Thứ Tư, 22 tháng 8, 2007

Dân chủ phải được học, nhưng bắt đầu khi nào và ở đâu ?

“… cốt lõi của dân chủ là cố gắng tìm mọi cách để giải quyết những mâu thuẫn giữa cá nhân hay nhóm bằng phương thức nhân bản, trật tự và hoà bình …”

Những thảo luận về bài viết “Thời điểm của một xét lại bắt buộc” của Nguyễn Gia Kiểng trong thời gian vừa qua rất sôi động và đã mở ra một hướng đi mới cho sinh hoạt dân chủ. Dựa vào bài viết ấy chúng ta đã có những đánh giá về đối lập dân chủ dưới nhiều góc độ. Chúng ta đã đặt nhiều câu hỏi cho đối lập dân chủ với hi vọng có được những câu trả lời thuyết phục để giúp đối lập dân chủ có được đồng thuận về đường hướng và phương thức đấu tranh. Nhưng có một câu hỏi có lẽ cũng cần được đặt ra để xem xét khi bàn về đối lập dân chủ. Đó là dân chủ có phải được học không và chúng ta đã bắt đầu học dân chủ khi nào và ở đâu?


*

Nói đến phải bắt đầu học dân chủ khi nào và ở đâu làm chúng ta nghĩ tới phải bắt đầu học dân chủ lúc còn ở tuổi đi học và học ở trường học. Nhưng hệ thống giáo dục của nuớc ta thiếu hụt dân chủ. Tiến trình giảng dạy các em thành những công dân dân chủ không có. Trong các bài học lịch sử về cuộc chiến tranh vừa qua, các em đã được học sử dụng những ngôn ngữ hiếu chiến, được học để ca tụng bạo lực, được học để kì thị và phân biệt lí lịch. Khi có người chống đối các phát biểu mang tính kì thị như “ngụy” quân “ngụy” quyền thì lại có người cho là các em đang sử dụng quyền tự do phát biểu ý kiến. Nhưng các em có được giảng dạy thế nào là quyền tự do phát biểu ý kiến thực sự đâu! Đó là một khái niệm phức tạp mà không phải người nào cũng hiểu. Quyền tự do có thể bị giới hạn vì quyền tự do của người khác đòi hỏi phải được giải thích, tranh luận và thực hành.

Hệ thống giáo dục của chúng ta không chú trọng đến vấn đề làm thế nào để cung cấp cho các em những kiến thức, những cách hành xử và những kĩ năng mà các em cần có để trở thành một công dân dân chủ trong xã hội. Bởi vậy chúng ta đã không giảng dạy các em cách giải quyết những mâu thuẫn một cách hoà bình và trật tự cũng như những kĩ năng sống trong xã hội dân chủ.

Vì tương lai của nhà nước pháp quyền dân chủ và lối sống dân chủ, nhà trường cần phải giảng dạy kiến thức, cách hành xử và kĩ năng cho các em. Đó là một yêu cầu khẩn thiết. Giáo dục phải đào tạo được những con người với bản sắc riêng và một nhân cách ổn định vững chắc. Không thể chỉ lo đào tạo các em thành những con người chỉ biết nghĩ tới cá nhân mình mà phải giảng dạy các em cách thức quan hệ với nhau trong cuộc sống cá nhân và xã hội, về công chính, tương trợ và duy trì các giá trị.

Sự gắn bó với xã hội không phải tự nhiên mà có. Trái lại nó còn bị nhiều người chê trách. Gắn bó với xã hội và tinh thần trách nhiệm phải được học tập. Vì vậy việc đào tạo các thế hệ mới, chính là lợi ích chung của xã hội mà chúng ta đã gần như lãng quên.

Phần lớn chúng ta thích dân chủ hơn độc tài. Vì vậy dân chủ trở thành mẫu số chung lớn nhất của các quyền lợi. Nhưng dân chủ không phải chỉ gồm những khía cạnh luật nhà nước, có tính hình thức được ghi trong hiến pháp. Mà đặc tính quan trọng của dân chủ còn là luân lí xã hội. Cách sống chung dân chủ như vậy đòi hỏi các công dân phải sẵn sàng giải quyết các mâu thuẫn bằng đối thoại và thương lượng, nếu cần thì nhờ trung gian của quan toà, nhưng trong bất kì trường hợp nào cũng không được sử dụng bạo lực.

Như vậy cốt lõi của dân chủ là cố gắng tìm mọi cách để giải quyết những mâu thuẫn giữa cá nhân hay nhóm bằng phương thức nhân bản, trật tự và hoà bình. Ngoài ra luân lí dân chủ còn bao gồm sự bình đẳng và giá trị bình đẳng, tinh thần trách nhiệm xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ, việc cấm kì thị tôn giáo, nguồn gốc hay phái tính, quyền của thiểu số v.v.

Tư tưởng chỉ đạo là nhà nước pháp quyền dân chủ là một hình thái xã hội độc nhất cho phép sự đa dạng của các khuynh hướng tôn giáo, văn hoá và chính trị sống chung trong trật tự và hoà bình. Đồng thời dân chủ ấy là một hệ thống chính trị và là một hình thái xã hội rất dễ bị tổn thương. Nó luôn bị đe doạ bởi tính ích kỉ, sự thờ ơ, việc cho là có dân chủ là một sự hiển nhiên không cần phải tranh đấu và vì vậy đã tạo cơ hội cho các cuộc tấn công của những người muốn áp đặt hệ thống giá trị độc tài của mình lên những người khác.

Việc không đặt quyền lợi chung là mục đích của việc giáo dục và đào tạo là một điều rất đáng lo ngại. Xã hội hoá các em rất quan trọng cho tương lai của nhà nước pháp quyền dân chủ. Có nhiều chỉ dấu cho thấy là việc mong muốn dân chủ đang mất đi tính hiển nhiên của nó. Việc đặt nặng quyền lợi riêng, việc tính toán trong đời sống công dân, việc thiếu ý thức về quyền lợi chung, việc không xác định được bản sắc của mình với xã hội, việc thờ ơ với công việc chính trị, thói luồn lách tham nhũng,… là những mối nguy cho dân chủ.

Trái với độc tài, xã hội dân chủ không thể sử dụng các nghị quyết để áp đặt những nguyên tắc nền tảng của dân chủ. Thuyết phục là giải pháp duy nhất. Vì vậy việc giáo dục và đào tạo phải chú trọng tới việc xây dựng những nhân cách dân chủ để việc mỗi người biết cách tìm sự quân bình giữa nhu cầu cá nhân và xã hội trở thành bản tính thứ hai của mình.

Một sự thực đau lòng của ngày nay là có nhiều người dân không chịu học để biết dân chủ thực sự là thế nào. Để thấy giá trị của hình thái xã hội dân chủ này đáng trân trọng như thế nào ít nhất ta phải biết tại sao con người đã chọn hình thái xã hội này. Nếu không biết là lịch sử đã cho thấy là con người đã phải tranh đấu rất cực khổ mới có được hình thái xã hội này, thì cũng sẽ không biết trân trọng nó.

Có nhiều lí do để lo lắng về khối người ủng hộ dân chủ. Sự thờ ơ của dân chúng với việc đòi hỏi dân chủ, thói quen luồn lách để tìm những giải pháp cá nhân, tinh thần nhân sĩ và gia trưởng là những trở ngại trong việc vận động được nhiều người ủng hộ việc tranh đấu cho dân chủ.

Thiếu kiến thức và sự gắn bó với dân chủ làm cho dân chủ dễ bị tổn thương. Nếu có nhiều người không quan tâm tới dân chủ thì những quy luật và cơ cấu dân chủ sẽ không còn chỗ đứng. Đó là phát biểu của nhà chính trị học Hoa Kì Meira Levinson. Trong trường hợp này trật tự chính trị xã hội sẽ phát triển rất nhanh theo chiều hướng không còn tự do và sẽ tạo cơ hội cho một thiểu số cuồng tín nắm quyền. Phương cách tốt nhất để chống tình trạng này là lo làm sao để con số những công dân coi trọng dân chủ và gắn bó với dân chủ là một thói quen, tăng lên. Giáo dục và đào tạo vì vậy trở thành rất quan trọng trong việc xây dựng “ý muốn” sống với nhau theo phương cách dân chủ.

Giáo dục dân chủ không phải chỉ là nhiệm vụ của nhà trường. Nó còn là nhiệm vụ của gia đình. Theo các cuộc điều tra thì giáo dục gia đình dựa vào uy quyền là cách tốt nhất để giáo dục con em sống trong một xã hội dân chủ cởi mở. Từ uy quyền muốn chỉ việc dùng uy tín hơn là dùng sức mạnh. Cha mẹ biết lo lắng cho con cái, đặt ra những giới hạn rõ ràng, chú ý nhiều tới giải thích, khuyến khích phát triển tinh thần trách nhiệm, làm gương về cách hành xử theo luân lí dân chủ và biết ứng xử theo lối lãnh đạo dân chủ cởi mở.

Có hai mối đe doạ dân chủ. Một là quá chú trọng tới quyền lợi riêng và vì vậy thờ ơ với những công việc chung. Hai là việc tăng trưởng các tình cảm chống dân chủ nhằm mục đích phá vỡ nhà nước pháp quyền. Phòng tuyến đầu tiên để chống những mối nguy này là một hệ thống hoàn chỉnh về các quy định và luật pháp và sẵn sàng bảo vệ nó. Nhưng muốn được như vậy phải có được sự ủng hộ của dân chúng. Việc được sự ủng hộ này không phải tự nhiên mà có. Vì vậy một xã hội dân chủ phải thông qua việc xã hội hoá để có được sự tái sản xuất và đổi mới nhân sự. Bây giờ là thời gian để nhà trường và gia đình làm tròn nhiệm vụ giáo dục và đào tạo con em thành những con người dân chủ.

Sau thế chiến thứ hai các người phương Tây đã quay lưng lại với độc tài để xây dựng dân chủ. Nhưng sau cuộc chiến tàn sát nhau vừa qua ở Việt nam, người Việt nam chúng ta vẫn tiếp tục tôn thờ độc tài. Bởi vậy bây giờ chúng ta phải xây dựng nền tảng cho một nhà nước pháp quyền dân chủ. Tự do cá nhân chỉ có thể có được bằng các cuộc tranh đấu tập thể của các công dân. Bởi vậy việc giáo dục và đào tạo con em thành những người dân chủ không phải chỉ là việc của nhà nước mà là một việc chung có ý thức của mọi công dân, tổ chức và chính quyền nói cách khác là của xã hội dân sự. Việc tranh đấu này không phải chỉ làm một lần. Xã hội hoá là một tiến trình theo chiều dọc từ các lãnh vực khác nhau, tư và công, phải được nâng đỡ và duy trì.


*

Nhà trường Việt nam và gia đình Việt nam hiện nay không quan tâm tới việc đào tạo những con người dân chủ. Hệ quả là những người dân Việt nam không biết thế nào là dân chủ thực sự và vì vậy không biết sống theo cách sống dân chủ, không biết trân trọng dân chủ. Như vậy tương lai của một nhà nước pháp quyền dân chủ mà mọi người mong muốn cho Việt nam sẽ ra sao? Đây là một vấn nạn mà đối lập dân chủ cần phải xem xét kĩ lưỡng trong việc hình thành lộ đồ tranh đấu để chuyển hoá Việt nam thành nhà nước dân chủ.

Tình trạng người dân bình thường Việt nam là như vậy. Còn những người tranh đấu cho dân chủ thì sao? Các người tranh đấu này đã học dân chủ khi nào và ở đâu? Cách thức sinh hoạt dân chủ đã trở thành bản tính thứ hai của mỗi người chưa? Và với việc nhiều người Việt nam chưa có cơ hội học dân chủ thì trách nhiệm của những người tranh đấu cho dân chủ phải như thế nào và phải làm gì? Đó là những câu hỏi mà những người tranh đấu cho dân chủ phải thẳng thắn tự xét lại mình một cách không khoan nhượng để tìm câu trả lời cho mình nếu còn muốn tiếp tục tranh đấu cho dân chủ đến thành công.

Lâm Đồng 20-08-2007
Trần Bảo Lộc

Chuyện không thể nín lặng: Chủ tịch Triết gặp cử tri quận 2 Sài Gòn

Kính gửi:
Đại biểu Quốc hội quận 2
- Chủ tịch Nguyễn Minh Triết.
- Luật sư Nguyễn Đăng Trừng.
- Tiến sĩ Trần Du Lịch.
- Cử tri đồng cảnh ngộ tại quận 2
Hình chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, tiến sĩ Trần Du Lịch và luật sư Nguyễn Đăng Trừng tiếp xúc cử tri tại quận 2 trước kỳ bầu cử Quốc Hội ngày 9 &10/05/2007

Ngày 09/08/2007, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, luật sư Nguyễn Đăng Trừng, chủ tịch Luật sư đoàn thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Du Lịch Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Tp.HCM. là ba tân đại biểu Quốc hội đơn vị I (gồm quận1, quận 2 và quận 3) có buổi tiếp xúc cử tri quận 2 tại Nhà văn hóa Thiếu nhi, số 200 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, quận 2. Trong 3 đại biểu Quốc hội rất danh giá nói trên, ông Trần Du Lịch còn là cư dân phường Thảo Điền quận 2, tiếp xúc với “cử tri” đồng nghĩa với gặp gỡ chia ngọt xẻ bùi với hương lân của mình, nào ngờ !!!

Sáng ngày 09/08/2007 dường như công an, dân quân thức dậy sớm hơn mọi khi vì họ đoán biết nhân dân quận 2 mong có ngày “tiếp xúc cử tri” mà những tân đại biểu đặc biệt nhất từ trước đến nay. Cử tri chuyền tai nhau đi sớm kẻo trể không được vào và sợ hết chổ! (vì công an, cán bộ đảng viên ngồi đầy phòng trong các kỳ tiếp xúc đại biểu mà tôi trực tiếp thấy công an sẵn sàng mời cử tri ra khỏi phòng không cho họ phát biểu như trường hợp ông Cao Thăng Ca tại Bình Khánh). Những cử tri như “nhạy cảm” thì nhà bị công an đóng chốt canh chừng cho chắc; sợ họ đi tiếp xúc! Coi như dân oan gửi gắm bao điều để nói thẳng nói thực trực diện với quí đại biểu của mình là ngươì lãnh đạo cao nhất nước xem như thất bại!

Cả trăm cử tri khác không kém gì hơn họ là những cựu luật sư, cựu thầy giáo, cựu chiến binh, cựu cán bộ, “cựu trào cách mạng” và vô số cử tri chính dòng khác họ tới được cổng nhà văn hóa Quận 2, nhưng có trung tá Mai an ninh quận 2, trung tá Dung trưởng công an phường Bình Khánh, chủ tịch mặt trận phường Bình Trưng tây và vô số công an, quan chức nữa đều làm nhiệm vụ cản trở cử tri không cho vào tiếp xúc với các đại biểu của mình (để mong chính quyền làm đúng pháp luật và chính sách mà quốc hội ban hành liên quan đến tài sản, sự sống của họ thế thôi) đơn giản vậy mà cực kỳ khó khăn và xa vời vợi! Thật tội nghiệp cho các cử tri quận 2 là chủ nhân của “cái” quận mà sẽ trở thành đô thị hiện đại bậc nhất, giá trị nhất nước nầy! (Thực tế họ bị đẩy đi ra khỏi đô thị mới nầy với giá đền bù như cướp trắng để tạo cớ thay dân khi giá thực trong tương lai chắc không dưới 212 triệu /m2 như quận 1 hiện nay theo qui đinh, nhưng thực tế có chỗ 1 tỷ /m2 vùng Bến Thành hay Đồng Khởi…)

Hàng trăm cử tri muốn vượt cổng tràn vào gặp chủ tịch Triết thì lực lượng công an chuẩn bị phản ứng nhanh nên không ai dám vào! (ngay đơn vị bầu cử của chính chủ tịch Triết làm đại biểu dân chứ đâu phải tại California, Hoa kỳ đâu mà công an không cho chủ Tịch gặp cử tri lạ quá!)

Không biết chủ tịch Triết, luật sư Trừng, tiến sĩ Lịch ở bên trong hội trường có biết sự thật diễn ra bên ngoài khá ồn ào với cả trăm cử tri rất nóng ruột cải qua lại với lực lượng chốt chặn như thế nầy không?

Buổi tiếp xúc cử tri lạ đời nầy ngoài khó khăn cho cử bị chận ngoài cổng nhưng nếu ai được mời mấy ngày trước vào được trong rồi (dù đã chọn lọc rất kỹ) muốn phát biểu phải nộp nội dung phát biểu trước hai ngày được cho phép mới được phát biểu. Thật ra hơn 80% cử tri là cán bộ cơ hữu của các phường có đủ các lực lượng an ninh, công an ngồi sau chiếm hết ghế cử tri dòng chính họ lập luận công an, đảng viên là cử tri mà! Lần nầy tiếc thật cho các đại biểu của dân bị lực lượng công an, chính quyền quận 2 không cho những lời phát biểu thẳng thắn nhất mà dân chuẩn bị sẵn như từ những vấn đề oan ức nhất mà người dân nơi đây phải chịu đựng bấy lâu nay dưới “bàn tay sắt” của cán bộ thủ đoạn gian ác, từ việc cưởng chế đập phá nhà cửa nhân dân tan tành ngày cận tết đẩy dân ra đường, đến gian dối lấy đất nhân dân chia nhau, quy hoạch đền bù giải tỏa với giá rẻ mạt chưa từng thấy! tìm kẻ hở luật pháp ép dân, không cần cho dân biết, dân bàn, dân làm chủ, dân kiểm tra trong qui hoạch liên quan đến hơn một phần hai dân số tại quận nhà, việc tịch thu tài sản công dân bất hợp pháp không trả lại, kể cả chuyện trấn áp tôn giáo, giựt sập nhà nguyện, nhà chùa của dân đã làm dậy sóng tai tiếng cho quận nhà và bao bất công suốt thời gian qua làm người cử tri điêu đứng! đúng như một cử tri tại phường An Lợi Đông phát biểu “chính quyền nầy là chính quyền của dự án, chứ không còn của dân nữa ” hay những cán bộ tại An Khánh và Thủ Thiêm cũng nhận ra tính chất “sai luật và đánh lận con đen” của chính quyền trong việc thực hiện “qui hoạch treo” tại quận 2 hơn 12 năm qua đã làm khổ dân không sao xiết kể; chỉ tạo cơ hội trục lợi cho một số công ty trá hình của các cá nhân “rửa tiền” bất chính! có phải chính vì vậy nên mới sợ dân?

Với chức năng đại biểu cho đồng bào của mình thì không thể tiếp xúc cử tri kiểu cũ kỹ quan liêu, hình thức như vừa qua. Muốn biết ý dân thì nên nghe đa số dân nói gì! hãy về với lòng dân thì sẽ rõ ngọn nguồn! mới mong làm đúng ý nghĩa đại biểu của dân (chứ không phải của đảng,hay của chính quyền không cần ý dân?) Bao nhiêu lần cử tri từng tiếp xúc với các đại biểu Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Hồng Hà các đại biểu nầy quá sợ hãi thời gian, và bóp nghẹt thời gian không cho dân phát biểu hết ý nguyện hay lập luận của họ.cũng như nhân dân quá thất vọng về kiến nghị của họ nhiều lần không được trả lời thoả đáng, nếu có trả lời thì vòng vo, chung chung né tránh sự thực! Dân không được chất vấn đại biểu cách tự do về trách nhiệm của các đại biểu khi hứa với dân lần nào cũng “sẻ trả lời sớm nhất” rồi trọng tâm nguyện vọng của dân có thấy gì đâu! Hết năm nầy năm khác vẩn một chính sách cù nhây hiểm độc! (Đây là yếu tố then chốt trong sinh hoạt dân chủ bình thường,nhưng lại không bao giờ cử tri được hưởng dù chỉ tương đối !).

Nay tới lượt chủ tịch Triết là đại biểu của cử tri quận 2 cùng với tiến sĩ Lịch và luật sư Trừng là những người trí thức sáng giá trong chế độ! Mong quí vị xét lại việc tiếp xúc cử tri vừa qua xem có phải là đặc trưng nền dân chủ XHCN kiểu “hoang dã” như Linh mục Nguyễn Văn Lý từng nhận định; nó có oan cho chế độ hay không?

Bài học khinh rẻ dư luận, bịt miệng nhân dân với cái giá phải trả không rẻ như những kẻ không chịu nhìn nguyên tắc thực tiễn của bánh xe lịch sử đang vận hành hướng nào của thời đại hôm nay!!!

Quận 2 Ngày 18/08/2007
Người Thầy Giáo quận 2.

+ Bị chú:
Cử tri quận 2 khi biết các đại biểu tiếp xúc cử tri tại quận 1 thì chạy qua xin và được phát biểu, điều nầy có phải quận 2 đã nhận chỉ thị ngầm của ai bịt miệng nhân dân không cho họ nói lên sự thực về tính chính thống và pháp lý của một dự án qui hoạch khổng lồ tại quận 2?

Những lời chân tình gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước

- Đ/c Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh
- Đ/c Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
- Đ/c Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
- Đ/c Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng
- Đ/c Chủ nhiệm Uỷ ban KTTW Nguyễn Văn Chi

Ngành Toà án vừa có Chánh án mới, đ/c Trương Hoà Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an. Ban đầu, khi nghe tin đ/c Trương Hoà Bình sang làm Chánh án, đại đa số anh em thẩm phán, cán bộ ở Toà án nhân dân tối cao đều vui mừng với hy vọng đ/c Bình sẽ mang sức sống mới, là sự kết hợp hài hoà giữa hiểu biết sắc sảo về pháp luật và đạo đức, kỷ luật của một tướng lĩnh công an cho ngành. Ngay trong buổi ra mắt với cán bộ trong Toà, đ/c Trương Hoà Bình cũng đã phát biểu rất mạnh mẽ, sẽ kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, xây dựng cán bộ Toà án tinh thông pháp luật, đạo đức trong sáng. Nhưng thật thất vọng! điều mà mọi cán bộ có tâm huyết trong ngành Toàn mòn mỏi mong đợi nhiều năm qua về một người chánh án có đủ tài, đủ đức đã không thể có. Chúng tôi đã tận mắt đọc bản lý lịch đ/c Trương Hoà Bình do chính đ/c Bình khai trong đó có ghi trình độ là kỹ sư, thạc sỹ luật, nhưng không hề có thời gian nào học cử nhân luật. Xét theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn học thạc sỹ luật thì phải học, có bằng cử nhân luật chính quy, không thể dùng bằng cử nhân hệ tại chức và càng không thể từ kỹ sư học thành thạc sỹ luật được. Không hiểu đ/c Trương Hoà Bình phù phép kiểu gì mà biến cái không thể thành có thể và công khai ghi trong lý lịch mà không có bất kỳ ý kiến cán bộ cấp cao nào đề nghị xem xét (?). Điều trớ trêu là, đ/c Trương Hoà Bình khi ở Bộ Công an phụ trách công tác xây dựng lực lượng và cũng đã nhiều lần tuyên bố đấu tranh với tiêu cực trong công tác giáo dục, đào tạo, tệ nạn sử dụng bằng giả trong ngành Công an!

Một điều đáng chú ý nữa được thể hiện rõ ràng trong lý lịch của đ/c Trương Hoà Bình là đ/c Bình luôn chuyển công tác và mỗi lần chuyển là đảm nhiệm chức vụ cao hơn. Từ phó cục trưởng, sang làm Phó giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh, rồi Viện trưởng Viện kiểm sát TP. Hồ Chí Minh, lại quay vê Công an làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Thứ trưởng và nay là Chánh án Toà án Nhân dân tối cao. Mỗi một chức vụ đ/c Trương Hoà Bình đều đảm nhiệm trong một thời gian khá ngắn. Thông thường một người lãnh đạo phải mất một đến hai năm để đánh giá được năng lực, sở trường của cán bộ, đưa bộ máy trong đơn vị vận hành tốt đúng như ý tưởng của người lãnh đạo. Điều đó có nghĩa đ/c Trương Hoà Bình không hiểu sâu bất cứ lĩnh vực gì mà đồng chí đã từng làm, công an không giỏi, kiểm sát chưa hay, còn toà án thì… Đ/c Trương Hoà Bình còn có bước tiến “thần kỳ”, từ thiếu tướng lên trung tướng chỉ có một năm. Vẫn biết rằng lên tướng không có hạn định, nhưng cũng cần có một thời gian để thử thách. Lên tướng kiểu đ/c Trương Hoà Bình thì các danh tướng như Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Phùng Thế Tài, Chu Huy Mân… cũng phải ngả mua chào thua. Chúng tôi nghe nói có một số đồng chí lãnh đạo cao cấp nâng đỡ đ/c Trương Hoà Bình, nhưng nâng đỡ kiểu như vậy thì làm sao đ/c Bình thành người giỏi đươc.

Cả xã hội ta nói chung và toàn ngành giáo dục nói riêng đang nói không với tiêu cực trong giáo dục do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo khởi xướng. Đã lâu lắm rồi, chúng ta mới có một kỳ thi phổ thông trung học tương đối thực chất. Dư luận xã hội đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ việc chấn chỉnh công tác giáo dục, đào tạo của Chính phủ vừa qua. Mặt khác, công tác cải cách tư pháp cũng là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay. Nhiều lần đ/c Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định điều này khi họp với ngành Toà án và tỏ ý sẽ quyết tâm đẩy mạnh tốc độ cải cách tư pháp trong nhiệm kỳ này. Nhưng liệu việc nói không với tiêu cực trong giáo dục của Chính phủ và đẩy mạnh cải cách tư pháp của Chủ tịch nước có thực hiện được không khi mà người đứng đầu ngành Toà án vẫn đang sử dụng bằng giả (cần hiểu bằng giả gồm hai loại: một là giả hoàn toàn; hai là bằng thật, nhưng học giả).

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và toàn cầu hoá mạnh mẽ như hiện nay, những thông tin liên quan về năng lực, trình độ, bằng cấp của cán bộ cao cấp dù không đăng lên báo chí, nhưng được lan truyền rất nhanh trong quần chúng nhân dân và sẽ chẳng có cơ quan, người nào có thể kiểm soát được. Nên việc đ/c Trương Hoà Binh sử dụng tấm bằng thạc sỹ luật giả thì mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân sẽ đều biết. Và rồi đây ai sẽ còn tin vào những phán quyết của toà án khi người đứng đầu không hiểu biết gì về luật pháp. Đ/c Trương Hoà Bình làm sao có thể trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, hay lại bước vào lối mòn đọc bản báo cáo có sẵn do cấp dưới viết và hẹn trả lời sau bằng văn bản

Tất cả các câu hỏi và điều băn khoăn, trăn trở nói trên xin được gửi đến đ/c Tổng Bí thư, đ/c Chủ tịch nước, đ/c Thủ tướng Chính phủ, đ/c Chủ tịch Quốc hội, đ/c Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương giải đáp.

Hà Nội, ngày 13/8/2007
Một số thẩm phán, cán bộ Toà án Nhân dân Tối cao

BÓNG MA TRƯỚC CỔNG CHÙA

Thích Tuệ Quang là bút danh của một tu sĩ thuộc giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất ở Việt Nam. Bài viết này là để tặng cho một Phật tử từ hải ngoại về thăm quý thầy. Ban biên tập TTVN xin trân trọng cám ơn thầy Thích Tuệ Quang đã đồng ý cho phổ biến bài này trên trang Tâm Thức Việt Nam. (BBT/TTVN)

Cổng chùa Thanh Minh vẫn mở cửa theo giờ giấc thiền môn quy định. Nhưng ai đến đây cũng cảm thấy có cái gì tù hãm và rờn rợn, lạnh người bởi những đôi mắt cú vọ nhìn từ sau ót.

Đã bao năm rồi, mỗi lần về Việt Nam là chị đến đứng trước cổng chùa, dõi mắt ngóng trông hình ảnh vị Hòa thượng khả kính chỉ để một lần được chiêm bái tôn nhan ngài. Bên tai chị nghe như có âm vang hùng hồn cất lên từ lòng từ bi bao la, cả đời lo cho vận mệnh đạo pháp và dân tộc. Chị biết Hòa thượng đang ở trong đó và cửa chùa thì luôn rộng mở, nhưng hình như có một trở lực vô hình nào đó giống như sức mạnh của bóng ma đã ngăn đôi chân chị lại. Ma lực ấy còn dễ sợ và nguy hiểm hơn sóng gió Đại dương mà chị đã từng vượt qua. Đã hơn 2 giờ đồng hồ nhưng hình ảnh vị Hòa thượng kính yêu vẫn biền biệt nơi đâu. Còn bên đường thì dòng người mãi tấp nập tìm kế sinh nhai trên con phố bụi bặm, phó mặc cho vận nước đi đâu về đâu. Lòng chị xót xa cất lên tiếng gọi hỡi Việt Nam thân yêu, ai làm nên không gian ám hãm ngục tù? Điều này chúng ta thật xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu xa mà còn vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt. Chị đành trở về với bao nỗi niềm dĩ vãng.

Đó là tâm sự của chị Khánh Vân định cư tại Hoa Kỳ mỗi khi về Việt Nam muốn đến vấn an Đại lão HT. Thích Quảng Độ mà tôi đã nghe anh Trường Sơn mới ở hải ngoại về kể lại.

Ngày ấy, người ta đã quyết đi tìm phương trời tự do vì không sống nổi dưới bàn tay bạo chúa. Họ ra đi mang theo tình yêu quê hương và sự tủi hờn của một thế hệ mất nước. Quả thật nền chính trị hà khắc khiến con người sợ hãi còn hơn thú dữ. Cho nên, họ đã chấp nhận cái chết để tìm cửa sống và sống đúng với giá trị làm người.

Thế rồi 32 năm trôi qua, đất nước đổi mới. Đổi mới cả “bản đồ địa lý” và hình thức cai trị. Bên cạnh những thành tựu có tính nhất thời như liều thuốc phiện xoa dịu cơn đau mà báo chí Việt Nam thường ca ngợi phát triển, thì những bất cập toàn diện trong mọi cơ tầng xã hội và những tiềm ẩn lũng đoạn cả mặt vật chất và đạo đức dân tộc đang dần bộc phát. Điều này giống như một cơ thể sưng tấy, không phải là to khỏe mà chỉ là sự bịnh hoạn toàn diện. Đây chính là thực trạng mà dân tộc Việt Nam đang đón nhận một cách giả dối, mệt mỏi.

Thực trạng là như thế, nhưng người Cộng sản Việt Nam vẫn duy ý chí, không chấp nhận xu thế đa nguyên dân chủ, tinh hoa nhân loại. Ngược lại, họ còn tiếp tục dùng những thủ đoạn lừa bịp tinh vi hơn để che mắt thế giới, mời gọi kiều bào hải ngoại hà hơi tiếp sức bằng con đường viện trợ và đầu tư kinh tế để họ kéo dài tham vọng quyền lực. Nhưng điều đó chỉ có thể phỉnh gạt những khối óc rồ dại chứ không thể che mắt được người trí. Tuy nhiên, hiểu biết là một chuyện, còn dũng cảm hành động theo hiểu biết của mình lại là chuyện khác.

Chị Khánh Vân, anh Sơn, những con người đại diện cho thế hệ trí thức trẻ Việt Nam hải ngoại luôn kính ngưỡng bước chân của quý ngài là vì sao? Bởi hạnh nguyện của quý ngài đã thể hiện nỗi lòng dân tộc, tinh thần bất khuất trước bạo lực, xả thân vì đạo đức sáng ngời. Là một tu sĩ trẻ, tôi cũng như đại đa số tăng ni Việt Nam đều có lòng kính ngưỡng các bậc cao tăng thạc đức. Nhưng với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ thì khác, uy đức và tài năng của ngài không những chỉ ảnh hương sâu sắc trong cộng đồng Tăng tín đồ Phật giáo, mà còn có sức ảnh hưởng rất lớn trong mọi tầng lớp xã hội Việt Nam cũng như trên thế giới. Với đồng bào hải ngoại yêu nước, ngài như ngôi bắc Đẩu rực sáng giữ trời khuya. Với giới trí thức, họ kính trọng ngài như bậc thức giả… Nhưng với Đảng Cộng Sản thì ngài là cây gai trong mắt, nhổ bỏ càng sớm càng tốt. Tại sao? Bởi ngài là bậc lãnh tụ tinh thần không chỉ riêng về tôn giáo mà còn là ngọn cờ để giới chính khách quy tụ, lắng nghe và nhận thức bản chất chế độ độc tài.

Có lần hầu chuyện ngài, tôi được nghe ngài kể về một cuộc điện thoại nặc danh. Nhắc máy lên, ngài nghe người thanh niên bên kia đầu dây nói: “Nếu mày còn bôi nhọ chế độ nữa, tao sẽ bắn bể đầu mày”. Hòa thượng đáp lời: “Chế độ này đen như cái trôn nồi, còn nơi nào nữa để bôi nhọ”. Một lời ứng đối như thế, nếu chỉ dừng lại về chuyện khủng bố tinh thần của mật vụ công an thì chỉ là chuyện gặp phải như cơm bữa của những người bất đồng chính kiến mà thôi. Nhưng nếu suy ngẫm thêm, chúng ta nghe như cười ra nước mắt, bởi nó đã lột hết mặt nạ của một chủ nghĩa mị dân.

Cho nên có thể nói, con người hiện đại chỉ có tự do và hạnh phúc trong một phức hợp nhiều cơ tầng kinh tế chính trị xã hội, chứ không thể thích hợp hoàn toàn trong một đảng phái nào cả. Nếu đảng phái nào bắt mọi người đồng ý với tư tưởng của mình, thì đó là hành động sai lầm và hết sức phi thực tế. Cho nên, xu thế đa nguyên dân chủ là một hình thái chính trị xã hội tất yếu mà Việt Nam phải đi qua. Tuy nhiên để làm được điều này, đòi hỏi chúng ta phải hành động, chứ không thể chỉ bằng tấm lòng tốt và những lời nói ngoa.

Chúng ta có quyền hy vọng một tương lai tự do – dân chủ sẽ có mặt tại Việt Nam, mạng sống người dân sẽ được bảo đảm trong một nê`n pháp trị thật sự. Niềm hy vọng sẽ thắp sáng cho hành động. Ngày ấy, những bóng ma không còn chờn vờn đây đó và cổng chùa vẫn luôn rộng mở, mọi người ra vào tham vấn tự do.

Thích Tuệ Quang
August 20, 2007
http://www.tamthucviet.com

Việt Nam tiến hai bước và lùi hai bước

Two Steps Forward for Vietnam, Two Steps Back
Patrick Tan - Aasiasentinel. 20/8/07 – Khánh Ðăng lược dịch.

Tân Ðại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội trực diện với sự gia tăng đàn áp về nhân quyền.

Ông Michael Michalak, tân Ðại sứ Hoa Kỳ, đã đến nhậm chức tại Việt Nam với hứa hẹn sẽ thúc đẩy việc cải thiện nhân quyền và làm tốt đẹp hơn quan hệ kinh tế. Ông Michalak là một người có 32 năm kinh nghiệm trong ngành phục vụ ngoại giao, đến để thay thế Ðại sứ Michael Marine chung quanh những căng thẳng về cách đối xử với các nhà bất đồng chính kiến (cuả nhà nước Việt Nam).

Trong thời gian 3 năm ở Hà Nội, ông Marine đã chứng kiến sự gia tăng của quan hệ thương mãi song phương được hoàn toàn bình thường hóa hồi năm ngoái, nhiều tuần lễ trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mãi Thế giới (WTO) vào tháng Giêng. Nhưng trước khi rời nhiệm sở, nhà ngoại giao Hoa Kỳ này đã nói rằng tình trạng nhân quyền tồi tệ của Việt Nam là niềm thất vọng lớn nhất của ông ta.

Mặc dù không hài lòng với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, sự hợp lý về vấn đề hợp tác chiến lược và kinh tế giữa hai nước chắc chắn rằng quan hệ hữu nghị song phương sẽ được nới rộng. Trong một phúc trình mới đây của Trung tâm Henry L. Stimson Center, đặt tại Hoa Thịnh Ðốn cho biết, chính sách của chính phủ Bush tại Ðông Nam Á đặt căn bản trên dự đoán rằng khu vực này sẽ được “duy trì là một khu vực hòa bình, ổn định và tăng trưởng kinh tế, tương đối tự do và mở rộng thương mãi, so sánh với những quyền lợi toàn cầu cuả Hoa Kỳ là một nơi kém ưu tiên hơn”

Việt Nam hiện tại là nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, rất thích hợp với tính toán chiến lược này (của Hoa Kỳ). Hiện tại thì Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi thương mãi song phương được tiên đoán là sẽ đạt đến 15 tỷ Mỹ kim vào năm 2010. Từ một quan điểm dài hạn, quan hệ giữa hai nước cựu thù này đã tiến triển khá nhanh từ khi được bình thường hóa vào năm 1995. Trong lúc thúc đẩy cho trường hợp để bình thường hoá quan hệ thương mãi hồi tháng Sáu năm ngoái, phụ tá trợ lý cho Bộ trưởng Ngoại giao về Ðông Á Thái Bình Dương Sự Vụ lúc ấy là ông Eric John đã xác định rằng những chính sách ưu tiên với Việt Nam “trong những năm tháng sắp đến” là sẽ tiến xa hơn trong việc cùng tham gia trên một số lãnh vực, bao gồm trao đổi giáo dục và ngay cả về quan hệ quân sự.

Quan tâm về nhân quyền
Dù có như thế nào chăng nữa thì rõ ràng là chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đặt áp lực trên nhà nước Việt Nam để có sự tiến triển thực tế về tự do tôn giáo và chính trị. – và đây là cái chướng ngại chính cho quan hệ song phương. Một loạt những vụ bắt bớ các nhà tranh đấu chính trị hồi đầu năm nay khiến cho chính phủ Bush, dưới sự gia tăng áp lực, đã có một thái độ cứng rắn đối với chế độ Hà Nội về vấn đề nhân quyền.

Ðiển hình là Hạ Viện Hoa Kỳ được tiên đoán là sẽ xem xét một đạo luât để ngăn cấm những trợ giúp không thuộc về mục đích nhân đạo từ Hoa Kỳ cho nhà nước Việt Nam . Mặc dầu là trong qúa khứ Thượng Viện đã bác bỏ một đạo luật tương tự, nhưng với việc đưa đạo luật này ra trở lại, cộng với sự chấp thuận của Uỷ ban Ngoại giao Hạ Viện hồi tháng Bảy, đã phản ánh một quan tâm mới về việc nhà nước Việt Nam đang cố lật ngược lại tiến trình mở rộng chính trị.

Những việc vừa mới xảy ra này thật là thất vọng đối với việc cải thiện quan hệ hữu nghị trong vòng 12 tháng qua

Hồi năm ngoái, trong thời gian chuẩn bị cho Ðại hội Ðảng, thì các cơ quan truyền thông báo chí trong nước được cho phép thoải mái bàn thảo về các vấn đề nhạy cảm, kể cả vấn đề dân chủ. Rồi có sự ra đời của một phong trào dân chủ, được gọi là Khối 8406, được đặt tên theo cái ngày Khối này ra đời là ngày 8 tháng 4 năm 2006. Tất cả những sự kiện này tạo cho người ta cái cảm tưởng là những kiểm soát chính trị đang được nới lỏng. Trong tuần lễ trước hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hà Nội hồi tháng 11 năm ngóai, Việt Nam được ban cho cái đặc ân là được rút tên ra khỏi danh sách các quốc gia bách hại tôn giáo (CPC) của Hoa Kỳ. Và khi có mặt ở Hà Nội để dự hội nghị APEC, Tổng thống Bush đã ca tụng Việt Nam là một quốc gia “đang đi vào một nơi đúng đắn như một đất nước mạnh và đầy sức sống”.

Và ngay sau khi chế độ Hà Nội tiễn chân các quan khách đến tham dự APEC, thì bộ máy công an bắt đầu ra tay hành động. Tổ chức Quan sát Nhân quyền gọi là “một trong những chiến dịch đàn áp tồi tệ nhất đối với các nhà tranh đấu ôn hoà trong vòng 20 năm qua.”. Dân biểu Earl Blumenauer từ chức chủ tịch Nhóm hữu nghị Mỹ - Việt tại Quốc hội Hoa Kỳ để phản đối việc nhà nước Việt Nam kết tội các nhà tranh đấu, và ông nói: “Tôi luôn là một người bạn điều độ với Việt Nam, nhưng tôi không thể làm yếu đi sự ủng hộ của tôi cho nhân quyền”

Trong một cử chỉ không hài lòng, Tổng thống Bush đã nêu vấn đề nhân quyền với chủ tịch nhà nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết trong buổi hội kiến tại Toà Bạch Ốc hồi tháng 6. Tổng thống Mỹ đã nói: “Tôi cũng đã xác định rất rõ ràng là để cho những quan hệ được phát triển sâu đậm hơn, điều quan trọng là những người bạn của chúng tôi có một quyết tâm mạnh mẽ về nhân quyền, tự do và dân chủ.”

Khi xuất hiện trong buổi điều trần để chuẩn bị nhậm chức tại Thượng Viện Hoa Kỳ, Ðại sứ Michael Michalak đã phát biểu, “Vấn đề nhân quyền và thái độ hiện nay của nhà nước Việt Nam lẽ dĩ nhiên đã gây ra sự quan tâm”

Tất nhiên là ông Michalak đã nhận được lời khuyến cáo từ người tiền nhiệm là ông Marine, người đã thường xuyên phê phán việc nhà nước Việt Nam thiếu sót sự cải tổ chính trị. Hồi tháng Tư, trong khi chiến dịch đàn áp đang gia tăng dữ dội, nhà ngoại giao Hoa Kỳ này đã tuyên bố công khai rằng Việt Nam “phải thay đổi để cho công dân của họ có một môi trường thoáng rộng hơn để bày tỏ tư tưởng, cho phép họ tự tổ chức để trình bày những vấn đề họ quan tâm và tham gia vào việc theo đuổi những trách nhiệm thực tiễn, bao gồm cả việc cuối cùng là được quyền lựa chọn những người lãnh đạo đại diện cho họ”

Trong lần họp báo cuối cùng tại Hà Nội, ông Marine đã phát biểụ “Có lẽ niềm thất vọng lớn nhất của tôi ở đây là chúng tôi đã không thể nới rộng được môi trường cho vấn đề đối thoại chính trị tại Việt Nam.”

Vài ngày trước khi đến nhậm chức tại Việt Nam, ông Michalak đã vạch rõ ra những ưu tiên của ông với Ban Việt ngữ đài BBC như sau:
“Tôi dự định là sẽ làm việc rất chăm chỉ để quảng bá việc nới rộng nhân quyền tại Việt Nam và cải thiện quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đồng thời cải thiện luôn cả việc phát triển kinh tế. Tôi nghĩ rằng những vấn đề này là trọng tâm của quan hệ giữa hai nước, cùng với vấn đề cuối cùng là kết thúc việc tìm kiếm hài cốt của những người đã mất trong chiến tranh.

Như cũng hiểu là sự thay đổi tại Việt Nam không thể xảy ra chỉ qua một đêm, vị tân đại sứ Mỹ nói rằng trong nhiệm kỳ của ông ta, ông sẽ cố gắng “gấp đôi số du học sinh đến Hoa Kỳ từ Việt Nam” . Căn cứ vào việc đất nước cần có những chuyên gia được đào tạo từ nước ngoài, thì Việt Nam muốn tìm đến Hoa Kỳ để được giúp đỡ.

Trong chuyến đi Hoa Kỳ, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã nói “giáo dục là sợi dây liên kết mạnh nhất để mang đất nước chúng ta gần nhau hơn” . Về phía Hoa kỳ thì các chương trình trao đổi giáo dục và văn hoá đã là căn bản cho vấn đề ngoại giao công cộng . Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Madeleine K. Albright thường phát biểu rằng đối với các quốc gia trong lúc đang giao thời, thì các chương trình này giúp giáo dục “các lãnh đạo tương lai về các phương diện thực tế của những tổ chức dân chủ”. Sự hy vọng là các chương trình trao đổi này sẽ khuyến khích du học sinh chấp nhận vấn đề đa nguyên một cách dễ dàng hơn

Hẳn nhiên là đối với các lãnh tụ Việt Nam bây giờ thì việc đi du học ngoại quốc có thể đưa đến hậu quả là các giá trị sẽ bị “tiêm nhiễm”. Các lãnh tụ này cần các đầu óc sáng sủa để nắm giữ sức mạnh kinh tế của đất nước, nhưng lại sợ hãi bất cứ âm mưu nào để quảng bá dân chủ kiểu Tây phương. Sự sợ hãi này có nghĩa là vai trò chiến lược của những sự trao đổi, như phía Hoa Kỳ trông mong, sẽ không nhất thiết là được hoàn tất một cách sớm sủa tại Việt Nam.

Two Steps Forward for Vietnam, Two Steps Back
Patrick Tan
20 August 2007

America’s new ambassador to Hanoi confronts a growing crackdown on human rights

Michael Michalak, the new US ambassador to Vietnam, has arrived with a pledge to push for improved human rights and enhanced economic relations. Michalak, a 32-year Foreign Service veteran, takes over from Ambassador Michael Marine amid tensions over the treatment of political dissenters.

During his three years in Hanoi, Marine saw growing bilateral trade relations that were fully normalized last year, weeks before Vietnam joined the World Trade Organisation in January. However, as he left, the US envoy said the communist country's poor human rights record was his biggest disappointment.

Despite dissatisfaction with the human rights situation in Vietnam, however, the strategic and economic logic of ties between the two countries should ensure that bilateral relations will be expanded. As a recent report by the Washington -based Henry L. Stimson Center noted, the Bush administration’s policy in Southeast Asia is based on the assumption that the region will “remain an area of peace, stability, economic growth, relatively free and open trade and comparatively low priority to US global interests.”

Vietnam, currently the region’s fastest-growing economy, fits into this strategic calculus. At present, the US is Vietnam’s biggest export market, while bilateral trade is expected to reach US$15 billion in 2010. From a long-term view, the relations between the two former enemies have grown dramatically since normalization in 1995. As he pushed the case for normalized trade relations last June, the then Deputy Assistant Secretary of State for East Asian and Pacific Affairs Eric John affirmed that the policy priorities with Vietnam “in the coming months and years” would be furthering the engagement across a range of areas, including educational exchanges and even military relationship.

Human rights concern

Nonetheless, there is no doubt that the American government will continue to press the Vietnamese for tangible progress on religious and political freedoms – the major impediment to the bilateral relationship. This year’s spate of arrests of political activists has led to growing pressure for the Bush administration to take a tougher line against Hanoi on human rights.

For instance, the US House of Representatives is expected to consider legislation soon would ban US non-humanitarian assistance to the Vietnamese government. Although the Senate has in the past rejected this kind of legislation, its reintroduction, and the approval by the House Foreign Affairs Committee in July, reflects a renewed concern that the Vietnamese government has tried to reverse the progress of political openness.

These latest developments are dismaying in light of improving relations over the last 12 months.

Last year, in the run-up to the Party Congress, domestic media were given free rein to discuss sensitive issues, including democracy. There was the emergence of a nascent democracy movement, the so-called Bloc 8406, which is named for the date it was launched, on April 8. All gave the impression that political controls were loosening. In the week before the Asia Pacific Economic Cooperation summit in Hanoi last November, Vietnam was rewarded by being removed from the US list of religious persecutors. And when in Hanoi for APEC, President Bush praised Vietnam as a country “that's taking its rightful place as a strong and vibrant nation.”

And yet, right after Hanoi saw the APEC guests off, the police machinery swung into action. Human Rights Watch called the action “one of the worst crackdowns on peaceful dissidents in 20 years.” US Rep. Earl Blumenauer resigned as chairman of the U.S.-Vietnam Caucus in Congress to protest the convictions of activists, saying “I have been a consistent friend to Vietnam, but I cannot compromise my support for human rights.”

In a show of disapproval, Bush raised human rights with his Vietnamese counterpart, Nguyen Minh Triet, during talks at the White House in June. “In order for relations to grow deeper, it's important for our friends to have a strong commitment to human rights and freedom and democracy,” the US president said.

As he appeared at the Senate confirmation hearing, Ambassador Michael Michalak remarked, “Human rights and the current performance of the government of Vietnam certainly has cause for concern.”

Michalak certainly had received advice from his predecessor, Marine, who has often criticized Vietnam’s lack of political reform. In April, as the crackdown intensified, the US diplomat publicly said Vietnam “must move to give its citizens greater space to express ideas, organize themselves to address issues of concern and participate in the pursuit of real accountability, including, ultimately, the right to select their leaders and representatives.”

In his final media briefing in Hanoi, Marine said, “Perhaps my biggest disappointment here is that we've not been able to expand the space for political dialogue in Vietnam."

A few days before he went to Vietnam, Michalak outlined his priorities in an interview with the Vietnamese-language service of the BBC:

“I intend to work very hard on promoting an expansion of human rights within Vietnam and improving the economic relationship between the US and Vietnam and improving economic development as a whole. I think these are at the core of our relationship, along with the ultimate settlement of finding the remains of those who were lost during the war,” he said.

As if understanding that change in Vietnam won’t be overnight, the new American ambassador said that during his term he would try to “double the number of students coming to the United States from Vietnam.” Given Vietnam’s need for foreign trained personnel, the country would want to look to the US for help.

In his trip to the US, Vietnamese President Nguyen Minh Triet said “education is the strongest link in bringing our nations closer together." On the American side, educational and cultural exchange programs have long been a cornerstone of public diplomacy. Former Secretary of State Madeleine K. Albright used to remark that in transitional countries, these programs helped educate “future leaders about the nuts and bolts of democratic institutions.” The hope is that exchange programs will encourage students to be more accepting of pluralism.

Of course, for the current rulers of Vietnam, overseas study may result in “contaminated” values. They need bright minds to bolster the country’s economic strength, but fear any attempts to promote Western-style democracy. This fear means that the strategic role of exchanges, as envisaged by the United States, won’t necessarily be fulfilled in Vietnam any time soon.

http://asiasentinel.com/index.php?option=com_content&task=view&id=649&Itemid=31