Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2007

Có bông hoa nào không cho người sẽ qua đời ?

1.

Sáng nay, thứ bảy, tôi có dịp tham dự tang lễ một người quen biết tại nhà thờ xứ đạo địa phương. Tuy là xứ đạo Mỹ, nhưng vị chủ tế buổi lễ lại là một linh mục Việt Nam từ quê nhà mới qua. Bài giảng của ông khá sâu sắc, trong đó có thí dụ về Alexandre Đại đế, một vị vua nổi tiếng trong lịch sử nước Nga. Vị linh mục kể lại, trong di chúc của mình, ông vua bách chiến bách thắng đã dặn triều thần rằng, khi ông chết, cái quan tài đựng xác của ông phải có hai lỗ hổng hai bên để thò hai bàn tay của vua ra cho mọi người nhìn thấy. Đó là hai bàn tay trắng, dù khi còn sinh tiền, người ấy đã là một vị vua quyền thế, tài năng, giàu có.

Dụ ngôn ẩn chứa trong câu chuyện của vị linh mục không có gì mới. Hầu như ai cũng biết điều đó. Nhưng hình như tất cả mọi người đều không có cơ hội nghĩ đến chân lý cũ kỹ đó trong suốt cuộc đời nhọc nhằn hối hả của mình. Có chăng, chỉ trong những dịp hiếm hoi, như tôi trong buổi sáng mệt mỏi này, miệng lẩm nhẩm đọc theo mọi người những câu kinh thuộc lòng một cách vô thức, nhưng mắt cứ nhìn về phía quan tài nằm giữa nhà thờ, tưởng tượng ra tấm thân da bọc xương của người quá cố teo tóp vì vi trùng ung thư đục khóet, bây giờ nằm thảnh thơi không vướng mắc gì nữa đến vinh nhục, thành bại, sướng khổ, vui buồn của cuộc đời. Thế là đã xong một kiếp người. Hôm tuần lễ trước, tôi có ghé thăm anh tại nhà. Nhìn thấy một phụ nữ còn khá trẻ và rất xinh đẹp, đứng bên cạnh giường người bệnh, tôi hỏi thăm và được biết đó là người vợ cũ của anh. Hai người ly dị đã hơn 10 năm nay, được tin anh bị bệnh, chị đang ở một tiểu bang rất xa, đã vội thu xếp việc gia đình riêng để về chăm sóc anh những ngày cuối. Chị cho biết, tuy anh đã có những chuyện tình cảm khác sau khi hai người chia tay, nhưng anh rất vui mừng được thấy chị bên cạnh giây phút sắp lâm chung. Tôi còn được nghe vài câu chuyện khác liên quan đến cách sống của anh khi còn sinh tiền, khiến nhiều người chỉ đợi dịp này để có thể bày tỏ lòng quý mến và biết ơn của mình với anh.

Tang lễ kết thúc với bài hát thật buồn. Xin vĩnh biệt mọi người. Tôi ra đi lần cuối. Không bao giờ trở lại. Hẹn nhau nơi nước Trời. Theo sau quan tài, tôi thấy người vợ cũ vật vã trong chiếc khăn tang phủ kín khuôn mặt. Bên cạnh, là những người thân ruột thịt của anh và những người đã từng quý mến anh khi còn sống.

Một đời người đã xong, đã trở về với cát bụi trong cuộc viễn du cuối cùng, trong sự thương tiếc chân thành của mọi người có dịp quen biết.

Có lẽ đó là điều duy nhất mà người lên đường đi vào nơi miên viễn muốn mang theo làm hành trang, chứ không phải những thứ phù du hư ảo khác của cuộc đời.

2.

Người ta nói, đời người ngắn ngủi chỉ một trăm năm. Nhưng từ trước tới nay, tôi hiếm thấy người nào sống được tới trăm năm. 70 tuổi đã được gọi là thọ. Và khi người ta đến được lằn mức 70, hẳn đã hiểu hết được lẽ đời. Tất cả chỉ là hư ảo, phù du. Danh vọng, tiền bạc, niềm vui, nỗi buồn. Nằm xuống cũng chỉ hai bàn tay trắng như ông vua nước Nga lừng danh trong lịch sử.

Vậy mà, có một người gìa 78 tuổi, cũng đã từng kinh qua bao thăng trầm với những thứ phù du hư ảo, vẫn không nhìn thấy điều thật cũ kỹ mà cũng thật hiển nhiên ấy. Tuổi 78 là cái tuổi mấp mé bên bờ tử sinh. Hôm nay còn mạnh khỏe đấy, còn nói nói cười cười đấy, nhưng có thể ngay sáng ngày mai đã là người thiên cổ. Và ông gìa 78 tuổi này không hy vọng gì là một ngoại lệ trong lẽ tử sinh của đất trời.

