Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2007

Trả Ta Sông Núi

Chân Và Giả



“… Cái gì giả nghĩa là đã từng có thật nhưng bây giờ không còn nữa thì người ta mới làm giả để tưởng nhớ - theo nghĩa tinh thần như tượng thuyền nhân vượt biển, theo nghĩa tiện dụng như cái chân-gỉa của người thương binh. Khi người ta làm gỉa như hai thí dụ trên là vì cái thật qúy gía không còn. Nhưng cái thật vẫn còn mà người ta cứ làm gỉa là gỉa dối như hột xoàng gỉa (không đeo hột xoàng đâu có chết). Còn làm gỉa để gạt người gạt mình là gỉa nhân gỉa nghĩa như thức ăn chay (trai) được trình bày qua hình thức mặn (mạng). Không ăn đùi gà, heo quay bằng bột cũng đâu có chết.”

“Thưa tiên sinh! Hôm nay tiên sinh, ốm?!”

“Tôi chẳng ốm đau gì sất.”

“Tiên sinh hiểu lầm rồi! Ý tôi muốn nói là tiên sinh liệu hồn! không khéo thì tiên sinh ốm đòn.”

(Cả bàn cười ha hả).

“Tôi biết! Cánh đàn ông ngoài garage này không nỡ đánh tôi vì nhìn đi nhìn lại thì tôi to xác nhất, các bà trong nhà thì còn lo ăn chay cho no bụng để có sức mà bàn về việc đai-ẹt (diet). Sau đó lo… lo qua lo lại hai cái lọ, chẳng ai rỗi hơi mà tẩm quất cho tôi. Các ông còn nhớ người xưa có câu: ‘điếc hay ngóng, ngọng hay nói’ với câu: ‘xấu ưa làm tốt, dốt ưa nói chữ’ là thói đời nó thế! Người nông dân nắng mưa dãi dầu nên ưa nằm mơ thấy mình là quân vương, sống trong nhung lụa. Hoàng thượng sống trong nhung lụa thì lại thường nằm mơ thấy mình ra đồng với cái cày, con trâu cho đời thanh thản. Tương tự như thế! Những người học thật thường ẩn dật, nên ngoài lề đường mới nhiều học gỉa, tiên sinh… chữ nghĩa bây giờ rẻ nên người ta xài hoang!”

“Vậy! Xin hỏi: Tiên sinh đây là học gỉa hay học thật, ạ!”

“Tôi bảo ông dốt thì ông không tin vì ông tin tôi dốt hơn ông. Nhưng tôi nói ngược lại, nói cho đúng ý ông thì ông hoang mang vì ông cũng đâu tin ông giỏi đến thế! Sau đó, ông đổ thừa cho tôi là kẻ nịnh để ông không chịu trách nhiệm về việc tôi khen ông giỏi - khi có ai chất vấn ông. Nhưng thâm tâm ông hài lòng với ý nghĩ mình giỏi một cách trí trá hơn cả câu nịnh bợ - cũng gỉa trá nốt - nếu tôi có nói. Cái chân và gỉa trệu trạo muôn đời để cùng tồn tại cho mọi thành phần, mọi hoàn cảnh… có thể lý giải được những việc không nên làm trở thành chấp nhận được và những việc đương nhiên trở thành vô lý - khi cần. Nếu tôi là học thật thì tôi đã ngồi nhà gãi đầu gối chứ đâu cất công đến đây để hầu chuyện các ông dốt thâm căn cố đế mà trường hợp cá nhân tôi đã chứng thực được câu: ‘ở bầu thì tròn ở ống thì dài’; ‘gần mực thì đen gần đèn thì sáng’ có tự ngàn đời.”

“Chắc tiên sinh đã thấy sao hộ mạng của tiên sinh tắt hôm nay?”

“Thì sang năm, các ông được đi ăn giỗ kẻ hèn này!”

“Lão này hôm nay phải gió thì phải!”

“ Đùa với các ông cho vui. Đừng ai đánh tôi nhé. Tôi mà biết vợ chồng gia chủ nhà này cho ăn chay thì tôi đã ở nhà làm homework, (xe cần thay nhớt, cần rửa, cỏ chưa cắt, tóc chưa hớt…) Nhưng cái tật ham vui và nhất là… ham ăn. Đúng là tham thực cực thân mà mò đến đây”.

“Thế tiên sinh đã nghe: ‘miếng ăn qúa khẩu thì tàn’?”

“Tôi biết cả: ‘không ăn một miếng lộn gan lên đầu’ Nhưng thật tình mà nói thì tôi không thích mấy - khi nhìn món ăn chay mà làm cho giống cái đùi gà (một cọng xả giống giống như cái xương đùi của con gà, chung quanh bọc mì căn, nhân bên trong là đậu hũ, nấm mèo với cà rốt xắt sợi, bún tàu…) Công nhận là ngoài những người phụ nữ chỉ biết đi mua thì người phụ nữ Việt Nam khéo tay mà theo tôi là nhất thế giới, nhìn y như cái đùi gà chiên ngoài tiệm ông gìa mắt kính (Kentucky). Không biết khi cúng, người được cúng có nổi giận?! Khi ăn, người mời ăn và người được mời ăn có lừa được mình là ‘real chicken’ hay không?!

Tôi thì chịu, ban nãy đến đây, tôi thấy dĩa heo quay đỏ tươi trên bàn. Ỉ chỗ thân tình nên tôi rón ngay một miếng - khai vị. Ai dè, hoàn toàn là bột. Lớp đỏ tươi bên ngoài nhìn hấp dẫn như da heo quay, kế đến lớp trắng trong như mỡ, đến lớp đục màu thịt heo chín. Lớp bột trong cùng còn quét màu nâu-nâu-đen, nướng cháy cháy y như heo quay chánh hiệu ông Tàu. Bỏ vô miệng rồi mới biết là hiệu ông… Phật.

Thời buổi này lường gạt lấn sân vô tới cửa thiền môn rồi sao trời? Đến khi vỡ lẽ ra là ngày tẩy trần nên các bà cho ăn chay. Thế là tôi thất vọng! Ra đây uống bia với các ông, không biết các ông có cảm giác (cảm nhận) như tôi: Cữ hễ ăn chay thì thèm mặn, ăn cơm thì thèm phở, (đừng nghĩ lung tung đấy nhá!) Nhân danh sự ấm ức cá nhân, tôi kể về thịt chó bảy món cho các ông nghe vì đêm qua tôi khó ngủ, cứ trằn trọc mãi mới nghĩ ra là mình nhớ thịt chó! Coi như chuyện ăn mặn nói ngay ăn chay nói dóc”.

“Chúng tôi thấy tiên sinh chỉ còn có ăn đòn là biết thân…”

“ Trong đám không dám đánh mình vì sợ thì có ngày, có kẻ bỗng hết sợ! Và trong đám không nỡ đánh mình vì thương thì cũng có ngày, có kẻ hết thương! Nên tôi biết dừng lại ở cái chừng mực… sắp ăn đòn! Yên chí đi.

… các ông biết không? Thịt chó ăn theo miền nên đừng nói là ở đâu có con chó ngon nhất; ở đâu nấu ngon nhất, cũng trật hết. Thần dân cẩu xực (là ăn thịt chó chứ đừng nghĩ là ăn như chó, tiếng Tàu nói ngược, nó thế!) cùng đồng ý với nhau là: nhất mực nhì vàng tam khoang tứ đốm. Nhưng không có bốn thứ cao cấp ấy thì con vằn, con vện cũng ngon như thường bởi người hiểu biết đâu có mấy: ‘đông mè hè khuyển’ là kinh điển. Mùa đông lạnh nên hỏa nhiệt tâm thân không bốc ra ngoài được, các cụ ta ăn cá mè là loại thực phẩm hàn - mát để giải bớt thân nhiệt. Mùa hè nóng làm cho thân nhiệt bốc qúa, tâm thân bị hàn nên ăn thịt chó là thực phẩm hỏa - nóng để sưởi lòng. Ý nghĩa của câu ‘đông mè hè khuyển’ được giải thích theo thuyết âm dương trong y học cổ truyền và tư tưởng phương Đông là thế.

Như người Đại Hàn, nội cái tên quốc gia của họ, nghe đã đóng băng nhưng họ chén thịt chó vào loại nhất hành tinh là vì con người và con chó có thể ăn chung mọi loại thực phẩm - trừ phế phẩm từ con người thì con chó không phải giành với con người. Nhưng con gì sống chung với con người thì cũng đồng nghĩa với trên đà tuyệt chủng! Con người ăn con chó để bảo toàn thực phẩm cho mình ở miền gía băng. Nghèo đói thì ai dư hơi mà nghĩ đến thuyết âm dương. Nam Hàn mới khá lên đây thôi, cứ vào Nhà hàng của một dân tộc, nếm qua các món ăn đặc sản của họ thì đoán được dân tộc đó giàu hay nghèo. Ẩm thực, ngoài việc nói lên Văn hóa dân tộc, nó còn nói lên sự giàu nghèo thâm căn cố đế của dân tộc ấy. Có ai tìm được cái đầu cá hay ruột cá trong Nhà hàng Mỹ? Con tôm lớn đã đành, con tôm bé teo, họ cũng bóc vỏ chứ không ăn cho có chất vôi (can-xi) như lý giải ở những nước nghèo.

Còn ở quê ta, miền Bắc thuộc xứ lạnh nhưng đâu phải nhà ai cũng có ao cá mè để ăn. Các cụ ta ăn thịt chó bốn mùa vì đói nghèo cũng như Đại Hàn vậy. Trong miền Nam nóng bỏ bu, đúng là nên ăn thịt chó theo câu: ‘đông mè hè khuyển’ nhưng chẳng ai ăn trước khi có người Bắc di cư vào Nam mà đúng nhất là trước khi Hòa bình lập lại. Sau ’75 không ăn thịt chó thì ăn thịt nhau à? Có thịt gì đâu mà ăn! Ơn cách mạng là ở chỗ đó. Trước ’75, người miền Nam không ăn thịt chó, người Bắc có ăn bởi nhớ quê xưa chứ không phải đói cá, đói thịt đến phải ăn thịt chó trong đất miền Nam. Nói tóm lại: Thuyết âm dương bát ngát nên chỉ giành cho giới học gỉa khi trà dư tửu hậu; giới học thật - tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ thì có cái bỏ vào miệng đã là may trên một đất nước điêu linh. Trên tinh thần ấy, tôi kể các ông nghe:

Gia đình tôi thuộc diện di cư (Bắc ’54), tôi đi tàu há mồm vào Nam từ khi còn rất bé nên chẳng nhớ gì nhiều về quê hương Bắc bộ. Người trong Nam hát nhạo người Bắc di cư là: ”từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau, tay kia cầm sợi dây để trói con cầy…” không sai, không sai vì chính tôi được ăn thịt chó ngay trên tàu há mồm. Mẹ tôi dấu cách nào thì tôi không biết, cứ thỉnh thoảng bỏ vào miệng tôi một miếng thịt luộc đã khô săn, cho có chất thịt… chó, làm như không ăn thì mất gốc Bắc không bằng! Trên tàu, họ có cho ăn tử tế! Tôi còn nhớ thế. Nhưng tôi nhớ cái mùi thịt chó luộc đã mươi ngày ấy đến đêm qua, đến hết đời tôi cũng có thể lắm! Tôi nhớ song song với hình ảnh đoàn người di cư xuống tàu như đàn gia súc, có những ông Tây cao to xịt thuốc trừ chấy rận. Không có họa cộng sản thì con người đâu bị chà đạp nhân phẩm, khinh khi đến đụng chạm vào lòng tự ái ngay trên quê hương mình để đời đời ấn tượng trong tuổi thơ.

Theo ông cụ tôi thì thịt chó luộc xong ăn ngay sẽ bị khai khai mùi nước tiểu trẻ con, nên người sành điệu là luộc xong cái đùi trước của con chó (đùi trước ăn thịt luộc, đùi sau ăn rựa mận là sành điệu) thịt luộc treo lên gác bếp giăm hôm, chẳng thiu thối gì đâu, (thịt chó có cái đặc biệt là ăn bị giắt răng đến hôm sau cũng không hôi, treo đến khô không hư) khi hạ xuống thái lát vừa ăn thì thịt rất săn chắc vì đã róc hết nước, bay hết mùi khai, chấm miếng mắm tôm, ăn kèm với cái lá mơ, lát riềng non thái mỏng thì linh hồn bay đến thiên đàng. Chắc thế nên mới có truyện: “Trẻ con không được ăn thịt chó” của đại văn hào Ngô Tất Tố, đã lột mặt nạ để phô ra bộ mặt thật của con người và cuộc sống trên một miền đất nước lầm than.

Nhưng khi miếng thịt chó di cư, khi vào miền Nam rồi thì chỉ có nhịn thèm vì không thấy người trong Nam ăn thịt chó nên các cụ di cư ưa nhắc nhau như chúng ta giờ đây ưa nói về những món ăn bình dân ở quê nhà - tùy miền của người nói (kể). Sau ’75 thì Nam Bắc một nhà - đói rách như nhau nên ăn thịt chó có tính thống nhất từ Bắc vô Nam. (Món chó xào lăn, hầm nước dừa bắt đầu xuất hiện ở những xóm làng miền Nam. Đạo đời xào xáo là chó nấu chao, ướp chao nướng vỉ).

Riêng tôi, nhiều đêm nằm nhớ thịt chó như nhớ người yêu. Tôi nói bà xã thì bà ấy hỏi ngược lại mình: “Bây giờ về Việt Nam, liệu anh còn dám ăn không?” Tôi thật không trả lời được vì chính mình đã thay đổi rồi thì phải?! Bởi cứ nhìn những đứa trẻ trong nhà mình, chúng nó ôm ấp, hôn hít con chó như người bạn thân thì mình có nỡ ăn thịt bạn của con mình không? Nói ra thì sợ người đời mắng nhiếc: trưởng gỉa học làm sang. Tôi nín thinh như lúa trong bồ tới hôm nhà tôi xin đâu miếng mẻ, bà ấy đi chợ mua cá trê, riềng, thì là… đủ gia vị để thực hiện món cá trê om mẻ. Đến lúc hỏi tôi: “Anh còn nhớ ngày xưa mẹ nấu món này ra sao không?”

Tôi trổ tài liền! Ôi thôi. Tôi bày la liệt cái nhà bếp. Vợ tôi dọn dẹp thấy tội luôn. Tội nhất là bà ấy phải lồng đến mấy lượt bao ny-lon để trút nồi cá trê om mẻ của tôi vào và đi bỏ thùng rác”.

“Nam mô a di đà Phật! Bạch tiên sinh, hôm nay bọn hèn không ăn chay thì đã khiêng tiên sinh ném xuống bể bơi. Chuyện bá vơ thế cũng kể.”

“Nhưng tôi thành công món khác, các ông ạ! Để tôi kể cho các ông nghe trước, nếu được chấp nhận thì lần sau họp mặt, tôi làm cho các ông thưởng thức.”

“Được. Tiên sinh mà bá vơ thêm một lần nữa thì chúng tôi xử trảm tiên sinh đấy!”

“…thế này, tôi cho là thất bại cái món cá trê om mẻ bởi hai nguyên do: Cá trê đông lạnh nên thịt con cá bị ứ máu trong đó mà phát tanh (tanh khiếp). Thứ hai, mẻ ở đây vàng vàng chứ không trắng như hũ mẻ ngày xưa ở nhà tôi. Tôi vào Sở làm hỏi một chị bạn - Bắc rặt. Chị cho biết: Con mẻ ở đây yếu lắm, không khỏe như con mẹ! Mẻ Mỹ không ăn cơm thiu, cơm thừa như bên nhà được. Chị phải nấu cháo đặc, để nguội cho mẻ ăn và giữ vệ sinh cẩn thận cho hũ mẻ trong tủ bếp, nghĩa là nơi không nóng cũng không lạnh, không sáng cũng không tối, thì mẻ mới trắng được. Mẻ bị vàng nghĩa là có qúa nhiều con mẻ chết trong đó nên khi nấu lên ăn có hậu đăng đắng. Té ra mẻ vàng thì đắng mẻ trắng thì chua, mẻ chùa thì… tôi không biết! (Các ông cười cái gì? Đừng có mà ăn chay nghĩ mặn!)”

“Đúng là đồ con mẻ…”

“Nhưng không có con mẻ thì cũng phiền lắm cơ! Tôi tự gầy cho mình một hũ mẻ, trắng phau nhá! (Đừng có cười. Để tôi nói) J Tôi nhớ da diết cái mùi rựa mận ăn với bún tươi - khi mà ngày nào cũng xoay quanh mấy món chán chết được. Tôi lại ra tay cho vợ được dọn dẹp nhà bếp, nhưng lần này thành công mỹ mãn. Tôi đi chợ mua giò heo nhưng chỉ mua móng thôi, không mua phần trên đầu gối, lắm thịt thì ngon gì? Phải gân gân sần sật… mới đã! Vợ tôi dặn với theo: ‘mua giò Việt Nam ít mỡ, không lông anh nhá!’ Tôi thì không hảo ngoại nhưng nghĩ mua giò bên chợ Hồng-Kông ngon hơn, tôi thấy hệ thống tủ lạnh ở chợ ấy có uy tín! Phần các bà sợ bên chợ Hồng-Kông bán mắc hơn bên chợ Việt Nam chút đỉnh. Ai dè, giò Việt Nam không mỡ không lông thật các ông ạ! Giò Hồng-Kông lông không với mỡ, phát ớn. May là tôi không ghé chợ Mỹ! Chẳng biết còn kinh đến đâu?

Đem về, tôi cho lên lò nướng, mở lửa đùng đùng mà chẳng thấm vào đâu, chờ đến bao giờ nó mới cháy vàng như thui đây chớ! Tôi lấy cái đèn khò hàn máng xối, tôi khò lũ móng heo cháy vàng ươm, thơm nức mũi. Vợ tôi đem rửa nước, bà ấy lấy cục chùi soong, chùi nồi, chùi sạch đến trắng ra như chưa thui. (Vợ tôi mà không phá tôi thì bà ấy chịu không được! Hay cốt ý trả thù lần trước thì còn trong nghi án.) Tôi giận run vì tất tần tật đã công giã tràng. Tôi đành khò lần nữa, lần này tôi khò cho cháy đen luôn, khi rửa lại nó vàng sỉn ngả sang màu hơi nâu là vừa, các ông ạ! Thơm lắm.

Tôi ướp tí muối, đường, bột ngọt, tiêu trắng, cooking wine rồi để đấy. Đi xem hũ mẻ thì trắng có trắng, tôi khều một tí đưa lên kính hiển vi, cộng quân ngo ngoe thấy ớn! Bọn nằm vùng cỡ nào cũng lọt vô được bí mật quốc gia. Tôi phân vân vì lâu qúa không ăn mẻ, chả biết có sao không đây? Tôi cho chúng vào máy xay sinh tố, bấm nút năm phút trả thù! Chúng nó chóng mặt cả lũ khi tôi đưa lên kính hiển vi lần thứ hai hay chết tan xác hết bọn phỉ rồi thì phải! Tôi biết chúng đã chết tan xác trong ấy nhưng nhìn đỡ sợ. Tôi lược lại, bỏ xác nhưng xác cũng chẳng còn vì cái máy xay sinh tố nhà tôi nhìn vào đến bốn lưỡi dao-thấy ớn. Tôi bắc nồi giò ướp sẵn lên bếp, đổ nước mẻ vào nấu. Vợ tôi giã riềng bằng cối đá, tôi nhớ khi xưa ăn rựa mận ưa bị lảm xảm trong miệng bởi xác riềng giã trong cái nón sắt của lính, thế là tôi cho riềng vào máy xay, xay và lọc vài tua thì loại được xác riềng ra khỏi món tổng hợp. Khi đổ nước riềng vào nồi giò đang sôi với mẻ, hơi rựa mận bốc lên ngay, các ông ạ! Tôi chỉ còn việc ngồi canh cho giò chín tới (cứng qúa ăn không được mà mềm qúa thì ngán).

Trong nhà, vợ tôi luộc bún. Tôi ngồi đọc báo ngoài sau hè cũng là ngồi canh lửa, vớt bọt. Hình ảnh xa xưa lại thoáng hiện những gương mặt trong gia đình. Những anh em tôi khi còn nhỏ cứ tò tò sau lưng ông cụ nhà tôi chờ từ chó chết đến chó chín! Bố tôi chỉ ra tay khi nấu thịt chó chứ thức ăn ngày thường thì mẹ tôi nấu. Bố tôi có thói quen khi mời bạn bè về nhà thì vợ con trở thành những người phục vụ, nhưng hôm nào ông cụ nấu cho vợ con ăn thì dứt khoát không tiếp bạn bè. (Dù họ có vô tình đến, cũng chỉ mời ly nước trà rồi tiễn khách chứ không mời ở lại ăn như người trong Nam thường dùng câu: “gặp bữa…” Bố tôi không đi đâu trong ngày phục vụ vợ con dù bất kỳ ai rủ rê, mời mọc).

Tôi nhớ mãi hình ảnh anh em tôi được ngồi bàn ăn bảnh chọe như người lớn, bố mẹ tôi thành hai người phục vụ chứ không phải con nít thì múc cho một tô là xong! Bố mẹ tôi tôn trọng con nít ngang với người lớn là một tiến bộ bị lên tiếng nhất so với những gia đình chú bác của tôi. Ở nhà chú bác, con nít chỉ được ăn sau khi dọn bàn của người lớn ở nhà trên xuống-còn gì ăn nấy! Ký ức không đẹp ấy đeo đẳng cả đời cô em họ tôi. Bây giờ cô ấy dọn bàn cho con nít ăn trước, còn gì người lớn ăn sau để trả thù tiền kiếp, cũng là một cách trả thù ngạo mạn đấy chứ! Tôi rất thích được cô em họ gọi mời ăn uống vì nó làm sống lại hình ảnh gia đình tôi thuở xưa.

Tôi vẫn thấy mùi hương chưa phải lắm! Chưa đúng mùi rựa mận nên bàn với vợ. Nhà tôi lần này không phá tôi như lần trước, bà ấy lấy hũ mắm tôm cho vào một muỗng (muỗng cà phê), mùi bốc lên ngay! Y chang. “Mươi phút nữa là giò vừa ăn đấy anh ạ!” Chẳng biết mùi rựa mận có làm cho hương sắc thêm đậm đà mà ăn nói ngọt ngào đến lạ! Bà ấy đi dọn bàn ăn tử tế, trông xom tụ lắm! Tôi nghĩ gì không biết? Bảo nhà tôi dọn cúng bố mẹ trước đi rồi mình ăn.

Khi mùi gỉa cầy quyện với mùi hương (nhang) trên bàn thờ, tôi thấy hãnh diện hơn thành qủa đạt được trên nước Mỹ! Tấm lòng đối với tiền nhân mới đích thực là cái cần - hơn cái có. Đầu óc khoa học kỹ thuật trong tôi thì bảo là các cụ đã là cát bụi vô tri nhưng lòng thành thì thấy hai cụ đang chén gỉa cầy hể hả. Tôi tự hỏi lại mình: Đâu là chân? Đâu là gỉa? Đi tìm sự rạch ròi giữa chân và gỉa để làm gì khi đời sống vốn dĩ hư-thực. Các ông thấy sao?”

“Vấn đề là cuối cùng thì chị nhà phải lồng mấy cái bịt ny-lon?”

“Không. Lần này ngon lành. Nhà tôi không nể mặt ông bác sĩ cảnh báo cholesteron gì nữa! bà ấy làm tới thấy thương luôn. Tôi dấm dẳng được vài miếng thấy ngon, no cơn thèm hơn là no bụng. Tôi hiểu ra một điều là ký ức cũng biết đói chứ chả riêng gì cái bao tử. Nếu các ông muốn thử thì tôi cũng không tiếc công đâu. Tuần sau nhé?”

“Để chúng tôi xem lại phần bảo hiểm nhân thọ cho kỹ, chắc ăn rồi ăn gỉa cầy tiên sinh nấu sau vậy!”

“Ngon thật đấy! Nhưng tôi trình bày với các ông để nghị sự xem mình có nên gọi món ấy là “Giò heo nấu mẻ” cho nó chính xác với nó! Tại sao phải gọi là gỉa cầy trong khi nó là giò heo. Giò heo có cái ngon khác với thịt chó. Người Việt thì dù ở đâu cũng cứ tự hào mình là người Việt, sao phải mang tên Mỹ để nghe lủng củng cái lỗ tai người khác? Bộ tên Mỹ thì con người có gía trị hơn sao? Các ông tưởng tượng ngài Bob họ Vũ thì ra cái thể thống gì? Còn gì là học gỉa!”

Tiên sinh diễn thuyết tới lên đèn mới ra về, vài tuần sau tiên sinh triệu tập khách thưởng ngoạn toàn học gỉa với tiên sinh, chẳng có học thật nào góp mặt nhưng món giò heo nấu gỉa cầy của tiên sinh thì ngon thật. Nên mọi người đồng ý cho tiên sinh chính thức gọi món ấy là: “giò heo nấu mẻ” chứ không gọi là gỉa cầy để mất uy-tín-con-heo.

Phan

NGUYỄN CAO KỲ: CON NGƯỜI HAI MẶT

Tranh: Babui (DCVOnline)

Kính gởi ông Nguyễn Cao Kỳ

Sau lời phát biểu a dua, nịnh bợ của ông với phái đoàn CSVN do nguyễn minh Triết cầm đầu trong chuyến công du đầy thất bại và nhục nhã vừa qua tại đất nước Hoa kỳ, và trong bài viết "Việt nam đa nguyên: con đường phải đến" của tôi đăng trên các trang web: Tiếng nói Tự do Dân chủ, Đối thoại, Ý kiến…, tôi cũng nhấn mạnh rằng: cá nhân ông không đủ khả năng để cứu nổi ĐCSVN tồn tại được.

Thời gian qua cũng có rất nhiều người lên tiếng phản bác về sự ngông cuồng, ngạo mạn của ông, tôi dự định sẽ không nói thêm gì về ông nữa để đầu óc được rảnh rang mà nghĩ đến việc làm có ích khác. Nhưng hàng ngày các cơ quan truyền thông báo chí, đài phát thanh, truyền hình cùng với lối tuyên truyền của các cán bộ đảng viên trong guồng máy CSVN khiến cho tôi phải xấu hổ dùm ông, cho nên tôi đành phải viết lên những dòng chữ này, hy vọng rằng ông sẽ đọc được mà suy gẫm lại chính mình.

Trước hết tôi xin tự giới thiệu với ông, tôi là một quân nhân Không quân của VNCH (binh chủng do ông làm tư lệnh và lúc đó ông là người đầu tiên hô hào Bắc tiến). Nhưng thời gian tôi đi lính thì ông là phó tổng thống, thú thật trước đây tôi rất có cảm tình với ông nhất là giây phút Sàigòn lâm nguy do sự do sự hèn nhát của tân tổng thống chỉ định Dương văn Minh và một số tướng lãnh lúc đó, chính ông đã đề xuất tử thủ và mở kho súng dự trữ để phát cho dân Sàigòn, nhưng rồi cách nay khoảng 9, 10 năm tôi còn nhớ trong chương trình thiên niên kỷ của đài BBC, một phóng viên đã hỏi ông về lý do tại sao ông lại thay đổi lập trường thì ông trả lời: Lúc trước tôi phát biểu để lấy phiếu, còn bây giờ tôi phát biểu với thực lòng. Từ đó tất cả những cảm tình của tôi dành cho ông coi như đã hết, nhưng tôi nghĩ rằng dù cho ông có phản bội lại quê hương, phản bội lại những người đã một thời cùng đi trên con đường chính nghĩa với mình, cũng như quay lưng lại với nhân dân những con người chân lấm tay bùn chắc chiu từng đồng tiền để đóng thuế vào ngân sách quốc gia cho ông tự do sung sướng, và với lòng tự trọng tối thiểu của một con người chắc có lẽ ông cũng không đến nỗi phải bán rẻ lương tâm mà cúi lòn một cách nhục nhã trước bọn người đã làm tan nát quê hương mình.

Riêng tôi cũng còn chút lịch sự với ông. Chắc ông cũng biết rằng: trào lưu tiến hóa của loài người là sự cạnh tranh để cùng nhau tiến bộ, con đường đó bắt buộc phải là đa nguyên trên mọi lĩnh vực từ kinh tế lẫn chính trị…. và đó cũng là con đường mà quyền tự do dân chủ, nhân quyền, bình đẳng…. của người dân phải được tôn trọng, những chính quyền độc tài,độc đoán dù không phải là CS thì sẽ không bao giờ tồn tại trong thời đại này. Vì thế mà đã có biết bao nhiêu người phải hy sinh cho việc làm đầy chính nghĩa.

Thiết tưởng ông cũng là một con người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc VN, dĩ nhiên ông vẫn biết ĐCSVN đã cai trị và hành hạ đồng bào ruột thịt của mình như thế nào rồi. Hàng trăm ngàn người dân vô tội phải chịu chết oan trong đợt cải cách ruộng đất thời gian 1954 – 1956, biết bao nhà trí thức bị tù đầy trong đợt thanh trừng nhân văn giai phẩm, cũng như hàng chục ngàn người dân ở Huế bị chôn sống trong các mồ chôn tập thể khi CS tạm chiếm vào dịp tết Mậu thân năm 1968….., chắc có lẽ ông cũng biết sự điêu ngoa, giả dối và tàn bạo của những con người lãnh đạo trong hàng ngũ ĐCSVN điển hình là Hồ chí Minh (xin ông tìm đọc cuốn sách về huyền thoại của Hồ chí Minh vừa được LM Nguyễn hữu Lễ xuất bản, hoặc trên trang web: vietnamexodus.org thì sẽ rõ).

Riêng đối với ĐCSVN kể từ ngày tiếm quyền lãnh đạo đất nước đến nay họ đã làm được gì ? ngoài việc dâng đất và hải đảo của Tổ quốc cho quan thầy Trung quốc điển hình là quần đảo Hoàng sa và phần đất Ải Nam Quan vùng đất địa đầu giới tuyến trong hiệp định biên giới vào cuối năm 1999, họ còn tạo cho Việt nam ngày nay nằm trong danh sách nghèo nhất thế giới, tham nhũng nhất thế giới, nhân công rẻ nhất thế giới, lao động bị bốc lột nhất thế giới, con gái phải tình nguyện làm nô lệ tình dục nhiều nhất thế giới để mong có tiền giúp đỡ gia đình, nhân dân bị chính quyền cướp đất đai không chịu nỗi cho nên đã phải nằm sương dãi nắng để kêu oan tại các cơ quan đầu não của trung ương điển hình là tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội) và văn phòng Quốc Hội 2 ở Sàigòn mà hiện nay vẫn còn tiếp diễn, bất chấp mọi sự đàn áp thô bạo của công an CS.

Vai trò Hòn ngọc Viễn đông mà miền Nam Việt Nam đã có trước 1975 giờ đây đã không còn nữa, cơ quan quyền lực tối cao của đất nước là Quốc hội thì gần 100% là đảng viên do đảng đưa ra, hiến pháp và luật pháp thì chồng chéo và mâu thuẩn với nhau để lừa gạt nhân dân, tất cả các cơ quan ban nghành dù nhỏ nhất cũng phải là đảng viên đứng đầu…., nói về sự mỵ dân của ĐCSVN thì đây là câu chuyện dài không có hồi kết thúc.

Kính thưa ông (tôi dùng chữ kính thưa để gọi là còn chút lịch sự với ông), trong bữa tiệc chiêu đãi của Nguyễn Minh Triết tại một vùng hẻo lánh của miền nam California ông nói rằng: Trước đây ông cũng có chủ trương thống nhất đất nước, nhưng người anh em phía bên kia (miền Bắc) đã làm được, bây giờ ông kêu gọi mọi người hãy cùng nhau phục tùng ĐCSVN và nghe theo lời kêu gọi của Nguyễn Minh Triết xóa bỏ hận thù để xây dựng quê hương, ông còn cho Triết là người yêu nước thật sự, một sự lố bịch nữa là ông ra lệnh cho những người trước đây dưới quyền chỉ huy của ông: hôm nay mọi bất đồng đều được chấm dứt. Ông lấy tư cách gì để nói lên những điều tồi tệ này trong khi tên tuổi của ông đã không còn gì trong cộng đồng dân tộc ?

Vấn đề thống nhất đất nước và xây dựng quê hương là ước mơ của toàn dân Việt Nam, nhưng không phải vì chuyện thống nhất mà nhân dân phải cam chịu sống dưới một chế độ độc tài, độc đoán của Chủ nghiã Cộng sản đã bị cả thế giới lên án và từ bỏ, không phải vì ước mơ thống nhất mà người dân lại chấp nhận từ bỏ quyền làm người cơ bản nhất cũng như cúi đầu nhận chịu sự lãnh đạo vĩnh viễn và độc nhất của ĐCSVN chỉ có hơn hai triệu đảng viên trong tổng số trên 80 triệu người còn lại. Ông có nghĩ rằng nếu hơn 62 năm vừa qua mà nước Việt Nam đi theo con đường đa nguyên, đa đảng thì đất nước có thua Thái Lan, Nam Hàn, Singgapore, Malaysia …. như ngày nay không? Ông đừng nhìn thấy VN ngày nay nhờ có sự kinh doanh của các nhà đầu tư của tư bản nước ngoài (vì nhân công VN rẻ mạt so với các nước khác), nhờ được vay những số tiền khổng lồ của các ngân hàng thế giới, cho nên nền kinh tế bấp bênh của đất nước có phần tiến triển mà ông cho là ĐCSVN có tài để rồi hết lời ca ngợi tung hô.

Cái tiến bộ của Việt Nam ngày nay khá hơn ngày trước là chỉ nhìn từ góc độ đất nước Việt Nam, cũng như ngày hôm qua mình đói bây giờ mình không đói thì cho là mình có tiến bộ, chớ đối với các nước trong khu vực cùng hoàn cảnh với mình lúc trước thì mình không bằng ai như: Singapore, Nam hàm, Malaixia, Đài Loan, Thái Lan… .Nhờ đục khoét tiền thế giới cho Việt Nam vay mượn mà các nhà lãnh đạo CSVN mới tự do có tiền gởi vào các ngân hàng quốc tế mỗi người hàng trăm triệu đôla (xin ông tìm hiểu sẽ biết), rồi đây con cháu của chúng ta sẽ trả đến bao giờ mới dứt. Ông đã vô cảm trước nỗi đau của đồng bào mình để đi theo và ca tụng những con người CS mà cả thế giới văn minh đều nguyền rủa thì đó là quyền của ông.
Nhân dân Việt Nam trong đó có cả cộng đồng người Việt hải ngoại và những người trước 1975 mà ông cho là dưới quyền chỉ huy của ông chỉ khuyên ông là từ nay về sau ông nên câm miệng, đừng có mạo danh mà tuyên bố lung tung nữa bởi vì cá nhân ông bây giờ chỉ là một con giòi trong đống c… mà thôi, ông nên nịnh hót ĐCSVN để gia tài và cơ sở làm ăn của ông tại Việt Nam đừng bị phá sản khi mà con bài của ông không còn hiệu quả nữa.

Tôi nghĩ chắc ông cũng không còn dám trở qua Mỹ để sống tự do như lúc trước nữa đâu, dù sao ở Việt Nam vẫn còn một phòng sang trọng của nhà thương điên Biên Hòa mà ĐCSVN sẽ dành cho ông sau này. Dù cho cố Tổng thống Nguyễn văn Thiệu không đủ khả năng để chiến thắng CS, nhưng với lời nói: "Ðừng tin những gì CS nói, mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm" sẽ đi vào lịch sử, rất đúng và mọi người có lương tri cần phải học thuộc lòng, "hùm chết để da, người ta chết để tiếng" nghe ông. Tôi chỉ khuyên ông là nên suy nghĩ lại việc làm cũng như lời nói của mình để mà sám hối trước lịch sử và nhân dân ngay bây giờ trước khi quá muộn.

Trong tương lai con đường đa nguyên, đa đảng sẽ là bước đi của dân tộc và đất nước, còn ĐCSVN sẽ tồn tại nhưng không bao giờ có cơ hội độc quyền, độc đoán như ngày nay nữa đâu. Xin chào ông

Ngày 06/07/2007
Hoàng Trung Chánh

VIỆT NAM ĐA NGUYÊN: CON ĐƯỜNG PHẢI ĐẾN

Trong hoàn cảnh đau thương mà hiện nay nhân dân đang phải gánh chịu. Rất mong những nhà lãnh đạo ĐCSVN, lực lượng công an,quân đội … những người đang trực tiếp đàn áp các phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ, đang thực thi các chính sách độc tài phản dân chủ hãy tự vấn lương tâm, sáng suốt nhận định đúng, sai để từ đó dừng tay và cùng với nhân dân xây dựng lại những gì đã mất.

Các chiến sĩ công an, quân đội đừng vì danh lợi đê hèn trong cuộc sống, đừng vì miếng cơm manh áo mà tiếp tục vâng lệnh cấp trên làm điều bất chánh. Các nhà đối lập bất đồng chính kiến hiện nay họ đã can đảm nói lên cái sai trái mà ĐCSVN đã và đang theo đuổi, họ là những ân nhân của dân tộc trong đó có gia đình và thân nhân của cả công an, quân đội và các thành phần cán bộ đảng viên trong guồng máy độc tài đảng trị.

Tự do ngôn luận, tự do nói lên cái sai trái của chính quyền, tự do lập hội, tư do báo chí…. là những việc làm đáng được hoan nghênh mà các nước tiến bộ trên thế giới đang theo đuổi, các công ước quốc tế về quyền làm người và Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền của LHQ cũng được chính quyền CSVN cam kết thi hành, ngay cả điều 69 của Hiến pháp Việt Nam hiện nay cũng công nhận.

Thế giới ngày nay là sự phát triển và tiến bộ của con người, đồng nghiã với sự tự do dân chủ trên mọi phương diện. Những chế độ độc tài, phong kiến không còn phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại đã và đang bị đào thải trên trường quốc tế. Thực tế đã cho chúng ta thấy rằng trên mọi vấn đề của xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục...vv, nếu muốn tiến bộ thì phải có cạnh tranh.

Trong trường học học sinh phải cạnh tranh học tập mới biết được học sinh giỏi, trong xí nghiệp công nhân làm việc cạnh tranh và sáng tạo mới tìm ra được công nhân giỏi, nhà nông làm ruộng phải có cạnh tranh, cần cù và siêng năng học hỏi những kỹ thuật khoa học để áp dụng vào đồng ruộng thì mới có kết quả tốt, dòng nước của con sông chảy qua ngày hôm nay không phải là dòng nước của con sông chảy qua ngày hôm trước, nền văn minh thế giới của thế kỷ trước sẽ không phải là nền văn minh của thế kỷ này… vv…, mọi vấn đề chung quanh ta trong cuộc sống luôn luôn phải đổi thay, phải sáng tạo và cạnh tranh nếu chúng ta không muốn mình lạc hậu.

Nhưng muốn có cạnh tranh để tiến bộ thì phải có nhiều thành phần họat động trong cùng mục đích, rõ ràng những nước văn minh tiên tiến trên thế giới đều là những nước có nền dân chủ tự do theo thể chế đa nguyên. Điều này cũng chứng minh rằng: Lời nói và đường lối của Marx-Lênin, của ông Hồ chí Minh sẽ không còn phù hợp với nền văn minh hiện tại, đất nước Việt nam với truyến thống hào hùng của tiền nhân bắt buộc phải chuyển mình theo đà tiến bộ của nhân loại để xứng đáng là con rồng Châu Á, địa vị mà miền Nam VN đã có trước 1975.

Chủ nghĩa tư bản trong thể chế đa nguyên là một chủ nghĩa hiện thực bởi vì nó luôn luôn thay đổi để phù hợp với trào lưu tiến hóa của loài người, lịch sử hiện tại cũng chứng minh rõ ràng là các nước theo thể chế độc quyền lãnh đạo (dù không phải là CS) thì đất nước đó sẽ dần dần rơi vào lạc hậu và sẽ bị loài người tiến bộ lên án. Chủ nghĩa cộng sản là ảo tưởng đang bị loài người đào thải, đây là một thực tế bởi vì hiện nay CNCS đã thực sự cáo chung ở chính nơi phát sinh ra nó (đó là Liên Sô và cả khối Ðông Âu), một vài nước Cộng sản còn lại trên thế giới như Trung quốc, Cu ba, Bắc hàn và Việt Nam thì đang ngửa tay nhận viện trợ hoặc áp dụng kinh tế thị trường kiểu làm ăn của chủ nghĩa tư bản để được ấm no và tồn tại. Trong quá khứ cũng như hiện tại chưa bao giờ các nước theo CNCS có đủ khả năng tự vươn lên nếu không có sự đầu tư giúp đỡ từ các nước tiên tiến đa nguyên.

Chúng ta thử khách quan nhận định vấn đề này để có cái nhìn đúng đắn cho hướng đi chung của dân tộc. Trong thời chiến tranh lạnh: công bằng để nhận xét là các nước theo CNCS hầu hết đều thua xa các nước có nền dân chủ đa nguyên như: Trung Quốc thua xa Đài Loan và Hong Kong, Bắc Hàn thua xa Nam Hàn, miền Bắc VN thua xa miền Nam VN trước 1975, Đông Đức thua xa Tây Đức, toàn khối CS Đông âu kể cả Liên sô đều thua xa các nước tự do tư bản.

Những nước có nền kinh tế hùng mạnh nhất như: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Canada, Úc…v.v… đều là những nước theo chủ nghĩa tư bản đa nguyên từ kinh tế lẫn chính trị. Ngày nay khi chiến tranh lạnh kết thúc: nền kinh tế các nước theo chủ nghĩa tư bản vẫn tiếp tục dâng cao, ngược lại những nước theo CNCS thì tàn tệ để rồi phải chịu cáo chung trên trường quốc tế. Trung quốc và Việt Nam nhờ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường theo kiểu tư bản chủ nghĩa cho nên mức sống của người dân khá hơn thời kinh tế tập trung theo đường lối Marx-Lênin. Điều này đã chứng minh là con đường kinh tế đa nguyên của tư bản chủ nghĩa là đúng. Nếu các nhà lãnh đạo ĐCSVN hiện nay biết quay đầu để nhìn nhận sự thật về cái chủ nghĩa Cộng sản ảo huyền, từ bỏ độc tài, độc đoán về chính trị thì đất nước VN sẽ đẹp biết bao.

Đã đến lúc toàn dân VN trong và ngoài nước cần phải dẹp bỏ mọi bất đồng để làm sao cho sự hy sinh của hàng triệu người dân VN anh em trên cả 2 miền đất nước được mỉm cười nơi chín suối. Người viết xin những ai còn tin vào thiên đường cộng sản hãy suy nghĩ lại con đường sai lầm mà các nhà lãnh đạo ĐCSVN đang bắt nhân dân phải cúi đầu nhận chịu. Chính sách cải cách ruộng đất 1954-1956 ở miền Bắc đã gây nên biết bao cảnh chết chóc đau thương không đáng có, đàn áp và tiêu diệt những thành phần trí thức trong các phong trào trăm hoa đua nở, giai phẩm mùa thu. Lừa bịp nhân dân dưới chiêu bài chống Mỹ cứu nước, tuyên truyền và bịa đặt ra những điều không có thật ở miền Nam để nhằm khuyến khích sự hận thù và gây chia rẽ sự đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, dâng hiến quần đảo Hoàng sa cho Trung quốc để được TQ hậu thuẩn trong chiến dịch Hồ Chí Minh xâm lăng miền Nam khi biết chắc rằng Hoa Kỳ đã thực sự phản bội nhân dân miền Nam; nâng ông Hồ Chí Minh lên hàng thánh sống, bắt nhân dân phải tôn vinh là vị cha già dân tộc trong khi cả cuộc đời của ông ta đầy bất công và tội lỗi. Đây là sự thật mà hầu hết các nhà nghiên cứu về lịch sử đã thừa nhận. Miền Nam VN sau 30 năm nội chiến luôn luôn chịu sự tàn phá triền miên của bom đạn, nhưng nền kinh tế và cuộc sống của người dân miền Nam vẫn hơn xa người dân miền Bắc thân yêu.

Sau ngày 30/04/1975 đáng lẽ những nhà lãnh đạo ĐCSVN phải nhìn thấy được con đường của CNCS là không đúng, để mà chuyển hướng tìm hướng đi đúng phù hợp với nguyện vọng của toàn dân. Nhưng trái lại vẫn đi theo vết thương tồi tệ cũ khiến cho hàng triệu người phải bất chấp hiểm nguy ra đi tìm tự do nơi xứ lạ, đảng đã áp dụng chính sách ngu dân, nhồi sọ thành phần trẻ sinh sau 1975 để chỉ biết có đảng, có Hồ chí Minh là đúng. Ngay cả cuộc sống tâm linh và niềm tin tôn giáo không thể thiếu trong lòng dân tộc cũng được đảng kiểm soát gắt gao qua sự giám sát của mặt trận tổ quốc và ban tôn giáo của đảng, việc đi chùa, nhà thờ, thánh thất, tổ chức lễ hội nhân gian theo truyền thống tôn giáo chỉ được thực hiện ở những nơi đã được đảng thành lập và công nhận.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống Nhất, Giáo hội PGHH thuần túy cùng một số hệ phái đạo Tin lành tuy không có quyết định giải tán của chính quyền nhưng không bao giờ được tự do hành lễ, hầu hết các nhà sư thuộc Giáo hội PGVNTN đều bị theo dõi, bị đàn áp, bị quản chế rất là nghiệt ngã. Đặc biệt nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ vẫn tiếp tục bị giam lỏng tại nơi thiền viện của các ngài không cho tiếp xúc với bất cứ ai ở bên ngoài. Cụ Lê Quang Liêm của Giáo hội PGHH thuần túy và một số các mục sư của hệ phái Tin lành Mennonite cùng những vị linh mục của Công giáo như: LM Lý, LM Chân Tín, LM Lợi, LM Giải….vẫn phải chịu chung hoàn cảnh đàn áp do chính quyền mang lại. Càng ngày ĐCSVN càng đi sâu vào tội lỗi, việc dâng đất (Ải Nam Quan) cho quan thầy Trung quốc qua hiệp định biên giới cuối năm 1999 là thêm một vết nhơ nữa. Nhân dân và lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ cho những hành động bán nước này của ĐCSVN.

Trên đây chỉ là một phần trong muôn ngàn những việc làm sai trái và độc đoán mà ĐCSVN đã thi hành đối với nhân dân. Nhân dân Việt Nam vì sống dưới sự đô hộ của ngoại bang trong thời gian dài mong muốn có được cuộc sống tự do độc lập, do không hiểu rõ bản chất thật của Cộng sản cũng như chính sách của Mỹ trước đây tại Việt Nam, Hồ Chí Minh đã lợi dụng điểm này bằng sự dối trá trong Bản tuyên ngôn độc lập mà ông đọc ngày 2/9/1945, ông đã mượn nguyên văn Bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Pháp để lừa bịp nhân dân miền bắc VN. Với sự điêu ngoa giả dối của Hồ Chí Minh, CNCS đã âm thầm được thực thi tuyệt đối tại miền Bắc thân yêu, khi trực tiếp sống với CNCS thì mới biết được mặt trái của nó. Vì vậy cho nên hàng triệu người phải tìm đường vào miền Nam. Trường hợp này cũng được lập lại sau ngày 30/04/1975 khi Cộng sản chiếm miền Nam, hàng triệu người đã bất chấp hiểm nguy vượt biên tìm tự do nơi xứ lạ, công bằng mà nói nếu trong thời gian đó ĐCSVN cho tự do ra đi thì sẽ không còn ai ở lại. Bây giờ thì những người vượt biên lại được được chính quyền cho là "Việt kiều yêu nước".

Thời gian qua, với sự thành đạt của đồng bào ta ở các nước tự do dân chủ đa nguyên, đã thành lập các hội đoàn thiện nguyện trở về xây dựng lại quê hương với phương châm lá lành đùm lá rách, Việt Nam cũng được sự giúp đỡ của các nước tự do dân chủ để vào WTO, được Hoa Kỳ cho hưởng PNTR, được xóa tên trong danh sách CPC… Đây là những thuận lợi đầy đủ để tiến lên ngang tầm thế giới. Những tưởng đặc ân này sẽ giúp ĐCSVN sáng mắt mà quay về lẽ phải, nhưng không họ đã lợi dụng lòng tốt của đồng bào ta ở hải ngoại, lợi dụng sự giúp đỡ nhiệt tình của thế giới tự do để rồi trở mặt hoàn toàn, thẳng tay đàn áp thô bạo các nhà đấu tranh dân chủ trong nước, ĐCSVN đã đồng hóa những lời hứa trước quốc tế và sự giả dối chỉ là một bởi vì bản chất của cộng sản là thế, CNCS đã bị cả thế giới lên án và đưa vào sọt rác, sự thật về Hồ chí Minh đang được Linh mục Nguyễn Hữu Lễ in thành sách để làm nền tảng cho phong trào đấu tranh đòi trả lại tên Sài Gòn, nhưng hiện nay ĐCSVN vẫn phát động phong trào học tập tư tưởng và đạo đức của Hồ chí Minh, thử nhìn xem trong thực tế tư tưởng của Hồ chí Minh là cả một chuỗi dài gian manh và giả dối, từ việc bán đứng nhà chí sĩ Phan Bội Châu cho Pháp đến việc dùng đường lối liên minh để tiêu diệt hầu hết các đảng phái không theo đường lối Cộng sản như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt và Dân Xã Đảng của Đức Huỳnh Phú Sổ…v.v…, còn về đạo đức thì ông Hồ chí Minh lại là con người quên ơn bạc nghĩa không ai bằng, khi hoạt động ở Trung quốc ông kết hôn với bà Tăng Tuyết Minh, nhưng lúc qua Liên sô thì lại sống chung với Nguyễn thị Minh Khai là vợ của Lê Hồng Phong một đồng chí cộng sản quốc tế của mình (trong bản lý lịch của Hồ chí Minh tại Viện lưu trữ hồ sơ mật khi Liên Sô tan rã ghi tên vợ là Nguyễn thị Minh Khai), nhưng khi công thành doanh toại về VN làm lãnh tụ thì lại sống chung và có con với cô bé Nông thị Xuân chỉ đáng tuổi cháu chắt của mình, khi Nông thị Xuân yêu cầu được sống công khai thì Hồ chí Minh lại cho phép tên dâm tặc bộ trưởng công an Trần quốc Hoàn hãm hiếp và thủ tiêu, còn đứa con được giao cho thư ký riêng là Vũ Kỳ nuôi dưỡng. Thử hỏi một con người tội lỗi như thế có gì để mà học.

Nhưng ở trên đời cái gì cũng có sự trả giá của nó, hành động bịt miệng Linh mục Lý trước tòa cùng với 2 công an có mang súng đứng 2 bên linh mục ngày 30/03/2007 tại Huế cũng như những phiên tòa xử các nhà trí thức đấu tranh kiên cường như LS Nguyễn Văn Đài, LS Lê Thị Công Nhân và nhiều nhà trí thức khác…v.v.. đã là đỉnh điểm cuối cùng cho một chế độ bạo tàn đúng như lời tuyên bố của Hòa thượng Thích Quảng Độ là kỳ đại hội lần thứ 10 của đảng vừa qua là lần đại hội cuối cùng. Chưa bao giờ có sự phản đối kịch liệt và đồng loạt của cả cộng đồng thế giới đối với chế độ độc tài CSVN như lúc này, từ những kháng thư của hầu hết các cơ quan, hội đoàn nhân quyền quốc tế đến sư bày tỏ ủng hộ nhiệt tình của các chính phủ, quốc hội Ba lan, Tiệp khắc, Hòa Lan, Đức cho đến các nghị quyết lên án CSVN vi phạm nhân quyền của Hội đồng Nghị viện Châu âu và nhất là Quốc hội Hoa Kỳ một nước đã từng quyết định cho VN vào WTO, cho VN hưởng PNTR, bỏ VN trong danh sách CPC.

Cuộc hội kiến quan trọng của Tổng thống Bush và các nhân vật tối cao nhất trong chính quyền Mỹ tại Phòng Bầu dục Tòa Bạch ốc ngày 29/5/2007 vừa qua với 4 nhà đấu tranh dân chủ người Việt ở hải ngoại, cùng với bức thư gởi Tổng thống Bush của anh Đỗ Nam Hải trong nước là những bằng chứng hùng hồn cho những ai còn mê muội với ảo huyền Cộng sản. Không biết rồi đây chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ đối phó ra sao trong chuyến đi Mỹ từ ngày 18 đến 22/6/2007 sắp tới.

Với những gì mà các phong trào đấu tranh đã đạt được, với những sự chịu đựng can trường bất khuất của các nhà dân chủ đang phải đối diện trong lao tù Cộng sản, với sự tiếp sức hào hùng của đồng bào ta ở hải ngoại cùng với sự trợ giúp của cộng đồng thế giới, với tình thế đầy thuận lợi như hiện nay chúng ta có quyền tự hào về một nước Việt nam đổi mới theo chiều hướng tự do dân chủ và đa nguyên theo ý nguyện của toàn dân sẽ trở thành hiện thực trong một thời gian không xa. Hy vọng rằng những đảng viên, những chiến sĩ công an, quân đội nhân dân, những cán bộ viên chức chính quyền cùng những người đang tiếp tay cho guồng máy cộng sãn hiện nay sẽ nhìn thấy được sự thật mà quay về với nhân dân, để khỏi mang tội với non sông tổ quốc, để cho lịch sử VN khỏi phải ghi thêm vết nhơ đen tối nữa. Mong lắm thay!

12/06/2007
HOÀNG TRUNG CHÁNH

Chống Nghị Quyết 36 của Cộng Sản

Thư Mời

Kính thưa:
- Quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo;
- Quý bậc trưởng thượng, thân hào nhân sĩ;
- Quý vị lãnh đạo các cộng đồng, hội đoàn, chính đảng, phong trào;
- Quý cơ quan truyền thông báo chí và quý đồng bào, đồng hương Nam Cali;

Sau những cuộc biểu tình thành công chống Nguyễn Minh Triết tại New York, Washington D.C và Nam California, nhờ sự hưởng ứng nồng nhiệt của quý đồng bào và sự tích cực hỗ trợ về mọi mặt của các giới truyền thông, dân cử và mạnh thường quân, Ủy Ban Đặc Nhiệm Chống Cộng, Ủy Ban Bảo Vệ và Phát Huy Chính Nghĩa Quốc Gia và Ủy Ban Họp Báo Công Bố Bản Lên Tiếng trân trọng kính mời quý vị và đồng bào vui lòng đến tham dự buổi họp để chúng tôi:

1/ Tường trình và cảm tạ các giới truyền thông, dân cử, mạnh thường quân, các cộng đồng, hội đoàn, chính đảng, phong trào và đồng hương đã đóng góp công, của để tổ chức thành công những cuộc biểu tình chống Nguyễn Minh Triết và tay sai Cộng Sản âm mưu phá hoại cộng đồng.

2/ Thỉnh ý quý vị và đồng bào về những bước kế tiếp phải làm để tiếp tục chống Cộng Sản xâm nhập và ổn định cộng đồng tỵ nạn của chúng ta:

a/ Việc Việt Weekly thân Cộng.

b/ Việc Nguyễn Cao Kỳ tiếm danh đại diện cộng đồng Nam California và bọn Việt gian tay sai.

Ngày giờ: 1:30PM - 5PM,
Chủ Nhật 15 Tháng Bảy, 2007

Địa điểm: Hội Trường Westminster,
8200 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683

Sự hiện diện đông đảo và đóng góp ý kiến tích cực của quý vị sẽ góp phần xây dựng và ổn định cộng đồng của chúng ta.

Trân trọng kính mời,

T. M. Ban Tổ Chức
Phan Kỳ Nhơn (Ủy Ban Đặc Nhiệm Chống Cộng)
Lê Ngọc Diệp (Ủy Ban Bảo Vệ và Phát Huy Chính Nghĩa Quốc Gia)
Nguyễn Chí Thiện (Ủy Ban Họp Báo Công Bố Bản Lên Tiếng)

Mĩ tục

“Mĩ tục” là tục... của Mĩ (thơ Lý Đợi)

Câu chuyện này rút trong ghi chép của một khách du lịch.

Cụ Cả Lễ, người cao tuổi nhất làng Kinh vốn được coi là một bộ bách khoa toàn thư sống của cả làng. Khách nghe tiếng tìm đến cụ như tìm đến một địa chỉ văn hoá cuối cùng còn sót lại. Chờ cho cụ an toạ, khách lễ phép cất tiếng hỏi:

“Làng ta vẫn giữ truyền thống là một làng văn hiến đấy chứ, thưa cụ?”

Cụ Cả Lễ râu tóc bạc trắng như một ông tiên, ngước đôi mắt kỉ hà nhìn khách hồi lâu, đoạn chậm rãi trả lời:

“Việc ấy anh đi mà hỏi ông chủ tịch. Lão đây không dám giả nhời.”

Khách thoáng ngạc nhiên, bèn chuyển sang đề tài khác:

“Nghe nói cụ biết rất nhiều sự tích của làng...?”

Cụ Cả Lễ vẫn chậm rãi, đôi mắt nhìn xa xăm tận đâu đâu:

“Cái đó tuỳ duyên thôi. Sự tích cũng tuỳ duyên mà có...”

Cụ vừa nói đến đấy thì có đứa cháu chạy đến xin cụ chùm chìa khóa nhà xí để đi... ị. Khách ngạc nhiên quá, bèn hỏi ngay:

“Nhà xí mà cũng phải khoá ư, thưa cụ?”

“Ấy đấy, cái ‘duyên’ nó đến rồi đấy - cụ Cả Lễ bảo khách – Phải khoá chứ. Thậm chí phải bí mật để đề phòng kẻ xấu ăn trộm. Làng này có tục đi ỉa phải giấu cứt. Người đi nhiều như anh mà cũng chưa bao giờ nghe nói đến hay sao?”

Đến đây thì khách kinh ngạc thật sự. Chẳng lẽ làng này là truyền nhân của... giống mèo cả hay sao mà lại có cái “tục” kì lạ như vậy. Té ra cái gì cũng có sự tích của nó cả. Sau đây là câu chuyện kể của cụ Cả Lễ:

Kể rằng thiền sư Căng Lulu vốn người làng Kinh, tên tục gọi là Ngục Văn, hồi bấy giờ làng này còn có họ Ngục. Căng Lulu là pháp hiệu. Ngài xuất thân trong một gia đình trưởng giả. Bình sinh lúc nào cũng xe ngựa rình rang, tấp nập kẻ hầu người hạ, ngày ngày toàn ăn thịt cá, lại hưởng không thiếu gì lạc thú trên đời. Bỗng một hôm thời thế đổi thay, gia tài dần dần khánh kiệt, kẻ hầu người hạ bỏ đi hết cả. Từ đó chỉ còn biết ăn rau cỏ qua ngày. Ngục Văn phẫn chí bèn bỏ làng ra đi, sang tận bên Tàu, tìm đến thiền sư Triều Châu xin học đạo. Các đệ tử của sư thấy Ngục Văn toàn thân tróc ghẻ, người ngợm hôi hám có ý không ưa, xui sư đuổi đi. Sư nói:

“Cứ gì hôi hám. Hễ có duyên thì khắc ngộ được đạo.”

Các đệ tử hỏi vậy Ngục Văn có duyên gì? Sư đáp:

“Duyên đọc được bụng dạ của kẻ khác.”

Rồi cho xuống tóc, đặt pháp hiệu là Căng Lulu. Song mấy năm trời không thấy sư nhìn ngó gì đến, cũng không hề giảng cho một câu, chỉ cho phép cắp tráp theo hầu như một chú tiểu. Một hôm thầy trò đang đi đường, Căng Lulu chợt nhìn thấy một con trâu đang ỉa bãi phân to tướng, trong lòng bỗng nổi tâm cơ, bèn buột miệng hỏi:

“Thưa... Phật pháp là cái gì vậy?”

Sư hỏi lại:

“Ngày trước ngươi toàn ăn thịt cá, vậy ngươi ỉa ra cái gì?”

“Ỉa ra cứt” – Căng Lulu trả lời ngay.

“Thế lúc chỉ ăn rau cỏ, ngươi ỉa ra cái gì?” – Sư hỏi tiếp.

“Cũng... cứt” – Căng Lulu ngập ngừng.

“Pháp đấy! Pháp đấy” – Sư nói liền hai tiếng.

Căng Lulu hoát nhiên đại ngộ.

Tự bấy giờ các quán đều thông, bốn tướng hợp một, trí huệ rực rỡ, Căng Lulu trở thành thiền sư. Ngài bèn tìm về làng cũ, lập một chiếc am nhỏ ở đầu làng, hàng ngày đọc kinh, thiền định... rồi “hoá” ngay tại đó. Lâu dần cỏ dại trùm kín, nơi có chiếc am của thiền sư trở thành hoang phế. Một hôm có anh đánh dậm đi qua bỗng nổi cơn đau bụng, bèn chui vào giữa chỗ ấy ỉa một bãi. Tối hôm đó về nhà, đang ngủ, anh đánh dậm bỗng thấy một bóng người bước vào nhà bảo:

“Ngươi sắp bị mọc một khối u ở trong bụng mà chết. Hãy uống một bát nước ở cái giếng chỗ ta thì sẽ khỏi...”

Anh đánh dậm không tin, bèn hỏi lại:

“Làm sao ông biết?”

“Xem cứt ngươi ta biết” – bóng người kia trả lời. Nói xong biến mất.

Anh đánh dậm toát mồ hôi, giật mình tỉnh dậy. Hoá ra một giấc mơ. Chợt nhớ đến việc ỉa bậy lúc ban ngày, anh chàng trong bụng cũng thấy hơi hoảng song vẫn nửa tin nửa ngờ. Khoảng tháng sau, anh ta cảm thấy có cục gì cứ chướng lên giữa bụng, ăn uống không tiêu được. Cái cục cứ lớn dần, lớn dần, đến nỗi bụng trương phềnh lên, cứng ngắc, từ đó chỉ còn nằm một chỗ, không đi lại được nữa. Vợ con anh ta bán cả đồ đạc, lợn gà, mời hết thầy thuốc này đến thầy thuốc khác. Song ai cũng lắc đầu, nhất loạt bảo anh chàng sắp chầu ông bà ông vải đến nơi.

Về phần anh đánh dậm, từ khi bị mọc cái u trong bụng thì biết rằng mình đã ỉa bậy vào chỗ thiêng nên bị thánh vật. Vì thế cứ cắn răng chịu đựng, không dám nói cho vợ con biết. Bấy giờ mười phần đã chết đến chín rưỡi, anh ta mới phều phào kể lại cho vợ nghe về giấc mơ hôm trước. Người vợ nghe xong lập tức tìm đến chỗ đã từng có cái am. Phát cây vạch cỏ mãi, quả nhiên có một cái giếng nhỏ sâu hút, nước trong vắt. Bèn múc đại một bát đem về cho chồng uống. Cũng chỉ là cầu may thế thôi. Không ngờ bát nước quả nhiên hiệu nghiệm thật. Anh chồng uống vào đến đâu thì bụng réo ùng ục đến đấy. Rồi cái khối u cứ xẹp dần. Ba ngày sau hết hẳn, lại đi lại được như thường.

Câu chuyện của anh đánh dậm chẳng mấy chốc loang ra khắp làng. Dân làng cho rằng vị thiền sư ngày trước của làng mình thế là đã hiển linh, bèn bàn nhau kẻ góp công người góp của làm một ngôi đền tại ngay chỗ đó gọi là đền “Cứt”. Thật là một cái tên độc nhất vô nhị trên thế gian này.

Tại sao lại có cái tên xấu xí như thế?

Nguyên các cụ ngày trước truyền rằng đền ấy thiêng lắm, cầu gì được nấy. Có điều đồ cúng không dùng thứ gì khác ngoài... cứt. Ai có bệnh cứ mang một đĩa cứt của mình tới, múc một bát nước ở cái giếng ấy, đem để cả hai thứ bên cạnh nhau trên bàn thờ rồi thắp hương khấn vái. Đợi cho cháy hết hương, đem bát nước về mà uống thì bách bệnh tiêu tan. Ngôi đền từ đó nổi tiếng, người thiên hạ lũ lượt tìm đến...

Song điều kì diệu nhất của ngôi đền là những người đến cúng cứt không những khỏi bệnh, mà tất cả những gì vốn giấu kín trong bụng xưa nay đều bất ngờ ứng vào miệng thiên hạ mà lộ ra hết cả. Người lương thiện thì chẳng sao, bởi chẳng có gì mờ ám phải giấu giếm. Song đối với những kẻ lưu manh, bất lương, những kẻ chuyên nghề bịp bợm thì đó quả là một đại hoạ. Xưa nay con người ta cứ tưởng sự thật một khi đã được giấu trong bụng thì sẽ kín như bưng đời đời. Ai dè hàng ngày nó vẫn theo đường bài tiết mà chuồn ngoài. Thế là cùng với sự chữa khỏi bệnh là khối sự thật bị phơi bày, khối mặt nạ bị rơi tuột. Khối kẻ khoác áo đạo đức té ra lưu manh, khối vị phụ mẫu chi dân té ra phường bất lương gian ác... Vả lại con người ta mấy ai không hề có chút gì mờ ám trong lòng... Vì thế người tìm đến chữa bệnh cứ thưa dần, thưa dần. Có kẻ thà chết chứ nhất định không chịu mang cứt đến cầu cúng.

Thế rồi lại sinh ra cái nghề ăn trộm cứt mang đến đền để vạch những chỗ xấu của nhau. Kẻ trên, người dưới, đồng liêu, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng... rồi thì cả cha con, chồng vợ... cứ gọi là loạn cả lên. Cứt té ra lại là chỗ dễ làm bại lộ chân tướng nhất. Người vùng này có tục giấu cứt kể từ hồi đó. Ai cũng lo phòng xa bởi biết đâu đấy, dẫu mình không tự mang cứt đến cầu song nhỡ có kẻ khác lấy trộm, mang đến cúng thì bao nhiêu điều giấu giếm của mình cũng sẽ bị phơi bày cho thiên hạ biết hết. Mới hay cái gọi là sự thật, hoá ra lại là thứ mà con người ta luôn luôn khiếp sợ. Vì thế giấu cứt mới nhanh chóng trở thành một cái tục của cả vùng này. Giấu cứt đồng nghĩa với giấu sự thật...

Dù sao thì sự hiện diện của ngôi đền cũng là điều cảnh báo đối với những kẻ rắp tâm làm điều xấu. Làng Kinh từ đó ít hẳn sự dối trá, bịp bợm. Trẻ con được cha mẹ theo dõi, rèn cặp trở nên ngoan ngoãn, biết lễ phép với người lớn. Người lớn đối xử với nhau thân ái, chân tình, không dám hại nhau vì biết sự thật trong bụng sớm muộn gì cũng sẽ thoát ra bên ngoài. Làng Kinh có tiếng là một làng văn hiến từ đấy...

“Thế cái đền ấy bây giờ có còn không, thưa cụ?” – Khách hỏi.

“Phá rồi - cụ Cả Lễ trả lời – Phá trước tiên. Sau đó mới phá đến đình chùa. Phá từ cái hồi bắt đầu phong trào Hợp tác hoá nông nghiệp kia.”

Khách ngẩn người ra tiếc rẻ. Hồi lâu lại hỏi:

“Phá đền phá đình rồi thì có ảnh hưởng gì đến văn hiến của làng không, có làm cho sự dối trá càng tha hồ hoành hành không thưa cụ?”

“Việc ấy anh đi mà hỏi ông chủ tịch - cụ Cả Lễ vẫn từ chối khéo – lão đây chỉ biết nói với anh rằng cái tục giấu cứt thì không những vẫn còn, mà ngày nay người ta còn giấu kĩ hơn trước...”

Rời khỏi nhà cụ Cả Lễ, khách lên xe tìm đến nhà ông chủ tịch. Vừa chạy được một quãng, khách dừng xe hỏi thăm một thằng bé đang đứng thổi bong bóng bên cạnh đường lối vào nhà ông chủ tịch. Thằng bé trợn mắt nhìn khách một cái rồi ngoảnh đi, mồm nói:

“Đéo biết!”

Đành phải đi một quãng nữa, bỗng có một chiếc xe đạp nằm chỏng cơ giữa đường. Khách vội vàng đạp phanh gấp. Vừa bước ra khỏi ô tô định dẹp nó sang bên cạnh để lấy đường đi thì nghe một giọng nói gằn từng tiếng:

“Mày mà động vào cái xe đạp của ông thì ông choảng cho vỡ kính.”

Khách giật mình hướng về phía có tiếng nói. Thấy một gã trung niên đang đứng lấp ló trước cửa một ngôi quán lá, đôi mắt gã vằn đỏ, một tay lăm lăm cục đá to tướng.

Tiến thoái lưỡng nan, khách đành phải xuống nước thương lượng. Kết quả phải chi mấy đồng tiền rượu cho gã mới đi qua được...

Chạy một quãng nữa thì gặp ngã ba. Bỗng nghe đánh “bép” một cái. Thì ra khách mải suy nghĩ về sự việc vừa rồi, không để ý ngay giữa ngã ba có bãi cứt trâu nên đã để xe trườn qua. Ngay lập tức, một người đàn bà từ trong ngõ gần đấy xông ra tóm lấy đầu xe, tru tréo:

“Ông này đéo có mắt hay sao? Bãi cứt trâu người ta đã cắm cành lá, đánh dấu chủ quyền cẩn thận rồi. Vậy mà còn để cho xe trườn qua làm tan nát cả. Ối làng nước ôi là làng nước ôi. Ra mà xem đây này. Có khổ thân tôi không cơ chứ...”

Khách hoảng quá, vội vàng móc bóp đền bãi cứt trâu...

Lại chạy tiếp một quãng nữa. Phía trước có một đôi nam nữ đang bá vai nhau, vừa đi vừa véo ngực véo đùi nhau, nói cười ngả ngớn. Khách buộc phải chạy xe từ từ, vừa chạy vừa nhấn chuông. Đôi nam nữ kia dường như không thèm để ý. Mãi đến khi mũi ô tô gần sát đến nơi, cả hai mới uể oải đứng né sang một bên. Xe vừa chạy tới, gã thanh niên thò mặt vào sát cửa xe, quát với theo:

“Còi, còi cái con mẹ mày à...”

Rốt cuộc khách cũng tìm được tới nhà ông chủ tịch. Ngay lập tức nghe ông ta luyến thoắng:

“Làng này năm nào cũng điển hình tiên tiến đấy ông ạ. Từ sản xuất đến văn hoá, y tế, giáo dục... đéo làng nào bằng làng này. Đây ông xem, nào bằng khen, nào giấy khen, của huyện, của tỉnh... Đang “phấn đấu” để được phong danh hiệu... “Anh hùng thời kì Đổi Mới...”

Phạm Lưu Vũ
Cuối tháng 6 năm 2007

Phá Gia Chi Tử !

Ðồ nghịch tử!
Quân phá gia chi tử!

Hai câu tục ngữ trên để chửi rủa những đứa con tàn hại gia đình, phá nát thanh danh giòng họ.

Hai câu đó coi bộ áp dụng rất linh vào lũ con Cộng sản của mẹ Việt Nam!

Khoảng 1950 – 1951 con cái đi "bộ đội cụ Hồ" về đưa bố mẹ ra đấu tố về tội "Việt gian, phản động, địa chủ, bóc lột bần cố nông". Bắt trói gục, quỳ xuống sân đình nghe đấu tố, xỉ nhục hay đánh đập, xử tử, tài sẳn được chia cho "các ông bà bần cố nông, thành phần cốt cán của Tổ quốc và của đảng". Hàng vạn người bị bức tử hay vì tức uất, tự tử mà chết trong cuộc đấu tố, "cải cách ruộng đất" của Bác và Ðảng! Hơn một triệu người hốt hoảng bỏ của chạy lấy người, trốn làn sóng đỏ vào tìm tự do ở miền Nam.

1975, cũng nhờ "ơn đức Bác Hồ, đất nước thống nhất về một mối", hàng trăm ngàn quân cán chính, thành phần ưu tú, lứa tuổi lao động, sản xuất và xây dựng của đất nước được ưu ái nhốt hết vào những nhà tù khổ sai mang tên "trại cải tạo".

Ðợt trả thù này kín đáo hơn, khủng khiếp hơn vì nửa phần đất nước bị cạn kiệt nhân lực cộng thêm lối giáo dục ngu dân đưa tới tình trạng phá sản cả về tinh thần lẫn vật chất trên toàn đất nước. Việt Nam trở thành một trong những nước nghèo khổ, lạc hậu và nhiều vấn đề xã hội nhất thế giới! (Ngoại trừ thành phần đảng viên, công an, buôn lậu hay những người có người nhà đã kịp thời di tản hay vượt biên qua nước ngoài).

Sau hơn phần tư thế kỷ xây dựng Xã Hội Chủ Nghiã, đất nước có những chuyện nực cười:

2001 nhờ xã hội chủ nghĩa, ông Chín Tia ở Kiên Giang được bà con gái Nguyễn Thị Ngọc Hà và ông con rể Bùi Ðức Thắng, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch hội đồng Nhân dân xã Lại Sơn kiện về tội "Chiếm dụng bộ ván không hoàn trả".

Câu chuyện như sau:

Tháng 4,1999, vợ ông Tia qua đời. Bà Hà và ông Thắng cho người đem ván tới để "đóng góp" vào việc chôn cất vợ ông Tia, tức mẹ bà Hà, tức mẹ vợ ông chủ tịch Thắng!

Tháng 2 năm 2001, ban Tư pháp xã cho mời ông Tia lên "giả quyết vụ nợ ván hòm vì có đơn thưa cuả bà Hà".

Ông Tia bật ngửa ra là con không "đóng góp" mà chỉ "cho mượn ván" nên hưá sẽ trả sau một tháng!

Biên bản lập ra nhưng bà con không chịu ký, đòi trả 2 triệu bốn trăm ngàn tiền mặt, nếu muốn được bớt thì phải tìm ông chủ tịch xin bớt.

Tưởng nói vậy thôi, một tháng sau ông Tia mua trả sáu tấm ván mới, bà Hà không nhận, chê "Không đúng quy cách vì bề dầy thiếu một phân, không đúng loại gỗ dầu Phú Quốc!"

Nghèo quá, ông Tia phải xin phép chính quyền cho bán nhà, mua ván trả cho con nhưng ức trong lòng, ông viết tờ Cảm tạ tuyệt vời dán trên tấm ván khi nhờ người khiêng mấy tấm ván đem trả lại cho bà con gái và ông con rể.

"Cảm tạ

Tôi Nguyễn Văn Tia, 75 tuổi, xin cảm tạ vợ chồng ông Bùi Ðức Thắng và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Hà đã có công lao đóng góp vào đám tang vợ tôi tức mẹ ruột bà Hà, bộ ván hàng.

Vì không biết sự đóng góp đó là của ông bà cho vay mượn nên trong việc hoàn trả có phần chậm trễ khiến ông bà phải mất thì giờ quý báu phát đơn khởi tố tôi. Tôi thật không phải đạo làm người, làm phiền lòng tốt cuả ông bà.

Nay nhờ sự sáng suốt của các cấp chính quyền cho phép tôi bán căn nhà sở hữu cuả tôi, tôi xin hoàn trả bộ ván cho ông bà.

Xin thành thật nhận lỗi và cám ơn ông bà.

Người cáo lỗi: Chín Tia".

Câu chuyện chưa kết thúc.

Khi ông cùng người khiêng ván sang trả, vợ chồng bà Hà đã la lối, chửi mắng om xòm và ông chủ tịch đã văng tục với bố vợ trước "nhân dân".

Cả hai không chịu nhận ván, đòi chờ "cấp trên xử lý". Ông con rể quý, chủ tịch hội đồng nhân dân thì đang chỉ thị cho Ðồng chí trưởng công an xã điều tra xem tên phản động nào giúp ông Chín Tia viết tờ "Cảm tạ" độc đáo đó.

Một ông Chánh án huyện về công tác ở xa,õ đề nghị ban Tư Pháp xã mời hai bên đến để "hoà giải" vào buổi chiều hôm đó. Vợ chồng bà Hà không thèm đến và bà Hà làm đơn gửi đến toà án "khởi kiện dân sự" với ông Chín Tia, cha ruột của bà.

Vụ kiện chưa nghe nói kết thúc ra sao.

Hai ông bà con này quả thật tiến bộ ghê quá tuy "Hiến pháp cuả nhà nước ta" vẫn nhân nghĩa đầu môi đặt ra luật lệ đàng hoàng:

- Khoản 2, điều 37 luật Hôn nhân và gia đình: Con cái có nghiã vụ và quyền chăm sóc,nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, tàn tật ...

- Ðiều 151 bộ Luật Hình sự: Người nào ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm...

***

Con đối xử với cha mẹ như vậy, còn "đầy tớ" phục vụ, đối xử với "nhân dân" ra sao?

Theo tài liệu của Hoàng Cơ Thụy trong bản tuyên ngôn Phục Hưng Việt Nam thì tài sản dấu diếm cuả cán bộ Cộng Sản sơ sơ được liệt kê như sau:

Lê Khả phiêu (lúc làm Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam: 1 tỷ 170 triệu đô-la.

Trần Ðức Lương, Chủ tịch nhà nước 1 tỷ 130 triệu đô-la.

Nguyễn Tấn Dũng, Ðệ nhất phó Thủ tướng: 1 tỷ 480 triệu đô-la.

Nguyễn Mạnh Cầm, Phó Thủ tướng: 1 tỷ 150 triệu đô-la.

Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch mặt trận Tổ quốc: 1 tỷ 173 triệu đô-la.

Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Quốc Phòng: 1 tỷ 360 triệu.

Trương Tấn Sang, chủ tịch Ủy ban Kinh tế: 1 tỷ 124 triệu.

Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội (Tổng bí thư đầu năm 01) 135 triệu.

Xem bảng phong thần trên, quý vị thấy ngay, càng cao danh vọng càng đầy... tiền đô!

Và cái chức người ta tưởng chỉ là "Nghị Nhất trí", cứ hồ hởi gật đầu mỗi khi cần biểu quyết cũng ăn tiền ra gì.

Lạ một điều, lương thì lương tiền Hồ mà các ông cán bộ cấp lãnh đạo đỏ lét, đang ngồi trên đầu trên cổ dân , đang hy sinh làm đầy tớ nhân dân, lại chơi sang, sưu tập, cất giữ toàn ...tiền Ðô-la của Ðế quốc!

***

Tiểu muội chịu cái nhà ông Nông Ðức Mạnh tâm ngẩm, tầm ngầm vậy mà khôn.

Ông "trong sạch" chẳng kém gì Bác.

Ông lại củ mỉ, cù mì, ông chẳng ăn to, nói lớn, ông cũng chẳng ăn chi cho nhiều, tiền ông kiếm được ít nhất trong bảng phong thần. Nhờ đó, ông lên tới chức Tổng Bí Thư đảng.

Rồi quý vị xem, tiểu muội không cần coi bói cũng biết, kể từ đầu thiên niên kỷ này, ông Nông Ðức Mạnh sẽ ăn nên, làm ra lắm, thế nào rồi ông cũng lụm được tiền tỷ mấy hồi, cứ đợi đến lúc ông hết "hy sinh phục vụ nhân dân" rồi biết.

Tiểu muội xin quý vị ráng đợi và cá với quý vị, không đúng cứ đem cái computer của tiểu muội ra mà đập cho tiểu muội hết viết hươu, viết vượn!

***

Cứ đọc những tin tức về Việt Nam mà xem, thiếu gì chuyện đau lòng về những đứa con "phá gia chi tử" để cười ra nước mắt.

Chuyện đau lòng đó đang xẩy ra trên đất nước ta trên bình diện rộng lớn hơn: Ðảng Cộng Sản đã dâng đất đai tổ quốc cho kẻ thù để bảo vệ quyền lợi của một nhóm lãnh đạo đảng!

Bác sĩ Trần Ðại Sĩ là một nhà nghiên cứu sử. Ông đã dầy công nghiên cứu tài liệu lịch sử của ta, của Tầu. Ông đã viết mấy bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử kể lại những trận chiến trong suốt dòng lịch sử tranh đấu của nòi giống Việt.

Hơn nữa, ông là một người Việt Nam yêu nước.

Biết tin đất nước bị cắt dâng cho Tầu, ông Trần Ðại Sĩ trở về nước, tìm thăm ải Nam Quan, nơi đất xưa đã ngấm bao giòng máu quân dân Việt tranh đấu để bảo vệ biên giới; Nơi có suối Phi Khanh, ghi lại chuyện Nguyễn Trãi gạt lệ nghe lời cha trở về tìm cách khôi phục đất nước, đưa đất nước thoát ách đô hộ giặc Minh.

Ông bị cấm không được đi lên theo lối trong nước. Ông phải vòng đi vào Trung Cộng, lên tận ải Nam Quan, nhìn lại mảnh đất đã bị cắt dâng cho ngoại bang. Ðau lòng vì đất nước do tổ tiên hy sinh biết bao xương máu để lại đã bị bọn Cộng Sản cắt dâng cho kẻ thù truyền kiếp, bác sĩ ngồi khóc ròng và đặt bài thơ bằng chữ Hán, thuê khắc trên đá, gắn vào vách núi ngay cạnh đường.

Thử địa cựu Nam quan
Biên điïa ngã cố hương
Kim thuộc Trung quốc thổ
Khấp, khốc, ký đoạn trường

Lê Hoàn bại Quang Nghĩa
Thường Kiệt truy Bắc phương
Hưng Ðạo đại sát Thát
Lê Lợi trảm Vương Thông

Nam xâm, Càn Long nhục
Gươm hồng Bắc Bình Vương
Ngũ thiên niên dĩ tải
Hoa, Việt lập dịch trường

Mao, Hồ tình hữu nghị
Nam, Bắc thần xỉ thương
Huyết lệ vạn dân cốt
Hồng kỳ thích ô hoan.

(Ðại Việt vong quốc nhân Trần Ðại Sỹ khốc đề lục nhật, cửu nguyệt, niên đại 2001.

Ông tự dịch:

Ðất này xưa gọi Nam quan
Vốn là biên địa, cố hương của mình
Hiện nay là đất Trung nguyên
Khóc chảy máu mắt, đoạn trường ai hay

Vua Lê thắng Tống chỗ này
Thường Kiệt rượt Tiết cả ngày lẫn đêm
Thánh Trần sát Ðát liên miên
Lê Lợi giết bọn Thành Sơn bên đồi

Càn Long chinh tiểu, than ôi
Quang Trung truy sát, muôn đời khó quên
Năm nghìn năm cũ qua rồi
Chợ biên giới lập, đời đời Việt Hoa

Ông Hồ kết bạn ông Mao
Sao răng lại cắn, máu trào, môi sưng
Vạn dân xương trắng đầy đồng
Ðể lại trên lá cờ Hồng vết nhơ.

(Người nước Ðại Việt vong quốc tên Trần Ðại Sỹ, khóc đề thơ ngày 6-9-2001.

***

Biên giới Việt Nam.

1. Thời Pháp Thuộc: Hiệp định 1887 khi chủ quyền ta nằm trong tay người Pháp. Họ gạt bỏ hẳn triều đình Huế, thay mặt Việt Nam ký hiệp ước biên giới với Tầu.

Patenote (toàn quyền Pháp tại Việt Nam ) và Lý Hồng Chương (Nhà Thanh bên Tầu ký hiệp định ngày 26-06-1887 quy định đường biên giới 1350 km giữa ta và Tầu và bản đồ được vẽ lại vào 1895 . Phần vịnh Bắc Việt được phân chiatheo tiêu chuẩn Việt 62% và Tầu 38%.

2. Thời Cộng Sản: "Dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Ðảng lãnh đạo"là câu thiệu để mị dân của Cộng Sản. Vì nhà nước quản lý dưới quyền đảng lãnh đạo nên ta có:

"Hiệp định biên giới trên đất liền Việt Nam và Trung Quốc": ký ngày 30-12-1999 nhường cho Tầu 720 km2 đất đai, trong đó có những địa danh nổi tiếng như Aûi Nam Quan, suối Phi Khanh (Lạng Sơn), Thác Bản Giốc (Cao Bằng).

"Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ" ký 25-12-2000, nhường 11 000 km2 trên vịnh Bắc Việt cho Tầu, công nhận Việt Nam 53.23% và Tầu 47.77 chạy dài xuống Trường Sa là nơi có nhiều mỏ dầu hoả và hải sản.

27-12-2001 lễ cắm mốc đầu tiên ở Móng Cái cho biên giới mới, dự án cắm lại hết 1 500 cột mốc sẽ hoàn thành trong 3 năm!

04-01-2002 sinh viên Việt Nam du học nhận được quảng cáo cuả Tổng cục du lịch Tầu mời "Du lịch các thắng cảnh ở cực nam nước Trung Quốc: Mục Nam Quan, suối Phi Khanh, thác Bản Giốc cùng đi tắm biển ở Hoàng Sa, câu cá Trường Sa và du thuyền trên vịnh Bắc Việt"

27-12-2001 Thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng cùng Ðại sứ Trung Cộng tại Việt Nam đến thị trấn Móng Cái làm lễ xây mốc đánh dấu biên giới.

Sau vụ "cúng" đất cho ngoại bang, "Nhà nước ta" dù bị toàn dân khắp nơi, kể cả những cán bộ công thần của chế độ và những nhân vật chống đối trong nước, lên tiếng chất vấn, xỉ vả cũng nhất định câm miệng hến.

Tới khi bị rượt quá, không thể nào nín được, Hà Nội mới cho Lê Công Phụng lên lấp liếm tuyên bố trắng trợn:

"Có thể nói qua cuộc đàm phán, thương lượng ký kết hiệp định trrên bộ, chúng ta và Trung Quốc đã đạt kết quả được công bằng và thoả đáng"

"Chúng ta làm vì dân, vì nước và theo truyền thống ông cha. Một tấc chúng ta cũng không nhường và một li về biên giới lãnh thổ quốc gia chúng ta cũng không thể dành cho ai được..."

Các học giả, sử học, luật học đã nói nhiều về vấn đề kỹ thuật, vấn đề lịch sử, vấn đề pháp lý về chủ quyền đất nước trên những vùng biển còn tranh chấp, trên những vùng đất bị "cúng" cho Trung Cộng.

Ở đây, tiểu muội chỉ có những thắc mắc rất giản dị, bình thường:

1. Ta ký hiệp định với Trung Cộng rất công bằng, bảo vệ được biên giới tổ quốc chỉ bằng đường lối ngoại giao, không tốn một giọt máu thì dân chúng sẽ tri ân "Nhà nước, lãnh tụ đáng kính" trong việc bảo vệ lãnh thổ để trân trọng ghi công ơn quý vị vào lịch sử như những vị anh hùng chứ sao lại ồn lên khóc lóc đau đớn, uất hận xỉ vả như thế? Chẳng lẽ những người lên tiếng, kể cả trong và ngoài nước, đều là những người ngu dốt đến không hiểu thế nào là lợi, thế nào là hại cho đất nước?

2. Ðẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại. "Nhà nước ta" đã tạo được công lao trời bể như thế cho đất nước thì theo đúng truyền thống, "chỉ đạo cuả Bác", ta phải thổi phồng lên cỡ chừng vài chục lần hay hàng trăm lần chứ sao lại im ỉm như thế? "Ðảng" đâu thiếu những văn nô, thi nô để thổi, để ca ngợi lãnh đạo? Hay ít nữa, "làm láo, báo cáo hay là nghề của chàng" mà. Hơn nữa, ta dư sức theo đúng đường lối khiêm tốn và đức độ cuả "Bác" lấy bút hiệu khác để viết sách tự ca tụng mình mà, cớ sao việc "tốt" này lại được nhà nước dấu như mèo dấu kít?

3. Biên giới: Bí mật tổ quốc?. Mỗi căn nhà địa chỉ, có ranh giới, có con số chỉ rõ diện tích căn nhà hay khu vực nhà mình.

Mỗi nước đều có biên giới, bản đồ của đất nước được in đầy trong sách địa lý, lịch sử từ lớp nhỏ nhất tới lớp lớn nhất.

Mỗi nhà, mỗi nước đều có chủ quyền trong ranh giới của mình.

Người ta còn có bản đồ thế giới để các nước biết rõ biên giới của từng nước để tiện việc giao dịch, tôn trọng chủ quyền lẫn nhau.

Chỉ riêng "nhà nước ta" nhất định rằng đấy là bí mật quốc phòng, nhất định dấu kín hiệp định biên giới!

Không cho biết biên giới, làm sao kêu gọi dân "Bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ"? Biết ở đâu? Tới đâu mà bảo vệ?

Ðất nước là của toàn dân, không phải tài sản riêng cuả người lãnh đạo, tại sao lại dấu kín lãnh thổ như làtư trang, tài sản của riêng mình vì sợ người nhòm ngó?

***

- Ép uổng người dân không còn lối sống đến phải liều mạng bỏ nước ra đi, lao vào biển cả mênh mông, bị hãm hiếp, giết chóc dưới tay hải tặc để tìm tự do.

- Tham nhũng, tàn hại đất nước, đem sức dân xuất cảng rẻ mạt, nhục nhã.

- Làm băng hoại tinh thần tự trọng, tự cường của dân tộc để người dân coi thường chuyện bị người ngoại quốc làm nhục, chỉ biết cúi đầu chịu nhục để sống thừa.

- Thui chột mầm non, tiêu diệt nhân tài, thi hành chính sách ngu dân để cai trị, bảo vệ quyền lợi, địa vị riêng và phe nhóm, làm Việt Nam trở thành một trong những nước nghèo đói, nhiều tệ nạn nhất thế giới.

- Lén lút đem đất nước dâng cho ngoại bang để đổi lấy những quyền lợi cho phe nhóm, lãnh tụ.

Tất cả những hành động đó đúng là của quân đạo tặc, phá gia chi tử!

Thương nữ bất tri vong quốc hận

Người con hát hay ca nhi không hề biết cái nhục mất nước, cứ thản nhiên ca hát cho người mua vui. Ta trách nàng ca kỹ cũng tội vì đa số họ đều là con nhà nghèo, ít học, có chút thanh sắc đem rao bán cho đời mua vui, có trách nhiệm chăng, họ cũng chỉ một phần rất nhỏ trong khi "hữu trách"

Quốc gia hưng vong,
Thất phu hữu trách.

Nước mất, nhà tan, sao không trách những kẻ có trách nhiệm trong việc làm mất nước mà trách chi những người con gái tay yếu, chân mềm, kèm thêm thiếu học thức và tri thức?

***

Ðất nước lúc nào cũng bị hoạ Bắc phương đe doạ. Ðể hoá giải mối đe doạ đó, mỗi thời đại, những người có trách nhiệm với đất nước có đường lối ngoại giao khác nhau để ngăn cản hoạ diệt vong. Trong gần năm ngàn năm dựng nước, lịch sử ghi đậm những chiến thắng oai hùng, những đường lối ngoại giao khôn ngoan, khi cương quyết, khi ôn hoà để bảo vệ lãnh thổ và danh dự đất nước. Lịch sử cũng ghi sâu những vết nhơ của Mạc Ðăng Dung, của Hồ Qúy Ly đã bán nước cầu vinh; Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà nhưng quan trọng nhất, nhục nhã nhất, đáng phỉ nhổ nhất là đứa nghịch tử: Ðảng Cộng Sản Việt Nam, thời "hậu Hồ", đã lén lút dâng đất đai tổ quốc để bảo vệ ngai vàng cho các vua, quan trong Chính trị bộ và cấp lãnh đạo đảng!

Kathy Trần

Mạn đàm với Nguyễn Chí Thiện

Nguyễn Văn Lục

Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng
Vất cùm
Vất cờ
Vất đảng
Đội lại khăn tang
Đêm tàn ngày rạng
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Sống sót về nay an nhờ phúc phận…

Nguyễn Chí Thiện

Tác giả Hoa Địa Ngục ở Westminster, CA (2005)Nguồn/Ảnh: vietamreview.blogharbor.com/Jean Libby

Nguyễn Văn Lục: (NVL) Thưa anh Nguyễn Chí Thiện, xin nói thật, tôi đã cố công tìm hiểu anh, qua bạn bè, qua nhiều nguồn tài liệu trước khi có buổi mạn đàm này. Thứ nhất là hình ảnh chụp với các bạn tù sĩ quan biệt kích miền Nam bị bắt trước năm 1975. Hình chụp với các bạn tù ở trại Phong Quang, hình chụp với các nhà thơ Phùng Cung, Phùng Quán, Lê Dũng tại Hà Nội vào mùa hè 1993, hình chụp với các sĩ quan trong quân đội QGVN bị tập trung cải tạo sau 1954 như quý ông Cựu Trung úy phi công Phan Hữu Văn (15 năm tù), cựu trung úy Vương Long (8 năm tù) và cựu đại úy Kiều Duy Vĩnh (15 năm tù). Riêng ông Kiều Duy Vĩnh đã viết một đôi bài về đời sống trại tù trên trại Cổng Trời đăng trên thế kỷ 21 như nhân chứng hàng đầu. Nhưng điều làm tôi thêm xác tín về anh, chính là lá thư trao đổi anh viết từ Hà Nội đề ngày 20/02/1992, gửi cho anh Trần Tam Tiệp, tức Đạo Cù. Đối với tôi, như vậy kể đã tạm đủ về con người anh.

Nguyễn Chí Thiện: (NCT) Anh nhắc tôi mới nhớ và chắc tôi chẳng bao giờ có thể quên được những nghĩa cử của anh Trần Tam Tiệp dành cho chúng tôi.

NVL: Tôi xin vắn tắt hỏi anh, vì lý do gì anh bị cộng sản bắt giam để rồi thêm hai lần nữa bị giam tù. Cộng lại trên 27 năm. Gần nửa đời người. Mất trọn vẹn tuổi trẻ?

NCT: Lý do đi tù đơn giản thôi anh ạ. Năm 1956, tôi bị bệnh lao. Tôi về Hải Phòng để chữa bệnh. Tôi có người bạn dạy trường Bổ túc văn hóa. Anh ấy ốm nhờ tôi dạy thế. Nhằm vào môn sử, tôi có nói nguyên nhân Nhật đầu hàng là do hai trái bom của Mỹ bỏ xuống đất Nhật. Như thế la phản tuyên truyền đáng lẽ phải nói là do Hồng quân Liên Xô đánh thắng Nhật. Tôi bị công an theo dõi và bị đem ra tòa án Hải Phòng xử với hai năm tù. Nói là hai năm, nhưng thật ra tôi bị giam đến 3 năm rưỡi. Nghĩa là giữa năm 1964 mới được thả về. Trong tù, tôi đã làm cả thảy khoảng 100 bài thơ.

NVL: Điều gì làm anh thấy khổ nhất trong nhà tù cộng sản?

NCT: Con người trong nhà tù cộng sản bị rẻ rúng và cái khổ nhất là bị bỏ đói. Bữa ăn độn sắn , độn khoai, bạ gì ăn nấy, ngay cả lá cây… Đói làm con người mất nhân cách. Chẳng hạn, ăn cắp của nhau. Cái khổ thứ hai là phải đi lao động. Ăn đã không đủ no. Lại phải cuốc đất, lao động cực nhọc. Mùa hè thì nạn rệp, giết không kịp. Mùa đông thì chấy giận. Chúng toa rập nhau làm khổ người tù. Nước không có nên có khi cả tháng tôi mới rửa mặt. Mỗi lần được tắm sông là một ân huệ. Có những điều ở ngoài dời coi là chuyện thường thì trong tù coi là một niềm hạnh phúc, một ước mơ. Hạnh phúc đôi khi nhỏ nhoi lắm anh ạ. Một chút nắng dọi, một cục đường, một chia xẻ nhỏ nhoi. Tất cả đều mang một giá trị.

NVL: Đúng ra, thưa anh, có một bực thang giá trị trong tù, không giống đời thường. Ta gọi là thế giới tù, thế giới của nhũng người cùng khổ mà giá trị thời gian là bất tận, tương giao người với người là hận oán. Không ở trong tù, không là người tù không bao giờ hiểu được người tù. Phải không anh?

NCT: Có thể là như vậy, nhưng tù cộng sản thì anh cần nhân lên nhiều lần nỗi khốn khổ thể xác và tinh thần.

NVL: Vì thế, nhiều người đi tù cộng sản đả chết trong tù?

NCT: Hầu hết đều chết vì bệnh tật và đói ăn. Cái đói hành hạ con người đêm ngày. Đói là kẻ thù số một của người đi tù cộng sản.

NVL: Anh bị giam chung với những thành phần nào trong tù?

NCT: Thứ nhất là loại địa chủ. Hầu hết bọn họ đều lớn tuổi nên chết trong tù. Ít thấy ai được về. Ngay cả những thành phần buôn bán như ông Tộ, quán Mụ Béo, hay ông Mẫn bán kem cũng bị giam tù đến chết. Tiếp đến là thành phần thanh niên Hà Nội, Hải Phòng trốn vào Nam. Ngàn người không chắc lấy được vài người trốn thoát. Nhiều thanh niên chỉ ngồi bàn tán trong quán cà phê toan tính vượt biên cũng đủ bị đi tù. Loại này, họ xử theo lý lịch. Tôi lấy trường hợp tu sĩ Cao Ngân, người Hà Tĩnh. Ông bị bắt vào cuối năm 1954 vì tội trốn đi Nam, ông bị kết án 5 năm tù. Nhưng thực tế, ông bị giam từ năm 1954 cho đến 1977 mới được tha. Tôi đã gặp ông trong trại tù Phong Quang, Lào Cay. Thay vì 5 năm, ông ngồi tù đếm lịch 27 năm. Năm 1980, ông vượt biên và ngụ ở bang Louisana. Sau đó, ông được thụ phong linh mục. Tôi đã có dịp đến thăm ông. Sau này, ông bị bệnh thận và qua đời được vài năm nay.

NVL: Sau đợt đi tù này thì anh làm gì để sinh sống?

NCT: Tôi về lại Hải Phòng anh ạ. Lúc này đời sống khó khăn, mọi ngành nghề đều phải vào Hợp tác xã, ngay cả nghề hớt tóc đến bán bún chả. Tôi bắt buộc làm đủ thứ nghề để kiếm sống như đi gánh gạch, đào hầm trú ẩn, phu thợ hồ.

NVL: Đào hầm trú ẩn để làm gì?

NCT: Lúc đó Mỹ đã ném bom miền Bắc nên người ta phải lo đào hầm trú ẩn.

NVL: Anh có sáng tác được gì trong thời gian này không?

NCT: Lúc này, tôi phải lo kiếm sống nên sáng tác không được bao nhiêu. Mà đâu có dám viết ra giấy. Chỉ đọc cho bạn bè nghe, rồi họ thích thì họ thuộc, người này truyền đọc cho người kia. Nhưng rồi đến tai công an anh ạ. Nó bắt tôi vào khoảng đầu năm 1966 và tra vấn tôi có phải tôi là tác giả những bài thơ ấy không? Tôi chối hết anh ạ. Nó hỏi cung như thế cũng 3, 4 tháng, sau đó bắt tôi đi tập trung cải tạo.

NVL: Tập trung cải tạo là chế độ như thế nào?

NCT: Trước nay, tôi còn bị đem ra xử ở tòa án. Còn tập trung cải tạo thì không có tòa án nên thời gian giam giữ vô thời hạn. Tôi đã bị giam hết trại này đến trại khác.

Tôi có bị giam ở trại tù Phong Quang, Lào cay và tôi đã gặp Vũ Thư Hiên trong vòng ba năm. Sau đó, Vũ Thư Hiên được thả ra về trước tôi. Tôi đã nếm đủ mùi gian khổ.

NVL: Tôi cũng đã có dịp gặp anh Vũ Thư Hiên và được nghe anh kể nhiều chi tiết, sự việc lý thú mà những người như chúng tôi ở trong Nam không có cách gì có thể biết được. Trong đó, điều tôi thấy khó chấp nhận chế độ ấy là sự lừa bịp. Tôi không tin được điều gì cả. Chúng tôi không tin, người dân trong nước không tin, mọi người không tin nhau... Chúng ta sống triền miên trong sự lừa phỉnh.

Tôi gọi là thời của sự ngờ vực.

NCT: Anh nói không sai. Như mới đây, ông Nguyễn Minh Triết nói rằng 99% dân chúng đi bầu cử Quốc Hội chứng tỏ lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với nhà nước Việt Nam... Con số biết nói này là câu trã lời rõ ràng nhất. Nhưng ai cũng biết rằng, đó chỉ là một cuộc đi bầu cử có giàn dựng sắp xếp trước. Họ biết là gian trá, không đúng sự thật mà họ vẫn có đủ cái can đảm nói dối trá. Nói không biết ngượng.

Xin tiếp nối lại câu chuyện của tôi là, nhiều lúc tôi tưởng mình chết không sống nổi anh ạ. Đây cũng là thời gian tôi làm được 300 bài thơ, trong đó có bài Đồng Lầy. Mãi đến năm 1977, tôi mới được thả về. Khi được thả về thì mẹ tôi đã mất năm 1970, còn ông cụ mất năm 1976. Bố mẹ chết, tôi không được gặp. Tháng 6/1977 khi được thả về thì chỉ còn là hai cái mả.

NVL: Anh có biết ông bà cụ thân sinh chết vì bệnh gì không?

NCT: Chết vì đói anh ạ. Nói không ai tin, nhưng đúng lá đói ăn mà chết anh ạ. Tôi nói thật như thế. Đói lắm anh ạ.

NVL: Theo anh thì vì lý do gì họ thả anh vào tháng 6/1977?

NCT: Theo tôi thì họ phải tha tôi, vì họ không có chỗ giam nữa. Bởi vì sĩ quan miền Nam bị bắt đi cải tạo gửi ra đông quá, không có chỗ mà giam họ nữa.

NVL: Vậy lý do chỉ đơn giản là không đủ chỗ giam mà anh được thả ra về?

NCT: Đơn giản là như vậy, tha bắt là quyền của họ. Muốn giam, muốn thả cũng là quyền của họ, không hạn định năm tháng. Có thể 5 năm, 10 năm, tùy họ.

NVL: Trong số sĩ quan miền Nam đi học tập cải tạo, anh có gặp ai trong bọn họ không, anh có thể kể cho biết một vài tên?

NCT: Tôi không có gặp sĩ quan đi học tập cải tạo anh ạ. Vì lúc đó, tôi đã được thả ra. Nhưng tôi có gặp một số người bị bắt từ hồi tết Mậu Thân, năm 1968, rồi được gửi ra Bắc. Tôi còn nhớ các anh Thuần, Tiệp.

NVL: Anh có thể cho biết tên họ và chức vụ của họ lúc bị bắt không?

NCT: Tôi không biết tên họ của họ, cũng không hề biết chức vụ của họ. Những chuyện như thế, không tiện hỏi và có hỏi chắc họ cũng không tiện nói ra. Anh nhớ là chúng tôi đang ở trong tù cộng sản. Sau này, khi có Hiệp định Paris thì họ được thả về.

NVL: Còn lần bị bắt lần thứ ba thì vì lý do gì?

NCT: Chẳng vì lý do gì cả anh ạ. Hay lý do là vì tôi không có con đường chọn lựa nào khác. Câu chuyện nó như thế này. Tháng 2/79, Trung Quốc tấn công 6 tỉnh miền Bắc. Lúc đó tôi đang ở Hải Phòng. Phó Thủ Tướng Phạm Hùng ra lệnh tập trung một lần nữa những loại người được tạm tha như tôi. Tôi tính nay đã đến bước đường cùng rồi. Đi tù một lần nữa là chọn con đường chết, mà đằng nào cũng chết.

Tôi tính phải gửi cho bằng được tập thơ của tôi ra nước ngoài qua con đường của sứ quán.

NVL: Tại sao, anh chọn sứ quán Anh quốc mà không phải là sứ quán Pháp chẳng hạn?

NCT: Chỉ vì lý do ra vào sứ quán Anh tương đối dễ hơn sứ quán khác. Tôi đã vào được tận trong sứ quán Anh quốc và được 3 người trong sứ quán đón tiếp, trong đó có ông Đại diện lâm thời. Họ cho biết không thể cho tôi cư trú trong sứ quán được. Nhưng họ hứa 3 điều sau đây:

Thứ nhất, gửi tập bản thảo ra ngoại quốc. Thứ hai, bênh vực và tìm cách bảo vệ cũng như tranh đấu cho sự an toàn của tôi sau này. Thứ ba, cho tôi một số tiền. Tôi đồng ý tất cả, trừ việc cho tiền, vì biết rằng, ra khỏi sứ quán là tôi bị công an bắt rồi và tiền sẽ bị họ lấy hết.

Sau đó, tôi đã bị công an bắt và lần này đặc biệt được giam ở Hỏa Lò.

Chuyến này, tôi bị giam 6 năm ở Hỏa Lò và và viết cuốn về Hỏa Lò, in năm 2001.

NVL: Anh có thể nói đầy đủ chi tiết về số phận tập bản thảo khi lọt vào tòa Đai sứ Anh không?

NCT: Thưa anh, khi đã đưa được tập bản thảo vào trong tòa đại sứ, tôi hy vọng ngày đêm nó được xuất bản ở Hải ngoại như lời hứa của nhân viên tòa Đại sứ Anh quốc. Theo tôi được biết, tập bản thảo mới đầu được trao cho ông học giả, giáo sư Patrick. J. Honey. Theo lời giáo sư Honey khi đọc tập thơ này, đó là những cảm xúc ông chưa từng có bao giờ khi đọc thơ văn Việt Nam... Giáo sư Honey đã trao tập thơ này cho ông Đỗ Văn ở đài BBC. Tám tháng trời đã trôi qua, sau đó được trao cho ông Châu Kim Nhân và được đăng từng bài trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong. Sau đó bản thảo lọt vào tay anh Viên Linh, báo Khởi Hành. Sau đó, như mọi người được biết, nó đã được in ra và đối với tôi, nó đã cứu sống tôi, tôi mong đợi đêm ngày và khi nó được in ra, tôi coi như bố mẹ mình sống lại.

NVL: Anh có thể cho biết ảnh hưởng trực tiẽp của tập thơ này như thế nào khi anh còn ngồi trong tù không?

NCT: Tập thơ được in ở Hải ngoại rất có lợi cho tôi, vì cộng sản cũng ngại dư luận. Thoạt tiên khi được biết tập bản thảo được in ra, chúng mời tôi lên làm việc. 15 tháng sau, 4,5 tên đã đưa ra trước mặt tôi tập thơ đã được in, đồng thời cũng đưa ra một bức thơ in bằng tiếng Pháp. Họ hỏi tôi có nhận ra tập thơ này là của tôi không? Tôi nhận ngay là của tôi sau khi đọc mấy bài. Sau đó, bọn họ yêu cầu tôi viết lại tất cả các bài thơ tôi đã viết.

NVL: Họ làm thế mục đích để làm gì? Để biết chính xác anh là tác giả tập thơ đó?

NCT: Theo tôi thì họ nhắm nhiều mục đích. Trước hết, họ nghi tập thơ do nhiều người viết... Nếu do nhiều người viết, họ sẽ tìn cách truy lùng những người khác đã viết. Cho nên, bằng cách nào, họ cũng muốn tôi viết lại... Tôi tìm cách trì hoãn nói rằng nay sức yếu, thiếu ăn uống, không đủ sức để ngồi tập trung tinh thần để nhớ hết... Tôi xin họ cho gia đình tiếp tế. Sau đó, tôi đã nhận được sự tiếp tế của gia đình gồm một bao lớn, chỉ có chăn màn và mấy kí lô mì rang và đường đen. Phần họ, họ chấp thuận cho bồi dưỡng tôi mỗi ngày có chè tầu, thuốc lá hai bữa cơm ăn tươm tất có thịt, giò chả. Đấy là món chi tiêu khá lớn cho một tên tù. Trà hai đồng một ngày, thuốc lá Sông Cầu hai đồng nữa, vị chi 4 đồng trong khi lương cán bộ chỉ có 2 đồng một ngày.

Nếu viết nhanh, tập trung mà viết, chỉ mất một tuần. Tôi đã kéo dài ra hai tháng rưỡi, cũng chỉ xong được một nửa. Nó thúc dục, tôi cũng ì ra kéo dài thời gian để được cấp dưởng đầy đủ. Sau tết thì họ bảo tôi ngưng viết, trở lại với cơm tù. Nhưng cũng nhờ truyện viết lại này mà tôi lên được khoảng 5 ki lô.

Sau đó bị giam ở B14, cách Hà Nội 16 ki lô mét. Chính ở B14, tôi có dịp gặp Võ Đại Tôn và ông Võ Đại Tôn cùng được thả với tôi trong dịp bức tường cộng sản Liên Xô sụp đổ.

Và tính đến lúc tôi được thả trong đợt này, tôi đã ở tù 12 năm, 3 tháng, 12 ngày. Ngày tôi được thả là ngày 28 tháng 1 năm 1991.

NVL: Anh nhớ kỹ?

NCT: Làm sao quên được anh ạ? Nhớ suốt đời.

NVL: Nếu tính cả ba lần ở tù thì thời gian là bao nhiêu?

NCT: Hơn 27 năm.

NVL: 27 năm, cứ nghĩ tới thời gian đó không khỏi rùng mình, ghê sợ. Phần anh, anh nghĩ gì về thời gian ở tù?

NCT: Chính tôi cũng ngạc nhiên mình có thế sống còn sau một thời gian ở tù lâu như vậy. Nhưng nhiều lúc, tôi cũng không thể tưởng mình có thề tồn tại được. Nhiều lần, tôi tưởng tôi sẽ chết trong tù. Có lần, tôi ho ra máu. Nếu không có thuốc thì không khỏi được. Tôi phải nhịn ăn, đổi cơm, lấy thuốc rét Liên Xô. Uống vài viên là khỏi bệnh. Tôi phải nhận rằng sống có số phận anh ạ, có lần tự nhiên khỏi.

NVL: Ngoài Võ Đại Tôn, anh còn có cơ hội gặp ai khác nữa không?

NCT: Có chứ anh. Không ai khác hơn là linh mục Nguyễn Văn Lý.

NVL: Anh gặp linh mục Lý vào thời gian nào?

NCT: Vào năm 1990 anh ạ.

NVL: Anh có thể nói rõ hơn về tình trạng các trại tù vào năm 1990 so với thời gian trước 1990.

NCT: Phải nói là khá hơn trước nhiều. Khá đây không có nghĩa là đời sống tù nhân được cải thiện hơn. Nhưng nay thì đã có cantine bán đủ thứ, miễn là có tiền. Có thể mua được thực phẩm, ngay cả bia, cá tươi, coi vidéo thuê.

NVL: Tôi nghĩ rằng, có lẽ anh cần nói rõ hơn về con người linh mục Lý. Đã không có mấy người trực tiếp biết linh mục Lý khi ông ở trong tù. Những tin tức, lời đồn chung quanh vụ linh mục Lý mà ngay những người cầm bút như tôi đôi lúc cũng cảm thấy khó nghĩ.

NCT: Tôi sẽ chỉ nói về con người này trong hơn một năm sống chung trong trại tù với tôi, đã cùng ăn, cùng chia xẻ số phận người tù. Thưa anh, tôi nghĩ rằng trong tù là thước đo mọi thứ. Trong đó có thể nói nhân cách một người tù là điều quan trọng nhất. Người tù ở bên ngoài có thể là ông nọ bà kia, nhưng trong tù, tù này khác tù kia, chính là do nhân cách người ấy.

Trong trại tù lúc bấy giờ, có hai linh mục cùng bị giam chung. Linh mục kia, tôi thấy không tiện để nói ra. Nhưng cả hai được coi như giầu nhất trại tù, vì các cha được giáo dân tiếp tế. Llinh mục Lý, nếu muốn ăn gì, có đủ cả. Nhưng ông chỉ ăn mỗi ngày chút lạc rang, muối vừng. Tiền ông có, thực phẩm cũng vậy như thuốc lào, trà tàu, bích quy, ông giúp người khác. Giúp mọi người, cả bọn lưu manh. Ở trong tù, mỗi chút đều quý, không dễ gì chia xẻ với người khác như thế đâu. Cho nên, mọi người đều quý và nể linh mục, ngay cả bọn cán bộ và bọn lưu manh.

Bạn tù đau ốm bị bắt đi lao động, linh mục Lý dám đứng lên phản đối và can thiệp. Bọn cán bộ sai bọn lưu manh đánh ông. Chúng chỉ đánh giả vờ. Trong trại, có một viên trung úy tham ô, bớt xén của tù nhân. Linh mục Lý tổ chức, xách động biểu tình. Tôi khuyên linh mục đừng làm như vậy, vì tham ô thì cả nước nó tham ô. Linh mục lại sắp mãn hạn tù. Linh mục cần kiên nhẫn để được thả, rồi muốn tranh đấu gì thì tranh đấu. Mới đầu ông nói tôi không cần ra tù, tranh đấu trong tù cũng là tranh đấu. Phải nói, linh mục Lý tính tình dễ nóng giận, không dễ kìm giữ, lại thiếu kinh nghiệm đấu tranh với cộng sản. Có những việc không đáng làm thì không nên làm, linh mục cần dành cho việc lớn. Nói mãi linh mục mới chịu nghe.

Sau đó, tôi ra tù, không được gặp linh mục nữa. Năm 1992, linh mục Lý được tha, ông có đến nhà tôi. Tôi biếu một món tiền để giúp ông về Huế.

NVL: Sau này, anh có dịp liên lạc với linh mục Lý không?

NCT: Tôi vẫn giữ liên lạc và theo dõi những hoạt động của linh mục Lý.

NVL: Cụ thể là trước khi linh mục Lý bị bắt tù, anh có liên lạc không?

NCT: Có, liên lạc với cả linh mục Lý và linh mục Lợi. Và tôi vẫn nghĩ rằng linh mục Lý vẫn là người khởi xướng và là linh hồn của một số hoạt động đấu tranh trong nước.

NVL: Có một số dư luận không tốt về đời tư của linh mục Lý, anh nghĩ thế nào về chuyện này.

NCT: Nói huỵch toẹt ra, người ta nói linh mục Lý có đến bốn bà vợ. Cá nhân tôi, tôi đã sống gần linh mục Lý trong tù, vẫn liên lạc với ông, tôi không tin những điều như thế. Vả lại, giả dụ, nếu linh mục Lý có đời sống bê bối, chính quyền cộng sản sẽ không để yên, sẽ tìm cách bôi nhọ trên báo chí. Đó là trường hợp ông Võ Đại Tôn. Chúng đưa ra tất cả những gì ông viết trong tù. Trường hợp ông Đoàn Viết Hoạt chỉ xin đoàn tụ gia đnh, chúng cũng đưa ra. Và rồi trường hợp ông Hà Sĩ Phu cũng vậy. Chuyện gì cũng vậy, nói ông bê bối, phải đưa được bằng cớ ra. Về tiền bạc, cha nhận được 70 ngàn, cha nói đã nhận đủ. Chi tiêu về số tiền này thì người giáo dân xứ An Truyền hẳn rõ. Giáo dân thì đang từ 200 nay lên trên 500. Điều đó muốn nói gì?

NVL: Xin anh xác nhận rõ hơn, đã có bao giờ anh đặt vấn đè với linh mục Lý về những dư luận nói xấu cha không?

NCT: Trước hết, cho dù trong đời sống của ông có vấn đề gì, tôi vẫn phục và kính nể những hoạt động của linh mục. Nhưng đã có lần tôi đã hỏi thẳng: linh mục nói thật đi, linh mục có những liên hệ tình dục với những người đàn bà như lời đồn thổi ở hải ngoại không? Ông trả lời tôi là hoàn toàn không có.

Phần tôi, tôi tin ông nói sự thật. Nhân cách trong tù của linh mục Lý bắt buộc tôi phải tin như vậy.

NCT: Tôi cần nói thêm là, trong lúc này, những người như linh mục Lý là biểu tượng cho tranh đấu tự do dân chủ với cộng sản. Không vì lẽ gì chúng ta bôi nhọ những biểu tượng đấu tranh dân chủ.

NVL: Tôi cũng không nghĩ khác anh. Một câu hỏi chót, xin anh cho biết, bài học hơn 27 năm tù đã giúp cho anh bài học gì và cho những người Việt đang đấu tranh cho dân chủ và tự do trong nước?

NCT: Hơn nửa đời người sống dưới chế độ cộng sản và trong lao tù của họ. Số phận của tôi cũng là số phận của người Việt Nam nói chung. Bài học của tôi cũng là bài học của họ. Chúng ta cần làm thế nào để cho tương lai con cháu chúng ta không còn phải sống dưới chế độ cộng sản nữa. Đó là mong ước của tôi và công cuộc tranh đấu của tôi cùng với người Việt khắp nơi trên thế giới cũng chỉ nhằm mục đích đó. Xin cám ơn anh đã trích dẫn bài thơ cho phần mở đầu bài trao đổi này. Đó là niềm mơ ước của tôi.

Hà Nội tiếp tục bắt giam người không cùng chính kiến

KIÊN GIANG (VIỆT NAM) – Tin từ đảng Vì Dân cho biết cho đến hôm nay, bà Nguyễn Thị Kim Thanh vẫn chưa được thăm gặp chồng là ông Trương Minh Đức bị bắt tạm giam từ hôm 5/5/2007.

Bà Kim Thanh cũng hoàn toàn không biết được tin tức gì về tình hình hiện tại của ông Trương Minh Đức cũng như không được giải thích lý do ông bị giam giữ từ các cơ quan có trách nhiệm.

Cũng theo nguồn tin trên, ông Trương Minh Đức, một thành viên của đảng này đã bị các nhân viên của Bộ Công an đọc lệnh bắt giữ khẩn cấp tại tư gia ở thị trấn Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang hôm 05/05 vào khoảng 8 giờ sáng.

Theo bà Kim Thanh thì lý do bắt giữ khẩn cấp đã không được nêu ra khi các viên chức công an đọc lệnh.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Thanh cũng cho biết ông Trương Minh Đức “thường giúp đỡ những người cô thế, những người thường xuyên bị chính quyền địa phương đàn áp quá… hay là những người nghèo khổ mà người ta bị oan sai này kia thì ảnh có giúp, mà là chỉ giúp cách thức người ta làm đơn vậy thôi”

Đồng thời, công an cũng tiến hành khám xét nhà ở của ông Đức trong khoảng hai giờ và đã thu giữ máy tính, máy ghi âm, máy in và điện thoại cầm tay của ông Đức trước sự chứng kiến của gia đình.

Bà Kim Thanh cho biết công an cũng đã thu giữ một chiếc xe do bà đứng tên từ năm 1998 với lý do ông Đức đã sử dụng xe này để “phạm tội” nhưng không nói rõ là xe gì, đồng thời cũng đến nơi trọ học của hai con bà tại thành phố Sài Gòn để tịch thu một máy tính (tịch thu cả màn hình) do ông Đức đã đem đến đấy.

“Bây giờ tôi muốn xin kêu gọi các cơ quan nhân quyền Việt Nam cũng như nước ngoài giúp cho chồng tôi là anh Trương Minh Đức cho anh ấy được trở về gia đình. Xin các cơ quan báo chí ở nước ngoài lên tiếng để giúp đỡ cho chồng tôi là Trương Minh Đức”, bà Nguyễn Thị Kim Thanh kêu gọi.

Được biết từ ngày bắt giam ông Trương Minh Đức, gia đình của bà Kim Thanh cũng không bị sự đe dọa, xách nhiễu nào từ các cấp chính quyền.

Ông Trương Minh Đức – một người viết báo từng cộng tác từ năm 1994 với các tờ Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Pháp Luật, Thanh Niên, Kiên Giang, v.v... dước các bút danh, qua các bút hiệu Lưu Quốc Thắng, Hạnh Chi, Minh Hà, PV, Đức Minh, CTV, TMĐ, Trương Minh Đức, v.v... – là đảng viên của đảng Vì Dân từ 2006.

THẦY NĂM CHÉN

Sau trận Tết Mậu Thân (1968) ở Huế, gia đình ông thầy thuốc Nam đó chết hết, chỉ còn lại có hai cha con. Nhà cửa tiêu tan, sự nghiệp tiêu tan, thầy không muốn ở lại cái vùng đất mà thầy cho là còn gần với quân xâm lăng miền Bắc. Thầy gạt nước mắt, dẫn thằng con trong tuổi quân dịch đi vô Nam. Thầy nói: “Ở trong nớ tuy tứ cố vô thân nhưng chắc chắn là mình được yên ổn lâu dài”.

Trên chuyến xe vào Saigon, ông bắt chuyện với một sư ông lên xe ở trạm Nha Trang. Thì ra sư ông cũng là thầy thuốc Nam nữa. Nhờ vậy, tâm sự được dàn trải dễ dàng. Sư ông trụ trì ở chùa Thiền Lâm Gia Định, vừa làm phật sự vừa bắt mạch vừa bốc thuốc.

Sư ông nói: - Tôi làm không xuể.

- Bịnh nhân có đông không ?.

- Tùy mùa. Nói chung chung thì cũng nhiều. Với tôi, phật sự là chánh, còn chữa bịnh là phụ. Vì không đủ thời giờ nên tôi đành từ chối bịnh nhân... Thấy cũng tội nghiệp !

Khi sư ông biết tình cảnh của cha con ông thầy thuốc Nam, sư đề nghị:

- Nếu ông anh không chê thì tôi xin mời ông anh về tá túc với chúng tôi. Mình sẽ phụ nhau chữa bịnh cho đồng bào thì thật là hoan hỉ.

Trong cảnh “tứ cố vô thân”, đề nghị của sư ông như một cái phao. Ông thầy nhận lời và cám ơn rối rít. Sư ông nói:

- Đời sống trong chùa đạm bạc như thế nào chắc ông anh cũng đoán biết, không cần phải giải bày. Duy chỉ có điều này là cần nói rõ: bịnh nhân đến chùa phần đông là đồng bào nghèo, mà chùa thì không có khả năng tài chánh để chữa thí, vì vậy, mình chỉ lấy tiền thuốc thôi.

- Ngoài nớ, gặp bịnh nhân nghèo, tôi cũng làm như rứa. Đôi khi còn không lấy tiền.

- A di đà Phật...

... Chùa Thiền Lâm nằm giữa một nghĩa trang vây quanh bởi một bức tường rào xây bằng gạch bờ-lóc không có tô và cũng không quét vôi. Nhiều nơi tường bị nứt dài, gạch bể lỗ đỗ. Dọc theo mặt tiền là mấy “tiệm” hớt tóc (Không biết gọi là gì cho đúng. Mấy anh thợ hớt tóc, trước đây hớt tóc dạo, bây giờ... đóng đô ở đó bằng cách đóng lên tường mấy cây đinh rồi móc tấm ni-lông hay tấm vải trắng cỡ thước rưỡi bề ngang, có mấy cây trúc chống căng ra như một mái nhà. Bên dưới, đặt hai ghế đẩu – một cho khách, một cho thợ hớt tóc – và trên tường treo ngang tầm mắt người ngồi ghế đẩu là tấm kiếng cỡ hai trang giấy lớn. Trên tường cũng có viết nguệch ngoạc bằng sơn dầu các kiểu tóc và giá cả. Chiều, họ gỡ hết đem đi. Sáng, họ trương lên, ngồi đánh cờ tướng với nhau hay hút thuốc rung đùi... đợi khách !). Cổng vào nghĩa trang, bằng sắt rỉ sét xiêu vẹo, mang một bảng gỗ đã mục nhiều nơi, lớp sơn tróc rơi để lòi sớ gỗ, nhưng cũng còn vừa đọc vừa... đoán ra được hàng chữ: “Nghĩa trang Hội Tương tế X...”. Từ ngoài ngỏ chạy thẳng vô chùa là đường đất đỏ nằm giữa hai hàng cây điệp. Vây quanh chùa là mả thấp mả cao xếp hàng dài dài...

Chùa là một ngôi nhà cất theo kiểu xưa: nền cao, nóc bánh ích, cột kèo gỗ, ba gian hai chái, hàng ba thật rộng. Không có mái cong chạm rồng chạm phụng gì hết. Mới nhìn tưởng là nhà ở chớ không phải chùa ! Biết là chùa nhờ có tấm bảng nằm dưới mái hiên: “Thiền Lâm Tự” ! Bên trong không có “năm ngăn bảy nắp đầy dẫy tượng Phật, tượng Bồ Tát sơn son thếp vàng” như mấy chùa nổi tiếng. Nhưng cũng có đầy đủ ngôi tam bảo với các vật dụng cần thiết để làm phật sự. Ở đây, đúng là một cảnh chùa nghèo. Tuy nhiên, theo lời sư ông, những ngày rằm ngày vía, phật tử đến cúng bái khá đông. Phần lớn là đồng bào ở trong vùng và những người không thích “chùa nhà giàu” – chính họ nói như vậy.

Về chùa Thiền Lâm, sư ông phân công rõ rệt: sư ông và người đệ tử lo phật sự và trông nom trong ngoài, còn cha con ông thầy thì lo phần chữa bịnh kể cả việc đi bổ thuốc. Cái chái phía bên phải xưa nay vẫn là phòng mạch, bây giờ giao hẳn cho ông thầy tự do sắp xếp. Cha con ông được cho một căn buồng ở hậu liêu, có cửa sổ nhìn ra vườn rau cải của chùa. Lâu lâu, có ai rước sư ông đi làm đám ở đâu thì cha con ông thầy lảnh phần đèn nhang cúng bái thường nhựt...

Ông thầy chữa bịnh mát tay nên bịnh nhân càng ngày càng đông. Thầy bắt mạch, rờ trán, xem lưỡi... rồi bốc thuốc gói từng thang bằng giấy báo. Khi trao thuốc lúc nào thầy cũng dặn: “Đổ vô năm chén nước, sắc còn một chén uống”. Thang nào của thầy cũng là năm chén nước và không thang nào là không đi kèm với câu dặn dò trên. Vì vậy, bịnh nhân và người trong vùng gọi ổng là “thầy năm chén”. Lâu ngày thành tên luôn, làm như thầy thứ Năm và tên Chén vậy ! Cho nên, về sau, khi nói chuyện với thầy, bịnh nhân gọi thầy bằng “thầy Năm” rất tự nhiên. Không thấy thầy ngạc nhiên hay cải chánh gì hết !

Thằng con thầy Năm Chén, tên Kiệt, thông minh học giỏi cần cù. Kiệt thi đậu vào trường kỹ thuật Cao Thắng. Mấy năm sau, chưa ra trường đã phải nhập ngũ, đi công binh. Lâu lâu được kỳ phép, về chùa giúp cha bổ thuốc bốc thuốc, giống như thời mới vào Nam với hy vọng “nơi ni mình sẽ được yên ổn lâu dài”...

... Vậy rồi có ngày 30 tháng tư 1975...

Hồi thời Tết Mậu Thân, thầy còn chạy vô Nam. Bây giờ, thầy không biết chạy đi đâu nữa. Thầy thở dài: “Đúng là cái số !”. Bản chất thầy hiền hòa mộc mạc như các vị thuốc Nam của thầy, cho nên sự miền Nam mất vào tay cộng sản, thầy nghĩ rất đơn giản: “Tại ông Trời ! Nhơn bất thắng Thiên, ông bà mình dạy như rứa. Khi ổng đã định, mần răng mà cãi được !”. Hồi xưa, thầy học “chữ thánh hiền” trước khi thầy học thuốc. Chữ thánh hiền đã cho thầy có cái nhìn rất khiêm tốn khi thầy chữa bịnh: “Chẳng qua là phước chủ may thầy...”. Bây giờ, sống trong nghĩa trang, ngày ngày nhìn mấy lô mả to mả nhỏ nằm im hàng hàng, thầy càng tin ở số mạng. Cái số thầy phải bỏ xứ để vô Nam, cái số thầy phải ở chùa bốc thuốc, rồi bây giờ cái số thầy “bị mất nước; sống mần răng với bọn cộng sản đây ?”. Nghĩ đến đó, thầy tự an ủi: “Chừ, mình sống giữa những người chết, chắc bọn nó để cho yên...”.

Kiệt đi học tập mấy hôm rồi về chùa phụ sư ông quét dọn trong ngoài, bởi vì bên phòng mạch bịnh nhân cũng vắng. Làm như người ta lo sợ quá rồi...quên bịnh! Trái lại bên phía chùa thì lại đông người lui tới và ngày nào cũng có người. Làm như bây giờ người ta chỉ còn biết... dựa vào Phật !

Thời gian sau, Kiệt tìm được việc làm ở Khánh Hội, trong một ga-ra nằm cạnh bờ sông, chuyên sửa máy xe hơi máy tàu. Thầy Năm Chén và sư ông lâu lâu đóng cửa phòng mạch, đóng cửa chùa để đi học tập chánh trị. Bởi vì “tư tưởng Mác Lê là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại”, phải thông suốt để về chùa làm phật sự cho đúng... “tác phong cách mạng” và về phòng mạch kê toa bốc thuốc cho hợp với... “yêu cầu đấu tranh giai cấp” !

Một hôm, mấy cán bộ thành vào viếng nghĩa trang. Sau khi đi một vòng, họ khen... hai hàng phượng đẹp ! Cuối cùng, họ nói:

- Theo quy hoạch của thành phố, nơi này sẽ là công viên cây xanh, để đồng bào quanh vùng có nơi thư giãn. Việc bốc mộ sẽ có thông cáo. Mấy người được ở lại đây để trông chừng việc bốc mộ cho đến thời hạn ấn định trong thông cáo làphải dọn đi ngay. Rõ chứ ?

Sư ông làm thinh. Thầy Năm Chén cũng làm thinh. Nói cái gì bây giờ ? Đối với những người không biết luật pháp, đối với chế dộ không có luật pháp, thì nói “ừ” hay nói “không” cũng đều là vô nghĩa ! Bởi vì họ không chấp nhận sự đối thoại. Ngoài ra, họ kiêu căng đến mức độ có thể viết một câu tổ bố và lố lăng quá mức mà ai cũng thấy trên đường đi Bến Lức – câu này dân chúng chuyền miệng cho nhau nghe từ mấy tháng nay và chính mắt thầy Năm Chén đã đọc khi đi bổ thuốc ở vùng đó – “Thằng trời đi chỗ khác chơi; Để cho Nông Hội tiến lên làm mùa”. Thì... còn lời gì để nói ?

Nhưng sự “làm thinh” của sư ông và thầy Năm Chén không phải chỉ đơn thuần ở chỗ “hết nước nói”, mà còn là cách để tỏ thái độ của hai ông: làm thinh là khinh miệt bọn chúng, những thằng không đáng để nói chuyện, những thằng mất gốc, tổ tiên không thờ đi thờ hai thằng tây mũi lõ Mác gì gì Lê gì gì đó không biết nữa. Sự làm thinh của hai ông – sự làm thinh của kẻ sĩ – có giá trị gấp mấy lần những lời thóa mạ chửi bới, vậy mà mấy cán bộ lại cho là “thành quả của giác ngộ cách mạng” !

Mấy hôm sau, thầy Năm Chén kéo thằng con ra góc nghĩa trang, thấp giọng nói:

- Cha có chuyện ni muốn nói với con. Nhưng con phải giữ kín.

- Dạ.

- Con nên tìm đường đi chui đi.

- Cha nói chi lạ rứa ?

- Không có chi lạ hết. Cha không muốn con ở lại xứ ni. Mình không còn đất đứng nữa, con à.

Nói đến đây, giọng thầy nghẹn lại. Thầy không nhìn con. Thầy nhìn ra mấy lô mả. Thầy chớp mắt thật nhanh để nước mắt đừng đọng thành giọt. Rồi thầy thở dài...

Mồ mả sao mà an bình chi lạ. Rồi sẽ không còn được như vầy nữa, nay mai... Chế độ không để cho ai được yên, kể cả người chết !

Kiệt nhìn cha, bồi hồi. Con người đó xưa nay hiền hòa, an phận. Vậy mà bây giờ lấy một quyết định có tánh cách chống đối đầu là tiêu cực, chứng tỏ ông “chịu đựng hết nổi”.

- Nghèo như mình thì lấy vàng mô mà đi chui, cha ?

- Cha nghe nói có nhiều người làm việc trên tàu. Họ đi được.

- Nhưng đó là họ đi một mình. Đi đánh cá, gặp dịp là đi luôn.

- Thì cha cũng muốn con tìm cách làm như rứa. Con cũng một mình chớ mấy mình.

- Không ! Con còn có cha nữa.

- Đừng lo cho cha. Cha già rồi. Tương lai là con, mô phải là cha.

- Gia đình mình chết hết, còn lại có hai cha con. Con đâu thể nào bỏ cha được, cha.

- Chính bởi vì cha chỉ còn lại có mình con mà cha muốn con phải đi khỏi xứ ni. Cha không muốn thấy con làm tôi mọi cho một lũ ngu dốt. Cha muốn thấy con được sống trong một xứ tự do. Có nghèo cũng nghèo trong tự do. Mà rủi có... rủi có chết cũng chết trong tự do,con à.

Đến đây thì Kiệt không dám nhìn cha, bởi vì gương mặt héo hon đó vừa nhăn nhúm lại như một miếng cau khô. Lòng quặn thắt, Kiệt nhìn đi nơi khác.

Mồ mả sao mà an bình chi lạ. Đằng kia, hai hàng phượng trổ bông đỏ ối. Màu đỏ trong nghĩa trang, xem vừa lạc lõng vừa vô duyên, không hợp tình hợp cảnh chút nào. Vậy mà bao lâu nay Kiệt không hề để ý. Làm như phải lâm vào một nghịch cảnh, người ta mới nhìn thấy rõ những nghịch cảnh chung quanh ! Bây giờ thì đến phiên Kiệt thở dài...

... Từ ngày có thông cáo dán trên cổng nghĩa trang, đồng bào tới lui chùa nườm nượp. Làm như thiên hạ muốn gần Phật thường hơn, đều đặn hơn, lâu hơn... trong những ngày những tháng còn lại này. Bởi vì Phật sẽ không còn được ở đây nữa, mặc dầu – theo lời ông già bà cả trong xóm – Phật đã được an vị ở chùa này gần ba mươi năm, hồi thời chưa có nghĩa trang, hồi thời bà phủ S. chưa bán đất cho Hội Tương tế X. Họ nói với nhau: “Nhà Nước này ngang ngược không nể nang ai hết. Có ngày sẽ bị Trời Phật trừng phạt cho coi !”.

Bên phòng mạch, bây giờ, lúc nào cũng đông người. Có bịnh nhân đến xem mạch và có những người không phải đến xem mạch nhưng đã từng uống thuốc của thầy Năm Chén. Những người này, sau khi cúng bái bên chùa, bước qua đây ngồi nói chuyện cà kê. Làm như để hổ trợ tinh thần thầy vậy. Có người hỏi:

- Rồi thầy dọn đi đâu ?

- Biết đi mô chừ !

- Quân gì mà vô nhân đạo. Muốn đuổi ai thì đuổi. Muốn lấy của ai thì lấy. Mà mở miệng ra là “cho nhân dân, vì nhân dân”.

- Tại cái số của tôi như rứa, mấy ông à. Nói mần chi ?

Bây giờ, thầy Năm Chén, sau khi trao mấy thang thuốc cho bịnh nhân, không phải chỉ nói vỏn vẹn câu quen thuộc “đổ năm chén nước, sắc còn một chén uống”, mà còn dặn dò thêm phải ăn uống như thế nào, phải kiêng cữ những gì bởi vì “cái tạng ni dễ bị bịnh khi trái gió trở trời”... Thầy còn nói: “Khi mô thấy bắt đầu khó chịu thì lấy bao nhiêu lá gì với lá gì kèm theo bao nhiêu bông gì với bông gì... sắc uống cho nó chận”. Thầy làm như ngày mai thầy sắp đi xa. Và chắc đi lâu lắm, bịnh nhân cần bảo trọng lấy thân. Người nào cũng cảm động khi nhận mấy thang thuốc của thầy, mấy thang thuốc không phải chỉ có những vị này vị nọ, mà có cả tình người nằm trong đó. Chất liệu trân quí này, trong thời buổi này, thật hiếm hoi. Cho nên, khi cầm trên tay mấy thang thuốc, cử chỉ của họ bỗng trở nên trang trọng. Và người nào cũng nghĩ: “Tội nghiệp ! Người hiền hậu như vậy, bảy tám năm nay giúp đỡ đồng bào bịnh nhân ai cũng mang ơn... Vậy mà chánh quyền cũng không để cho yên !”.

... Ít lâu sau, Kiệt được một người bạn có tàu đánh cá rủ đi chui bởi hắn đang cần người xếp máy. Kiệt về chùa cho cha hay. Thầy Năm Chén mừng rớt nước mắt:

- Rứa là lời cầu nguyện của cha đã được Ơn Trên chứng giám. Khi mô đi ?

- Mười hôm nữa.

- Ờ... Chừ thì mình vô thắp nhang lạy tạ Trời Phật, đi con.

Năm hôm sau, bỗng thầy Năm Chén than “khó ở”, “tỳ vị bất thông”. Thầy không ăn được cơm, thầy ăn cháo. Cháo với chao, tương, rau luộc. Không ăn được những món cứng như dưa leo, dưa cải, củ cải muối... những món thường dùng trong bữa cơm chay lạt ở chùa. Không thấy thầy uống thuốc. Thầy nói: “Cứ ăn cháo vài hôm là khỏi”. Sư ông thương hại, an ủi: “Họ đuổi thì mình đi. Thầy lo làm chi cho sanh bịnh. Chừng hết hạn bốc mộ, tôi sẽ đưa thầy về quê tôi ở Nha Trang. Ở đó, cũng có một ngôi chùa nhỏ như vầy. Mình sẽ tiếp tục giúp đồng bào như đã làm lâu nay. Thầy yên tâm đi. A di đà Phật...”.

Ngày thứ mười, cha con thầy Năm Chén qua chùa lạy Phật. Xong, thầy đưa cho Kiệt một gói bằng vải đỏ đã phai màu nhỏ bằng đầu ngón tay cái, cột làm nhiều gút, nói:

- Cha cho con cái ni. Con giữ kỹ trong người để hộ thân.

Kiệt cho vào túi áo trên ngực, cẩn thận gài miệng túi bằng cây kim tây, nhìn cha cảm động, nghĩ: “Cha thật chu đáo. Còn nhớ cho mình bùa ngải để hộ thân nữa”.

Chia tay mà hai cha con không dám ôm nhau. Sợ người ta để ý. Thầy không đưa con ra cổng nghĩa trang. Sợ người ta để ý. Thầy không dám để rơi một giọt nước mắt. Sợ người ta để ý ! Thầy chỉ thở dài. Thời buổi bây giờ, chỉ có thở dài là không thấy ai để ý. Bởi vì, ai cũng thở dài hết !

... Thời gian sau, thầy Năm Chén theo sư ông về chùa ở ngoại ô Nha Trang. Thầy lại bốc thuốc giúp đồng bào nghèo. Kiệt đi chui, lọt. Rồi định cư ở Canada...

Một hôm, sực nhớ gói bùa ngải của cha, Kiệt tò mò mở ra xem: đó là ba cái răng vàng, loại răng cấm. Thì ra thầy Năm Chén đã cạy ba cái răng vàng của mình để cho con làm của hộ thân ! Không còn răng để nhai cơm, thầy chịu ăn cháo suốt phần đời còn lại. Nhớ cha, thương cha, Kiệt cầm ba cái răng vàng trong tay mà khóc hết nước mắt...

Tiểu Tử