Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2007

Có bông hoa nào không cho người sẽ qua đời ?

1.

Sáng nay, thứ bảy, tôi có dịp tham dự tang lễ một người quen biết tại nhà thờ xứ đạo địa phương. Tuy là xứ đạo Mỹ, nhưng vị chủ tế buổi lễ lại là một linh mục Việt Nam từ quê nhà mới qua. Bài giảng của ông khá sâu sắc, trong đó có thí dụ về Alexandre Đại đế, một vị vua nổi tiếng trong lịch sử nước Nga. Vị linh mục kể lại, trong di chúc của mình, ông vua bách chiến bách thắng đã dặn triều thần rằng, khi ông chết, cái quan tài đựng xác của ông phải có hai lỗ hổng hai bên để thò hai bàn tay của vua ra cho mọi người nhìn thấy. Đó là hai bàn tay trắng, dù khi còn sinh tiền, người ấy đã là một vị vua quyền thế, tài năng, giàu có.

Dụ ngôn ẩn chứa trong câu chuyện của vị linh mục không có gì mới. Hầu như ai cũng biết điều đó. Nhưng hình như tất cả mọi người đều không có cơ hội nghĩ đến chân lý cũ kỹ đó trong suốt cuộc đời nhọc nhằn hối hả của mình. Có chăng, chỉ trong những dịp hiếm hoi, như tôi trong buổi sáng mệt mỏi này, miệng lẩm nhẩm đọc theo mọi người những câu kinh thuộc lòng một cách vô thức, nhưng mắt cứ nhìn về phía quan tài nằm giữa nhà thờ, tưởng tượng ra tấm thân da bọc xương của người quá cố teo tóp vì vi trùng ung thư đục khóet, bây giờ nằm thảnh thơi không vướng mắc gì nữa đến vinh nhục, thành bại, sướng khổ, vui buồn của cuộc đời. Thế là đã xong một kiếp người. Hôm tuần lễ trước, tôi có ghé thăm anh tại nhà. Nhìn thấy một phụ nữ còn khá trẻ và rất xinh đẹp, đứng bên cạnh giường người bệnh, tôi hỏi thăm và được biết đó là người vợ cũ của anh. Hai người ly dị đã hơn 10 năm nay, được tin anh bị bệnh, chị đang ở một tiểu bang rất xa, đã vội thu xếp việc gia đình riêng để về chăm sóc anh những ngày cuối. Chị cho biết, tuy anh đã có những chuyện tình cảm khác sau khi hai người chia tay, nhưng anh rất vui mừng được thấy chị bên cạnh giây phút sắp lâm chung. Tôi còn được nghe vài câu chuyện khác liên quan đến cách sống của anh khi còn sinh tiền, khiến nhiều người chỉ đợi dịp này để có thể bày tỏ lòng quý mến và biết ơn của mình với anh.

Tang lễ kết thúc với bài hát thật buồn. Xin vĩnh biệt mọi người. Tôi ra đi lần cuối. Không bao giờ trở lại. Hẹn nhau nơi nước Trời. Theo sau quan tài, tôi thấy người vợ cũ vật vã trong chiếc khăn tang phủ kín khuôn mặt. Bên cạnh, là những người thân ruột thịt của anh và những người đã từng quý mến anh khi còn sống.

Một đời người đã xong, đã trở về với cát bụi trong cuộc viễn du cuối cùng, trong sự thương tiếc chân thành của mọi người có dịp quen biết.

Có lẽ đó là điều duy nhất mà người lên đường đi vào nơi miên viễn muốn mang theo làm hành trang, chứ không phải những thứ phù du hư ảo khác của cuộc đời.

2.

Người ta nói, đời người ngắn ngủi chỉ một trăm năm. Nhưng từ trước tới nay, tôi hiếm thấy người nào sống được tới trăm năm. 70 tuổi đã được gọi là thọ. Và khi người ta đến được lằn mức 70, hẳn đã hiểu hết được lẽ đời. Tất cả chỉ là hư ảo, phù du. Danh vọng, tiền bạc, niềm vui, nỗi buồn. Nằm xuống cũng chỉ hai bàn tay trắng như ông vua nước Nga lừng danh trong lịch sử.

Vậy mà, có một người gìa 78 tuổi, cũng đã từng kinh qua bao thăng trầm với những thứ phù du hư ảo, vẫn không nhìn thấy điều thật cũ kỹ mà cũng thật hiển nhiên ấy. Tuổi 78 là cái tuổi mấp mé bên bờ tử sinh. Hôm nay còn mạnh khỏe đấy, còn nói nói cười cười đấy, nhưng có thể ngay sáng ngày mai đã là người thiên cổ. Và ông gìa 78 tuổi này không hy vọng gì là một ngoại lệ trong lẽ tử sinh của đất trời.

Ông trước đây cũng có chút địa vị trong chế độ cộng hòa cũ. Tháng 4- 75, ông nhanh chân chạy thóat cộng sản, sau khi đã hô hào mọi người hãy ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hàng trăm ngàn người lính vốn là thuộc quyền của ông, trong đó có tôi, không nhanh chân được như ông vì không có điều kiện hay rất đơn giản, muốn làm trọn nhiệm vụ của mình cho đến phút cuối cùng, kẹt ở lại và chôn vùi một phần đời quý báu trong những nhà tù tiền sử. Nhiều năm sau, một số lớn chúng tôi sống sót trở về và bằng nhiều phương cách khác nhau, đã đến được bến bờ tự do. Phần ông, 30 năm sống vất vưởng xứ người càng làm ông quay quắt thêm với giấc mộng công hầu chưa trọn vẹn, ông đã có nhiều hành động lời nói làm phiền lòng nhiều người trước đây làm việc dưới quyền ông, gián tiếp hay trực tiếp. Vẫn biết, ông chỉ là một con người của thời thế, chó nhảy bàn độc, tài năng đã nhỏ mà nhân cách lại càng nhỏ hơn, nên phần lớn chúng tôi không bận tâm lắm về những việc làm “ trẻ người, non dạ “ của một người, mà chẳng may thời thế nhiễu nhương đã đặt ông vào vị trí chỉ huy chúng tôi.

Nhưng, gần đây nhất, ông đã từ Việt nam, nơi ông sống an lành một thân phận hàng thần lơ láo, trở qua Mỹ để tham dự buổi tiệc do vị chủ tịch nước Cộng Sản chủ tọa nhân dịp ông này và phái đòan chính phủ thăm viếng Hoa Kỳ. Trên đường đi đến địa điểm tổ chức bữa tiệc, hẳn chính mắt ông phải thấy hàng ngàn người Việt hải ngọai biểu tình, phản đối sự có mặt của phái đòan chính phủ cộng sản trên nước Nỹ, yêu cầu tự do dân chủ cho Việt Nam v..v.., trong số những người đứng đó, có rất nhiều người trước đây đã “ từng dưới sự chỉ huy “ của ông. Trong bữa tiệc, như đã được sắp xếp trước, ông “ bất ngờ “ được mời lên phát biểu. Điều phiền lòng nhất cho chúng tôi là ông đã “ nhân danh cộng đồng người Việt hải ngọai “ để có những lời nịnh hót, tung hứng với phái đòan chính phủ cộng sản. Phiền lòng hơn nữa là ông lại “ nhắn nhủ “ đến “ những người từng dưới sự chỉ huy “ của ông – là chúng tôi, những người đã bị ông phản bội, bỏ rơi 30 năm trước – rằng thôi đừng thù hận nữa, đừng quốc cộng nữa, bây giờ chỉ còn có một nước Việt Nam thôi v..v..

Tôi thực sự không bận tâm phân tích những điều ông gìa 78 tuổi vừa nói. Chúng cũng chẳng hơn những điều trẻ con nói ngọng. Tôi chỉ không thể hiểu nổi, một người gần đất xa trời, vẫn còn những tham sân si trần tục đến thế sao ? Ra sức làm nhỏ mình đi trước mắt kẻ cựu thù, chỉ để có cơ hội nói rằng “ tôi trước đây đã từng được đứng ở một bên đấu trường với chủ tịch “, để có cơ hội “ tự nhân danh “ một tập thể mà chính ông đã tự tách mình ra khỏi từ lâu, để có cơ hội nhắc nhở những người lính còn sống sót sau bao phong ba rằng họ đã “ từng dưới sự chỉ huy “ của ông, có nghĩa là cố chứng minh với mọi người rằng mình vẫn còn chỗ đứng của một thời vang bóng. Giấc mộng công hầu khanh tướng nó mãnh liệt đến độ khiến cho một con người, với cái vốn nhân cách đã nhỏ như hạt đậu, lại sẵn sàng tung hê nốt để chỉ đổi lấy cái bắt tay vị chủ tịch nước cộng sản Việt Nam trên đất Mỹ, và toe tóet cười nhìn thẳng vào ống kính của bao phóng viên đang sốt sắng làm nhiệm vụ. Tôi đã từng nghe và cảm thông được những câu chuyện người nghệ sĩ say mê, nhung nhớ ánh đèn sân khấu. Điều ấy có thể hiểu được vì đó là ánh đèn nghệ thuật của những con người nghệ sĩ. Nhưng tôi không thể cảm thông được với những nhân vật “ công chúng ‘ say mê đứng trước mọi người để được chụp ảnh, quay phim giống như ông gìa 78 tuổi tội nghiệp đang làm trò với trí tưởng tượng bệnh họan rằng mình đang làm lịch sử, rồi đây mình sẽ đi vào lịch sử với vai trò người hòa giải quốc cộng. Cho dù ông tin tưởng một cách thành thật rằng mình đang đóng vai trò hòa giải, thì cái đầu óc mụ mị nhất của một người 78 tuổi cũng phải biết tự hỏi rằng đây có phải là lúc, là nơi nói lên những điều đó không khi bên ngòai kia hàng ngàn người biểu tình chống đối, mà những người ấy là những người ở về phía bên ông đang kêu gọi hòa giải, hay lại chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, hòa giải đâu chưa thấy mà chỉ thấy thêm những oan nghiệt đẻ ra do cái “ đầu đất “ (chữ của một trí thức Hà nội hiện ở trong nước đặt tên cho ông) cuối đời vẫn còn nửa mê nửa tỉnh giấc mộng Nam Kha.

3.

Có anh phóng viên một tờ báo hải ngọai mô tả về ông già 78 tuổi nói trên, nào là “ tuy 78 tuổi nhưng ông đã bỏ hút thuốc, cữ ăn, vẫn đi bộ, vẫn điểm dáng, trí óc vẫn mẫn tiệp “, nhưng ngay từ bây giờ, tôi đã nghĩ đến cái ngày ông già này nằm xuống. Chắc cũng chẳng bao lâu nữa đâu. Kiếp người vốn hữu hạn, không ai có thể thóat ra được. Và hẳn nhiên ông già 78 tuổi không thể là một ngoại lệ.Khi ấy, chắc sẽ có nhiều người thở phào nhẹ nhõm. Bất giác, tôi liên tưởng đến người quen biết của tôi vừa được chôn cất sáng nay. Anh chỉ là một con người rất bình thường, nhưng cách cư xử của anh khi sinh tiền đã khiến cho nhiều người đến với anh rất chân tình khi anh nằm xuống. Điển hình là người vợ cũ của anh. Họ chia tay có thể do những bất đồng trong cuộc sống chung, nhưng chắc chắn chị không hề khinh rẻ anh vì cái cách anh làm người. Vì thế, sau hơn 10 năm chia tay, chị vẫn đến với anh vào lúc anh cần chị nhất. Đó cũng là niềm an ủi to lớn cho những thân nhân ruột thịt còn sống của anh.

Hồi đầu năm nay, ở hải ngọai có cái chết của một vị cựu tướng, vốn cũng đã là một “ thuộc quyền” của ông. Khi vị cựu tướng này nằm xuống, cả một cộng đồng người Việt hải ngọai thương tiếc, cùng với sự ngưỡng mộ chân thành của các cựu viên chức, cựu tướng lãnh Mỹ đã từng làm việc sát cánh bên ông. Tang lễ của ông có sự hiện diện của những lễ nghi quân cách đến từ tấm lòng quý mến và kính trọng thực sự của những người lính một thời khóac chung màu áo với ông. Đó là phần thưởng quý gía nhất mà bất cứ một vị tướng nào cũng mong ước cho ngày mình giã biệt trần gian. Đã đành, người chết đâu có nhìn thấy được những điều đó. Nhưng nó làm ấm lòng người còn sống, mỗi khi nghĩ đến sự ra đi của cha anh mình. Với một thời gian ngắn nữa đây, ông già 78 tuổi rồi sẽ xuôi tay, nhắm mắt, liệu vợ con, thân nhân ruột thịt của ông sẽ còn buồn đau thế nào khi so sánh tang lễ của chồng cha mình với một người khác cũng cùng thời, cùng một số phận, chỉ khác nhau ở cách hành xử và độ cao của lòng tự trọng.

4.

Xét cho cùng, cái đau của thân nhân ông gìa 78 tuổi trong tương lai (gần) cũng không thể so sánh với cái đau của chúng tôi bây giờ, hay đúng hơn từ nhiều năm nay. Ở trong nước, đâu đó có người Hà Nội cũng thuộc lọai biết chuyện, đã nói vọng ra cho chúng tôi ngoài này nghe đại khái rằng, bộ VNCH các anh hồi xưa hết người rồi sao để cho cái ông kỳ cục ấy làm thủ tướng. Bây giờ ông ấy về bên này cũng chỉ để học đòi làm một đại gia, nhưng mà đại gia thuộc lọai câu lạc bộ 100, chứ dễ gì chen chân vào câu lạc bộ 10. Vì nước vì dân gì cái ngữ ấy !

Chúng tôi thua trận, bị kẻ chiến thắng bắt đi đầy ải, cầm tù, điều đó cũng bình thường. Thua trận, nhưng không nhục nhã. Chúng tôi buông súng, vì tuân theo lệnh của cấp trên, của vị tổng tư lệnh tối cao quân đội lúc ấy là ông Dương văn Minh, chứ chúng tôi không đầu hàng. Những năm tháng dài đăng đẳng trong những nhà tù, chúng tôi vẫn giữ khí tiết của một người lính, không chịu khuất phục, không chịu bị “ cải tạo”. Tôi không thể quên được một đêm tháng 7 năm 1977, khi vừa bị lùa từ những toa xe lửa chỉ dành chở súc vật xuống một khu rừng gìa Yên Báy, chúng tôi đã được nghe lời huấn lệnh đầy căm thù của viên trại trưởng. Giữa đêm khuya, giọng ông ta lanh lảnh, nói cho chúng tôi biết rằng đứa con trai duy nhất của ông đã vùi thây ở chiến trường miền Nam và nhiều thứ tội ác khác mà chúng tôi đã phạm. Chúng tôi hiểu rằng, những ngày sắp tới sẽ là địa ngục trần gian ở tầng thấp nhất. Chúng tôi chấp nhận đòn thù, vì chúng tôi hiểu thân phận mình, nhưng chắc chắn chúng tôi không chịu nhục. Trong tinh thần chịu đựng tất cả, ngòai sự khuất phục, phần lớn anh em chúng tôi đã sống sót, đã ra khỏi khu rừng gìa Yên Báy địa ngục trần gian, đã lăn lóc qua nhiều trại tù khác trước khi chính thức cởi bỏ lốt áo phạm nhân. Rời khỏi nhà tù, lần lượt chúng tôi cũng đã đến được bến bờ tự do. Để ngày hôm nay, chúng tôi tai nghe, mắt thấy vị chỉ huy cũ của mình xum xoe những lời nịnh hót, khuất phục trước ánh mắt hài lòng của kẻ cựu thù. Đau đớn hơn nữa, ông ta lại nhân danh chính chúng tôi, những người đã phải trả gía cho khí tiết của mình bằng những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ trong những nhà tù dựng nên bởi chính kẻ cựu thù đang hân hoan đón nhận sự thần phục của ông một cách hể hả.

Ở đây, không có hận thù, mắt trả mắt, răng đền răng. Vì chúng tôi, đã từng là nạn nhân của hận thù, từng bị đòi mắt trả mắt, răng đền răng. Ở đây, là vấn đề nhân cách của một con người, khí tiết của một người lính đang tiếp tục cuộc chiến. Cuộc chiến ngày hôm nay không phải là nhằm khôi phục nền cộng hòa cũ, mà là chủ nghĩa cộng sản phải cáo chung trên đất nước Việt nam, mà là tái thiết lập lại tự do, dân chủ, nhân quyền cho hơn 80 triệu người dân vốn đã quá đau khổ vì chiến tranh, lạc hậu, nghèo đói. Lịch sử thế giới đã chứng minh rõ ràng, ngày nào còn chủ nghĩa cộng sản, ngày ấy đất nước vẫn chưa thóat ra khỏi sự trì trệ, chậm tiến. Trong cuộc chiến hiện nay, khối người Việt hải ngọai là một lực lượng đối trọng với chính quyền cộng sản đương nhiệm, đóng vai trò yểm trợ cần thiết cho lực lượng dân chủ ở trong nước.

Vì thế, những người lính gìa chúng tôi, không thể đứng bên lề cuộc chiến đó. Và cái ông gìa 78 tuổi kia không có chút tư cách nào để nhân danh chúng tôi một lần nữa.

5.

Ai cũng chỉ có một đời để sống. Thành công hay thất bại trong cuộc đời một con người, chỉ là những khái niệm tương đối. Tùy quan niệm mỗi người, mà sự thành công đối với người này, lại là sự thất bại dưới con mắt người kia. Nhưng sống làm sao cho ra một con người, lại chỉ có một cách nhìn duy nhất. Và vì không ai có cơ hội sống lại đời mình một lần thứ hai, nên khi nằm xuống rồi, mọi chuyện liên quan đến người ấy đã được định luận.

Giàu nghèo đến 30 tết mới hay. Hay dở của nhân cách một con người chờ đến lúc xuôi tay sẽ biết. Lúc ấy, có ăn năn cũng không kịp nữa. Trong lúc bùi ngùi ném cánh hoa xuống mộ người quen biết sáng nay, tôi đã nghĩ đến giây phút này của ông già 78 tuổi. Ngoài thân nhân ruột thịt của ông, còn ai nữa sẽ ném theo xuống mộ ông một bông hoa, dẫu chỉ là bông hoa héo ?

T.Vấn

Tháng 7/2007

TRÍ TRÁ

Giả sử có một nhà phú hộ giầu lòng bác ái đến khoe với bạn rằng ông ta lấy rất nhiều tiền của trong nhà giao cho một tên cướp bảo nó đem bố thí cho những người nghèo khó trong làng, bạn có tin không? Nghe xong có lẽ bạn sẽ cười khẩy, bảo: Thôi đi cha nội, chuyện tào lao! Dẹp đi Tám.

Hoặc nếu có một ai đó nói với bạn rằng ở một xóm điếm trong thị xã người ta mở một buổi hội thảo để quảng bá lối sống tiết hạnh cho các cô gái mới lớn, thuyết trình viên là một nàng đĩ thập thành nổi tiếng nhất trong xóm, chắc bạn càng không tin hơn. Có phải thế không? Nghe rồi, tôi đoán bạn sẽ cười lên hố hố, rồi trịnh trọng phán: hay, hay lắm, chuyện tiếu lâm hay nhất thời đại.

Nhưng nếu tôi nói với bạn rằng có một đấng bậc cao cấp trong Giáo Hội viết trên một tờ báo của cái chế độ khét tiếng thù nghịch với Công Giáo những bài giảng đạo để rao truyền Tin Mừng Cứu Độ của Đấng Cứu Thế cho những người vô thần, bạn có cho là tôi đùa giai bạn không? Tôi biết bạn không tin. Nhưng nếu tôi quả quyết với bạn đây là chuyện có thật 100% thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Tôi tin rằng bạn sẽ chồm lên hỏi tiếp ngay: Ai? Tờ báo nào? Có đúng thế không, thưa quí bạn đọc?

Xin trả lời ngay để bạn khỏi bồn chồn. Người là Đ/C Bùi Tuần. Và báo là tờ Công Giáo và Dân tộc (CG&DT). Cả hai đều ở trong nước.

Tuần rồi tôi nhận được hai bài viết của Đ/C Bùi Tuần do bạn bè phương xa gởi tới cho đọc. Đ/C Bùi Tuần với người viết kể cũng chẳng xa lạ gì, dân “Mỹ Đức, Thái Lọ” cả. Đức cha thuộc hàng sư phụ của người viết. Hồi nhỏ người viết có chơi với người em út của đức cha là Bùi Thái. Anh ta chết đuối tại khúc sông Lạc An, Biên Hòa lúc mới bước vào tuổi niên thiếu. Với những bài viết mà nội dung đã đi ra ngoài ngưỡng cửa của sự tự trọng, người viết ít khi muốn đề cập tới. Lần này xin phá lệ một phen chỉ vì một việc làm trí trá có thể khiến thiên hạ bị mắc lừa.

Hai bài viết của Đ/C Bùi Tuần nói trời nói đất, nói hươu nói vượn, nói nhăng nói cuội gì đi chăng nữa tựu chung cũng gom vào 3 chủ điểm sau đây: một, cổ võ tinh thần yêu thương, phục vụ. Hai, kết án truyền thông hải ngoại mang nặng hận thù xả chất độc. Và ba, chửi bới những người khác ý mình là phong trào tam bất: bất trung, bất hiếu, bất kính.

1. Yêu Thương, Phục Vụ - Giám mục cổ võ lòng yêu thương, phục vụ là rất đúng người, đúng việc rồi. Có gì phải nói. Có một vài người đã lên tiếng kêu mời Đ/C Bùi Tuần và HĐGM ra vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hànội, và trụ sở quốc hội 2 VC tại Saigon để yêu thương và phục vụ những đồng bào xấu số bị tước đoạt mọi sự và bị đàn áp. Nhưng không thấy có vị nào trả lời. Có lẽ làm việc yêu thương phục vụ ngoài đường ngoài xá bất tiện lắm, không được, nên các ngài e ngại chăng. Hoặc giả các ngài đang bận yêu thương phục vụ những người khác rồi. Ba đầu sáu tay đâu mà làm một lúc hai ba công việc được. Lâu lắm rồi, trong một bữa ăn tối tại nhà ông chủ tịch hội Ái Hữu GP Thái-Bình, người viết được nghe một linh mục GP Oakland, California, đệ tử ruột của Đ/C Bùi Tuần khoe rằng đức cha có thể nói là cố vấn tin cậy của một số nhân vật trong Bộ Chính Trị. Như vậy có lẽ đức cha mải bận yêu thương phục vụ những thứ tai to mặt lớn cỡ Nguyễn Minh Triết, Võ Văn Kiệt, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng v.v. chứ đâu có uổông để yêu thương phục vụ những kẻ thế cô hèn hạ kia. Người đệ tử ruột của đức cha cũng chỉ mải miết yêu thương phục vụ đàn bà con gái mà quên những con chiên lạc, nên đã bị giáo phận mời đi chỗ khác chơi rồi.

2. Truyền Thông Hận Thù Xả Chất Độc - Trong bài “Tâm Tình Viết Báo” của ngài, Đ/C Bùi-Tuần không trực tiếp đề cập đến những phê bình, chống đối HĐGM vừa qua của giáo dân VN tỵ nạn tại hải ngoại, nhưng người ta cũng nhận ra được sự bất bình, hằn học của ngài qua đoạn văn ngài viết sau đây: “Đó là có một số người đi về phía trước với nhiều phương tiện truyền thông phong phú. Những phương tiện này chất nặng hận thù định kiến và tinh thần thế tục. Họ xả chất độc vào những người tốt, cả trong Hội Thánh. Sự kiện đó làm cớ cho Hội Thánh dễ bị mất uy tín. Để rồi, sự lựa chọn của đồng bào có thể sẽ xa dần Công Giáo, để đặt tín nhiệm vào những nơi khác. Điều đó không còn chỉ là nỗi lo, mà xem ra đang trở thành hiện thực.”

Một chi tiết rất nhỏ nhưng không thể không lưu ý. Đoạn văn trên cho thấy Đ/C Bùi Tuần đã thấm nhuần lối viết (style = văn phong) xỏ lá của bọn VC thế nào. Ngài viết “một số người đi về phía trước”. Lối nói bóng bẩy ám chỉ “những người VN tỵ nạn tại các nước tiền tiến”. Viết như thế để tránh dùng 2 chữ “tỵ nạn”, một từ ngữ rất úy kỵ trong lối viết lách của bọn văn nô trong nước. Thuần hóa đến cỡ này thì các tế bào xương tủy chắc cũng đỏ hết trơn rồi. Đ/C Bùi Tuần nói đúng một điều. Đó là Hội Thánh bị mất uy tín và người ta không còn tín nhiệm vào GH nữa. Thế nhưng ngài lại không nhận thấy rằng chính bản thân ngài và bọn giáo sĩ quốc doanh mới là nguyên nhân gây nên tình trạng mất uy tín của GH. Chỉ có những kẻ mù lòa con tim, đánh mất lương tri và lý trí bị nhuộm mầu máu mới nhắm mắt đổ lỗi cho người khác như thế. Đ/C Nguyễn Kim Điền là người được người đời ngưỡng mộ và giáo dân tôn sùng. Trong khi đó, Đ/C Nguyễn Sơn Lâm bị mọi người coi chẳng ra gì cả ngay khi ngài còn sống. Đó là hai điển hình biện chứng cho hai đường lối. Xin hỏi trong hai vị, ai là người đem lại thanh danh và uy tín cho GH, và ai là người đã làm tổn thương đến danh dự của GH và làm cho người ngoài xa lánh GH? Xin Đ/C Bùi Tuần trả lời dùm.

Đ/C Bùi Tuần trách cứ những phương tiện truyền thông phong phú tại hải ngoại chất nặng hận thù định kiến và tinh thần thế tục, xả chất độc vào những người tốt, cả trong Hội Thánh. Rất tiếc đức cha đã không nói rõ chất độc đó là chất độc gì, da cam, da quít, hay da gì khác? Người viết đoán mò mãi không ra nên không thể luận bàn gì được. Còn những người tốt là những ai? Võ Văn Kiệt, người “bạn” chí thân của đức cha? Nguyễn Tấn Dũng? Nguyễn Minh Triết? TGM Ngô Quang Kiệt, người con cưng nhất của ngài? Giám mục Nguyễn Văn Sang? Hay còn những ai nữa? Nếu đức cha nói rõ những người tốt bị xả chất độc là những ai thì còn có thể tranh luận được để tìm ra đúng sai. Đàng này đức cha không nói thành ra xin chịu. Riêng về điểm đức cha kết án truyền thông mang nặng hận thù thì không thể không làm cho ra lẽ.

Đ/C Bùi Tuần nói rằng những người làm truyền thông mang nặng hận thù xả chất độc vào cả những người tốt trong Hội Thánh (chữ Đ/C Bùi Tuần ưa xài). Người viết không tin và hoàn toàn phủ nhận lời cáo buộc đó. Việc các cơ quan truyền thông đăng tải các bài viết của con chiên chỉ trích thái độ im lặng của HĐGM trước việc CS đàn áp thô bạo các quền tự do của người dân trong nước và những việc làm chướng tai gai mắt của các giám mục thì có. Còn nói rằng truyền thông mang nặng hận thù xả chất độc vào những người tốt trong GH thì tuyệt đối là không. Đây phải được coi là một lời bịa đặt vu khống có ác ý. Tiếc rằng Đ/C Bùi Tuần đã không chịu vô tư và thẳng thắn tìm hiểu sự thật của vấn đề. Đ/C Nguyễn Chí Linh sang Mỹ xin tiền, tổ chức tiệc tùng linh đình đúng vào dịp đồng bào tỵ nạn tưởng niệm Quốc Hận 30-4. Việc đó có thích hợp không? Con chiên phản đối tại sao lại bảo là hận thù xả chất độc? Con chiên phê phán TGM Ngô Quang Kiệt kêu gọi khép lại vấn đề CS cố ý đập phá tượng Đức Mẹ Pieta cũng là hận thù xả chất độc? Con chiên chất vấn Đ/C Nguyền Văn Hòa, chủ tịch HĐGM, việc ngài giải thích rằng cha Nguyễn Văn Lý làm chính trị cũng là hận thù xả chất độc? Rồi con chiên thắc mắc hỏi vậy thì mấy ông linh mục ứng cử vào quốc hội CS có phải là làm chính trị không cũng là hận thù xả chất độc nốt? Thật là vô lý nếu con chiên không có quyền được biết tại sao các linh mục tham gia vô guồng máy chính trị bán nước, và đàn áp của CS thì hợp giáo luật và được các bề trên cho phép. Còn cha Nguyễn Văn Lý tranh đấu chống VC bán nước và đàn áp dân lành lại cho là làm chính trị, phạm giáo luật? Một gia đình bị bọn bất lương xông vào chiếm hữu căn nhà, cướp sạch tài sản, bắt luôn cả vợ con làm nô lệ. Người chủ nhà may mắn chạy thoát thân. Anh ta tố cáo bọn cướp, kiên quyết thưa kiện và kêu cứu khắp nơi để đòi lại căn nhà và giải thoát cho vợ con. Người chủ nhà làm như thế là mang nặng hận thù? Giáo lý nào của Phật, của Chúa dậy anh phải quên đi nỗi đau mất nhà, mất vợ con, không được đòi lại những gì đã mất? Và giáo lý nào của Chúa cho phép bọn bất lương chiếm hữu tài sản, vợ con của người khác mà không phải đền trả. Hãy thi hành đúng luật Công Bình của Chúa đi đã. Tên cướp phải trả lại cho khổ chủ những gì chúng đã chiếm đoạt. Còn Bác Ái là ở nơi lòng người. Người chủ nhà có thể không truy tố tên ăn cướp. Nếu chủ nhà thương hại cho lại tên cướp chút ít tài sản đã đòi lại được để hắn nuôi vợ con thì quá là bác ái. Đó là luật yêu thương tha nhân. Nhưng luật pháp quốc gia cũng không thể đứng khoanh tay làm ngơ. Kẻ phạm tội ác phải bị trừng trị. Đó là công bình xã hội. Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho con người, nhưng Ngài cũng bắt con người phải đền bù những gì con người đã xúc phạm tới Chúa. Đ/C Bùi tuần khi ngồi tòa giải tội có bao giờ tha bổng cho một con chiên khi người này xưng thú tội ăn cướp tài sản của người khác mà lại không buộc đương sự phải hoàn trả lại cho người ta? Người tỵ nạn đấu tranh với CS trên căn bản lề luật công bình và bác ái là mang nặng hận thù sao! CS bán đất bán biển của tổ tiên để lại, bán luôn cả con dân của mình cho ngoại bang. CS ăn cướp tài sản của dân, vơ vét công khố quốc gia để làm giầu, ăn chơi phè phỡn, gởi con cái đi học nước ngoài. CS cố tình làm băng hoại xã hội, hủy hoại đạo đức con người bằng ăn chơi, đĩ điếm,hút xách v.v. để dễ bề cai trị. CS tước đoạt mọi thứ quyền tự do con người, đàn áp và bỏ tù những người đứng lên đòi công lý cho xã hội, vân vân và vân vân. Ấy vậy mà Đ/C Bùi Tuần và cả HĐGM đã không cất tiếng nói lên được lấy nửa lời vì công đạo. Đ/C Bùi Tuần còn chửi mắng những con chiên chống bọn CS ác ôn là mang nặng hận thù định kiến xả chất độc vào những người tốt. Công bình ở đâu? bác ái ở đâu? Yêu thương, phục vụ là cái gì? Đ/C Bùi Tuần là một giám mục hẳn phải thông hiểu cái đạo lý Công Bình và Bác Ái hơn người viết vốn chỉ là một giáo dân tầm thường. Kết án những người đòi tự do, công bình cho xã hội cái tội mang nặng hận thù có hợp đạo Chúa, hợp đạo làm người, và lương tâm có yên ổn không? Vấn đề này người viết chỉ hiểu thô sơ như thế và nghĩ sao nói vậy. Tự biết rằng nói thêm nữa chỉ là múa rìu qua mắt thợ.

3 Phong Trào Tam Bất -Đ/C Bùi Tuần viết: “Các phương tiện truyền thông công giáo hãy tích cực cộng tác với Người (Thiên Chúa). Đi theo hướng ngược lại, vâng theo tiếng gọi của lợi ích riêng, dưới danh nghĩa “mở nước Chúa” sẽ là một sai lầm và hoang tưởng. nhất là khi lại góp phần vào phong trào bất trung, bất hiếu, bất kính, vô ơn, vu khống đối với Hội Thánh.”

Quí bạn đọc có lẽ đã hiểu Phong Trào Tam Bất là cái gì rồi. Đ/C Bùi Tuần kêu gọi truyền thông công giáo tích cực cộng tác với Thiên Chúa là đúng quá rồi. Nhưng vấn đề đặt ra là truyền thông công giáo nào. Đức cha vẫn thường xuyên viết trên tờ CG&DT, và đôi khi trên Website VietCatholic.net. Các báo này có phải là báo công giáo không. Trả lời cho câu hỏi là trọng tâm của bài viết này. Nhưng xin được bàn đến về sau. Hơn nữa, theo đức cha, hướng truyền thông của CG&DT mới là hướng đúng cộng tác với Thiên Chúa. Ngoài hướng đó ra ngài cho rằng đều là sai lầm và hoang tưởng. Thật ra, chính nhận thức đó của đức cha mới là điều sai lầm và hoang tưởng, vì một điều rất dễ hiểu là dựa vào sự xấu xa tội lỗi để mong làm việc tốt lành đạo đức thì thật là điều nghịch lý và huyễn hoặc. Tờ CG&DT tích cực cộng tác với Thiên Chúa thế nào, chúng tôi cũng xin đề cập đến về sau. Bây giờ xin bàn đến chữ “tam bất”.

Ba chữ “bất trung, bất hiếu, bất kính” gồm thêm vô ơn và vu khống nữa, đức cha gom lại gọi nó là phong trào. Ghê gớm thật. Mà nó là phong trào thực, bởi vì mọi người tự đông ý thức và hưởng ứng thôi. Đã gọi là phong trào thì nó không có tổ chức. Không có người đứng đầu. Nó tự động phát sinh, lớn lên và bành trướng. Phong trào phát sinh do sự cảm nhận hay ý thức giống nhau của nhiều người về cùng một cái gì đó rồi biểu lộ ra thành hành động. Không có chỉ đạo. Không điều khiển. Những đặc điểm đó xác nhận tính phổ quát và sự thật khách quan của phong trào. Đ/C Bùi Tuần đã không nhận thức đúng đều đó, còn kết án nó thì thật là bất công.

Bất trung ở chỗ nào khi mà giáo dân chỉ buộc phải trung thành với Thiên Chúa, với các tín lý và giáo lý của GH, chứ không phải trung thành với những việc làm sai quấy của các linh mục hay giám mục. Trong lịch sử GH đã có một vụ án Galileo đầy xỉ nhục về sự cưỡng bức phục tùng tầm bậy không thấy sao?

Bất hiếu là thế nào vì chữ hiếu chỉ nói lên mối tương quan tình cảm giữa con cháu với cha mẹ, ông bà, và các bậc tổ tiên, chứ đâu phải sự tương quan giữa giáo dân với các đấng bậc trong GH dù là bề ngoài xưng hô với nhau là cha con.

Bất kính ở chỗ nào khi một người lãnh đạo đã không biết tự trọng thì làm sao bắt người dưới phải trọng mình. Thế thì sao gọi là bất kính. Những đấng bậc như đúc TGM Nguyễn Kim Điền chẳng hạn, toàn thể giáo dân VN có ai tỏ ra bất kính với ngài đâu. Tư cách con người chứ không phải chiếc áo chùng thâm làm nên sự đáng kính nơi linh mục hay giám mục.

Còn thế nào là vô ơn? Chúa dậy tay phải làm phước bố thí cũng đừng cho tay trái biết. Con cái Chúa khi đã làm ơn cho ai rồi thì chẳng bao giờ bắt họ phải trả ơn. Còn như làm ơn rồi bắt người ta phải trả ơn thì thực không phải là con cái của Chúa. Nếu giáo dân tỵ nạn vô ơn thì họ đã chẳng trao tay hoặc gởi về hàng tỷ, hàng tỷ dollars để lo cho GH tại quê nhà.

Thế nào là vu khống? Những phê phán hay chống đối của giáo dân tỵ nạn tại hải ngoại đối với các hành vi làm xấu mặt GH của một số các đấng bậc ở trong nước đều dựa trên những cơ sở hoặc sự việc có thực, chứ không có cái gì vô cớ, hàm hồ. Cái gì vô cớ. Cái gì hàm hồ, xin Đ/C Bùi Tuần cứ nói ra và đưa bằng chứng để chứng minh rồi hãy kết tội. Không thấy vị nào bị chống đối lên tiếng đưa ra bằng chứng để minh oan. Không thấy vị nào vạch ra được điều gì gọi là vu khống, mà chỉ thấy kết tội. Việc kết tội vô bằng chứng như thế phải bị kể là những lời nhục mạ hay chửi bới. Chuyện các linh mục chửi bới, nhục mạ giáo dân xuất hiện đầy rẫy trên diễn đàn VietCatholic.net của Lm Trần Công Nghị. Người chửi hăng nhất và giai nhất là Lm Nhân Tài. Rồi phải kể đến Lm Nguyễn Hữu Thy và Lm Trần Công Nghị dưới nhiều nick khác nhau. Nay có thêm Đ/C Bùi Tuần chửi bới con chiên trên tờ báo CG&DT của CS.

Các ngài không ai ngờ rằng chửi bới là thứ vũ khí đê tiện và vô dụng nhất của những người đuối lý. Cứ xem mấy người hàng tôm, hàng cá ngoài chợ cãi nhau thì biết. Kẻ thất thế cuối cùng bao giờ cũng chỉ còn biết chửi. Những người trí thức có học họ tranh nhau bằng lý luận. Người thua chịu cúi đầu nhận thua chứ không bao giờ chửi lại. Đó là thái độ của kẻ chính nhân quân tử. Trên đời này chỉ có hai hạng người không biết lý lẽ, mà chỉ lấy sự chửi bới làm đầu. Một là bọn đầu đường xó chợ, không được giáo dục. Hai là những người có quyền thế (địa vị, tiền bạc, và cả tuổi tác nữa) nhưng mang nặng đầu óc phong kiến và tinh thần gia trưởng. Bọn đầu đường xó chợ thiếu giáo dục thì chửi lộn. Còn hạng người cao sang quyền quí thì chửi tưới. Chửi tưới có nghĩa là khi gặp trái ý thì bạ ai cũng chửi, thấy chi cũng chửi. Nhân đây người viết xin nói thẳng một điều lâu nay hằng ấp ủ trong lòng không dám nói ra là trong GHVN hiện nay đa số các ông cha, các đức cha vẫn còn mang nặng cái tinh thần gia trưởng, và cứ tưởng rằng mình là cha thiên hạ thiệt, nên cứ giữ thái độ và lối sống ta đây là trên hết. Chuyện đó xưa rồi. Công Đồng Vaticano II đề ra đường hướng canh tân. Hơn nửa thế kỷ rồi, GHVN chưa thấy canh tân được cái gì ngoài chuyện linh mục làm lễ quay xuống thay vì quay lên như trước kia. Thật là điều đáng buồn. Điều đáng buồn, đau lòng, và đáng sợ hơn nữa là GHVN ngày nay mang huyễn tưởng đua nhau mở Nước Chúa dựa trên thế lực của một tập đoàn chính trị vốn từ bản chất cuồng nhiệt chống Thiên Chúa. Thật là một nghịch lý vĩ đại.

Như đã nói trên, ba chủ điểm trên không phải là trọng tâm của bài viết này. Trọng tâm là tìm ra sự thật tờ báo CG&DT có phải là báo đạo như Đ/C Bùi Tuần nói không. Nếu câu trả lời chứng minh được là không, thì chúng ta thấy sự trí trá của Đ/C Bùi Tuần hẳn phải có chủ đích. Cũng chẳng cần úp mở làm gì, cái chủ đích hẳn không ngoài việc lừa bịp những người còn nhẹ dạ trong mưu đồ giúp CS thuần hóa toàn thể GHVN mà thôi. Trong tiến trình đi tìm sự thật, câu hỏi cần thiết phải đặt ra là tờ tuần báo Công Giáo và Dân Tộc của nhóm linh mục quốc doanh Minh, Cần, Từ, Bích là Báo Đạo hay Báo Đời?

Đ/C Bùi Tuần viết: “Sau nhiều năm phục vụ Tin Mừng trong một giai đoạn không thiếu khó khăn, tôi luôn nhấn mạnh đến 3 nhiệm vụ này:

-Tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa tình yêu.

-Cử hành phượng tự thờ Thiên Chúa tình yêu.

-Phục vụ đồng bào, theo lời truyền của Thiên Chúa tình yêu.

Việc tôi viết báo nằm trong những nhiệm vụ đó.”

Trích đoạn trên cũng rút ra từ bài viết “Tâm Tình Viết Báo” đăng trên tờ tuần báo CG&DT nhân dịp mừng birthday thứ 32 của tờ báo này. Ngay trên đầu bài viết, Gm Bùi tuần nói tuần báo CG&DT là một tờ báo đạo, ngài viết: “Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc này có nhiều bài của tôi. Rải rác bao nhiêu bài, tôi không nhớ. Nhân dịp tuần báo bé nhỏ này mừng 32 tuổi, tôi xin giãi bầy đôi chút tâm tình của tôi về viết BÁO ĐẠO” (chữ báo đạo do người viết highlight).

Như vậy điều tôi nói ngay trên đầu bài viết bạn tin rồi chứ. Đ/C Bùi Tuần viết báo rao giảng Tin Mừng là chuyện đúng người, đúng việc. Không có gì phải bàn cãi. Ngài giảng đạo trên trên tờ báo CG&DT là một tờ báo bán chính thức của đảng CSVN cũng là quyền tự do của ngài. Nhưng ngài muốn nói tờ CG&DT là một tờ báo đạo thì cái đó cần phải xét lại. Không thể sập xí xập ngầu đánh lận con đen để lừa bịp giáo dân được, cho dù ngài là một giám mục.

Dưới đây người viết sẽ chứng minh cho bạn đọc thấy, tuần báo CG&DT là thứ báo nào. Đ/C Bùi Tuần viết cho tờ báo này và ngài gắn bó với tờ báo này đến nỗi ngài phải lo lắng nói lên: “Tôi hay lo. Nên tôi càng lo cho tờ “Công Giáo và Dân Tộc” và cho chính tôi. Xin Chúa gìn giữ chúng tôi, đừng bao giờ để mắc mưu độc dữ”. Một người đã bị mắc mưu độc dữ ghê gớm nhất rồi thì còn lo mắc mưu độc dữ nào nữa?

Giữa cái thế gới hỗn mang hiện nay, người đời làm ăn theo lối “treo đầu dê bán thịt chó” là chuyện rất thường xẩy ra. Việc đạo cũng thế, không ngoại trừ. Xin nêu tờ báo điện tử “VietCatholic.net (VCN)” tại Mỹ làm thí dụ. Trên bảng hiệu của cái website này, chủ nhân của nó viết: THÔNG TẤN XÃ CÔNG GIÁO VIỆT NAM (TTXCGVN). Chủ nhân là một linh mục, cha Trần Công Nghị. Cha Nghị, nghề tay phải của ông là làm phó một giáo xứ Mỹ. Làm VCN chỉ là nghề tay trái của ông thôi. Với cái bảng hiệu như thế, lại do một linh mục điều hành, ai dám nói VCN không phải là TTXCGVN thứ thiệt? Nhưng sự thực lại không phải thế. Nhiều người biết chuyện thắc mắc với cha Nghị, và yêu cầu ông giải quyết vấn đề chính danh cho cái website gọi là cơ quan thông tấn này. Nhưng ông vẫn cứ phớt lờ, đạp lên dư luận mà đi. Mới đây hồi tháng 5, tại đại hội Công Giáo Việt Nam tại Đức, lại có người trực tiếp chất vấn cha Nghị về vấn đề này. Cha Nghị trả lời tỉnh bơ: Đã nói nhường lại cho Hội Đồng Giám Mục nhưng các ngài không chịu. Nhường lại!? Người viết xin không bàn luận về chữ nhường lại ở đây, và xin quí bạn đọc tự hiểu lấy. Như ta thấy, ngoài cửa tiệm VCN rõ ràng treo cái đầu của một con dê xồm. Nhưng ở trong, người ta lại bán hầm bà lằng, cả dê cả chó. Chó tây hay chó ta, mực, vàng, vện gì đó, các thực khách xưa nay tại cửa tiệm VCN hẳn đều biết.

Tờ CG&DT thì có hơi khác, nhưng cũng vẫn là trò treo đầu dê bán thịt chó. Nó là một tờ báo giấy, hiện nay phát hành hàng tuần. Vì là báo giấy nên phạm vi ảnh hưởng của nó hạn chế trong các xứ đạo tại VN là chủ yếu. Năm nay tờ CG&DT mừng birthday lần thứ 32 tức là nó có mặt trên đất nước ta ngay từ những ngày đầu bọn giặc cờ đỏ về thành. Đó là ngày nó xuất hiện và khai báo hộ khẩu tại Saigon thôi chứ thực ra nó ra đời trước đó từ năm 1969 ở mãi bên Tây lận. Cha đẻ của tờ CG&DT là Lm Nguyễn Đình Thi, một nhà tu hành có biệt tài về làm ăn kiếm tiền. Năm 1968 khi Hồ Chí Minh chết, Lm Nguyễn Đình Thi lên tòa giảng tại một thánh đường ở Paris hô hào Vatican phong thánh cho già Hồ. Nếu lúc này Lm Thi còn giữ ý định kia giáo dân VN sẽ được thờ Hồ trong nhà thờ Đức Bà Saigon không chừng. Phật tử Saigon đã được thờ tượng Hồ trong chùa Việt Nam Quốc Tự rồi đấy. Năm 1975 Lm Thi đưa tờ CG&DT từ Paris về giao cho đám tứ nhân bang Minh Cần Từ Bích phát hành tại Saigon . Cha Thi đồng thời còn tặng hàng trăm ngàn Francs làm của “hồi môn” khi giao tờ báo. Đấy là số vốn ban đầu để kinh doanh làm ăn. Về sau thì tờ báo này được đảng và nhà nước CS tài trợ nghe đâu rất hậu hỹ. Chính vì sự thưởng công hậu hỹ này nên mới xẩy ra chuyện tranh ăn giữa Lm Phan Khắc Từ, người thủ quĩ, và Lm Vương Đình Bích. Sự việc nổ ra lớn đến nỗi phải đưa lên lãnh đạo Mặt Trân Tổ Quốc (MTTQ) thành phố phân xử. Nếu là báo đạo thì tại sao lại phải nhờ MTTQ của đảng CS phân xử? Sự việc tự nó nói lên tư cách quốc doanh của nhóm linh mục Minh, Cần, Từ, Bích và tờ báo của họ.

Lai lịch của tờ báo CG&DT đại khái là như thế. Vì tờ báo là công cụ cần thiết cho việc công giáo vận nên nó không thể chết được, mặc dầu nó bị giáo dân nghi kỵ và tẩy chay. Nhiều tín hữu chẳng bao giờ đọc báo thấy trên cái logo có chữ công giáo, lại do nhiều ông cha đứng điều hành nên cứ tưởng là tờ báo công giáo thứ thiệt. Rõ ràng lại là một cửa tiệm treo đầu dê bán thịt chó nữa. Trên cái bảng hiệu bên ngoài cửa tiệm, không phải treo có một cái đầu dê như cửa tiệm VCN của cha Trần Công Nghị, mà treo cả một lô cái đầu của những con dê cụ. Tiệm này bán nhiều món mộc tồn độc đáo. Món khoái khẩu nhất là món gọi là No Canonization. Vì là thời mở cửa nên nó được đặt cho một cái tên ngoại cho hợp thời trang. Món đặc sản này do chính đức cha Bùi Tuần đầu bếp cùng với một số phụ bếp tiếng tăm khác nấu nướng như Lm Trương Bá Cần, Nguyễn Khắc Viện, Trần Bạch Đằng v.v.

Một tờ báo có xuất sứ và đường lối phá đạo như rứa nên đức cha Nguyễn Minh Nhật hồi còn sinh tiền và đang lúc giữ chức chủ tịch HĐGM đã phủ nhận tư cách truyền thông CG của nó. Trong một bài phỏng vấn dành cho báo Eghises d’Asie (Các Giáo Hội Á Châu) tháng 12-1990, Đ/C Nhật khẳng định: “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo (UBĐKCG) nắm tờ báo công giáo duy nhất này. Cả hai (Ủy ban và tờ báo) phải được xem là những bộ phận của nhà nước. Những tiết mục trong tờ báo luôn nghiêng về phía nhà cầm quyền trong khi thường xuyên chỉ trích Giáo Hội. Nó không cung ứng cho người đọc một ý niệm trung thực về Giáo Hội …… Có hai đại diện của Ủy Ban đã trao cho tôi một bức thư, trong đó họ than phiền là một mặt nhà cầm quyền nghi ngờ phong trào công giáo yêu nước chỉ là một phương tiện chui để giúp GHCG bành trướng, mặt khác họ lại bị giáo quyền coi như một công cụ trong tay nhà nước. Tôi đã cho họ biết là những hoài nghi đó có nền tảng, bởi vì họ đã mất lòng tin của người tín hữu vì thái độ của họ trong vụ phong thánh năm 1988 ….”

Đ/C Bùi Tuần nói báo đạo. Đ/C Nguyễn Minh Nhật nói báo đảng. Chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa hai giám mục có thể gây bối rối cho một số người, nhất là trong con chiên bổn đạo. Tuy nhiên, từ những dữ kiện nói trên, chúng ta có thể rút ra được các luận chứng rất thuyết phục để kết luận là tờ CG&DT không phải là báo đạo như Đ/C Bùi Tuần nói, mà là báo đảng.

1. Xuất xứ và lý lịch của tờ báo. Như Đ/C Nguyễn Minh Nhật xác định, tờ CG&DT chỉ là cơ quan của nhóm linh mục quốc doanh nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc, một cơ quan ngoại vi của đảng CS. Nó hoàn toàn không dính dáng gì đến GHCGVN.

2. Đường lối phản GH của tờ báo. Tính chất này của tờ báo cũng được Đức Cha Chủ Tịch HĐGM Nguyễn Minh Nhật vạch trần với báo Eglises d’Asie như trên đã trình bầy.

3. Tư cách và uy tín của hai vị Gm Bùi Tuần và Nguyễn Minh Nhật. Về điểm này, chúng tôi chỉ đề cập đến khía cạnh đường lối và cung cách hành xử của các vị trước các vấn đề đối với chế độ ở trong nước. Nói một cách đơn giản, chúng tôi bỏ ra ngoài những yếu tố “nhà thờ”. Đ/C Nguyễn Minh Nhật là một vị chủ chăn ngay thẳng và khôn ngoan. Ngài khôn ngoan nên trong trách nhiệm điều hành giáo phận cũng như khi đảm trách chức vụ chủ tịch HĐGM, ngài không tỏ ra xu phụ nhà cầm quyền một cách quá đáng mà mọi công việc vẫn trôi chẩy êm đẹp. Việc ngài thẳng thừng vạch mặt UBĐKCG và tờ CG&DT của bọn linh mục quốc doanh chứng tỏ sự ngay thẳng hiếm thấy của ngài. Trong khi đó Gm Bùi Tuần bị dư luận liệt vào thành phần quốc doanh gộc. Điều này dễ hiểu vì mọi người nhìn thấy ngài đã bị thuần hóa đậm rồi. Đừng nghĩ Đ/C Bùi Tuần là một con người thiếu kinh nghiệm về CS. Trước năm 1954 dân công giáo vùng Bùi Chu Thái Bình thuộc lòng câu: Phú Ninh quằn quại, Cao Mại đau thương. Phú Ninh thuộc GP Bùi Chu và Cao Mại thuộc GP Thái Bình là hai họ đạo bị Việt Minh thiêu hủy và tàn sát một cách rất dã man. Đ/C Bùi Tuần xuất thân từ vùng Cao Mại nên biết rõ biến cố này. Đ/C Bùi Tuần là dân Thái Bình không thể không biết Đ/C Đinh Đức Trụ, giám mục Thái Bình đã bị CS khủng bố và đầy đọa như thế nào. Nhưng ngài vẫn kiên cường trung thành với GH. Đ/C Bùi Tuần nên lấy đó làm gương. CS chiếm trọn miền Nam năm 1975 trong lúc Đ/C Bùi Tuần đang làm giám mục cai quản GP Long Xuyên. Dân di cư 54 vùng Cái Sắn kể lại rằng chỉ sau 2 năm thôi ngài đã biến đổi hẳn từ mầu xanh sang mầu đỏ. Phương pháp thuần hóa con người của CS thật sự tài tình. Chúng biến đổi thành công được một giám mục có tiếng là cứng rắn, khôn ngoan và thông thái thành một công cụ để sai khiến một cách dễ dàng. Người viết dám nói mạnh miệng như thế bởi vì ngoài ngài ra chắc không có một vị giám mục nào dám bạo phổi nghe lời CS xúi để sang tận Roma yêu cầu Tòa Thánh ngưng việc phong thánh cho 117 vị Tử Đạo VN. Cái công lao hãn mã đó và các công trạng khác đã đem về cho ngài mới đây phần thưởng là một cái huy chương của chế độ.

4. Thực Tế Chứng Minh - Tại Việt Nam, trong cả nước hiện nay có trên 600 tờ báo giấy, cả nhật báo và báo định kỳ các loại. Tất cả các thứ báo này đều là những tờ báo do đảng CS trực tiếp hay gián tiếp chỉ đạo và điều hành. HĐGMVN nhiều lần than phiền và chỉ xin xuất bản một bản thông tin nội bộ thôi cũng không được. Như vậy tờ CG&DT là báo gì thực tế đã phơi bầy. Chỉ có Đ/C Bùi Tuần mới “ngây thơ” coi nó là tờ báo CG nên ngài mới cầu xin cho nó đừng để mắc mưu độc dữ. Thật là khôi hài và mù quáng. Sự trí trá này càng chứng tỏ Đ/C Bùi Tuần là một giám mục quốc doanh thứ thiệt. Mới tháng 11-06 Nguyễn Tấn Dũng ra Chỉ Thị 37 xiết bù loong báo chí, tuyệt đối cấm sự có mặt của báo chí tư nhân. Báo tư nhân đây có nghĩa là báo ngoài đảng. Tờ CG&DT vẫn tồn tại sau lệnh cấm của Nguyễn Tấn Dũng là một bằng chứng hùng hồn nữa xác nhận CG&DT là một tờ báo nằm trong hệ thống báo đảng.

Tất cả những bằng chứng và luận chứng trên nói lên việc Đ/C Bùi Tuần nói rằng tờ CG&DT là báo đạo là chuyện lừa gạt. Nhưng đó không phải là điều đáng ngạc nhiên. Tâm lý thông thường thôi, ăn cây nào rào cây nấy. Cho dù Đ/C Bùi Tuần có đem cả mũ gậy ra bảo kê cho lời nói của mình, từ những ghi nhận trên, chúng ta vẫn có thể tin chắc chắn rằng tờ CG&DT là báo của CS.

Một giám mục CG, một con người học rộng tài cao như Đ/C Bùi Tuần không thể khù khờ đến nỗi không biết CG&DT là một tờ báo ngoại vi của đảng CS do nhóm linh mục quốc doanh điều hành. Thế mà ngài lại chối bỏ sự thật đó mà nói rằng tờ CG&DT là báo đạo. Cho rằng đức cha thực sự không biết thực trạng của đất nước, của Giáo Hội hiện nay, nhưng ngài không thể không biết mình đang nói gì, viết gì. Ngài vẫn cứ giả mù sao mưa, trí trá ngay cả những sự thực hiển nhiên để lừa bịp những người giáo dân thiếu hiểu biết của mình. Thực đáng sợ cái lương tâm của một giám mục! Tương lai Giáo Hội đi về đâu!

Truyện Đông Chu Liệt Quốc có ghi lại một câu nói hay nàng Ly Cơ tâu với Tấn Hiến Công: “Thiếp nghe nói điều nhân của người tầm thường và điều nhân của người anh hùng không giống nhau. Người tầm thường lấy yêu người làm nhân. Người anh hùng lấy lợi nước làm nhân. Nếu việc làm mà lợi cho nước thì chẳng nghĩ gì đến tình thân cả.” Trong bối cảnh của câu chuyện, câu nói của nàng Ly Cơ tuy là một lời ngụy biện để giết người, nhưng lại rất đúng với những bậc anh hùng biết đặt quyền lợi tổ quốc lên trên quyền lợi của cá nhân và gia đình. Với lối ngôn hành xuôi ngược của D/C Bùi Tuần, một câu tương tự thế này có thể đặt vào cửa miệng ngài được mà không sợ sai: “Tình yêu thương và tinh thần phục vụ của giáo dân với tình yêu thương và tinh thần phục vụ của giám mục Bùi Tuần không giống nhau. Người giáo dân lấy con người và đất nước làm đối tượng yêu thương và phục vụ. Giám mục Bùi Tuần lấy đảng CS làm đối tượng thương yêu và phục vụ. Nếu việc làm lợi cho đảng thì Đ/C Bùi Tuần chẳng nghĩ đến con người và đất nước làm gì.”

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất.

Vải thưa không che được mắt thánh

Ngày 12/07/2007 Nghị Viện châu Âu đã ra một nghị quyết lên án nhà cầm quyền Hà Nội về việc đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo và những người bất đồng chính kiến.

Bản nghị quyết đã được thông qua với đa số 68 phiếu thuận, chỉ 2 phiếu chống.

Nghị viện Âu Châu tỏ ra “lo ngại” (từ trong nguyên văn) về hồ sơ được trình bày bởi các dân biểu Đông Âu và Tây Âu nói về đợt đàn áp dân chủ chưa từng có trong thời gian 3/2007 - 5/2007, các vụ xử án bất công với những người bất đồng chính kiến, cũng như các cuộc phong toả, trấn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Bản nghị quyết nói rằng, điều 88 Bộ Luật Hình sự của Việt Nam hiện nay hoàn toàn trái với các Công ước quốc tế mà chính phủ Việt Nam đã ký kết.

Việc dựa vào Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002 để đưa một các nhà bất đồng chính kiến vào bệnh viện tâm thần là một hành động không thể chấp nhận, cần phải lên án nghiêm khắc. Nhà cầm quyền Hà Nội, trong thế kỷ XXI mà vẫn còn áp dụng phương pháp vô nhân đạo và tàn ác giống như tại Liên Xô trước đây.

Bản nghị quyết đề nghị chính phủ Việt Nam phải có những thay đổi và tin rằng các cơ chế tại Âu Châu cũng cần phải tạo áp lực đối với Việt Nam.

Nghị quyết đã được thông báo rộng rãi và các phương tiện truyền thông quốc tế đều đưa tin.

Cùng ngày, tin tức cho hay, trong 3 nghị quyết chấm dứt phiên họp toàn thể trong tuần, các dân biểu Thụy Điển tại nghị viện đã kêu gọi giúp đỡ cho làn sóng người tị nạn Iraq, phê phán tình trạng vi phạm nhân quyền tại Transnistria, Moldovia và cũnng bày tỏ quan ngại về những vụ đàn áp những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

Theo tin của RFI ngày 13/07/2007, Nghị viện châu Âu yêu cầu Hà Nội chấm dứt đàn áp nhân quyền, tôn trọng tự do tôn giáo, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người đang bị giam giữ vì bất đồng chính kiến. Một danh sách gồm 20 người được nêu lên trong nghị quyết. Đó là, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đình Thành, Nguyên Phong, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Quốc Hiền, Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Việt Lang (Huỳnh Nguyên Đạo), Lê Nguyên Sang và các Hoà thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ…

Trong bản nghị quyết cũng đưa ra vụ việc Hà Nội đã đàn áp 200 người Khmer trong tháng 2 vừa qua.

Liên hiệp châu Âu (EU) là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đồng thời Việt Nam vẫn nhận nhiều khoản viện trợ của các nước thành viên EU. Do đó, bản nghị quyết nhấn mạnh đến tương quan nhân quyền và thấy rằng EU có thể gây áp lực lên Việt Nam trong quan hệ song phương.

Cũng theo nghị quyết này từ tháng 3/2007, Hội đồng Âu châu đã chấp thuận tăng 30% khoản tiền trợ giúp cho Việt Nam trong thời gian từ nay tới năm 2013, nâng số tiền trợ giúp đó lên tới 304 triệu € (Euro).

Bản tin của đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 13/07/2007 cho hay: “Các dân biểu tại Nghị viện Âu Châu cũng thúc giục Việt Nam thi hành các biện pháp cải cách chính trị và cơ chế nhằm kiến tạo một nền dân chủ và pháp trị, bắt đầu bằng việc áp dụng hệ thống đa đảng, cho phép báo chí và công đoàn được tự do hoạt động. Quyền tự do tín ngưỡng đã được chú trọng trong những lời hô hào nầy bên cạnh đòi hỏi chính phủ Việt Nam chấm dứt kỳ thị đối với cộng đồng người Thượng”.

Rõ ràng, luận điệu của cộng sản Việt Nam từ các phương tiện truyền thông báo chí, phát ngôn viên của chính phủ Lê Dũng, đến phát biểu chủ tịch nước trong chuyến thăm Wshington tháng 6 vừa rồi rằng, Việt Nam không có những người bất đồng chính kiến bị đàn áp mà chỉ có “những người vi phạm pháp luật” - xem ra không thể lừa bịp được dư luận thế giới. Một thứ pháp luật mà lại “hoàn toàn trái với các Công ước quốc tế mà chính phủ Việt Nam đã ký kết” như Nghị viện Châu Âu nhận định, thì hỏi cái thứ luật ấy là luật gì, nếu không nói là luật mafia, luật rừng? Bởi vì theo tập quán và thông lệ quốc tế, khi một quốc gia đã cam kết thực hiện một điều luật nào đó trong khuôn khổ công pháp quốc tế, thì điều luật đó phải đứng trên luật của quốc gia đó.

Nghị viện châu Âu (European Parliament) là một định chế có từ năm 1952, hiện tại với 736 dân biểu của 27 nước thành viên dân chủ (năm 2007) thuộc EU với trụ sở tại Strabourg (Pháp). Theo Luật của EU, mọi cuộc bỏ phiếu thông qua các văn bản được tiến hành bằng phương pháp bỏ phiếu kín, theo tỷ lệ phân bổ số phiếu cho từng quốc gia (dựa trên số dân và một số tiêu chuẩn khác).

Như vậy, Hà Nội khó có thể làm ngơ, phủ nhận các nhận định trong bản nghị quyết của Nghị viện Âu châu - một định chế có uy tín và quan trọng trên thế giới, và lại tiếp tục rêu rao không biết ngượng rằng, đây là tuyên truyền sai trái, phản động, thiếu thực tế của các lực lượng thù địch của Mỹ phương Tây.

Đảng cộng sản Việt Nam dùng mãi vải thưa để che mắt thánh sao? Đó là chưa nói đến tất cả các vụ việc đàn áp phong trào tranh đấu ôn hoà đòi tự do tôn giáo và dân chủ rõ ràng như ban ngày dưới ánh sáng của mặt trời sự thật.

Công an đánh phóng viên báo Pháp Luật (?) bị dân oan giữ xe

Tường thuật của người đưa tin Tiếng Dân Kêu tại Saigon

Ngày 14.07.2007

Vào khoảng 2 giờ trưa ngày Thứ Bảy 14/07/2007 tại Việt Nam, một phóng viên đến quay phim hiện trường biểu tình khiếu kiện bị một công an mặc thường phục hành hung và gây thương tích.

Theo lời một số bà con chứng kiến cảnh hành hung thì người phóng viên này có lẽ từ báo Pháp Luật (?) đã đến khu vực bà con dân oan biểu tình để quay phim, chụp hình làm phóng sự.

Sự việc xảy ra khi một công an thường phục xuất hiện tra hỏi và yêu cầu người phóng viên này xóa tất cả đoạn phim đã thu trong máy. Nhân viên công an đã giành lấy máy và đánh vào mặt người phóng viên, làm chảy chảy máu miệng và môi, khi anh từ chối xoá đoạn phim đã thu. Hàng trăm người dân oan đã nhanh chóng giải vây người bị đánh. Trước tình thế đó, người công an thường phục chạy thoát thân, và không thể đem chiếc xe gắn gắn máy màu trắng mang biển số 52 U4 - 6702 đi. Bà con đã lập tức dẫn chiếc xe vào giữ trong khuôn viên sân toà nhà Văn phòng Quốc Hội 2 và đưa anh phóng viên đến một nơi an toàn.

Ngay sau đó, một nhân viên công an khác đã đến xin lãnh xe đang bị "giam" ra nhưng bị bà con dân oan từ chối, và đã điện thoại cho Sở Công an Thành phố biết để yêu cầu làm sáng tỏ nội vụ ./.




Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thăm dân oan

Tường thuật của người đưa tin Tiếng Dân Kêu tại Saigon

Ngày 13.07.2007


Khoảng xế trưa ngày Thứ Sáu 13/07/2007 đã có 4 vị Sư của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Tiền Giang đến tận nơi bà con dân oan biểu tình suốt 23 ngày qua tại trước văn phòng Quốc Hội 2, nhằm quan tâm, chia sẻ với tất cả bà con dân oan các tỉnh có mặt biểu tình đòi đất đai, nhà cửa tại đây.

Được biết, Thượng tọạ Thích Minh Nguyệt, Thượng tọa Thích Minh Lễ, Thượng toạ Thích Huệ Minh, Đại Đức Thích Giác Chân, đại diện Hoà Thượng Thích Quảng Độ, đã đến an ủi, thăm hỏi sức khỏe, sinh hoạt của bà con. Các vị này đã chính thức trao tặng hiện kim cho bà con dân oan của mỗi tỉnh (một triệu đồng/đoàn). Đại diện của bà con dân oan các quận trong thành phố Saigon cũng được trao tặng phần hiện kim tương tự. Sự thăm viếng và uỷ lạo của các vị lãnh đạo tinh thần cho bà con trong hoàn cảnh tập trung khiếu kiện hết sức khó khăn hiện nay đã củng cố thêm nghị lực và niềm tin cho bà con dân oan rất nhiều.

Nghĩa cử cao đẹp và quý giá của các vị Sư nói trên đã thể hiện tinh thần chia sẻ, đùm bọc che chở với nhau khi có những đồng bào gặp hoạn nạn. Sự kiện này phản ảnh một thực tế ngược lại là nhà nước Việt Nam đã làm ngơ cho cán bộ đảng viên địa phương cướp đoạt nhà cửa ruộng vườn, khiến hàng chục ngàn gia đình phải trở nên trắng tay, không nhà cửa, thậm chí có người từng bị giam cầm hành hạ đến nỗi cơ thể bị thương tật vĩnh viễn.

Dư luận từ số dân oan biểu tình khiếu kiện rất căm phẩn trước việc cơ quan an ninh đã ngăn chận việc tiếp tế thực phẩm và nước uống cho bà con; thậm chí đã đánh chảy máu lỗ tai một người thanh niên mang bánh mì tới giao cho bà con và bắt giữ từ sáng đến trưa mới thả ra. Mặt khác, công an còn cướp đi mấy chục thùng mì, thu giữ tiền những người hảo tâm biếu tặng cho dân oan. Nước uống là một nguồn sống không thể thiếu cho mỗi con người, vậy mà mỗi lần người giao nước tới cũng bị công an làm khó dễ, khủng bố tinh thần của người giao nước. Hành vi nói trên đi ngược lại với lương tâm đạo đức của người Việt Nam.

Tình trạng sinh hoạt của bà con trong tuần qua đã trở nên thêm khó khăn khi bộ phận quản lý VPQH 2 đóng kín cửa không cho bà con vào bên trong đi vệ sinh. Tội nghiệp nhất là chị em phụ nữ đã sống khổ sở trong một hoàn cảnh khắc nghiệt bên vĩa hè như vậy. Thêm nữa là thời tiết ban ngày thì nắng cháy oi bức, về chiều tối thì thường có những cơn mưa trút xuống làm bà con không có chỗ nằm ngủ. Do tình trạng phương tiện thiếu thốn, kém vệ sinh nên một số người già đã ngả bệnh. Được biết là vào ngày hôm qua, bà con đã được giúp đỡ dầu xanh để phòng lúc trái gió trở trời.

Mặt khác, cụ bà Võ Thị Thu, người bị chết giấc trước cửa đồn công an phường 1 (quận 6) đã được xuất viện đưa trả về nhà. Chị Quế Hoa đã tạm bình phục, chị Lê thị Nguyệt chân vẫn còn bị băng bột nhưng tinh thần vẫn tốt và luôn xông xáo để chia sẻ với bà con trong mọi tình huống./.




--------------------------------------------------------------------------------

Dân Oan đả đảo công an Quận Phú Nhuận cướp 50 thùng mì của dân

Tường thuật của Nguyễn Thanh

Sài-gòn ngày 12/7/2007: Theo tin tường thuật của anh Nguyễn Thanh từ Việt Nam, vào ngày 12/7/2007, trong lúc tập hợp trước văn phòng Quốc hội II dùng loa lên tiếng đả đảo bọn tham ô của "chính quyền địa phương" các tỉnh, bà con dân oan đồng thời đã đả đảo cơ quan công an quận Phú Nhuận đã chận cướp 50 thùng mì do bà con đặt mua để chống đói. Việc cướp mì này đã xảy ra vào lúc 12g15 trưa ngày 11/7.

Vào lúc 3g30 chiều, mấy chục thùng nước lọc do mạnh thường quân đặt mua đã được xe chở đến để phân phối cho bà con. Trước khí thế của một số lượng đông đảo bà con hiện diện, lực lượng an ninh đã không dám ngăn cản và chỉ đứng ở bên kia lề đường để theo dõi.

Mặt khác, vào lúc 11g15 tối ngày 11/7/2007, một số công an thuộc Bộ Công An từ Hà Nội đã phối hợp với công an TP.HCM và quận Phú Nhuận, đã đến thị sát tại chỗ tình hình biểu tình khiếu kiện, đặc biệt quan sát nội dung. Theo ghi nhận tại chỗ, cán bộ công an Bộ (người miền Trung) đã buộc miệng gay gắt hỏi nhân viên công an thành phố tháp tùng về bản báo cáo là chỉ có khoảng 200 người biểu tình. Trong lúc này, chị Lê thị Nguyệt (tỉnh Tiền Giang) đã lên tiếng là riêng đoàn Tiền Giang đã lên đến trên 300 người rồi, và còn cả chục tỉnh khác đang có mặt khiếu kiện nữa.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới mỗi ngày./.




--------------------------------------------------------------------------------

Dân Oan tuần hành khiếu kiện trên đường phố Sài-gòn


Tường thuật của Nguyễn Thanh

Rạng sáng ngày 11/7/2007, tức là 6 giờ sáng, trước cổng của văn phòng Quốc hội Đại diện Phía Nam tại TP.HCM, rất là đông đảo bà con nhân dân của các tỉnh đi khiếu nại, ước khoảng trên 1000 người. Trong số đó đã chia qua bên 210 (Võ Thị Sáu) hết mấy trăm rồi. Nhưng mà các cán bộ của văn phòng Quốc hội không có một bóng nào ra để mà tiếp dân, toàn bộ trốn đâu mất hết!

Cho tới 7 giờ bà con bắt đầu xuống đường để đi biểu tình. Đoàn biểu tình ước tính khoảng 100 người, cũng gồm các tỉnh, xuống đường để đi biểu tình. Trong số biểu tình đó Bến Tre là đông nhất, có 40 người. Còn bao nhiêu lại là các tỉnh như An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre… rồi mấy quận thành phố HCM (Quận 4, quận Bình Thạnh).

- Hồi 8 giờ, đoàn đi tới ngả tư Nguyễn văn Trỗi.

- Tới 9 giờ thì đoàn tới Dinh Độc Lập.

- Từ 9 giờ đến 10 giờ, đoàn tới (nhà thờ) Đức Mẹ.

- Từ 10 giờ tới 10 giờ rưỡi, đoàn đi ngang tới UBND Thành phố.

- Đến 11 giờ thì đoàn đi về.

Khoảng 8 giờ sáng, trong thời gian đoàn biểu tình đang trên đường đi diễn hành thì số bà con còn ở lại Quốc hội phát hiện là trên cây cờ nước mất hai lá cờ.

Tới khoảng 10 giờ, thì có bảo vệ, 4, 5 người gì đó lại khiêng bốn cái bồn kiểng tại Quốc hội nhưng mà dân chống đối không cho, khiêng ra ngoài rồi bắt buộc phải khiêng vô.

Mãi cho đến 12g15 phút, có một thanh niên chở một cục 50 thùng mì trên chiếc xe cúp ghé tại cổng Văn phòng Quốc hội, thì nhân dân ra nhận mì để cứu đói. Vậy mà công an lại khống chế… người chở mì, thành ra dân phải giải vây; tại vì mì của dân mua chứ đâu phải của ai cho. Công an dạt ra. Nhưng mà dân mua 100 thùng, mà bị cướp dọc đường một xe 50 thùng, thành ra dân đả đảo, yêu cầu công an chính quyền địa phương phải trả lại cho dân 50 chục thùng mì. Và đồng thời kêu gọi Thủ tướng chính phủ phải giải quyết thoả đáng cho dân.

Đến 1 giờ rưỡi, lúc đó trời mưa bão rất là lớn, thành ra nhân dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất, rất là khổ cực.

Bữa nay, trời mưa gió quá trời lớn, bà con ai ấy như là con chuột lột luôn. Chính em về tới nhà mà cũng phải run mà!

###

Bản tin của Ðảng DCND về phiên tòa phúc thẩm xét xử Bs. Lê Nguyên Sang

Việt Nam - Ngày 14 tháng 7 năm 2007 - Phiên toà phúc thẩm xử Bác sĩ Lê Nguyên Sang, thành viên đảng Dân chủ Nhân dân đã được toà án chính thức thông tin sẽ đem ra xử ngày 27 tháng 7 năm 2007 tại Toà Án Sài Gòn, Việt Nam.

Trong phiên toà ngày 10 tháng 5 năm 2007 xử đảng viên đảng Dân chủ Nhân dân gồm bác sĩ Lê Nguyên Sang, luật sư Nguyễn Bắc Truyễn và ký giả Huỳnh Nguyên Đạo vừa qua. Bác Sĩ Sang đã bị tuyên án 5 năm tù và 2 năm quản chế tại gia về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam". Bản án này đã bị các tổ chức nhân quyền và nhiều quốc gia trên thế giới mạnh mẽ lên án.

Bác sĩ Lê Nguyên Sang từ giã mẹ gìa

Mới đây, Quốc hội Châu Âu đã lên án phiên toà xử bác sĩ Sang và nhiều nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam qua quyết nghị ngày 12 tháng 7 năm 2007. Quyết nghị kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền con người và " trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho mọi cá nhân bị giam giữ vì lý do duy nhất là họ sử dụng ôn hòa và chính đáng các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo, trong số này có linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, các luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, Trần Quốc Hiền, Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Nguyên Đạo, Dương Thị Tròn, Lê Văn Sóc, Nguyễn Văn Thủy, Nguyễn Văn Thọ, Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ và Bùi Thị Kim Thành".

Quyết nghị cũng kêu gọi Hà Nội có những "cải cách chính trị, thiết lập nhà nước pháp quyền, chấp nhận đa đảng, tự do báo chí và các công đoàn, tổ chức Công, Nông dân độc lập" để giải quyết những mâu thuẩn xung đột trong xã hội mà cụ thể nhất là cuộc biểu tình của hàng trăm nông dân tại Sài Gòn và Hà Nội tố cáo tệ nạn đảng viên tham nhũng, cướp đất của dân chúng đã kéo dài từ ngày 22 tháng 6, 2007 đến nay.

Trân trọng
Đảng Dân chủ Nhân dân
Trần Nam

---------

The People’s Democratic Party
dangdanchunhandan@yahoo.com
ddcnd.com

Dr. Le Nguyen Sang’s Appeal Trial

Viet Nam - July 14, 2007 - Dr. Le Nguyen Sang’s appeal trial is scheduled for July 27, 2007 in People's Court, Sai Gon, Viet Nam.

His May 10th trial earlier this year, together with other members of the People's Democratic Party, lawyer Nguyen Bac Truyen and journalist Huynh Nguyen Dao. Dr. Le Nguyen Sang, handed down a sentencing of 5 years imprisonment with 2 years of house arrest for the alleged crime of "propagating against Viet Nam". The sentence has been condemned strongly by human rights organizations and foreign governments all over the world.

Recently, the European Parliament, adopted a "Resolution on Vietnam", condemning repression against Vietnamese dissidents and called on the Vietnamese government to respect and guarantee the fundamental rights of the Vietnamese people: “Calls, therefore, for the immediate and unconditional release of all individuals imprisoned for the sole reason that they have peacefully and legitimately exercised their right to freedom of opinion, freedom of expression, freedom of the press and freedom of religion, including the Catholic priest Nguyen Van Ly (sentenced to eight years’ imprisonment), Nguyen Phong (six years), Nguyen Binh Thanh (five years), the lawyers Nguyen Van Dai (five years) (all members of the pro-democracy and reform group Bloc 8406) and Le Thi Cong Nhan (four years), spokeswoman for the Progression Party, Tran Quoc Hien (five years), representative of the Workers-Farmers Organisation, the leader of the People’s Democratic Party (PDP), Le Nguyen Sang (five years), Nguyen Bac Truyen (four years) and Huynh Nguyen Dao (three years), and the Buddhists Hoa Hao Duong Thi Tron (six years), Le Van Soc (six years) and Nguyen Van Thuy (five years), Nguyen Van Tho (four years), the Patriarch of the UBCV, Thich Huyen Quang, Thich Quang Do and Bui Thi Kim Tanh”.

The resolution also calls on Vietnam "to carry out political and institutional reforms in order to establish democracy and the genuine rule of law, beginning with the introduction of a multi-party system, a free press and free trade unions ," in order to solve social issues where conflict, arbitrary law and government corruption have caused hundreds of farmers to stage on-going protests in Sai Gon and Ha Noi starting June 22, 2007.

Regards
The People’s Democratic Party
Tran, Nam

Thượng tọa Thích Minh Nguyệt cầm đầu Phái đoàn GHPGVNTN đến ủy lạo và tiếp tế khối Dân oan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 14.7.2007

Thượng tọa Thích Minh Nguyệt cầm đầu Phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến ủy lạo và tiếp tế khối Dân oan các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tiền đình Văn phòng Quốc hội II ở Saigon

PARIS, ngày 14.7.2007 (PTTPGQT) - Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) vừa gửi tin sang Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế cho biết rằng vào sáng ngày thứ sáu 13.7, theo chỉ thị của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, một Phái đoàn Phật giáo thuộc Ban Đại diện Giáo hội tỉnh Tiền Giang đã thay mặt Giáo hội đến ủy lạo và tiếp tế cho Khối Dân oan khiếu nại tại tiền tình Văn phòng Quốc hội II ở số 194 đường Hoàng Văn Thụ, Phường 10, Quận Phú Nhuận, Saigon.

Phái đoàn do Thượng tọa Thích Minh Nguyệt cầm đầu. Thượng tọa là Chánh Đại diện Ban Đại diện tỉnh Tiền Giang, thiết lập theo Quyết định số 28 của Viện Hóa Đạo ban hành ngày 6.2.2007. Tháp tùng với Thượng tọa còn có Thượng tọa Thích Thiện Lễ, Phó Đại diện Ban Đại diện tỉnh Tiền Giang, Đại đức Thích Huệ Minh, Đặc ủy Thanh niên Ban Đại diện tỉnh Tiền giang, và Thượng tọa Thích Giác Ngôn thuộc Hệ phái Khất sĩ.

Mặc dù qũy Từ thiện của GHPGVNTN hiện nay rất eo hẹp, nhưng đã trích ra 13 triệu đồng để P

hái đoàn đem đến và trao tận tay cho tập thể Dân oan đi khiếu kiện trước tiền đình Quốc hội II suốt 3 tuần lễ vừa qua. Đồng bào Dân oan đã rất vui mừng đón tiếp Phái đoàn Phật giáo và ngỏ lời cám ơn sự quan tâm của GHPGVNTN. Thượng tọa Thích Minh Nguyệt đã đáp lời chia sẻ với đồng bào lâm nạn áp bức oan khiên. Thượng tọa còn nói lòng từ bi của đạo Phật khiến cho chư Tăng Ni và Phật tử không thể nào nguôi ngoai trước sự nghèo đói, bất công mà nhân dân phải gánh chịu biết bao năm ròng. Thượng tọa cũng chuyển lời vấn an, chia sẻ và cầu nguyện của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ mà vì hoàn cảnh bị quản chế nên Hòa thượng chưa thể trực tiếp đến thăm và ủy lạo đồng bào.

Tại cuộc thăm viếng và tiếp tế này Thượng tọa Thích Minh Nguyệt và phái đoàn đã gặp gỡ đại diện khối Dân oan khiếu kiện từ các tỉnh Tiền giang, An giang, Kiên giang, Bến tre, Bình dương, Đồng tháp, Long an, Cần thơ, v.v... Sau đó đồng bào đã tiễn Phái đoàn lên xe rồi mới trở vào tiền đình Văn phòng Quốc hội II.

Tình cảnh Dân oan khiếu kiện ngày càng đông, lên tới con số một nghìn người đến từ 14 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự kiện hiếp đáp dân của nhà đương quyền địa phương kéo dài từ hai mươi năm hơn. Trên tạp chí Quê Mẹ xuất bản tại Paris đã báo động hiện trạng nông dân từ sông Tiền sông Hậu đông đảo kéo lên Saigon biểu tình khiếu kiện từ năm 1988. Thời ấy, mỗi ngày có đến hai, ba trăm người và kéo dài trong nhiều tháng.

Trong Đơn Thỉnh nguyện do hàng chục người đại diện ký tên hôm 7.7.2007 gửi Văn phòng Quốc hội II, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an báo động sự kiện Văn phòng Quốc hội II đã đóng cửa từ hôm 5.7 khiến cho việc Vệ sinh vô cùng khó khăn, đặc biệt cho các cụ già và phụ nữ. Đơn Thỉnh nguyện yêu cầu mở cửa Văn phòng Quốc hội II để giải tỏa vấn đề, đồng thời "giám sát việc giải quyết dứt điểm cho dân oan theo tinh thần luật pháp với sự kết hợp của chính quyền tỉnh Tiền Giang, An Giang, Kiến Giang, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Tháp... cùng đoàn Chính phủ liên ngành".

Qua cuộc điện đàm sáng nay, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ cho Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris biết rằng vào đầu tuần lễ tới đây Viện sẽ tổ chức cuộc thăm viếng lần thứ hai để ủy lạo và tiếp tế tập thể Dân oan Khiếu kiện.

Bloody history of communism




Quốc - Cộng


Tranh: Babui

Ba điều bất cập

“… Tôi về nhà bình yên, song thấy không vui. Nước ta nó thế sao, luôn đầy chuyện bất cập !…”
Hà Sĩ Phu bên hồ Xuân Hương

1. Vừa xuống máy bay, về đến nhà ở Sài Gòn, một người bạn gọi điện thoại rủ tôi đi Đà Lạt (ĐL). Chuyến đi thật xa, thêm trời tháng sáu nóng oi bức, xe cộ ồn ào và bụi bặm làm tôi mệt nhoài, nên cũng muốn đi nghỉ và tìm yên tĩnh vài hôm. Lại có dịp thăm vài người bạn cũ. Vợ chồng anh Bảo Cự đã dọn nhà về lại ĐL. Trong nhật ký Tôi bày tỏ [1] anh có nhắc đến vài kỷ niệm vui buồn của chúng tôi vào những năm 1996-1997. Đã hơn mười năm rồi từ khi gặp anh lần đầu ở ĐL [2], bao nhiêu là thăng trầm trong cuộc sống, nên tôi cũng muốn ngồi với anh hàn huyên ôn lại sự kiện xưa… Thật ít khi được tĩnh tâm để "hơn nửa đời nhìn lại" !

Tôi nhận lời. Hai người bạn và tôi đón xe đò Thành Bưởi vào 11 giờ đêm; chúng tôi đến ĐL vào khoảng 5 giờ sáng hôm sau, khi ĐL vẫn còn ngủ yên trong sương mù. Chúng tôi đi bộ vòng quanh khu Dinh II ; trên các khu đồi phía sau, trước đây là rừng thông, nay nhà cửa san sát. Mấy ngọn đồi bên kia thung lũng đã thanh đồi trọc, chắc nay mai nhà ở sẽ mọc lên nhiều. ĐL có nhiều thay đổi, nhà cửa, đường phố… tươm tất hơn; hồ Xuân Hương đã được làm đẹp hơn so với lần đầu tôi đến hồi 1996. Thành phố miền cao nguyên này dường như vẫn giữ được hồn mình, tĩnh mịch, trầm buồn…

7 giờ sáng, chúng tôi đi đến khu chợ Hoà Bình tìm cà phê. Vừa gặp nhau, anh Bảo Cự cho biết đã hẹn anh Hà Sĩ Phu (HSP) đi ăn sáng. Tôi chưa có dịp gặp anh HSP, nên rất thích, song hơi lo lắng, vì đang có sự kiện được theo dõi là bài báo trên internet ghi lại cuộc nói chuyện qua điện thoại của anh với ông Lê Hồng Hà. Chúng tôi đến ăn sáng ở một nhà hàng nằm trên bờ hồ, và chọn một bàn ngồi ngoài trời, sát mép nước. Từ nhiều phía, mọi người đều có thể quan sát chúng tôi… Có vài sự kiện xảy ra chung quanh, nhưng các bạn ĐL bảo chúng tôi cứ nói chuyện bình thường.

2. Lần đầu tiên gặp nhau, song như đã quen thân từ lâu. Câu chuyện giữa chúng tôi thật vui, hồn nhiên, thật thân mật, cởi mở, chân tình. Anh HSP hỏi thăm chúng tôi đủ điều, với nhiều chi tiết mà ít khi tôi nghĩ đến. Tôi hỏi thăm anh về sức khoẻ, sinh hoạt hàng ngày, đời sống vật chất và tinh thần… Anh cho biết vợ chồng anh sống tạm đủ cơm áo, song tinh thần thì thường căng thẳng, vì phải luôn đối phó, và phải cố gắng tìm thì giờ để đọc và viết. Quá nhiều chuyện để đọc, để học… Anh phàn nàn là người ta cứ liên lạc để kêu gọi, thúc giục anh tham gia vào tổ chức này, hội đoàn kia… Thấy chẳng thể làm điều gì ích lợi hơn vào lúc này, anh luôn từ chối. Với sức khoẻ ngày càng giảm và thời gian làm việc còn lại không nhiều, anh chỉ muốn cố gắng tập trung làm việc chính của mình, công việc của một người trí thức, một sĩ phu, bằng tư duy và trí tuệ về những vấn đề trọng đại của đất nước.

Chúng tôi trao đổi chuyện trong chuyện ngoài, chuyện Việt Nam chuyện thế giới, chân tình chia sẻ thông tin và suy nghĩ. Tôi thấy có sự đồng cảm với anh, khi anh phân tích về " ba điều bất cập " của " phong trào dân chủ " [3], nên xin phép anh được mạo muội ghi tóm lại đây, theo cách diễn đạt của tôi.

Theo anh Hà Sĩ Phu, ba điều bất cập này nảy sinh vì sự mất quân bình trong các mối quan hệ tương tác quan trọng.

Điều bất cập thứ nhất là từ mối quan hệ thật - ảo. Hiện nay hầu như hoạt động chỉ sôi nổi trên mạng internet. Đây là một phương tiện truyền thông chính của thời đại hiện nay, song internet cơ bản là một không gian ảo, chưa phù hợp và còn xa cách với đời sống thực tế của đại đa số dân Việt Nam. Từ đó, các hoạt động trên internet không có ảnh hưởng gì lớn trên nhiều tầng lớp dân chúng. Khuynh hướng thổi phồng thực tế, lấy ảo làm thật… dễ gây ảo tưởng.

Điều bất cập thứ hai là từ mối quan hệ trong – ngoài. Mọi sự thay đổi của đất nước phải xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi và vận động của người dân trong nước. Các biến cố và tổ chức phải sinh ra từ trong nước thì mới mang tính chính đáng để thu phục nhân tâm. Song hiện nay, hoạt động trong nước còn yếu, chưa đủ mạnh để sàng lọc và phát huy hết mặt ủng hộ tích cực từ bên ngoài nên thường bị động, bị bên ngoài chi phối, lôi kéo đi. Mà những yếu tố hải ngoại cũng đâu có đồng nhất; bên cạnh những yếu tố đáng quý cũng không thiếu những yếu tố quá khích, cũng phản dân chủ không khác gì sự độc đoán của chính quyền [4].

Điều bất cập thứ ba là từ mối quan hệ đạo - đời. Tôn giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống của dân Việt. Chùa, nhà thờ, nơi thờ phượng… là nơi sinh hoạt tâm linh ; các vị tu sĩ thường là chỗ dựa tinh thần của dân. Tiếng nói của các vị tu sĩ trước các sự kiện xã hội hay biến cố chính trị… thường được lắng nghe. Song khi các vị tu sĩ trực tiếp hoạt động chính trị, mà hoạt động ngoài " đời " còn rất non yếu, thì dù chính đáng, cũng không khỏi làm cho mối quan hệ đạo-đời mất quân bình.

Trong khi trò chuyện với chúng tôi về ba điều mất cân bằng này, anh HSP tỏ ra rất băn khoăn, e bị bè bạn hiểu lầm, nên cứ nhấn mạnh rằng ba yếu tố "internet, hải ngoại và tôn giáo" vốn là vô cùng quan trọng, nhưng khi ba yếu tố ấy làm chủ tình hình, mà ba yếu tố tương tác "hiện thực, quốc nội và thế tục" lại chưa phát triển tương xứng thì kết quả sẽ là dễ bị chủ quan, dễ phạm sai lầm, xa rời thực tế và sẽ thất bại.

Mấy điều bất cập, muôn vàn khó khăn ! Chúng tôi ngồi với nhau đã ba giờ. Anh HSP phải về nhà, chúng tôi chia tay và anh không giấu nỗi lo lắng cho tương lai. Khi kinh tế phát triển, ai cũng lao vào cơn lốc kiếm tiền. Trong xã hội hiện nay, đồng tiền chi phối tất cả ; đồng tiền giúp cải thiện đời sống, song đồng tiền thường không là bạn của đòi hỏi, nhu cầu dân chủ… Tôi tự hỏi, liệu sẽ còn có bao nhiêu "sĩ phu" trong các thế hệ mai sau ? [5]

Đà Lạt tháng sáu trời mưa lớn. Tôi về nhà bình yên, song thấy không vui. Nước ta nó thế sao, luôn đầy chuyện bất cập !
Đoàn Giao Thuỷ
Sài Gòn, tháng 6/2007


[1] Nhật ký này được chuyển thể và đưa vào tác phẩm Mảnh trời xanh trên thung lũng, Văn Mới, California, 2007.
[2] Bài trao đổi với Tiêu Dao Bảo Cự về cuốn sách Nửa đời nhìn lại, đăng trên báo Diễn Đàn, 1996.
[3] Tôi xin được để mấy chữ này trong ngoặc kép ; xin tạm gọi như vậy cho dễ hiểu, chứ thực tế có phong trào hay không là việc khác.
[4] Càng bất cập hơn cho mối quan hệ trong-ngoài là khi các vị đại sứ, lãnh sự của các nước ngoài tự cho mình quyền chọn lựa, thậm chí chỉ định ai là người "đại diện" cho phong trào (trong lẫn ngoài) !
[5] Khi chúng tôi gặp nhau ở ĐL, bài trao đổi của Lữ Phương với Hà Sĩ Phu chưa đăng trên Diễn Đàn

Lịch sử cơ hồ sang trang

“… Mong sao không phải chỉ là cơ hồ mà đúng là lịch sử sẽ sang trang để đất nước thôi chìm đắm trong vũng lầy của những sai lầm tệ hại cũ …”

Người đi dây xiếc hay người cố đấm ăn xôi?

Báo Washington Post, tờ báo có lượng phát hành lớn nhất Hoa Kỳ, số ra ngày 21 tháng 6 năm 2007 dành trọn một trang đăng bức thư nói về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có chữ ký của chủ tịch Nguyễn Minh Triết, kèm theo ảnh chủ tịch Nguyễn Minh Triết bắt tay tổng thống Mỹ George Bush, phía sau là bức tượng chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng của Việt Nam; kế đó là ảnh chủ tịch Nguyễn Minh Triết đứng xem tổng thống G. Bush gẩy đàn bầu trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11 năm 2006.

Mở đầu, bức thư kể lại truyền thống bang giao hữu hảo lâu đời Việt Nam-Hoa Kỳ thông qua các sự kiện: ngay từ khi nước Mỹ mới ra đời, năm 1787, Thomas Jefferson đã đem giống lúa Việt Nam về trồng trong trang trại của mình ở Virginia và năm 1801 ông đã trở thành Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ. Chính câu nói bất hủ của ông “ Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc ” đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sau lời kiểm điểm ngậm ngùi: “Quan hệ giữa hai nước chúng ta đã trải qua một quá khứ thăng trầm và đáng buồn”, với sức mạnh kiên cường của sự phản tỉnh, chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Ngày nay, vì cả lợi ích trước mắt và lâu dài của hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ đang nỗ lực cùng nhau xây dựng một chương mới trong lịch sử giữa hai nước ”.

Nhận thức đúng đắn được rằng: “Tôi thiết nghĩ một nước Việt Nam ổn định và phồn vinh cũng là ý nguyện của chính phủ và nhân dân Mỹ”, lời quả quyết của chủ tịch Nguyễn Minh Triết như dao chém đá: “Với Việt Nam, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ luôn luôn là một đối tác quan trọng và cam kết hợp tác nhiều mặt của chúng tôi là chắc chắn”. Ông tự giao trọng trách thiêng liêng cho chuyến công du của mình: “Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, chuyến thăm của tôi tới đất nước các bạn lần này sẽ tạo thêm đà cho sự phát triển và đa dạng hóa các mối quan hệ giữa hai nước”.

Tổng giá trị của các hợp đồng thỏa thuận được ký kết trong chuyến đi lên tới 11 tỉ USD là con số đạt được lớn vượt trội hẳn con số dự kiến 4 tỉ rưỡi lúc lên đường. Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) được xem là bước tiếp theo của Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) và là bước mở đầu tiến tới Hiệp định Thương mại Tự do mở ra triển vọng rất lớn trong giao thương kinh tế .

Kể từ khi Hiệp định Thương mại Song phương ( BTA ) có hiệu lực đến nay, quan hệ buôn bán giữa hai nước tăng nhanh: Kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2005 đạt 7,8 tỉ USD, tăng gấp 5 lần năm 2001 (1,5 tỉ USD ); năm 2006 đạt 9,7 tỉ USD, trong đó Việt Nam nhập 1,1 tỉ USD và xuất 8,6 tỉ USD. Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và nước ta luôn xuất siêu lớn sang Hoa Kỳ. Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam đến tháng 4-2007 đạt hơn 2,3 tỉ USD, xếp thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (nếu tính cả qua nước thứ ba thì đạt khoảng 4,3 tỉ USD). Hiện đã có hơn 1 000 doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam ….

Triển vọng giao thương kinh tế rồi đây chắc sẽ còn lớn hơn nhiều, tuy nhiên đáng nức lòng hơn phải là những dòng tin sau đây được đăng trên các tờ báo lớn của Đảng như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân:

- Chủ tịch Nguyễn Minh Triết kể: “Tôi và tổng thống Mỹ đã thỏa thuận với nhau nhiều vấn đề , kể cả một số việc nhạy cảm. Chúng tôi đồng ý với nhau rằng những việc hôm nay đã hứa hẹn tương lai mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác khá toàn diện giữa hai nước, hai dân tộc”.

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới và kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam là bạn với các nước, trong đó luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Mỹ vì lợi ích của nhân dân hai nước và vì hòa bình, an ninh và phát triển ở Châu Á.

- Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Nhân dân hai nước chúng ta mong muốn có hòa bình, đoàn kết, hữu nghị. Không có lý do gì chúng ta không xích lại gần nhau, đoàn kết, thân thiện. Ngay cả người nông dân bình thường cũng hiểu được điều đó! Và sự thật, Nhà nước, Chính phủ hai nước cũng muốn đi trên con đường này. Tôi đến thăm Hoa Kỳ cũng với thiện chí đó ”

- Hai nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá quan hệ song phương Việt Nam và Mỹ đang tiến triển tích cực và nhất trí phương hướng phát triển quan hệ sâu rộng, ổn định và hiệu quả hơn nhằm đáp ứng lợi ích và mong đợi của nhân dân hai nước.

- Tổng thống G. Bush tin rằng Việt Nam sẽ trở thành nước có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực Châu Á; mong chính phủ Việt Nam có những biện pháp tích cực để thu hút mạnh các nhà đầu tư Mỹ. Tổng thống George Bush cũng đồng tình với chủ trương phát triển giáo dục chất lượng cao của Việt Nam.
- …….

Xiết chặt quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ không còn chỉ là nghĩa vụ, là trách nhiệm của lý trí mà đang thấm vào trái tim của chủ tịch nước Việt Nam. Tình cảm đó không biết được hun đúc từ bao giờ nhưng dễ dàng nhận thấy nó đã bộc phát qua thực tế khi ông được trực tiếp tiếp xúc với chính giới, với các nhà khoa học, với người dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nghe như trái tim ông từng rung lên khi kể: “Những người nông dân Hoa Kỳ đó có những cử chỉ hết sức thân thiện và tình cảm đối với đoàn chúng tôi. Ông chủ nhà nhiều lần ôm hôn tôi thật thắm thiết. Điều đó nói lên cái gì ?”.

Câu chuyện được nông dân Hoa Kỳ ôm hôn thắm thiết đã được chủ tịch Nguyễn Minh Triết kể hơn một lần, ngay cả trong buổi họp báo sau cuộc giao kiến lịch sử tại Tòa Bạch Ốc ngày 22 tháng 6 năm 2007: “ Ví dụ như ngày hôm qua, khi tôi có dịp đến thăm một nhà nông trồng nho. Cuộc sống của họ thật hạnh phúc, họ có tình cảm nồng hậu đối với Việt Nam. Chủ nhà ôm tôi nhiều lần không muốn từ biệt ”.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ở Los Angeles sáng 23 tháng 6 năm 2007 chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói như khoe: “Chúng tôi đến đâu cũng gặp những khuôn mặt vui tươi, hồ hởi và hăng hái đối với tương lai hợp tác giữa hai nước”.

Tuy nhiên, trong chuyến công du Hoa Kỳ, ông Triết có một câu nói rất dở khi ông tuyên bố Việt Nam không cần cải thiện về nhân quyền. Dẫu sao, tôi nghĩ rằng đấy là một câu sẩy miệng xuất phát từ giây phút mất bình tĩnh trước hàng loạt câu cật vấn về tình trạng xâm phạm dân chủ, nhân quyền nặng nề đã xẩy ra ở Việt Nam ngay trước lúc ông Triết đến Mỹ. Một em học sinh cấp ba bình thường cũng có thể hiểu nhân quyền là mục tiêu lý tưởng mà mọi chế độ chính trị, mọi thứ chủ nghĩa đều phải không ngừng phấn đấu để tiếp cận gần hơn, đạt được nhũng tầm mức ngày càng tốt hơn, cao hơn. Hoa Kỳ cũng phải không ngừng cải thiện về nhân quyền, Việt Nam không thể là ngoại lệ.

Chuyến thăm Hoa Kỳ lịch sử của vị chủ tịch nước Việt Nam nhẽ ra đã vẻ vang hơn. Nhẽ ra đã có 21 phát súng chào, có quốc yến … Nhẽ ra tổng thống Bush đã được lịch sự hơn, thoải mái vui vẻ hơn khi không phải nhắc nhở: “Tôi cũng nói rất rõ rằng để cho các mối quan hệ phát triển sâu nặng hơn, điều quan trọng cho những người bạn của chúng ta là có một cam kết mạnh mẽ về nhân quyền, tự do và dân chủ. Tôi đã bầy tỏ niềm tin sâu sắc của mình rằng các xã hội sẽ giầu mạnh hơn khi con người được phép bầy tỏ bản thân một cách tự do và thực hành tín ngưỡng tự do”. Đón tiếp chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại Quốc hội Hoa Kỳ, nhẽ ra bà chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi không đến nỗi phải gay gắt: “Chúng tôi mong muốn sớm có dịp thảo luận nghiêm túc với ông về những vấn đề được nhiều vị dân cử trong Quốc hội của chúng tôi nêu lên liên quan đến dân chủ tại Việt Nam”. Ông Ed Royce còn nghiêm khắc hơn: “Hoa Kỳ và Việt Nam đã thực hiện nhiều mức độ đáng chú ý để tiến tới một quan hệ bình thường, nhưng tình trạng hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa thể chấp nhận được. Nếu chúng ta muốn thắt chặt quan hệ hữu nghị với Việt Nam, như ý ông Triết muốn, thì nhà nước Việt Nam phải đón nhận đa nguyên chính trị trong tất cả mọi hình thức. Bịt miệng các nhà tranh đấu và ngăn cấm tự do tôn giáo không phải là những con đường để tiến tới một quan hệ hợp tác chặt chẽ ”. Ông còn cho biết: “Không phải chỉ một mình tôi mà tất cả các dân biểu có mặt đều đặt vấn đề với chủ tịch Triết về vụ đàn áp các nhà tranh đấu, bắt tù cả thanh niên chỉ vì họ nói chuyện dân chủ trên Internet. Phái đpàn Việt Nam cũng muốn lái qua các đề tài khác nhưng cuộc nói chuyện cứ trở về chuyện nhân quyền” … (Dân biểu Ed Royce, đảng Cộng hòa, là thành viên thâm niên của Ban Đặc nhiệm về Khủng bố, Nguyên tử và Thương mại thuộc Ủy ban Ngoại giao Quốc hội Hoa Kỳ. Ông rất quan tâm đến Việt Nam. Năm 1996, biết tôi đang làm việc với bộ môn Cổ từ học ở trường đại học UCLA- California, ông đã mời tôi đến hội đàm 2 buổi tại Văn phòng Quốc hội của ông).

Không chỉ sượng mặt trước chính giới Hoa Kỳ mà tủi hổ nhất là chủ tịch Nguyễn Minh Triết còn bị đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình phản đối. Trong thực tế, không chỉ chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mà chính tổng thống Mỹ khi ra nước ngoài cũng đôi lần đã gặp biểu tình phản đối, thậm chí còn bị “xơi” cà chua, trứng thối. Tuy nhiên, những người tham gia biểu tình phản đối tổng thống Mỹ là người nước khác, ở đây, điều tệ hại bội phần là ở chỗ, ông Chủ tịch nước Việt Nam lại bị chính đông bào mình la hét, nguyền rủa trước bàn dân thiên hạ. Bản tin nước ngoài đã nói về những cuộc biểu tình đó: “là cuộc biểu tình vĩ đại nhất từ trước tới nay tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn của cộng đồng người Việt hải ngoại. Vào sáng thứ sáu, ngày 22 tháng 6 năm 2007, trên 2000 bà con đồng hương từ khắp nơi- hai mươi tiểu bang Hoa Kỳ, Canada và Úc châu – cùng với một số cựu chiến binh Mỹ và phái đoàn các đồng bào sắc tộc Thượng, đã tập trung tại công viên La Fayette từ sáng để đón đầu Nguyễn Minh Triết với một rừng Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và một rừng biểu ngữ…. Khí thế đoàn biểu tình hùng hậu đến nỗi phái đoàn của Triết hoảng sợ, không dám đi cửa chính, phải lén dùng cửa hậu để vào Tòa Bạch Ốc rồi lại lén dùng cổng hậu để chuồn ra ngoài …”.

Cho nên, một số ý kiến nhận xét và bài viết đã lăng mạ thậm tệ, mô tả như một chuyến đi ô nhục thảm hại. Tuy nhiên, trong số những bài viết từ nước ngoài, tôi có nhiều điều tâm đắc với bài “Đừng đẩy Việt Nam vào vòng tay Trung Quốc” của nhà bình luận chính trị uyên thâm Trần Bình Nam. Ông cho rằng: “Chuyến đi của ông Triết (với bao nhiêu trục trặc) là một điều có lợi về mặt chiến lược cho cả hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam. Vì nếu chuyến đi bị hủy bỏ, kẻ có lợi duy nhất là Trung Quốc. Ít nhất chuyến công du cũng chứng tỏ Việt Nam vẫn còn một chút độc lập với Trung Quốc và muốn xích lại gần Hoa Kỳ”.

Thật vậy, nhiều người trong chúng tôi có lúc đã thót tim thất vọng về khả năng của chuyến đi này. Họ phá đến như thế, những kẻ chỉ đạo từ nước ngoài và cái bọn Việt gian gián điệp ở bên trong, kể cũng đã vô cùng nham hiểm và hết sức quyết liệt. Thế mà chúng ta đã thắng. Về hình thức thì không vẻ vang lắm nhưng đối với tầm chiến lược thì thắng lợi là rất căn bản Hai chiến tướng George Bush và Nguyễn Minh Triết đã hợp đồng nhau làm nên chiến thắng này. Bush vẫn quả quyết mời và Triết vẫn dũng cảm lên đường.

Cái trí thông minh và bản lĩnh của George Bush đã rất đáng ghi nhận, sự quyết đoán và lòng dũng cảm của Nguyễn Minh Triết càng đáng ngợi khen hơn.

Sao ông Triết không phật lòng được khi hay tin ông Bush đã đón tiếp các “lãnh tụ chống Việt cộng” trong Phòng Bầu Dục trước mình! Sao ông Triết không hình dung trước được cảnh bà con Việt Kiều sẽ rầm rộ biểu tình phản đối mình. Thế mà ông vẫn “quyết lòng dứt áo ra đi !” trước cái cảnh “gió mây chừng đã…”.

Lòng dũng cảm còn phải đương đầu chủ yếu với thực tế sau đây. Không cứng bóng vía sẽ không khỏi chờn chợn trước cái tinh thần chống Mỹ còn nghi ngút trong những thần uy đâu đó và gương Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch … còn kia. Từ các báo cáo mật của Tổng cục II do Nguyễn Nam Khánh bạch hóa, hàng loạt dấu hỏi rợn người còn kề sau gáy bao nhiêu quan chức cách mạng có lý lịch căn cốt hơn, có bề dầy cách mạng đảm bảo hơn Nguyễn Minh Triết rất nhiều.

Lại nữa, không phải xa xưa mà ngay “Báo cáo tại Hội nghị Đảng ủy Quân sự Trung ương mở rộng, ngày 24 tháng 8 năm 2004” còn xác định rõ ràng: “Với ưu thế vượt trội về kinh tế và quân sự, Mỹ đẩy mạnh triển khai chiến lược toàn cầu với mức độ cực đoan hơn, hiểu chiến hơn nhằm nhanh chóng áp đặt sự lãnh đạo độc tôn, khẳng định vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ trên thế giới. Cách mạng Việt Nam tiếp tục đối mặt với 4 nguy cơ đã được các Đại hội Đảng xác định. Với mục tiêu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam chuyển hoá chế độ XHCN ở Việt Nam, Mỹ gia tăng các hoạt động “diễn biến hoà bình” bằng những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt …”.

Mỹ vẫn được xác định là kẻ thù nguy hiểm. Cho nên trong các cuộc hội kiến nhân hội nghị APEC 14 vừa qua, nguyên thủ quốc gia nào mời, đài Tiếng nói Việt Nam cũng hồ hởi loan tin: “Chủ tịch Nguyễn Minh Triết vui vẻ nhận lời”. Riêng với lời mời của tổng thống G. Bush, đài TNVN lần đầu chỉ dè dặt: “Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã nhận lời”. Các buổi thời sự sau mới dám bổ cứu: “Chủ tịch Nguyễn Minh Triết vui vẻ nhận lời”.
Hàng loạt cuộc biểu tình của đồng bào Việt Nam ở Mỹ đã nổ ra tại tất cả các nơi ông Triết đến. Đấy là những phản ứng thích đáng và cần thiết, nhưng ở đây, tôi cũng hiểu như ông Trần Bình Nam : “ Đây là cơ hội tốt nhất về truyền thông để nói lên tiếng nói phản đối chinh sách độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản, và nhất là phản đối đợt đàn áp các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam qua một loạt truy tố và xử án linh mục Nguyễn văn Lý, các luật sư Nguyễn văn Đài, Lê thị Công Nhân, các ông Huỳnh văn Đạo, bác sĩ Lê Nguyên Sang vv …Nhưng trên căn bản, những tổ chức có trách nhiệm tổ chức biểu tình cần thấy rằng đây không phải là biểu tình chống sự thăm viếng của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hay bất cứ người đại diện nào của chính quyền Việt Nam. Chống thăm viếng có nghĩa là chống sự xích lại giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Và khi Việt Nam không thể xích lại với Hoa Kỳ thì Việt Nam chỉ còn đồng minh phương Bắc để xích lại ”.


*

Lượng thông tin và sức hàm chứa của nội dung bài viết chưa tương xứng với tiêu đề “Lịch sử cơ hồ sang trang”. Dẫu sao, chỉ một dữ kiện sau đây đã là một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước: Không phải chỉ đã giã biệt cái cuồng vọng hò nhau đánh Mỹ đến cái lai quần mà đang có khả năng chuyển từ tình thế đu dây chông chênh sang trạng thái vững vàng tay phải nắm Hoa Kỳ, tay trái nắm Trung Quốc ung dung bước tới tương lai.

Hội nghị Trung ương ĐCS lần thứ 5 của khóa này đang diễn ra với nội dung chủ yếu là sắp xếp nhân sự mà sự tranh chấp giữa cấp tiến với bảo thủ, giữa tả và hữu ắt sẽ gay go, trong đó hệ quả chuyến thăm Hoa Kỳ của chủ tịch Nguyễn Minh Triết hẳn sẽ được các bên đem ra cọ sát.

Dư luận tung ra là người ta đang cố chứng minh yêu cầu khẩn thiết phải gộp chức chủ tịch nước vào tay tổng bí thư Nông Đức Mạnh cho giống ông Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, càng ngày người ta càng thấy ông Mạnh “ tài Nông mà đức cũng Nông ”. Là Tổng Bí thư ĐCSVN trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ nhưng công tác xây dựng Đảng, đổi mới Đảng làm rất kém hoặc hầu như bỏ bễ không làm gì, trong khi đó ông sang mấy nước Mỹ Latinh và Cuba ôm lấy Castro và Chavez nói lảm nhảm và tiếm quyền Chủ tịch, Thủ tướng đứng ra ký tá các văn bản thuộc phạm vi của Nhà nước và Chính phủ.

Trong tình hình hiện nay, người xứng đáng và cần thiết phải nắm cả hai trọng trách, Tổng Bí thư ĐCSVN và chủ tịch nước CHXHCNVN, nên là ông Nguyễn Minh Triết.

Người ta rất không hài lòng với chức trách của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi để xẩy ra đợt đàn áp phi pháp, vô đạo, phản chính trị vừa qua, nhưng khen Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra năng nổ, đĩnh đạc hơn Phan văn Khải. Dự kiến cải tổ nội các với sự bổ sung hai phó thủ tướng trẻ, có kiến thức hiện đại, ông Nguyễn Thiện Nhân (nghiên cứu sinh đại học Harvard) và ông Hoàng Trung Hải (tu nghiệp sau đại học tại Ireland), đồng thời phế bỏ cương vị Phó thủ tướng thường trực của ông Nguyễn Sinh Hùng được xem là sáng suốt. Dự kiến chọn PGS-TS Nguyễn thị Doan thay bà Trương Mỹ Hoa cũng được xem là đúng đắn. Bà Doan không chỉ hơn bà Mỹ Hoa về trình độ và nhân cách mà hơn cả các bà phụ nữ khác trong danh sách đề cử của Đảng.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có thể nên được xem xét đảm nhiệm thêm cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đề ông Phạm Gia Khiêm chuyển sang đảm nhiệm Chủ tich Quốc hội.
Mong sao không phải chỉ là cơ hồ mà đúng là lịch sử sẽ sang trang để đất nước thôi chìm đắm trong vũng lầy của những sai lầm tệ hại cũ, đặng vươn tới những vị trí xứng tầm dân tộc Việt Nam chứ không chỉ có dân mạnh, nước giàu.

Hà Nội 11 tháng 7 năm 2007
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại : ( 04 ) 5534370

Dân oan, làm sao kêu?

Mấy bữa nay chắc ông Cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đang bệnh, không ra khỏi nhà được. Nếu ra khỏi nhà rồi dạo qua các con đường ở Sài Gòn chắc ông phải nghĩ lại về những lời ông mới nói với một đài phát thanh ngoại quốc. Khi nhà báo hỏi ý kiến về vấn đề nên cho nhiều đảng chính trị hoạt động hay không, ông Võ Văn Kiệt nói rằng nếu chỉ có một đảng mà dân chúng hài lòng thì không cần lập thêm đảng khác làm gì. Ý ông nói dân chúng Việt Nam đang hài lòng về độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, thôi, cứ để yên cho họ được đảng ông lãnh đạo mút mùa!

Ông Võ Văn Kiệt đã phạm một sai lầm khi nêu lên tiêu chuẩn “dân hài lòng” để bào chữa cho một chính thể và thẩm lượng một đảng chính trị. Một người bạn tôi khi đi tù cải tạo bị cùm hai chân trong ngục tối suốt một tháng trời, ăn, uống, bài tiết ngay tại chỗ. Tới một hôm quản giáo cho gỡ chân anh ra khỏi cùm, anh phải xoa bóp cả giờ mới cử động được cái chân để chuẩn bị đứng dậy. Khi anh đứng được vững hai chân rồi, cậu quản giáo trẻ tuổi tò mò hỏi: “Sao, sướng không?” “Dạ, báo cáo cán bộ, sướng lắm!”

Nhưng dù không đi ra khỏi nhà, ông Võ Văn Kiệt chắc cũng có thể vào Internet mà coi các hình ảnh của dân chúng kêu oan

Cứ theo tiêu chuẩn chính trị học của ông Võ Văn Kiệt thì cái anh tù nhân không có án này rất hài lòng về tình trạng tù mút mùa Lệ Thủy của mình! Nếu ông Võ Văn Kiệt là quản giáo thì chắc ông sẽ quyết định cứ để anh ta ở trong tù, cho anh sướng.

Việc trị nước cũng như vậy. Làm sao biết là dân có hài lòng với một đảng chính trị hay không? Cách duy nhất là so sánh đảng này với đảng khác, cho người dân quyền thay đổi những người cai trị mình. Hài lòng là một trạng thái tâm lý tương đối. Không so sánh thì không ai biết được thế nào là dân thấy hài lòng.

Nếu ông Võ Văn Kiệt biết dân chúng hàng chục tỉnh miền Nam đang đi biểu tình chống các quan chức Cộng Sản từ mấy tuần nay, thì chắc ông cũng thấy dân không hài lòng! Họ không hài lòng, mà những nỗi oan ức của họ kéo dài hàng chục năm không ai chịu giải quyết, cho nên họ mới phải liều mạng kéo nhau lên thành phố biểu tình. Ngay tại Hà Nội cũng hàng trăm người đi biểu tình kêu oan, ngày này sang ngày khác. Còn bao nhiêu ngàn người, trăm ngàn người chịu đau đớn, oan khuất nhưng không đủ liều mạng đi biểu tình, hoặc không có đủ tiền gạo để đi đường, để sống trong những ngày đi biểu tình! Ðồng bào ở Sài Gòn đã ngấm ngầm rủ nhau đi giúp đỡ những người đang kêu oan, trong khi công an thì ngăn cản không cho đồng bào đến tiếp tế thức ăn và nước uống cho người biểu tình. Chắc ông Kiệt phải biết những cảnh đó. Những cuộc biểu tình kéo dài cả tháng mà báo, đài không thèm loan tin! Làm sao biết được đến nỗi lòng những người dân uất ức mà phải nhịn nhục, không dám kêu oan? Làm sao những tiếng kêu đó lan truyền được đi khắp thế giới? Báo chí trong nước có được tự do đâu? Có ai dám công khai đứng ra lập một cái đảng để tranh đấu cho những người dân oan khuất đó đâu? Hó hé một chút là phú lót sen đầm tóm cổ rồi!

Như vậy thì chắc ông Võ Văn Kiệt cũng đồng ý là nước Việt Nam nên có nhiều đảng chính trị khác nữa, để cạnh tranh với đảng Cộng Sản của ông. Cần phải cho dân được phép lựa chọn, mới biết đảng nào hay đảng nào dở. Ðể cho một đảng độc quyền cai trị cũng giống như cả nước chỉ có một xí nghiệp sản xuất nước mắm. Họ cung cấp nước mắm hư, mắm thối, bán giá nào người tiêu thụ cũng phải mua. Nếu có nhiều nhà sản xuất nước mắm thì họ sẽ cạnh tranh với nhau, dân tha hồ lựa chọn.

Nhưng dù không đi ra khỏi nhà, ông Võ Văn Kiệt chắc cũng có thể vào Internet mà coi các hình ảnh của dân chúng kêu oan. Bây giờ quý vị ngồi ở bất cứ nước nào trong thế giới cũng có thể coi hình đồng bào chúng ta đang biểu tình ở Hà Nội hay Sài Gòn. Vào một địa chỉ mạng như blog.360.yahoo.com là được coi cảnh bà con mình ngồi dưới những tấm vải căng lên làm mái che mưa nắng bên lề đường, dọc theo bờ tường dinh thự của nhà nước. Có thể đọc những biểu ngữ rất rõ ràng. Có biểu ngữ viết: “Nhân dân An Giang đi tìm công lý - Quan tham mất nước - Quan ngu hại dân!” Một tấm khác viết: “Nhân dân An Giang đi tìm công lý - trên 10 năm quý vị nào biết chỉ giùm!” Ðồng bào Bình Thuận ra tận Hà Nội khiếu oan. Những hàng chữ viết màu đỏ như màu máu, “Van xin Ðảng và Nhà nước - Quốc Hội - Chính Phủ -cứu giúp dân tỉnh Bình Thuận...” Bà con ta lễ phép đến mức chỉ dám van xin chứ không dám khiếu nại, chắc chắn không dám chống đối! Nếu ông Võ Văn Kiệt mà giúp họ một tiếng van xin đèn trời cúi xuống soi xét thì dân sẽ nhớ ơn ông! Nếu can đảm hơn thì ông nên lập một cái đảng chính trị để tranh đấu cho dân mới phải!

Trong blog.360.yahoo.com kể trên, chúng ta thấy cả bản chụp những lá đơn kêu oan ký tên rõ ràng. Ðọc mà rớt nước mắt. Bà Lê Thị Thương sinh năm 1946 ở Huế, đang cư ngụ ở Ðà Lạt, Lâm Ðồng, ký tên dưới lá thư đánh máy kêu oan về nạn cường hào cướp đất, bà gửi thư này cho cả “Các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.” Chúng tôi ở xa nước Việt Nam nửa vòng trái đất mà còn được đọc, không lẽ ông Võ Văn Kiệt không đọc được? Một lá thư khác dài tới 11 trang, ký tên ông Võ Văn Nghệ ở Thanh Hóa, kêu oan về một chuyện không liên can đến đất đai. Ông tố cáo ba ông Hoàng Ngọc Nhất, nguyên giám đốc công an Thanh Hóa; Nguyễn Văn Tính, thứ trưởng Bộ Công An; và Nguyễn Tài Quán, thuộc Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Ðảng. Ông Võ Văn Nghệ nói ông đã từng làm công an, tố cáo ba người trên là đã vu oan cho ông thuộc một “Ðảng Chân Lý” trong khi ông Nghệ đã góp công phá tổ chức chính trị này! Ông bị bắt, bị đánh đập. Nhưng sau 16 tháng giam cầm, ra tòa ông lại được tha bổng! Ông viết thư khiếu oan lên nhiều lần, đều bị ếm. Tất cả guồng máy đảng nhất trí với ba ông Nhất, Nguyễn Văn Tính và Nguyễn Tài Quán. Không những thế ông Nghệ còn bị người ta đến tận nhà đánh đập tàn nhẫn. Trong thư ông mô tả cả những hình cụ đã đem dùng hành hạ dã man ở trong nhà giam.

Nhưng điều khiến người đọc muốn rớt nước mắt không phải là những cảnh cực hình đó. Buồn nhất là khi thấy lá đơn 11 trang của ông Võ Văn Nghệ không những gửi cho giới lãnh đạo Ðảng và nhà nước Cộng Sản, mà còn gửi cho cả ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cho Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, và “Các tổ chức yêu chuộng dân chủ- công lý trên thế giới.”

Tại sao một người dân Việt Nam lại phải viết đơn gửi cho cả thế giới như vậy? Bởi vì người ta không tin vào hệ thống công lý của những người nắm quyền hành trong nước, không tin cả hệ thống chính quyền, hành pháp, lập pháp và tư pháp. Liệu thế giới bên ngoài họ có chú ý đến những tiếng kêu oan khuất đó hay không?

Ðến nhật báo Los Angeles Times ở California cũng loan tin dân Việt Nam đang đi biểu tình chống tham nhũng ở Sài Gòn, họ ghi rõ những cuộc biểu tình quy tụ mấy trăm người, kéo dài từ ngày 22 Tháng Sáu, đã gần ba tuần lễ. Bản tin của hãng thông tấn quốc tế AP viết từ Hà Nội cho thêm các con số và nói rõ hơn: Những người biểu tình từ 9 tỉnh ở miền Nam kéo về và họ đã căng lều lên ở ngay lề đường để tạm trú, họ trương những biểu ngữ chống cường quyền tham nhũng. Những tờ báo ở nước Mỹ mà cũng chú ý đến những cuộc biểu tình ở tận nước Việt Nam xa xôi, chứng tỏ đây là những biến cố đáng quan tâm. Ðấy là họ chưa biết câu tục ngữ Việt Nam: Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ chi thù!

Không biết ở Úc, ở Âu Châu có bao nhiêu tờ báo đăng những tin này. Nhưng đồng bào ta đang biểu tình ở Việt Nam có thể được an ủi. Hành động phản đối của họ đã có tiếng vang quốc tế. Ít nhất có những người sống bình yên ở các nước khác cũng phải nhìn thấy đây là những biến cố đáng loan tin! Vì loài người, dù sống ở nơi nào cũng thấy phải quan tâm đến nỗi cơ cực và cảnh bất công mà những con người sống ở nơi khác phải chịu đựng. Cũng vì cả nhân loại cùng có lương tâm như nhau cho nên nhờ một đài phát thanh ngoại quốc mà chúng ta biết được ở Hà Nội có một cụ già chuyên nhận những lá thư chống tham nhũng để chuyển lên chính quyền. Nước Việt Nam có 64 tỉnh và thành phố thì cụ đã nhận được thư khiếu oan từ hơn 50 nơi. Có người từ miền Nam cũng đi ra Hà Nội nhờ cụ chuyển thư!

Cụ bà Lê Hiền Ðức, 77 tuổi, đã làm nghề giáo, về hưu 20 năm rồi. Có nhiều người chỉ gọi điện thoại nhờ, cụ Hiền Ðức lại gọi điện thoại đến các cơ quan công quyền giúp họ. Nhiều cơ quan đáp ứng, nhiều nơi lảng tránh không trả lời cụ, có lúc đến bữa cơm, cụ nghe người ta từ chối mà nghẹn không ăn nổi.

Bao nhiêu người dân Bình Thuận đang chầu chực trước văn phòng ông Nguyễn Tấn Dũng, họ có biết địa chỉ cụ Lê Hiền Ðức hay không? Làm sao ở một nước trên 80 triệu dân mà lại có một cụ bà làm công việc chuyển thư, làm trung gian giữa người dân và chính quyền như vậy? Chắc trên thế giới chỉ có một nước Việt Nam mới có cảnh đó mà thôi. Bởi vì, trong một quốc gia bình thường thì công việc của cụ Lê Hiền Ðức đã có rất nhiều người chia nhau cùng lo. Ðó là báo chí, là Quốc Hội, là các nhà trí thức, các người làm chính trị. Bất cứ chính quyền nào cũng cần có các lực lượng đứng bên ngoài để làm công việc nhận xét, phê phán, chỉ trích và công kích nếu cần. Và người dân phải có quyền tự do bỏ phiếu thay đổi người cầm quyền. Có như thế thì quốc gia mới tiến được. Ở Việt Nam không có như vậy. Vì một nhóm người cầm đầu đảng Cộng Sản nắm trọn quyền chi phối cả ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp! Họ nắm trọn cả báo, đài trong tay! Và họ cấm không cho ai lập đảng!

Trong bài phỏng vấn của đài BBC, cụ Lê Hiền Ðức tuy mệt mỏi nhưng vẫn tin vào công việc mình làm: “Tôi vẫn tin tưởng, đặc biệt là giới trẻ, người ta hiểu và tiếp tục cuộc đấu tranh (chống tham nhũng) của tôi! Người ta có thể làm được như tôi và hơn tôi nữa!” Chúng tôi cũng chia sẻ niềm tin tưởng đó. Giới trẻ ở nước ta chắc chắn không nhắm mắt quay mặt đi trước những khổ đau, oan khuất đồng bào đang phải chịu. Họ cần tập họp lại, cần lên tiếng để giúp đồng bào. Ông Võ Văn Kiệt nghĩ thế nào? Có nên trả cho dân chúng Việt Nam quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội, lập đảng hay chưa? Hay là ông cứ chấp nhận chỉ có một đảng ông độc quyền cai trị, để cho một cụ bà 77 tuổi đóng vai phe đối lập cũng đủ rồi?

Ngô Nhân Dụng
(@NguoiVietOnline)