Ông trước đây cũng có chút địa vị trong chế độ cộng hòa cũ. Tháng 4- 75, ông nhanh chân chạy thóat cộng sản, sau khi đã hô hào mọi người hãy ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hàng trăm ngàn người lính vốn là thuộc quyền của ông, trong đó có tôi, không nhanh chân được như ông vì không có điều kiện hay rất đơn giản, muốn làm trọn nhiệm vụ của mình cho đến phút cuối cùng, kẹt ở lại và chôn vùi một phần đời quý báu trong những nhà tù tiền sử. Nhiều năm sau, một số lớn chúng tôi sống sót trở về và bằng nhiều phương cách khác nhau, đã đến được bến bờ tự do. Phần ông, 30 năm sống vất vưởng xứ người càng làm ông quay quắt thêm với giấc mộng công hầu chưa trọn vẹn, ông đã có nhiều hành động lời nói làm phiền lòng nhiều người trước đây làm việc dưới quyền ông, gián tiếp hay trực tiếp. Vẫn biết, ông chỉ là một con người của thời thế, chó nhảy bàn độc, tài năng đã nhỏ mà nhân cách lại càng nhỏ hơn, nên phần lớn chúng tôi không bận tâm lắm về những việc làm “ trẻ người, non dạ “ của một người, mà chẳng may thời thế nhiễu nhương đã đặt ông vào vị trí chỉ huy chúng tôi.

Nhưng, gần đây nhất, ông đã từ Việt nam, nơi ông sống an lành một thân phận hàng thần lơ láo, trở qua Mỹ để tham dự buổi tiệc do vị chủ tịch nước Cộng Sản chủ tọa nhân dịp ông này và phái đòan chính phủ thăm viếng Hoa Kỳ. Trên đường đi đến địa điểm tổ chức bữa tiệc, hẳn chính mắt ông phải thấy hàng ngàn người Việt hải ngọai biểu tình, phản đối sự có mặt của phái đòan chính phủ cộng sản trên nước Nỹ, yêu cầu tự do dân chủ cho Việt Nam v..v.., trong số những người đứng đó, có rất nhiều người trước đây đã “ từng dưới sự chỉ huy “ của ông. Trong bữa tiệc, như đã được sắp xếp trước, ông “ bất ngờ “ được mời lên phát biểu. Điều phiền lòng nhất cho chúng tôi là ông đã “ nhân danh cộng đồng người Việt hải ngọai “ để có những lời nịnh hót, tung hứng với phái đòan chính phủ cộng sản. Phiền lòng hơn nữa là ông lại “ nhắn nhủ “ đến “ những người từng dưới sự chỉ huy “ của ông – là chúng tôi, những người đã bị ông phản bội, bỏ rơi 30 năm trước – rằng thôi đừng thù hận nữa, đừng quốc cộng nữa, bây giờ chỉ còn có một nước Việt Nam thôi v..v..

Tôi thực sự không bận tâm phân tích những điều ông gìa 78 tuổi vừa nói. Chúng cũng chẳng hơn những điều trẻ con nói ngọng. Tôi chỉ không thể hiểu nổi, một người gần đất xa trời, vẫn còn những tham sân si trần tục đến thế sao ? Ra sức làm nhỏ mình đi trước mắt kẻ cựu thù, chỉ để có cơ hội nói rằng “ tôi trước đây đã từng được đứng ở một bên đấu trường với chủ tịch “, để có cơ hội “ tự nhân danh “ một tập thể mà chính ông đã tự tách mình ra khỏi từ lâu, để có cơ hội nhắc nhở những người lính còn sống sót sau bao phong ba rằng họ đã “ từng dưới sự chỉ huy “ của ông, có nghĩa là cố chứng minh với mọi người rằng mình vẫn còn chỗ đứng của một thời vang bóng. Giấc mộng công hầu khanh tướng nó mãnh liệt đến độ khiến cho một con người, với cái vốn nhân cách đã nhỏ như hạt đậu, lại sẵn sàng tung hê nốt để chỉ đổi lấy cái bắt tay vị chủ tịch nước cộng sản Việt Nam trên đất Mỹ, và toe tóet cười nhìn thẳng vào ống kính của bao phóng viên đang sốt sắng làm nhiệm vụ. Tôi đã từng nghe và cảm thông được những câu chuyện người nghệ sĩ say mê, nhung nhớ ánh đèn sân khấu. Điều ấy có thể hiểu được vì đó là ánh đèn nghệ thuật của những con người nghệ sĩ. Nhưng tôi không thể cảm thông được với những nhân vật “ công chúng ‘ say mê đứng trước mọi người để được chụp ảnh, quay phim giống như ông gìa 78 tuổi tội nghiệp đang làm trò với trí tưởng tượng bệnh họan rằng mình đang làm lịch sử, rồi đây mình sẽ đi vào lịch sử với vai trò người hòa giải quốc cộng. Cho dù ông tin tưởng một cách thành thật rằng mình đang đóng vai trò hòa giải, thì cái đầu óc mụ mị nhất của một người 78 tuổi cũng phải biết tự hỏi rằng đây có phải là lúc, là nơi nói lên những điều đó không khi bên ngòai kia hàng ngàn người biểu tình chống đối, mà những người ấy là những người ở về phía bên ông đang kêu gọi hòa giải, hay lại chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, hòa giải đâu chưa thấy mà chỉ thấy thêm những oan nghiệt đẻ ra do cái “ đầu đất “ (chữ của một trí thức Hà nội hiện ở trong nước đặt tên cho ông) cuối đời vẫn còn nửa mê nửa tỉnh giấc mộng Nam Kha.

3.

Có anh phóng viên một tờ báo hải ngọai mô tả về ông già 78 tuổi nói trên, nào là “ tuy 78 tuổi nhưng ông đã bỏ hút thuốc, cữ ăn, vẫn đi bộ, vẫn điểm dáng, trí óc vẫn mẫn tiệp “, nhưng ngay từ bây giờ, tôi đã nghĩ đến cái ngày ông già này nằm xuống. Chắc cũng chẳng bao lâu nữa đâu. Kiếp người vốn hữu hạn, không ai có thể thóat ra được. Và hẳn nhiên ông già 78 tuổi không thể là một ngoại lệ.Khi ấy, chắc sẽ có nhiều người thở phào nhẹ nhõm. Bất giác, tôi liên tưởng đến người quen biết của tôi vừa được chôn cất sáng nay. Anh chỉ là một con người rất bình thường, nhưng cách cư xử của anh khi sinh tiền đã khiến cho nhiều người đến với anh rất chân tình khi anh nằm xuống. Điển hình là người vợ cũ của anh. Họ chia tay có thể do những bất đồng trong cuộc sống chung, nhưng chắc chắn chị không hề khinh rẻ anh vì cái cách anh làm người. Vì thế, sau hơn 10 năm chia tay, chị vẫn đến với anh vào lúc anh cần chị nhất. Đó cũng là niềm an ủi to lớn cho những thân nhân ruột thịt còn sống của anh.

Hồi đầu năm nay, ở hải ngọai có cái chết của một vị cựu tướng, vốn cũng đã là một “ thuộc quyền” của ông. Khi vị cựu tướng này nằm xuống, cả một cộng đồng người Việt hải ngọai thương tiếc, cùng với sự ngưỡng mộ chân thành của các cựu viên chức, cựu tướng lãnh Mỹ đã từng làm việc sát cánh bên ông. Tang lễ của ông có sự hiện diện của những lễ nghi quân cách đến từ tấm lòng quý mến và kính trọng thực sự của những người lính một thời khóac chung màu áo với ông. Đó là phần thưởng quý gía nhất mà bất cứ một vị tướng nào cũng mong ước cho ngày mình giã biệt trần gian. Đã đành, người chết đâu có nhìn thấy được những điều đó. Nhưng nó làm ấm lòng người còn sống, mỗi khi nghĩ đến sự ra đi của cha anh mình. Với một thời gian ngắn nữa đây, ông già 78 tuổi rồi sẽ xuôi tay, nhắm mắt, liệu vợ con, thân nhân ruột thịt của ông sẽ còn buồn đau thế nào khi so sánh tang lễ của chồng cha mình với một người khác cũng cùng thời, cùng một số phận, chỉ khác nhau ở cách hành xử và độ cao của lòng tự trọng.

4.

Xét cho cùng, cái đau của thân nhân ông gìa 78 tuổi trong tương lai (gần) cũng không thể so sánh với cái đau của chúng tôi bây giờ, hay đúng hơn từ nhiều năm nay. Ở trong nước, đâu đó có người Hà Nội cũng thuộc lọai biết chuyện, đã nói vọng ra cho chúng tôi ngoài này nghe đại khái rằng, bộ VNCH các anh hồi xưa hết người rồi sao để cho cái ông kỳ cục ấy làm thủ tướng. Bây giờ ông ấy về bên này cũng chỉ để học đòi làm một đại gia, nhưng mà đại gia thuộc lọai câu lạc bộ 100, chứ dễ gì chen chân vào câu lạc bộ 10. Vì nước vì dân gì cái ngữ ấy !

Chúng tôi thua trận, bị kẻ chiến thắng bắt đi đầy ải, cầm tù, điều đó cũng bình thường. Thua trận, nhưng không nhục nhã. Chúng tôi buông súng, vì tuân theo lệnh của cấp trên, của vị tổng tư lệnh tối cao quân đội lúc ấy là ông Dương văn Minh, chứ chúng tôi không đầu hàng. Những năm tháng dài đăng đẳng trong những nhà tù, chúng tôi vẫn giữ khí tiết của một người lính, không chịu khuất phục, không chịu bị “ cải tạo”. Tôi không thể quên được một đêm tháng 7 năm 1977, khi vừa bị lùa từ những toa xe lửa chỉ dành chở súc vật xuống một khu rừng gìa Yên Báy, chúng tôi đã được nghe lời huấn lệnh đầy căm thù của viên trại trưởng. Giữa đêm khuya, giọng ông ta lanh lảnh, nói cho chúng tôi biết rằng đứa con trai duy nhất của ông đã vùi thây ở chiến trường miền Nam và nhiều thứ tội ác khác mà chúng tôi đã phạm. Chúng tôi hiểu rằng, những ngày sắp tới sẽ là địa ngục trần gian ở tầng thấp nhất. Chúng tôi chấp nhận đòn thù, vì chúng tôi hiểu thân phận mình, nhưng chắc chắn chúng tôi không chịu nhục. Trong tinh thần chịu đựng tất cả, ngòai sự khuất phục, phần lớn anh em chúng tôi đã sống sót, đã ra khỏi khu rừng gìa Yên Báy địa ngục trần gian, đã lăn lóc qua nhiều trại tù khác trước khi chính thức cởi bỏ lốt áo phạm nhân. Rời khỏi nhà tù, lần lượt chúng tôi cũng đã đến được bến bờ tự do. Để ngày hôm nay, chúng tôi tai nghe, mắt thấy vị chỉ huy cũ của mình xum xoe những lời nịnh hót, khuất phục trước ánh mắt hài lòng của kẻ cựu thù. Đau đớn hơn nữa, ông ta lại nhân danh chính chúng tôi, những người đã phải trả gía cho khí tiết của mình bằng những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ trong những nhà tù dựng nên bởi chính kẻ cựu thù đang hân hoan đón nhận sự thần phục của ông một cách hể hả.

Ở đây, không có hận thù, mắt trả mắt, răng đền răng. Vì chúng tôi, đã từng là nạn nhân của hận thù, từng bị đòi mắt trả mắt, răng đền răng. Ở đây, là vấn đề nhân cách của một con người, khí tiết của một người lính đang tiếp tục cuộc chiến. Cuộc chiến ngày hôm nay không phải là nhằm khôi phục nền cộng hòa cũ, mà là chủ nghĩa cộng sản phải cáo chung trên đất nước Việt nam, mà là tái thiết lập lại tự do, dân chủ, nhân quyền cho hơn 80 triệu người dân vốn đã quá đau khổ vì chiến tranh, lạc hậu, nghèo đói. Lịch sử thế giới đã chứng minh rõ ràng, ngày nào còn chủ nghĩa cộng sản, ngày ấy đất nước vẫn chưa thóat ra khỏi sự trì trệ, chậm tiến. Trong cuộc chiến hiện nay, khối người Việt hải ngọai là một lực lượng đối trọng với chính quyền cộng sản đương nhiệm, đóng vai trò yểm trợ cần thiết cho lực lượng dân chủ ở trong nước.

Vì thế, những người lính gìa chúng tôi, không thể đứng bên lề cuộc chiến đó. Và cái ông gìa 78 tuổi kia không có chút tư cách nào để nhân danh chúng tôi một lần nữa.

5.

Ai cũng chỉ có một đời để sống. Thành công hay thất bại trong cuộc đời một con người, chỉ là những khái niệm tương đối. Tùy quan niệm mỗi người, mà sự thành công đối với người này, lại là sự thất bại dưới con mắt người kia. Nhưng sống làm sao cho ra một con người, lại chỉ có một cách nhìn duy nhất. Và vì không ai có cơ hội sống lại đời mình một lần thứ hai, nên khi nằm xuống rồi, mọi chuyện liên quan đến người ấy đã được định luận.

Giàu nghèo đến 30 tết mới hay. Hay dở của nhân cách một con người chờ đến lúc xuôi tay sẽ biết. Lúc ấy, có ăn năn cũng không kịp nữa. Trong lúc bùi ngùi ném cánh hoa xuống mộ người quen biết sáng nay, tôi đã nghĩ đến giây phút này của ông già 78 tuổi. Ngoài thân nhân ruột thịt của ông, còn ai nữa sẽ ném theo xuống mộ ông một bông hoa, dẫu chỉ là bông hoa héo ?

T.Vấn

Tháng 7/2007

Không có nhận xét nào: