Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2007

Chân Và Giả



“… Cái gì giả nghĩa là đã từng có thật nhưng bây giờ không còn nữa thì người ta mới làm giả để tưởng nhớ - theo nghĩa tinh thần như tượng thuyền nhân vượt biển, theo nghĩa tiện dụng như cái chân-gỉa của người thương binh. Khi người ta làm gỉa như hai thí dụ trên là vì cái thật qúy gía không còn. Nhưng cái thật vẫn còn mà người ta cứ làm gỉa là gỉa dối như hột xoàng gỉa (không đeo hột xoàng đâu có chết). Còn làm gỉa để gạt người gạt mình là gỉa nhân gỉa nghĩa như thức ăn chay (trai) được trình bày qua hình thức mặn (mạng). Không ăn đùi gà, heo quay bằng bột cũng đâu có chết.”

“Thưa tiên sinh! Hôm nay tiên sinh, ốm?!”

“Tôi chẳng ốm đau gì sất.”

“Tiên sinh hiểu lầm rồi! Ý tôi muốn nói là tiên sinh liệu hồn! không khéo thì tiên sinh ốm đòn.”

(Cả bàn cười ha hả).

“Tôi biết! Cánh đàn ông ngoài garage này không nỡ đánh tôi vì nhìn đi nhìn lại thì tôi to xác nhất, các bà trong nhà thì còn lo ăn chay cho no bụng để có sức mà bàn về việc đai-ẹt (diet). Sau đó lo… lo qua lo lại hai cái lọ, chẳng ai rỗi hơi mà tẩm quất cho tôi. Các ông còn nhớ người xưa có câu: ‘điếc hay ngóng, ngọng hay nói’ với câu: ‘xấu ưa làm tốt, dốt ưa nói chữ’ là thói đời nó thế! Người nông dân nắng mưa dãi dầu nên ưa nằm mơ thấy mình là quân vương, sống trong nhung lụa. Hoàng thượng sống trong nhung lụa thì lại thường nằm mơ thấy mình ra đồng với cái cày, con trâu cho đời thanh thản. Tương tự như thế! Những người học thật thường ẩn dật, nên ngoài lề đường mới nhiều học gỉa, tiên sinh… chữ nghĩa bây giờ rẻ nên người ta xài hoang!”

“Vậy! Xin hỏi: Tiên sinh đây là học gỉa hay học thật, ạ!”

“Tôi bảo ông dốt thì ông không tin vì ông tin tôi dốt hơn ông. Nhưng tôi nói ngược lại, nói cho đúng ý ông thì ông hoang mang vì ông cũng đâu tin ông giỏi đến thế! Sau đó, ông đổ thừa cho tôi là kẻ nịnh để ông không chịu trách nhiệm về việc tôi khen ông giỏi - khi có ai chất vấn ông. Nhưng thâm tâm ông hài lòng với ý nghĩ mình giỏi một cách trí trá hơn cả câu nịnh bợ - cũng gỉa trá nốt - nếu tôi có nói. Cái chân và gỉa trệu trạo muôn đời để cùng tồn tại cho mọi thành phần, mọi hoàn cảnh… có thể lý giải được những việc không nên làm trở thành chấp nhận được và những việc đương nhiên trở thành vô lý - khi cần. Nếu tôi là học thật thì tôi đã ngồi nhà gãi đầu gối chứ đâu cất công đến đây để hầu chuyện các ông dốt thâm căn cố đế mà trường hợp cá nhân tôi đã chứng thực được câu: ‘ở bầu thì tròn ở ống thì dài’; ‘gần mực thì đen gần đèn thì sáng’ có tự ngàn đời.”

“Chắc tiên sinh đã thấy sao hộ mạng của tiên sinh tắt hôm nay?”

“Thì sang năm, các ông được đi ăn giỗ kẻ hèn này!”

“Lão này hôm nay phải gió thì phải!”

“ Đùa với các ông cho vui. Đừng ai đánh tôi nhé. Tôi mà biết vợ chồng gia chủ nhà này cho ăn chay thì tôi đã ở nhà làm homework, (xe cần thay nhớt, cần rửa, cỏ chưa cắt, tóc chưa hớt…) Nhưng cái tật ham vui và nhất là… ham ăn. Đúng là tham thực cực thân mà mò đến đây”.

“Thế tiên sinh đã nghe: ‘miếng ăn qúa khẩu thì tàn’?”

“Tôi biết cả: ‘không ăn một miếng lộn gan lên đầu’ Nhưng thật tình mà nói thì tôi không thích mấy - khi nhìn món ăn chay mà làm cho giống cái đùi gà (một cọng xả giống giống như cái xương đùi của con gà, chung quanh bọc mì căn, nhân bên trong là đậu hũ, nấm mèo với cà rốt xắt sợi, bún tàu…) Công nhận là ngoài những người phụ nữ chỉ biết đi mua thì người phụ nữ Việt Nam khéo tay mà theo tôi là nhất thế giới, nhìn y như cái đùi gà chiên ngoài tiệm ông gìa mắt kính (Kentucky). Không biết khi cúng, người được cúng có nổi giận?! Khi ăn, người mời ăn và người được mời ăn có lừa được mình là ‘real chicken’ hay không?!

Tôi thì chịu, ban nãy đến đây, tôi thấy dĩa heo quay đỏ tươi trên bàn. Ỉ chỗ thân tình nên tôi rón ngay một miếng - khai vị. Ai dè, hoàn toàn là bột. Lớp đỏ tươi bên ngoài nhìn hấp dẫn như da heo quay, kế đến lớp trắng trong như mỡ, đến lớp đục màu thịt heo chín. Lớp bột trong cùng còn quét màu nâu-nâu-đen, nướng cháy cháy y như heo quay chánh hiệu ông Tàu. Bỏ vô miệng rồi mới biết là hiệu ông… Phật.

Thời buổi này lường gạt lấn sân vô tới cửa thiền môn rồi sao trời? Đến khi vỡ lẽ ra là ngày tẩy trần nên các bà cho ăn chay. Thế là tôi thất vọng! Ra đây uống bia với các ông, không biết các ông có cảm giác (cảm nhận) như tôi: Cữ hễ ăn chay thì thèm mặn, ăn cơm thì thèm phở, (đừng nghĩ lung tung đấy nhá!) Nhân danh sự ấm ức cá nhân, tôi kể về thịt chó bảy món cho các ông nghe vì đêm qua tôi khó ngủ, cứ trằn trọc mãi mới nghĩ ra là mình nhớ thịt chó! Coi như chuyện ăn mặn nói ngay ăn chay nói dóc”.

“Chúng tôi thấy tiên sinh chỉ còn có ăn đòn là biết thân…”

“ Trong đám không dám đánh mình vì sợ thì có ngày, có kẻ bỗng hết sợ! Và trong đám không nỡ đánh mình vì thương thì cũng có ngày, có kẻ hết thương! Nên tôi biết dừng lại ở cái chừng mực… sắp ăn đòn! Yên chí đi.

… các ông biết không? Thịt chó ăn theo miền nên đừng nói là ở đâu có con chó ngon nhất; ở đâu nấu ngon nhất, cũng trật hết. Thần dân cẩu xực (là ăn thịt chó chứ đừng nghĩ là ăn như chó, tiếng Tàu nói ngược, nó thế!) cùng đồng ý với nhau là: nhất mực nhì vàng tam khoang tứ đốm. Nhưng không có bốn thứ cao cấp ấy thì con vằn, con vện cũng ngon như thường bởi người hiểu biết đâu có mấy: ‘đông mè hè khuyển’ là kinh điển. Mùa đông lạnh nên hỏa nhiệt tâm thân không bốc ra ngoài được, các cụ ta ăn cá mè là loại thực phẩm hàn - mát để giải bớt thân nhiệt. Mùa hè nóng làm cho thân nhiệt bốc qúa, tâm thân bị hàn nên ăn thịt chó là thực phẩm hỏa - nóng để sưởi lòng. Ý nghĩa của câu ‘đông mè hè khuyển’ được giải thích theo thuyết âm dương trong y học cổ truyền và tư tưởng phương Đông là thế.

Như người Đại Hàn, nội cái tên quốc gia của họ, nghe đã đóng băng nhưng họ chén thịt chó vào loại nhất hành tinh là vì con người và con chó có thể ăn chung mọi loại thực phẩm - trừ phế phẩm từ con người thì con chó không phải giành với con người. Nhưng con gì sống chung với con người thì cũng đồng nghĩa với trên đà tuyệt chủng! Con người ăn con chó để bảo toàn thực phẩm cho mình ở miền gía băng. Nghèo đói thì ai dư hơi mà nghĩ đến thuyết âm dương. Nam Hàn mới khá lên đây thôi, cứ vào Nhà hàng của một dân tộc, nếm qua các món ăn đặc sản của họ thì đoán được dân tộc đó giàu hay nghèo. Ẩm thực, ngoài việc nói lên Văn hóa dân tộc, nó còn nói lên sự giàu nghèo thâm căn cố đế của dân tộc ấy. Có ai tìm được cái đầu cá hay ruột cá trong Nhà hàng Mỹ? Con tôm lớn đã đành, con tôm bé teo, họ cũng bóc vỏ chứ không ăn cho có chất vôi (can-xi) như lý giải ở những nước nghèo.

Còn ở quê ta, miền Bắc thuộc xứ lạnh nhưng đâu phải nhà ai cũng có ao cá mè để ăn. Các cụ ta ăn thịt chó bốn mùa vì đói nghèo cũng như Đại Hàn vậy. Trong miền Nam nóng bỏ bu, đúng là nên ăn thịt chó theo câu: ‘đông mè hè khuyển’ nhưng chẳng ai ăn trước khi có người Bắc di cư vào Nam mà đúng nhất là trước khi Hòa bình lập lại. Sau ’75 không ăn thịt chó thì ăn thịt nhau à? Có thịt gì đâu mà ăn! Ơn cách mạng là ở chỗ đó. Trước ’75, người miền Nam không ăn thịt chó, người Bắc có ăn bởi nhớ quê xưa chứ không phải đói cá, đói thịt đến phải ăn thịt chó trong đất miền Nam. Nói tóm lại: Thuyết âm dương bát ngát nên chỉ giành cho giới học gỉa khi trà dư tửu hậu; giới học thật - tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ thì có cái bỏ vào miệng đã là may trên một đất nước điêu linh. Trên tinh thần ấy, tôi kể các ông nghe:

Gia đình tôi thuộc diện di cư (Bắc ’54), tôi đi tàu há mồm vào Nam từ khi còn rất bé nên chẳng nhớ gì nhiều về quê hương Bắc bộ. Người trong Nam hát nhạo người Bắc di cư là: ”từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau, tay kia cầm sợi dây để trói con cầy…” không sai, không sai vì chính tôi được ăn thịt chó ngay trên tàu há mồm. Mẹ tôi dấu cách nào thì tôi không biết, cứ thỉnh thoảng bỏ vào miệng tôi một miếng thịt luộc đã khô săn, cho có chất thịt… chó, làm như không ăn thì mất gốc Bắc không bằng! Trên tàu, họ có cho ăn tử tế! Tôi còn nhớ thế. Nhưng tôi nhớ cái mùi thịt chó luộc đã mươi ngày ấy đến đêm qua, đến hết đời tôi cũng có thể lắm! Tôi nhớ song song với hình ảnh đoàn người di cư xuống tàu như đàn gia súc, có những ông Tây cao to xịt thuốc trừ chấy rận. Không có họa cộng sản thì con người đâu bị chà đạp nhân phẩm, khinh khi đến đụng chạm vào lòng tự ái ngay trên quê hương mình để đời đời ấn tượng trong tuổi thơ.

Theo ông cụ tôi thì thịt chó luộc xong ăn ngay sẽ bị khai khai mùi nước tiểu trẻ con, nên người sành điệu là luộc xong cái đùi trước của con chó (đùi trước ăn thịt luộc, đùi sau ăn rựa mận là sành điệu) thịt luộc treo lên gác bếp giăm hôm, chẳng thiu thối gì đâu, (thịt chó có cái đặc biệt là ăn bị giắt răng đến hôm sau cũng không hôi, treo đến khô không hư) khi hạ xuống thái lát vừa ăn thì thịt rất săn chắc vì đã róc hết nước, bay hết mùi khai, chấm miếng mắm tôm, ăn kèm với cái lá mơ, lát riềng non thái mỏng thì linh hồn bay đến thiên đàng. Chắc thế nên mới có truyện: “Trẻ con không được ăn thịt chó” của đại văn hào Ngô Tất Tố, đã lột mặt nạ để phô ra bộ mặt thật của con người và cuộc sống trên một miền đất nước lầm than.

Nhưng khi miếng thịt chó di cư, khi vào miền Nam rồi thì chỉ có nhịn thèm vì không thấy người trong Nam ăn thịt chó nên các cụ di cư ưa nhắc nhau như chúng ta giờ đây ưa nói về những món ăn bình dân ở quê nhà - tùy miền của người nói (kể). Sau ’75 thì Nam Bắc một nhà - đói rách như nhau nên ăn thịt chó có tính thống nhất từ Bắc vô Nam. (Món chó xào lăn, hầm nước dừa bắt đầu xuất hiện ở những xóm làng miền Nam. Đạo đời xào xáo là chó nấu chao, ướp chao nướng vỉ).

Riêng tôi, nhiều đêm nằm nhớ thịt chó như nhớ người yêu. Tôi nói bà xã thì bà ấy hỏi ngược lại mình: “Bây giờ về Việt Nam, liệu anh còn dám ăn không?” Tôi thật không trả lời được vì chính mình đã thay đổi rồi thì phải?! Bởi cứ nhìn những đứa trẻ trong nhà mình, chúng nó ôm ấp, hôn hít con chó như người bạn thân thì mình có nỡ ăn thịt bạn của con mình không? Nói ra thì sợ người đời mắng nhiếc: trưởng gỉa học làm sang. Tôi nín thinh như lúa trong bồ tới hôm nhà tôi xin đâu miếng mẻ, bà ấy đi chợ mua cá trê, riềng, thì là… đủ gia vị để thực hiện món cá trê om mẻ. Đến lúc hỏi tôi: “Anh còn nhớ ngày xưa mẹ nấu món này ra sao không?”

Tôi trổ tài liền! Ôi thôi. Tôi bày la liệt cái nhà bếp. Vợ tôi dọn dẹp thấy tội luôn. Tội nhất là bà ấy phải lồng đến mấy lượt bao ny-lon để trút nồi cá trê om mẻ của tôi vào và đi bỏ thùng rác”.

“Nam mô a di đà Phật! Bạch tiên sinh, hôm nay bọn hèn không ăn chay thì đã khiêng tiên sinh ném xuống bể bơi. Chuyện bá vơ thế cũng kể.”

“Nhưng tôi thành công món khác, các ông ạ! Để tôi kể cho các ông nghe trước, nếu được chấp nhận thì lần sau họp mặt, tôi làm cho các ông thưởng thức.”

“Được. Tiên sinh mà bá vơ thêm một lần nữa thì chúng tôi xử trảm tiên sinh đấy!”

“…thế này, tôi cho là thất bại cái món cá trê om mẻ bởi hai nguyên do: Cá trê đông lạnh nên thịt con cá bị ứ máu trong đó mà phát tanh (tanh khiếp). Thứ hai, mẻ ở đây vàng vàng chứ không trắng như hũ mẻ ngày xưa ở nhà tôi. Tôi vào Sở làm hỏi một chị bạn - Bắc rặt. Chị cho biết: Con mẻ ở đây yếu lắm, không khỏe như con mẹ! Mẻ Mỹ không ăn cơm thiu, cơm thừa như bên nhà được. Chị phải nấu cháo đặc, để nguội cho mẻ ăn và giữ vệ sinh cẩn thận cho hũ mẻ trong tủ bếp, nghĩa là nơi không nóng cũng không lạnh, không sáng cũng không tối, thì mẻ mới trắng được. Mẻ bị vàng nghĩa là có qúa nhiều con mẻ chết trong đó nên khi nấu lên ăn có hậu đăng đắng. Té ra mẻ vàng thì đắng mẻ trắng thì chua, mẻ chùa thì… tôi không biết! (Các ông cười cái gì? Đừng có mà ăn chay nghĩ mặn!)”

“Đúng là đồ con mẻ…”

“Nhưng không có con mẻ thì cũng phiền lắm cơ! Tôi tự gầy cho mình một hũ mẻ, trắng phau nhá! (Đừng có cười. Để tôi nói) J Tôi nhớ da diết cái mùi rựa mận ăn với bún tươi - khi mà ngày nào cũng xoay quanh mấy món chán chết được. Tôi lại ra tay cho vợ được dọn dẹp nhà bếp, nhưng lần này thành công mỹ mãn. Tôi đi chợ mua giò heo nhưng chỉ mua móng thôi, không mua phần trên đầu gối, lắm thịt thì ngon gì? Phải gân gân sần sật… mới đã! Vợ tôi dặn với theo: ‘mua giò Việt Nam ít mỡ, không lông anh nhá!’ Tôi thì không hảo ngoại nhưng nghĩ mua giò bên chợ Hồng-Kông ngon hơn, tôi thấy hệ thống tủ lạnh ở chợ ấy có uy tín! Phần các bà sợ bên chợ Hồng-Kông bán mắc hơn bên chợ Việt Nam chút đỉnh. Ai dè, giò Việt Nam không mỡ không lông thật các ông ạ! Giò Hồng-Kông lông không với mỡ, phát ớn. May là tôi không ghé chợ Mỹ! Chẳng biết còn kinh đến đâu?

Đem về, tôi cho lên lò nướng, mở lửa đùng đùng mà chẳng thấm vào đâu, chờ đến bao giờ nó mới cháy vàng như thui đây chớ! Tôi lấy cái đèn khò hàn máng xối, tôi khò lũ móng heo cháy vàng ươm, thơm nức mũi. Vợ tôi đem rửa nước, bà ấy lấy cục chùi soong, chùi nồi, chùi sạch đến trắng ra như chưa thui. (Vợ tôi mà không phá tôi thì bà ấy chịu không được! Hay cốt ý trả thù lần trước thì còn trong nghi án.) Tôi giận run vì tất tần tật đã công giã tràng. Tôi đành khò lần nữa, lần này tôi khò cho cháy đen luôn, khi rửa lại nó vàng sỉn ngả sang màu hơi nâu là vừa, các ông ạ! Thơm lắm.

Tôi ướp tí muối, đường, bột ngọt, tiêu trắng, cooking wine rồi để đấy. Đi xem hũ mẻ thì trắng có trắng, tôi khều một tí đưa lên kính hiển vi, cộng quân ngo ngoe thấy ớn! Bọn nằm vùng cỡ nào cũng lọt vô được bí mật quốc gia. Tôi phân vân vì lâu qúa không ăn mẻ, chả biết có sao không đây? Tôi cho chúng vào máy xay sinh tố, bấm nút năm phút trả thù! Chúng nó chóng mặt cả lũ khi tôi đưa lên kính hiển vi lần thứ hai hay chết tan xác hết bọn phỉ rồi thì phải! Tôi biết chúng đã chết tan xác trong ấy nhưng nhìn đỡ sợ. Tôi lược lại, bỏ xác nhưng xác cũng chẳng còn vì cái máy xay sinh tố nhà tôi nhìn vào đến bốn lưỡi dao-thấy ớn. Tôi bắc nồi giò ướp sẵn lên bếp, đổ nước mẻ vào nấu. Vợ tôi giã riềng bằng cối đá, tôi nhớ khi xưa ăn rựa mận ưa bị lảm xảm trong miệng bởi xác riềng giã trong cái nón sắt của lính, thế là tôi cho riềng vào máy xay, xay và lọc vài tua thì loại được xác riềng ra khỏi món tổng hợp. Khi đổ nước riềng vào nồi giò đang sôi với mẻ, hơi rựa mận bốc lên ngay, các ông ạ! Tôi chỉ còn việc ngồi canh cho giò chín tới (cứng qúa ăn không được mà mềm qúa thì ngán).

Trong nhà, vợ tôi luộc bún. Tôi ngồi đọc báo ngoài sau hè cũng là ngồi canh lửa, vớt bọt. Hình ảnh xa xưa lại thoáng hiện những gương mặt trong gia đình. Những anh em tôi khi còn nhỏ cứ tò tò sau lưng ông cụ nhà tôi chờ từ chó chết đến chó chín! Bố tôi chỉ ra tay khi nấu thịt chó chứ thức ăn ngày thường thì mẹ tôi nấu. Bố tôi có thói quen khi mời bạn bè về nhà thì vợ con trở thành những người phục vụ, nhưng hôm nào ông cụ nấu cho vợ con ăn thì dứt khoát không tiếp bạn bè. (Dù họ có vô tình đến, cũng chỉ mời ly nước trà rồi tiễn khách chứ không mời ở lại ăn như người trong Nam thường dùng câu: “gặp bữa…” Bố tôi không đi đâu trong ngày phục vụ vợ con dù bất kỳ ai rủ rê, mời mọc).

Tôi nhớ mãi hình ảnh anh em tôi được ngồi bàn ăn bảnh chọe như người lớn, bố mẹ tôi thành hai người phục vụ chứ không phải con nít thì múc cho một tô là xong! Bố mẹ tôi tôn trọng con nít ngang với người lớn là một tiến bộ bị lên tiếng nhất so với những gia đình chú bác của tôi. Ở nhà chú bác, con nít chỉ được ăn sau khi dọn bàn của người lớn ở nhà trên xuống-còn gì ăn nấy! Ký ức không đẹp ấy đeo đẳng cả đời cô em họ tôi. Bây giờ cô ấy dọn bàn cho con nít ăn trước, còn gì người lớn ăn sau để trả thù tiền kiếp, cũng là một cách trả thù ngạo mạn đấy chứ! Tôi rất thích được cô em họ gọi mời ăn uống vì nó làm sống lại hình ảnh gia đình tôi thuở xưa.

Tôi vẫn thấy mùi hương chưa phải lắm! Chưa đúng mùi rựa mận nên bàn với vợ. Nhà tôi lần này không phá tôi như lần trước, bà ấy lấy hũ mắm tôm cho vào một muỗng (muỗng cà phê), mùi bốc lên ngay! Y chang. “Mươi phút nữa là giò vừa ăn đấy anh ạ!” Chẳng biết mùi rựa mận có làm cho hương sắc thêm đậm đà mà ăn nói ngọt ngào đến lạ! Bà ấy đi dọn bàn ăn tử tế, trông xom tụ lắm! Tôi nghĩ gì không biết? Bảo nhà tôi dọn cúng bố mẹ trước đi rồi mình ăn.

Khi mùi gỉa cầy quyện với mùi hương (nhang) trên bàn thờ, tôi thấy hãnh diện hơn thành qủa đạt được trên nước Mỹ! Tấm lòng đối với tiền nhân mới đích thực là cái cần - hơn cái có. Đầu óc khoa học kỹ thuật trong tôi thì bảo là các cụ đã là cát bụi vô tri nhưng lòng thành thì thấy hai cụ đang chén gỉa cầy hể hả. Tôi tự hỏi lại mình: Đâu là chân? Đâu là gỉa? Đi tìm sự rạch ròi giữa chân và gỉa để làm gì khi đời sống vốn dĩ hư-thực. Các ông thấy sao?”

“Vấn đề là cuối cùng thì chị nhà phải lồng mấy cái bịt ny-lon?”

“Không. Lần này ngon lành. Nhà tôi không nể mặt ông bác sĩ cảnh báo cholesteron gì nữa! bà ấy làm tới thấy thương luôn. Tôi dấm dẳng được vài miếng thấy ngon, no cơn thèm hơn là no bụng. Tôi hiểu ra một điều là ký ức cũng biết đói chứ chả riêng gì cái bao tử. Nếu các ông muốn thử thì tôi cũng không tiếc công đâu. Tuần sau nhé?”

“Để chúng tôi xem lại phần bảo hiểm nhân thọ cho kỹ, chắc ăn rồi ăn gỉa cầy tiên sinh nấu sau vậy!”

“Ngon thật đấy! Nhưng tôi trình bày với các ông để nghị sự xem mình có nên gọi món ấy là “Giò heo nấu mẻ” cho nó chính xác với nó! Tại sao phải gọi là gỉa cầy trong khi nó là giò heo. Giò heo có cái ngon khác với thịt chó. Người Việt thì dù ở đâu cũng cứ tự hào mình là người Việt, sao phải mang tên Mỹ để nghe lủng củng cái lỗ tai người khác? Bộ tên Mỹ thì con người có gía trị hơn sao? Các ông tưởng tượng ngài Bob họ Vũ thì ra cái thể thống gì? Còn gì là học gỉa!”

Tiên sinh diễn thuyết tới lên đèn mới ra về, vài tuần sau tiên sinh triệu tập khách thưởng ngoạn toàn học gỉa với tiên sinh, chẳng có học thật nào góp mặt nhưng món giò heo nấu gỉa cầy của tiên sinh thì ngon thật. Nên mọi người đồng ý cho tiên sinh chính thức gọi món ấy là: “giò heo nấu mẻ” chứ không gọi là gỉa cầy để mất uy-tín-con-heo.

Phan

Không có nhận xét nào: