Ông Võ Văn Kiệt đã phạm một sai lầm khi nêu lên tiêu chuẩn “dân hài lòng” để bào chữa cho một chính thể và thẩm lượng một đảng chính trị. Một người bạn tôi khi đi tù cải tạo bị cùm hai chân trong ngục tối suốt một tháng trời, ăn, uống, bài tiết ngay tại chỗ. Tới một hôm quản giáo cho gỡ chân anh ra khỏi cùm, anh phải xoa bóp cả giờ mới cử động được cái chân để chuẩn bị đứng dậy. Khi anh đứng được vững hai chân rồi, cậu quản giáo trẻ tuổi tò mò hỏi: “Sao, sướng không?” “Dạ, báo cáo cán bộ, sướng lắm!”
Nhưng dù không đi ra khỏi nhà, ông Võ Văn Kiệt chắc cũng có thể vào Internet mà coi các hình ảnh của dân chúng kêu oan
Cứ theo tiêu chuẩn chính trị học của ông Võ Văn Kiệt thì cái anh tù nhân không có án này rất hài lòng về tình trạng tù mút mùa Lệ Thủy của mình! Nếu ông Võ Văn Kiệt là quản giáo thì chắc ông sẽ quyết định cứ để anh ta ở trong tù, cho anh sướng.
Việc trị nước cũng như vậy. Làm sao biết là dân có hài lòng với một đảng chính trị hay không? Cách duy nhất là so sánh đảng này với đảng khác, cho người dân quyền thay đổi những người cai trị mình. Hài lòng là một trạng thái tâm lý tương đối. Không so sánh thì không ai biết được thế nào là dân thấy hài lòng.
Nếu ông Võ Văn Kiệt biết dân chúng hàng chục tỉnh miền Nam đang đi biểu tình chống các quan chức Cộng Sản từ mấy tuần nay, thì chắc ông cũng thấy dân không hài lòng! Họ không hài lòng, mà những nỗi oan ức của họ kéo dài hàng chục năm không ai chịu giải quyết, cho nên họ mới phải liều mạng kéo nhau lên thành phố biểu tình. Ngay tại Hà Nội cũng hàng trăm người đi biểu tình kêu oan, ngày này sang ngày khác. Còn bao nhiêu ngàn người, trăm ngàn người chịu đau đớn, oan khuất nhưng không đủ liều mạng đi biểu tình, hoặc không có đủ tiền gạo để đi đường, để sống trong những ngày đi biểu tình! Ðồng bào ở Sài Gòn đã ngấm ngầm rủ nhau đi giúp đỡ những người đang kêu oan, trong khi công an thì ngăn cản không cho đồng bào đến tiếp tế thức ăn và nước uống cho người biểu tình. Chắc ông Kiệt phải biết những cảnh đó. Những cuộc biểu tình kéo dài cả tháng mà báo, đài không thèm loan tin! Làm sao biết được đến nỗi lòng những người dân uất ức mà phải nhịn nhục, không dám kêu oan? Làm sao những tiếng kêu đó lan truyền được đi khắp thế giới? Báo chí trong nước có được tự do đâu? Có ai dám công khai đứng ra lập một cái đảng để tranh đấu cho những người dân oan khuất đó đâu? Hó hé một chút là phú lót sen đầm tóm cổ rồi!
Như vậy thì chắc ông Võ Văn Kiệt cũng đồng ý là nước Việt Nam nên có nhiều đảng chính trị khác nữa, để cạnh tranh với đảng Cộng Sản của ông. Cần phải cho dân được phép lựa chọn, mới biết đảng nào hay đảng nào dở. Ðể cho một đảng độc quyền cai trị cũng giống như cả nước chỉ có một xí nghiệp sản xuất nước mắm. Họ cung cấp nước mắm hư, mắm thối, bán giá nào người tiêu thụ cũng phải mua. Nếu có nhiều nhà sản xuất nước mắm thì họ sẽ cạnh tranh với nhau, dân tha hồ lựa chọn.
Nhưng dù không đi ra khỏi nhà, ông Võ Văn Kiệt chắc cũng có thể vào Internet mà coi các hình ảnh của dân chúng kêu oan. Bây giờ quý vị ngồi ở bất cứ nước nào trong thế giới cũng có thể coi hình đồng bào chúng ta đang biểu tình ở Hà Nội hay Sài Gòn. Vào một địa chỉ mạng như blog.360.yahoo.com là được coi cảnh bà con mình ngồi dưới những tấm vải căng lên làm mái che mưa nắng bên lề đường, dọc theo bờ tường dinh thự của nhà nước. Có thể đọc những biểu ngữ rất rõ ràng. Có biểu ngữ viết: “Nhân dân An Giang đi tìm công lý - Quan tham mất nước - Quan ngu hại dân!” Một tấm khác viết: “Nhân dân An Giang đi tìm công lý - trên 10 năm quý vị nào biết chỉ giùm!” Ðồng bào Bình Thuận ra tận Hà Nội khiếu oan. Những hàng chữ viết màu đỏ như màu máu, “Van xin Ðảng và Nhà nước - Quốc Hội - Chính Phủ -cứu giúp dân tỉnh Bình Thuận...” Bà con ta lễ phép đến mức chỉ dám van xin chứ không dám khiếu nại, chắc chắn không dám chống đối! Nếu ông Võ Văn Kiệt mà giúp họ một tiếng van xin đèn trời cúi xuống soi xét thì dân sẽ nhớ ơn ông! Nếu can đảm hơn thì ông nên lập một cái đảng chính trị để tranh đấu cho dân mới phải!
Trong blog.360.yahoo.com kể trên, chúng ta thấy cả bản chụp những lá đơn kêu oan ký tên rõ ràng. Ðọc mà rớt nước mắt. Bà Lê Thị Thương sinh năm 1946 ở Huế, đang cư ngụ ở Ðà Lạt, Lâm Ðồng, ký tên dưới lá thư đánh máy kêu oan về nạn cường hào cướp đất, bà gửi thư này cho cả “Các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.” Chúng tôi ở xa nước Việt Nam nửa vòng trái đất mà còn được đọc, không lẽ ông Võ Văn Kiệt không đọc được? Một lá thư khác dài tới 11 trang, ký tên ông Võ Văn Nghệ ở Thanh Hóa, kêu oan về một chuyện không liên can đến đất đai. Ông tố cáo ba ông Hoàng Ngọc Nhất, nguyên giám đốc công an Thanh Hóa; Nguyễn Văn Tính, thứ trưởng Bộ Công An; và Nguyễn Tài Quán, thuộc Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Ðảng. Ông Võ Văn Nghệ nói ông đã từng làm công an, tố cáo ba người trên là đã vu oan cho ông thuộc một “Ðảng Chân Lý” trong khi ông Nghệ đã góp công phá tổ chức chính trị này! Ông bị bắt, bị đánh đập. Nhưng sau 16 tháng giam cầm, ra tòa ông lại được tha bổng! Ông viết thư khiếu oan lên nhiều lần, đều bị ếm. Tất cả guồng máy đảng nhất trí với ba ông Nhất, Nguyễn Văn Tính và Nguyễn Tài Quán. Không những thế ông Nghệ còn bị người ta đến tận nhà đánh đập tàn nhẫn. Trong thư ông mô tả cả những hình cụ đã đem dùng hành hạ dã man ở trong nhà giam.
Nhưng điều khiến người đọc muốn rớt nước mắt không phải là những cảnh cực hình đó. Buồn nhất là khi thấy lá đơn 11 trang của ông Võ Văn Nghệ không những gửi cho giới lãnh đạo Ðảng và nhà nước Cộng Sản, mà còn gửi cho cả ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cho Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, và “Các tổ chức yêu chuộng dân chủ- công lý trên thế giới.”
Tại sao một người dân Việt Nam lại phải viết đơn gửi cho cả thế giới như vậy? Bởi vì người ta không tin vào hệ thống công lý của những người nắm quyền hành trong nước, không tin cả hệ thống chính quyền, hành pháp, lập pháp và tư pháp. Liệu thế giới bên ngoài họ có chú ý đến những tiếng kêu oan khuất đó hay không?
Ðến nhật báo Los Angeles Times ở California cũng loan tin dân Việt Nam đang đi biểu tình chống tham nhũng ở Sài Gòn, họ ghi rõ những cuộc biểu tình quy tụ mấy trăm người, kéo dài từ ngày 22 Tháng Sáu, đã gần ba tuần lễ. Bản tin của hãng thông tấn quốc tế AP viết từ Hà Nội cho thêm các con số và nói rõ hơn: Những người biểu tình từ 9 tỉnh ở miền Nam kéo về và họ đã căng lều lên ở ngay lề đường để tạm trú, họ trương những biểu ngữ chống cường quyền tham nhũng. Những tờ báo ở nước Mỹ mà cũng chú ý đến những cuộc biểu tình ở tận nước Việt Nam xa xôi, chứng tỏ đây là những biến cố đáng quan tâm. Ðấy là họ chưa biết câu tục ngữ Việt Nam: Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ chi thù!
Không biết ở Úc, ở Âu Châu có bao nhiêu tờ báo đăng những tin này. Nhưng đồng bào ta đang biểu tình ở Việt Nam có thể được an ủi. Hành động phản đối của họ đã có tiếng vang quốc tế. Ít nhất có những người sống bình yên ở các nước khác cũng phải nhìn thấy đây là những biến cố đáng loan tin! Vì loài người, dù sống ở nơi nào cũng thấy phải quan tâm đến nỗi cơ cực và cảnh bất công mà những con người sống ở nơi khác phải chịu đựng. Cũng vì cả nhân loại cùng có lương tâm như nhau cho nên nhờ một đài phát thanh ngoại quốc mà chúng ta biết được ở Hà Nội có một cụ già chuyên nhận những lá thư chống tham nhũng để chuyển lên chính quyền. Nước Việt Nam có 64 tỉnh và thành phố thì cụ đã nhận được thư khiếu oan từ hơn 50 nơi. Có người từ miền Nam cũng đi ra Hà Nội nhờ cụ chuyển thư!
Cụ bà Lê Hiền Ðức, 77 tuổi, đã làm nghề giáo, về hưu 20 năm rồi. Có nhiều người chỉ gọi điện thoại nhờ, cụ Hiền Ðức lại gọi điện thoại đến các cơ quan công quyền giúp họ. Nhiều cơ quan đáp ứng, nhiều nơi lảng tránh không trả lời cụ, có lúc đến bữa cơm, cụ nghe người ta từ chối mà nghẹn không ăn nổi.
Bao nhiêu người dân Bình Thuận đang chầu chực trước văn phòng ông Nguyễn Tấn Dũng, họ có biết địa chỉ cụ Lê Hiền Ðức hay không? Làm sao ở một nước trên 80 triệu dân mà lại có một cụ bà làm công việc chuyển thư, làm trung gian giữa người dân và chính quyền như vậy? Chắc trên thế giới chỉ có một nước Việt Nam mới có cảnh đó mà thôi. Bởi vì, trong một quốc gia bình thường thì công việc của cụ Lê Hiền Ðức đã có rất nhiều người chia nhau cùng lo. Ðó là báo chí, là Quốc Hội, là các nhà trí thức, các người làm chính trị. Bất cứ chính quyền nào cũng cần có các lực lượng đứng bên ngoài để làm công việc nhận xét, phê phán, chỉ trích và công kích nếu cần. Và người dân phải có quyền tự do bỏ phiếu thay đổi người cầm quyền. Có như thế thì quốc gia mới tiến được. Ở Việt Nam không có như vậy. Vì một nhóm người cầm đầu đảng Cộng Sản nắm trọn quyền chi phối cả ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp! Họ nắm trọn cả báo, đài trong tay! Và họ cấm không cho ai lập đảng!
Trong bài phỏng vấn của đài BBC, cụ Lê Hiền Ðức tuy mệt mỏi nhưng vẫn tin vào công việc mình làm: “Tôi vẫn tin tưởng, đặc biệt là giới trẻ, người ta hiểu và tiếp tục cuộc đấu tranh (chống tham nhũng) của tôi! Người ta có thể làm được như tôi và hơn tôi nữa!” Chúng tôi cũng chia sẻ niềm tin tưởng đó. Giới trẻ ở nước ta chắc chắn không nhắm mắt quay mặt đi trước những khổ đau, oan khuất đồng bào đang phải chịu. Họ cần tập họp lại, cần lên tiếng để giúp đồng bào. Ông Võ Văn Kiệt nghĩ thế nào? Có nên trả cho dân chúng Việt Nam quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội, lập đảng hay chưa? Hay là ông cứ chấp nhận chỉ có một đảng ông độc quyền cai trị, để cho một cụ bà 77 tuổi đóng vai phe đối lập cũng đủ rồi?
Ngô Nhân Dụng
(@NguoiVietOnline)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét