Thứ Tư, 22 tháng 8, 2007

Dân chủ phải được học, nhưng bắt đầu khi nào và ở đâu ?

“… cốt lõi của dân chủ là cố gắng tìm mọi cách để giải quyết những mâu thuẫn giữa cá nhân hay nhóm bằng phương thức nhân bản, trật tự và hoà bình …”

Những thảo luận về bài viết “Thời điểm của một xét lại bắt buộc” của Nguyễn Gia Kiểng trong thời gian vừa qua rất sôi động và đã mở ra một hướng đi mới cho sinh hoạt dân chủ. Dựa vào bài viết ấy chúng ta đã có những đánh giá về đối lập dân chủ dưới nhiều góc độ. Chúng ta đã đặt nhiều câu hỏi cho đối lập dân chủ với hi vọng có được những câu trả lời thuyết phục để giúp đối lập dân chủ có được đồng thuận về đường hướng và phương thức đấu tranh. Nhưng có một câu hỏi có lẽ cũng cần được đặt ra để xem xét khi bàn về đối lập dân chủ. Đó là dân chủ có phải được học không và chúng ta đã bắt đầu học dân chủ khi nào và ở đâu?


*

Nói đến phải bắt đầu học dân chủ khi nào và ở đâu làm chúng ta nghĩ tới phải bắt đầu học dân chủ lúc còn ở tuổi đi học và học ở trường học. Nhưng hệ thống giáo dục của nuớc ta thiếu hụt dân chủ. Tiến trình giảng dạy các em thành những công dân dân chủ không có. Trong các bài học lịch sử về cuộc chiến tranh vừa qua, các em đã được học sử dụng những ngôn ngữ hiếu chiến, được học để ca tụng bạo lực, được học để kì thị và phân biệt lí lịch. Khi có người chống đối các phát biểu mang tính kì thị như “ngụy” quân “ngụy” quyền thì lại có người cho là các em đang sử dụng quyền tự do phát biểu ý kiến. Nhưng các em có được giảng dạy thế nào là quyền tự do phát biểu ý kiến thực sự đâu! Đó là một khái niệm phức tạp mà không phải người nào cũng hiểu. Quyền tự do có thể bị giới hạn vì quyền tự do của người khác đòi hỏi phải được giải thích, tranh luận và thực hành.

Hệ thống giáo dục của chúng ta không chú trọng đến vấn đề làm thế nào để cung cấp cho các em những kiến thức, những cách hành xử và những kĩ năng mà các em cần có để trở thành một công dân dân chủ trong xã hội. Bởi vậy chúng ta đã không giảng dạy các em cách giải quyết những mâu thuẫn một cách hoà bình và trật tự cũng như những kĩ năng sống trong xã hội dân chủ.

Vì tương lai của nhà nước pháp quyền dân chủ và lối sống dân chủ, nhà trường cần phải giảng dạy kiến thức, cách hành xử và kĩ năng cho các em. Đó là một yêu cầu khẩn thiết. Giáo dục phải đào tạo được những con người với bản sắc riêng và một nhân cách ổn định vững chắc. Không thể chỉ lo đào tạo các em thành những con người chỉ biết nghĩ tới cá nhân mình mà phải giảng dạy các em cách thức quan hệ với nhau trong cuộc sống cá nhân và xã hội, về công chính, tương trợ và duy trì các giá trị.

Sự gắn bó với xã hội không phải tự nhiên mà có. Trái lại nó còn bị nhiều người chê trách. Gắn bó với xã hội và tinh thần trách nhiệm phải được học tập. Vì vậy việc đào tạo các thế hệ mới, chính là lợi ích chung của xã hội mà chúng ta đã gần như lãng quên.

Phần lớn chúng ta thích dân chủ hơn độc tài. Vì vậy dân chủ trở thành mẫu số chung lớn nhất của các quyền lợi. Nhưng dân chủ không phải chỉ gồm những khía cạnh luật nhà nước, có tính hình thức được ghi trong hiến pháp. Mà đặc tính quan trọng của dân chủ còn là luân lí xã hội. Cách sống chung dân chủ như vậy đòi hỏi các công dân phải sẵn sàng giải quyết các mâu thuẫn bằng đối thoại và thương lượng, nếu cần thì nhờ trung gian của quan toà, nhưng trong bất kì trường hợp nào cũng không được sử dụng bạo lực.

Như vậy cốt lõi của dân chủ là cố gắng tìm mọi cách để giải quyết những mâu thuẫn giữa cá nhân hay nhóm bằng phương thức nhân bản, trật tự và hoà bình. Ngoài ra luân lí dân chủ còn bao gồm sự bình đẳng và giá trị bình đẳng, tinh thần trách nhiệm xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ, việc cấm kì thị tôn giáo, nguồn gốc hay phái tính, quyền của thiểu số v.v.

Tư tưởng chỉ đạo là nhà nước pháp quyền dân chủ là một hình thái xã hội độc nhất cho phép sự đa dạng của các khuynh hướng tôn giáo, văn hoá và chính trị sống chung trong trật tự và hoà bình. Đồng thời dân chủ ấy là một hệ thống chính trị và là một hình thái xã hội rất dễ bị tổn thương. Nó luôn bị đe doạ bởi tính ích kỉ, sự thờ ơ, việc cho là có dân chủ là một sự hiển nhiên không cần phải tranh đấu và vì vậy đã tạo cơ hội cho các cuộc tấn công của những người muốn áp đặt hệ thống giá trị độc tài của mình lên những người khác.

Việc không đặt quyền lợi chung là mục đích của việc giáo dục và đào tạo là một điều rất đáng lo ngại. Xã hội hoá các em rất quan trọng cho tương lai của nhà nước pháp quyền dân chủ. Có nhiều chỉ dấu cho thấy là việc mong muốn dân chủ đang mất đi tính hiển nhiên của nó. Việc đặt nặng quyền lợi riêng, việc tính toán trong đời sống công dân, việc thiếu ý thức về quyền lợi chung, việc không xác định được bản sắc của mình với xã hội, việc thờ ơ với công việc chính trị, thói luồn lách tham nhũng,… là những mối nguy cho dân chủ.

Trái với độc tài, xã hội dân chủ không thể sử dụng các nghị quyết để áp đặt những nguyên tắc nền tảng của dân chủ. Thuyết phục là giải pháp duy nhất. Vì vậy việc giáo dục và đào tạo phải chú trọng tới việc xây dựng những nhân cách dân chủ để việc mỗi người biết cách tìm sự quân bình giữa nhu cầu cá nhân và xã hội trở thành bản tính thứ hai của mình.

Một sự thực đau lòng của ngày nay là có nhiều người dân không chịu học để biết dân chủ thực sự là thế nào. Để thấy giá trị của hình thái xã hội dân chủ này đáng trân trọng như thế nào ít nhất ta phải biết tại sao con người đã chọn hình thái xã hội này. Nếu không biết là lịch sử đã cho thấy là con người đã phải tranh đấu rất cực khổ mới có được hình thái xã hội này, thì cũng sẽ không biết trân trọng nó.

Có nhiều lí do để lo lắng về khối người ủng hộ dân chủ. Sự thờ ơ của dân chúng với việc đòi hỏi dân chủ, thói quen luồn lách để tìm những giải pháp cá nhân, tinh thần nhân sĩ và gia trưởng là những trở ngại trong việc vận động được nhiều người ủng hộ việc tranh đấu cho dân chủ.

Thiếu kiến thức và sự gắn bó với dân chủ làm cho dân chủ dễ bị tổn thương. Nếu có nhiều người không quan tâm tới dân chủ thì những quy luật và cơ cấu dân chủ sẽ không còn chỗ đứng. Đó là phát biểu của nhà chính trị học Hoa Kì Meira Levinson. Trong trường hợp này trật tự chính trị xã hội sẽ phát triển rất nhanh theo chiều hướng không còn tự do và sẽ tạo cơ hội cho một thiểu số cuồng tín nắm quyền. Phương cách tốt nhất để chống tình trạng này là lo làm sao để con số những công dân coi trọng dân chủ và gắn bó với dân chủ là một thói quen, tăng lên. Giáo dục và đào tạo vì vậy trở thành rất quan trọng trong việc xây dựng “ý muốn” sống với nhau theo phương cách dân chủ.

Giáo dục dân chủ không phải chỉ là nhiệm vụ của nhà trường. Nó còn là nhiệm vụ của gia đình. Theo các cuộc điều tra thì giáo dục gia đình dựa vào uy quyền là cách tốt nhất để giáo dục con em sống trong một xã hội dân chủ cởi mở. Từ uy quyền muốn chỉ việc dùng uy tín hơn là dùng sức mạnh. Cha mẹ biết lo lắng cho con cái, đặt ra những giới hạn rõ ràng, chú ý nhiều tới giải thích, khuyến khích phát triển tinh thần trách nhiệm, làm gương về cách hành xử theo luân lí dân chủ và biết ứng xử theo lối lãnh đạo dân chủ cởi mở.

Có hai mối đe doạ dân chủ. Một là quá chú trọng tới quyền lợi riêng và vì vậy thờ ơ với những công việc chung. Hai là việc tăng trưởng các tình cảm chống dân chủ nhằm mục đích phá vỡ nhà nước pháp quyền. Phòng tuyến đầu tiên để chống những mối nguy này là một hệ thống hoàn chỉnh về các quy định và luật pháp và sẵn sàng bảo vệ nó. Nhưng muốn được như vậy phải có được sự ủng hộ của dân chúng. Việc được sự ủng hộ này không phải tự nhiên mà có. Vì vậy một xã hội dân chủ phải thông qua việc xã hội hoá để có được sự tái sản xuất và đổi mới nhân sự. Bây giờ là thời gian để nhà trường và gia đình làm tròn nhiệm vụ giáo dục và đào tạo con em thành những con người dân chủ.

Sau thế chiến thứ hai các người phương Tây đã quay lưng lại với độc tài để xây dựng dân chủ. Nhưng sau cuộc chiến tàn sát nhau vừa qua ở Việt nam, người Việt nam chúng ta vẫn tiếp tục tôn thờ độc tài. Bởi vậy bây giờ chúng ta phải xây dựng nền tảng cho một nhà nước pháp quyền dân chủ. Tự do cá nhân chỉ có thể có được bằng các cuộc tranh đấu tập thể của các công dân. Bởi vậy việc giáo dục và đào tạo con em thành những người dân chủ không phải chỉ là việc của nhà nước mà là một việc chung có ý thức của mọi công dân, tổ chức và chính quyền nói cách khác là của xã hội dân sự. Việc tranh đấu này không phải chỉ làm một lần. Xã hội hoá là một tiến trình theo chiều dọc từ các lãnh vực khác nhau, tư và công, phải được nâng đỡ và duy trì.


*

Nhà trường Việt nam và gia đình Việt nam hiện nay không quan tâm tới việc đào tạo những con người dân chủ. Hệ quả là những người dân Việt nam không biết thế nào là dân chủ thực sự và vì vậy không biết sống theo cách sống dân chủ, không biết trân trọng dân chủ. Như vậy tương lai của một nhà nước pháp quyền dân chủ mà mọi người mong muốn cho Việt nam sẽ ra sao? Đây là một vấn nạn mà đối lập dân chủ cần phải xem xét kĩ lưỡng trong việc hình thành lộ đồ tranh đấu để chuyển hoá Việt nam thành nhà nước dân chủ.

Tình trạng người dân bình thường Việt nam là như vậy. Còn những người tranh đấu cho dân chủ thì sao? Các người tranh đấu này đã học dân chủ khi nào và ở đâu? Cách thức sinh hoạt dân chủ đã trở thành bản tính thứ hai của mỗi người chưa? Và với việc nhiều người Việt nam chưa có cơ hội học dân chủ thì trách nhiệm của những người tranh đấu cho dân chủ phải như thế nào và phải làm gì? Đó là những câu hỏi mà những người tranh đấu cho dân chủ phải thẳng thắn tự xét lại mình một cách không khoan nhượng để tìm câu trả lời cho mình nếu còn muốn tiếp tục tranh đấu cho dân chủ đến thành công.

Lâm Đồng 20-08-2007
Trần Bảo Lộc

Không có nhận xét nào: