Thứ Ba, 10 tháng 7, 2007

Cấp Tiến hay Thời Cơ? Chỉ Buôn Dân Bán Nước Mà Thôi

Justino Nguyễn
Tâm Thức Việt Nam

Đã hơn 32 năm trôi qua, sự xuất hiện của Việt Cộng tại hải ngoại, dù dưới hình thức nào, xin viện trợ, cầu cạnh chào hàng mua bán, văn công tuyên truyền... đặc biệt là tại các quốc gia tự do, đều gặp sự chống đối với nhiều cường độ khác nhau, nói chung là bền bỉ, của quần chúng khắp nơi, từ Mỹ châu sang đến Ấu châu, Úc châu. Đối với đồng bào và hội đoàn trong cộng đồng thì việc tham gia đông đảo trong các buổi biểu tình là một cơ hội bày tỏ sự bất đồng chính kiến một cách trực tiếp của cộng đồng đối với chế độ độc tài. Là khẳng định sự không chấp nhận chế độ độc tài cai trị trên đất nước Việt .

Tuy nhiên trên các báo chí, sự phản đối của cộng đồng đã được lượng giá khác nhau tùy theo quan điểm chính trị của người viết. Chủ yếu có những khuynh hướng như sau:

Những người có xu hướng thân cộng cho rằng đó chỉ là do một số người quá khích, thủ cựu và có quá khứ liên hệ với chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Thành phần con buôn chủ lợi, trí thức tháp ngà thì cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam đang phát triển tốt đẹp những giao tiếp với các quốc gia trên thế giới và tin tưởng rằng sự giao thương với cộng đồng quốc tế sẽ giúp Việt Nam cải thiện tình trạng nghèo nàn lạc hậu cũng như sẽ đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Những nhà chính trị thời cơ sau nhiều năm tháng ngóng chờ và khi thấy Hoa Kỳ hé mở cánh cửa bang giao với chế độ thì đã ít nhiều lộ diện qua những thái độ, tạm gọi là nhập nhằng bất nhất khó hiểu. Đã nói thay, làm hộ cho Việt Cộng một số điều, bề ngoài thì như quan tâm đến tự do nhân quyền cho Việt Nam nhưng thực chất chỉ loay hoay quanh những việc làm mà bản chất không đi ra ngoài nguyên tắc Xin-Cho với chế độ. Nói một cách khác, những đề nghị của các nhóm người, của các tổ chức này không ngoài mục đích công nhận một cách bán chính thức tư cách đại diện hợp pháp của nhà cầm quyền Hà Nội để đòi hỏi, xin xỏ những nhựợng bộ chiếu cố của chế độ cho một thành phần, trong một lãnh vực hay một nhóm quyền lợi nào đó mà có mình ở trong. Thậm chí có cả những người còn mong mỏi có cơ hội được đấu tranh kiểu tham gia ứng cử trong quốc hội bù nhìn của đảng Việt Cộng dựng ra nữa.

Trong chuyến đi Hoa Kỳ của Nguyễn Minh Triết, chúng ta thấy những xu hướng trên đã lộ ra rõ rệt qua các bài viết, qua sự tham dự lấm lét, âm thầm trong buổi tiệc Triết mời ở Dana Point, mặc dù tin tức trước khi Triết tới Mỹ đã cho thấy chuyến đi của Triết về mặt bang giao là thất bại. Thất bại qua việc đón tiếp của quốc gia chủ nhà Hoa Kỳ. Thất bại do những phát biểu lưỡi gỗ, thất học của Triết trước quốc hội Hoa Kỳ, báo chí và giới doanh nhân (thí dụ như những người bị xử tại Việt Nam vì phạm tội hình sự, quan niệm về nhân quyền tại Việt Nam khác với Tây phương,Việt Nam có nhiều gái đẹp...) Ngay cả những hợp đồng mua bán mà phái đoàn của Triết ký với giới tài phiệt Hoa Kỳ (khoảng 7 đến 8 tỷ) được kể là thành công thì cũng còn phải chờ xem. Ký trên văn bản giấy tờ tuy xong nhưng còn biết bao “nhiêu khê” khi thực hiện những hợp đồng trên thực tế. Không biết khi ấy người dân Việt Nam sẽ được hưởng bao nhiêu mẫu vụn của cái bánh hợp đồng nhưng chắc chắn một điều là những cán bộ, từ nhỏ đến lớn, từ Triết cho đến tay chân, hẳn phải được hưởng một số phần trăm hoa hồng không nhỏ so với gốc gác và tài năng. Đó là chưa kể về mặt dài hạn bao nhiêu tài nguyên của đất nước sẽ bị khai thác một cách vô tội vạ qua những hợp đồng trên hay dân Viêt Nam sẽ è cổ ra để trả nợ môt cách gián tiếp cho những hợp đồng mà phái đoàn của Triết đã ký với giới tài phiệt Hoa Kỳ. Vì thế hãy khoan cho rằng nhưng hợp đồng 7, 8 tỷ là môt thắng lợi cho Việt Nam như hệ thống tuyên truyền Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam, hay các tờ báo lá cải tại Hoa Kỳ loan báo.

Mặc dù thế, sau chuyến đi của Triết, một số những luận điệu cũ rích lại được đưa ra. Thoạt xem lướt qua thì có vẻ trung thực phê phán chế độ nhưng lại có tiềm ẩn mục tiêu nhằm đánh bóng các nổ lực của Hà Nội và cho rằng đó là tiến bộ và cải tiến. Phải kể đến những phát biểu của Võ Văn Kiệt, người mà một mặt thì tuyên bố “chính phủ không nên áp dụng biện pháp hành chính, không được quy chụp”, “điều quan trọng là cần đối thoại, chính kiến ý kiến khác nhau là chuyện thường.” Mặt khác thì để sang bên không chỉ thẳng vào bản chất của nhóm lãnh đạo Hà Nội đang nắm quyền, mà hành động chỉ phản ảnh sự ghì chặt quyền hành. Nguyễn Minh Triết thì được coi là đổi mới. Nguyễn Tấn Dũng thì “cần thời gian để đánh giá thêm và có ấn tượng với những quyết tâm của Nguyễn Tấn Dũng.” Kiệt còn nói thêm, ông hy vọng sự thay đổi nội các sẽ có những khuôn mặt nổi có khả năng như Nguyễn Thiện Nhân, Cao Đức Phát, Hoàng Trung Hải sẽ lên. Có tin đuợc chăng lời bàn của Kiệt?

Qua tin tức trên thì rõ ràng truyền thông ngoại quốc (cũng như vài tờ báo thương mại trong cộng đồng, các nhân vật chính trị thời cơ tại hải ngoại) cố khai thác hình ảnh một người cấp tiến của Võ Văn Kiệt từ khi viết lá thư gửi bộ chính trị cách đây trên mưòi năm đòi đổi mới đảng. Kiệt được coi như môt tay còn ảnh hưởng trong đảng Cộng Sản, có đầu óc cấp tiến, đưa ra những lời nói dễ nghe, giới thiệu những thành phần kể là tiến bộ, trẻ, có học, thân Hoa Kỳ và Tây phương, muốn thay đổi, bên cạnh những thành phần già nua, thủ cựu, bảo thủ, thân Trung quốc (là ai?) Luận điệu này đã được nhắc lại như vẹt bởi những tay chính trị thời cơ: “Nếu Hoa Kỳ không tiếp Triết theo nghi thức đàng hoàng thì khi Triết quay về sẽ bị phe thân Trung Quốc lấn lướt” (Lý Thái Hùng) hay “Ví dụ như ông Võ Văn Kiệt, ông ấy nêu ra mấy quan điểm mới. Ông ấy không thể gợi ý mạnh hơn các nhà dân chủ triệt để, nhưng cũng rất đáng hoan nghênh rồi.... Vâng. Tôi muốn nói thêm thế này. Đại tướng Mai Chí Thọ, khi còn sống, năm kia, ông ấy nói chưa chắc cái đảng này còn trụ nổi đến Đại hội Đảng lần sau. Nó chứng tỏ trong nội bộ cấp cao, có những người giữ quan điểm tiến bộ. Chúng tôi hoan nghênh những người Cộng Sản cấp tiến đó” (Hoàng Minh Chính)

Nhưng chỉ cần những ai có trí nhớ trung bình thì cũng biết rằng chính bản thân Kiệt là một tay cộng sản từng chủ trương “thay đổi” để cứu đảng chứ chẳng phải vì muốn cho dân có tự do dân chủ. Kiệt đã từng ký sắc lệnh quản chế 31 CP mà mọi người lên án. Và trong cuộc phỏng vấn của BBC mới đây, Kiệt không ngần ngại nói (như Nguyễn Minh Triết): “nếu một đảng có thể lãnh đạo đất nước, phát triển kinh tế, duy trì ổn định và làm dân hài lòng thì không cần có thêm môt đảng mới.” Trong chuyến đi của Triết vừa qua, chính Nguyễn Thiện Nhân với vai trò bộ trưởng bộ giáo dục, khi bị Thượng Nghị sĩ Chuck Hagel hỏi về cơ hội của những người trí thức trong chính trường Việt Nam thì Nguyễn Thiện Nhân đã ngậm miệng để cho phát ngôn viên phái đoàn từ chối trả lời thay là “bộ trưởng chỉ giải thích về những vấn đề giáo dục thôi, còn những vấn đề khác thì không nên mất thời giờ.” Chúng ta cũng nhớ rằng sau APEC thì Nguyễn Tấn Dũng là người ký nghị định gia tăng kiểm soát thông tin, sau khi gặp Đức Giáo Hoàng thì xảy ra vụ đàn áp bắt giam Linh mục Lý tại Huế. Triết thì đem phụ nữ Việt Nam ra dụ doanh nhân tài phiệt Hoa Kỳ đầu tư, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết đều được xếp loại là “trẻ và cấp tiến” và có khuynh hướng “muốn thay đổi” đã được Kiệt “là thế hệ già” bảo kê, lăng xê trên phương tiện truyền thông ngoại quốc. Ai có thể tin tưởng gì nơi thành phần trẻ và cấp tiến kiểu này?

Tóm lại, trong tập đoàn cầm quyền tại Việt Nam hiện nay, dù trẻ hay già, chẳng ai có thể đáng gọi là cấp tiến hay bảo thủ cả, mà chỉ là những tay ham quyền tham tiền và giữ ghế. Tài phiệt Trung quốc, Hoa Kỳ hay một nước nào khác nếu có liên hệ buôn bán với họ cũng chỉ vì những tay này có quyền lực trong tay, có quyền ký kết hợp đồng mua bán. Thấy được như thế thì sẽ hiểu rằng cho dù truyền thông ngoại quốc có thổi phồng, đặt tên hay dán nhãn mỹ miều cấp tiến cho một số nào trong tập đoàn độc tài cộng sản thì dưới mặt dân chúng Việt họ cũng chỉ là những phường buôn dân bán nước mà thôi.

Chủ tịch Triết bị Hội Đồng Giám Mục VN chỉ mặt mắng:''nói dối !'', ''nói láo !''

Ngày 7/7 từ Toà Giám mục VN ở Nha Trang, Ngài Chủ tịch Hội Đồng Giám mục VN - Giám mục Phao lồ Nguyễn Văn Hòa đã gửi công văn cho ông Triết, sau khi báo Tuổi Trẻ trong số ra ngày 6/7/07 đăng cuộc phỏng vấn của ông Triết trả lời hãng CNN Hoa Kỳ rằng '' Hội Đồng Giám Mục VN và Toà Thánh Vatican đã hết sức đồng tình và ủng hộ việc xét xử Linh mục Nguyễn Văn Lý ''.

Nguyên văn trong bức thư công khai và chính thức này là:
Hội Đồng Giám mục Việt nam nhận định như sau:

Câu trả lởi của Cụ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết ''Hội Đồng Giám mục Việt nam và Toà Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi '' là không đúng sự thật.
Bức thư rất ngắn, gọn, rõ.

Xin nhớ rằng trong chuyến Mỹ du của ông Triết, ông ta đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại lời bịa đặt dựng đứng trên đây. Khi gặp bà Chủ tịch Thượng Viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 21/6, khi gặp Tổng thống Hoa kỳ Bush ngày 22/6, khi gặp người Việt ở Dana Point ngày 23/6. Ít nhất là 3 lần nói dối, chưa kể khi trả lời hãng vô tuyến truyền hình lớn nhất Hoa kỳ CNN trên đây.

Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hoà sâu sắc thật, nâng ông Triết lên hàng ''Cụ'', lên chức cao chót vót '' Chủ tịch Nước '' ... để rồi hạ xuống một nhát đau hơn hoạn: kẻ nói dối ! kẻ nói láo ! Mà lại nói láo với những vị đứng đầu một nước lớn đang tiếp đón mình.

Xin miễn bàn gì nhiều. Để xem phản ứng của các ông bà nghị sĩ, của ngài Tổng thống, của hãng CNN Mỹ, các nhà kinh doanh Mỹ và chư vị người Việt từng nghe ông Triết trực tiếp nói dối với mình sẽ nghĩ gì về ''cái quả lừa'' ông khách không giống một ai này.

Nói dối lòi đuôi. Sẽ là một sự kiện thời sự làm sôi nổi thêm Hội nghị Trung ương 5 đang vô cùng căng thẳng và cả phiên khai mạc quốc hội khóa 12 sắp tới cho bớt phần tẻ nhạt.
Bùi Tín
Paris. 10/7/2007


Tài liệu liên quan:
Thư minh xác của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
về lời tuyên bố của Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết

Tòa Giám Mục Nha Trang
22, Trần Phú
Nha Trang
Nha Trang, ngày 7 tháng 7 năm 2007

Kính gởi : Cụ NGUYỄN MINH TRIẾT
Chủ tịch Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Kính thưa Cụ Chủ Tịch Nước,

Thay mặt Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi kính gửi lời thăm Cụ và thưa Cụ việc sau đây :
Nhân đọc trong báo “ Tuổi Trẻ “, số ra ngày 6 tháng 7 năm 2007, tại trang 3, liên quan đến vụ xét xử Linh mục Nguyễn Văn Lý,

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhận định như sau:
Câu trả lời của Cụ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết “Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi” là không đúng sự thật.

Kính chúc Cụ sức khỏe.

TM. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam :
+ Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Nguồn: Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam

Nói KHÔNG với hàng Made in China!

Theo tin của nhạt báo Dziennik Ba Lan và CNN, rất nhiều mặt hàng của Trung Quốc phải đưa ra khỏi quầy các siêu thị tại thị trường Hoa Kỳ.

Người Mỹ đã nói “Không!” (NO!) với vỏ xe hơi sản xuất tại Trung Quốc

Sau khi phát hiện ra hoá chất độc hại trong kem đánh răng và thức ăn cho vật nuôi trong nhà, người ta đã phát hiện ra hoá chất độc hại khác trong phẩm màu sản xuất đồ chơi trẻ em và đồ trang sức nhân tạo.

Bản tin viết rằng, nếu nhìn thấy giá rẻ dưới thương hiệu “Made in China” thì tốt nhất là rụt tay lại – các nhà chuyên gia đã khuyến cáo như vậy.

Người Mỹ đã nói “Không!” (NO!) với vỏ xe hơi sản xuất tại Trung Quốc và bây giờ với bánh kẹo và đồ thực phẩm biển. Người ta nói với nhau: Các anh đã chén thịt của những con heo uống nước cống? Các anh đã ăn thịt của những con bò nhiễm chất kháng sinh tới mức sữa của nó không làm nổi sữa chua?

Zhou Quin, một trong những nhà đối lập với nhà cầm quyền cộng sản đã cung cấp những tiêu chuẩn sản xuất kinh hoàng của Trung Quốc. “Mối hiểm huy về độc hại lớn hơn nhiều so với cảm tưởng của mọi người” – Qin nói. Zhou Qin nhận định rằng, “người Trung Quốc lục địa làm tất cả mọi điều miễn sao giá thành rẻ, bất chấp mọi hậu quả”.

Trong tuần qua, Hoa Kỳ đã đình chỉ nhập khẩu từ Trung Quốc 4 loại cá và tôm. Trong các lô hàng bị kiểm tra tiếp theo, người ta thấy bị nhiễm rất nhiều hoá chất độc hại (toxic chemicals) và kháng sinh. Những hoá chất này dùng để giữ độ tươi cho tôm, cá khi đã chết mà Hoa Kỳ đã cấm sử dụng từ 5 năm nay cho hàng nhập vào lãnh thổ mình.

Hội đồng An Toàn Sản Phẩm cho người tiêu thụ của Hoa Kỳ kết luận rằng, 60% số hàng hoá bị cấm tiêu thụ trên thị trường xuất phát từ Trung Quốc.

Nhật báo Dziennik Ba Lan và CNN cũng cho hay, tiểu bang Minnesota của Hoa Kỳ đã ra sắc luật cấm bán quốc kỳ không sản xuất tại chính quốc. Người vi phạm sẽ bị phạt tù 3 tháng và 1.000 đô la tiền phạt.

Cả nước Mỹ tràn ngập cờ Mỹ được sản xuất ngoài nước Mỹ mà nhiều nhất là tại Trung Quốc.

Dân biểu tiểu bang Minnesota Tom Rukavina nói: “Lòng kính trọng nhất của công dân với quốc kỳ được thể hiện nếu như nó được sản xuất từ chính bàn tay của công dân mình”.

“Tôi không thấy gì hổ thẹn hơn là những lá cờ Mỹ bằng chất tổng hợp được làm ra tại Trung Quốc. Biểu tượng quốc gia mà chúng ta kính trọng phải được sản xuất trong nước” – Tom Rukavina khẳng định.

Tuy nhiên, tiểu bang Minnesota không phải là duy nhất. Hầu như tất cả các tiểu bang cũng sẽ hưởng ứng lời kêu gọi này.

