Thứ Ba, 10 tháng 7, 2007

Hội nghị Trung Ương V ĐCSVN có gì mới?

Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) khai mạc vào ngày 05/07 và kéo dài tới 14/07/2007.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 5 Đảng X

Hội nghị Trung ương V lần này đặt nhiệm vụ: "Giới thiệu nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước để Quốc hội bàn hoặc phê chuẩn". Điều này cũng nằm trong kế hoạch cải tổ nội các của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà DCVOnline đã đưa tin. Chỉ còn hai tuần nữa là Quốc hội Việt Nam khóa XII họp phiên đầu tiên, do đó vấn đề nhân sự được xem là quan trọng nhất.

Các phương tiện truyền thông của đảng CS loan báo 7 chủ đề chính sẽ được mang ra thảo luận tại hội nghị, trước hết là việc "đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị", nói rõ hơn là xác định cơ chế hoạt động giữa Đảng, Nhà nước và Quốc hội, nhưng đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo cao nhất!

Ngoài vấn đề nhân sự, công tác tư tưởng, lý luận, báo chí chiếm tới bốn ngày thảo luận, chứng tỏ tầm quan trọng của lĩnh vực này trong công tác đảng. Chắc chắn, như trong một bài viết trên DCVOnline, “ác mộng kinh hoàng nhất của ĐCSVN là báo chí tự do”. Cho dù, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Việt Weekly chủ tịch Nguyễn Minh Triết lấp lửng câu: “sẽ đến lúc phải giao lưu hai chiều về sản phẩm văn hóa trong và ngoài nước”, có vẻ như Đảng, hoặc ít ra là bản thân chủ tịch Triết muốn bày tỏ một cam kết mới và đã tỏ ra có một chính sách đối ngoại mạnh hơn nhiều so với trước qua một chiến dịch đối diện với truyền thông nước ngoài và tiếng Việt.

Đau đầu cho ĐCS là trong bối cảnh phát triển của báo chí, truyền thông, đảng Cộng sản đang đứng trước nan đề làm sao có thể tạo điều kiện để phát triển báo chí theo hướng giúp cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, mà vẫn giữ vững chỉ đạo và kiểm soát của đảng. Điều này dường như hoàn toàn đối nghịch, không thể thực hiện được. Đảng chỉ có thể kiểm soát, quản lý ngành truyền thông nội địa mà thôi. Dù vậy, cũng rất khó để ngăn chặn nhân dân tiếp cận với các thông tin từ nước ngoài, không chỉ qua phương tiện Internet mà còn qua các giao dịch thương mại và đi du lịch.

Hội nghị Trung Ương lần thứ V này chắc sẽ không có gì mới mang tính bước ngoặt hay đột biến, tuy nhiên có một vài tín hiệu đáng chú ý.

Trả lời phỏng vấn của BBC Việt ngữ hôm 09/07/2007, ông Nguyễn Văn An, (đã thôi chức vụ nhưng có tiếng là một nhân vật cải cách khi còn tại nhiệm) thì:

"Nếu lẫn lộn sẽ dẫn tới nghịch lý là Đảng có quyền quyết định song lại không chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn người đứng đầu cơ quan nhà nước không có quyền quyết định lại phải chịu trách nhiệm trước nhân dân theo pháp luật".

Theo ông thậm chí "nếu quyền hạn và trách nhiệm tách rời nhau" thì sẽ dẫn tới tình trạng:

"Cơ quan nhà nước sẽ trở thành hình thức, trách nhiệm cá nhân sẽ không được đề cao, toàn bộ thiết chế bộ máy nhà nước sẽ rối loạn. Đó là điều tối kỵ!"

Ông An cho rằng đây dù mới chỉ xảy ra ở cấp địa phương nhưng đã đem lại "những bài học kinh nghiệm sâu sắc". Và ông cho rằng nếu để "sai phạm xảy ra ở cấp trung ương thì kỷ cương phép nước sẽ bị rối loạn, hậu quả sẽ là khôn lường."

Cũng theo BBC, báo Tuổi Trẻ hôm 09/07/2007 cho biết, ông Nguyễn Văn An ghi nhận hiện tượng Đảng can thiệp vào hoạt động của các cơ quan nhà nước và xét xử của ngành tòa án.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong diễn văn khai mạc Hội nghị hôm 05/07 đã nói: "Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước; trái lại, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo của Nhà nước trong quản lý đất nước và xã hội".

Cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước hiện nay Việt Nam thực tế đã tạo ra hai nhà nước trong một nhà nước. Song song với tất cả các ban ngành của nhà nước là các ban nghành của ĐCS, một thứ quan liêu hành chính phi lý và tạo ra cho đất nước gánh nặng gấp đôi về ngân sách. Đó là chưa nói đến vấn đề nguyên tắc vận hành của cơ cấu nhà nước đúng với ý nghĩa của nó. Trong một cơ cấu dân chủ, các đảng phái chính trị, kể các các đảng cầm quyền không được chi tiêu cho hoạt động của mình từ tiền ngân sách nhà nước.

Không có nhận xét nào: