Thứ Hai, 20 tháng 8, 2007

Phải bỏ tù bao nhiêu người để đi đến dân chủ ?

“… Khi người dân không sợ bị bắt giam nữa thì Nhà Nước độc tài không thể nào đứng vững và chắc chắn sẽ phải cáo chung …”

coi mạng nhân dân như rác

Kể từ cột mốc 30/4/1975, hàng trăm ngàn người đã vào tù, đi trại cải tạo, đi học tập, và vài ngàn người đã bị xử bắn để xã hội Việt Nam được «thanh lọc», ngõ hầu «tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội». Việt Nam còn cái may (hay là cái rủi) là không có một anh đồ tể Pol Pot say máu tiệu diệt cả một lúc hằng triệu người, và nghĩ rằng từ con số không, đảng ta có thể xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa.

Năm 1990, Liên Xô, cha đẻ của chủ nghĩa xã hội, sụp đổ và rã hàng. Việt Nam vội vàng «đổi mới», áp dụng «kinh tế thị trường» nhưng vẫn mang theo cái đuôi «định hướng XHCN» để mong che đậy sự thất bại toàn diện của chủ nghĩa hoang tưởng này và mong cứu vãn tình thế. Đến năm 2000, hầu hết các tù nhân bị đi tù cải tạo từ năm 1975 đã xanh cỏ và những ai sống sót đã được trả tự do và đưa sang Mỹ theo diện HO.

Sau ngót 25 năm cai trị , đảng CSVN vẫn không kiếm đâu ra được một thế hệ con người mới XHCN. Họ vẫn thấy nhan nhản bọn phản động trên khắp nước Việt Nam và họ vẫn tiếp tục đàn áp. Đảng Cộng Sản vẫn ưa chuộng bạo lực và dùng bạo lực làm phượng tiện sinh tồn, luôn luôn tìm cách biến người dân thành kẻ phạm pháp để có cơ sở pháp lý để sử dụng bạo lực.

Những dữ kiện có thể thu thập được trong quá trình đấu tranh để xây dựng cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội chỉ toàn là những vụ trấn áp, đày đoạ, thủ tiêu, tiêu diệt. Những nét đậm mà mọi người thấy rõ tính ác độc của chủ thuyết Chủ Nghĩa Xã Hội là vụ Cải Cách Ruộng Đất năm 1957 có đến 172.008 bị giết, vụ “học tập cải tạo” khởi sự sau ngày 30/4/1975, có đến 980.000 quân dân cán chính của VNCH bị đưa vào trại tập trung, cho đến nay con số tử vong vẫn chưa rõ, chưa kể đến việc bán bãi, đuổi người, tich thu tài sản của hằng trăm nghìn gia đình «thuyền nhân» vào những năm 1978,1979 và 1980.

Tại sao đảng CSVN vẫn tôn thờ bạo lực ?

Trước đây bạo lực chỉ là phương tiện nhưng sau này bao lực đã trở nên cứu cánh để các nước theo chủ thuyết Cộng Sản có thể tồn tại.
vẫn chưa thôi đày đoạ công dân vô tội

Theo triết gia Anh, ông Thomas Hobbes (1588 – 1679) cuộc sống trong thiên nhiên rất xô bồ, tàn bạo và ngắn ngủi không phải vì các sinh vật khát máu nhưng vì đó là lô-gíc không thể tránh được của tình trạng hỗn loạn. Tất cả mọi sinh vật với lối sống vị kỷ đều có thâm ý xâm chiếm người láng giềng để cướp của cải. Trái lại người láng giềng vì sợ bị tấn công nên phải «tiên hạ thủ» để tự vệ, việc này lại khiến cho nhóm đầu tiên phải ra tay trước, và cứ thế tiếp tục xoay vòng trong báo oán và trả thù nợ máu. Vẫn theo Hobbes, tình trạng nguy hiểm này có thể được ngăn chặn bằng chính sách làm chùn bước và xây dựng một chính quyền lý tưởng, có độc quyền sử dụng võ lực đứng ra trừng phạt một cách vô tư không thiên vị để trừ khử tính bạo hành nơi những cá nhân. Đảng CSVN cho đến nay vẫn theo mô hình của Hobbes. Sau 32 năm thống trị nước Việt Nam, họ vẫn còn sống trong não trạng của một nước Việt Nam hỗn loạn, nên họ tự cho độc quyền sử dụng bạo lực trên người dân. Vì vậy họ luôn luôn dùng danh từ «ổn định» và nhân danh ổn định để đàn áp nhân dân. Đó lý do thứ nhất đảng CSVN tiếp tục tôn thờ bạo lực.

Lý do thứ hai, theo ông Thomas Payne (1737–1809), vì con người chấp nhận dễ dàng những giải pháp bạo lực, nên con người xem mạng sống của kẻ khác rẻ mạt. Khi đau khổ và cảnh chết là bối cảnh của cuộc sống, con người không cảm thấy chút nào ân hận khi hành hạ và chém giết người khác. Các đảng viên CSVN khi khởi đầu cuộc cách mạng Đỏ những thập niên 1940 đã giết người không gớm tay.

Lý do thứ ba, đảng CSVN vì đã gây quá nhiều tổn thất cho nhân dân Việt Nam nên họ luôn lo sợ bị nhân dân trả thù, tiếp tục dồn mọi nỗ lực tìm cách bưng bít và xóa bỏ những vết tích tội ác của họ. Họ không thấy lối thoát nào khác là tiếp tục đàn áp những tiếng nói kêu gọi cởi trói nhân dân Việt Nam và dân chủ hóa đất nước. Đây là vòng xoắn của tội ác. Đảng CSVN càng muốn che đậy bao nhiêu thì những nạn nhân càng muốn phơi bày sự thật bấy nhiêu.

Lý do thứ tư có liên quan đến tâm lý phổ quát của con người. Đó là ảo tưởng hiểu biết: chúng ta ghi nhớ một biến cố vì nó có những dữ kiện dễ nhớ. Cảnh giết chóc được đưa lên màn ảnh trong phòng khách của chúng ta dễ nhớ hơn là cảnh người già trút hơi thở trên giường bệnh. Con người dễ bị kích động bởi những hình ảnh bạo hành hơn là những tình cảnh êm dịu. Đảng CSVN đã khai thác tối đa khía cạnh này khi họ chủ trương khủng bố trong suốt tiến trình đấu tranh tiến lên XHCN.

Cường độ bạo lực mỗi lúc mỗi giảm

So với những vụ thủ tiêu, giết người trước đây, cường độ bạo hành của đảng CSVN đã giảm sút thấy rõ trong vòng hai thế hệ, tức là 50 năm nếu xem việc đấu tố và giết hại người trong vụ Cải Cách Ruộng Đất là cột mốc khởi sự năm 1952.

Trong trò chơi bạo lực, đảng CSVN đang phải tháo lui nhượng bộ thấy rõ. Trước đây họ lấy sự ác độc làm trò tiêu khiển, lao công học tập như là một phương tiện sản xuất, chiếm đất giành dân như là nhiệm vụ của chính quyền, tiêu diệt và xua đuổi người dân hiền để chiếm lấy bất động sản. Họ đã dùng tra tấn và hủy hoại thân xác là một hình phạt thường lệ, án tử hình để răn đe những hành vi xấu và trừng trị những ai bất đồng chính kiến, ám sát làm cơ chế để thay đổi cơ cấu chính trị, và giết người một hình thức giải quyết xung đột. Những phương thức này cách đây 25 năm đã được các phe tả Âu Châu xiển dương là những phương thức có thể chấp nhận được vì cứu cánh biện minh cho phương tiện (cứu cánh là một xã hội trong đó con người không bóc lột con người, phương tiện là thủ tiêu những người không theo con đường của đảng ta). Ngày nay hầu như cả thế giới đều lên án mạnh mẽ phương cách hành xử này.

Xét trên bình diện thập niện, những dữ kiện thâu thập của tổ chức Human Security Centre cho thấy một bức hoạ khó tin nhưng có thật: bạo lực đã giảm xuống một cách đáng kể từ giữa thế kỷ thứ 20. Theo báo cáo của Human Security Brief 2006 (1), số người chết trong chiến trận giữa các quốc gia đã giảm xuống từ hơn 65.000 người mỗi năm trong những thập niên 1950 để xuống còn 2000 người mỗi năm trong thập niên này.

Đảng CSVN đã phải xuống thang trong cách sử dụng bạo lực, không phải vì họ sợ sức hợp quần của người đấu tranh đòi hỏi dân chủ, vì hiện nay vẫn còn yếu ớt, mà họ sợ áp lực quốc tế, của truyền thông thế giới. Gần đây, bằng chứng hùng hồn là trong chuyến đi Hoa Kỳ vừa qua của ông Nguyễn Minh Triết, đảng CSVN đã phải nhượng bộ thả ông Lê Quốc Quân, thả ông Nguyễn Vũ Bình. Trong mọi sinh hoạt củaViệt Nam để hoà nhập vào đà phát triển của cả thế giới, chính quyền Việt Nam phải luôn chứng tỏ tinh thần sống chung hoà bình, tinh thần tôn trọng nhân quyền mà mỗi lúc cộng đồng quốc tế đòi hỏi nhiều hơn.

Tuy vẫn biết như vậy nhưng nhà nước CSVN vẫn còn đối xử tồi tệ với chính người dân của mình. Họ đã hoà giải với Hoa Kỳ nhưng tại sao họ vẫn chưa chịu hoà giải với chính dân tộc Việt Nam ? Nếu tính theo con số thiệt mạng, thì người Hoa kỳ đã hy sinh gần 58.000 người trên đất Việt Nam để ngăn chặn làn sóng Đỏ tràn ngập trên khắp Đông Nam Á, đảng CSVN đã đem nướng xương máu của trên dưới 1,4 triệu người binh sĩ trên chiến trường và phía VNCH đã phải hy sinh 245,000 binh sĩ (2), chưa kể những tổn thất sinh mạng của thường dân. Đảng CSVN không thể nào khỏa lấp con số nhân mạng hy sinh cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn vừa qua.

Chính vì không muốn nhận lỗi, nên đảng CSVN vẫn tiếp tục muốn che giấu sai phạm của mình và càng đi vào con đường bưng bít và đàn áp. Trước đây đảng và nhà nước chỉ cần ra lệnh bắn bỏ một vài «tên đầu sỏ» là xong ngay, nhưng nay tình hình đã thay đổi hẳn, họ không còn tùy tiện được nữa.

Trào lưu thế giới hiện nay

Kịch bản của ông Robert Wright trong quyển Nonzero: The Logic of Human Destiny (3) cho rằng hai người có thề tiến xa nếu họ hợp tác với nhau, chẳng hạn trong việc trao đổi hàng hoá, phân chia lao động hoặc thừa hưởng lợi nhuận trong việc sống chung hoà bình khi cả hai đều bỏ súng xuống. Khi con người đã học hỏi được phương cách làm họ có thể chia sẻ cho nhau và khai triển với ít hao tổn những kỹ thuật này để họ có thể phân phối hàng hóa của mình, ý tưởng của mình rộng khắp năm châu với một giá rẻ,và lợi nhuận trong việc hợp tác tăng nhanh, tại vì con người có giá trị hơn khi họ còn sống hơn là khi họ đã chết.

Theo triết gia Úc Peter Singer (4), đạo đức con người trải qua một thiên niên kỷ đã càng ngày càng lan rộng trên nhiều lãnh vực khác: trước đây con người thu vén trong phe nhóm, bộ tộc, rồi sau đó đến quốc gia, đến giới tính nam, nữ, đến các sắc tộc khác và ngay cả đến thú vật. Và cuối cùng con người đặt đến một nguyên tắc vàng: con người càng hiểu biết nhiều và nghĩ đến các sinh vật khác, con người càng không thể chỉ biết đến lợi ích của riêng bản thân mà làm tổn hại đến những sinh vật khác. Mức độ tâm cảm của con người mỗi lúc một gia tăng nhờ thời đại thông tin điện tử nhanh chóng.

Chúng ta đang sống trong hoà bình hiện nay bởi vì các thế hệ trước đây kinh sợ bạo lực và tìm cách trừ khử nó. Chúng ta phải tiếp tục tìm cách trừ khử nó trong cách hành xử của chúng ta. Chủ nghĩa Cộng Sản đang bị trào lưu dân chủ thế giới loại trừ và đảng CSVN, dù có muốn họ cũng không thể nào trở lại cái thời đem người vô tội ra đấu tố, ra pháp trường để tùy tiện xử bắn nữa. Đảng CSVN đang đi xuống trong nấc thang bạo lực và hiện nay chỉ còn dùng đến biện pháp bắt giam là cao nhất. Khi người dân không sợ bị bắt giam nữa thì Nhà Nước độc tài không thể nào đứng vững và chắc chắn sẽ phải cáo chung.

Vấn đề lớn của Việt Nam hiện nay là các cấp lãnh đạo Việt Nam có nhìn thấy điều này hay không, vì xem ra họ vẫn tiếp tục tùy tiện bắt giam những người bất đồng chính kiến. Và rồi cuối cùng bị áp lực quốc tế đảng và Nhà Nước lại phải bắt buộc thả ra. Trong trò chơi này, Nhà Nước CSVN về lâu về dài tất yếu vẫn phải nhượng bộ. Tình trạng «gân gà» kéo dài chỉ có hại cho đất nước Việt Nam và cho chính đảng và Nhà Nước vì nhân lực đã bị phí phạm cho những cuộc điều tra, theo dõi, kiểm soát, bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Đảng và Nhà Nước CSVN phải cần bảo tù bao nhiêu người nữa để nước Việt nam có được dân chủ đích thực ? Lịch sử đã chứng minh là nhóm người phục vụ cho ngành công an kiểu Stasi của Đông Đức trước đây chuyên rình rập từng động tác của con dân không thể nào ngăn chặn được sức mạnh của quần chúng khi thời điểm đã chín muồi.

Nguyễn Gia Thưởng


(1) Human Security 2006
(2) Bui Tin, From Enemy to Friend. Naval Institute Press, 2002
(3) Xem: Robert Wright, Non zero – the Logic of Human Destiny
(4) Về Peter Singer, xin xem trang nhà của ông: http://www.princeton.edu/~psinger/

Quốc gia hưng vong...

“… Đảng Cộng sản Việt Nam phải làm gì để đoàn kết dân tộc? Câu trả lời hiển nhiên là: Hãy để cho dân cùng tham gia việc nước …”
...Ai lo bài toán giữ nước?

Gần đây thế giới ghi nhận nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Sự tăng trưởng đã làm cho Thái Lan lo ngại. Mới đây trên xa lộ chạy lên phi trường quốc tế Bangkok hành khách thấy bên đường một tấm quảng cáo lớn viết: “Ngày hôm qua Việt Nam còn bò, bây giờ họ đã chạy, và sẽ vượt qua Thái Lan trong một thời gian ngắn.” (theo RFA trong buổi phát thanh sáng ngày 13/8/07). Các nước có vốn đầu tư tại Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu (EU), Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan … đều công nhận sự phát triển đó .

Đó là một điều đáng mừng. Nhưng sức sống và sự tồn tại của một nước không chỉ ở kinh tế mà còn ở những lĩnh vực khác, mà quan trọng nhất là sự trong sáng của nền hành chính quốc gia, nề nếp sinh hoạt, trật tự xã hội, và sự hứa hẹn một tương lai an toàn và hạnh phúc cho người dân. Một xã hội thiếu những yếu tố trên thì càng phát triển kinh tế, xã hội càng hỗn độn và càng đẻ ra nhiều bất công.

Ngoài sự phát triển kinh tế, Việt Nam đang có mọi dấu hiệu của một xã hội thiếu lành mạnh:

Giáo dục phá sản. Học sinh cấp tiểu học và trung học phải có tiền học riêng mới được cô thầy dạy bảo đủ tiêu chuẩn. Cấp đại học thì lạm phát bằng cấp và phát mãi tước vị. Trên báo đài thấy toàn tiến sĩ, thạc sĩ mà sức học so với cấp thang quốc tế rất đáng nghi ngờ. Về mặt y tế là chế độ phong bì: phong bì cho nhân viên văn phòng (để được ưu tiên ghi tên), phong bì cho y tá (để được săn sóc), phong bì cho bác sĩ (để được khám kỹ lưỡng) là một điều phổ biến tại các bệnh viện công đến độ không làm người đưa phong bì cũng như người nhận phong bì thấy có gì bất bình thường cả.

Về mặt giao thông, Việt Nam là nước nhiều tai nạn giao thông nhất trong thành phố so với các nước ở Á châu. Bằng lái xe, nhất là bằng lái xe hai bánh có động cơ, có thể mua không cần học luật lái xe. Đường lộ quá tải xe máy hai bánh vì nhập cảng không chính sách, và nếu vi phạm hay sinh ra tai nạn lưu thông có thể giải quyết bằng tiền nhét khéo vào túi nhân viên công lực.

Nạn tham nhũng cấp độ quốc gia, nhất là nạn lợi dụng các chương trình phát triển kinh tế để chiếm đất của dân trở thành quốc nạn. Dân oan khiếu kiện từ các tỉnh kéo về Hà Nội và Sài Gòn đòi công lý từ nhiều năm qua là một vết nhơ của chế độ mà chính phủ không phương giải quyết vì các cán bộ địa phương đều dính vào.

Trong khi đó nền an ninh của quốc gia đang bị đe dọa do sự lệ thuộc quá đáng vào Trung quốc. Sau một thời gian bang giao nguội lạnh, nhất là sau trận đánh nhau tại biên giới phía bắc tháng 2/1979, năm 1991 sau khi khối Liên bang Xô viết và Đông âu sụp đổ, Việt Nam phải làm lành với Trung quốc để tồn tại, và từ đó trở thành lệ thuộc càng ngày càng khó gỡ.

Lợi dụng nhược điểm của Việt Nam, Trung quốc đã ép Việt Nam đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Năm 1999 và 2000 Việt Nam đã phải ký những hiệp ước nhượng đất tại biên giới phía bắc và nhượng biển trong vịnh Bắc Việt cho Trung quốc. Và Trung quốc đang giành giựt của cải thiên nhiên của Việt Nam chung quanh quần đảo Trường Sa bằng phương pháp mạnh tay có tính đe dọa, điển hình là vụ bắn chết chín ngư dân Việt Nam trong vịnh Bắc việt đầu năm 2005 và hai ngư dân khác tháng 7/2007 mới đây trong vùng Trường Sa, và Việt Nam đành khoanh tay không một lời phản kháng chính thức .
Trên bình diện địa lý chính trị, trước sự bành trướng quân lực và với chương trình phóng sức mạnh quân sự về phương nam của Trung quốc, nền an ninh của Việt Nam đang bị đe dọa. Và nếu “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” thì ai là người có trách nhiệm cho sự mất còn của đất nước?

Trách nhiệm nằm trong tay người cầm quyền trước, và trách nhiệm cũng ở trong tay của người dân. Dân đây là 86 triệu dân trong nước và hơn 2 triệu người Việt sống tại hải ngoại. Về người lãnh đạo (tức đảng Cộng sản Việt Nam) kể từ cuối năm 2006, sau khi gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) đảng Cộng sản Việt Nam hình như đang lo thế sinh tồn của Việt Nam và tìm cách chuyển hướng chính sách đối ngoại đối với Hoa Kỳ và Trung quốc. Đợt đàn áp những nhà dân chủ đầu năm 2007 và mới đây dùng sức mạnh cưỡng bách dân oan tụ tập tại Sài gòn về địa phương hứa giải quyết có thể là những hành động để ổn định tình hình trước khi có những chuyển hướng chiến lược .

Hoa Kỳ đang đóng góp tích cực vào sự chuyển hướng sách lược này. Lúc đầu Hoa Kỳ im lặng trước các cuộc đàn áp của Hà Nội, và sau đó đưa ra một chương trình tiếp xúc các thành phần đấu tranh trong cũng như ngoài nước. Đích thân tổng thống Bush gặp 4 nhà đại diện hải ngoại ngày 29/5/2007 tại Bạch Ốc, sau đó là các tiếp xúc của các phụ tá bên Hội đồng An ninh Quốc gia, và bên bộ ngoại giao với các nhân vật đấu tranh khác . Cựu đại sứ tại Việt Nam, ông Michael Marine trước khi rời nhiệm sở đã gặp nhiều nhân vật đấu tranh trong nước như bác sĩ Nguyễn Đan Quế tại Sài gòn và bác sĩ Phạm Hồng Sơn tại Hà Nội. Riêng tân đại sứ Michael Michalak trước khi lên đường sang Hà Nội nhậm chức cũng tổ chức một buổi tiếp xúc với các thành phần đấu tranh trong cộng đồng để thu thập ý kiến của người Việt hải ngoại.

Trong cuộc tiếp xúc tháng 5/07, tổng thống Bush nói Hoa Kỳ muốn biết ý kiến của các đoàn thể đấu tranh để vận động Hà Nội thay đổi chính sách (và các phụ tá của ông trong các cuộc tiếp xúc trong và ngoài nước cũng nói như vậy) nhưng chúng ta đều biết mục đích của các cuộc tiếp xúc là để ảnh hưởng đến hướng đấu tranh của các tổ chức đấu tranh tại hải ngoại và của các nhà đấu tranh dân chủ trong nước cho phù hợp với hướng thay đổi chiến lược của Hà Nội (và một mục đích phụ khác cũng không kém phần quan trọng là vận động phiếu của người Mỹ gốc Việt cho cuộc bầu cử tháng 11 năm 2008).

Hoa Kỳ có thể thành công dễ dàng trong công tác trung gian này vì tâm lý người Việt thích được “vỗ về”, và vì các tổ chức đấu tranh tại hải ngoại và những nhà đấu tranh dân chủ trong nước chưa có một cương lĩnh đấu tranh dài hạn có chủ điểm đánh vào trọng tâm của vấn đề dân chủ (thí dụ đặt một câu hỏi căn bản: nguyên nhân nào sinh ra sự bế tắc và xuống cấp của xã hội, hậu quả là nền an ninh rất mong manh hiện nay của Việt Nam? Có phải nguyên nhân là điều 4 của bản Hiến pháp giao trọn quyền hành lãnh đạo quốc gia vào tay đảng Cộng sản Việt Nam không?) mà chỉ là những đòi hỏi chung chung như dân chủ, nhân quyền và tự do tín ngưỡng, bầu cử tự do và tự do ngôn luận. Gần đây đảng Việt Tân, một đảng chính trị có tầm vóc nhất tại hải ngoại - qua phỏng vấn ông Lý Thái Hùng, tổng bí thư đảng Việt Tân bởi đài BBC đầu tháng 8/2007- xác định rõ hơn lập trường rất hợp ý Hà Nội và Hoa Kỳ là đấu tranh bất bạo động và không có ý định lật đổ chế độ cộng sản bằng bạo lực.

Với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể yên tâm chuyển hướng chiến lược. Nhưng chắc hẳn Việt Nam không bỏ thế đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung quốc, vì dù muốn dù không đó là sách lược sống còn từ ngàn xưa của Việt Nam bên cạnh con rồng Trung quốc. Việc ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết qua thăm Trung quốc trước khi công du Hoa Kỳ tháng 6/2007 vừa qua là một bằng chứng.

Nhưng nếu đảng Cộng sản Việt Nam học kỹ bài học của quá khứ thì đảng cũng sẽ thấy rằng những vận chuyển chính trị như hiện nay giữa Hà Nội – Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội – Bắc kinh không đủ bảo đảm an toàn cho Việt Nam. Lịch sử chỉ rõ rằng chừng nào chính quyền huy động được sự đồng tâm nhất trí của dân chừng đó nước mới đủ sức mạnh chống xâm lăng. Tấm gương Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông hỏi ý bô lão toàn quốc tại điện Diên Hồng năm 1284 (khi quân Mông Cổ xâm lăng Việt Nam lần thứ hai) trước khi hạ lệnh xuất quân chống địch – và đại thắng - vẫn còn đó. Đảng Cộng sản Việt Nam không thể bên ngoài thì dựa vào một thế lực quốc tế, bên trong thì dùng những cái bánh vẽ để đoàn kết dân tộc. Dựa vào một thế lực quốc tế có cùng quyền lợi là cần thiết nhưng nếu thiếu một dân tộc đoàn kết sau lưng thì chính quyền nào cũng tan rã trước một cuộc xâm lăng ba mặt giáp công phối hợp chính trị, kinh tế và quân sự của phương bắc.

Đảng Cộng sản Việt Nam phải làm gì để đoàn kết dân tộc? Câu trả lời hiển nhiên là: Hãy để cho dân cùng tham gia việc nước.

Xét về mặt thực tế đảng cộng sản Việt Nam có tất cả cơ hội tốt trong tay để cho dân tham gia việc nước. Kịch bản khá đơn giản là qua quốc hội đảng Cộng sản Việt Nam hủy bỏ điều 4 Hiến pháp, thêm vào điều khoản cho phép một hay hai đảng chính trị đối lập xuất hiện, cho phép tự do báo chí trong giới hạn quy định chặt chẽ bởi luật pháp, và tổ chức bầu cử tự do dưới sự quan sát quốc tế.

Một kịch bản như vậy trong nhất thời có thể không làm mất quyền lãnh đạo đất nước của đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng cái lợi vô cùng to lớn. Vì có đối lập, có báo chí tự do (trong giới hạn phù hợp với trình độ của dân), có tư pháp độc lập, nền hành chính Việt Nam sẽ có vũ khí để giải quyết những vấn nạn quốc gia mà quan trọng nhất là nạn tham nhũng và cải thiện đời sống xã hội, và trên hết mang lại sự đoàn kết toàn dân, mở đường tiệm tiến dân chủ hóa đất nước trong hòa bình.

Tiến trình này là bước mở đầu giải tỏa bế tắc của Việt Nam, và là cơ hội giải phóng tiềm năng lớn lao của dân tộc để Việt Nam vươn lên trong cộng đồng dân chủ thế giới xứng đáng với khả năng vốn có của đất nước và con người Việt Nam. Với thế đó Việt Nam sẽ không lo sợ một cuộc xâm thực nào.

17/08/ 2007
Trần Bình Nam

Hà Nội đang điên cái đầu!

“… Người nông dân bức xúc có thể đã bắt đầu ý thức rằng khiếu nại trước mắt của họ gắn liền với những lý tưởng tự do và dân chủ trừu tượng …”
Đòi quyền sống là thể hiện lí tưởng tự do dân chủ

Chế độ cộng sản Hà Nội sẽ cần thuốc nhức đầu để đối phó với một thách thức nhân quyền mới. Cuộc biểu tình phản đối về ruộng đất kéo dài một tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh và bị giải tán vào tháng 7 sẽ không lật đổ chính quyền độc đoán. Tuy nhiên, bất ổn vừa qua cho thấy phát triển kinh tế phối hợp với công nghệ hiện đại có thể tạo nên sức ép đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Vấn đề ruộng đất là tụ điểm của cuộc phản đối kéo dài 27 ngày từ tháng 6 đến tháng 7 . Những người biểu tình đã tụ tập trước trụ sở quốc hội tại Thành phố Hồ Chí Minh để khiếu nại về một số vấn đề . Vài người đòi bồi thường cho đất bị tịch thu từ nhiều thập niên qua . Một số khiếu nại khác lên án quan chức địa phương nhũng lạm đã tước ruộng đất để xây khu kỹ nghệ cho nền kinh tế đang tăng vọt của Việt Nam .

Từ nhiều năm qua, nông dân đã kêu gọi sự giúp đỡ của chính quyền trung ương để diệt tham nhũng địa phương, và đợt phản đối kỳ này cũng diễn ra trong chiều hướng đó . Tuy nhiên, những người dân oan đặt kỳ vọng nơi quốc hội tưởng là dân chủ của họ đã lầm to . Mặc dù cuộc “bầu cử” đã đến rồi đi, hình như không một đại biểu quốc hội nào đã chịu khó đến tiếp xúc trực tiếp với “cử tri” của họ tụ tập biểu tình trước trụ sở quốc hội . Những dân oan biểu tình trong mưa nắng đã phải nọp kiến nghị mới được phép xử dụng nhà vệ sinh tại trụ sở .

Chế độ Hà Nội sau một thời gian đã ra tay như thông lệ, với lực lượng công an, hơi cay và dùi cui, để giải tán và bắt bớ những người biểu tình . Một vài người đã bị bắt giữ sau khi về nhà, như ông Ngô Luật, một người cầm đầu biểu tình 71 tuổi hiện đang bị giam giữ không bản án. “Tội” của ông là đã viết biểu ngữ phản đối và cầm loa phóng thanh. Riêng về những khiếu nại của dân oan thì không thấy có vấn đề nào được giải quyết.

Mặc dù gặp trở ngại, cuộc biểu tình vừa qua có thể là một khúc quanh quan trọng cho những thành phần tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam . Một điều đáng ghi nhận là một cuộc biểu tình phát xuất từ khiếu nại ruộng đất của nông dân đã biến thành nơi lên tiếng của Hòa Thượng Thích Quảng Độ, một người đứng đầu phong trào đòi dân chủ và tự do tôn giáo, và cũng là nhân vật lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hiện vẫn còn bị chính quyền ngược đãi .Đây là giây phút hội tụ đầu tiên của những phản đối ruộng đất và phong trào nhân quyền. Người nông dân bức xúc có thể đã bắt đầu ý thức rằng khiếu nại trước mắt của họ gắn liền với những lý tưởng tự do và dân chủ trừu tượng.

Vai trò của công nghệ hiện đại cũng được thấy rõ hơn so với những đợt phản đối trước . Ít nhất có một người tham gia biểu tình đã cho một đài phát thanh phía dân chủ biết rằng bà đã biết đến cuộc biểu tình qua mạng internet. Có thể vì lý do này, số người tham gia biểu tình đã từ vài trăm lúc đầu tăng lên đến hơn một ngàn trong giai đoạn cao điểm. Ngoài ra, thành phần lãnh đạo biểu tình phát xuất từ 19 tỉnh trong số 59 tỉnh tại Việt Nam cũng đã trao đổi số điện thọai di động để giữ liên lạc với nhau.

Thêm vào đó, những người biểu tình đã dùng điện thoại di động để loan tin trực tiếp về những diễn biến cuộc biểu tình . Một phụ nữ đã kể lại qua điện thoại cho một đài phát thanh đối lập về khí thế cuộc biểu tình và lý do vì sao chị tham gia. Những nhà họat động nhân quyền hải ngoại đã theo dõi được diễn biến từng giờ của cuộc biểu tình. Các nhà quan sát phong trào nhân quyền Việt Nam nhận xét rằng đầy là một trong những cuộc biểu tình được tường trình lại tường tận nhất trong giai đoạn lịch sử gần đây của Việt Nam.

Cuộc biểu tình đã cho thấy dân Việt Nam ngày một sẵn sàng bày tỏ bất bình một cách công khai với chế độ và người dân cũng đang học cách tổ chức những cuộc phản kháng bất bạo động. Chính quyền cộng sản sẽ không sụp đổ ngày mai, nhưng Hà Nội hiện có thêm một mối lo .

Trương Minh Trí chuyển ngữ
Nguồn: Wall Street Journal, ngày 15/08/2007

Hãy yêu cái điều người ta khuyến cáo anh...

"Hãy yêu cái điều người ta khuyến cáo anh,
chứ không phải cái điều mà người ta tán tụng anh"

“… Ước gì tuổi trẻ nước ta đừng cam tâm "ngủ trong giường chiếu hẹp" để "giấc mơ con đè nát cuộc đời con"…”

Phạm Đỉnh: Dưới đây là một bài viết cũ của Ts. Nguyễn Thanh Giang. Chúng tôi mạn phép tác giả để chuyển đến bạn đọc Thông Luận -nhất là các bạn trẻ ở trong nước, để cùng lắng lòng theo dòng tâm bút của một người thuộc thế hệ già đã và đang nhìn thấy trước mắt những chuyện “chẳng như” trên đất nước ta: một nhà nước bạo động đã dùng mọi thủ đoạn bạo động cần thiết để củng cố quyền lực; vì thế họ chẳng từ loại ngôn từ bạo động nào dành cho những người không cùng chính kiến.

Vừa qua hệ thống báo chí của Ðảng, đặc biệt là báo Quân đội nhân dân và báo Nhân dân mở chiến dịch rầm rộ đả kích mạnh vào cái gọi là những phần tử cơ hội chính trị, phụ hoạ với các thế lực phản động bên ngoài, chống Ðảng, chống Nhà nước. Ðọc một số đầu trong loạt bài đó, tôi đã thấy cần phát biểu ý kiến để trao đổi. Hiềm một nỗi, đúng lúc ấy tôi phải vào bệnh viện để chịu một phẫu thuật nhỏ. Tôi bị phì đại tuyến tiền liệt. Bệnh viện Việt-Xô chỉ định tôi phải mổ từ cách đây hơn một năm. Tuy nhiên, cứ 10 nguời biết chuyện này thì có đến 8 người ra sức khuyên ngăn tôi tìm mọi cách tránh phẫu thuật. Ðành rằng mổ tiền liệt tuyến chỉ là dạng phẫu thuật đơn giản, nhưng cái mà mọi người lo lắng là ở chỗ sợ rằng người ta có thể lợi dụng ca phẫu thuật này để sát hại hoặc biến tôi thành người tàn phế. Nhiều người chạy hết thuốc này đến thuốc khác cho tôi. Ðến khi tôi quyết định đi mổ, anh em còn khẩn khoản nhắc nhở tôi phải có kế hoạch đánh lạc hướng để bảo đảm bí mật ngày giờ và nơi mổ.

Những lo ngại và toan tính quá thận trọng này vượt quá sức tưởng tượng của tôi và gia đình. Thậm chí nó đến mức kỳ lạ. Dẫu sao hiện tượng này chính là sự biểu hiện trạng thái bệnh hoạn quái gở của một xã hội. Người ta luôn luôn bị tự khủng bố mình bằng nỗi ám ảnh khủng khiếp về mối nghi ngờ đối với cái chết của vợ chồng nhà văn Lưu Quang Vũ, của các tướng Nguyễn Bình, Hoàng văn Thái, Lê Trọng Tấn ... Người từng tham gia chính trường trong chế độ ta càng lâu, nguời từng giữ những chức vụ càng cao, nỗi ám ảnh càng nặng nề khủng khiếp hơn !

Ðến nay, nhờ trời phật phù hộ, nhờ lòng thương yêu quý mến hết sức tha thiết của anh chị em, tôi đã có thể ngồi viết và càng thấy không thể nào không viết những dòng này.


*

Ðầu đề bài viết là lời khuyên của Boileau: "Aimez qu' on vous conseille et non pas qu' on vous loue”. Tiêu Hà cũng từng nói: "Trung ngôn nghịch nhĩ lợi ư hành. Lương dược khổ khẩu lợi ư bệnh” ( Lời thẳng trái tai thường được việc. Thuốc hay đắng miệng khỏi cơn đau ). Vậy nhưng, nhiều người lãnh đạo Ðảng ta thường không học những điều ấy và không thích nghe như vậy ! Loạt bài phản kích vừa qua chắc chắn được viết theo lệnh truyền, hay nói bằng ngôn ngữ chính trị, theo sự chỉ đạo của hệ thống lãnh đạo tư tưỏng-văn hoá của Ðảng. Nhiều vị tầm cỡ đã phải ra quân: các phó tổng biên tập báo lớn, mấy trung tướng, thiếu tướng, tiến sĩ, phó giáo sư .... Một số nhà văn quân đội kỳ cựu có hàm tướng tá cũng bị vận động phải góp lời. Trong đó, nhà thơ Vũ Cao khả dĩ nêu được mấy ý kiến chừng mực: "Biết bao nhiêu bước đường tưởng như không vượt qua được vậy mà dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta đã nỗ lực vượt qua. Lý do chính là mỗi lần gặp những thách thức mới, Ðảng đều trao đổi, lắng nghe, bàn bạc, coi trọng mọi ý kién của người trong Ðảng và người ngoài Ðảng ... Càng qua khó khăn chúng ta càng hiểu dân chủ là cơ sở của sức mạnh lãnh đạo cuả Ðảng. Nhưng hãy coi chừng, có lúc chế độ dân chủ bị sa sút, hoăc có lệch lạc thì lập tức có ảnh hưởng đến hiệu quả của sự lãnh đạo” (Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 1/11/2001). Những ý kiến này phản ánh đúng thực tế và đáng được trân trọng nhưng nghe ra hơi có vẻ lạc lõng so với toàn cảnh và tuồng như không đáp úng đúng yêu cầu của người đặt bài cho lắm. Cái toàn cảnh ở đây phải là những đầu đề hừng hực tính chiến đấu: " Mưu đồ gì đằng sau chiêu bài " Ði tìm đường phát triển cho đất nước" ? " , " Những mạch ngầm đen tối ", " Ðâu là thực chất " con đường dân chủ" và " hạt giống tự do " ? " v v... Thế rồi, họ thả cửa lăng mạ, mạt sát, kết tội. Nào là "một số ít phần tử cơ hội, bất mãn, một số cán bộ đảng viên thoái hoá, biến chất về tư tưởng chính trị"; nào là "những phán xét hằn học của nhóm người mượn danh nghĩa " đi tìm đường phát triển cho đất nước " nhằm những ý đồ đen tối "; nào là " không cho họ vu cáo là chúng ta " tụng niệm một quyền lưc đã lung lay ", và " tung hô lừa dối "... Họ cao giọng, vênh râu, vung gậy, choạng chân, khuềnh tay như những ông tướng Quảng Lạc oai phong. Nhưng, nhìn kỹ không thấy ở họ cái sức mạnh của trí tuệ, của lý lẽ mà chỉ thấy họ đang được lố nhố núp sau sự bảo trợ quyền uy của những người ra lệnh cùng với tua tủa súng gươm và bạo tàn cùm kẹp của chuyên chính vô sản.

Họ định bảo ai cơ hội ? Làm sao còn có thể cơ hội và cơ hội để làm gì nữa khi cụ Lê Giản đã ngoại 90, các cụ Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Ngô Thức đã ngoại 80, tướng Trần Ðộ đã xấp xỉ 80, các ông Nguyễn Văn Ðào, Trần Nhật Ðộ, Phạm Hồng Sơn, Trần Ðại Sơn, Ðỗ Việt Sơn, Sơn Tùng, Phạm Vũ Sơn, Trần Dũng Tiến, Trần Bá, Lê Hồng Hà, Phạm Ngọc Uyển, Phạm Quế Dương, Vũ Cao Quận,Vũ Minh Ngọc, Ðoàn Nhân Ðạo, Ðông Nam Hải ... đều đã ngoại thất tuần. Sinh thời các ông Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Hữu Nhân ... , lúc bị coi là " đối tượng ", cũng trên dưới 80. Tất cả đều là đảng viên Cộng sản, đa số xấp xỉ 60, người ít nhất cũng trên 40 tuổi đảng.

Họ dám quy kết những ai là bất mãn trong khi phẩm chất của tất cả đều đã được xác định bằng quá trình tôi luyện trong lò lửa cách mạng đằng đằng ba bốn chục, thậm chí năm sáu chục năm. Hơn thế nữa, nhiều người còn là những bậc tiền bối đã từng tham gia nhen nhóm lên lò lửa cách mạng này. Ơ đây, nếu phải chăng có sự bất mãn nào đó thật thì người ta cũng không nên càn ngang đổ vấy mà phải nghiêm túc truy vấn xem người bất mãn đáng trách hay kẻ gây ra bất mãn có trọng tội?.

Viết những dòng này, có thể tôi đã tỏ ra không điềm đạm lắm. Nhưng lẽ đời, làm sao không gay gắt được khi phải đối mặt với bọn người vênh vang ỷ thế, cậy quyền mặc sức xấc xược, hỗn láo với cả những người đáng bậc thầy và tuổi tác ở hàng cha chú họ. Ðã thế, họ còn xảo quyệt suy bụng ta ra bụng người, ngậm máu phun vào cả những bậc khả kính.

Chính là họ, người này chỉ vì muốn được len vào Trung ương, kẻ kia muốn thêm một " hột" trên quân hàm, gã nọ bờm hơn thì chỉ vì mấy đồng nhuận bút ! Còn những người mà họ quy là cơ hội, khi phát biểu ý kiến, khi trình bày tư tưởng của mình đều không những không được một đồng nhuận bút mà còn phải trích từ khoản lương hưu còm cõi để phôtô, để tán phát....để đón nhận sự trù dập không chỉ bản thân mà cả con cái, thậm chí bị tù đầy hay hãm hại lén lút, dã man, đê tiện.

Gần đây, khi nhận được bản tiểu luận "Ðảng cộng sản và dân chủ ở Việt Nam" của tướng Trần Ðộ, tôi thật sự kinh ngạc. Ông chính là thép đã tôi, là phi thường, là anh hùng thời đại. Mấy người kia hãy tưởng tưởng xem, khi họ đến tuổi 80, thản hoặc nếu trời cho họ còn sức khoẻ bình thường và nếu Ðảng bơm cho họ dăm bảy chục triệu theo cái kiểu để làm đề tài thì liệu họ còn có thể viết nổi mấy chục trang như thế không ? Ðằng này Trần Ðộ, do tù đày hết Sơn La đến Hoả Lò, do nằm gai nếm mật suốt các chiến trường Ðông Bắc rồi Tây Nguyên với bao nhiêu bệnh tật, lại vừa bị ngã què nằm liệt giường. Nhiều người khẳng định rằng ông không thể tự viết mà chỉ có thể nêu ý kiến cho người khác viết hộ. Sự thật thì chính ông, chính ông đã quằn quại viết. Có lúc cố ngồi tựa được lên , có khi phải nằm ngửa mà viết.

So với những loạt bài của những người như Trần Ðộ thì các bài viết kiểu đánh thuê chỉ là những trang giấy vô hồn. Chúng không thuyết phục nổi ai mà thường khi còn phản tác dụng. Sao lại dại dột dẫn lại những câu như thế này lên mặt báo làm gì: "Ðảng Cộng sản lãnh đạo đã tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa, lãnh đạo dối lừa, làm ăn giả dối, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối ... " (bài "Ði tìm hay phủ định con đường phát triển?" của thiếu tướng, phó giáo sư Bùi Phan Kỳ trên QÐND ra ngày 26/10/2001). Những câu như vậy nếu được đọc bằng riêng lương tâm mỗi người, không sợ bị dò xét, đánh giá, trù dập thì chắc chắn 90% đồng tình; bởi vì nó phản án rất đúng thực tế. Thế hệ già từng sống qua hai chế độ, thế hệ trẻ từng có dịp kinh qua các nước tư bản, ai mà không thấy xã hội ta ngày nay có những mặt còn tồi tệ hơn trước cách mạng Tháng Tám và nói chung, nhiều khuyết tật hơn các nước tư bản hiện đại rất nhiều. Người lao động bị bóc lột nặng nề hơn (trong một bài viết cách đây ít năm, tôi đã phân tích người lao động ở nước ta ngày nay phải gánh chịu hai phương thức bóc lột tệ hại: bóc lột vô lương tâm - do tham nhũng; bóc lột vô trách nhiệm - do phải nuôi béo một tầng tầng lớp lớp vô số ban bệ của Ðảng, của Chính phủ, của các đoàn thể. Hậu quả biểu hiện ách bóc lột tàn tệ là giá thành sản phẩm của ta thường cao hơn trong khi luơng người lao động lại thấp hẳn so với các nước khác)

Về mặt xã hội, thử hỏi, có tệ nạn nào xã hội trước có mà xã hội này không có? Chắc chắn không. Chẳng những thế hầu như các tệ nạn càng trở nên trầm trọng hơn và, nhiều tệ nan trước không có, nay lại nẩy sinh thêm. Quan tham ô lại nhiều hơn, (phổ biến hơn, ăn bẫm hơn); kẻ quyền chức cậy thế ức hiếp dân trắng trợn hơn, tinh vi hơn ; cờ gian, bạc lận muôn mầu muôn vẻ hơn; không chỉ có bàn đèn thuốc phiện, mà chích choác hút hít lan vào cả học đường ; trẻ em bị đẩy ra lề đường lang thang, vật vưỡng đông hơn; đĩ điếm nhơ nhuốc hơn, không chỉ làm đĩ ở trong nước mà còn phải ra bán trôn cho nước ngoài để nuôi miệng; nhân tình bạc bẽo hơn; con người sống với nhau ít chân thành hơn (vì Ðảng nói một đàng, làm một nẻo, vì trong hội trường, cán bộ nói với nhau khác ở chốn riêng tư nên người dân cũng phải nói cái điều mình không nghĩ và nghĩ cái điều mình không nói), án oan trầm trọng hơn, án sai nhiều không chỉ do trình độ quan toà chưa cao mà còn do ăn của đút ; buôn lậu, trốn thuế đông hơn ( vì đinh ninh rằng cán bộ to lừa dối to, cán bộ nhỏ lừa dối nhỏ nên người dân không dại gì mà không buôn gian, không khai man thuế khi có điều kiện ) ; danh tước giả hiệu được chủ trương chính sách của Ðảng bảo trợ (trường hợp như học hàm phó giáo sư của trung tướng Nguyễn Ðình Ước hoàn toàn không hiếm), học giả, bằng thật trở nên phổ biến (điều này có tiền lệ ngay từ thời thực thi chính sách bổ túc công nông. Xin nêu một ví dụ cụ thể : để được nộp đơn thi vào đại học, người viết bài này đã phải cắp sách đến trường từ năm lên 6 tuổi và mài đũng quần trên ghế học sinh suốt 14 năm, từ lớp sáu lên lớp năm, lớp tư, lớp ba, lớp nhì đệ nhất, rồi lớp nhì đệ nhị, hết lớp nhất phải đỗ primaire mới được leo tiếp đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, rồi lại lớp tám, lớp chín, lớp mười ; vậy mà nhiều ông đồng niên nhập trường muộn hơn ba, bốn năm, học hành đúp lên đúp xuống thế mà vào bổ túc công nông thấm thoắt đâu đó đã thấy thành kỹ sư, cử nhân rồi).

Cho nên việc thiếu tướng PGS Bùi Phan Kỷ trích tiếp câu sau đây lại càng là một sự dại dột vì nó có tác dụng gợi cho người ta có dịp suy ngẫm để chiêm nghiệm tính đúng đắn không thể chối cãi của nó: "Thế là ta đập tan một cái xấu xa và lại phải cháp nhận một cái xấu xa mới giống như hoặc tệ hơn tất cả những cái xấu xa mà ta từng chửi rủa, căm thù. Nghĩa là, đời sống chính trị và cuộc sống tinh thần, vật chất của nhân dân ta chỉ bằng hoặc thua thời vong quốc nô ".

Sợ bài viết quá dài nên tôi chỉ xin điểm qua một bài, của tác giả Bùi Phan Kỷ, vì ông vừa có chức tước, vừa có học hàm cao.

Như trên đã thấy, tác giả không những không khôn khéo khi trích dẫn đối phương mà còn hớ hênh khi đưa ra các tư liệu.

Muốn ca ngợi chủ nghĩa xã hội và đánh chủ nghĩa tư bản mà tác giả lại dẫn ra: "Các nước công nghiệp phát triển với khoảng 1,2 tỷ người ( khoảng ngót 1/5 dân số thế giới ), chiếm 86% thu nhập quốc nội toàn thế giới, kiểm soát 80% thị trường xuất khẩu, sử dụng 74% số đường điện thoại, chiếm 93% số người sử dụng internet, tiêu thụ 80% sản phẩm làm ra, trong khi 80% dân số thế giới tiêu thụ 14% .... Những thống kê mới nhất về dân tộc học cho biết 20% dân số toàn cầu đạt trình độ phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật rất cao, 78% còn ở trình độ nghèo khổ, 2% còn rất lạc hậu ". Ðưa dẫn liệu như vậy chỉ càng làm cho người đọc thêm thán phục chủ nghĩa tư bản hùng mạnh quá, sản xuất nhiều của cải cho xã hội quá ngay trong bài này,có chỗ tác giả đã viết "Chủ nghĩa tư bản đã đưa lại hàng núi của cải, tiện nghi ... "); trong khi chủ nghĩa xã hội thật là vô tích sự vì đã ra đời trên 80 năm mà không những không tự vượt qua nghèo khổ mà cũng chẳng đóng góp gì cho xoá đói giảm nghèo và giảm sự chênh lệch mức sống ở phạm vi toàn thế giới.

Tầm tư tưởng của ông cũng tỏ ra rất thấp khi viết "Chủ nghĩa xã hội đâu phải là mớ rau, ai mua lúc nào cũng được, mà phải qua đấu tranh sống chết, mất còn "; " Ðảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, có thành tích thì nói rõ để cùng dân tộc tiến lên, có sai thì sửa, còn trao lại chính quyền cho " phái đối lập" thì không bao giờ ".

Ơ hay, sao lại ví chủ nghĩa xã hội chỉ hơn mớ rau ? Mà sao lại phải đi mua nó, thậm chí phải đánh nhau tan tác mới giành được nó ? Nếu nó thuộc phạm trù tất yếu của lịch sử thì nó cứ thế mà cuốn hút toàn nhân loại vào, các dân tộc cứ thế mà tự nguyện tiếp thu nó. Không ai đặt vấn đề đi mua người yêu và cũng không ai nên xé quần xé áo, cắt mũi cắt tai con người để đạt tới tình yêu cả.

Cũng chắc chắn đất nước này, dân tộc này không phải mớ rau để rồi nếu không phải là Tàu, là Pháp, là Nhật thì là Cộng sản hay Ðối lập Cộng sản mua lấy, giành lấy để rồi khi đã mua được, giành được thì có quyền khư khư, không trao lại cho ai. Ðặt vấn đề như vậy là bộc lộ tư tưởng cay cú, ăn thua, buôn bán rất hư hỗn đối với tổ quốc mình, nhân dân mình. Lẽ ra trước đây ta cũng đã không nên đặt vấn đề cướp lấy chính quyền từ tay ai cả. Chế độ ấy nó thối nát, nó làm khổ, làm nhục dân ta thì ta là nhân dân, từ nhân dân đi tiên phong lật đổ nó đi xây dựng chế độ khác, lập nên chính quyền khác.

Tầm tư tưởng hết sức thấp kém còn được bộc lộ khi tác giả viết: "Ðược biết những người trong nhóm họ hàng tháng vẫn lĩnh lương thật, ở nhà thật, ăn cơm thật, dùng tiện nghi thật, giấy bút thật để mạt sát chế độ là lừa dối. Chỉ riêng cái việc họ vẫn được hưởng mọi phúc lợi của người công dân lương thiện cũng đủ chứng minh cho sự vu cáo trắng trợn của họ". Sao lại hiểu đồng lương và các chế độ một người được hưởng là ơn mưa móc của một tập đoàn hay một cá nhân nào ban phát cho người đó. Hiểu như vậy thì làm sao không lộn tiết lên khi thấy một người được hưởng chế độ trung tướng như Trần Ðộ mà lại không biết nỗ lực ca ngợi chế độ, ca ngợi Ðảng gấp vài bốn lần một thiếu tướng như ông Bùi Phan Kỷ. Hiểu như vậy thì cũng dễ đi đến chỗ sẽ bất mãn không đúng khi thấy mình cứ ca ngợi Ðảng nhiều hơn, hay hơn mà chưa thấy Ðảng tăng lương, thăng chức nhanh cho mình. Thế còn, cái ông nào đó vẫn còn " được lĩnh lương thật, ở nhà thật, ăn cơm thật .... hưởng mọi phúc lợi của người công dân lương thiện ..." thì tất ông ấy phải là người lương thiện hoặc trên lương thiện chứ sao lại bảo là ông ấy mạt sát chế độ, vu cáo trắng trợn ? Ông ấy vu cáo trắng trợn, mạt sát chế độ mà vẫn cứ được ưu tiên, ưu đãi cao hơn thiếu tướng Bùi Phan Kỷ thì chẳng hoá Ðảng, Chính phủ lẫn lộn trắng đen à ? Hay Ðảng và Chính phủ vẫn còn biết sợ cái lẽ phải, cái trí tuệ của ông ấy ?

Phó giáo sư Bùi Phan Kỷ còn tỏ ra rất không sáng suốt và phi thực tế khi nhận định: "Ðến như Liên Xô có chủ nghĩa xã hội đã 70 năm mà không cảnh giác với các thế lực phản cách mạng cũng mất chế độ ".

Nếu biết tổng hợp và phân tích khách quan và khoa học tất phải thấy một chế độ xã hội như thế mà không sụp đổ thì mới trái lẽ đời. Chế độ ấy phải sụp đổ thì đất nước Liên Xô mới thoát xác để được hồi sinh trong một tương lai khác mà hôm nay người ta thấy nó đang dần dần hiện hữu.

Làm sao có thể tồn tại một chế độ xã hội luôn tuyên bố giải phóng triệt để sức sản xuất để tạo năng suất lao động vượt trội hẳn xã hội tư bản nhưng thực tế lại kìm hãm nghiêm trọng sức sản xuất mà biểu hiện là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm 1% bình quân trong mỗi kế hoạch 5 năm. Nhân dân Liên Xô là người chịu thiệt thòi nhất do hậu quả nền kinh tế trì trệ của đất nước mình. Khoảng cách chênh lệch giữa nhân dân Liên Xô và nhân dân Tây Âu ngày càng lớn. Tổng giá trị quốc nội bình quân đầu người của Liên Xô năm 1990 khoảng 5000 - 6000 USD, thua xa Ðức ( 22 320 USD ), Phần Lan ( 26 040 ), Thuỵ Ðiển ( 23 660 ), NaUy ( 23 120 ). Trong những năm thập kỷ 80, tổng giá trị thành phẩm công nghiệp xuất khẩu của nước này không bằng Singapore. Một năm trước khi Liên Xô tan rã, tổng kim ngạch xuất khẩu của Liên Xô là 104,18 tỷ USD, chỉ chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới, còn kém kim ngạch xuất khẩu cùng năm của nước Bỉ ( 118 tỷ USD ).

Do muốn tạo ưu thế quân sự áp đảo Mỹ, Liên Xô dồn hết sực lực cho cuộc chạy đua vũ trang. Sức mạnh tổng hợp quốc gia của Liên Xô khi mạnh nhất chỉ bằng 1/3 Mỹ, nhưng quy mô sản xuất vũ khí lại tương đương, thậm chí vượt Mỹ. Do đó, Liên Xô bị rơi vào cảnh khó khăn không thể tự cung tự cấp lương thực, thực phẩm; không đủ nhà ở và khí đốt để sưởi ...Là một nước có khả năng sản xuất vũ khí mũi nhọn nhưng nhân dân phải xếp hàng dài để mua tất nylon, quần áo giầy dép, đồ điện gia đình nhập khẩu. Một nước có khả năng sản xuất loại rada hàng đầu trên thế giới và có thể tiến hành chiến tranh điện tử nhưng lại không sản xuất được tivi mầu và các dàn âm thanh chất lượng cao.

Tóm lại, đấy là một chế độ chính trị không chú tâm chăm lo đời sống con người mà chỉ mưu toan bảo vệ chế độ chính trị bằng súng đạn.

Viện sĩ Sakharov - cha đẻ bom khinh khí Liên Xô, người từng được tặng thưởng huân chương Lenin, chỉ vì phản đối chính sách chạy đua vũ trang điên cuồng, bất hợp lý mà dần dần bị đẩy thành "bất đồng chính kiến", bị quy là "chống Ðảng, phản quốc" !
Trong nhiều nguyên nhân dẫn Liên Xô đến sụp đổ, chắc chắn có cả nguyên nhân cuối cùng này. Việt Nam hãy đừng đi theo vết xe khốn khổ đó.

Chúng ta đã đẻ ra hơn 600 trăm tờ báo, cùng với hàng trăm đài phát thanh truyền hình rồi uốn lưỡi, nắn giọng cho tất cả đều phải véo von, ríu rít tán dương. Thế rồi, Ðảng, cùng với đủ loại quan chức cứ thế được tê mê, hoan hỷ trong tụng ca ngất trời. Bộ máy chuyên chính vô sản hết sức tuyệt vời, cả trong tư tưởng- văn hoá lẫn trong hình sự -xã hội. Do vậy, cứ yên tâm đi, sẽ không thể có bạo loạn, lật đổ; sẽ không thế lực nào lay chuyển nổi chính quyền này. Có chăng, hãy coi chừng thể liệt kháng HIV do tự tiêm chích quá nhiều liều kích thích mạnh của sự tung hô.

Ước gì ta có được một vị lãnh tụ nói được như Putin nhân chuyến viếng thăm Washington mới rồi: chúng tôi thành thực biết ơn những nhà đối lập như Sakharov trước đây.

Ước gì chúng ta có được một lãnh tụ có tư chất như vị thủ tướng nước tư bản Singapore Gochokton. Hãy nghe ông trả lời phỏng vấn tờ Tuần san Châu Á: "... Nhưng, chỉ mức cao cuả bình quân đầu người thôi chưa đủ. Ðể trở thành một quốc gia phát triển, chúng tôi phải đi vào chiều sâu. Cái chúng tôi thiếu là một quần chúng biết phê phán. Họ đã để chúng tôi duy trì sự phồn vinh không hoàn toàn phù hợp với đời sống kinh tế thế giới" .

Ước gì tuổi trẻ nước ta đừng cam tâm "ngủ trong giường chiếu hẹp" để "giấc mơ con đè nát cuộc đời con". Ước gì trí thức nước ta đừng đành lòng úp mặt vào miếng cơm dù là ngon, manh áo dù là đẹp; đừng quá vô tâm với vận mệnh đất nước, với đời sống của nhân dân, với hôm nay và tương lai các thế hệ mai sau.

Triều đại nào rồi cũng qua đi, người ta có thể không còn nhớ ông vua này, bà chúa kia nhưng gương mặt những Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Trường Tộ ... cứ mãi còn ngời sáng trong lung linh trời sao đất nước.

Hà Nội 1 tháng 1 năm 2002
Nguyễn Thanh Giang
Nhà A13 P9 - Tập thể Phòng không Hoà Mục
Phường Trung Hoà - Quận Cầu giấy

Nhân quyền của dân hay của đảng ?

“… cán bộ Tư tưởng và Tuyên giáo sử dụng đủ loại ngôn ngữ “thù nghịch” viết bài chống lại những người cổ võ cho nhân quyền ở trong nước…”

Sau các đợt đàn áp những người đấu tranh đòi dân chủ, tự do và đòi đất, đòi nhà, đòi lương bổng công bằng từ đầu năm đến giờ, đảng Cộng sản Việt Nam đã ra lệnh cho cán bộ Tư tưởng và Tuyên giáo sử dụng đủ loại ngôn ngữ “thù nghịch” viết bài chống lại những người cổ võ cho nhân quyền ở trong nước.

Thái độ “hằn học” nhất phát ra từ cửa miệng Trần Duy Hương trên Tạp chí Cộng sản (131-2007): “Một số phần tử ở trong nước và tổ chức phản động nước ngoài đang lợi dụng chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Chiêu bài đó được một số thế lực thù địch ở nước ngoài phụ hoạ. Đây là việc làm sai trái cần đấu tranh, phê phán và vạch mặt kịp thời để mọi người thấy được bản chất xấu xa, bộ mặt thật của họ, nhằm góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Gần đây, một số người đã nhen nhóm tổ chức ra những cái gọi là "Đảng Dân chủ nhân dân", "Đảng Thăng tiến", Tổ chức 8406, Hội kêu oan, Hội nối vòng tay lớn..., ra Tuyên ngôn tự do, dân chủ cho Việt Nam, v.v và v.v..

Vậy họ là ai? Đó là một số người có quan điểm chính trị cơ hội một cách rõ ràng, hệ thống, có tham vọng chính trị lớn, trong đó có cả những kẻ đội lốt tôn giáo; một số người bất mãn, dao động về chính trị; một số người có nhận thức mơ hồ, không phân biệt được phải trái, đúng sai, bị kích động, lôi kéo, ngày càng lún sâu vào con đường lầm lạc.”

Thứ nhất, “dân chủ” và “nhân quyền” không phải là một “chiêu bài” mà là “quyền” của người dân. Khi người dân phải đấu tranh để đòi lại là khi Nhà nước đã cướp mất các quyền ấy của họ.

Thứ nhì, “bản chất xấu xa” của Nhà nước, khi không tôn trọng quyền của dân, cũng cần phải bị “vạch mặt kịp thời” để thấy “bộ mặt thật” của chế độ và để “góp phần bảo vệ” quyền lợi của dân.

Thứ ba, Đảng và nhà nước Việt Nam là lớp người đã có “nhận thức mơ hồ” về dân chủ và nhân quyền nên đã “đảng hoá” cả quyền làm chủ đất nước của nhân dân để lập ra hệ thống cầm quyền không phải “của dân, do dân và vì dân” mà là “của đảng, do đảng và vì đảng”.

Thứ tư, Cuộc bầu cử Quốc hội (20/5/2007) và sự thành hình Chính phủ khóa XII (25/7/2007) duy trì Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước và Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng cũng chỉ làm theo lệnh đảng. Nhân dân không có quyền gì trong việc chọn người lãnh đạo đất nước. Trong khi Quốc hội lại chỉ có 10 phần trăm trong số 493 Đại biểu không phải là đảng viên nên cơ chế “đảng cử dân bầu” đã biến thành tổ chức “bù nhìn” để hợp pháp hóa các quyết định của đảng.

Ngay cả sáng kiến, lần đầu tiên trong lịch sử đảng CSVN, để cho dân được quyền “tự ứng cử” vào Quốc hội XII đã biến thành trò hề khi chỉ có một trong số 30 người được đảng cho phép “tự ứng cử” đắc cử vào Quốc hội.

Vì vậy mà từ hơn 50 năm qua người dân hai miền Nam-Bắc cứ phải nhắm mắt mà sống với môi trường gỉa tạo như thế nên dù phải ăn nhiều “bánh vẽ” dân chủ, tự do và bầu cử họ vẫn phải nói là bánh thật. Không nói bánh thật là vướng vào vòng lao lý như đã xẩy ra cho Linh mục Nguyễn Văn Lý, hai Luật sư trẻ Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và nhiều người đấu tranh khác.

Ông Hương còn “soi mói” thêm trong bài viết: “Mục tiêu chủ yếu của họ (những người tranh đấu chống đảng) vẫn là những hoạt động nhằm phủ định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tấn công vào Cương lĩnh, đường lối đổi mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng ta. Họ tìm mọi cách bóp méo, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta; bôi nhọ quá khứ cách mạng, xuyên tạc lịch sử, hòng chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng với Nhà nước; cô lập, "phi chính trị hóa" lực lượng vũ trang; kích động một số trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh nhẹ dạ cả tin; kích động một số người từng tham gia hoạt động cách mạng trước đây có tâm trạng bất mãn; chia rẽ tôn giáo, dân tộc, chia rẽ miền Bắc với miền Nam... hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mục đích cơ bản của họ là làm suy yếu Đảng, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội; thực hiện đa nguyên, đa đảng, lập các đảng phái phản động nhằm đưa đất nước đi theo con đường khác.”

Tại sao hàng ngũ đấu tranh chống đảng CSVN lại đòi xóa đi Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh ? Vì Chủ nghĩa này đã bị các dân tộc tiến bộ trên thế giới, kể cả nước Nga, loại bỏ do những sai lầm, tội ác và hậu quả nghiêm trọng của nó gây ra cho nhân loại từ sau Cuộc Cách mạng tháng 10 ở Nga năm 1917.

Ước lượng có trên 100 triệu mạng sống con người trên Thế giới đã bị các chế độ Cộng sản tiêu diệt trong Thế kỷ 20, trong đó ước tính không dưới 3 triệu người Việt Nam đã chết vì những sai lầm của Chính quyền Cộng sản của Hồ Chí Minh gây ra.

Nhưng khi Trần Duy Hương lên án các cuộc đấu tranh chống đảng, đòi dân chủ, nhân quyền có âm mưu “phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc” là Hương đã vu khống những người yêu chuộng tự do, dân chủ và nhân quyền. Hương quên rằng, sau 32 năm chiếm được miền Nam, thống nhất đất nước, đảng CSVN vẫn chưa đoàn kết được lòng người hai miền Nam - Bắc. Ngay trong nội bộ đảng và quân đội CSVN vẫn còn tình trạng chia rẽ địa phương, vẫn còn có những kẻ Bắc nắm quyền “cai trị người miền Nam”.

Việc đảng CSVN, do phe cánh lãnh đạo bảo thủ giáo điều gốc hai miền Trung và Bắc quyết định khai tử không nhang khói hai tổ chức tay sai Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Chính phủ “bù nhìn” Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam năm 1976 và sau này đến lượt “Câu Lạc bộ những người Kháng chiến” đã gây bất mãn cho hàng ngũ “những người Nam bộ” vẫn còn sờ sờ ra đấy.

Ngoài ra còn phải kể đến những lời thống trách và lên án đảng đã “phản bội cuộc cách mạng dân tộc”, phản bội xương máu những người đã hy sinh của Tướng Trần Độ, người tỉnh Thái Bình và của các ông Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn trong Nam v.v… từ sau 1975 chưa bị quên lãng.

Ngoài Trần Duy Hương, Tạp chí Cộng sản còn phổ biến bài viết nhằm bảo vệ quyền cai trị đất nước cho đảng của Nguyễn Duy Quý. Bài này cũng có luận điệu chống các lực lượng đòi đảng phải tôn trọng “dân chủ” và “nhân quyền”.

Ông Quý viết trong số báo 129 (2007): “Trong lúc nhân dân Việt Nam đang phấn khởi, tự hào với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 20 năm đổi mới toàn diện đất nước, hăng hái thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Một trong những thủ đoạn của chúng là dùng chiêu bài "dân chủ, nhân quyền". Cái gọi là "dân chủ, nhân quyền" mà các thế lực thù địch thường rêu rao, đâu phải dân chủ, nhân quyền theo đúng nội hàm của khái niệm này. Đây là một mưu toan, một chiêu bài mà các lực lượng thù địch tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam trên trường quốc tế, gây rối, chia rẽ, tạo ra tình trạng mất đoàn kết trong nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, con bài "dân chủ, nhân quyền" còn được họ sử dụng như một công cụ trong chính sách đối ngoại, thông qua đó lấy cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam...”

“Một số nước phương Tây đã và đang dùng chiêu bài quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Họ tự cho mình có quyền "can thiệp nhân đạo" và quảng bá quan niệm "quyền con người không có biên giới", "nhân quyền cao hơn chủ quyền" để phủ nhận quyền của các dân tộc, nhất là quyền tự quyết định vận mệnh hay tự lựa chọn con đường phát triển của các dân tộc.”

Nhưng tại sao đảng CSVN lại sợ dân chủ và nhân quyền đến thế ? Phải chăng vì quyền con người chưa từng được đảng Cộng sản tôn trọng ở Việt Nam nên mỗi khi có những đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam, nhất là từ các Tổ chức nhân quyền, nhân đạo và của các Chính phủ nước ngoài đã làm cho đảng nhức nhối, lo lắng cuống lên như đỉa phải vôi.

Nhưng khi Nguyễn Duy Quý bạo ngôn cho rằng đòi dân chủ, nhân quyền đến từ các nước bên ngoài Việt Nam là “một mưu toan, một chiêu bài mà các lực lượng thù địch tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam trên trường quốc tế, gây rối, chia rẽ, tạo ra tình trạng mất đoàn kết trong nhân dân Việt Nam” là hành động chạy tội, chủ tâm đổi trắng thay đen của đảng và nhà nước.

Ông Quý còn loạn ngôn khi lên án một số nước Tây phương muốn sử dụng con bài “dân chủ, nhân quyền" “để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam” là một nhận định có tính hỏang loạn vô bằng cớ cốt để chống chế, che giấu những khuất tất và sợ hãi của những kẻ sợ mất quyền cai trị đất nước.

Nhưng những người như Trần Duy Hương và Nguyễn Duy Quý có biết rằng những kẻ ăn vụng mà không biết chùi mép thì cái đuôi sẽ lòi ra ?
Phạm Trần
16/08/2007