Từ 1/07, tại tiểu bang Arizona tất cả các trường học, kể cả đại học phải treo cờ Mỹ sản xuất tại nước Mỹ. Tiểu bang Tennessee đề nghị chính phủ liên bang bỏ tiền mua cờ của các nhà sản xuất.

Theo thống kê của Hoa Kỳ, trong năm 2006, cờ Mỹ sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc đã được bán ra với doanh số 5,3 triệu đô la! Một bussines không nhỏ.

Phóng viên CNN trong bài cũng khuyến cáo nạn làm hàng giả mạo đang tràn ngập tại Trung Quốc. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng đều được nhái lại như Calvin Clein, Raph Lauren, Diesel, Hugo Boss, Armani, Rolex, v.v...

Tin mới nhất của Dziennik và CNN trong ngày 10/07/2007 là, án tử hình Zeng Xiaoyu, cựu bộ trưởng Trung Quốc đã được thực hiện. Zeng Xiaoyu là một thủ phạm cao cấp nhận khoảng 800 ngàn đô la hối lộ để cấp giấy chứng nhận chất lượng cho thuốc tây giả mạo tung ra thị trường, gây tử vong cho nhiều người tiêu thụ. Đây mới chỉ là phần nổi của cả núi băng chìm làm hàng giả khổng lồ của Trung Quốc cộng sản.

--------------------------------------------

Nguồn: Dziennik/CNN, ngày 06/07/2007, Dziennik/CNN, ngày 10/07/2007 và các tin khác liên quan đến Trung Quốc cùng trang.

Hội nghị Trung Ương V ĐCSVN có gì mới?

Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) khai mạc vào ngày 05/07 và kéo dài tới 14/07/2007.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 5 Đảng X

Hội nghị Trung ương V lần này đặt nhiệm vụ: "Giới thiệu nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước để Quốc hội bàn hoặc phê chuẩn". Điều này cũng nằm trong kế hoạch cải tổ nội các của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà DCVOnline đã đưa tin. Chỉ còn hai tuần nữa là Quốc hội Việt Nam khóa XII họp phiên đầu tiên, do đó vấn đề nhân sự được xem là quan trọng nhất.

Các phương tiện truyền thông của đảng CS loan báo 7 chủ đề chính sẽ được mang ra thảo luận tại hội nghị, trước hết là việc "đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị", nói rõ hơn là xác định cơ chế hoạt động giữa Đảng, Nhà nước và Quốc hội, nhưng đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo cao nhất!

Ngoài vấn đề nhân sự, công tác tư tưởng, lý luận, báo chí chiếm tới bốn ngày thảo luận, chứng tỏ tầm quan trọng của lĩnh vực này trong công tác đảng. Chắc chắn, như trong một bài viết trên DCVOnline, “ác mộng kinh hoàng nhất của ĐCSVN là báo chí tự do”. Cho dù, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Việt Weekly chủ tịch Nguyễn Minh Triết lấp lửng câu: “sẽ đến lúc phải giao lưu hai chiều về sản phẩm văn hóa trong và ngoài nước”, có vẻ như Đảng, hoặc ít ra là bản thân chủ tịch Triết muốn bày tỏ một cam kết mới và đã tỏ ra có một chính sách đối ngoại mạnh hơn nhiều so với trước qua một chiến dịch đối diện với truyền thông nước ngoài và tiếng Việt.

Đau đầu cho ĐCS là trong bối cảnh phát triển của báo chí, truyền thông, đảng Cộng sản đang đứng trước nan đề làm sao có thể tạo điều kiện để phát triển báo chí theo hướng giúp cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, mà vẫn giữ vững chỉ đạo và kiểm soát của đảng. Điều này dường như hoàn toàn đối nghịch, không thể thực hiện được. Đảng chỉ có thể kiểm soát, quản lý ngành truyền thông nội địa mà thôi. Dù vậy, cũng rất khó để ngăn chặn nhân dân tiếp cận với các thông tin từ nước ngoài, không chỉ qua phương tiện Internet mà còn qua các giao dịch thương mại và đi du lịch.

Hội nghị Trung Ương lần thứ V này chắc sẽ không có gì mới mang tính bước ngoặt hay đột biến, tuy nhiên có một vài tín hiệu đáng chú ý.

Trả lời phỏng vấn của BBC Việt ngữ hôm 09/07/2007, ông Nguyễn Văn An, (đã thôi chức vụ nhưng có tiếng là một nhân vật cải cách khi còn tại nhiệm) thì:

"Nếu lẫn lộn sẽ dẫn tới nghịch lý là Đảng có quyền quyết định song lại không chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn người đứng đầu cơ quan nhà nước không có quyền quyết định lại phải chịu trách nhiệm trước nhân dân theo pháp luật".

Theo ông thậm chí "nếu quyền hạn và trách nhiệm tách rời nhau" thì sẽ dẫn tới tình trạng:

"Cơ quan nhà nước sẽ trở thành hình thức, trách nhiệm cá nhân sẽ không được đề cao, toàn bộ thiết chế bộ máy nhà nước sẽ rối loạn. Đó là điều tối kỵ!"

Ông An cho rằng đây dù mới chỉ xảy ra ở cấp địa phương nhưng đã đem lại "những bài học kinh nghiệm sâu sắc". Và ông cho rằng nếu để "sai phạm xảy ra ở cấp trung ương thì kỷ cương phép nước sẽ bị rối loạn, hậu quả sẽ là khôn lường."

Cũng theo BBC, báo Tuổi Trẻ hôm 09/07/2007 cho biết, ông Nguyễn Văn An ghi nhận hiện tượng Đảng can thiệp vào hoạt động của các cơ quan nhà nước và xét xử của ngành tòa án.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong diễn văn khai mạc Hội nghị hôm 05/07 đã nói: "Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước; trái lại, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo của Nhà nước trong quản lý đất nước và xã hội".

Cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước hiện nay Việt Nam thực tế đã tạo ra hai nhà nước trong một nhà nước. Song song với tất cả các ban ngành của nhà nước là các ban nghành của ĐCS, một thứ quan liêu hành chính phi lý và tạo ra cho đất nước gánh nặng gấp đôi về ngân sách. Đó là chưa nói đến vấn đề nguyên tắc vận hành của cơ cấu nhà nước đúng với ý nghĩa của nó. Trong một cơ cấu dân chủ, các đảng phái chính trị, kể các các đảng cầm quyền không được chi tiêu cho hoạt động của mình từ tiền ngân sách nhà nước.

100 triệu nạn nhân cộng sản

Minh Võ

Con số 100 triệu từ đâu ra?

Cộng sản Liên bang Sô Viết giết người từ 1917-1953

Gần 18 tháng sau khi Cộng Đồng Âu Châu ra nghị quyết 1481 (ngày 27/01/2006) lên án Cộng Sản toàn thế giới, đến lượt Hoa Kỳ khánh thành đài tưởng niệm nạn nhân CS toàn thế giới. Trong diễn văn đọc tại buổi lễ long trọng tổ chức ngày 12/06/2007, Tổng Thống George W. Bush đã nêu lên con số “khoảng 100 triệu” nạn nhân CS. Đây là con số dè dặt tối thiểu do một nhóm nhà sử học Tây Phương đã đúc kết từ những thống kê tương đối chính xác nhất, sau nhiều năm nghiên cứu đắn đo. Chúng tôi nói dè dặt tối thiểu, vì cách nay gần 2 thập kỷ, tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền tại Nữu Ước, ngày 13/12/1989, quyền chủ tịch Ủy Ban tranh đấu cho các dân tộc bị áp bức, Horst A. Uhlich đã đưa ra một con số gần gấp rưỡi (146 triệu). Con số 100 triệu là tối thiểu, còn vì trong số đó bao gồm cả nhiều triệu nạn nhân CS ở Việt Nam, mà các nhà nghiên cứu nói trên chỉ ghi có 1 triệu. Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc tác phẩm đồ sộ coi như nguồn gốc của con số “bé nhỏ” một trăm triệu ấy.

Mười năm sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Đông Âu và Liên Xô tan rã, trường đại học Harvard, một trường danh tiếng nhất của Mỹ cho xuất bản cuốn The Black Book of Communism dày 858 trang khổ lớn do Jonathan Murphy và Mark Kramer dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, Le Livre Noir du Communisme: Crimes, Terreur, Répression (1) của 6 tác giả Courtois Stéphane, Welth Nicolas, Panné Jean-Louis, Paczkowski Andrzej, Bartosek Karel, Marolin Jean-Louis.

Mở đầu tác phẩm, Courtois Stéphane viết: “Người ta bảo lịch sử là khoa học của sự bất hạnh của nhân loại. Thế kỷ bạo lực đẫm máu mà chúng ta sống đã xác nhận câu nói đó một cách rộng rãi”. Courtois đã nêu một tiền đề chính xác khi chúng ta nhìn vào lịch sử Việt Nam trọn thế kỷ qua. Tuy nhiên, dường như chính các tác giả Le Livre Noir du Communismelại chưa hẳn thấu đáo về nguyên nhân dẫn đến nỗi bất hạnh của dân tộc Việt Nam và cũng chưa hẳn nhận rõ hết về nỗi bất hạnh đó. Dựa vào những thống kê chưa hoàn toàn đầy đủ, Courtois tổng kết số người bị Cộng Sản tàn sát trên khắp thế giới là100 triệu, trong đó riêng Trung Cộng chiếm 65 triệu (2), Liên Xô 20 triệu, Căm-bốt 2 triệu, còn Việt Nam, tác giả ghi 1 triệu.

Những người am tường thực tế, nhất là những người Việt Nam từng sống dưới chế độ Cộng Sản không thể đồng ý với tác giả về con số đã nêu. Có lẽ Courtois đã nghĩ nguồn gốc các cuộc chiến liên tục tại Việt Nam từ 1945 tới 1975 là do thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và phe quốc gia ở miền Nam nên con số cả chục triệu người chết trong chiến tranh đã bị gạt sang bên, bởi lẽ tác giả cho rằng trách nhiệm gây chiến không thuộc về đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay giữa lúc tiến hành thiết lập hồ sơ về tội ác Cộng Sản, nhiều tác giả có vẻ vẫn bị ảnh hưởng tuyên truyền của sách báo Cộng Sản chi phối để tiếp tục giản lược hóa một cách sai lạc tính chất các cuộc chiến Việt Nam, đặc biệt là cuộc chiến sau 1954, theo hình ảnh nhân dân Việt Nam đã tập trung dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng yêu nước Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam thành lực lượng kháng chiến chống các thế lực đế quốc ngoại lai xâm lược. Đám khói mù quanh huyền thoại Hồ Chí Minh cho tới giờ này vẫn dày đặc đủ để che khuất những tội ác tầy trời trong khi các thần tượng Lenin, Staline đã bị bóc trần và xô đổ ở mọi nơi.

Tuy vậy, tác giả cũng so sánh con số nạn nhân bị cộng sản giết với con số 25 triệu nạn nhân (trong đó có 6 triệu người Do Thái) của Đức Quốc Xã và nêu nhận xét trong khi Đức Quốc Xã bị cả loài người lên án, thì cho đến nay nhiều người vẫn bào chữa cho cộng sản cố trút mọi tội ác cho cá nhân Stalin thay vì phải chỉ rõ Mác và Lênin mới là nguồn gốc.

Le Livre Noir du Communismegồm 5 phần. Hai phần đầu dành ghi tội ác của Liên Xô và Quốc Tế Cộng Sản, phần 3 nói về các nước Cộng Sản Đông Âu, phần 4 nói về Cộng Sản Á Châu, trong đó Việt Nam chỉ chiếm 11 trang trên tổng số 858 trang và phần chót nói về các tổ chức cộng sản trong thế giới thứ ba.

Thể hiện tinh thần trách nhiệm cao độ trước công luận, các tác giả tỏ ra vô cùng dè dặt khi nêu những con số, phần đông dựa vào tài liệu chính thức.

Tác giả Nicolas Werth, thực hiện phần 1, cho biết chỉ trong 2 tháng năm 1918, số nạn nhân bị giết của tân chế độ Lênin là từ 10,000 đến 15,000. Con số này lấy từ báo cáo của Mật vụ Cheka, sau khi tác giả ghi lại các huấn thị của chính Lênin về việc phải trừng phạt những kẻ bất phục tùng được gọi là những “tên Gulaks”. (3) Dù vậy, số người bị giết ở mức ước lượng tối thiểu trong chỉ 2 tháng dưới chế độ Lenin đã nhiều gấp hơn 10 lần so với số nạn nhân của chế độ Nga Hoàng trọn năm 1906 là năm đàn áp dữ dội nhất do phản ứng chống cuộc cách mạng 1905. Theo tác giả trong vòng gần một thế kỷ dưới chế độ Nga Hoàng kể từ 1825 đến 1917, tổng số người bị giết chỉ có 6,321 nạn nhân. Số người bị tống vào tù dưới chế độ Lênin thì trong 2 năm từ 1919 tới 1921 đã tăng từ 16 ngàn lên 70 ngàn không kể nhiều trại tù địa phương có nơi lên tới 50 ngàn trong mùa thu 1921.

Phần 2 do 3 tác giả Stéphane Courtois, Jean-Louis Panné và Rémi Kauffer đảm nhận, nói nhiều về tổ chức Đệ Tam Quốc Tế như một trong những “dụng cụ” chính để khuynh đảo tình hình thế giới. Theo các tác giả, đại hội kỳ 2 của Đệ Tam Quốc Tế mới đạt được nền tảng vững chắc cho tổ chức này. Tại đại hội kỳ 2, Lênin đặt ra 21 điều kiện để những người có xu hướng xã hội gia nhập Đệ Tam Quốc Tế. Đệ Tam Quốc Tế cũng được định nghĩa là “một đảng quốc tế nhằm nổi dậy và thực hiện chuyên chính vô sản.” Do đó, điều kiện thứ 3 trong số 21 điều kiện nêu rõ: “…trong hầu hết các nước thuộc châu Âu và châu Mỹ, cuộc đấu tranh giai cấp đang tiến vào thời kỳ nội chiến. Trong điều kiện như vậy, người cộng sản không được tin vào luật pháp tiểu tư sản nữa. Cần phải lập nên khắp nơi, song song với tổ chức hợp pháp, một phong trào bí mật có khả năng hành động quyết định phục vụ cách mạng vào thời điểm của chân lý.” Thuật ngữ thời điểm của chân lý được diễn giải là lúc nổi dậy làm cách mạng và hành động quyết định phục vụ cách mạng là tham gia nội chiến. Chính sách được áp dụng cho mọi quốc gia không phân biệt chế độ, kể cả những chính thể dân chủ cộng hoà và những chế độ quân chủ lập hiến.

Với cái đảng quốc tế được định nghĩa như thế, có chủ trương như thế, Lenin vận dụng các đảng Cộng Sản chư hầu và mọi đảng Cộng Sản khác trên toàn thế giới như một lợi khí sắc bén để thôn tính các nước lân bang, tiến tới bá chủ thế giới. Các tác giả nêu nhiều sự kiện xẩy ra tại các nước vùng Ban Nhĩ Cán và Đông Âu.

Tại Cộng Hoà Estonia, ngày 14/01/1920, trước khi rút lui vì thất bại, Cộng Sản giết 250 người tại Tartu và hơn 1000 người tại Rakvere. Khi Wesenburg được giải phóng vào ngày 17/01/1920, người ta khám phá ra 3 mồ chôn tập thể với 86 tử thi. Tại Tartu, các con tin bị bắn ngày 26/12/1919 sau khi bị đập gẫy tay chân và có người bị khoét mắt. Ngày 14/01/1920, bọn Bolshevik chỉ kịp giết 20 người trong số 200 người bị chúng giam giữ ở Tartu. Tổng giám mục Plato bị giết vào dịp này nhưng “bởi vì những nạn nhân đã bị đánh túi bụi bằng búa rìu và báng súng nên cực kỳ khó khăn để nhận diện.” (4)

Những vụ tàn sát dã man như thế đầy dẫy trong các chương sách.

Đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản ở Praha, CH Czech

Chuyện xẩy ra tại Trung Quốc cũng chận đứng mọi ý muốn bào chữa cho Mao Trạch Đông là người yêu nước có công chống ngoại xâm và những Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân vv… không còn là huyền thoại anh hùng dân tộc nữa. Những tội ác do Trung Cộng gây ra trong các cuộc cải cách ruộng đất (1947-1952), trong đại cách mạng văn hóa vv…và những cuộc đàn áp tôn giáo tại Tây Tạng, bắn giết hàng ngàn người trong vụ Thiên An Môn (1991), tàn sát tín đồ giáo phái Pháp Luân Công ... đều được ghi khá đầy đủ.

Nhưng những chuyện xẩy ra tại Việt Nam gần như không được lưu tâm.

Trong cuốn sách ngót 860 trang, các tác giả chỉ dành 11 trang nói về cả Ai Lao lẫn Việt Nam. Riêng Cam-bốt được dành 59 trang có lẽ vì con số 2 triệu người bị giết chiếm tới trên một phần tư dân số.

Tội ác của Cộng Sản Việt Nam ghi trong mấy trang này là điều đã được cả thế giới biết qua tác phẩm của Hoàng Văn Chí, Hoàng Hữu Quýnh, Dương Thu Hương, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên... nhưng cũng chỉ được ghi lại với thái độ hết sức dè dặt. Hoàng Văn Chí ước lượng có nửa triệu người bị giết trong cải cách ruộng đất trong khi Jean Louis Margolin đắn đo chọn con số 50 ngàn và nói thêm là ngoài ra còn có từ 50 ngàn đến 100 ngàn bị bắt bỏ tù. Điều đáng chú ý là chính Jean Louis Margolin cho biết có 86 phần trăm đảng viên đảng Lao Động (tức Cộng Sản) ở nông thôn bị thanh trừng cùng với 95 phần trăm cán bộ kháng chiến chống Pháp.

Khoảng thời gian 1949-1950, rất nhiều người tham gia Đảng Lao Động do không biết rõ bản chất Cộng Sản và nghĩ đây là một đoàn thể yêu nước đang đấu tranh chống thực dân. Những người này phần nhiều thuộc thành phần không đảng phái hoặc thuộc các đảng quốc gia đã chấp nhận tham gia chính phủ Liên Hiệp với Hồ Chí Minh từ 1945-1946. Số này rất đông nên tỷ lệ 95 phần trăm cán bộ kháng chiến chống Pháp bị thanh trừng là con số có thể phản ảnh đúng thực tế. Vì trong cải cách ruộng đất, những kẻ chủ chốt đứng ra điều khiển đấu tố đều thuộc thành phần ngu dốt, côn đồ được Cộng Sản Việt Nam gọi là “rễ”. Những phần tử này cho tới lúc đó không có điều kiện dự các guồng máy chính quyền địa phương thấp nhất ở các cấp xã ấp, nhưng được nhóm cán bộ cốt cán của đảng cộng sản đẩy ra làm công cụ loại trừ những thành phần bị nghi ngờ không hoàn toàn trung thành với đảng. Với khẩu hiệu “Thà giết lầm 10 người còn hơn tha lầm một người” và với sự hỗ trợ tuyệt đối của Đảng và chính quyền, những phần tử này đã sát hại hoặc tống vào nhà tù bất kỳ ai bị đánh giá là thiếu lòng trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và “Bác”.

Jean Louis Margolin nhắc tới con số 95 phần trăm cán bộ kháng chiến chống Pháp bị thanh trừng trong cải cách ruộng đất, nhưng không nêu rõ cụ thể ra sao. Ngoài vụ tàn sát trong cải cách ruộng đất, Margolin đề cập đến vụ mồ tập thể ở Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 nhưng chỉ nêu con số thấp nhất trong những con số được ghi lại là 3000 nạn nhân trong khi không giải thích về những con số cao hơn là 4000 hay 5000 từng được nêu qua nhiều nguồn tin.

Tác giả xác nhận là không có tắm máu trong ngày Cộng Sản đánh chiếm Sài Gòn nhưng sau đó đã đưa ra con số 200 ngàn người bị giam giữ theo xác nhận của Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên về việc này, tác giả ghi thêm: “Những ước tính nghiêm chỉnh nói từ 500 ngàn đến một triệu tù nhân trong tổng số dân là 20 triệu”.

Thái độ thận trọng của người cầm bút là điều đáng ca ngợi nhưng khó thể chấp nhận sự thiếu nắm vững về chính vấn đề được nêu ra. Khuyết điểm này không chỉ khiến giảm giá mức thận trọng trong thái độ của người cầm bút mà còn dẫn đến sự hiểu biết sai lạc về vấn đề đang mong được phô bày.

Cụ thể là tội ác của Cộng Sản Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua không thể gói gọn vào số nạn nhân bị sát hại và tù đầy theo cân nhắc dè dặt của Jean Louis Margolin qua cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc 1955-56 hay cuộc tàn sát tập thể tại Huế hồi Tết Mậu Thân và số người bị giam giữ sau tháng 4-1975 theo lời của Phạm Văn Đồng.

Khi đặt vấn đề thiết lập hồ sơ tội ác của Cộng Sản Việt Nam, bắt buộc phải xác định rõ mức độ tương quan và trách nhiệm của Hồ Chí Minh cùng đồng chí với các biến cố kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua trên một địa bàn bao trùm từ Hoa Nam qua khắp ba xứ Đông Dương. Các tác giả không hề nhìn thấy bàn tay thúc đẩy các cuộc chiến kéo dài tại Việt Nam và diễn ra khắp ba xứ Đông Dương liên tục suốt 30 năm kể từ 1945, không hề nhìn thấy những thủ đoạn tàn ác đối với người quốc gia yêu nước để độc chiếm quyền hành khởi diễn ngay từ giữa thập niên 20, không hề nhìn thấy cảnh đọa đày mà dân chúng Việt Nam phải chịu đựng dưới gông cùm thống trị của bạo quyền mà mức cơ cực đang còn là thực tế phơi diễn trên khắp lãnh thổ Việt Nam, cũng không hề nhìn thấy ngay cả tội ác tàn sát 2 triệu người Căm Bốt cũng có phần trách nhiệm của Cộng đảng Việt Nam vì tập đoàn Khmer Đỏ ban đầu chỉ là một bộ phận của Đảng này...

Thiếu cái nhìn cần thiết đó nên các tác giả đã bỏ quên những con số nạn nhân bị sát hại trong hai cuộc chiến, không ghi nổi những thảm cảnh bị đày đọa của người dân Việt Nam và đặc biệt là không nêu rõ được con số nạn nhân đã bỏ mình trên biển Đông hay giữa rừng núi phía Tây để cố trốn thoát khỏi đời sống ngục tù ngột ngạt của cái xã hội do Cộng Sản Việt Nam tạo dựng...

Khuyết điểm có thể khởi từ sự thiếu các nguồn tài liệu thống kê khả tín khiến người cầm bút với thái độ thận trọng bắt buộc đã không thể làm khác hơn được.

Khuyết điểm có thể do chính người cầm bút chưa gột rửa nổi định kiến sai lầm do những luận điệu tuyên truyền Cộng Sản được nhắc lại liên tục hơn nửa thế kỷ qua để dẫn tới những đánh giá lệch lạc về mọi biến cố.
Khuyết điểm cũng có thể do cách làm việc máy móc của người cầm bút luôn dựa vào các tài liệu chính thức có xuất xứ là các cơ quan, đoàn thể đương quyền nên đã tự đặt vào thế bị lường gạt bởi những tính toán xuyên tạc và bóp méo mọi sự thực.

Dù khởi từ căn cỗi nào thì khuyết điểm này vẫn hủy hoại giá trị đóng góp của tác phẩm theo mong mỏi của chính các tác giả. Bởi vì khi đưa ra tác phẩm trên, chắc chắn các tác giả không mong gì hơn là được thấy toàn thể nhân loại căm phẫn những thế lực tội ác sẽ cùng chung sức xóa tan bóng đêm Cộng Sản ở bất kỳ nơi nào để ánh sáng tự do dân chủ có thể chiếu sáng cuộc sống của mọi dân tộc.
Ước mong đó có thể thành thực tế tại Việt Nam không, khi mà hầu hết những tội ác tày trời của Cộng Sản Việt Nam đều được vùi lấp?

Stéphane Courtois, chủ biên, là người phụ trách phần II cùng với 2 tác giả khác, cũng là người viết đoạn mở đầu và phần kết luận. Trong phần kết luận, tác giả đã thử tìm lời giải đáp cho câu hỏi tự đặt “Tại Sao?”. Tuy chưa hoàn toàn hài lòng về lời giải đáp của chính mình, tác giả cũng giúp người đọc một số dữ kiện để có thể giải thích tại sao thế kỷ 20 lại là một thế kỷ của bạo lực, khủng bố, giết chóc kinh khủng nhất trong lịch sử.

Trước hết, tác giả nêu chủ trương dùng bạo lực cách mạng của Marx và khẩu hiệu “Vô sản thế giới hãy đoàn kết lại” trong Tuyên Ngôn Cộng Sản để cho rằng Mác có một phần trách nhiệm. Nhưng theo tác giả, trách nhiệm chính là Lenin và các đồng chí trong nhóm cực đoan Bolshevik – Đa Số, nhất là Stalin, kẻ ngay từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng của những băng đảng giết người. Tác giả trưng dẫn thêm trường hợp Nga Hoàng Ivan giết con, và khi mới 13 tuổi đã cho chó xé xác vị thủ tướng của mình, trường hợp Nga Hoàng Petro cũng tự tay giết con ... để cho rằng bản tính người Nga tàn ác...và ghi lại lời của Maxim Gorki kết tội nhóm Bolshevik để xác định lập luận của mình:

Nạn nhân cộng sản Việt Nam: Huế, Tết Mậu Thân 1968

“Sự tàn ác đã làm tôi kinh ngạc và luôn giày vò tâm tư tôi suốt cuộc sống. Gốc rễ của sự tàn ác của loài người là cái gì? Tôi đã nghĩ nhiều về điều này và vẫn không sao hiểu nổi… Nhưng nay thì, sau sự điên khùng khủng khiếp của cuộc chiến ở châu Âu và những biến cố đẫm máu của cách mạng… tôi bó buộc phải nhận ra rằng sự tàn ác của người Nga đã không biến chuyển chút nào. Những hình thức của nó vẫn y nguyên. Một phóng viên thời sự khoảng đầu thế kỷ 17 đã ghi lại rằng trong thời ấy những hình thức cực hình tra tấn đã được thực hiện như sau: “Nhét thuốc súng vào đầy miệng, rồi châm lửa. Kẻ thì bị nhét thuốc nổ vào hạ môn. Phụ nữ thì bị khoét lỗ nơi vú, xỏ giây thừng qua những vết thương đó rồi cột lại treo lên”. Trong những năm 1918-1919 tại các vùng Don và Urals người ta cũng hành hình theo kiểu đó. Người ta nhét thuốc nổ vào hậu môn rồi cho nổ tung lên. Tôi nghĩ người Nga có cảm quan độc đáo về sự tàn ác cũng giống như người Anh có cảm quan độc đáo về sự hài hước.”


Maxim Gorki nói đến hai năm 1918-19 là thời kỳ Lênin vừa lên nắm quyền (từ ngày 07/11/1917, vẫn gọi là cuộc cách mạng tháng 10 – theo lịch Nga). Courtois cũng ghi rằng liền ngay sau khi nắm quyền, Lenin lập tức bắt Đảng áp dụng bạo hành:

Nạn nhân cộng sản Khmer

“Lênin thiết lập một chế độ độc tài chuyên chế sớm biểu lộ sự khủng bố đẫm máu từ bản chất. Bạo lực cách mạng nay không còn nhằm mục đích tự vệ chống lực lượng Sa hoàng, vì nó đã biến mất từ mấy tháng trước rồi. Nhưng đây là biện pháp tích cực chủ động đánh thức dậy cả một nền văn hóa tàn bạo, độc ác châm ngòi cho sự bạo hành tiềm ẩn của cuộc cách mạng xã hội. Mặc dầu cuộc khủng bố Đỏ chỉ chính thức khơi mào ngày 2 tháng 9 năm sau, nhưng trong thực tế nó đã có ngay từ tháng 11 năm 1917.”


Tác giả dẫn lời Yuri Martov, lãnh tụ nhóm Menshevik – Thiểu Số – viết vào tháng 8-1918:


“Ngay khi mới lên cầm quyền, đã tuyên bố bãi bỏ án tử hình, (thế mà) nhóm đa số (5) liền bắt đầu giết.” Ngày 06/09/1919, sau khi hàng loạt trí thức bị bắt giữ, Gorky gửi cho Lenin một bức thư giận dữ nói: “… Học giả cần được đối đãi một cách kính cẩn. Nhưng nay muốn giữ cái da, chúng ta lại chặt cái đầu, phá hủy bộ óc của chúng ta”.


Lênin trả lời: “Chúng không phải bộ óc của quốc gia. Chúng là cục phân.” (6)

Sau khi thành công trong việc nắm chính quyền, Lenin coi những gì đã tiên đoán về cách mạng, về vô sản về trật tự xã hội đều đúng và những lý thuyết, ý hệ của ông ta trở thành tín điều bắt buộc mọi người phải tin theo, một thứ chân lý phổ quát. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tối hậu là đưa vô sản lên nắm quyền chuyên chính khắp thế giới mọi phương tiện đều tốt, kể cả bạo lực. Tất cả những người nói ngược, đi ngược tín điều trên đều bị coi là chướng ngại cần trừ khử và để trừ khử chỉ cần gán cho cái nhãn tư sản. Phải tận diệt tư sản vì tư sản là kẻ thù của vô sản theo lý thuyết Cộng Sản. Phương thức diệt trừ chướng ngại đó được Stalin tiếp nối khi thay thế Lenin. Để giữ vững quyền hành, Staline đã thanh toán các chướng ngại bằng cách tiêu diệt tất cả đồng chí của mình như Kamenev, Zenoviev, Trotsky...

Tác giả dẫn lời một cán bộ Cộng Sản Nga có nguồn gốc vô sản thực sự là Alexander Shlyapnikov phát biểu tại đại hội 11 Cộng đảng Nga:


“Hôm qua đồng chí Lenin đã khẳng định tại nước Nga này không có giai cấp vô sản theo đúng nghĩa Mác-xít. Bây giờ tôi xin phép chúc mừng đồng chí đã có thể xoay sở để thực hiện một nền chuyên chính vô sản nhân danh một giai cấp không thực sự hiện hữu!”


Câu nói diễn tả tuyệt vời khả năng vận dụng một phương tiện để thành công và tác giả kết luận:


“Khéo léo xử dụng biểu tượng của vô sản là điều phổ biến trong mọi chế độ Cộng Sản ở Âu châu, trong thế giới thứ ba và cả ở Trung Hoa, Cuba. Chỉ cần nêu danh nghĩa vô sản, bất kể có giai cấp này hay không, người ta có thể đưa ra hàng loạt chiêu bài như cách mạng vô sản, bảo vệ giai cấp vô sản, thiết lập chế độ chuyên chính vô sản trên khắp thế giới ... và từ đó có thể dùng mọi biện pháp kể cả bạo lực ở mức độ khủng khiếp nhất để đạt mục tiêu “chính nghĩa” đã nêu. Cũng nhân danh vô sản là giai cấp đông đảo nhất, người cộng sản loại tất cả phe chống đối bằng cách gán cho tội danh tư sản, phản cách mạng, phản động, tay sai đế quốc với hàm nghĩa hết sức co dãn...để mặc tình chém giết, mặc tình phạm tội ác tày trời chống nhân loại trong sự yên tâm là đang thi hành một sứ mạng cao cả ”.


Tác giả diễn giải thêm: “Lênin đã trưng dẫn Engels, để nói rõ cái (thâm ý) gì ở trung tâm tư duy và hành động của mình: “Thực ra nhà nước chỉ là bộ máy mà một giai cấp dùng để hủy diệt giai cấp kia” (7)

Trong Cách mạng vô sản và kẻ phản đảng Kausky, Lenin cũng viết:


“Chuyên chính là quyền lực dựa trực tiếp trên sức mạnh và không bị hạn chế bởi luật pháp nào. Nền chuyên chính cách mạng vô sản là quyền lực đoạt được và duy trì qua sử dụng bạo lực của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, đó là quyền lực không bị hạn chế bởi bất cứ luật pháp nào.”


Có lẽ đó là lý do khiến các chế độ cộng sản trên khắp thế giới đều tàn bạo, độc ác? Tác giả dùng câu tự hỏi để giải đáp chữ WHY đã được dùng làm tựa cho phần kết luận của mình.

Cuối sách, Stéphane Courtois đã nhắc một nhân chứng là Aino Kuusinen từng kể rằng tại thành phố Moscow hiếm thấy một gia đình nào không chịu sự bách hại dưới hình thức nào đó. Nhưng chẳng ai dám hé răng…

Sự sợ hãi đã ăn sâu vào tâm trí mọi người.

Đáng tiếc là các tác giả Le Livre Noir du Communismeđã không tìm cơ hội để lắng nghe tiếng nói của hàng triệu nhân chứng như thế tại Việt Nam.

--------------------------------------------------------------------------------

(1) Le Livre Noir du Communisme: Crimes, Terreur, Répression do Robert Laffont, S.A, Paris xuất bản lần đầu năm 1997. Ban đầu có tất cả 11 tác giả cùng viết do Courtois Stéphane chủ biên. Khi sách đem in 5 người xin rút tên do áp lực sao đó nên chỉ còn lại 6. Những người rút tên nói chủ biên Courtois đã đi quá xa khi đề nghị đưa các tội phạm Cộng Sản ra toà án quốc tế, tương tự toà án Nuremberg từng xử Đức Quốc Xã. Cuốn sách đã được dịch ra khoảng 30 thứ tiếng, bán 700, 000 bản tính đến tháng 9-2002. Bản dịch Việt ngữ mang tựa đề Hắc Thư về Chủ Nghĩa Cộng Sản của nhà báo Hồ Văn Đồng phát hành cuối năm 2002 tại Hoa Kỳ. Trong bản dịch Việt Ngữ, dịch giả thêm phần Phụ Lục về Tội Ác Cộng Sản tại Việt Nam. Chúng tôi trích dẫn tác phẩm này theo bản Anh ngữ của Jonathan Murphy và Mark Kramer.
(2) Trong phần IV về Á Châu, đoạn kết, đồng tác giả Jean Louis Margolin viết rằng chế độ của Đặng Tiểu Bình tuyên bố cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông đã tàn sát 100 triệu người, nhưng Margolin vốn quá dè dặt đã nói “1 triệu đã là khó tin.”
(3)-(4)-(7) SĐD tr. 178, 275-278, 741
(5) Tiếng Nga là Bolshevik chỉ nhóm quá khích, theo Cộng Sản của Lênin.
(6) Chúng ta đã biết, do câu này mà về sau nhiều lãnh tụ Cộng Sản bắt chước nói theo, trong đó có Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh.

Thời điểm của một xét lại bắt buộc

Nguyễn Gia Kiểng

Có nhiều ý trong bài đáng để suy nghĩ, đặc biệt với những người làm chính trị hoặc quan tâm đến tình hình chính trị của Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, tác giả cũng đưa ra một số quan điểm riêng, rất nên cọ xát, tranh luận. Ví dụ, tác giả viết:

“ Trong lịch sử thế giới hầu hết những cuộc cách mạng đánh bại những chế độ toàn trị bạo ngược đều khởi đầu từ ngoài nước. Cuộc cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc năm 1911 đã xảy ra như thế. Cuộc cách mạng cộng sản Nga năm 1917 cũng không khác. Đảng cộng sản Việt Nam cũng thế. Những trường hợp ngược lại chỉ là ngoại lệ chứ không phải thông lệ”.

Khi trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, ông Miroslaw Chojecki, cựu thành viên Ủy ban Bảo vệ Công nhân (tiền thân của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan), chủ tịch Hiệp hội Tự do Ngôn luận, trong bài tham luận tại “Hội Nghị Warsaw 2006, 28/10/2006 về các quyền của công nhân (xem DCVOnline) có viết:

“Chúng tôi luôn ý thức rằng vai trò của cộng đồng hải ngoại chỉ mang tính phục vụ. Do đó, cộng đồng hải ngoại không thể áp đặt công thức, cơ cấu hoạt động trong nước, không nên đưa ra sáng kiến bắt phong trào trong nước phải làm gì. Những người trong nước trực tiếp đối đầu và mạo hiểm với bạo quyền chứ không phải những người ở hải ngoại, họ sẽ biết làm cách nào có lợi nhất. Cộng đồng ở hải ngoại không thể giải quyết dân chủ từ phía ngoài đất nước và chỉ có thể hỗ trợ và tìm cách củng cố phát triển các hoạt động của phong trào trong nước".

Nếu Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan với Lech Walesa là lực lượng tiên phong làm sụp đổ chế đổ cộng sản thì, Phong trào Hiến Chương 77 của Tiệp Khắc, với ngọn cờ đầu Vaclav Havel, cũng là hạt nhân chủ chốt hoạt động tại Tiệp Khắc cũ, dẫn đến cuộc cách mạng Nhung, xoá bỏ chế độ cộng sản.

Vậy quan điểm của tác giả Nguyễn Gia Kiểng đúng hay sai trong hoàn cảnh thực tế Việt Nam hiện nay? Và, phải chăng cuộc yểm trợ tích cực và có hiệu quả nhất định của cộng đồng hải ngoại là một cuộc lên đồng tập thể như tác giả nhận định? Vân vân...

DCVOnline nhường lại ý kiến cho đông đảo bạn đọc trên diễn đàn tự do với hy vọng nếu chúng ta không tìm ra một đồng thuận cho phong trào dân chủ Việt Nam đang bị đàn áp và thiếu hẳn một phương thức hoạt động có tổ chức hiện nay thì cũng tạo được những trao đổi có lợi ích chung cho cuộc vận động dân chủ e rằng còn lâu dài trên đất nước.

Đợt đàn áp chính trị bắt đầu từ tháng 2 với những phiên tòa thô bạo bị cả thế giới lên án đáng lẽ phải là một sức bật cho đối lập Việt Nam. Trên thực tế, khí thế đấu tranh trong nước đã xẹp xuống, người này bỏ cuộc, người kia đào thoát, trong khi hải ngoại chỉ biểu lộ được một sự phẫn nộ bất lực. Phấn khởi nhường chỗ cho thất vọng. Dưới phần nổi không có phần chìm, đằng sau tiếng vang không có thực lực.

*

Sự yếu kém của đối lập dân chủ Việt Nam thực ra đã có thể nhìn thấy từ trước. Cuối năm 2005 nhiều tổ chức và nhân sĩ đã nô nức tưởng rằng một cơ hội lớn đã đến khi ông Hoàng Minh Chính trong tình trạng sức khỏe hiểm nghèo được đảng Nhân Dân Hành Động đưa sang Mỹ chữa bệnh. Nhưng dự án thống nhất các lực lượng dân chủ chung quanh ông Hoàng Minh Chính đã tự nó tiêu tan dù không bị đàn áp. Sự háo hức đặt hy vọng vào một chuyện chẳng có gì chắc chắn như vậy tố giác một tâm trạng tuyệt vọng sẵn sàng bám víu vào bất cứ gì có hình dạng của một cái phao.

Sau đó là Khối 8406, đảng Thăng Tiến Việt Nam, và nhiều tổ chức khác ra đời một cách hấp tấp rồi tàn lụi nhanh chóng. Ở những mức độ khác nhau, tất cả đều đã được hưởng ứng. Khối 8406 có tầm vóc hơn cả và cũng được hưởng ứng hơn cả, nhưng người ta đã chờ đợi ở nó những gì mà nó không thể đem lại. Đáng lẽ nó phải dừng lại ở mức độ một bản tuyên ngôn dân chủ, như thế cũng là quí báu lắm rồi, nhưng người ta bắt nó phải làm một việc mà nó không thể làm: trở thành một tổ chức và hơn thế nữa một tổ chức mẹ của nhiều tổ chức khác. Người ta cố tình không phân biệt một bản tuyên ngôn với một tổ chức, những người chỉ ký tên ủng hộ một bản tuyên ngôn và những người dấn thân trong một tổ chức. Nguyễn Văn Lý là một nhà tu, hai người bạn đắc lực nhất của ông, Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi, cũng là những nhà tu, họ đã làm tất cả những gì có thể làm, không thể đòi hỏi họ hơn được. Khi chọn cuộc sống tu hành họ đã chọn giữ một khoảng cách nào đó với sinh hoạt chính trị. Vả lại họ chỉ được một sự yểm trợ rất giới hạn trong một giáo hội tự nó đã là một tôn giáo thiểu số tại Việt Nam. Khối 8406 đã phát triển nhanh chóng trong giới giáo dân gần gũi với ông Lý trong vài tháng đầu rồi khựng lại, nhưng Nguyễn Văn Lý tiếp tục bị thúc đẩy phải làm những việc mà ông không thể làm: Đảng Thăng Tiến, Liên Minh Dân Chủ và Nhân Quyền, rồi Liên Đảng Lạc Hồng, cũng với cùng một số người ít ỏi, mà đa số mới chỉ mới bắt đầu hoạt động.

Nguyễn Văn Lý, và Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội, đã là những nạn nhân của cách hoạt động của đối lập tại hải ngoại: không chuẩn bị lực lượng rồi đến khi thấy tình thế có vẻ thuận lợi thì cố gắng nắm lấy cơ hội một cách vội vã và vận dụng quá sức anh em trong nước trong một cuộc thi đua xô bồ xem ai làm trước, ai lên tiếng trước, ai thông báo đầu tiên những "tin khẩn", ai gây được tiếng vang nhiều nhất. Trong không khí nhốn nháo này, những cố gắng nghiêm chỉnh khó gây được sự chú ý. Rồi tất cả khựng lại khi chính quyền cộng sản ra tay đàn áp. Internet dĩ nhiên là một vũ khí quí báu để chống lại chế độ độc tài nhưng cũng có mặt bất lợi của nó mà ta phải cảnh giác. Mặt bất lợi đó là cho phép một nhóm nhỏ, thậm chí một cá nhân, liên lạc và gửi thông tin đến rất nhiều người, tạo ra ảo tưởng của một tổ chức lớn đối với dư luận. Sự kiện này đã là một trong những nguyên nhân chính khiến phong trào dân chủ Việt Nam không khai thác được khoảng thời gian thuận kéo dài hơn hai năm.

*

Đã chống lại một chính quyền bạo ngược thì phải biết trước là sẽ bị đàn áp và phải có phương án để khai thác chính sự đàn áp đó. Một phương án như thế đòi hỏi phải có tổ chức và phải tiên liệu được các diễn biến. Vì không có gì cả cho nên người ta đã cố tin là tình thế đã thay đổi, đảng cộng sản sẽ không dám đàn áp thẳng tay vì sợ phản ứng của thế giới, và phong trào sẽ càng ngày càng lớn mạnh.

Thực tế đã chứng tỏ giả thuyết này sai. Đảng cộng sản đã đàn áp và mọi chính quyền, trừ Hoa Kỳ, đều đã không có phản ứng. Chính Hoa Kỳ cũng đã chỉ phản ứng một cách rất chừng mực, dù đây là lần đầu tiên sự thô bạo của những phiên tòa được phơi bày ra trước công luận. Báo chí và các cơ quan truyền thông cũng chỉ dành cho đợt đàn áp này một sự chú ý rất tương đối. Thế giới đang có những quan tâm khác. Trong ý đồ đen tối của họ, ban lãnh đạo cộng sản đã tỏ ra hiểu biết hơn nhiều người chống đối họ.

*

Đối lập dân chủ Việt Nam đã được một thời gian tương đối dễ dãi từ đầu hè năm 2004 đến đầu xuân 2007. Thời gian này khá dài vì đảng cộng sản phải chuẩn bị cho đại hội 10, một đại hội quan trọng vì, ngoài những tranh giành quyền lực thông thường trước mọi đại hội đảng, những đả kích đối với Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Tổng Cục 2 đã đặt tới cao điểm. Sau đó còn phải phân chia quyền lực trong đảng và nhà nước, rồi tổ chức hội nghị APEC và gia nhập WTO.

Nhưng còn một lý do khác. Đó là có một lúc họ đã có kế hoạch chiếm đoạt để khống chế và vô hiệu hóa phong trào dân chủ. Lợi dụng bệnh tình nguy ngập của ông Hoàng Minh Chính, một người dân chủ kiên cường và có uy tín nhưng đã già yếu, họ đã để ông đi Mỹ chữa bệnh với sự bảo trợ của đảng Nhân Dân Hành Động, và định dựa vào uy tín của ông để qui tụ các tổ chức và nhân sĩ đối lập trong một Phong Trào Dân Chủ Việt Nam Thống Nhất mà họ kiểm soát trong hậu trường. Đây là một kế hoạch có chuẩn bị. Trước đó, họ kích thích những mâu thuẫn sẵn có giữa các cá nhân để làm tan nát hàng ngũ dân chủ trong nước vốn đã rất lỏng lẻo. Cần nói ngay là ông Hoàng Minh Chính chỉ bị lợi dụng thôi, cá nhân ông là một người dân chủ đáng kính.

Kế hoạch này đã có thể là một cơ may cho tiến trình dân chủ hoá. Nếu nó thành công và khiến chính quyền cộng sản đủ tự tin để chấp nhận một mức độ đa nguyên chính trị nào đó thì một giai đoạn mới sẽ mở ra và đảng cộng sản sẽ không kiểm soát được. Nó chỉ nguy hiểm nếu không ai biết rằng nó là một âm mưu.

Nhưng kế hoạch này đã thất bại vì những người trực tiếp thực hiện nó đã quá vụng về. Khi sự thất bại đã quá rõ ràng thì đảng cộng sản chỉ còn chọn lựa giữa nới lỏng dân chủ thực sự hoặc đàn áp. Không có gì ngạc nhiên khi họ đàn áp.

*

Tình hình hiện nay có thể tóm lược như thế nào ?

Những tranh chấp phe phái trong nội bộ đảng cộng sản kể như đã chấm dứt. Phe Lê Đức Anh - Đỗ Mười đã thắng. Những người cầm đầu đảng và nhà nước hiện nay đều thân với hai ông này. Những người chống lại hai ông Mười, Anh chỉ còn rất ít và đều già yếu. Vấn đề Tổng Cục 2 cũng không còn đặt ra nữa, cơ quan này ngày nay cũng thuộc quyền kiểm soát của ông Nguyễn Tấn Dũng, như Tổng Cục Tình Báo. Dĩ nhiên là trong nội bộ của cái gọi là phe Đỗ Mười - Lê Đức Anh, hay đảng MA, vẫn còn những tranh chấp quyền lợi và quyền lực cá nhân, nhưng sẽ không còn những chống đối có phối hợp và cũng không nên chờ đợi những biến cố sôi nổi như vụ Nguyễn Nam Khánh nữa. Cuộc đấu từ nay sẽ diễn ra giữa một đảng cộng sản khá thống nhất và một phe dân chủ khá phân tán.

Tình trạng ổn vững nội bộ của đảng cộng sản chưa chắc đã là xấu cho tiến trình dân chủ, nó còn có thể là tốt. Có chấm dứt được nạn phe phái trong đảng, ban lãnh đạo cộng sản mới có thể lấy những quyết định cần thiết, kể cả những quyết định nới lỏng về chính trị. Đừng nên quên rằng chính sách đổi mới, tức mở cửa về kinh tế thị trường, đã có được vì lúc đó, năm 1986, phe ông Lê Đức Thọ kiểm soát được đảng và có toàn quyền quyết định.

Về mặt quốc tế, cảm tình và lương tâm của thế giới đứng về phía những người dân chủ Việt Nam, nhưng quyền lợi thực tiễn của các quốc gia là thỏa hiệp với chính quyền cộng sản. Chính quyền Việt Nam hiện nay có quan hệ với mọi quốc gia trên thế giới và không bị nước nào coi là thù địch. Dư luận thế giới, các tổ chức quốc tế và các chính quyền dân chủ sẽ bênh vực chúng ta trong chừng mực mà chúng ta bị bách hại khi hành động một cách hợp pháp hay phù hợp với những giá trị phổ cập của loài người. Còn thành công hay thất bại hoàn toàn là việc của chúng ta. Không thể, và thực ra cũng không nên, đòi họ chống lại chính quyền cộng sản Việt Nam.

Như vậy phải loại bỏ kịch bản lật đổ. Chúng ta không có lực lượng và phương tiện để lật đổ và cũng không ai giúp chúng ta lật đổ chính quyền cộng sản. Vả lại chúng ta cũng sẽ không thay thế được tất cả guồng máy nhà nước. Một chính quyền dân chủ trong tương lai vẫn phải duy trì toàn bộ quân đội, công an, bộ máy hành chính hiện có, chỉ khác ở chỗ vạch ra những mục tiêu mới, đem lại một tinh thần mới, những giá trị mới, một cách tổ chức và làm việc mới. Cuộc đấu tranh cho dân chủ vì vậy không phải là một cuộc xung đột thù địch một mất một còn mà phải là một cuộc đối đầu hòa bình - ít nhất là hòa bình đơn phương từ phe dân chủ - giữa dự án dân chủ và dự án cộng sản. Một cuộc đấu tranh như vậy đòi hỏi phe dân chủ một đội ngũ đông đảo và gắn bó, với đầy đủ khả năng và chính sách trên mọi địa hạt kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, ngoại giao, môi trường, v.v. Khó, nhưng là điều kiện bắt buộc, chưa có thì phải cố gắng từng bước tạo ra chứ không thể tránh né. Chính vì muốn tránh né khó khăn và tìm cách đi đường tắt mà chúng ta đã mất hơn ba thập niên và bỏ lỡ nhiều cơ hội. Cuộc đấu tranh này cũng đòi hỏi chúng ta một tinh thần mới để nhìn một cán bộ công an cộng sản, thậm chí một giám thị nhà tù, không phải như một kẻ thù phải tiêu diệt mà như một người anh em phải tranh thủ cho dự án dân chủ.

*

Tiềm năng của phe dân chủ rất dồi dào. Những người sẵn sàng dấn thân cho dân chủ ngày càng đông và sẽ còn được tiếp viện bởi một khối thanh niên to lớn đang thấy tương lai mình bị bế tắc, đặc biệt là những thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học nhưng không tìm được một công việc xứng đáng. Chính quyền cộng sản Việt Nam bắt chước mô hình Trung Quốc và cũng gặp cùng một vấn đề với Trung Quốc nhưng ở một mức độ còn trầm trọng hơn: nạn thất nghiệp nơi những thanh niên có trình độ cao đẳng và đại học. Đó là một thùng thuốc nổ đối với chế độ.

Đấu tranh bất bạo động là điều có thể được. Ở một mức độ nào đó nhận định rằng chính quyền cộng sản không thể đàn áp thẳng tay có phần đúng. Xã hội Việt Nam đã có sức mạnh độc lập của nó về đời sống, về sinh hoạt kinh tế cũng như về ý thức, lý luận và thông tin. Đảng cộng sản không còn khống chế được xã hội như họ muốn nữa. Nguyễn Văn Lý đã chỉ bị xử tù 8 năm và sẽ không ngồi tù 8 năm; hai mươi năm trước, một người như ông có thể sẽ bị xử bắn. Nguyễn Văn Đài sẽ không ở tù 5 năm, Lê Thị Công Nhân cũng sẽ không ở tù 4 năm. Phạm Quế Dương, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn đã được trả tự do mặc dù vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ. Nguyễn Vũ Bình cũng được trả tự do trước hạn tù 7 năm dù đó là người đảng cộng sản lo ngại nhất. Đảng cộng sản sẽ nhận thấy và thanh niên Việt Nam cũng sẽ nhìn ra rằng những bản án tù vài năm chỉ kích thích chứ không trấn áp được những nguyện vọng dân chủ.

*

Cuộc vận động dân chủ có mọi khả năng để thành công với điều kiện là những người dân chủ chấp nhận một xét lại bắt buộc để đoạn tuyệt với lối tranh đấu cũ, ít nhất trên ba điểm.

Trước hết phải tin một cách thật chắc chắn rằng chúng ta là giải pháp cho đất nước chứ không phải chỉ là tiếng nói của lương tâm. Niềm tin này không khó. Trên cả ba vấn đề mà mọi người, kể cả ban lãnh đạo cộng sản, đều đồng ý là trầm trọng, nguy ngập và phải khắc phục nhanh chóng - tham nhũng, tụt hậu khoa học kỹ thuật, chênh lệch giàu nghèo - đảng cộng sản đều không phải là giải đáp mà còn là vật cản.

Trong lịch sử thế giới chưa hề có tiền lệ một chính quyền tham nhũng có thể tự cải tiến để hết tham nhũng, thậm chí bớt tham nhũng. Có thể chứng minh bằng lý luận rằng đây là điều không thể có. Giải pháp duy nhất đối với một chính quyền tham nhũng chỉ giản dị là phải thay thế nó bằng một chính quyền khác. Tụt hậu khoa học kỹ thuật chủ yếu là thua kém về ý kiến và sáng kiến, những yếu tố chỉ có thể nẩy sinh và phát triển nơi những con người tự do, trong những xã hội dân chủ. Cũng không thể trông đợi những người được ưu đãi để giải quyết chênh lệch giàu nghèo. Họ là những người thụ hưởng những đặc quyền đặc lợi và chỉ tìm cách tăng cường chứ không xóa bỏ chúng. Nếu tham nhũng, tut hậu và bất công là những vấn đề sống còn của đất nước thì hệ luận tự nhiên là chính quyền cộng sản phải bị thay thế.

Một xét lại khác là phải khẩn cấp từ bỏ ngôn ngữ giả dối là quốc nội là chủ lực, hải ngoại chỉ có vai trò yểm trợ. Lập luận này rất sai trong giai đoạn này. Từ lúc nào và ở đâu trong một cuộc tranh đấu công khai người ta có thể độc đáo đến nỗi chọn đặt bộ chỉ huy ở địa điểm hoàn toàn do đối phương kiểm soát? Từ lúc nào và ở đâu người ta có thể đặt vào địa vị lãnh đạo những người mà địch có thể bắt giam hoặc thủ tiêu bất cứ lúc nào ? Phải thẳng thắn : cuộc đấu tranh cho dân chủ sẽ gồm hai giai đoạn: trong giai đoạn đầu, khi mà chính quyền cộng sản còn đàn áp trắng trợn và thô bạo, cơ quan đầu não và vai trò lãnh đạo phải đặt ở hải ngoại. Chỉ trong giai đoạn sau, khi cuộc vận động dân chủ đã đủ mạnh để buộc đảng cộng sản phải chấp nhận sự hiện diện công khai của đối lập, cơ quan lãnh đạo mới có thể chuyển về trong nước để hải ngoại lùi về vai trò yểm trợ.

Trong tình trạng hiện nay, người trong nước có thể là biểu tượng và vẫn có thể góp ý về những định hướng lớn nhưng không thể đảm nhiệm vai trò điều hành. Điều này mọi người dân chủ nghiêm chỉnh đều hiểu. Sở dĩ lập luận “quốc nội chủ lực, hải ngoại yểm trợ, quốc nội là điểm, hải ngoại là diện” vẫn còn được nhắc lại là vì có những người và những nhóm nhỏ ở hải ngoại không có lực lượng nào cả nhưng vẫn muốn có tầm quan trọng nên phải mơn trớn những người dân chủ trong nước để tranh thủ cảm tình và ngược lại cũng có những người trong nước thấy thỏa mãn khi được đề cao. Những người này gây rối loạn thay vì đóng góp.

Trong lịch sử thế giới hầu hết những cuộc cách mạng đánh bại những chế độ toàn trị bạo ngược đều khởi đầu từ ngoài nước. Cuộc cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc năm 1911 đã xảy ra như thế. Cuộc cách mạng cộng sản Nga năm 1917 cũng không khác. Đảng cộng sản Việt Nam cũng thế. Những trường hợp ngược lại chỉ là ngoại lệ chứ không phải thông lệ.

Nhưng tại sao hải ngoại lại không thể, và do đó không dám, đảm nhiệm vai trò của mình? Đó là vì không có thực lực. Nhưng tại sao lại vẫn chưa có thực lực sau nhiều chục năm? Đó là vì một di sản lịch sử. Cộng đồng người Việt hải ngoại tại Hoa Kỳ và các nước phương Tây đến từ miền Nam, sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa tuy không bạo ngược như chế độ cộng sản nhưng cũng không phải là một chế độ tốt, nó là một chế độ không có ý chí và cũng chưa bao giờ có được một nhân sự chính trị đúng nghĩa. Sự sụp đổ hổ nhục và toàn diện của nó không để lại gì. Khối người thoát ra được nước ngoài là một khối ngưới rã hàng, đầy căm thù và tuyệt vọng; trong thâm tâm đại đa số đã chọn hẳn một quê hương mới. Trong hoàn cảnh đó đấu tranh chỉ là để biểu lộ và trút bớt sự căm thù đang sục sôi trong lòng chứ không phải để giành thắng lợi. Cuộc đấu tranh vì vậy không khác gì một cuộc lên đồng, những người được ủng hộ nhất là những người tỏ ra táo bạo nhất, lên đồng hay nhất, gây được ảo tưởng mạnh nhất. Những cố gắng nghiêm chỉnh dĩ nhiên phải dựa trên nhận định khách quan về một tình trạng khó khăn, cho nên chỉ làm phiền lòng và gây bực tức trong cuộc lên đồng tập thể này. Một số người còn hy vọng "quang phục quê hương" thì lại đặt hy vọng vào một chuyển biến quốc tế nào đó, thí dụ như một cuộc thế chiến kết thúc bằng thắng lợi của thế giới tự do, và kết luận rằng điều duy nhất có thể làm là gây được tiếng vang và sự chú ý để khi thời cơ đến mình sẽ là người của tình thế. Dần dần cách làm chính trị này trở thành một tập quán cản trở sự hình thành của một tổ chức dân chủ nghiêm chỉnh và có trói tay cộng đồng người Việt hải ngoại trong thế bất lực kéo dài.

*

Nhưng thời gian đã làm công việc của nó. Những cuộc lên đồng đã trở thành nhạt nhẽo, những hy vọng vào "thế giới tự do" cũng đã tiêu tan; đất nước cũng đã thay đổi trong một thế giới đã thay đổi lớn. Quốc nội đã chuyển mình, nhiều người dân chủ đã đứng lên ngay tại thủ đô Hà Nội. Về mặt kinh tế cộng đồng người Việt hải ngoại có trọng lượng (chua được sử dụng) của một siêu cường viện trợ không bối hoàn cho Việt Nam gần bốn tỷ USD mỗi năm. Hy vọng thực sự đã xuất hiện. Chúng ta có thể đấu tranh cho dân chủ với niềm tin ở thắng lợi, và tự hỏi một cách nghiêm chỉnh "làm thế nào để thắng" ?

Ngay khi câu hỏi này được thực sự đặt ra chúng ta sẽ thấy rằng không thể giành được thắng lợi cho dân chủ nếu không có một tổ chức dân chủ mạnh, và xây dựng một tổ chức như thế đòi hỏi rất nhiều trí tuệ và cố gắng kiên trì trong nhiều năm. Sự thực hiển nhiên nhưng đã bị quên lãng này sẽ dẫn chúng ta đến xét lại cơ bản nhất và sẽ thay đổi hẳn cái nhìn cũng như cách ứng xử của mỗi người và các tổ chức dân chủ. Cách làm chính trị không cần tổ chức chỉ nhắm gây tiếng vang sẽ trở thành nhạt nhẽo vô duyên, sẽ chỉ được nhìn như những hoạt động loay hoay, đồng bóng. Mỗi người sẽ tự xét mình để biết mình có thể đóng góp những gì ở vai trò nào trong một tổ chức có kỷ luật. Những người thực sự muốn dấn thân tranh đấu dân chủ hóa đất nước sẽ chọn tham gia những tổ chức dân chủ đã có thời gian để chứng tỏ bản lĩnh và sự lương thiện, hay nếu không thấy tổ chức nào xứng đáng và tìm những người cùng chí hướng để tạo dựng với nhau một tổ chức mới thì cũng sẽ rút ra kết luận đúng đắn sau một thời gian. Các tổ chức dân chủ cũng sẽ ý thức rằng phải kết hợp với nhau, vì nếu tình trạng phân tán và rời rạc này cứ tiếp tục thì mọi người sẽ thua, mọi cố gắng sẽ chỉ là công dã tràng trong khi thắng lợi ở trong tầm tay. Những người thuộc khối quần chúng dân chủ, nghĩa là những người không tham gia các hoạt động chính trị nhưng ủng hộ cuộc vận động dân chủ cũng sẽ chỉ dành sự ủng hộ của mình cho những tổ chức đáng tin cậy.

Có rất nhiều điều cần được thảo luận và kết luận, nhưng mọi thảo luận đều chỉ có ý nghĩa khi tâm lý đã được khai thông, nghĩa là nếu chúng ta thay đổi được cách suy nghĩ và hành động cũ.

TỪ YELTSIN ĐẾN PUTIN: BÀI HỌC DÂN CHỦ TẠI NGA

Những tháng gần đây, báo chí Hoa Kỳ nhắc đến nước Nga khá nhiều vì những xáo trộn chính trị tại nước này, đặc biệt, sự sụp đổ Cộng Sản tại đây đã không mang lại kết quả như người dân mong đợi.

Cuối tháng 6, 2007, nhà làm phim nổi tiếng của Nga là hai ông Alexei Baladanov và Sergei Selyanov cho trình chiếu cuốn phim mới nhất của họ - Gruz 200 (Cargo 200 = Kiện Hàng 200). Quần chúng đã không hoan nghênh cuốn phim này.

Gruz 200 lấy khung cảnh nước Nga vào thập niên 1980s, dân chúng đói khổ đứng xếp hàng đi mua bánh mì mà không có bánh mì để mà mua, hàng ngày thì các cỗ quan tài của các chiến binh bị chết ở Afghanistan được đưa về mang lại tang thương chết chóc cho cả nước, những cảnh công an đàn áp dân lành, v.v., để nói lên chế độ Cộng Sản không đem lại hạnh phúc cho dân. Nội dung của cuốn phim là một thiếu nữ đã bị công an bắt cóc đem về nhốt ở một căn phòng dơ bẩn nhưng bí mật tại Leningrad (sau này được đổi lại là St. Petersburg) (1). Cô ta bị trói chặt vào giường và bị hãm hiếp. Chiếc giường này về sau đã chứng kiến nhiều xác chết của nhiều nạn nhân, trong đó có xác chết của người tình của cô thiếu nữ - một chiến binh từ chiến trường Afghanistan - được đưa về đây. Nhiều người nói quyển sách The Gulag Archipelago (2) của đại văn hào Alexander Solzhenitsyn (3) lột tả những tàn bạo của chế độ Cộng Sản bằng ngòi bút thì Gruz 200 vạch trần những phi nhân của chế độ này bằng hình ảnh.

Ông Balabanov nói rằng Gruz 200 được dựa trên chính kinh nghiệm của ông khi ông đi rảo khắp nước Nga trong thập niên 1980s và ông đã chứng kiến nhiều cảnh tang thương cũng như được nghe kể rất nhiều câu chuyện bi đát. Ông Selyanov nói với báo chí: Nhiệm vụ của tôi là nhắc lại cho người dân Nga nhớ lại những nỗi kinh hoàng họ đã trải qua để rồi đừng có ảo vọng muốn quay lại cái gọi là thời kỳ huy hoàng của Cộng Sản tại nước này.

Đáng lẽ một cuốn phim như thế phải được hoan nghênh tại Nga, nhưng kết quả lại trái ngược làm cho những ai còn quan tâm đến thời cuộc phải suy nghĩ rất nhiều. Sau khi Tổng Thống Boris Yeltsin rời chính trường, Tổng Thống Vladimir Putin tái lập lại bài quốc ca của Cộng Sản. Thống kê cho thấy đại đa số người dân Nga bất mãn với cơ chế hiện nay, họ cho rằng thời kỳ Cộng Sản huy hoàng và hạnh phúc hơn!! Thế hệ trẻ còn lập ra những phong trào suy tôn Lenin là bác Lenin. Nhà sản xuất Baladanov đã bị ba diễn viên, những người từng đóng phim cho ông, sau khi đọc bản thảo Gruz 200, lập tức từ chối không đóng cho phim này với lý do họ sợ quần chúng Nga sẽ không thương mến họ. Cuối cùng, ông Baladanov đã phải chọn những diễn viên mới trên sân khấu. Ngày trình chiếu cuốn phim cho các nhà phê bình xem, ai nấy đều e ngại không dám đến, và dầu đã mời rất nhiều, ghế ngồi của rạp hơn một nửa còn trống. Ông Vladimir Kulistikov, Giám Đốc Đài Truyền Hình số 3 NTV, phát biểu: Chúng tôi không có can đảm để trình chiếu phim này trên băng tầng của chúng tôi. Loại phim này sẽ làm cho chúng tôi bị mất khán giả.

Gruz 200 lột trần được sự tàn bạo của Cộng Sản nhưng lại không đáp ứng được thị hiếu của dân chúng Nga trong thời kỳ này, ngược lại, còn bị phản ứng dữ dội. Tại sao lại có hiện tượng khá ly kỳ như thế? Để hiểu được tâm trạng này, chúng ta cần ôn lại bài học đấu tranh cho dân chủ từ thời ông Yeltsin đến đời ông Putin.

I. Boris Yeltsin (1/2/1932 - 23/4/2007). Ngày 23/4/2007, ông Boris Yeltsin qua đời vì bệnh tim, hưởng thọ 76 tuổi. Nước Nga cử hành nghi thức an táng cách trọng thể cho ông. Lần đầu tiên từ năm 1894, một vị cựu nguyên thủ quốc gia được an táng cách trọng thể ở trong Vương Cung Thánh Đường tại Moscow theo nghi thức Chính Thống Giáo Đông Phương (Eastern Orthordox). Tham dự đám tang có cả hai cựu Tổng Thống Bill Clinton và George H.W. Bush (cha) và cựu Tổng Thống Liên Sô Mikhail Gorbachev.

Ông Boris Yeltsin quê ở làng Butka, tỉnh Talitsky của nước Nga. Ông là con của hai ông bà Nikolay và Klaydiya Yeltsin. Mẹ ông là một thợ may. Cha ông, ông Nikolay, năm 1934, bị kết án và bị đày đi lao động khổ sai 3 năm trời vì tội chống lại chế độ Cộng Sản dưới quyền cai trị của Stalin.

Boris Yeltsin là một người hoạt động thể thao khi còn ở Trung Học Pushkin, thị trấn Berezniki. Học xong trung học, ông lên học Trường Kỹ Thuật Ural Polytechnic ở Sverdlovsk và năm 1955 ông ra trường ngành xây cất. Ông làm thợ xây cất hai năm ở Uraltyazhtrubstroi, sau đó, năm 1957, ông chuyển về làm xếp của một toán xây cất ở Sverdlovsk. Năm 1961, ông tham gia Đảng Cộng Sản Liên Sô. Năm 1963 ông làm kỹ sư chính của ngành xây cất tại Sverdlovsk, và năm 1965 ông được cử làm Trưởng Phòng Nhà Đất ở nơi này. Năm 1968 ông được vào Ban Chấp Hành ĐCSLX tại vùng Sverdlovsk và năm 1976 ông được lên làm Bí Thư thứ nhất của Đảng tại nơi này. Ngày 27/7/1977, nhận lệnh từ Moscow, ông cho phá hủy Dinh Ipatiev, nơi mà Nga Hoàng cuối cùng đã bị Cộng Sản Bolsheviks sát hại năm 1917. Nhờ sự cất nhắc của Gorbachev và Yegor Ligachev (4), ngày 24/12/1985, Boris Yeltsin được cất nhắc lên làm Thị Trưởng Moscow và được vào Bộ Chính Trị. Gorbachev và Yegor Ligachev tưởng Boris Yeltsin là người của họ, sẽ trung thành với họ cho tới hơi thở cuối cùng nên Gorbachev tặng cho Boris Yeltsin căn nhà nghỉ mát của mình.

Nhờ sự giản dị và hòa mình của ông, nhất là ông đi làm bằng trolleybus, Boris Yeltsin nhanh chóng được lòng dân Moscow. Ông còn được lòng dân khi ông đuổi những thuộc hạ tham nhũng và bất tài. Năm 1987, trong một phiên họp, ông dám đương đầu với hai đàn anh Gorbachev và Ligachev vì họ đã để cho vợ của ông Gorbachev là bà Raisa xen vào việc của nhà nước. Ngày 21/10/1987, trong phiên họp mở rộng của Ban Chấp Hành Trung Ương, Boris Yeltsin hỏi Gorbachev: Đồng chí nói tái cấu trúc và cởi mở, vậy khi nào thực hiện được? Gorbachev trả lời: Tái cấu trúc và cởi mở như thế nào là do tôi và các đồng chí đây quyết định chớ không phải do chú em xen vào. Sau buổi họp đó, Yeltsin bị mất chức trong Bộ Chính Trị. ĐCSLX mở chiến dịch bôi nhọ Yeltsin từ trên truyền hình cho đến báo chí, nhất là trên tờ báo Pravda. Đau buồn và tuyệt vọng, ông tự tử hụt và được đưa đi nhà thương cấp cứu hồi sinh. Từ đó, Yeltsin và Gorbachev là hai kẻ tử thù của nhau.

Cơ hội trở lại cho Yeltsin khi ông Gorbachev thành lập Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân. Yeltsin ra tranh cử với tư cách là đại biểu của Moscow và tháng 3 năm 1989 ông đắc cử. Quần chúng bỏ phiếu cho ông Yeltsin vì họ quá bất mãn với chế độ. Chế độ càng bôi bẩn ông Yeltsin thì người dân càng tin nơi ông Yeltsin là kẻ đối đầu với chế độ. Tháng 5, 1990, ông được bầu làm Chủ Tịch của Chủ Tịch Đoàn Sô Viết Tối Cao. Ở cương vị này, ông Yeltsin công kích những sai trái của ông Gorbachev và ĐCSLX với câu nói bất hủ: Cộng Sản không thể thay đổi mà chỉ có thể thay thế mà thôi. Tháng 7 năm 1990, ông trả thẻ Đảng Cộng Sản.

Nước Nga bắt đầu có những chính sách giành thêm quyền lực cho mình khỏi sự khống chế của Liên Bang Sô Viết. Tháng 6 năm 1991, ông Yeltsin đắc cử Tổng Thống Nga, đánh bại đối thủ Nikolai Ryzhkov (5) do Gorbachev hậu thuẫn. Đứng trước tình thế các quốc gia trong Liên Bang Sô Viết ngày càng muốn tách rời, ông Gorbachev dự định thông qua Hiệp Ước Tân Đoàn Kết (New Union Treaty) với hy vọng qua hiệp ước này còn có thể giữ lại các quốc gia trong một cơ chế liên minh lỏng lẻo hơn. Ngày 20/8/1991, Liên Bang Sô Viết dự định ký hiệp ước này với nước Nga.

Những đàn em của Gorbachev bắt đầu bất mãn vì cho rằng ông Gorbachev quá mềm yếu không có những biện pháp cứng rắn đối với Yeltsin và những người cấp tiến. Sợ rằng Hiệp Ước Tân Đoàn Kết sẽ được ký kết vào ngày 20/8/1991, trong lúc ông Gorbachev đi nghỉ mát ở bờ biển Crimea thì ở Moscow, ngày 18/8/1991, nhóm bảo thủ thành lập Ủy Ban Khẩn Cấp Quốc Gia (State Committtee on the State Emergency) để làm đảo chính. Nhóm này gồm 8 người do Giám đốc KGB Vladimir Kryuchkov (6) cầm đầu và những người cộng tác gồm có Bộ Trưởng Nội Vụ Boris Pugo (7), Bộ Trưởng Quốc Phòng Dmitriy Yazov (8), và Thủ Tướng Valentin Pavlov (9). Những người này được Gorbachev cất nhắc lên ở những chức vụ đó. Họ quyết định đưa Phó Tổng Thống Gennady Yanayev (10) lên thay thế ông Gorbachev, Xử Lý Thường Vụ chức vụ Tổng Thống. Họ chiếm lấy Dinh Sô Viết Tối Cao - thường được gọi là Tòa Bạch Ốc của Sô Viết - và Đài Truyền Hình, đưa quân đội bao vây Moscow. Họ ra lệnh bắt giam ông Gorbachev tại nhà nghỉ mát ở Crimea, và ông Gennadi Yanayev lên trên đài truyền hình công bố những lệnh khẩn cấp. Cách nói chuyện của Yanayev quá lúng túng, vụng về, không tỏ cho quần chúng thấy được tư cách của một lãnh tụ, quần chúng không có một chút cảm tình nào, và bất chấp lệnh giới nghiêm của phe đảo chính, hàng ngàn người dân Moscow tràn xuống đường để bảo vệ Dinh Sô Viết Tối Cao, tấn công vào quân đội đang bao vây nơi này.

Ông Yeltsin đã lợi dụng tình thế, ông cùng tràn xuống đường với dân chúng, chận đứng sự tiến công của xe tăng, ông leo lên trên tháp pháo một chiếc xe tăng và hùng hồn đọc một bài diễn văn. Quân đội buông súng, không dám tiến tới. Dân chúng tràn vào làm chủ tình hình trong Dinh Sô Viết Tối Cao. Tới ngày 21/8, đa số nhóm đảo chính đã bỏ chạy khỏi Moscow, cuộc đảo chính thất bại hoàn toàn.

Ngày 21/8/1991, ông Gorbachev được giải cứu và từ Crimea ông trở về Moscow, nhưng quyền lực đã không còn nằm trong tay ông nữa, dân chúng lắng nghe những mệnh lệnh từ Boris Yeltsin hơn là từ Gorbachev. Chính quyền của Nga nắm quyền điều hành Liên Bang Sô Viết. Ngày 6/9/1991, Liên Bang Sô Viết công nhận độc lập của ba nước vùng Vịnh Baltic là Estonia, Lithuania, và Latvia. Tháng 11/1991, ông Yeltsin ra lệnh cấm không cho ĐCSLX hoạt động. Ngày 1/12/1991, dân chúng Ukraine bỏ phiếu quyết định độc lập khỏi Liên Bang Sô Viết. Ngày 8/12/1991, tại Belovezhskaya Pushcha, Tổng Thống Yeltsin hội đàm với Tổng Thống Leonid Kravchuk của Ukraine và Tổng Thống Stanislau Shushkevich của nước Belarus, ba vị Tổng Thống này tuyên bố giải tán Liên Bang Sô Viết và tiến tới thành lập Cộng Đồng Thịnh Vượng Chung Của Các Quốc Gia Độc Lập (Common Wealth of Independent States). Đứng trước tình thế đó, ngày 24/12/1991 và với áp lực của ông Yeltsin, Gorbachev tuyên bố khai tử Liên Bang Sô Viết, và nước Nga thay thế Liên Bang Sô Viết ở trong Liên Hiệp Quốc.

Ông Yeltsin chọn Yegor Gaidar (11), 35 tuổi, vào chức vụ Thủ Tướng Lâm Thời và áp dụng chính sách shock therapy trong kinh tế. Shock therapy là một hệ thống kinh tế thả nổi thị trường mà không có sự kiểm soát của chính phủ, đây là một hình thức của kinh tế thị trường, chỉ có kết quả tốt trong một cơ chế chính trị vững chắc như tại Hoa Kỳ. Hệ quả áp dụng chính sách shock therapy của ông Yegor Gaidar trong một chính thể dân chủ non trẻ và đang trong thời kỳ chuyển tiếp đã làm cho sự lạm phát có cơ hội phát triển nhanh chóng, đồng tiền bị phá giá, từ đó đưa nền kinh tế của nước Nga tới bờ vực thẳm của phá sản. Phó Tổng Thống Alexander Rutskoy (12) đã phải ta thán rằng chính sách kinh tế Yegor Gaidar áp dụng với sự chấp thuận của Yeltsin là một tự tử về kinh tế (economic suicide). Vì chuyện này nên tháng 9/1993, nước Nga đã lâm vào thời kỳ khủng hoảng hiến pháp và Phó Tổng Thống Rutskoy đã nắm quyền Xử Lý Thường Vụ Tổng Thống 2 tuần, nhưng sau đó đã bị Tổng Thống Yelstin bắt giam mãi cho đến tháng 2 năm 1994 ông Rutskoy mới được Quốc Hội ân xá.

Dầu Liên Bang Sô Viết đã bị giải tán nhưng những tàn dư vẫn còn nên ông Yeltsin phải đương đầu với những người còn lưu luyến với chế độ cũ trong đó có Gorbachev và Ruslan Khasbulatov, cựu phát ngôn viên của Sô Viết Tối Cao. Ông Khasbulatov chống đối lại những cải tổ của ông Yeltsin. Tháng 3 năm 1993, ông Khasbulatov đã thu thập được hơn 600 phiếu, chỉ còn thiếu 72 phiếu nữa là đủ túc số 2/3 để truất phế (impeach) ông Yeltsin. Vì nền chính trị bấp bênh và kinh tế thị trường chưa được chuẩn bị trước nên dầu đã có dân chủ nước Nga vẫn không phát triển được. Cộng thêm vào đó, các quốc gia như Chechnya vào năm 1994 đòi độc lập, nước Nga không muốn, phải đổ quân vào triệt hạ sự nổi dậy, tốn kém ngân sách quốc gia không biết bao nhiêu mà kể. Đó là cơ hội cho băng đảng bộc phát từ đó tạo ra ngăn cách giàu nghèo ngày càng rõ nét. Nước Nga bắt đầu có những đại tài phiệt (oligarchs) nắm hầu hết tài nguyên của quốc gia từ truyền thông báo chí đến ngân hàng, từ dầu hỏa đến viễn liên. Tới năm 1996, những đại tài phiệt nổi lên như Boris Brezovsky (13), Mikhail Khodorkovsky, Roman Abramovich, Mikhail Fridman, Victor Vekselberg, Vagit Alekperov, Rem Viakhierev, v.v. Tiếng nói của những người này có uy đến nỗi Tổng Thống Boris Yeltsin cũng còn phải e sợ.

Ông Yeltsin muốn ra tranh cử chức Tổng Thống nhiệm kỳ II, nhưng lúc bấy giờ uy tín của ông đã xuống thấp, nhất là quần chúng biết ông là một người nghiện rượu rất nặng. Đảng Cộng Sản lúc bấy giờ đã được phục hoạt cách công khai dưới danh xưng Đảng Cộng Sản Liên Bang Nga và họ đề bạt ông Gennady Zyuganov (14) ra tranh cử với ông Yeltsin. Đầu năm 1996, thống kê cho thấy quần chúng ủng hộ ông Zyuganov vượt rất xa ông Yeltsin. Đứng trước tình thế này, ông Yeltsin thay đổi chiến thuật, ông chỉ định ông Anatoly Chubais (15) làm trưởng ban vận động bầu cử với sự trợ giúp đặc biệt của cô con gái ruột Tatyana Dyachenko (16). Chubais móc nối với những đại tư bản, họ ủng hộ ông Yeltsin, và nhờ vậy ông Yeltsin đã thắng cử với 53.8% số phiếu, khá khít khao.

Nhờ sự hỗ trợ của các đại tài phiệt nên ông Yeltsin thắng cử và ông đã phải biết điều với nhóm tài phiệt này trong nhiệm kỳ II của ông nên tài nguyên của quốc gia đã từng nằm trong tay các đại tài phiệt lại càng vào trong tay họ nhiều hơn vì những hợp đồng béo bở mà quốc gia dành cho họ. Sau khi thắng cử, ông Yeltsin lại phải trải qua việc mổ tim, không kiểm soát được những thao túng chính trị của đàn em mình. Nước Nga càng lúc càng lâm nguy.

Trong nhiệm kỳ của ông Yeltsin, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund = IMF) đã giúp cho Nga vay 40 tỷ Mỹ Kim và nước Nga đã không trả nổi (defaulted). Năm 1998, nền kinh tế nước Nga chính thức bước vào thời kỳ khủng hoảng (economic crisis) và đồng tiền Rubble của Nga mất giá trầm trọng. Tháng 5 năm 1999, Quốc Hội Nga (Duma) biểu quyết và suýt nữa đã truất phế ông Yeltsin. Tháng 8 năm 1999, ông Yeltsin sa thải toàn bộ nội các của Thủ Tướng Sergei Stepashin (17) và chỉ định ông Vladimir Putin lên làm Thủ Tướng. Khi ấy, không mấy ai ở nước Nga cũng như quốc tế biết đến tên tuổi của ông Putin.

Trong lúc đó thì đối ngoại ông Yeltsin gặp rất nhiều khó khăn. Hoa Kỳ và Trung Quốc có nhiều quan điểm khác biệt với Nga trong cuộc chiến ở Kosovo cũng như việc dân Chechnya đòi độc lập. Trong một buổi họp, Tổng Thống Bill Clinton đã chỉ trích Tổng Thống Yeltsin, hai bên có những lời qua tiếng lại kịch liệt và ông Yeltsin đã phải bỏ phòng họp ra về.

Ngày 31/12/1999, bất ngờ ông Boris Yeltsin tuyên bố từ chức và nhường quyền lại cho ông Vladimir Putin. Ông xin lỗi toàn dân Nga là ông đã không làm cho giấc mơ của họ trở thành hiện thực, ông xin người dân Nga hãy tha thứ cho những lỗi lầm của ông. Ông nói rằng bước vào Đệ Tam Thiên Niên Kỷ, nước Nga cần có lãnh đạo mới, trẻ, nhiều nghị lực và sáng kiến, và ông tin rằng ông Putin có những phẩm chất đó.

Dư luận cho rằng ông Yeltsin dính líu vào những vụ rửa tiền của những tay đại tài phiệt và ông Yeltsin muốn được hạ cánh an toàn. Ông Putin lên làm Tổng Thống, ông tuyên bố ân xá tất cả những lỗi lầm của ông Yeltsin và không cơ quan nào được phép điều tra những hành vi sai phạm của ông Yeltsin trong quá khứ.

Ông Yeltsin an hưởng tuổi già mãi cho đến ngày 13/9/2004, sau vụ Khủng Hoảng Con Tin Trường Trung Học Beslan ông phát động chiến dịch Tổng Thống có quyền chỉ định các thống đốc tiểu bang với sự chấp thuận của Quốc Hội tiểu bang đó thay vì các Thống Đốc được dân bầu trực tiếp. Tháng 9 năm 2005, ông phải đi mổ mông vì tai nạn bị vấp té ở Sardinia nước Ý. Ngày 1/2/2006 ông tổ chức linh đình lễ thọ 75 tuổi của ông, và trong dịp này, ông cho biết tuy ông Putin có những sai lầm nhưng quyết định chọn ông Putin vào chức vụ Tổng Thống là đúng.

Ngày 23/4/2007, ông Yeltsin qua đời vì cơn tắc nghẽn mạch máu tim. Báo chí ở Nga đánh giá ông có công giải thể cơ chế độc tài đảng trị ở Nga, nhưng họ cũng cho rằng Tổng Thống Yeltsin và Gorbachev là 2 nhân vật chính trị không đáng tin tưởng nhất. Họ cũng quy cho ông Yeltsin phải chịu trách nhiệm cho những xáo trộn ở Nga, và họ cho rằng ông đã nuôi dưỡng tham nhũng và để các quan chức biển thủ tài nguyên quốc gia vào túi riêng. Theo họ, chính những việc làm đó đã làm cho nước Nga suy yếu, và vì thế nên bây giờ mới có cao trào muốn phục hoạt lại những ngày tháng của Sô Viết Tối Cao.

II. Vladimir Putin (7/10/1952 - ?) sinh ra ở Leningrad. Năm 2000, ông Putin cho xuất bản hồi ký, trong đó ông cho biết gia đình ông chỉ là một gia đình bình dân trong chế độ Cộng Sản. Ông nội của ông, ông Spiridon Putin, là đầu bếp riêng cho Lenin và Stalin. Cha ông, ông Vladimir Spiridonovich Putin, tham gia vào Hải Quân Sô Viết, đã từng làm thủy thủ trong các tàu ngầm của Sô Viết trong những năm của Đệ Nhị Thế Chiến. Mẹ ông, bà Maria Ivanovna Putina, là một nhân viên trong hãng xưởng. Ông có hai người anh lớn hơn nhưng cả hai đều chết trong thời kỳ ấu thơ.

Putin học trường luật ở Leningrad State University và ra trường năm 1975. Trong lúc học luật, ông tham gia Đảng Cộng Sản Liên Sô, ông học Judo và có đai đen. Sau khi ra trường, ông nộp đơn xin làm việc cho cơ quan tình báo của Sô Viết là KGB. KGB nhận và huấn luyện ông, sau đó năm 1978, họ cử ông lên hoạt động tình báo ở Moscow. Nơi đây ông vừa hoạt động tình báo vừa được tu nghiệp thêm. Ngày 28/7/1983, ông Putin lập gia đình với bà Lyudmila Shkrebneva (sinh 6/1/1958) và qua cuộc hôn nhân này ông có hai người con gái, Maria (1985) và Yekaterina (1986). Năm 1985-1990, ông được cử qua thành phố Dresden nước Đông Đức để hoạt động. Tháng 6 năm 1990, ông được triệu hồi về Nga để hoạt động trong Leningrad State University, cấp trên của ông là Yuriy Molchanov. Trong thời gian này, ông quen ông Anatoly Sobchak (1937-2000) mà lúc ấy đang làm thị trưởng Leningrad và cũng là một trong những giảng sư của đại học này.

Ngày 20/8/1991, Putin nộp đơn xin từ chức không hoạt động cho KGB nữa vì lúc ấy Giám đốc KGB Vladimir Kryuchkov lãnh đạo cuộc đảo chính ông Gorbachev đang ở giai đoạn thất bại. Sau đó Putin làm trong Ủy Ban Đối Ngoại và Đầu Tư của thành phố St. Petersburg. Không đầy một năm sau, Putin bị Hội Đồng Thành Phố điều tra vì đã ký giấy phép cho xuất cảng một số thép trị giá khoảng 93 triệu Mỹ Kim để đổi lấy những viện trợ thực phẩm từ nước ngoài mà những viện trợ này không hề tới thành phố St. Petersburg. Họ đề nghị có biện pháp với ông Putin, nhưng không hiểu tại sao họ vẫn không làm gì được ông Putin mà ngược lại ông Putin ngày càng thăng quan tiến chức.

Từ năm 1992 - 2000, ông Putin còn là cố vấn cho một công ty địa ốc của Đức, St. Petersburg Immobilien und Beteiligungs AG (SPAG). SPAG có cơ sở tại St Petersburg. Gần đây nước Đức đang điều tra SPAG vì đã rửa tiền ở nước ngoài mà họ cho rằng có dính líu đến ông Putin. Ngày 25/5/1998, ông Putin thay thế Viktoriya Mitina làm Đệ Nhất Phụ Tá Văn Phòng Tổng Thống và hai tháng sau, ngày 25/7/1998, ông được Tổng Thống Yeltsin đề bạt lên làm Giám Đốc Mật Vụ Liên Bang Nga (Federal Security Service = FSS), hậu thân của KGB. Ông giữ chức vụ này tới tháng 8 năm 1999, ông Yeltsin đưa ông lên làm Thủ Tướng, và ngày 31/12/1999, ông Yeltsin từ chức thì ông Putin lên làm Tổng Thống. Hiện giờ Hiến Pháp của Nga có quy định nhiệm kỳ của Tổng Thống nên ông Putin sẽ mãn nhiệm kỳ vào năm 2008 và không được tái ứng cử.
Từ ngày 31/12/1999, ông Putin làm Xử Lý Thường Vụ Tổng Thống cho đến khi có cuộc bầu cử vào ngày 26/3/2000 thì ông đắc cử. Nhiệm kỳ chính thức của ông bắt đầu từ ngày 7/5/2000. Đắc cử Tổng Thống rồi, ông bày tỏ muốn có một trung ương mạnh và quyền lực tập trung vào tay Tổng Thống càng nhiều càng tốt. Tháng 7 năm 2000, qua lời đề nghị của ông, Quốc Hội Nga thông qua đạo luật ban cho ông quyền chỉ định những đại diện ở các khu vực thuộc quyền liên bang. Tháng 12 năm 2000, ông hủy bỏ quốc ca của Nga, thay thế quốc ca của Sô Viết Tối Cao thời Cộng Sản với những lời mới. Ngày 12/2/2001, ông ký đạo luật bảo đảm quyền miễn tố cho các cựu tổng thống, một hình thức ân xá cho vị ân nhân của ông, Tổng Thống Boris Yeltsin, vì lúc đó ông Yeltsin đang bị điều tra về tội rửa tiền.

Một trong những vụ tranh cãi nhất của Tổng Thống Putin là vụ ông bắt giam nhà tỷ phú trẻ Mikhail Khodorkovsky (sinh ngày 26/6/1963) của công ty dầu hỏa Yukos (18). Khodorkovsky xuất thân từ gia đình Nga gốc Do Thái trung lưu ở Moscow. Ông tham gia và hoạt động trong Đoàn Thanh Niên Cộng Sản (Komosol). Năm 1986, nhờ hai chương trình Glasnost và Perestroika, Khodorkovsky mở quán café tư nhân tại Moscow. Năm sau, ông thành lập công ty Menatep, xuất nhập cảng rượu. Nhờ thành công trong ngành xuất nhập cảng rượu, năm 1989, Khodorkovsky xin giấy phép mở ngân hàng Menatep, một trong những ngân hàng tư đầu tiên ở Nga. Sau khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ, công ty Menatep của Khodorkovsky mua 20% cổ phần của công ty Yukos và ông trở thành Giám Đốc Điều Hành của công ty này. Các quốc gia Âu Châu mua nhiên liệu của Yukos ngày càng nhiều nên không bao lâu sau, Yukos trở thành một trong những công ty dầu hỏa lớn nhất thế giới. Ông Khodorkovsky trở thành nhà tỷ phú số 1 của Nga, và là nhà tỷ phú đứng hàng thứ 16 trên thế giới.

Ngày 25/10/2003, ông Khodorkovsky bị cảnh sát Nga bắt ngay tại phi trường Novosibirsk. Chính phủ truy tố ông ta về tội gian lận (fraud) và trốn thuế (tax evasion). Tổng Thống Putin ra lệnh xiết (freeze) cổ phần (shares) của Khodorkovsky trong Yukos cũng như các tài khoản khác. Nhiều người cho rằng ông Putin không được ông Khodorkovsky ủng hộ nên mới trả thù bằng kiểu này. Tuy nhiên, trước đó ông Khodorkovsky đã chuyển sang ngoại quốc khoảng 500 triệu Mỹ Kim. Ngày 305/2005, Khodorkovsky bị kết án 9 năm tù, lúc ấy ông còn bị giam ở trại giam Matrosskaya Tishina ở Moscow. Ngày 19/8/2005, ông tuyên bố ông bị hàm oan, ông tuyệt thực nhiều ngày. Ngày 20/10/2005, ông bị chuyển sang trại giam YaG-14/10 ở gần một tỉnh hẻo lánh tên là Chita. Đây là trại giam khổ sai trong thời kỳ Sô Viết bắt các tù nhân khai thác hầm mỏ chất uranium mà đa phần các tù nhân đều phải gởi xác lại đây. Ngày 13/4/2006, trong lúc ngủ, Khodorkovsky bị một tù nhân tấn công tìm cách rạch mặt với mục đích làm cho khuôn mặt đẹp trai của ông bị biến dạng. Ngày 5/2/2007, chính phủ của ông Putin lại nộp đơn truy tố ông Khodorkovsky nhiều tội danh mới trong đó có tội thụt két (embezzlement) và rửa tiền (money laundering). Những việc làm của chính phủ ông Putin đối với ông Khodorkovsky làm cho một số người bất mãn và họ cho rằng ông Putin triệt hạ một tay tỷ phú số một của Nga để dằn mặt các tỷ phú khác phải biết tuân lệnh ông Putin.

Ngày 14/3/2004, ông Putin tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Ngày 1/9/2004, Trường Trung Học Beslan trải qua một cơn ác mộng khi 32 kháng chiến quân Chechnya theo Hồi Giao đã cầm súng ống tràn vào trường bắt hơn 1200 sinh viên và thày giáo làm con tin. Nhóm này được lãnh đạo bởi Shamil Basayev và người phụ tá của ông là Magomet Yevloyev. Qua 3 ngày, chính phủ của ông Putin cho Đặc Nhiệm tràn vào bắn hạ tất cả những người khủng bố chỉ còn sót lại 1 người là bị bắt sống. Cuộc chạm súng đã làm 344 thường dân bị sát hại và vài trăm người bị thương. Tổng Thống Putin bị chỉ trích nặng nề về cung cách hành xử lạnh lùng và tàn bạo trong việc giải quyết vụ bắt giữ con tin này. Khi ấy Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đã thay đổi lập trường, sau Khủng Bố 911 năm 2001, Hoa Kỳ không còn ủng hộ các nhóm vũ trang nữa. Sau vụ Trường Trung Học Beslan, Tổng Thống Putin thẳng tay đàn áp cao trào đòi độc lập của người Chechnya, và nhờ hành vi này, ông nâng cao tinh thần yêu nước của dân Nga. Người Nga ủng hộ ông và sẵn sàng bỏ qua những sai sót của ông đến độ đầu tháng 6/2007, thống kê cho thấy dân chúng Nga 80% ủng hộ ông Putin.

Để nâng cao lòng ái quốc và phất cao ngọn cờ dân tộc, ông Putin bài xích Âu Châu, Do Thái và Hoa Kỳ ngày một thêm kịch liệt. Ông hay chế diễu các vị lãnh đạo các quốc gia khác như Tổng Thống George W. Bush, Phó Tổng Thống Dick Cheney, Tổng Thống của Israel ông Moshe Katsav. Các ký giả tiếp xúc ông Putin cho biết ông Putin có kiến thức rất rộng và nhớ rất nhiều, ông nói thao thao bất tuyệt về những thời mốc và địa danh lịch sử mà không cần coi giấy. Ông Putin tự hào chỉ có ông mới là người thực hành dân chủ một cách tuyệt đối, và theo ông, những lãnh đạo của các quốc gia khác chỉ nói mà không làm. Trung tuần tháng 6 năm 2007, trong cuộc họp thượng đỉnh G8 tại Moscow, trả lời phóng viên báo chí về nền dân chủ, ông Putin tuyên bố: Từ ngày sau khi Đức Mohammed Gandhi qua đời, chẳng còn có ai để mà nói chuyện nữa. Chỉ có tôi mới là người tin và thực hành dân chủ cách tuyệt đối. Còn ở Đức và nhất là ở Mỹ, dân chủ chỉ có nửa vời.

Nhưng có thật ông Putin là người thực hành dân chủ? Báo chí Hoa Kỳ và Tây Phương không tin vào điều đó, đa số họ nghi ngờ ông đứng đàng sau các vụ ám sát các ký giả dám viết lên những mờ ám đàng sau hậu trường của ông Putin. Nhiều người tin rằng chính Putin là kẻ đã ra lệnh thủ tiêu ký giả Yuri Sheckochikhin (19) và nữ ký giả Anna Politkovskaya (20).

Nhân viên tình báo KGB là Trung Tá Alexander Litvinenko điều tra hai vụ án mạng này, sau khi biết được sự thật, đã bỏ trốn sang Anh. Ngày 1/11/2006 ông bị đầu độc và được đưa vào nhà thương cấp cứu. Ba (3) tuần sau, ngày 23/11/2006, ông qua đời. Trước khi chết, ông Litvinenko cho mọi người biết ông Putin đã thi hành chính sách ám sát các đối thủ từ lâu để kềm tỏa những người đối lập phải đi vào con đường mà ông Putin mong muốn. Ông Litvinenko tiết lộ ông Putin nhúng tay vào nhiều vụ ám sát, trong đó có vụ ám sát hụt nhà đại tỷ phú Boris Berezovsky và cựu Thủ Tướng Yegor Gaidar. Cảnh sát Anh điều tra và họ cho biết chất độc polonium-210 trong cơ thể của ông Litvinenko có nguồn gốc từ nhà máy nguyên tử ở Nga. Sau nhiều tháng điều tra, ngày 22/5/2007, nước Anh tuyên bố Andrei Lugovo là thủ phạm giết chết Litvinenko. Andrei Lugovoi tham gia vô KGB từ năm 1987 và đã từng làm cận vệ của cựu Thủ Tướng Yegor Gaidar vào năm 1991. Năm 1996, ông rời bỏ FSS, hậu thân của KGB, và ra mở một công ty an ninh riêng. Ông Lugovoi qua nước Anh ít nhất 3 lần và đã gặp ông Litvinenko ít nhất 4 lần trước khi ông Litvinenko bị đầu độc. Chính phủ Anh yêu cầu nước Nga cho dẫn độ ông Lugovoi về nước Anh để xử Án, Tổng Thống Putin cười nhạo nước Anh là khờ khạo và là nước nuôi dưỡng những kẻ phản bội tổ quốc như Litvinenko. Vì vụ này, quan hệ ngoại giao giữa nước Anh và Nga trở nên căng thẳng.

Hoa Kỳ và Tây Phương e ngại với tính tình ngày càng hiếu chiến của ông Vladimir Putin thì cuộc chiến tranh lạnh có thể tái diễn giữa Tây Phương và Nga như trước đây. Nhiều nhà bình luận cho rằng dân chủ của Nga hiện nay chỉ là dân chủ nửa vời, và trong bối cảnh dở dở ương ương như vậy nên người dân dễ dàng tô vẽ thêm hào quang của quá khứ mà không hề có để tự an ủi lấy mình và xoa dịu lòng tự ái dân tộc ngõ hầu trấn an sự bấp bênh về chính trị và kinh tế họ đang phải trải qua.

Lời Kết: Nhiều người cho rằng Tổng Thống Vladimir Putin là một tay ảo thuật đại tài khéo léo tô vẽ sức mạnh của Liên Sô trong quá khứ để phất cao Ngọn Cờ Dân Tộc, nhờ đó kích động dân chúng trong cuộc chiến chống lại sự tranh đấu đòi độc lập của người dân Chechnya cũng như nhờ đó ông Putin thâu tóm thêm quyền hành vào trong tay của ông và những đàn em của ông. Các phim ảnh ăn khách nhất hiện nay ở Nga là những phim mô tả những người Chechnya là quân khủng bố và Hoa Kỳ là một quốc gia có nhiều mafia đứng đàng sau lèo lái chính trường mang lại quyền lợi nhiều nhất cho tập đoàn tư bản. Đó cũng là một hình thức mị dân, cho dân ăn bánh vẽ, không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Đó cũng chính là một trong những lý do mà nhà làm phim Alexei Baladanov đã cho ra đời cuốn phim Gruz 200 nhắc nhở dân chúng Nga nhớ lại những hình ảnh thực của thời Cộng Sản, nhưng trong cơn mê muội nhất thời, dân Nga đã có những phản ứng quá khích gây bất lợi cho cuốn phim này. Chúng ta cần học lấy bài học dân chủ nửa vời ở Nga để khi chế độ Cộng Sản thoái trào ở Việt Nam, chúng ta bầu chọn những người có chân tâm cho đất nước phục vụ trong một cơ chế nhà nước có những cơ quan kiểm soát và cân bằng lực lượng lẫn nhau, không để một vài cá nhân thao túng hệ thống chính trị như chúng ta đang chứng kiến ở tại Nga. Được như vậy đó là phúc phần của dân tộc Việt Nam, và đó mới chính là một nền dân chủ thật sự.

Ghi chú:

1. Leningrad là một thành phố lớn của Nga ở vùng Tây Bắc, xây trên giòng sông Neva ở vùng Vịnh Baltic, gần nước Finland. Thành phố này khởi đầu mang tên là Petrograd hay là St. Petersburg, được xây dựng bởi Đại Đế Peter vào năm 1703 với vai trò là cửa sổ ngó vào Tây Phương. Petrograd là Thủ Đô của Nga cho đến khi Cuộc Cách Mạng Tháng 10, 1917, Lenin dời đô về Moscow. Ngày 24/1/1924, 3 ngày sau khi Lenin qua đời, Stalin ký sắc lệnh đổi tên Petrograd thành Leningrad để tôn vinh Lenin. Đệ Nhị Thế Chiến, Đức Quốc Xã vây và chiếm lấy một phần của Leningrad 28 tháng trời, từ 8/9/1941-27/1/1944. Hơn một triệu người chết, trong đó có khoảng 800 ngàn thường dân. Sau khi Liên Sô sụp đổ, ngày 12/6/1991, 54% dân chúng biểu quyết đổi tên thành phố này lại là St. Petersburg. St. Petersburg hiện nay là thành phố lớn thứ 2 của Nga sau Moscow và là thành phố lớn thứ 3 của Âu Châu, với khoảng 5 triệu dân sinh sống.

2. Gulag Archipelago - Quần Đảo Ngục Tù - được đại văn hào Solzhenitsyn viết từ năm 1958 tới năm 1968. Đây là tác phẩm 3 tập (volumes) dựa trên kinh nghiệm bản thân của nhà văn Alexander Solzhenitsyn và lời chứng của 227 tù nhân khác trong thời gian ông bị tù khổ sai trong các trại giam của Cộng Sản. Nội dung của tác phẩm đề cập cơ chế Cộng Sản xây dựng bởi Lenin, Cách Mạng Tháng 10/1917, những tàn bạo của Stalin, Diễn Văn của Nikita Khrushchev ở Đại Hội 20 của ĐCSLX mà trong đó ông Khrushchev đã tấn công những suy tôn cá nhân một cách thái quá của Stalin. Đặc biệt, ông đã lột trần những tàn ác của Stalin, những kỹ thuật hỏi cung bằng những thủ đoạn khủng bố tinh thần và thể xác của công an khi mới bắt giam người, và những tra tấn dã man trong các ngục tù được gọi là gulags. Tác phẩm này được in ở Âu Châu năm 1973 và được lưu hành cách lén lút ở Liên Sô mãi cho đến năm 1989 mới được công khai.

3. Alexander Solzhenitsyn (12/11/1918) sinh tại Kislovodsk nước Nga. Cha ông, Isaaky Solzhenitsyn, một quân nhân trong Đệ Nhất Thế Chiến, gặp mẹ ông, bà Taisia, ở Moscow. Sau khi bà có thai Alexander, ông Isaaky bị chết trong một tai nạn lúc đi săn bắn. Alexander chào đời không có cha nuôi dưỡng nên cuộc sống của mẹ con ông rất là vất vả và khó khăn. Đúng thời điểm đó, Cộng Sản đã nắm quyền tại Nga. Nghèo khổ nhưng mẹ ông vẫn cố gắng làm lụng để cho ông được đi học. Ông học môn Toán ở Đại Học Rostov. Năm 1940, mẹ ông qua đời. Tháng 2 năm 1945, ông bị Stalin bỏ tù và kêu án 8 năm trời vì đã dám chỉ trích những tàn bạo của chế độ Cộng Sản. Ông bị đày đọa trong nhiều trại giam để từ đó ông có chất liệu viết những đại tác phẩm như The First Circle, Cancer Ward, The Right Hand, One Day In The Life of Ivan Denissovich, và nhất là The Gulag Archipelago. Trong trại giam lưu đày, ông làm đủ các công việc nặng nhọc như xây cất, đào hầm mỏ, v.v. Năm 1954 ông được trả tự do. Năm 1970 ông được giải Nobel Văn Chương nhưng ông không dám đến Stockholm của nước Thụy Điển (Sweden) để nhận giải vì sợ không được trở về Nga. Ông nhận giải ở trong Tòa Đại Sứ của Thụy Điển. Ngày 13/2/1974, ông bị KGB trục xuất ông sang Tây Đức. Ông được Đại Học Stanford mời sang dạy văn chương và năm 1976 ông dọn về ở tiểu bang Vermont. Năm 1978, ông lên tiếng Hoa Kỳ không hiểu gì về Cuộc Chiến Việt Nam nên mới bỏ rơi Nam Việt Nam. Năm đó, ông được Đại Học Harvard cấp bằng tiến sĩ danh dự. Sau khi Cộng Sản sụp đổ ở Liên Sô, năm 1994 ông trở về Moscow. Ngày 5/6/2007, Tổng Thống Putin ký đạo luật tôn vinh ông là người đóng góp cho nước Nga và đặt ra giải Solzhenitsyn. Ngày 12/6/2007, đích thân Tổng Thống Putin đến tư gia của nhà văn ở Moscow để trao giải này cho ông.

4. Yegor Ligachev (29/10/1920 -?) là người sinh trưởng tại Tomsk, Tây Bá Lợi Á (Siberia). Ông làm bí thư ĐCSLX tại nơi này và khi Yuri Andropov làm Tổng Bí Thư vào cuối năm 1982, ông Andropov đưa Ligachev về Moscow. Tại Moscow, Ligachev là Tổng Ủy Viên Tổ Chức, và Ligachev làm quen thân với Gorbachev. Ngày 9/2/1984, Andropov qua đời nhưng phe nhóm của Ligachev vẫn chưa đủ thực lực để đưa Gorbachev vào chức vụ Tổng Bí Thư, phải hòa hoãn chấp thuận đưa ông Konstantin Chernenko vào chức vụ này như một trái độn để mua thời gian. Ngày 10/3/1985, Chernenko qua đời với nhiều nghi vấn, Gorbachev lên thế vị, và Ligachev trở thành nhân vật số 2 sau Gorbachev. Từ năm 1988, người ta thấy bắt đầu có sự rạn nứt giữa Ligachev và Gorbachev vì Ligachev cho rằng Gorbachev quá cấp tiến. Tháng 7 năm 1990, Ligachev công khai chỉ trích Gorbachev và đứng đối lập tranh cử chức Tổng Bí Thư với Gorbachev. Ligachev bị thua. Sau khi Liên Bang Sô Viêt sụp đổ, đại diện cho Đảng Công Sản Liên Bang Nga, Ligachev ra tranh cử chức dân biểu trong Duma (Quốc Hội Nga) và đắc cử 3 lần.

5. Nikolai Ryzhkov (28/9/1929 -?) gia nhập ĐCSLX năm 1956 và được cử làm Đệ Nhất Phụ Tá Bộ Giao Thông Vận Tải năm 1975. Năm 1981, ông được vào Ban Chấp Hành Trung Ương. Dưới thời Yuri Andropov, ông làm Bí Thư Ban Thường Vụ. Khi Gorbachev lên làm Tổng Bí Thư, ông vào Bộ Chính Trị và ủng hộ Gorbachev hết mình. Ông làm Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, giống như Thủ Tướng, từ ngày 27/9/1985 tới ngày 14/1/1991. Tháng 6/1991, vài tháng trước khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ, ông được Gorbachev hậu thuẫn để ra tranh chức Tổng Thống Liên Bang Nga với ông Yeltsin nhưng chỉ được 17% số phiếu. Năm 1995, ông đắc cử vào Quốc Hội và là lãnh đạo của cánh tả ở nơi này.

6. Vladirmir Kryuchlov (1924) lớn lên ở Volgograd. Ông tham gia vô Đảng Cộng Sản và được cử sang Hungary để phục vụ mãi cho tới năm 1959. Ông về nước hoạt động và năm 1967 ông được nhận vào làm cho KGB. Ông được Yuri Andropov nâng đỡ nên thăng quan tiến chức dễ dàng. Năm 1988, ông được mang lon quân hàm Đại Tướng của quân đội và làm giám đốc KGB. Năm 1989, ông vào Bộ Chính Trị. Ông lãnh đạo cuộc đảo chính hụt năm 1991. Sau cuộc đảo chính, ông bị bắt và truy tố. Ông bị giam cho đến năm 1994 thì được Quốc Hội ân xá.

7. Boris Pugo (19/12/1937 - 22/8/1991) là một người Latvia sinh ở nước Nga. Năm 1960, ông học ở Riga Polytechnical Institute, và trong thời gian này ông tham gia Đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Từ năm 1984-1988, ông là Tổng Bí Thư của ĐCS tại Latvia. Năm 1989, ông được cử làm Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ. Cuộc đảo chính không thành công, có nguồn tin nói ông tự tử nhưng có người lại nói ông bị sát hại.

8. Dmitriy Yazov (8/9/1923 - ?) tham gia vô Đảng Cộng Sản từ hồi niên thiếu. Năm 1979, ông làm Tư Lệnh Quân Đội Trung Ương. Năm 1987, ông lên làm Bộ Trưởng Nội Vụ và năm 1989 ông làm Bộ Trưởng Quốc Phòng. Sau cuộc đảo chính, ông bị tù tới năm 1994 thì Quốc Hội ân xá.

9. Valentin Pavlov (26/9/1937 - 30/3/2003) sinh ra và lớn lên ở Moscow. Ông tham gia vô ĐCSLX ngay từ hồi còn niên thiếu và hoạt động trong Bộ Tài Chánh. Năm 1990, ông vào Bộ Chính Trị và được giữ chức Thủ Tướng. Sau cuộc đảo chính, ông bị tù cho tới tháng 5/1994 thì được Quốc Hội ân xá.

10. Gennady Yanayev (26/8/1937 - ?) tham gia vô Đoàn Thanh Niên Cộng Sản từ năm 1963. Năm 1968, ông làm Bí Thư của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Năm 1990, ông vào Bộ Chính Trị và được ông Gorbachev cất nhắc lên làm Phó Tổng Thống. Sau cuộc đảo chính, ông bị giam cho tới năm 1994 thì được Quốc Hội ân xá.

11. Yegor Gaidar (19/3/1956 -?) là cháu nội của nhà văn nổi tiếng Arkady Gaidar. Năm 1978, ông ra trường Đại Học Moscow với điểm rất cao. Ông viết cho Tạp Chí Cộng Sản và đề mục ông ưa thích là kinh tế thị trường. Năm 1990, ông ủng hộ ông Yeltsin trong thời gian ông Yeltsin đang bị Gorbachev thanh trừng. Ngày 15/6/1992, ông Yeltsin chỉ định Gaidar làm Thủ Tướng. Ngày 14/12/1992, Quốc Hội Nga bỏ phiếu không chấp thuận ông Gaidar làm Thủ Tướng, cuối cùng, ông Yelstin phải đưa ông Viktor Chermomyrdin lên thay thế, ông Gaidar làm Phó Thủ Tướng. Cuối năm 1994, ông Gaidar sáng lập Democratic Choice of Russia. Năm 1999, ông liên minh với ông Anatoly Chubais thành lập Union of Right Forces. Ông Gaidar là đại biểu nhiều kỳ của Quốc Hội Nga, 2001, 2003. Ngày 28/11/2006, ông bị ngất xỉu ở một cánh đồng tại nước Ireland. Ngày 6/12/2006, ông xuất bản bằng tiếng Anh và Nga một tác phẩm tố cáo chính phủ của ông Putin đã đầu độc ông.

12. Alexander Rutskoy (16/9/1945 -? ) sinh trưởng ở thành phố Kursk nước Nga. Lớn lên, ông vào Không Quân. Trong thời kỳ Sô Viết tham gia chiến tranh ở Afghanistan, ông mang quân hàm Đại Tá. Máy bay của ông đã từng bị bắn hạ 2 lần ở tại Afghanistan, một lần vào năm 1986 và một lần vào năm 1988. Ông được Sô Viết tôn vinh là một anh hùng. Năm 1991, Tổng Thống Boris Yeltsin chọn ông làm Phó Tổng Thống. Năm 1993, Tổng Thống Boris Yeltsin suýt bị Quốc Hội truất phế. Ngày 21/9/1993, một cuộc tranh cãi dữ dội diễn ra về vấn đề Hiến Pháp của Nga, những người ủng hộ ông Rutskoy tuyên bố Tổng Thống Yeltsin đã vi Hiến, và họ đưa ông Rutskoy nắm giữ chức vụ Xử Lý Tổng Thống (Acting President). Những thành viên ủng hộ ông Rutskoy nắm quyền quyển soát Dinh Quốc Hội. Nhiều cuộc bạo động diễn ra tại Moscow. Sau 2 tuần căng thẳng, ngày 4/10/1993, Tổng Thống Yeltsin cho quân đội đến chiếm Dinh Quốc Hội, bắt giam ông Rutskoy và những người ủng hộ ông. Ông Rutskoy bị giam ở trại giam Lefortovo tại Moscow cho đến ngày 26/2/1994 thì được Quốc Hội ân xá. Sau khi ra tù, ông thành lập Đảng Quyền Lực Nước Nga Vĩ Đại (Russian For Great Power Party). Ông làm Thống Đốc của tỉnh bang Kursk từ năm 1996 - 2000.

13. Boris Brezovsky (23/1/1946) là một người Nga gốc Do Thái, sinh ra và lớn lên ở Moscow. Ông học ngành Lâm Sản và Toán, năm 1983 ông có bằng Tiến Sĩ của Đại Học Moscow. Từ năm 1975 tới 1989, ông xuất bản 16 tác phẩm. Nhờ chính sách Glasnost và Perostroika, ông mở công ty nhập cảng các xe hơi đắt tiền. Năm 1989, ông mua lại công ty xe hơi quốc doanh AutoVaz. Năm 1992, ông sáng lập LogoVaz và làm Giám Đốc Điều Hành của công ty này. Năm 1994, ông trở thành người đứng đầu của công ty Automobile All-Russia Alliance. Ông là người ủng hộ Tổng Thống Boris Yeltsin. Ông Brezovsky không ủng hộ chiến tranh ở Chechnya. Năm 2000, lúc ông Putin ra tranh cử, ông Brezovsky ủng hộ ông Putin, nhưng quan điểm chính trị của ông Brezovsky đã làm cho ông Putin không được vui. Sau khi đắc cử Tổng Thống, ông Putin bày tỏ không hài lòng và nói bóng gió sẽ truy tố ông Brezovsky ra tòa về tội gian lận và trốn thuế. E sợ trước viễn cảnh này, ông Brezovsky trốn sang Anh và đổi tên thành Platon Elenin. Năm 2004, nước Anh ban phát quy chế tỵ nạn chính trị cho ông Brezovsky. Từ năm 2004, ông Brezovsky làm ăn với người em ruột của Tổng Thống George W. Bush là ông Neil Bush trong ngành điện tử và viễn thông. Ông bị đầu độc hụt một lần, và ai cũng tin rằng chính Tổng Thống Putin là thủ phạm. Tháng 11 năm 2006, trong một bài phát thanh truyền đi ở Moscow, người dân nghe được tiếng nói của ông Brezovsky cho biết ông đang hoạt động để lật đổ Tổng Thống Putin vì Tổng Thống Putin là người giả nhân giả nghĩa ác độc vô cùng.

14. Gennady Zyuganov (26/6/1944 - ?) sinh ra và lớn lên ở một tỉnh lẻ ở phía nam thành phố Moscow, Oryol Oblast. Ông là con của một nhà giáo. Năm 1961, ông là thày dạy Toán và Physics ở trường làng. Năm 1966, ông gia nhập ĐCSLX. Sau khi gia nhập ĐCSLX, ông trở lại đi học Đại Học, và ra trường năm 1969. Trong thời gian học Đại Học, ông làm phó bí thư Đoàn Thành Niên Cộng Sản tại Oryol Oblast. Đảng cử ông lên Moscow, ông học tiếp và lấy bằng Tiến Sĩ năm 1978, và Thạc Sĩ năm 1980. Ông trở về Oryol Oblast làm ủy viên Tuyên Huấn ở nơi này cho tới năm 1983. Zyuganov là người chống lại hai chính sách Glasnost và Perestroika của Gorbachev. Ông trở thành một trong những nhà lý luận trẻ của ĐCSLX có khuynh hướng bảo thủ. Sau khi Liên Sô sụp đổ, ông là người vận động phục hoạt lại Đảng Cộng Sản và năm 1993, ông trở thành Bí Thư Thứ Nhất của Đảng Cộng Sản Liên Bang Nga. Ông ra tranh cử chức Tổng Thống với ông Yeltsin, lúc đầu ông được ưu thế, nhưng sau khi Tổng Thống Yeltsin đổi nhân sự trong Ban Vận Động Tranh Cử, ông Zyuganov đã thất cử, về hạng hai, được khoảng 33% số phiếu. Năm 1995, ông Zyuganov đắc cử vào Quốc Hội. Nhưng những năm về sau, vị trí của ông Putin quá mạnh nên Đảng Cộng Sản Liên Bang Nga của ông Zyuganov cũng không đạt được nhiều thành quả như họ mong muốn.

15. Anatoly Chubais (16/6/1955 - ?) là một trong những tỷ phú của nước Nga. Ông sinh ra ở Borisov nước Belarus. Năm 1977, ông tốt nghiệp ở Leningrad Economic Engineering Institute. Ông ở trong Đảng Cộng Sản cho tới khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ năm 1991. Từ năm 1991 - 1992, ông làm cố vấn cho ông Anatoly Sobchak, thị trưởng của St. Petersburg. Sau đó, ông theo phò ông Yeltsin. Nhiều người cho rằng tài sản ông có được ngày hôm nay là nhờ biết thụt kẹt trong thời gian đó. Năm 1994 - 1996, ông làm Phó Thủ Tướng đặc trách tài chánh. Sau đó, ông cộng tác chặt chẽ với ông Yegor Gaidar. Ông Chubais đắc cử vào Quốc Hội nhiều nhiệm kỳ. Cuối năm 2003, ông từ nhiệm chức Chủ Tịch của Union of Right Forces. Tháng 3 năm 2005, ông bị ám sát hụt và người ta tin rằng Tổng Thống Vladimir Putin là người chủ mưu.

16. Tatyana Dyachenko sinh năm 1960 và ra trường ngành điện toán (computer). Bà lập gia đình với nhà tỷ phú Leonid Dyachenko và sau đó đã ly dị ông. Nhà tỷ phú Dyachenko hiện nay là Giám Đốc Điều Hành của công ty năng lượng Urals Energy và đang bị chính phủ của ông Putin điều tra. Bà Tatyana Dyachenko rất được cảm tình của người Hoa Kỳ. Chính bà đã cố vấn cho Tổng Thống Boris Yeltsin tuyên bố cấm ĐCSLX không được hoạt động. Năm 1996, bà là cố vấn riêng cho Tổng Thống Yeltsin trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ II. Năm 2000, bà bị tố cáo là đã nhúng vào những vụ tham nhũng. Cũng năm đó, bà ở trong Ban Vận Động Tranh Cử của ông Putin, nhưng chính ông Putin đã ra lệnh sa thải bà. Năm 2001, bà lập gia đình với một người khác, cố vấn chính trị Yumashev. Ông Yumashev là nhạc phụ của nhà tỷ phú Oleg Deripaska. Yumashev và Tatyana Dyachenko đã đóng vai trò chính trong tang lễ của ông Putin.

17. Sergei Stepashin (2/3/1952 - ?) là người Nga sinh ra ở Trung Quốc. Ông về sinh sống ở Moscow, là một trong những người trẻ theo phò ông Yeltsin. Năm 1994, ông Yeltsin cử Stepashin làm Bộ Trưởng Bộ An Ninh Phủ Tổng Thống. Năm 1997, ông làm Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp, và năm 1998, ông Yeltsin nâng ông lên làm Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ. Tháng 5 năm 1999, với đề nghị của Tổng Thống Yeltsin, Quốc Hội bỏ phiếu chấp thuận ông Stepashin làm Thủ Tướng. Tổng Thống Yeltsin dự định chọn Stepashin thay thế ông ở chức vụ Tổng Thống. Năm 2005, ông Yeltsin cho biết đáng lẽ ông Stepashin đã là Tổng Thống, nhưng vì ông Stepashin không ủng hộ ông Yeltsin cách nhiệt tình trong cuộc chiến Chechnya nên ông Stepashin bị thất sủng. Sau khi rời bỏ chức vụ Thủ Tướng, Stepashin tham gia vô đảng tân lập Yabloko (thành lập năm 1993), và năm 2001, ông được bầu vào Quốc Hội.

18. Yukos, tiếng Nga là IOKOC, được Liên Bang Sô Viêt ký Sắc Lệnh 354 thành lập vào ngày 15/5/1993. Nhiều đại công ty dầu hỏa của Sô Viết Tối Cao sát nhập lại làm nên Yukos. Năm 1995, Sắc Lệnh 864 sát nhập một công ty dầu hỏa khác là Samaraneftegaz vào Yukos. Yukos trở thành công ty khai thác và chế biến dầu hỏa lớn nhất của Sô Viết Tối Cao. Sau khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ, Yukos được tư hữu hóa và Khodorkosky mua 20% cổ phần của công ty, trở thành Giám Đốc Điều Hành (Chief Executive Officer = CEO) của Yukos. Sau khi Khodorkovsky bị bắt, vì Yukos có làm ăn với nhiều công ty dầu hỏa của Hoa Kỳ như Exxon cũng như Yukos có chi nhánh tại Houston, ngày 15/12/2005, Yukos khai phá sản tại Hoa Kỳ. Tài sản của Yukos lúc đó còn khoảng 12.3 tỷ USD nhưng tiền nợ lên đến 30.8 tỷ USD. Tháng 7 năm 2006, tòa ra lệnh hóa gía (liquidate) tài sản của Yukos để trả cho các chủ nợ.

19. Yuri Sheckochikhin (9/6/1950 - 3/7/2003) ra trường ngành văn chương ở Đại Học Moscow vào năm 1975. Ông viết cho nhiều tờ báo, và năm 1996, ông là phó chủ bút của tờ Novaya Gazeta. Tờ Novaya Gazeta ấn hành 550 ngàn ấn bản, phát hành 2 lần một tuần, ngày thứ Hai và ngày thứ Năm. Cựu Tổng Thống Mihail Gorbachev mua cổ phần rất lớn trong công ty này điều hành tờ báo này. Ông Sheckochikhin từng viết nhiều bài viết công kích chính phủ Putin là một hệ thống băng đảng và đối xử phi nhân tàn bạo với các kháng chiến quân Chechnya. Ngày 3/7/2003, ông đột ngột qua đời ở Moscow, các bác sĩ cho biết ông bị trúng độc Thallium, một loại độc dược để trừ chuột và côn trùng.

20. Anna Politkovskaya (30/8/1958 - 7/10/2006) là nữ ký giả đồng nghiệp của Yuri Sheckochikhin cho tờ Novaya Gazeta và bà cũng là một nhà văn có nhiều tác phẩm. Bà còn nổi tiếng là một nhà tranh đấu cho nhân quyền. Trong vụ Thảm Sát Trường Trung Học Beslan năm 2004, bà là một trong những người điều đình với nhóm khủng bố. Trong lúc thi hành nhiệm vụ, lúc uống nước trà, bà bị hôn mê, sau mới biết là bà bị đầu độc, và vụ đầu độc này ai cũng nghi ngờ ông Putin đã nhúng tay. Lúc bà bị hôn mê, chính phủ của ông Putin thẳng tay đàn áp giết sạch những người khủng bố. Bà có kiến thức rộng, giao thiệp nhiều, và bà biết nhiều tin bí mật, nhất là những tin tức liên quan đến cái chết của ký giả Yuri Sheckochikhin nên bà ra mặt chống đối ông Putin. Bà từng gọi ông Putin là kẻ giả nhân giả nghĩa và chính phủ của ông Putin là một hệ thống băng đảng đục khoét tài nguyên quốc gia. Ngày 7/10/2006, trong khi đi thang máy (elevator) để về căn phòng chung cư của bà tại Moscow, nữ ký giả Anna Politkovskaya bị một loạt đạn hạ sát. Cảnh sát cho biết vụ án này rõ ràng đã có người thuê băng nhóm để giết bà Politkovskaya. Chủ bút tờ Novaya Gazeta, ông Dmitry Muratov, sau khi ký giả Anna Politkovskaya bị sát hại, cho biết bà Politkovskaya chuẩn bị công bố hồ sơ những thủ đoạn tra tấn những người Chechnya cách tàn bạo và phi nhân của chính phủ Putin.

Ls. Hoàng Duy Hùng
Houston ngày 4/7/2007, Lễ Độc Lập Hoa Kỳ.