Thứ Hai, 30 tháng 7, 2007

Vấn-Dề Tranh-Chấp Trường-Sa: Hậu-Quả Của Những Sai Lầm Chiến-Lược

I. Những nạn-nhân trực-tiếp :

Theo tin BBC loan báo ngày 20 tháng 7 năm 2007 « tàu hải quân Trung Quốc hôm 9/7 đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, cách TP Hồ Chí Minh 350km làm cho một ngư dân thiệt mạng và một số người khác bị thương ». Ngày hôm sau RFA xác-nhận tin này sau khi trích bản tin của hãng tin Kyodo (Nhật Bản). Trên bản-đồ, địa-điểm xảy ra biến-cố thuộc vùng biển ở giữa vùng Trường-Sa và bờ biển Việt-Nam.

Biến-cố xảy ra đã 2 tuần-lễ nhưng phía Việt-Nam và Trung-Quốc hoàn-toàn im-lặng (cho đến thời-điểm viết bài này). Việc im lặng của hai phía đã không làm người ta ngạc-nhiên. Cả hai (tức hai đảng cộng-sản) chỉ giải-quyết vấn-đề theo lối « anh em đóng cửa dạy nhau », không cho người ngoài xen vào, nhưng mọi người đều biết là anh ba Trung-Quốc luôn « giao-thiệp nghiêm-khắc » với đám em út Việt-Nam.

Nhớ lại biến-cố vịnh Bắc-Việt ngày 8 tháng 1 năm 2005, hải-quân Trung-Cộng « giao thiệp nghiêm khắc » xả súng bắn chết 9 ngư-dân Việt-Nam cư-ngụ tại các làng chài lưới vùng Thanh-Hóa, bắt đi 8 người khác và tịch-thu một thuyền đánh cá (xảy ra ở điểm có tọa-độ 19° 16’ vĩ-độ Bắc và 107° 06’ kinh-độ Ðông, chiếu theo hiệp-định phân-định vịnh Bắc-Bộ tháng 12 năm 2000, điểm này thuộc hải-phận Việt-Nam). Rõ ràng đây là hành động của hải-tặc. Hải-quân Trung-Quốc xâm-phạm chủ-quyền của Việt-Nam lại còn giết người, cướp của, nhưng phía Trung-Quốc « nghiêm-khắc » dạy nhà-nước VN rằng chính những ngư-nhân Thanh-Hóa mới là hải-tặc. Vụ việc này đến hôm nay không ai biết được đã giải-quyết ra sao, các nạn-nhân được đền bồi thế nào ?

Ngày hôm nay những ngư-dân Việt-Nam đánh cá trong vùng biển của mình cũng bị Trung-Quốc « nghiêm khắc giao thiệp » bằng súng ống. Biến-cố xảy ra tại vùng biển cách Sài-Gòn 350km, tức cách bờ biển VN khoảng 250km, tức ở giữa vùng Trường-Sa và bờ biển Việt-Nam. Vị-trí này nằm trên thềm lục-địa của Việt-Nam chứ không thuộc hải-phận (nếu có) của các đảo thuộc Trường-Sa. Nên biết, việc xảy ra trong vùng biển này không phải chỉ mới lần đầu mà đã có nhiều lần tương-tự trong quá-khứ. Điều 1 của bộ « luật biên giới quốc gia » năm 2003 qui-định : « Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ». Điều luật liên-quan đến Hoàng-Sa và Trường-Sa phù-hợp với lịch-sử Việt-Nam và thực-tế công-pháp quốc-tế. Các ngư-nhân Việt-Nam đánh cá trong vùng biển xảy ra biến-cố là đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt-Nam.

Tuy-nhiên, Đại-Tá Lê Phúc Nguyên, phó Tổng-Biên-Tập báo Quân-Đội Nhân-Dân, trả lời phỏng-vấn với báo The Straits Times (Tân-Gia-Ba) được BBC ghi lại ngày 19 tháng 7: « Ngư dân rất khó mà biết được đâu là lằn ranh chính xác giữa hai bên. Thế nhưng không nên dùng vũ lực trên biển vì việc này sẽ chỉ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn mà thôi »

« Lằn ranh » mà ông Nguyên nói là lằn ranh nào ? Đã có phân-định lãnh-hải chưa mà nói đến « lằn ranh » ? Lãnh-hải chưa phân-định sao lại nói đến « lằn ranh chính xác giữa đôi bên » ? Nhưng khi nói đến « phân-định » thì đã gián-tiếp công-nhận tính hợp-lý và hơp-pháp của đối-tượng tranh-chấp. Bọn cướp vào cướp đất, cướp đảo, cướp biển của mình, bây giờ mình « phân-định » với nó, vạch ra « lằn ranh », mình một bên, nó một bên à ? Phát biểu của ông Nguyên không khác những lời phát-biểu ngu-xuẫn, thiển-cận, theo lối tự bắn vào chân mình, của các viên-chức cao-cấp như Ung Văn Khiêm, Lê Lộc (1956) và Phạm Văn Đồng (1958) dưới thời Hồ Chí Minh. Một trong các chứng-cớ mà Trung-Quốc dựa lên để đòi hỏi chủ-quyền Hoàng-Sa và Trường-Sa là các lời tuyên-bố hàm-hồ, vô trách-nhiệm của các ông này. Nay mai sẽ có thể có tên của ông đại-tá Nguyễn Phúc Nguyên trong danh-sách ấy !

Ông Nguyên cũng nói « không nên dùng vũ lực trên biển vì việc này sẽ chỉ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn mà thôi ». Trung-Quốc thường-xuyên dùng vũ-lực trên biển nhưng đã dẫn đến « vấn-đề nghiêm-trọng » nào ? Đài-Loan cách đây không lâu cũng tập-trận bằng đạn thật trên đảo Ba-Bình (Itu Aba, thuộc Trường-Sa), xây ra-đa, làm lại phi-trường, công-sự chiến-đấu… trên đảo nhưng Việt-Nam đã làm được gì Đài-Loan ? Phía Nam-Dương cũng thế, vừa rồi bắn chìm thuyền và gây tử thương nhiều ngư dân VN, nhưng có việc nào « nghiêm-trọng » đã xảy ra đâu ? Thực sự sẽ không có việc gì nghiêm-trọng xảy ra cả, lý-do rất đơn-giản : Việt-Nam không có một khả-năng đối-kháng nào, hải-quân Việt-Nam đối với Trung-Quốc, Nam-Dương, Đài-Loan… là đứa bé sơ-sinh trước những anh khổng-lồ.

Ở một nước mà nhà-nước có trách-nhiệm, các biến-cố (tai-nạn) tương-tự đều được giải-quyết một cách minh-bạch và theo luật-pháp, các nạn-nhân phải được đền-bồi đầy đủ, quốc-gia phía sai-quấy phải có công-hàm chính-thức xin-lỗi gia-đình và quốc-gia các nạn-nhân. Ở đây ta thấy nhà-nước Việt-Nam, dầu đã tỏ ra rất côn-đồ trong việc giải-quyết các vụ dân oan bị cán-bộ đảng cộng-sản cướp đất trong những ngày trung tuần tháng 7-2007 vừa qua, nhưng lại tỏ ra khiếp-nhược đến mức hèn-hạ trước những nước hùng-mạnh khác. Có nhiều triệu-chứng cho thấy biến-cố ngày 9 tháng 7 năm 2007 sẽ như biến-cố trong vịnh Bắc-Việt ngày 8 tháng 1 năm 2005. Những nạn-nhân vô-tội sẽ bị Trung-Quốc vu-cáo là hải-tặc, rồi mọi việc sẽ chìm vào quên lãng.

Chúng ta cũng không thể không nhắc đến những vạt dầu không biết từ đâu liên-tục trong nhiều tháng (đầu năm 2007) từ ngoài khơi tràn vào bờ biển miền Trung VN, chạy dài từ Quảng-Bình cho đến Phan-Thiết, gây ô-nhiễm môi-sinh và làm thiệt-hại lớn lao cho kinh-tế của những người dân sống trong vùng. Nhà-nước VN hôm nay vẫn không biết nguồn-gốc các vết dầu loan ấy đến từ đâu. Vừa qua ông thủ-tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng sẽ nhờ Nhật-Bản truy-tầm nguồn các vết dầu đã gây ô-nhiễm ấy nhưng đến nay chưa thấy công-bố kết-quả. Chắc-chắn các vệ-tinh của Nhật-Bản không mù-lòa và bất-lực như nhà-nước VN. Họ đã biết các vạt dầu ấy từ đâu đến, nhưng nhà-nước VN không công-bố vì sợ phản-ứng mạnh của Trung-Quốc.

Qua các lời tố-cáo trước đây, tháng 5 năm 1992, TC ký với công ty Crestone, Hoa Kỳ để tìm dò một khu-vực 25.000 km2 thuộc lãnh-hải Việt-Nam, nằm về phía tây quần-đảo Trường-Sa (thuộc bãi Tu-Chính, không thuộc nhóm Trường-Sa) và chỉ cách bờ biển Việt-Nam khoảng 250Km. Tháng 3 năm 2004 Trung cộng mang dàn khoan KANTAN 3 vào trong hải-phận Việt-Nam, thuộc vùng cửa vịnh Bắc-Việt để thăm-dò. Khu-vực mục tiêu nằm ở tọa độ 17 độ 25’ 42 ‘’, vĩ độ Bắc, 108 độ 19’05’’ kinh độ Đông, cách bờ biển Việt-Nam 63 hải-lý, và cách đảo Hải-Nam 67 hải-lý. Tháng 8 năm 2006, Trung-Quốc đã cho khai-thác giếng dầu Hóa-Quang, thuộc khu-vực Hoàng-Sa, cách Đà-Nẵng 230km v.v…

Phía Việt-Nam có lên tiếng phản-đối lấy-lệ nhưng Trung-Quốc đã bất-chấp những phản-đối này và ngang-nhiên khai thác những mỏ dầu trên thềm lục-địa Việt-Nam hoặc thuộc lãnh-hải Việt-Nam.

Như thế, chắc-chắn là các giếng dầu của Trung-Quốc khai-thác đã làm tràn dầu gây ô-nhiễm cho bờ biển các tỉnh miền Trung của Việt-Nam. Vấn-đề đặt ra : Chủ-quyền vùng khai-thác đã xác-định chưa ? Việt-Nam sẽ phản-ứng ra sao nếu vùng Trung-Quốc hiện khai-thác thuộc Việt-Nam ? ai sẽ bồi-thường những thiệt-hại cho dân-chúng và tái-tạo lại môi-trường bị ô-nhiễm tại các vùng bị dầu loang ?

II. Trung-Quốc và quan-niệm « không-gian sinh-tồn ».

1/ Không-gian sinh-tồn, tạm dịch từ “L’Espace Vital”, tác-phẩm nghiên-cứu về “địa-lý chính-trị” – Géopolitique – nổi tiếng của Ratzel xuất-bản năm 1902, đề-cập 7 định-luật liên-quan đến sự bành-trướng của một quốc gia: Định-luật 1. Không-gian (sinh-tồn) của một dân-tộc được mở rộng đồng-thời với văn-minh của dân-tộc đó. Một dân-tộc có nền văn-minh tiến-bộ sẽ đồng-hóa các dân-tộc kém văn-minh hơn. 2. Lãnh-thổ quốc-gia sẽ phát-triển theo tỉ-lệ thuận với sức mạnh kinh-tế và đội-ngũ thương-buôn của quốc-gia cũng như chủ-thuyết phát-triển quốc-gia. Việc bành-trướng vì thế chỉ tùy-thuộc vào ý-chí và phương-tiện. 3. Việc bành-trướng của một đế-quốc được thực-hiện qua cách « hấp-thụ và tiêu-hóa » các nước nhỏ. 4. Đường biên-giới quốc-gia không xác-định (frontière vivante). Biên-giới xác-định chỉ có giá-trị tạm-thời, chỉ để đánh dấu giữa hai giai-đoạn bành-trướng. 5. Trong quá-trình bành-trướng, đất (bây giờ là biển) là mục-tiêu chính. 6. Mục-tiêu bành-trướng là các quốc-gia yếu-kém ở kế-cận. Sự bành-trướng của đế-quốc không thể tiến-triển nếu quốc-gia lân-bang cũng là cường-quốc. 7. Hiện-tượng bành-trướng có khuynh-hướng lan rộng do việc tranh-dành lãnh-thổ của các quốc-gia.

Những nhà chiến-lược hiện-đại cho rằng lý-thuyết « địa-lý chiến-lược » của Ratzel là sơ-khai, lỗi-thời, tuy-nhiên, ở một số điểm cơ-bản lý-thuyết này vẫn còn nguyên giá-trị cho đến ngày nay. Tranh chấp lãnh-thổ Do-Thái và Palestine là một thí-dụ điển-hình. Lý-thuyết này cũng đã ảnh-hưởng rất sâu-đậm lên nhiều thế-hệ lãnh-đạo Trung-Hoa, như Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào v.v… Tưởng Giới Thạch có tuyên-bố về « không-gian sinh-tồn » của Trung-Quốc như sau : « le territoire de l’Etat chinois est délimité par les besoins de son exitance et par les bornes de sa culture » , lãnh-thổ của Trung-Quốc định-nghĩa theo họ Tưởng là được xác-định bằng văn-minh cũng như những cần thiết để dân-tộc này hiện-hữu. Như thế bao gồm hầu hết các nước Đông-Nam Á. Các học-giả Tây-Phương gọi Trung-Quốc là một « Empire sans voisin », một đế-quốc không có nước láng-giềng.

Lý-thuyết của Ratzel cũng ảnh-hưởng đến một số các lãnh-tụ đảng-phái quốc-gia Việt-Nam.

Mặt khác, ngoài lý-thuyết của Ratzel, các nhà lãnh-đạo Trung-Quốc sau này cũng ảnh-hưởng sâu đậm đến lý-thuyết của Alfred Mahan (1840-1904) về địa-lý chính-trị. Bài học bị phân-liệt bắt đầu từ 1840, kéo dài đến cả trăm năm đã làm cho nhiều lớp trí-thức ái-quốc Trung-Hoa ý-thức được cái hay của học-thuật Tây-Phương. Theo lý-thuyết này hải-quân đóng vai-trò trọng-yếu trong quá-trình bành-trướng của một quốc-gia.

Từ 1949 đến nay Trung-Quốc đã nỗ-lực liên-tục để hiện-đại hóa hải-quân của họ.

2/ Bảy định-luật của Ratzel, ngoài định-luật số 2, hoàn-toàn chứng-nghiệm cho dân-tộc Hán từ lập-quốc đến ngày hôm nay. Định-luật 1 : Nền văn-minh Hán-Tộc đã đồng-hóa tất cả các dân-tộc khác, kể các các dân-tộc dũng-mãnh đã chiếm-hữu và trị-vì Trung-Quốc. Văn-hóa các dân-tộc Mãn-Châu, Mông-Cổ, Liêu, Kim… đã không còn dấu vết ở Trung-Quốc. Định-luật 3 : Dân-tộc Hán luôn bành-trướng và tiêu-diệt (hay Hán-hóa) tất-cả các dân-tộc khác. Hiện nay việc đồng-hóa đang được thực-hiện ráo-riết tại Tây-Tạng. Đặc-biệt hai định-luật số 5 và 6 phản-ảnh rõ-rệt thái-độ bành-trướng của Trung-Quốc ngày hôm nay : Trung-Quốc xem vùng biển Đông của Việt-Nam là « không-gian sinh-tồn » của dân-tộc Hán ; Trung-Quốc không bao giờ muốn thấy một Việt-Nam giàu mạnh. Một nước Việt-Nam giàu, mạnh sẽ ngăn-cản sức bành-trướng của Trung-Quốc.

Các thế-hệ lãnh-đạo Trung-Quốc từ đầu thế-kỷ 20 cho đến nay đều có chung quan-điểm này. Họ luôn tìm cách làm cho Việt-Nam suy-yếu để thực-hiện nhu-cầu bành-trướng. Mục-tiêu trước tiên là chiếm biển Đông và kéo Việt-Nam vào vòng ảnh-hưởng của họ. Ta thấy Nam-Hàn, Nhật-Bản đã ý-thức hiểm-họa đến từ Trung-Quốc. Hai nước này muốn hiện-hữu phải « mạnh », hay phải dựa vào một thế lực mạnh. Theo thuyết của Samuel P. Huntington về « Sự Đụng-Độ của các nền văn-minh », nguyên-nhân đụng-độ đến từ tranh-chấp biển Đông, sau đó Nhật-Bản ngả về phía Trung-Quốc, lúc đó là một đại-cường. Lý-thuyết này phần nhiều chủ-quan, nhưng không thể bỏ qua. « Chủ-Nghĩa nước nhỏ » vì thế sẽ không thể hiện-hữu được ở các nước láng-giềng của Trung-Quốc. Định-mạng đã xếp dân-tộc Việt-Nam ở kế-cận Trung-Quốc, vì thế phải thật khéo-léo. Nếu Việt-Nam không đủ mạnh thì phải dựa vào một thế-lực mạnh khác (như trường-hợp Đại-Hàn, Đài-Loan và Nhật-Bản) để tự-vệ, nếu không chắc-chắn sẽ không tránh được hấp-lực của Trung-Quốc.

3/ Trung-Quốc không muốn một Việt-Nam thống-nhất và mạnh. Trong thời chiến-tranh 1954-1975 mọi người đều biết Trung-Quốc sẵn-sàng giúp súng-đạn cho CSVN đánh Mỹ đến người Việt-Nam cuối cùng. Ngay sau khi thống-nhất 1949, Trung-Quốc có cả một sách-lược đào-tạo các cán-bộ tương-lai lãnh-đạo Việt-Nam. Đỗ Mười và Lê Đức Anh cũng thuộc đội-ngũ cán-bộ này. Vì thế chính-trị đối-ngoại của Việt-Nam trong một thời-gian rất dài luôn phù-hợp với quan-niệm địa-lý chiến-lược của Trung-Quốc. Người ta ca-ngợi nhiều về tư-tưởng của ông Hồ Chí Minh (vận-dụng từ tư-tưởng quốc-tế Marx-Lenin), cho nó có một giá-trị thực-dụng dựng nước bất-khả tranh-nghị và đưa nó lên hàng tư-tưởng chiến-lược phát-triển quốc-gia. Nhưng đây là một sai lầm lớn, vì nếu xét tỉ-mỉ thì tư-tưởng của ông Hồ luôn phù-hợp với chính-sách bành-trướng của Trung-Quốc. Người ta cho rằng ông Hồ là người « yêu nước », nhưng quan-niệm về quốc-gia của ông Hồ là một cái gì rất không rõ-rệt : « Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa ». Nhiều học-giả nước ngoài phê-bình Việt-Nam lấy đất nước để xây dựng XHCN trong khi Trung-Quốc lấy XHCN xây-dựng đất nước. Trong tư-tưởng của ông Hồ người ta thấy thấp-thoáng một « chủ-nghĩa nước nhỏ », đu giây giữa hai thế-lực áp-đảo là Liên-Xô và Trung-Quốc, khai-thác những mâu-thuẩn của hai thế-lực này để thực-hiện mưu-đồ cá-nhân và làm tròn bổn-phận của một thành-viên quốc-tế vô-sản gương-mẫu. « Chủ-nghĩa nước nhỏ » của ông Hồ đã trở thành « chủ-nghĩa chư-hầu », cam chịu lệ-thuộc, làm tay chân cho Nga và Tàu bành-trướng chủ-nghĩa hơn là tự-chủ và độc-lập dân-tộc. Việt-Nam đã có lần mang danh « thành đồng cách-mạng vô-sản » là một bằng-chứng. Nhưng vấn-đề của ông Hồ không nằm trong phạm-vi bài viết này.

Trung-Quốc cũng là một trong những tác-nhân chánh trong vấn-đề Việt-Nam chia cắt tại vĩ-tuyến 17. Theo nhiều nhân-chứng ghi lại, trong cuộc-chiến (1954-1975) phía Bắc-Kinh luôn chủ-trương 2 nước Việt-Nam và họ đã làm nhiều thủ-thuật để gây trở ngại cho phe miền Bắc trong các chiến-dịch tiến-công miền Nam. Ngay sau khi Hoa-Kỳ rút khỏi miền Nam, trong những ngày cuối cùng, Bắc-Kinh đề-nghị với một số lãnh-đạo miền Nam, thông qua tòa đại-sứ Pháp, Trung-Quốc sẽ dàn quân trên biên-giới Việt-Trung làm áp-lực, ép Hà-Nội rút quân và ngồi vào đàm-phán. Làm thế vì Trung-Quốc không bao giờ muốn một Việt-Nam thống nhất.

Sau 1975, chủ-trương của Trung-Quốc là muốn có một Việt-Nam suy-yếu ở phía Nam. Trong khoảng thời-gian 1975-1978 Việt-Nam say men chiến-thắng, dựa vào Liên-Xô hống-hách với Trung-Quốc. Trung-Quốc liên-minh với Hoa-Kỳ bao vây Việt-Nam, ngăn-chắn sự bành-trướng của Liên-Xô. Cuộc chiến 10 năm Kampuchia, Đặng Tiểu Bình giúp-đỡ tận-tình Khmer đỏ, chủ-trương « làm cho VN chảy máu đến chết ». Đây là cái bẩy hiểm-độc mà Đặng Tiểu Bình gài cho lớp lãnh-đạo « phản-phúc » ở Hà-Nội. Theo nguyên thứ-trưởng bộ Ngoại-Giao Trần Quang Cơ, qua hồi-ký năm 2002, đây là một thất-bại vô cùng lớn về ngoại-giao của Việt-Nam. Đúng ra đây không phải là một thất bại ngoại-giao, mà phải nói là một sai lầm chiến-lược của nhóm lãnh-đạo Hà-Nội.

Thực-tế và lịch-sử cho thấy Khmer đỏ của tập-đoàn Pol Pot là một lũ diệt-chủng, cả thế-giới kinh-tởm và lên án. Hiện nay có nhiều nỗ-lực vận-động một tòa-án đặc-biệt để xử các hung-thần Khmer đỏ hiện còn sống-sót nhưng còn gặp nhiều trở ngại. Lý ra, khi can-thiệp vào Kampuchia, Việt-Nam đã có vai trò của một anh hùng cứu dân độ thế. Thế nhưng hầu như cả thế-giới lúc đó chống lại Việt-Nam. Thái-độ hung-hăng của Việt-Nam, quá thân Liên-Xô, đòi đánh cả Thái-Lan, đã làm cho khối ASEAN và Hoa-Kỳ ủng-hộ lập-trường Trung-Quốc, giúp Khmer đỏ, bao-vây Việt-Nam về mọi mặt . Hậu-quả sai-lầm này vẫn còn ảnh-hưởng sâu-đậm đến Việt-Nam hôm nay.

4/ Lãnh-đạo CSVN không có viễn-kiến. Khi Liên-Xô sụp-đổ đầu thập niên 90, thay vì nhanh-chóng lập quan-hệ ngoại-giao với Hoa-Kỳ, thiết-lập trục chiến-lược Do-Thái - Ấn-Độ - Việt-Nam – Nhật-Bản để tìm thế đối-trọng, lãnh-đạo Việt-Nam lại quyết-định khấu đầu hướng về thiên-triều, liên-kết với Trung-Quốc để bảo-vệ thành-trì xã-hội chủ-nghĩa, xem Hoa-Kỳ là kẻ thù chiến-lược. Đây là một sai-lầm về chiến-lược khác của Hà-Nội, đã dẫn Việt-Nam vào vòng kềm-tỏa của Trung-Quốc, kéo đất nước trì-trệ thêm hàng thập niên so với các nước trong vùng. Theo hồi-ký Trần Quang Cơ, thủ-phạm của sai-lầm chiến-lược lần này là Đỗ Mười và Lê Đức Anh.

Trong việc giao-thương với Hoa-Kỳ, Trung-Quốc luôn tìm cách phá-bỉnh, vụ ngưng ký hiệp-ước thương-mãi với Hoa-Kỳ, để cho Trung-Quốc ký trước, năm 2000 là một thí-dụ. Trung-Quốc không muốn Việt-Nam có quan-hệ chặt-chẽ với Hoa-Kỳ. Trung-Quốc biết rằng chỉ có Hoa-Kỳ mới có thể giúp Việt-Nam phát-triển bắt kịp các nước rồng, hổ trong vùng.

Khuynh-hướng chính-trị hiện nay của đảng CSVN thông qua ông Nông Đức Mạnh, là tiếp nối con đường của Đỗ Mười và Lê Đức Anh, đã làm Việt-Nam trì-trệ hàng 20 năm và đẩy Việt-Nam lệ-thuộc ngày thêm sâu-đậm vào Trung-Quốc. Công việc chính của ông Tổng Bí-Thư họ Nông là xem việc nhà, việc làng to hơn việc đảng, xem việc đảng to hơn việc quốc-gia. Việt-Nam sẽ phải trì-trệ thêm nhiều năm nữa.

5/ Bành-trướng ra biển Đông.

Ngoài mục-tiêu phải làm Việt-Nam suy-yếu, Trung-Quốc hiện-đại hoá quân-đội của họ, nhất là hải-quân, để bành-trướng ra biển Đông.

Năm 1949, Trung-Quốc cho công-bố một bản-đồ, trong đó lãnh-hải của Trung-Quốc bao gồm tất cả các đảo Đài Loan, quần đảo Senkaku (Điếu-Ngư), Pescadores (Bành-Hồ), Pratas (Đông-Sa), Macclesfield Bank (Trung-Sa), Paracel (Tây-Sa tức Hoàng Sa của Việt-Nam) và Spratley (Nam-Sa, tức Trường Sa của Việt-Nam). Đường xác-định lãnh-hải chỉ cách bờ biển của Việt-Nam, Phi-Luật-Tân, Mã-Lai, Brunei khoảng 50 đến 100km. Năm 1974, Trung-Quốc sử-dụng vũ-lực tấn-công Hoàng-Sa và chiếm quần-đảo này từ tay Việt-Nam Cộng-Hòa. Tháng 3 năm 1988, Trung-Quốc cho tàu đổ bộ vào chiếm 6 rạng đá nhỏ vùng rạng đá Chữ Thập (Recif Croix de Feu – Fiery Cross), bắn chìm 3 tàu Việt-Nam, gây thiệt mạng 74 chiến-sĩ. Vào tháng 2 năm 1992, Trung-Quốc ra Luật Lãnh-Hải Trung Quốc (Chinese Territorial Waters Law) qui-định rõ các đảo và quần-đảo nói trên thuộc Trung-Quốc. Ngày 21 tháng 5 cùng năm, Đài-Loan ra luật lãnh-hải có nội-dung tương-tự. Nói thêm là trong vụ đánh chiếm các vị-trí của Việt-Nam tại bãi Chữ-Thập, Trung-Cộng đã được quân Đài-Loan đóng tại đảo Ba-Bình giúp-đỡ về vật-chất như nước uống. Trung-Quốc đã cho xây tại đây một căn-cứ quân-sự có dạng tương-tự như một chiếc hạm. Năm 1992, Trung-Cộng đánh chiếm thêm một vị-trí của VN trên Trường-Sa là đảo d’Eldad Reef (đá En Đát), tổng-số đảo chiếm đóng là 9. Tháng 2 năm 1995, Trung-Quốc cho xây công-sự trên vùng bãi đá Vành-Khăn (Mischief), giống như công-sự xây trên đá Chữ Thập.

Hiện nay hải-quân Trung-Quốc có khoảng 76 chiến hạm (so với Hoa-Kỳ là 100 chiến hạm và 11 mẫu-hạm) nhưng khôngTrung-Quốc không có hàng-không mẫu hạm nào. Trung-Quốc cũng có khoảng 60 tàu ngầm, một số tàu này được trang-bị hỏa-tiễn siêu-thanh của Nga để tấn-công hàng-không mẫu hạm. Nhưng việc so-sánh hải-quân hai nước Hoa-Kỳ và Trung-Quốc sẽ khập-khểnh. Mục-tiêu của Trung-Quốc chỉ ở biển Đông, Đài-Loan và Châu Á trong khi mục-tiêu Hoa-Kỳ là giữ vị-trí hàng đầu thế-giới. Trung-Quốc không ngừng tăng ngân-sách quốc-phòng. Những năm sau này, mức gia-tăng mỗi năm là 18%. Năm 2005, Trung-Quốc tuyến-bố chi 45 tỉ đô-la cho quốc-phòng, nhưng thực ra con số này lớn hơn rất nhiều. Trung-Quốc hiện nay cũng có nhiều tàu đổ bộ, có khả năng vận chuyển 150 người với vận-tốc 120km/giờ và họ đang nghiên cứu tàu đổ bộ 450km/giờ chuyên-chở 500 người. Đảo Phú-Lâm (Hoàng-Sa) được xây phi-đạo dài 2.800m, xây nhiều nhà hầm chứa phi-cơ có khả năng chứa hơn 20 phi-cơ SU 27. Khu đá Vành-Khăn cũng được xây-dựng lại ; vị-trí thiên-nhên của bãi đá này (dài 8km, rộng 6,5km) trung-tâm là vùng nước sâu và êm, có thể được dùng làm cảng trú-ẩn của một hàng-không mẫu-hạm, chung-quanh được bao bọc bằng các công-sự chiến-đấu. Vì thế, với khả-năng hiện có, hải-quân Trung-Quốc có thể chiếm và giữ bất-kỳ một vị-trí nào trên biển Đông.

Trung-Quốc bành-trướng như thế, trên đất thì lấn đất, dưới biển thì dành biển, cướp hải-đảo. Hiện nay việc phân-định biên giới trên đất liền vẫn chưa xong, nguyên-nhân đưa đến sự trì-trệ này là vì Trung-Quốc đòi chủ-quyền tại một vùng đất thuộc Việt-Nam, vùng này có mỏ urani .

Thái độ của Việt-Nam ra sao ?

III. Qui-tắc hành-sử 2000.

Việt-Nam hoàn-toàn bất-lực, chỉ dựa vào chính-trị để xoa-dịu Trung-Quốc. Vũ khí duy-nhất để Việt-Nam tự-vệ hiện nay là…. Qui-Tắc Hành-Sử 2000.

« Qui-Tắc Hành-Sử - Code de Conduite » đã được các nước ASEAN đề-nghị vào tháng 3 năm 2000 với các nước có tranh-chấp tại Trường-Sa – đặc-biệt là với Trung-Quốc - có các nguyên-tắc như sau : Các nước quan-hệ cam-kết : 1/ không sử-dụng vũ-lực và giải-quyết những tranh-chấp bằng những nỗ-lực hòa-bình. 2/ Cam-kết giữ nguyên-trạng (statue quo) và không làm điều gì có thể gây trở-ngại thêm (những tranh-chấp tại Trường-Sa). 3/ Giữ những quan-hệ đối-thoại và trao đổi thông-tin giữa các bên. 4/ Ngưng mọi việc thăm-dò và khai-thác liên-quan đến dầu-hỏa và khí đốt. 5/ Thông-báo mọi cuộc thao-diễn quân-sự cũng như mọi cuộc chuyển quân trong vùng. 6/ Phi-quân-sự hóa và thay-thế những nhân-viên quân-sự tại đây bằng nhân-viên dân-sự. 7/ Hợp-tác trong chiều-hướng bảo-đảm an-ninh cho thuyền-bè qua lại trong vùng. 8/ Hợp-tác để chống hải-tặc và buôn bán trái phép ma-túy, vũ-khí. 9/ Hợp-tác trong các công-tác khoa-học và bảo-vệ môi-sinh. 10/ Tìm một giải-pháp đa-phương và thỏa-đáng cho các bên tranh-chấp.

Việt-Nam được các nước ASEAN chấp-nhận cho vào làm hội-viên năm 1991 vì lý-do bành-trướng thế-lực của Trung-Quốc tại biển Đông. Các nước nhận thấy sau khi Hoa-Kỳ ngó lơ các vụ xâm-lăng bằng vũ-lực của Trung-Quốc qua các vụ chiếm Hoàng-Sa (1974) và Trường-Sa (1988, 1992,1995). Trung-Quốc chiếm đảo Vành-Khăn gần Phi-Luật-Tân, trong khi Hoa-Kỳ bỏ Subic Bay ; biển Đông hoàn-toàn « giao » cho Trung-Quốc. Các nước ASEAN có nhu-cầu đoàn kết chống lại áp-lực và sức bành-trướng của Bắc-Kinh.

Qui-tắc này đã gây bất-lợi rất nhiều cho Việt-Nam vì các việc sau đây : Các nước Trung-Quốc và Đài-Loan luôn vi-phạm qui-ước này mà Việt-Nam không có phương-tiện trả đũa. Một thí-dụ khác bất-lợi cho Việt-Nam : Trong khi Trung-Quốc khai-thác bừa-bãi trên thềm lục-địa cũng như trong các vùng biển của Việt-Nam, phía Việt-Nam phản-đối nhưng Trung-Quốc vẫn tiến-hành việc khai-thác, không coi Việt-Nam và qui-ước hành-sử ra cái gì. Khi Việt-Nam cho khai-thác vùng Tu-Chính (trên thềm lục-địa Việt-Nam), Trung-Quốc đã lên tiếng phản-đối. Kế-hoạch hợp-tác giữa Việt-Nam với công ty xăng dầu BP của Anh Quốc trong việc xây-dựng hệ-thống dẫn khí đốt trong Biển Đông vừa mới ký-kết phải hủy-bỏ. Thí-dụ khác, Trung-Quốc và Đài-Loan liên-tục xây-dựng công-sự chiến-đấu trên các đảo mà họ kiểm-soát, vi-phạm trầm-trọng qui-tắc hành-sử, Việt-Nam hoàn-toàn bất lực trước các vi-phạm này.

IV Kết luận :

Vì sao Việt-Nam bất-lực đến mức không-thể khai thác tài-nguyên trong vùng biển của nước mình ?
Vì sao Việt-Nam không đuổi được bọn cướp đến cướp đất, cướp biển của mình ?
Vì sao người dân Việt-Nam đã không thể an-ổn làm ăn trên vùng biển mà từ ngàn xưa ông cha họ đã từng bỏ lưới đánh cá ở đó ?

Nguồn tin BBC đã dẫn ghi « Các nguồn tin quân sự nói ngày 9/7 hai tàu chiến cơ động BPS-500 của Việt Nam do Nga thiết kế đã vội vã đến hiện trường nhưng phải đứng từ xa vì hỏa lực quá mạnh từ tàu Trung Quốc.

Đại tá Nguyễn Phúc Nguyên nói: "Về lâu dài, chúng tôi cần củng cố lực lượng hải quân cũng như nâng cấp các đơn vị tuần tra ven biển."

Câu trả lời trước tiên là hải-quân Việt-Nam quá yếu, không có khả-năng bảo-vệ dân và nước. Họ chỉ đứng xa và ngó. Việt-Nam không còn thì giờ để « củng-cố lực-lượng hải-quân » như ông đại-tá Nguyễn Phúc Nguyên nói. Việt-Nam cũng không còn thì giờ để liên-minh chiến-lược với Ấn-Độ, cho dầu Ấn-Độ rất muốn trang-bị vũ-khí nguyên-tử cho Việt-Nam để đối-trọng với Pakistan trong vấn-đề đối-đầu với Trung-Quốc. Việc liên-minh này người ta đã nói đến từ lâu, nhưng lãnh-đạo VN chọn hướng thiên-triều.

Nguyên-nhân của tình-trạng tệ-hại ngày hôm nay rõ-ràng là do những sai lầm chiến-lược của nhiều thế-hệ lãnh-đạo Việt-Nam từ nhiều thập-niên qua. Nhiều vùng biển (và vùng đất) của Việt-Nam đã và đang âm-thầm đổi chủ, trở thành biển và đất của Trung-Quốc. Việc này không phải mới đây mà đã bắt đầu xảy ra từ thập niên 50, lúc ông Hồ Chí Minh còn sống.

Ông Hồ Chí Minh có trách-nhiệm rất lớn trong vấn-đề nhượng đất và biển cho Trung-Quốc . Vì hậu quả của những công-hàm ngoại-giao ký dưới thời ông Hồ mà Trung-Quốc mới có cớ xâm-chiếm Hoàng-Sa, một số đảo thuộc Trường-Sa và đòi hỏi toàn biển Đông thuộc chủ quyền của họ. Một số đất vùng biên-giới trên đất liền đã bị mất vào tay Trung-Quốc, điển hình là khu-vực Nam-Quan và thác Bản-Giốc, cũng mất dưới thời Hồ Chí Minh.

Tài-liệu « Con Hổ Và Thùng Dầu », nguyên tác Joachim Hoelzgen, Báo Spiegel Online, CHLB Đức, ngày 25.06.2007 do Phạm Việt Vinh chuyển ngữ, đăng trên Tổ-Quốc số 21 vừa rồi có viết : Thềm lục-địa của những quốc gia vùng Đông Nam Á, các dàn khoan càng ngày càng gặp nhiều khí đốt và dầu mỏ. Việt Nam là quốc gia gặp nhiều may mắn nhất: ở đây, các bãi dầu như một tấm thảm trải dài từ Bắc chí Nam- trong đó, có cả một „supergiant field“ (bãi dầu siêu khổng lồ) tầm cỡ như ở Ả Rập Xê Út. Chắc không ai muốn « các bãi dầu như tấm thảm trải dài từ Bắc chí Nam » của Việt-Nam thuộc về Trung-Quốc.

Việt-Nam không thể bó tay, bất-lực « từ xa đúng nhìn » như hiện-tại.

Lãnh-đạo Việt-Nam hãy tức-thời mở mắt, định-hướng lại chiến-lược quốc-gia, nhận rõ đâu là bạn đâu là thù, phải coi quyền lợi dân-tộc là tối-thượng. Tình-trạng này kéo dài là mất tất cả cho Tàu.

Trước mắt, nhà-nước VN lấy bớt ngân-sách cho công-an, giải-tán ít nhất 2/3 đám côn-đồ ức-hiếp dân này, thanh-lọc, chỉ chọn những người có ý-chí phục-vụ cho dân ; lấy lại ngân-sách dành cho tổng-cục 2 (nghe nói là làm tay sai cho Tàu) ; dẹp bỏ hệ-thống đảng-ủy song song với hệ-thống nhà-nước, dẹp đám đảng-viên ăn hại đát nát, ăn bám vào dân, là gánh nặng cho đất nước ; thanh-lọc lại toàn-bộ nhân-sự bộ Quốc-Phòng, tuyển những người trong sạch, có khả-năng quân-sự, tất-cả dồn vào hiện-đại hóa quân-đội, thì rất có thể không bao lâu Việt-Nam sẽ có khả-năng làm cho đối-phương nhượng-bộ.

Trương Nhân Tuấn
Marseille, Pháp Quốc 28-07-2007
©Vietnam Review

Những ngộ nhận trong mối quan hệ giữa chính phủ cộng sản và cộng đồng người Việt hải ngoại

Trên lộ trình hội nhập toàn cầu, Chính phủ Hà Nội cần cộng đồng người Việt hải ngoại làm chiếc đầu cầu hầu dễ dàng thâm nhập vào xứ người trên các phương diện chính trị, văn hóa, kinh tế.

Trong khi đó, chính quyền sở tại nào cũng hy vọng thông qua các cộng đồng thiểu số để chuyển thông điệp đến những chính phủ trên toàn thế giới.

Cộng đồng người Việt hải ngoại hoàn toàn không bị luật pháp Việt Nam chi phối hoặc chịu sự cai quản của cơ quan ngoại giao thuộc Chính phủ Hà Nội.

Do đó, cộng đồng người Việt hải ngoại giữ một vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa Chính phủ Hà Nội và nhiều quốc gia cũng như vùng lãnh thổ trên thế giới. Quan hệ ngoại giao, kinh tế, chính trị của Chính phủ Hà Nội với nhiều quốc gia được nồng ấm hoặc bị lạnh nhạt đều chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi các hoạt động của Cộng đồng người Việt hải ngoại.

Mặc dù vậy, mối quan hệ giữa Chính phủ Hà Nội và Cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn dựa trên nhiều yếu tố ngộ nhận.

NGỘ NHẬN VỀ TƯ CÁCH ĐẠI DIỆN
Trong các văn kiện chính thức cũng như những lời phát biểu, Chính phủ và giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đều cố tình xác lập tư cách đại diện hợp pháp và duy nhất cho Cộng đồng người Việt hải ngoại bất chấp các yếu tố khách quan.

Cộng đồng người Việt hải ngoại phủ rộng trên hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu, ước lượng trên 3 triệu người.

Cộng đồng gồm có người Việt tị nạn cộng sản và di dân mà đa số đã nhập tịch hoặc có giấy phép thường trú của quốc gia sở tại. Họ hoàn toàn không bị luật pháp Việt Nam chi phối (nếu không hiện diện tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) hoặc chịu sự cai quản của cơ quan ngoại giao thuộc Chính phủ Hà Nội.

Những công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (du học sinh, nghiên cứu sinh, thương gia, cán bộ ngoại giao, người đi lao động hạn kỳ, du khách) đều không thuộc vào Cộng đồng người Việt hải ngoại (hoặc còn gọi là Cộng đồng Sắc tộc) trong quốc gia tạm trú.

Chính phủ Hà Nội đã thiếu-lương-thiện khi cố tình nhập chung 2 thành phần khác biệt đó vào cùng Cộng đồng người Việt hải ngoại để tạo điều kiện “quản lý” sinh hoạt của người gốc Việt trên xứ người bất chấp dữ kiện và bối cảnh khách quan.

Bất cứ chuyến công du nào của các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đến quốc gia có Cộng đồng người Việt tị nạn đều đụng phải các cuộc biểu tình chống đối rầm rộ và bị “săn đuổi” ráo riết bởi dân gốc Việt. Song song, Cộng đồng cũng tích cực vận động để chính giới lưu tâm đến nguyện vọng chính đáng của cử tri gốc Việt trong khi thương thảo với Chính phủ Hà Nội.

Trong khi đó, cán bộ ngoại giao cộng sản triệu tập nhóm công dân xã hội chủ nghĩa và một số thân hữu vào Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán hoặc hội trường (được kiểm soát nghiêm ngặt) để đón tiếp lãnh đạo. Các bản tin chính thức của Nhà nước Việt Nam đã bộc lộ thái độ khinh thường dư luận khi tô vẽ cuộc tiếp đón long trọng của Cộng đồng người Việt hải ngoại dành cho lãnh đạo.

Mặt khác, một vài cá nhân gốc Việt vì nhiều mục đích khác nhau đã bất chấp sự thực và lương tri mà vỗ ngực tuyên xưng đại diện cho người Việt hải ngoại trước chính khách Hà Nội đang công du, hoặc các Cơ quan cầm quyền tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để biện minh cho tình trạng bị cô lập chính trị tại hải ngoại, Nhà nước Cộng sản cũng như các “Việt kiều yêu nước” đều viện dẫn đến “đa số thầm lặng”. Đó là con số ảo rất khó kiểm chứng. Họ không làm sao chứng minh được khối quần chúng ủng hộ qua một cuộc tập họp chính trị hoặc hình thành được lực lượng bằng hoặc nhiều hơn các hội đoàn, tổ chức chính trị hiện hữu trong sinh hoạt Cộng đồng người Việt hải ngoại.

Những du học sinh này không thuộc vào Cộng đồng người Việt hải ngoại

NGỘ NHẬN VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ BỔN PHẬN
Chính phủ Hà Nội chỉ có trách nhiệm và bổn phận đối với nhóm công dân xã hội chủ nghĩa đang tạm cư ở nước ngoài để giúp họ dễ dàng hoàn thành công việc trong thời gian hạn định.

Ngược lại, Chính phủ Hà Nội hoàn toàn không có trách nhiệm và bổn phận gì đối với Cộng đồng người Việt tị nạn và di dân vì:

(1) Những thành viên của Cộng đồng được luật pháp bảo vệ cũng như chịu sự chế tài của luật lệ nước sở tại. Chính quyền sở tại mới có bổn phận, trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ đời sống của công dân cũng như những thường trú nhân thông qua Cộng đồng hoặc trực tiếp từng người tùy theo loại công việc.
(2) Sinh hoạt của Cộng đồng ràng buộc và chịu chi phối bởi luật pháp quốc gia cũng như địa phương mà hoàn toàn không dính dáng gì đến luật pháp của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc luật lệ do các Đại sứ quán, Lãnh sự quán đặt ra.
(3) Người gốc Việt liên lạc với Cơ quan ngoại giao cộng sản với tư cách công dân nước ngoài và trả lệ phí theo quy định quốc tế (có thể mua đúng giá hoặc chợ đen), không hề mang ý nghĩa hàm ân chế độ.
(4) Các cơ sở đại diện cho Chính phủ Hà Nội không có quyền can thiệp vào sinh hoạt của Cộng đồng Sắc tộc.

Như thế, Nhà nước Cộng sản và cán bộ ngoại giao chỉ có trách nhiệm và bổn phận đối với công dân xã hội chủ nghĩa tạm cư hạn định nơi xứ người mà không được quyền động tới Cộng đồng người Việt tị nạn vốn thuộc vào Cộng đồng Sắc tộc của quốc gia sở tại.

Trái lại, Cộng đồng người Việt hải ngoại không có trách nhiệm và bổn phận nào đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mỗi cá nhân trong Cộng đồng chỉ có mối liên hệ (tẻ nhạt hoặc nồng ấm) với thân nhân, bằng hữu, đồng đội xưa còn sinh sống ở Việt Nam.

Vì cùng chung dòng máu, nên Cộng đồng người Việt hải ngoại rất xót xa trước cảnh đồng bào bị áp bức, ngược đãi giữa thanh thiên bạch nhật và bất mãn đối với nhiều hành động mất-nhân-tính của chế độ cộng sản nên quyết liệt tham gia các sinh hoạt chống đối Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hoạt động chống đối này không mang danh nghĩa công dân của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa mà vì tương lai dân tộc Việt Nam.

NGỘ NHẬN LỊCH SỬ
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang ươm giấc mơ biến Cộng đồng người Việt hải ngoại giống như các Cộng đồng Trung Hoa, Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân...

Giấc mơ đó đã cố tình lãng quên yếu tố hình thành dị biệt giữa các Cộng đồng Sắc tộc cũng như bản chất chế độ tại quê nhà. Các Cộng đồng Sắc tộc thường được hình thành do điều kiện di dân tiệm tiến, không liên hệ nhiều đến yếu tố chính trị hoặc bị ngược đãi. Trái lại, sự hình thành đột ngột và nhanh chóng của Cộng đồng người Việt hải ngoại mang vết hằn chính trị sâu đậm qua cuộc di tản tập thể hàng trăm ngàn người vào năm 1975 và các đợt “bỏ phiếu bằng chân, bằng thuyền” của hơn triệu người trên đường đi tìm tự do từ 1976 đến 1988. Cộng đồng còn được bổ sung thêm cả trăm ngàn cựu tù nhân chính trị trong thập niên 1990. Vì thế, chống Cộng trở thành chủ trương bất biến của Cộng đồng người Việt hải ngoại.

Chính phủ Hà Nội biến giai đoạn 1945-75 thành chiến tranh giữa dân tộc Việt Nam và đế quốc Pháp, Mỹ. Thực sự, tính chất nội chiến Quốc/Cộng đã nằm trong chiến tranh Việt/Pháp 1945-54. Bản chất nội chiến lồng trong bối cảnh tranh chấp quốc tế càng rõ rệt vào giai đoạn 1954-75. Hà Nội không thể bẻ cong lịch sử khi cố tình bôi xóa yếu tố Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến, kể cả hành vi vô-văn-hóa đối với các nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đập phá bia tưởng niệm thuyền nhân ở Mã Lai Á và Nam Dương.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành và duy trì cuộc chiến nội da nấu thịt, đấu tranh giai cấp man rợ làm chết hàng triệu người Việt Nam. Triệu, triệu người Việt Nam trong cũng như ngoài nước từng là nạn nhân của cộng sản bạo tàn nên không thể tung hô công trạng và phục vụ cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dân chúng không thể xả thân vì tổ quốc, dồn nỗ lực xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của những kẻ từng phát nát giang sơn vì cuồng tín; đưa dân tộc vào cảnh điêu linh, khốn khổ vì quan tham; đẩy đất nước vào cảnh tụt hậu vì ngu xuẩn mà vẫn chưa nhìn nhận tội lỗi và sự bất lực triền miên.

Người Việt hải ngoại ngoài vòng kìm kẹp của bạo lực chuyên chính vô sản không dại gì mà đổ tiền cho cán bộ làm giàu, cũng chẳng cống hiến tài trí vào tay những kẻ đần độn.

Vì thế, quan hệ giữa Chính quyền Hà Nội và Cộng đồng người Việt hải ngoại rơi vào trường hợp “kẻ cắp bà già”. Chính quyền Cộng sản giở mọi thủ đoạn móc túi người Việt hải ngoại, đồng thời dựng lên nhiều hàng rào vô hình để ngăn chặn làn sóng tư tưởng tự do, dân chủ. Trong khi đó, người Việt hải ngoại cũng tự ý hạn chế các hoạt động đầu tư, song song với nhiều cuộc vận động với chính quyền ngoại quốc gia tăng áp lực buộc Đảng Cộng sản rơi vào thế không thể cưỡng lại.

Mối quan hệ kiểu này gây thiệt hại đến lợi ích dân tộc vì:
(1) Việt Nam bị mất vựa tiềm năng tri thức tiên tiến, sung mãn làm đầu tàu thúc đẩy sự phát triển vượt bực và bền vững cho đất nước.
(2) Đám “Việt kiều yêu nước” chưa bao giờ dám công khai chống lại các quyết định sai lầm của Đảng Cộng sản cứ vuốt ve cán bộ các cấp để thu lợi bằng cách môi giới bán công nghệ lạc hậu, lừa bịp dây chuyền từ địa phương cho tới trung ương, điều hành đường dây buôn người, mở động lắc ổ điếm trá hình, vận chuyển ma túy, buôn lậu và rửa tiền.

Vài người nêu lên chủ trương “hãy để cho lịch sử phán xét mà dồn nỗ lực xây dựng đất nước”.
Chẳng ngây thơ thì cũng là con vẹt của chế độ cộng sản:
(1) Lịch sử là bài học cho hiện tại. Không phán xét sự việc quá khứ mà cứ cắm đầu lao tới chắc chắn sẽ sụp vào chiếc hố cũ. Đảng Cộng sản Việt Nam vì không chịu mổ xẻ quá khứ dưới nhiều hướng khác nhau nên phạm hết sai lầm này đến thảm họa nọ.
(2) Hành động của người đương thời trước tiên ảnh hưởng đến hiện tại nên cần khắc khe và công bình với quá khứ để tránh sai lầm cho cuộc sống hiện hữu.
(3) Chẳng ai yên tâm xây dựng đất nước khi biết hướng đi sai lầm mà lại còn nằm trong tay bọn cuồng tín. Dại đến mức “gánh vàng đem đổ sông Ngô” sao?

Những ngộ nhận cần làm sáng tỏ, công tội cần phân minh, sai lầm cần mổ xẻ triệt để mới vọng vạch đúng hướng đi cho đất nước và tập họp sức mạnh của toàn dân cho tổ quốc vì hòa bình, phát triển và hạnh phúc.

Đại Dương
(Việt Nam Nhật Báo)

Lư Thị Thu Duyên: Tố cáo cán bộ hưu trí cấu kết với điạ phương vu khống làm chứng gian

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
Thành phố Sài Gòn ngày 26- 7- 2007

ĐƠN TỐ CÁO

“Về việc ông PHẠM BÁ TỊCH, cán bộ hưu trí ngụ tại 158 đường Đào Duy Anh, phường 9, Quận Phú Nhuận cấu kết chặt chẽ với các cấp chính quyền Phường, Quận, Thành phố HCM ra làm chứng vu khống nhằm cản trở quyền khiếu nại tố cáo của Công dân, và đẩy tôi vào vòng lao lý với ý đồ tước đoạt toàn bộ tài sản hợp pháp của gia tộc họ Lư”.

Kính gửi
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XHCN VIỆT NAM

Tôi là : LƯ THỊ THU DUYÊN, gia đình diện chính sách, có công với chế độ, hiện tôi đang ngụ tại 77/13B Trần Bình Trọng, Phường 1, Quận Gò Vấp, Thành phố Sài Gòn. Nay tôi làm đơn này yêu cầu thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm việc làm chứng sai sự thật của một cán bộ hưu trí với mục đích cản trở quyền khiếu nại tố cáo của công dân. Sự việc xảy ra như sau:

Khoảng 21giờ ngày 18/07/2007 tại Văn phòng 2 của Quốc hội (vụ công tác phía Nam) số 194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận. Tôi và toàn bộ bà con các tỉnh thành phía Nam có mặt tại địa chỉ trên cùng nhau quyết tâm không rời khỏi nơi này, nếu không được Thủ tướng Chính phủ giải quyết trả lại toàn bộ tài sản mà chúng tôi đã bị các cơ quan chức năng địa phương cấu kết với nhau tước đoạt phi pháp. Một số bà con Tiền Giang đã phát loa kêu gọi sự giúp đỡ của Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền Trung ương cũng như các ban ngành đoàn thể ở thành phố giúp đỡ họ tránh khỏi sự quấy nhiễu của một số người xấu do lực lượng Công an chìm đưa đến trà trộn vào trong dân khiếu kiện với mục đích xấu là cướp giật và gây sự đánh người và sau đó mời công an khu vực đến để vu cáo cho dân khiếu kiện gây mất an ninh trật tự nơi công cộng để bắt nhốt họ. Sau gần 2 giờ phát loa kêu gọi sự can thiệp của chính quyền, kết quả là họ đã đưa lực lượng tinh nhuệ dùng để chống bạo động đến đông hơn gấp bộ số người dân khiếu kiện với rất nhiều xe cứu thương, xe chữa cháy và cả xe chở tù đến. Họ mang những công cụ đó đén đây không phải để bảo vệ dân mà để đàn áp và cưỡng chế những người dân khiếu kiện trong tay chỉ có duy nhất vũ khí mà chính quyền các cấp rất lo sợ và họ cho là nguy hiểm cho chế độ, cho an ninh quốc gia. Đó là những lá đơn khiếu kiện + lòng dũng cảm dám tố cáo tham nhũng và sự kiên trì bền bỉ đi khắp từ Nam ra Bắc với mục đích duy nhất là đòi lại những tài sản hợp pháp của mình đã bị tước đoạt sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975.

23 giờ 00 thấy tình hình quá căng thẳng, biết rằng nếu chống cực lại họ thì dân con chúng tôi chỉ có đường chết và đẫm máu mà thôi. Tôi và chị Vũ Thanh Phương nắm tay nhau ngồi nơi thềm nhà Quốc hội 2 quan sát một số bà con An Giang, Tiền Giang, Bến Tre bị an ninh mật vụ và các “thanh niên tình nguyện” cưỡng chế khiêng đi khỏi thềm nhà quốc hội 2 trong tiếng kêu khóc rền vang cả một góc trời. Một số an ninh mật vụ đến yêu cầu chúng tôi lập tức rời bỏ nơi đây, tôi và chị Thanh Phương trả lời sẽ đi ngay sau khi bà con đi hết với mục đích được đối thoại trực tiếp cùng lãnh đạo UBND thành phố như năm 2000. Chị em tôi cũng là những người cuối cùng rời khỏi đường Lê Duẩn dưới sự chứng kiến của thủ tướng người Nguyễn Tấn Dũng và Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải (lúc bấy giờ ông Dũng đang giữ chức vụ Phó Thủ tướng thường trực và ông Hải là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố HCM ). Còn nhớ lúc đo ông Lê Thanh Hải có nói với lãnh đạo Ủy Ban Nhân dân Quận Gò Vấp : “Nên giải quyết dứt điểm cho gia đình này”.

Trớ trêu thay dựa vào câu nói lấp lửng đó của vị lãnh đạo thành phố ông Trần Kim Long Chủ tịch Quận đã hứa cuối sẽ trả lại toàn bộ khu thổ mộ cho gia tộc họ Lư trong 6 tháng giữa cuộc họp có đầy đủ các ban ngành đoàn thể Quận, lập biên bản đàng hoàng nhưng không hề cho chúng tôi lấy bản sao để làm bằng với ý đồ lật lọng bác đơn của gia tộc họ Lư.

Sau khi tôi trình bày họ vẫn không đồng ý và hùa nhau từ 5 đến 6 người mật vụ an ninh khiêng tôi và chị Thanh Phương qua công an quận Phú Nhuận và quăng tôi giữa sân lúc này đã là 00 giờ ngày 19/7/2007.

Đến 01h 00 sáng ngày 19/07/2007 thì cách ly tôi và chị Thanh Phương, họ đưa tôi lên phòng họp của công an quận ở trên lầu và sau đó thì 4 sĩ quan an ninh chính trị, trong đó có 2 người là sĩ quan cao cấp thuộc bộ công an từ Hà Nội vào đã thay phiên nhau liên tục thẩm vấn suốt 18 giờ đồng hồ mà không được nghỉ ngơi kể cả lúc đó là ban đêm. Trong lúc tôi đang bị cảnh sát hỏi cung như tội phạm hình sự, thì chồng tôi đau bao tử tài phát vì bị khủng bố tinh thần.Hoàn cảnh thật éo le và ngặt nghèo. Gia đình tôi cuống cuồng đi tìm vì không biết tôi đang bị giam nhốt ở đâu, bị bắt vì tội danh gì ?

09 giờ sáng cùng ngày họ yêu cầu tôi ký vào biên bản vi phạm hành chính về an ninh trật tự với lý do tụ tập nơi đông người mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền (trình nguyên văn).

Tôi đã đồng ý ký tên vào biên bản này với mục đích nhận được bản sao để làm bằng chứng tố cáo đường dây tham nhũng của các cấp chính quyền địa phương hình thành từ Phường + Quận + Thành phố và một số quan chức trung ương họ đẩy tôi vào vòng lao lý với mục đích dẹp bỏ khiếu kiện hòng tước đoạt những tài sản còn lại là ngôi nhà và miếu thờ của gia tộc tôi xin đưa bằng như sau :

Sau khi nhận rõ bộ mặt gian trá của Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Trần Kim Long (đã đi tù do tham nhũng) sáng 28.11.2000 chị em tôi cùng một số bà con thành phố gồm có quận Hóc Môn, quận I và các tỉnh là Đồng Nai, Tiền Giang tất cả là 69 người quay lại đường Lê Duẩn căng lều bạt tiết tục khiếu kiện. Cũng xin nói thêm rằng vì góp phần giữ danh dự cho quốc thể XHCN Việt Nam khi dịp tổng thống Mỹ BinClintơn đến thăm Việt Nam lúc đó, nên người dân khiếu kiện tại đường Lê Duẩn đã đồng ý quay trở về địa phương dù chỉ sau dăm ba câu hứa hẹn của một số quan chức chính quyền. Cũng như họ, tôi tự an ủi rằng chính quyền địa phương sẽ quan tâm giải quyết thỏa đáng cho gia tộc họ Lư vì đi làm cách mạng cộng sản mà chịu nhiều oan ức và thiệt thòi cho đến nay. Nhưng chúng tôi đã lầm, khi tổng thống Mỹ BinClintơn kết thúc chuyến thăm trở về nước, thì tất cả mọi việc đều trở lại như cũ. Lời hứa gió bay, họ thách thức gia đình tôi rằng : “ Chúng mày có giỏi ra trung ương mà kiện, gia tộc họ Lư đừng mong thoát khỏi thành phố này ” !!!

Bà con khiếu kiện chúng tôi quay lại đường Lê Duẩn, chính quyền thành phố HCM này đã chỉ đạo công an phường Bến Nghé đánh đập dã man làm chị tôi ngất xỉu chỉ vì cái tội dám công khai vạch trần bộ mặt lừa đảo của một số quan chức địa phương được sự bảo vệ tuyệt đối của chính Ủy ban nhân dân thành phố này. Khi đưa được 6 người phụ nữ chúng tôi về đến đồn Công an phường Bên Nghé thì chị Lư Thị Thu Trang tôi đã bị ói và ngất xỉu. Thấy tình trạng của chị mình lâm vào tình trạng nguy hiểm như vậy, mặc dù đang bị họ tạm giữ trong đồn nhưng tôi đã liều mình lăn ra được than khóc và yêu cầu họ đưa chị tôi vào bệnh viện để chữa trị. Nhờ bà con đi đường lên tiếng ủng hộ, cuối cùng họ cũng lấy xe áp tải chị em tôi vào bệnh viên không khác gì tội phạm nguy hiểm. Tôi không bao giờ quên việc ông công an phường dặn bác sĩ ngay trước mặt tôi : “Các anh chị chỉ được khám và chữa trị chứ không được cung cấp giấy chứng thương cũng như tình trạng bệnh tật của chị này ”. Thế đấy, bọn họ dám ra tay đàn áp đẫm máu nhân dân, nhưng vô cùng hèn hạ không dám chịu trách nhiệm về những tội ác mà lực lượng công an gọi là nhân dân gây ra cho người dân lành vô tội !!!

Sau khi giam giữ chúng tôi đến 12 giờ đêm cùng ngày, họ thả ra mà không hề cho biết lý do bắt giữ người trái phép, cũng như biên bản vi phạm. Thật là tùy tiện vô luật pháp, vậy mà họ vẫn xưng xưng tự nhận là nhà nước pháp quyền XHCN Việt nam chính hiệu!!!

* Lần thứ 2 chị em họ Lư chúng tôi bị công an bắt giữ trái phép vào ngày 27/03/2007, khi chị em tôi tới số 210 đường Võ Thị Sáu để nộp đơn khiếu nại công văn 8573 của Ủy ban nhân dân thành phố do ông Nguyễn Hữu Tín ký (thời gian này vì có con nhỏ nên 2 chị em chỉ gửi đơn qua đường Bưu điện chứ không gửi trực tiếp). Ông Hải Ninh cán bộ tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước không nhận đơn khiếu nại, yêu cầu chúng tôi qua văn phòng thủ tướng chính phủ ở số 7 đường Lê Duẩn mà nộp. Tôi có hỏi lý do tại sao không nhận đơn khiếu nại của công dân. Ông Ninh không trả lời được, sau đó chỉ đạo Công an Phường 7, Quận 3 bắt chị em tôi về đồn và câu lưu đến 20 giờ cùng ngày mới thả ra. Trong khi đó con trai tôi mới 4 tuổi và 2 cháu con chị Thu Trang (đứa lớn 4 tuổi, nhỏ 2 tuổi) các cháu đi học mẫu giáo mà không có người đón về nhà. Họ vô cớ bắt giữ người trái phép mà không cần phải có lý do chính đáng.

Lần bắt giữ người trái phép vào lúc 00 giờ ngày 18 rạng sáng ngày 19/07/2007 vừa qua là lần thứ 3. Tôi hiểu rõ ý đồ đen tối của họ, bằng mọi giá hộ cố đưa tôi vào danh sách những người thường xuyên gây mất an ninh trật tự để bắt giữ tôi và hợp thức hóa việc đưa tôi vào tù hòng tước đoạt chút tài sản còn sót lại của gia tộc họ Lư. Qua sự việc trên tôi đoan chắc rằng Ông Phạm Bá Tích cán bộ hưu trí của Phường 3 Quận Phú Nhuận có quan hệ mật thiết với những quan chức tham nhũng đã trù dập gia đình tôi suốt 32 năm qua, nay vẫn tìm đủ mọi cách để triệt tiêu họ Lư chúng tôi. Vì thời điểm xảy ra cuộc đàn áp, khung cảnh tại số 194 đường Hoàng Văn Thụ thật sự hỗn loạn. Số lượng dân khiếu kiện khoảng từ 700 đến 800 người + hơn 500 quân cảnh sát cơ động, cùng chính quyền các ban ngành đoàn thể + an ninh mật vụ nhiều không thể tính được chính xác. Chỉ có thể đoán tổng cộng hơn 2.000 con người đang có mặt tại đây. Vậy mà ông Phạm Bá Tích vẫn nhận ra tôi, một người phụ nữ mà ông không hề quen biết. Thì rõ ràng ông đã được sự chỉ đạo sâu sát rất chặt chẽ từng tý một của tập đoàn tham nhũng, bịa đặt và tìm những chứng cứ không hề có thật, với mục đích chụp mũ vu khống cho tôi những tội danh mà tôi không hề vi phạm.

Nay tôi làm đơn này yêu cầu Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẩn cấp điều tra cũng như có biện pháp bảo vệ tính mạng và tài sản cho một công dân lương thiện đang bị đe dọa tính mạng nghiêm trọng xin chân thành cảm ơn. Kèm theo đơn này tôi có đính theo biên bản dưới đây đã bị công an Sài Gòn lập ra để chứng minh.

Người viết tố cáo ký tên
LƯ THỊ THU DUYÊN
Số nhà 77/13B Trần Bình Trọng
Phường 1, quận Gò Vấp, Thành phố Sài Gòn

MẶT SAU CỦA LÁ THƯ

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

Người viết muốn nói đến lá thư của Đ/C Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) gởi cho Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nhà nước cộng sản Việt Nam. Lá thư này nội dung thật vắn tắt. Có thể nói là quá vắn tắt, đáng coi là một việc làm hà tiện chữ nghĩa. Nội dung thư chỉ có một câu duy nhất đáng đồng tiền bát gạo nguyên văn như sau: “Câu trả lời của cụ chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết “Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và tòa thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi” Là không đúng sự thật.” (highlight theo nguyên bản trích từ VietCatholicNews) .

Theo ngôn ngữ bình dân, nói không đúng sự thật tức là nói láo (tiếng miền Nam). Quốc trưởng của một nước nào đó nói láo khi đi công du ngoại quốc là chuyện xưa nay chưa từng nghe. Nhưng quốc trưởng của nước Việt Nam CS đi công du nói láo, theo báo chí tường thuật, thì đã rõ ràng như ban ngày. Cũng chẳng phải là chuyện lạ gì, vì nói láo là nghề của VẸM. Nguyễn Minh Triết nói với phái viên CNN Wolf Blitzer: “Hơn ai hết, chúng tôi rất yêu nhân quyền. Ông không thể hiểu nổi tình yêu đó.” Hay như Nguyễn Tấn Dũng nói với Đức Giáo Hoàng: “Tôi yêu thích nhất sự thật thà và ghét nhất sự gian dối.”

Có ai tin được không? Đúng là nói láo như VẸM. Chuyện mất dậy là Triết đã làm láo, còn dám dựng chuyện nói láo rồi đổ vấy lên đầu HĐGMVN và Tòa Thánh Vatican . Mà Tòa Thánh Vatican đang là chỗ CSVN cần dựa hơi và cầu cạnh. Xỏ lá nhất trên đời cũng vẫn là CS. Vì thế khi chuyện vỡ lở, đức cha Chủ Tịch HĐGM mới phải mất công cải chính.

Xưa nay HĐGMVN vẫn thủ khẩu như bình trước các vấn đề có liên quan đến chế độ, nhất là đối với các đại gia đỏ, vì theo quan niệm của các ngài đó là làm chính trị, chuyện dơ bẩn các đấng bậc làm thầy không nên dính vô. Nay thấy Đ/C Hòa dám lên tiếng mắng mỏ chủ tịch nước, rất nhiều người vui mừng nói: tới rồi. Có người còn hồ hởi la to lên: tới đi bác tài. Có nhà báo còn đặt một cái tít (headline) chắc nịch: một cái tát vào mặt bọn CS. Thấy vậy và mừng vậy thì cũng đúng thôi. Hạn hán triền miên nghe thấy cậu Ông Trời mở miệng, ai mà không mừng. Nhưng sau phút giây bồng bột, người ta mới bừng tỉnh khám phá ra rằng hình như mình đã nằm mơ.

Có cái gì không ổn? Mặt trước lá thư chỉ là một dúm chữ nghĩa chẳng đủ nói lên được cái gì đã là điều bất ổn. Nói “là không đúng sự thật” mà chẳng thấy cho biết sự thật là cái gì. Không bất ổn sao? Hà tiện chữ nghĩa rõ ràng gây bất ổn mà còn bất lợi nữa. Mặt sau lá thư trái lại, được phủ kín bằng cả một rừng chữ dạng vô tự dầy đặc. Bình thường quyết không ai đọc được. Càng bất ổn hơn. Thật đáng tiếc.

Người viết vốn tính hay tò mò, muốn đọc loại chữ vô tự này để tìm xem cái gì trong đó bèn thử giải mã (decode) bằng cách bói rờ mu rùa xem sao.

Sơ Lược Vấn Đề

Lá thư Đ/C Nguyễn Văn Hòa gởi cho Nguyễn Minh Triết là hệ quả của chuyến đi Mỹ của Triết ngày 18-6-2007. Thời gian ở Mỹ, ngoài một lần tới chầu Đại Đế George W. Bush tại Tòa Bạch Ốc, Triết còn có hai cuộc tiếp xúc với người Mỹ được báo chí đề cập. Một lần tới bái kiến Chủ Tịch Hạ Viện, bà Nancy Pelosi và một số dân biểu khác. Lần nữa tiếp xúc với phái viên hệ thống truyền hình CNN Wolf Blitzer. Trong cuộc Triết bệ kiến Bush, hai bên trao đổi toàn những chuyện nói-vậy-mà-không-phải-vậy nên xin chẳng lý tới làm gì cho mệt. Nhưng trong lần Triết hầu chuyện bà Pelosi và ký giả Blitzer thì lại khác. Sóng gió mà dư âm đến nay vẫn còn, là vấn đề nhân quyền tại Việt Nam nói chung, và chuyện linh mục Nguyễn Văn Lý nói riêng. Khi phái viên Blitzer hỏi Triết về vấn đề bắt giữ cha Lý, Triết trả lời và được thông dịch lại như sau:

- Reverend Nguyễn Văn Lý was brought to court because of these violations of the law. It absolutely is not a matter of religion.” (xin tạm dịch: Linh mục Nguyễn Văn Lý phải ra tòa vì vi phạm pháp luật. Tuyệt đối không phải vì vấn đề tôn giáo).
Câu trả lời này lội một quãng đường dài từ Mỹ về Việt Nam đã thành ra tam sao thất bát bản mất rồi. Bọn bút nô của chế độ thêm mắm thêm muối hành ngò tiêu tỏi vô, chế biến thành một một dĩa thịt rừng (rú) thật hấp dẫn để bán cho dân đọi trong nước. Các tờ Nhân Dân, Tuổi Trẻ, và cả tờ Công Giáo Và Dân Tộc (?) của bọn quốc doanh được các đấng bề trên HY Phạm Minh Mẫn và GM Bùi Tuần gián tiếp công nhận là báo công giáo, nối một cái đuôi dài thật “Vẹm” vào lời của Nguyễn Minh Triết thành ra là:

- Ông ta vi phạm pháp luật VN. Đây hoàn toàn là vấn đề pháp luật, không phải là vấn đề tôn giáo. Việc xét xử ông ta được Hội Đồng Giám Mục VN và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi.

Đừng quên rằng trước khi trả lời ký giả Blitzer, Nguyễn Minh Triết Triết đã bị quay mòng mòng tại Hạ Viện Hoa Kỳ về vấn đề bịt miệng cha Lý. Tại đây Triết cũng đã nói láo với cái luận điệu điếm đàng cố hữu của một tên Vẹm. Dân biểu Ed Royce, người có mặt trong buổi vặt lông Triết, tiết lộ lời giải thích của Triết về trường hợp Lm Lý: “Ông nói là hành động của chính quyền (Việt Nam) được sự ủng hộ của Giáo Hội Công Giáo. Khi chúng tôi hỏi thêm thì thì ông giải thích rằng chưa có giám mục nào lên tiếng phản đối cả.” Và dân biểu Royce quạt lại Nguyễn Minh Triết liền là không có giám mục nào phản đối không có nghĩa là Giáo Hội đồng tình ủng hộ.

Về đến Việt Nam, cuộc đối chất của Nguyễn Minh Triết tại Hạ Viện Hoa Kỳ cũng lại được bọn bút nô biến chế xào nấu lại càng đượm mùi gian trá hơn. Bọn này nhét bừa vào miệng tên chủ của chúng những lời nói láo y như thiệt rằng:

- Nếu như bà (Pelosi) nói rằng chúng tôi vi phạm tôn giáo thì trong sự kiện này, người đáng lẽ phải lên tiếng mạnh mẽ nhất phải là Hội Đồng Giám Mục VN. Nhưng trong vụ xử công dân Nguyễn Văn Lý thì Hội Đồng Giám Mục VN lại hết sức đồng tình, ủng hộ. Các vị có thể nghi ngờ Hội Đồng Giám Mục không dám lên tiếng nhưng chính Tòa Thánh Vatican, nơi quản lý, bảo vệ quyền lợi cho các linh mục trên toàn thế giới, trong trường hợp này cũng đồng tình ủng hộ chính phủ VN. Họ có đầy đủ thông tin rằng ông Lý có một số hoạt động vi phạm luật pháp VN. Nếu chúng tôi làm chưa đúng thì chính Vatican sẽ là nơi lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất về vấn đề nàỵ.”

Trên đây là tất cả sự thực về điều mà báo chí trong nước ngụy ngôn thổi phồng lên rằng HĐGMVN và Tòa Thánh Vatican đồng tình ủng hộ việc CS bắt đưa ra tòa và kết án 8 năm tù linh mục Nguyễn Văn Lý. Đ/C Nguyễn Văn Hòa chẳng cần thiết phải cải chính hay thanh minh thanh nga thì ai cũng biết CS đã nói láo. Nhưng vấn đề lại trở thành rắc rối vì một lá thư nói là của Đ/C Nguyễn Văn Hòa làm cái công việc chẳng cần thiết kia.

Ở Đâu Cái Tổ Con Chuồn Chuồn

Nguyễn Minh Triết ba xạo là mối tội đầu trong các tội đưa đến việc đức cha Chủ Tịch HĐGM phải mất công thanh minh thanh nga, và đức HY Phạm Minh Mẫn xát xà phòng đám quốc doanh truyền thông Công-Giáo-và-Dân- Tộc của ngài. Chuyện Đức Hồng Y nạo tờ “báo công giáo” của ngài ngoài đề tài của bài viết này nên xin được miễn đề cập tới. Người viết trở lại với lá thư của Đ/C Nguyễn Văn Hoà gởi cho Nguyễn Minh Triết và xin chỉ bàn về vấn đề này thôi.

Thật sự chẳng ai muốn làm chuyện bới lông tìm vết, nhưng người ta thấy có quá nhiều điểm đáng thắc mắc trong lá thư nhất là về xuất xứ, hình thức, và cả nội dung của nó.

Về Hình Thức - Một văn thư Đ/C Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch HĐGM thay mặt cho HĐGMVN viết gởi cho chủ tịch nhà nước thì nhất định là một văn thư chính thức trao đổi giữa hai cơ quan đạo/đời bậc cao nhất. Nó phải hội đủ sự trang trọng bắt buộc cả về nội dung, ngôn từ, cách hành văn lẫn hình thức trình bầy chứ không thể luộm thuộm cẩu thả được. Nếu là thư riêng đại loại như thư tình chẳng hạn thì lại là chuyện khác. Nhất định trên mặt trang giấy phải có tiêu đề (letterhead) , huy hiệu giám mục, nhất là không thể thiếu chữ ký viết tay và củ triện. Người viết đã nhiều lần được đọc thư của giám mục giới thiệu linh mục hay nữ tu sang Mỹ xin tiền. Những thư này đều mang đầy đủ những chuẩn mực về hình thức của văn thư của một vị giám mục. Ấy thế mà văn thư của Đ/C chủ tịch HĐGM viết gởi cho chủ tịch nước lại phạm phải những thiếu sót sơ đẳng mới là chuyện lạ.

Về Nội Dung - Về nội dung thì như người viết đã trình bầy ở trên, chỉ có một câu cụt ngủn phủ nhận tính cách xác thực trong câu tuyên bố của Nguyễn Minh Triết nói rằng HĐGM và Tòa Thánh ủng hộ cách thức CS xử lý Lm Nguyễn Văn Lý. Nói khác đi thì văn thư Đ/C Hòa viết xác nhận lời tuyên bố của Triết là không đúng sự thật. Thế nhưng sự thật trong vấn đề này là sự thật gì thì lại không được giải thích. Cha Lý bị đưa ra tòa, bị kết án đúng hay không đúng theo quan điểm và nhận định của HĐGM. Và quan trọng hơn là thái độ im lặng của HĐGM mang ý nghĩa gì, đồng tình hay phản kháng thụ động đối với hành động của đảng và nhà nước CS. Nếu không giải thích rõ ràng những điểm đó thì dư luận, và cả Nguyễn Minh Triết chắc cũng không hiểu rõ được vấn đề. Người Pháp nói “trop parler nuit” (nói nhiều quá có hại). Nhưng trong trường hợp này, nói ít quá cũng chẳng lợi lộc gì.

Về Suất Xứ - Lá thư Đ/C Nguyễn Văn Hòa gởi cho Nguyễn Minh Triết được phổ biến trên Website VietCatholicNews (VCN) của Lm Trần Công Nghị ngày 08-7-2007. VCN là cơ quan truyền thông đầu tiên phổ biến lá thư này. Nếu không có VCN thì không ai biết là có văn thư đó. Cứ giả sử rằng Đ/C Hòa chỉ gởi một bản duy nhất (dĩ nhiên không kể bản lưu) cho Nguyễn Minh Triết thì chuyện gì sẽ xẩy ra. Điều chắc chắn là mục đích thanh minh thanh nga của đức cha đã trở thành công dã tràng, bởi vì lá thư sẽ nằm ngủ yên trong túi Nguyễn Minh Triết cho đến muôn đời. Dư luận đâu có biết mặt mũi nó thế nào. Nguyễn Minh Triết chịu cho công bố lá thư để cải chính dùm cho đức cha sao? Sức mấy! Triết không xé giục sọt rác đã là may lắm rồi. Do đó việc có lá thư cải chính cũng coi như không. Và dư luận trong nước sẽ tin rằng Triết nói HĐGMVN và Tòa Thánh Vatican tán thành việc bắt giam cha Lý là sự thật.

Trách nhiệm làm truyền thông của Lm Trần Công Nghị trong vấn đề công bố lá thư cũng cần phải đặt thành nghi vấn. Nguyên tắc đầu tiên của việc phổ biến một tin tức là phải biết rõ nguồn cung cấp tin, từ tòa GM Nha Trang, hay từ HĐGMVN? Đành rằng VCN có quyền không tiết lộ nguồn tin, nhưng đó là trường hợp bất khả kháng, để bảo vệ an ninh cho người cung cấp tin chẳng hạn. Không cho độc giả biết nguồn tin là một vi phạm nghề nghiệp. Điều đó còn cho thấy tin tức thiếu tính chính xác hoặc có gì mờ ám. Cho rằng VCN có biết rõ nguồn cung cấp tin đi chăng nữa, nhưng khi phổ biến một văn thư không chữ ký, không con dấu như thế cũng không nên phổ biến nếu họ còn tự coi mình là làm truyền thông trung thực và chuyên nghiệp. Trừ ra khi lá thư có kèm theo một phóng ảnh (scan) của bản văn chính thức.

Ngoài ra đối với văn phòng HĐGMVN, phương thức cải chính tin tức theo phương thức như ta thấy cũng đáng bị dị nghị. Thông thường thì báo, đài nào loan tin sai thì người bị loan tin sai có quyền yêu cầu kẻ tung tin thất thiệt phải cải chính đúng trên tờ báo đó, đài đó. Tên nói láo không chịu thì cứ việc nhờ luật pháp can thiệp. Chẳng ai dại gì lại viết thư riêng cho kẻ bịa chuyện bảo nó rằng mày nói láo đấy. Nếu quả thật văn phòng chủ tịch HĐGM gởi văn thư cho Nguyễn Minh Triết rồi lại gởi bản sao không triện, không chữ ký cho VCN để nhờ phổ biến thì là một việc làm thiếu khôn ngoan, vừa không đúng nguyên tắc, vừa tạo ra một sự nghi ngờ đáng tiếc trong dư luận.

Những điểm thiếu minh bạch nêu trên quả thật đã đưa đến nghi vấn cho rằng lá thư của Đ/C Hòa phổ biến trên VCN là lá thư ngụy tạo, và có người muốn đi tìm sự thật. Một người trẻ rất nhiệt tâm tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam là chị Thanh Hà ở bên Úc, đã viết thư [Thư ngỏ kính gởi HĐGMVN: Xin Phổ Biến Hai (2) Văn Thư theo dạng phóng ảnh) thẳng cho Đ/C Hòa và đức HY Mẫn xin phổ biến các phóng ảnh (scan) các lá thư chính thức của các ngài. Thư yêu cầu của chị gởi đi ngày 13-7 nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm. Người ta tin rằng trong hiện tình sẽ không có chuyện hồi âm vì một khó khăn duy nhất không thể vượt qua, đó là vì lòng người ngại núi e sông, chứ không phải vì ngăn sông cách núi.

Tuy nhiên cũng chưa hẳn là điều thất vọng. Bỗng một Website có tên Công Giáo Việt Nam (www.conggiaovietnam.net) tự nguyện đứng ra đáp ứng yêu cầu của chị Thanh Hà. Sau đó nữa lại có thêm Chứng Nhân Đức Kitô (Chungnhanduckito@ gmail.com) xung phong tiếp tay với CGVN. Họ đều là những diễn đàn công giáo, hoạt động bên trong VN. Họ tự nguyện đáp ứng lời yêu cầu của chị Thanh Hà trong khi các đấng bậc đều im lặng. Nhưng thực ra sự đáp ứng đó chỉ được một phần và là cái phần không mấy cần thiết. Họ cho biết đã vô tận tòa TGM Saigon xin được bản sao thư của đức HY Mẫn gởi cho báo CG&DT để gởi ra bên ngoài. Xét về tính cách thời sự, lá thư này không mấy quan trọng vì chỉ là thư nội bộ trong giới truyền thông công giáo (tuy CG&DT là giáo gian). Còn lá thư Đ/C Hòa gởi cho Nguyễn Minh Triết mà sự trung thực của nó cần phải được chứng minh thì họ không xoay xở được nên đành phải chịu thua. Họ viện vào những lý do nào là khó khăn, nào là tính cách tế nhị của vấn đề v.v. Nói vậy thì biết vậy thôi. Biết làm thế nào hơn. Người ta tử tế đến thế là đủ rồi. Rốt cuộc thì việc truy tìm bản chánh của lá thư của Đ/C Hòa gởi Nguyễn Minh Triết là khó thật, khó hơn cả việc đi tìm cái tổ của con chuồn chuồn.

Chuyện Ngoài Lề

Âu cũng là cái duyên để người viết có được một chút hiểu biết về một vài khía cạnh trong vấn đề sinh hoạt tôn giáo ở trong nước, mặc dầu đây không phải là mục đích của bài viết này.

Việt Nam bây giờ đang là thời nở rộ thông tin trên mạng mặc dầu nói rằng có ngăn cấm và theo dõi gắt gao. Mọi người, mọi giới tham gia cuộc đua lên Net. Giới công giáo phải kể là là một tay đua có hạng. Nhiều hội đoàn, nhiều giáo xứ, nhiều nhóm tự mở website. Mục đích làm website theo nhận xét chung là để giảng đạo. Giảng đạo trong luồng thì không sao, nhưng ngoài luồng như GH Mennonite thì không được. Một xứ đạo xây một ngôi nhà thờ lớn nguy nga. Các hội đoàn đồng phục đẹp mắt trong các cuộc lễ lạc, rước xách. Ông cha xứ trước đám đông giảng cho thật hùng hồn. Tất cả được đưa lên mạng để khoe với thế giới. Đối với một ông cha xứ, và cả con chiên nữa, việc tông đồ như thế là thành công tốt đẹp rồi. Người ta không quên sau mỗi việc tông đồ như thế là đến màn ăn nhậu. Nhiều ông cha, nhất là cha trẻ, và nghe đâu có cả giám mục nữa, uống rượu như cái hũ chìm.

Các diễn đàn CGVN và CNĐK là vài trong số các diễn đàn trong nước mở ra để giảng đạo. Điểm rất đặc biệt của cả hai là ban biên tập đều ẩn danh. Họ chỉ trao đổi với bên ngoài bằng tên và địa chỉ của diễn đàn hoặc một nick nào đó. Họ xem ra còn trẻ, và khiêm tốn, nói chuyện ngọt hơn mía lùi, lý luận bài bản giống hệt các ống loa mắc trên cây hoặc trên các cột đèn ở các dẫy phố đến nỗi nghe ghê ghê thế nào ấy. Hình như có pha chút cung giọng của các anh cán làm dân vận mà người dân miền Nam quen gặp. Không có gì nghi ngờ họ đi chung cùng một đường lối. Cả văn phong lẫn tâm tình thố lộ cũng giống nhau như đúc. Thoáng nhìn thôi cũng thấy được hai cơ quan truyền thông CG (?) này giống nhau như hai chị em sanh đôi. Câu thơ sau mô tả về họ chắc không sai: Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai.

Người viết được đọc một số email trao đổi qua lại giữa website Conggiaovietnam. net và Chungnhanduckito@ gmail.com với một số anh em ở ngoài này. Nhìn ở cận điểm, thấy những bạn trẻ ở trong nước là những người có nhiệt huyết và có lòng. Có lẽ nên là điều đáng vui mừng. Giữa lúc tư bề bị quân thù vây hãm mà có những người trẻ can đảm dám vỗ ngực xưng tên xưng tuổi Công Giáo Việt Nam, và Chứng Nhân Đức Kitô không phải là một điều đáng mừng sao! Tuy nhiên mừng thì có mừng thật đấy, nhưng rồi lại cảm thấy buồn buồn sao ấy. Ở Việt Nam, cũng cùng sống trong một hoàn cảnh và điều kiện của môi trường như những bạn trẻ CGVN và CNĐK, có nhiều người trẻ khác , rất nhiều, họ không xưng danh tôn giáo này, tôn giáo nọ, cũng không tự nhận là chứng nhân của bất cứ ai như các Ls Nguyễn thị Công Nhân, Nguyễn văn Đài, Bs Phạm Hồng Sơn, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, công nhân Nguyễn Tấn Hoành, và còn bao nhiêu người hữu danh và vô danh khác nữa đã dám hiên ngang đốt đèn sáng và để lên cao, thật cao (dụ ngôn trong Thánh Kinh) soi đường cho mọi người. Trong khi những bạn trẻ vỗ ngực xưng danh công giáo VN, và tự cho mình là chứng nhân của Đức Kitô thì lại đốt đèn để dưới gầm giường hoặc lấy thúng úp lại. Các bạn đó làm chứng nhân nhưng sợ người ta để ý, sợ bị làm khó dễ, sợ đủ thứ. Thậm chí việc giao dịch bằng email thôi, các bạn cũng không dám lấy tên thật. Ngay như việc các bạn tự nguyện đi xin một bản scan lá thư cửa Đ/C Hòa gởi Nguyễn Minh Triết, các bạn lại cũng lấp liếm bằng đủ thứ khó khăn, nào là khả năng giới hạn, nào là tính cách tế nhị của vấn đề v.v. để rồi cuối cùng các bạn đi đến dỗ ngọt chị Thanh Hà cho qua chuyện: “Vì thế, việc quí vị xin xác minh bức thư của đức cha Phaolo và đề nghị cần có mộc, phóng ảnh … không còn cần thiết. Hơn nữa, với kỹ thuật hiện nay, khó có thể phân biệt thật hay giả, nếu chỉ dựa vào những yếu tố đó ….” Và cuối cùng các bạn còn trấn an thêm: “Thôi thì có mộc hay không có mộc không cần thiết đâu. Biết rõ xuất xứ là đủ rồi”. Nếu biết rõ xuất xứ thì các bạn biết thôi chứ có ai biết đâu. Mô Phật!

Có một điều rất khó hiểu là chính các bạn trẻ này không thể tìm ra và đọc được bản văn chính thức lá thư của Đ/C Hòa, nhưng họ lại dám quả quyết: “So sánh với bản văn đã được hầu hết các phương tiện truyền thông Đạo & Đời phổ biến trong những ngày vừa qua, chúng tôi nhận thấy tất cả đều chính xác về hình thức lẫn nội dung.”

Nhiều người cứ tưởng rằng cái cơ chế Xin/Cho là sản phẩm riêng của CSVN. Ai ngờ nó ăn trùm sang cả việc nhà đạo. Ở bên Mỹ này cũng có cơ chế Xin/Cho chứ không phải không có. Thí dụ muốn xin một cái passport cũng phải gởi đơn, hình ảnh v.v. lên cơ quan INS. Ở Mỹ, CHO là một BỔN PHẬN, hay đúng hơn, là một TRÁCH NHIỆM của chính quyền. Trái lại ở VN, CHO là một QUYỀN LỢI của nhà cầm quyền. Chấp thuận cho cái gì là cách CS ban ơn huệ cho người xin. Tiếc rằng khái niệm Xin/Cho của chế độ CS đã lây lan sang cả GHCG. Việc phổ biến tờ phóng ảnh nếu có yêu cầu đúng ra là bổn phận của Đ/C Hòa, chứ không phải quyền ngài muốn cho hay không tùy ý, bởi vì sự yêu cầu của người xin là để phục vụ công ích, nghĩa là đem sự thật đến cho mọi người.

Khái niệm về cơ chế Xin/Cho đã bị biến tính ngay trong GHCGVN và xử dụng một cách méo mó đã làm thui chột những giáo dân trẻ có tâm hồn và nhiệt huyết. Bề trên nắm quyền “cho” nhưng sợ sệt đủ thứ nên bề dưới phải vâng lời sợ theo. Bề rên rụt rè thúc thủ, bề dưới cũng không dám ngo ngoe trái lời. Cơ chế và lối sống đẻ ra một dòng giống cha-nào-con-nấy (tel père tel fils). Nó đè bẹp con người không thể thoát ra được. Như thế làm sao GHVN có thể sản sinh được những chủ chăn đáng mặt như Ncube của Zimbabwe , hay Perez Morales của Venezuela , và những giáo dân can trường như Nguyễn thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Phạm Hồng Sơn, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Tấn Hoành vân vân và vân vân.

Mặt Sau Lá Thư : Những Chữ Vô Tự

Đ/C Hòa xác nhận hay không xác nhận lá thư thực ra không phải là chuyện quan trọng lắm. Vấn đề là bàn tay nào đã phổ biến lá thư của ngài một cách ẩu tả đến như vậy và phổ biến với mục đích gì. Tìm hiểu các khía cạnh này của vấn đề, người viết tếu một chút gọi là rờ mu rùa, một phương pháp bói quẻ căn cứ theo sự xếp đặt sấp ngửa của ba đồng tiền (đồng trinh trị giá ½ xu) gieo xuống đất từ trong một cái mu rùa khô. Cũng giống như quẻ bói hiện ra trên mặt các đồng tiền, mục đích việc quảng bá lá thư có thể được nhìn thấy qua cung cách nó được phổ biến. Quẻ nói thế nào là những chữ vô tự viết trên mặt sau của lá thư chứ không phải một dúm chữ bạch tự viết ở mặt trước.

Nên tỉnh táo ghi nhớ 3 điểm quan trọng sau đây để luận quẻ. Thứ nhất, ở hải ngoại chúng ta, người Việt tỵ nạn CS, được hưởng đủ mọi thứ tự do, đặc biệt quyền tự do ngôn luận và báo chí. Trong nước trái lại, người dân mất hết mọi thứ quyền. Thứ hai, CS biết rất rõ ở đâu chúng có thể tuyên truyền lừa bịp được, và ở đâu chúng không còn thể lừa bịp nổi nữa. Và thứ ba, nếu không còn bịp nổi, CS bắt buộc phải ngăn chặn và hóa giải những thông tin bất lợi cho chúng.

Chỉ bàn tới trong phạm vi vấn đề người viết đang bàn, từ các chân lý trên, chúng ta rút ra được những hiểu biết sau đây:

1. CS cần phịa ra một lời tuyên bố (dù rất láo xược) của Triết về vấn đề bắt giữ cha Lý và phổ biến thật sâu rộng trong nước để lừa bịp người dân, nhất là người công giáo. Bên ngoài, thế giới chẳng ai tin nhưng chúng không cần. Nhiều giáo dân trong nước trước đây vì bị bưng bít thông tin cho rằng cha Lý không vâng lời bề trên mà hoạt động chính trị nên bị bắt. Nay họ lại nghe chủ tịch nước tuyên bố việc CS bắt nhốt cha Lý được Đức Giáo Hoàng và HĐGM tán thành thì chắc chắn sẽ càng xác tín hơn. Kế hoạch bịp này CS chỉ dùng để bịp dân chúng trong nước. Chúng xử dụng tối đa báo chí trong nước, đặc biệt là tờ Công Giáo và Dân Tộc.

2. Mặc dù là thư Đ/C Nguyễn Văn Hòa gởi riêng cho Triết, nhưng CS thấy cần phải cho phổ biến, và chỉ phổ biến ở hải ngoại thôi để hóa giải những chống đối của người Việt tỵ nạn. Với VC, việc làm này có những tác dụng trái ngược, nhưng lợi vẫn là hơn:

- Làm mất mặt Triết đôi chút, nhưng chỉ là chuyện nhỏ. Hàng 5 ngàn đồng bào biểu tình la ó vị nguyên thủ quốc gia trước mặt báo chí ngoại quốc Triết không sợ mất mặt, hắn há lại sợ mất mặt vì một lá thư có thể nói được là thư giả mạo sao?

- Một phần nào có ý xin lỗi và rửa mặt cho HĐGMVN và nhất là Vatican để giữ an toàn những chỗ dựa mà đảng CSVN đang cần tới. Lm Trần Công Nghị, chủ nhân VCN đã có phụ họa thêm vào. Trả lời đài phát thanh Á Châu Tự Do ngày 12-7-07, ông Nghị nói: “Việc lên tiếng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là vì danh dự của các ngài.”

- Giúp làm nguội đi sự chống đối của khối công giáo VN tỵ nạn đối với HĐGMVN, vì nếu không, sự thể có thể dẫn tới việc giáo dân cắt đứt nguồn tài trợ cho GH trong nước mà người thiệt hại trước tiên là CS.

Cách thức phổ biến lá thư bảo đảm cho những nhận định trên đây. Vì như ta thấy, Sự phổ biến này vốn không phải là cung cách làm việc của bất cứ vị giám mục nào nói riêng, và HĐGM nói chung. Xưa nay có chuyện gì liên hệ với nhà nước, HĐGM đều làm việc một cách âm thầm kín đáo, chứ không công khai chỉ ở ngoại quốc không thôi như thế này. Cân nhấn mạnh là một lá thư quan trọng như thế đưa phổ biến ở hải ngoại nhất định không thể là ý muốn của các ngài. Nói thẳng ra là các ngài sợ bị đụng chạm. Sợ đụng chạm là nguyên nhân đưa đến sự im lặng triền miên của các ngài. Hơn nữa nếu thấy cần thiết phải công bố lá thư thì ít nữa các ngài cũng phải trước hết nhờ đến các phương tiện truyền thông trong nước, nhất là website riêng của HĐGM và tờ CG&DT, chứ sao lại chỉ công bố trên VCN ở hải ngoại. Một việc làm hết sức ngớ ngẩn và vô lý.

Như vật thì câu hỏi phải đặt ra là động lực và bàn tay nào đã làm chuyện này. Người ta chỉ có một cách giải thích duy nhất là việc này nằm trong sự chỉ đạo của CS qua bàn tay bọn quốc doanh mà nhiều phần chắc là chính ủy Huỳnh Công Minh hoặc tay chạy cờ TrầnThiện Cẩm. Hai tay này xưa nay gắn bó với Trần Công Nghị, giám đốc VCN. Ngoài VCN do vị thế của nó đối với HĐGMVN, không có cơ sở truyền thông nào thuận tiện cho bằng nó.

Cũng cần lư ý đến 3 thời điểm sau đây:

- Ngày 06-7-2007, báo đài trong nước tường thuật đầy đủ buổi phỏng vấn Nguyễn Minh Triết của ký giả Wolf Blitzer và cuộc đàm luận tại Hạ Viện Hoa Kỳ giữa Triết và một số dân biểu Mỹ.

- Ngày 07-7-2007, Đ/C Nguyễn Văn Hòa viết thư gởi Nguyễn Minh Triết. Và, được phổ biến trên VCN.

- Ngày 08-7-2007, lá thư này được phổ biến trên mạng VCN, trong khi bản văn chính thức của lá thư chưa chắc đã kịp chuyển đến văn phòng Nguyễn Minh Triết.

Tại VN không thể có chuyện làm ăn mau lẹ và nhịp nhàng đồng điệu đến thế được. Điều này chứng tỏ đã có một kế hoạch dàn dựng từ trước. Các kẻ thông đồng cấu kết cho ra đời một lá thư thiếu đầu thiếu đuôi tuồng như thư giả cũng là có chủ đích. Nếu vạn nhất đi đến chỗ đổ bể thì Đ/C Hòa vẫn vô can, và Lm Trần Công Nghị chỉ cần xin lỗi vì làm việc thiếu cẩn trong. Thế là xong việc. Phủi tay. Lối làm ăn này nhiều người gọi là hành động chữa cháy. Quả thực nếu các tay phù thủy chính trị không ra tay sớm thì phen này có lẽ HĐGMVN cháy rụi thiệt. CS đầu sỏ nó vu oan giá họa như thế mà HĐGM vẫn ngồi yên được thì ai mà chịu nổi. May mà xe chữa lửa và đám lính cứu hỏa ra tay đúng lúc và kịp thời.

Lời Kết

Trong một email trao đổi với các nhóm CGVN và CNĐK về vấn đề bản chánh bản phụ của các lá thư nói trên, Bác sĩ Lê Huy Linh Vũ ở Boston, Hoa Kỳ, viết: “Những tiếng nói “không chính thức” “không thẩm quyền” như quí vị đây (nhóm CGVN và CNĐK) lại đứng ra bảo đảm thay cho các Ngài (Đ/C Hòa và HY Mẫn)? Điều đó chỉ nói lên rằng họ khiếp sợ SỰ THẬT. Nhưng xin quí vị nhớ cho rằng SỰ THẬT vẫn là SỰ THẬT. Những điều gian dối trước sau rồi cũng hiện nguyên hình dưới Ánh Sáng Công Lý.

Cũng trong loạt email trao đổi này, người bạn trẻ Dominic Hoàng ở Úc nêu lên một suy tư cũng là một thắc mắc thâm trầm hơn: “Trước đây, có một người hỏi một câu “Is the Pope (Jean Paul II) Catholic? (Giáo Hoàng có phải người công giáo không?) Nếu hôm nay, có người hỏi HĐGMVN rằng “Các Ngài có phải là người Kitô Hữu không?” Ai sẽ trả lời một cách trôi chẩy, không ngập ngừng, không vấp váp?”

Còn người viết không suy nghĩ cao xa mà chỉ nhìn vào thực tại trước mắt để nhận định và đánh giá sự việc. Đức HY Phạm Minh Mẫn viết trong thư ngày 10-7-2007 gởi cho báo CG&DT và các cơ quan truyền thông CGVN dậy dỗ rằng: “……. theo giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo từ Công Đồng Vatican II đến nay, chức năng của cơ quan truyền thông công giáo là thông truyền trung thực sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa, về con người và cuộc sống …” Lời giảng dậy rất chính đáng, nhưng tri hành có hiệp nhất không thì lại là chuyện khác. Chẳng hạn đức TGM Ngô Quang Kiệt dậy bổn đạo đi đâu nhớ mang theo trái tim. Vườn hoa Mai Xuân Thưởng, nơi hàng trăm dân oan chờ chực đèn trời soi xét, cách nhà chung Hanội vài khu phố. Đức TGM đi qua đó hàng ngày nhưng ngài lại quên mang theo trái tim hoài. Cũng vậy, đức HY Phạm Minh Mẫn nói nhiệm vụ Chúa trao cho ngài là yêu thương và phực vụ mọi người, nhưng ngài lại quên mất việc yêu thương và phục vụ những người dân oan giãi nắng dầm mưa cả tháng trời ở văn phòng trụ sở QH2CS cách ngài chẳng bao xa. Cho đến khi những con người khốn khổ này bị bạo quyền hốt đi hết ngài cũng chẳng hay. Về truyền thông, Những người viết lách muốn nói sự thật lắm chứ. Sự thật ở trong tay các ngài. Các ngài giữ nó khư khư như giữ mả tổ, ngoài miệng vẫn dậy truyền thông phải nói sự thật. Như thế phải chăng những người cầm bút chỉ được thông truyền sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa, về con người và cuộc sống. Còn sự thật về các ngài thì không được rớ tới?

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất




--------------------------------------------------------------------------------

Thư minh xác của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về lời tuyên bố của Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết

(VietCatholicNews 08/07/2007)

Tòa Giám Mục Nha Trang
22, Trần Phú
Nha Trang
Nha Trang, ngày 7 tháng 7 năm 2007

Kính gởi : Cụ NGUYỄN MINH TRIẾT
Chủ tịch Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Kính thưa Cụ Chủ Tịch Nước,

Thay mặt Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi kính gửi lời thăm Cụ và thưa Cụ việc sau đây :

Nhân đọc trong báo “ Tuổi Trẻ “, số ra ngày 6 tháng 7 năm 2007, tại trang 3, liên quan đến vụ xét xử Linh mục Nguyễn Văn Lý,

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhận định như sau :

Câu trả lời của Cụ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết “ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi “ là không đúng sự thật.

Kính chúc Cụ sức khỏe.

TM. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
+ Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
+GM. Phaolô Nguyễn Văn Hòa


--------------------------------------------------------------------------------

http://vietcatholic.net/News/Html/45458.htm

Nguyễn Học Tập: Dân chủ trực tiếp và Dân chủ trung gian

DÂN CHỦ TRỰC TIẾP VÀ DÂN CHỦ TRUNG GIAN ĐIỀU GIẢI
TRONG TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ


NGUYỄN HỌC TẬP

A - Hình ảnh Chính Quyền Dân Chủ, cách chung được các Hiến Pháp Dân Chủ Tự Do phát họa là Vị Nguyên Thủ Quốc Gia (hay Tổng Thống) là người có quyền bổ nhiệm Chính Quyền, trong khi đó Quốc Hội có nhiệm vụ hợp thức hoá cho, nói cách khác là "dân chủ hoá" cho Chính Quyền, bởi lẽ chính Quốc Hội mới là cơ quan dân cử, tiếng nói phát biểu ý kiến và ước vọng của dân.

Khuôn mẫu Chính Quyền như vừa kể là Chính Quyền Đại Nghị Chế Nhị Nguyên (parlementarisme dualiste), chúng ta có thể gặp được trong lịch sử ngay từ thời gian sau Cách Mạng Pháp 1830-1848.

Chính Quyền Đại Nghị Chế Nhị Nguyên như vừa thấy mang hai nguồn tín nhiệm, nói lên sự hiện hữu của hai quyền lực có khả năng hợp thức hoá cho:

- uy quyền quân chủ (được thể hiện qua vai trò của Tổng Thống, thay cho nhà Vua trong quá khứ),

- uy quyền dân chủ đại diện, qua vai trò của Quốc Hội (Burdeau Georges, Droit constitutionel et institutions politiques, Pichon et Durand - Auzias, Paris 1972, 174).

Nhưng rồi sau đó, trong suốt các thế kỷ '800 và '900, nghĩa là sau khi nền quân chủ không còn có nhiều ảnh hưởng nữa, khuôn mẫu tổ chức cơ chế Quốc Gia được thể hiện bằng Quốc Hội và Chính Quyền, là hai cơ quan đồng đẳng như nhau, cơ quan nầy độc lập đối với cơ quan kia.

Từ đó muốn giữ cho mức cân bằng giữa hai cơ quan quyền lực Quốc Gia, các Hiến Pháp giao cho Vị Nguyên Thủ Quốc Gia có quyền giải tán Quốc Hội và bổ nhiệm Chính Phủ (Burdeau Georges, Il regime parlamentare europeo, trad. it., Comunità, Milano 1950, 79s).

Trong suốt lịch trình tiến triển của hai thế kỷ vừa kể, định chế hiến định về tổ chức Chính Quyền của nhiều Quốc Gia có nhiều bước tiến triển, nhưng không đồng đẳng và đồng loạt như nhau, tùy thuộc mỗi Quốc Gia, biến chuyển, từ việc chuyển giao quyền chọn lựa Chính Phủ của Vị Nguyên Thủ Quốc Gia qua tay các nhà lãnh đạo Quốc Hội (Zilemenos Constantin, Naissance e Évolution de la fonction du Premier Ministre dans les régimes parlementaires, Pichon et Durand- Aurias, Paris 1976).

Từ đó chúng ta thấy được khuynh hướng chung của các Quốc Gia Dân Chủ Tây Âu là chuyển giao quyền tuyển chọn Chính Quyền vào tay Quốc Hội (W. Bagehot, The English Constitution, Oxford University, London 1969).

Và rồi như chúng ta biết Quốc Hội là cơ quan dân cử, nên nguyên tắc "quyền tối thượng của Quốc Gia thuộc về dân" (định nghĩa dân chủ) trong tiến trình thành lập Chính Phủ, dần dần được chuyển giao trong tay nhiều chủ thể khác nhau,

- cho cử tri đoàn nói chung

- hay cho các chính đảng nói riêng, nhứt là đối với những Quốc Gia đa đảng. Hay nói theo ngôn ngữ của Duverger, trong tiến trình thành lập Chính Phủ, các Quốc Gia Tây Âu có thể áp dụng

* "dân chủ trực tiếp" (démocratie immédiate, cử tri đoàn trực tiếp, qua cuộc bầu cử, đứng ra quyết định chọn phe phái nào đứng ra lãnh đạo Quốc Gia)

* hay "dân chủ trung gian điều giải" (démocratie médiate: sau cuộc đầu phiếu, các chính đảng sắp xếp,

- thoả thuận nhau về đướng hướng chính trị,

- chọn ai đứng ra lãnh đạo

- và ai là thành phần nội các, chức vụ nào

- và bao nhiêu nhân vật của mỗi chính đảng, để thành lập Chính Phủ Thoả Hiệp, nếu là Quốc Gia đa đảng) (M. Duverger, Monarchie Republicaine, R. Lafont, Paris 1974, 109 et 281s).

Trong trương hợp áp dụng phương thức " dân chủ trung gian điều giải " của các Quốc Gia đa dạng và đa đảng, cử tri đoàn " chỉ có thể cung cầp số lượng quyền lực tỷ lệ cho các chính đảng, để các chính đảng sau khi thảo luận, bàn cải và sắp xếp thoả thuận với nhau, đứng ra chỉ định ai lãnh đạo hành pháp và thành phần Chính Phủ" (Spagna Musso, Costituzione e struttura del Governo. L'organizzazione del Governo negli stati di democrazia parlamentare, Ricerca C.N.R., Cedam, Padova 1982).

Hành xử như vậy, "dân chủ trung gian điều giải " chỉ định:

- Chính Quyền phải được dân chúng hợp thức hoá (được dân chúng đồng thuận cho bằng quyền lực tỷ lệ cuộc bầu cử),

- quyền lực đó được tập trung vào tay một vị lãnh đạo Hành Pháp để bảo đảm cho nền dân chủ hoạt động được hữu hiệu và hiệu năng trong một Quốc Gia dân chủ đa dạng (hữu hiệu: đạt được mục đích nhằm đến, kịp thời và theo đúng định kỳ dự định; hiệu năng: không phung phí tài nguyên không cần thiết để đạt được mục đích) ( Zagrebelsky Gustavo, Società - Stato costituzionale. Lezioni di dottrina dello Stato degli anni accademici 1986-1987, 1987-1988, Giappichelli, Torino 1988, 17s).

Đặc tính "phải được dân chúng hợp thức hoá " là đặc tính nền tảng của một Chính Quyền Dân Chủ.

- Hay nói theo ngôn từ của Max Weber, là đặc tính của "Nền Quân Chủ Cộng Hoà " (Max Weber, Parlamento r Governo nel nuovo ordinamento della Germania, in Palamento e Governo, a cura di F. Fusillo, Laterza, Bari 1982, 153s).

- Hoặc là đặc tính của "Nền Dân Chủ với Một Nhà Lãnh Đạo" (L. Cavalli, Potere oligarchico e potere personale nella democrazia moderna, inAtti del Convegno su leadership e democrazia, Il Mulino, Bologna 1991, 8s).

Hai đặc tính quyết định vừa kể, tùy theo hoàn cảnh, nhu cầu hữu hiệu và hiệu năng của từng Quốc Gia, được thực thi dưới nhiều phương thức:

* phương thức "dân chủ kỷ thuật " (tecnodemocrazia) , lựa chọn người lãnh đạo tùy khả năng chuyên nghiệp và nhu cầu đòi hỏi của Đất Nước phải đáp ứng kịp thời (Patrono, " Monarchia repubblicana, una formula discutibile, in Dir e soc. 1975, 155s).

* phương thức "dân chủ tham dự " (democrazia parteicipativa), tao điều kiện và trường hợp để dân chúng thực sự tham dự vào việc thiết định chính hướng Quốc Gia, chấm dứt tình trạng "Dân chủ vô dân chúng " (Démocratie sans peuple), hay dân chủ thuyết lý và mỵ dân, dân chủ nhân dân của CS " Đảng cử dân bầu"chẳng hạn (Duverger Maurice, " Democrazia senza popolo", trad. it., Delado libri, Bari 1968),

- phương thức chống lại khuynh hướng "quả đầu chính thể " (oligarchie) của một số chính đảng độc quyền cai tri, như Đức và Ý thời Hitler và Mussolini hay ở một vài xứ dưới chế độ độc tài CS còn sót lại hiện nay (Cavalli L., Potere oligarchico, in Atti del Convegno su Leadership e democrazia, Il Mulino, Bologna 1992, 13s).

-phương thức tạo được một Chính Quyền "vững mạnh và có khả năng" (stabile e in grado di...) thực hiện đường hướng chính trị hoạch định cho đất nước (Galeotti Serio, Il Govern scelto dal popolo. Il Governo di legislatura, Giuffré, Milano 1984, 24s).

Nhưng dù sao đi nữa, các phương thức được duyệt xét trên đối với cấu trúc và hoạt động của Chính Quyền Dân Cử (ex popoli ) đều phải hàm chứa hai yếu tố:

- yếu tố "đa nguyên, đa dạng, nhiều giai cấp" (pluralista) : cho phép chúng ta nhận thức được trong Chính Quyền Dân Chủ phải thể hiện được phương thức hành xử quyền bính và mối tương quan đa diện của dân chúng (M.S. Giannini, I pubblici poteri negli stati pluriclasse, in Riv, trim dir, pubbl., 1979, 389s).

- cấu trúc và hoạt động của Chính Quyền là phương thức và cơ hội của tiến trình "hoà hợp và hội nhập" (unità ed integarzione) các thành phần khác biệt nhau trong cộng đồng Quốc Gia (Smend Rudolf, Costituzione e diritto costituzionale, trad. it., Il Mulino, Bologna 1988, 75s).

B - Mục đích cuối cùng vừa kể của tổ chức Chính Quyền nói riêng và của Đất Nước nói chung, "hoà hợp và hội nhập" (unità ed integrazione) nói lên định hướng của hầu hết các Hiến Pháp Tây Âu, nhứt là Hiến Pháp 1947 Ý Quốc.

Quốc Gia cũng như Chính Quyền được tổ chức nhằm mục đích quy tựu đoàn kết hợp nhứt, từ đa nguyên đa dạng, trong một tiến trình sắp xếp các thành phần và nhu cầu đối nghịch, như là phương thức cần thiết để giữ vững một thể chế trong đó

mỗi thành phần khác nhau được bảo đảm cho vẫn tồn tại sống còn và từ đó cũng cố Quốc Gia được bền vững.

Nói cách khác, trong các thể chế dân chủ của các Quốc Gia Tây Âu đa nguyên và đa dạng về chính trị và xã hội hiện nay, một phần quan trọng của tổ chức Quốc Gia được nhằm bảo đảm cho việc hòa hợp và hội nhập đoàn kết các tổ chức và giai cấp chính trị và xã hội khác nhau, qua tiến trình dân chủ, mọi quyền lực Quốc Gia đều phát xuất từ nền tảng dân chúng ở bên dưới (Zagrebelsky Gustavo, Diritto costituzionale, I. Il sistema delle fonti di diritti, Utet, Torino 1992, 14).

Mục đich của tổ chức Quốc Gia và Chính Quyền Dân Chủ Tây Âu là hòa hợp và hội nhập mọi khác biệt chính trị và xã hội vào cộng đồng dân tộc, cùng sống trên một lãnh thổ, được tổ chức theo một thể chế.

Tùy hoàn cảnh, có lúc tổ chức Quốc Gia nhứt là tổ chức cơ chế Chính Quyền được hình thành,

- nhằm đặt nặng trên "khả năng quyết định" của Chính Quyền để đạt được hiệu năng cần thiết,

- hay nhằm đặt nặng trên khả năng "trung gian điều giải" của những người được giao cho chức vụ quản trị Đất Nước (Zagrebelsky, id. 923).

Hai mục đích vừa kể được nhà chính trị học Lijphart Arend goi là

- "dân chủ đa số" (democrazie maggioritarie)

- và " dân chủ đồng thuận" (democrazie consensuali) (Lijphart Arend, Democrazie contemporanee, trad. it., Il Mulino, Bologna 1988, 11s).

* "Dân Chủ Đa Số" hay dân chủ theo khuôn mẫu Westminster là hình thức dân chủ được đại đa số dân chúng phong tước cho, được thực hiện ở những Quốc Gia khá đồng nhứt, không có quá nhiều chính đảng và các chính đảng không cách biệt nhau lắm về quan niệm chính trị, bởi lẽ hai phái tả hữu đều tìm cách xích lại gần trung tâm, càng gần càng tốt để nắm lấy thành phần dân chúng trung gian, "không theo phe phái nào", tạo được đa số và đắc cử (Lijphart Arend, id.).

Trong xã hội như vừa kể việc thành phần thiểu số bị loại ra ngoài Chính Quyền không phải là chuyện "kinh thiên động địa", bởi lẽ thành phần bị loại kỳ nầy, sẽ có cơ hội và khả năng thực sự lên nắm quyền nhiệm kỳ tới.Thành phần thiểu số đối lập trong một xã hội khá đồng nhứt như vừa kể có phương tiện và cơ hội đưa ra chương trình quản trị đất nước hiệu năng và hấp dẫn hơn giới lãnh đạo đương quyền đang chạm phải những khó khăn thực tế cần giải quyết.

Chương trình hiệu năng và hấp dẫn hơn sẽ được dân chúng "đồng thuận" và phong tước cho trong kỳ bỏ phiếu tới.

Dân Chủ Luân Phiên (Alternanzdemokratie) cũng là một đặc tính không thể thiếu của dân chủ là vậy (Schneider - Zeh, Parlamentsrecht und Parlamentspraxis in der Bundesrepublik Deutschland, Berlin- Newyork 1989, 214.

Trái lại nếu phương thức " dân chủ đa số" (democrazie maggioritarie) được áp dụng tuyệt đối, nhứt là thành phần đương quyền cấu kết với một vài chính đảng để tạo ra tình trạng "quyền lực quả đầu chế" (potere oligarchico), các chính đảng đối lập không còn có hy vọng nào hội nhập để trở nên chính đảng đương quyền, dần dần phản ứng của các nỗi tuyệt vọng sẽ biến thành phản ứng bất trung thành với thể chế Quốc Gia mà họ cho là bất công, áp đặt. Các Quốc Gia Cộng Sản độc tài, độc đảng luôn luôn bị dân chúng chống đối là trường hợp điển hình( Lijphart Arend, id, 32s).

Con người chỉ có thể tuân hành quyền lực mà mình xác tín là hữu lý, chính đáng.

Mọi chế độ áp đặt lên đầu lên cổ bằng bạo lực cường quyền lên con người, sớm muộn gì cũng bị con người bực tức, đứng dậy đạp đổ.

Đấng Tạo Hoá đã đặt vào tâm khảm con người lòng ước muốn công chính và tự do, khi Người tạo dựng nên họ. Bản tính nội tại của con người do đó là bản tính ước muốn tự do.

Mọi quyền lực áp đặt, bất công kềm hảm tự do của con người là hành vi đi ngược lại bản tính con người, ngày tàn của nó được tính từng giờ hay từng phút.

Những gì chúng ta vừa đề cập là phương thức "dân chủ đa số", thường được áp dụng ở những Quốc Gia khá thuần nhứt và ít chính đảng, như Anh Quốc chẳng hạn (khuôn mẫu Westminster).

* Hầu hết những Quốc Âu Châu Gia còn lại là những Quốc Gia đa nguyên, đa dạng về phương diện chính trị và xã hội.

Bởi đó, phương thức dân chủ của phần lớn các Quốc Gia Tây Âu khác là "dân chủ trung gian điều giải" (democrazie mediate), như Ý Quốc chẳng hạn.

Áp dụng phương thức "dân chủ trung gian điều giải" là cách áp dụng dân chủ nhằm để đáp ứng lại nhu cầu " hoà hợp và hội nhập " (unione e integrazione) một xã hội và một hệ thống chính trị bị phân hóa bằng nhiều phe nhóm cách biệt (cleavages).

Hiến Pháp 1947 Ý Quốc cũng như Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức (CHLBD) được các vị soạn thảo viết ra nhằm trao cho tình trạng khác biệt giữa các chính đảng, phe phái chính trị, xã hội, tôn giáo và sắc tộc nhiệm vụ

- "đại diện" ,

- lẫn "hoà hợp và hội nhập" dân chúng Ý và Đức thành một cộng đồng dân tộc, cùng sống trên một lãnh thổ, được tổ chức theo một thể chế (định nghĩa Quốc Gia trong Chính Trị Học) (Ridola Paolo, Divieto del mandato imperativo e pluralismo politico, in Studi per Crisafulli, II, 682s).

Với phương thức "dân chủ trung gian điều giải" tổ chức cơ chế Quốc Gia, nhứt là tổ chức Chính Quyền, với vai trò đại diện của các chính đảng, có thể vượt qua các khác biệt chính trị - xã hội đa nguyên đa dạng để quy tựu tất cả dân chúng vào thành một "cộng đồng dân tộc".

Với phương thức "dân chủ trung gian điều giải", việc thành lập Chính Quyền ở Ý, Đức cũng như phần lớn các Chính Quyền Tây Âu không do cử tri đoàn trực tiếp chỉ định qua cuộc bầu cử, như "dân chủ đa số " của khuôn mẫu Westminster (First past the post), mà là do vị Thủ Tướng được Tổng Thống chỉ định tham khảo ý kiến, sắp xếp đường lối và chương trình chính trị cũng như nhân sự trong Nội Các tương lai với sự đồng thuận của các chính đảng, tạo được sự tín nhiệm của các chính đảng đa số trong Quốc Hội, và được chính Tổng Thống "chuẩn y " bằng cách bổ nhiệm:

- "Chính Quyền của nền Cộng Hoà gồm có Thủ Tướng Chính Phủ và các Bộ Trưởng, cùng nhau hợp thành Nội Các.

Tổng Thống Cộng Hoà bổ nhiệm vị Thủ Tướng và theo lời đề nghị của Thủ Tướng bổ nhiệm các Bộ Trưởng" (Điều 92, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

- "Chính Quyền phải được sự tín nhiệm của hai Viện Quốc Hội.

Mỗi Viện Quốc Hội chấp nhận hay thu hồi sự tín nhiệm qua một cuộc bỏ phiếu có lý chứng và bỏ phiếu hài danh (nominale)" (Điều 94, đoạn 1 và 2, id.

- "Chính Quyền Liên Bang gồm có Thủ Tướng Liên Bang và các Bộ Trưởng Liên Bang" (Điều 62, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức, CHLBD).

- "Thủ Tướng Liên Bang được Hạ Viện Liên Bang (Bundestag) tuyển chọn, không cần bàn cải, theo lời đề nghị của Tổng Thống Liên Bang".

Ai hội tựu được đa số phiếu thành viên Hạ Viện về phía mình là người được tuyển chọn. Người được tuyển chọn, phải được Tổng Thống Liên Bang bổ nhiệm" (Điều 63, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1949 CHLBD).

"Dân Chủ Đa Số " (democrazia maggioritaria) hay "Dân Chủ Trung Gian Điều Giải " (democrazia mediata) được áp dụng ở đâu và lúc nào, tùy theo hoàn cảnh xã hội và chính trị của Quốc Gia khá thuần nhứt hay khác biệt, đa nguyên, đa dạng, mà những người có trách nhiệm phải sáng suốt và có ý thức.

Nhưng dù sao đi nữa, tổ chức cơ chế Quốc Gia Dân Chủ không thể nào thiếu yếu tố "Dân Chủ Đồng Thuận" (democrazia consenzuale), khiến cho một vài phe nhóm bám chặt quyền hành tạo ra tình trạng "Quyền Lực Quả Đầu Chế" (potere oligarchico) Đảng Trị, đàn áp tự do, tạo bất mãn và bất trung thành và bất tuân đối với thể chế nơi dân chúng.

Mục đích của tổ chức cơ chế Quốc Gia nói chung và Chính Quyền nói riêng là "hoà hợp và hội nhập" (unità ed integrazione), trong đó mọi thành phần khác biệt về chính trị, xã hội đều được bảo đảm tồn tại và sống còn để cùng nhau xây dựng một cộng đồng dân tộc, cùng sống trên một lãnh thổ, được tổ chức theo một thể chế, thể chế Nhân Bản và Dân Chủ.