất trình giấy bảo lãnh của Hội đoàn của người Việt Nam ở nước đương sự cư trú hoặc công dân Việt Nam bảo đảm đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.)

Tại sao lại nhiều chuyện như thế ? Chẳng nhẽ một người “nói tiếng Việt, da vàng, mũi tẹt, viết được chữ Việt” mà vẫn cần phải có giấy “chứng minh là người Việt Nam” thì còn chuyện nào khôi hài hơn không ?

Hơn nữa, nếu người này phải cần đến “Giấy bảo lãnh” của một “Hội đoàn của người Việt Nam ở nước đương sự cư trú” hoặc “công dân Việt Nam” bảo đảm thì cái Hội đoàn này, nếu không phải thuộc loại “Việt kiều yêu nước” thì cũng phải thân CSVN. Và người Công dân kia cũng không ai khác là thứ “Công dân của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” có đầy đủ nghĩa vụ phải tuân lệnh nhà nước.

Trong Giấy bảo lãnh, người đứng tên phải khai đầy đủ lý lịch cá nhân và “số giấy chứng minh nhân dân Việt Nam/ số hộ chiếu”. Đối với Hội đoàn, người đại diện của tổ chức phải khai thêm : “Tên Hội đoàn” và “Chức vụ của bản thân trong Hội đoàn”.

Trong khi Giấy Đề nghị Cấp Miễn Thị Thực cũng không khỏi gây thắc mắc cho người xin. Ngoài lý lịch chi tiết, người xin giấy còn phải khai “Địa chỉ thường trú trước khi ra nước ngoài (nếu có)” và Địa chỉ, điện thoại nơi tạm trú khi về Việt Nam để “cho nhà chức trách liên hệ khi cần thiết.”

Triệu Văn Thế, Đại tá Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) - Bộ Công an giải thích tại sao người Việt ở nước ngoài phải cần Giấy Miễn Thị thực: “Sở dĩ phải cấp giấy miễn thị thực là để giúp bà con đi lại được thuận lợi, có giấy này mới lên được máy bay về VN, có giấy này nhà chức trách mới biết người nhập cảnh thuộc diện miễn thị thực để giải quyết các thủ tục nhập cảnh ở cửa khẩu, thủ tục tạm trú ở trong nước.”

Cũng nên biết rằng, Việt Nam Cộng sản hiện chưa nhìn nhận người có song tịch, cũng chưa nhìn nhận người Việt Nam có hộ tịch nước ngoài, nhưng “chưa xin thôi quốc tịch Việt Nam” là người “nước ngoài”.

Do đó, chừng nào một người còn là “người Việt Nam” thì khi vào “không phận Việt Nam” hay “nhập cảnh vào Việt Nam” phải bị chi phối bởi Luật pháp Việt Nam.

Như vậy liệu những tài liệu “Chứng minh là người Việt Nam” có sẽ là sợi giây thòng lọng treo trên đầu người Việt ở nước ngoài không ?

Phạm Trần
30/08/2007