Thứ Ba, 10 tháng 7, 2007

Cấp Tiến hay Thời Cơ? Chỉ Buôn Dân Bán Nước Mà Thôi

Justino Nguyễn
Tâm Thức Việt Nam

Đã hơn 32 năm trôi qua, sự xuất hiện của Việt Cộng tại hải ngoại, dù dưới hình thức nào, xin viện trợ, cầu cạnh chào hàng mua bán, văn công tuyên truyền... đặc biệt là tại các quốc gia tự do, đều gặp sự chống đối với nhiều cường độ khác nhau, nói chung là bền bỉ, của quần chúng khắp nơi, từ Mỹ châu sang đến Ấu châu, Úc châu. Đối với đồng bào và hội đoàn trong cộng đồng thì việc tham gia đông đảo trong các buổi biểu tình là một cơ hội bày tỏ sự bất đồng chính kiến một cách trực tiếp của cộng đồng đối với chế độ độc tài. Là khẳng định sự không chấp nhận chế độ độc tài cai trị trên đất nước Việt .

Tuy nhiên trên các báo chí, sự phản đối của cộng đồng đã được lượng giá khác nhau tùy theo quan điểm chính trị của người viết. Chủ yếu có những khuynh hướng như sau:

Những người có xu hướng thân cộng cho rằng đó chỉ là do một số người quá khích, thủ cựu và có quá khứ liên hệ với chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Thành phần con buôn chủ lợi, trí thức tháp ngà thì cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam đang phát triển tốt đẹp những giao tiếp với các quốc gia trên thế giới và tin tưởng rằng sự giao thương với cộng đồng quốc tế sẽ giúp Việt Nam cải thiện tình trạng nghèo nàn lạc hậu cũng như sẽ đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Những nhà chính trị thời cơ sau nhiều năm tháng ngóng chờ và khi thấy Hoa Kỳ hé mở cánh cửa bang giao với chế độ thì đã ít nhiều lộ diện qua những thái độ, tạm gọi là nhập nhằng bất nhất khó hiểu. Đã nói thay, làm hộ cho Việt Cộng một số điều, bề ngoài thì như quan tâm đến tự do nhân quyền cho Việt Nam nhưng thực chất chỉ loay hoay quanh những việc làm mà bản chất không đi ra ngoài nguyên tắc Xin-Cho với chế độ. Nói một cách khác, những đề nghị của các nhóm người, của các tổ chức này không ngoài mục đích công nhận một cách bán chính thức tư cách đại diện hợp pháp của nhà cầm quyền Hà Nội để đòi hỏi, xin xỏ những nhựợng bộ chiếu cố của chế độ cho một thành phần, trong một lãnh vực hay một nhóm quyền lợi nào đó mà có mình ở trong. Thậm chí có cả những người còn mong mỏi có cơ hội được đấu tranh kiểu tham gia ứng cử trong quốc hội bù nhìn của đảng Việt Cộng dựng ra nữa.

Trong chuyến đi Hoa Kỳ của Nguyễn Minh Triết, chúng ta thấy những xu hướng trên đã lộ ra rõ rệt qua các bài viết, qua sự tham dự lấm lét, âm thầm trong buổi tiệc Triết mời ở Dana Point, mặc dù tin tức trước khi Triết tới Mỹ đã cho thấy chuyến đi của Triết về mặt bang giao là thất bại. Thất bại qua việc đón tiếp của quốc gia chủ nhà Hoa Kỳ. Thất bại do những phát biểu lưỡi gỗ, thất học của Triết trước quốc hội Hoa Kỳ, báo chí và giới doanh nhân (thí dụ như những người bị xử tại Việt Nam vì phạm tội hình sự, quan niệm về nhân quyền tại Việt Nam khác với Tây phương,Việt Nam có nhiều gái đẹp...) Ngay cả những hợp đồng mua bán mà phái đoàn của Triết ký với giới tài phiệt Hoa Kỳ (khoảng 7 đến 8 tỷ) được kể là thành công thì cũng còn phải chờ xem. Ký trên văn bản giấy tờ tuy xong nhưng còn biết bao “nhiêu khê” khi thực hiện những hợp đồng trên thực tế. Không biết khi ấy người dân Việt Nam sẽ được hưởng bao nhiêu mẫu vụn của cái bánh hợp đồng nhưng chắc chắn một điều là những cán bộ, từ nhỏ đến lớn, từ Triết cho đến tay chân, hẳn phải được hưởng một số phần trăm hoa hồng không nhỏ so với gốc gác và tài năng. Đó là chưa kể về mặt dài hạn bao nhiêu tài nguyên của đất nước sẽ bị khai thác một cách vô tội vạ qua những hợp đồng trên hay dân Viêt Nam sẽ è cổ ra để trả nợ môt cách gián tiếp cho những hợp đồng mà phái đoàn của Triết đã ký với giới tài phiệt Hoa Kỳ. Vì thế hãy khoan cho rằng nhưng hợp đồng 7, 8 tỷ là môt thắng lợi cho Việt Nam như hệ thống tuyên truyền Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam, hay các tờ báo lá cải tại Hoa Kỳ loan báo.

Mặc dù thế, sau chuyến đi của Triết, một số những luận điệu cũ rích lại được đưa ra. Thoạt xem lướt qua thì có vẻ trung thực phê phán chế độ nhưng lại có tiềm ẩn mục tiêu nhằm đánh bóng các nổ lực của Hà Nội và cho rằng đó là tiến bộ và cải tiến. Phải kể đến những phát biểu của Võ Văn Kiệt, người mà một mặt thì tuyên bố “chính phủ không nên áp dụng biện pháp hành chính, không được quy chụp”, “điều quan trọng là cần đối thoại, chính kiến ý kiến khác nhau là chuyện thường.” Mặt khác thì để sang bên không chỉ thẳng vào bản chất của nhóm lãnh đạo Hà Nội đang nắm quyền, mà hành động chỉ phản ảnh sự ghì chặt quyền hành. Nguyễn Minh Triết thì được coi là đổi mới. Nguyễn Tấn Dũng thì “cần thời gian để đánh giá thêm và có ấn tượng với những quyết tâm của Nguyễn Tấn Dũng.” Kiệt còn nói thêm, ông hy vọng sự thay đổi nội các sẽ có những khuôn mặt nổi có khả năng như Nguyễn Thiện Nhân, Cao Đức Phát, Hoàng Trung Hải sẽ lên. Có tin đuợc chăng lời bàn của Kiệt?

Qua tin tức trên thì rõ ràng truyền thông ngoại quốc (cũng như vài tờ báo thương mại trong cộng đồng, các nhân vật chính trị thời cơ tại hải ngoại) cố khai thác hình ảnh một người cấp tiến của Võ Văn Kiệt từ khi viết lá thư gửi bộ chính trị cách đây trên mưòi năm đòi đổi mới đảng. Kiệt được coi như môt tay còn ảnh hưởng trong đảng Cộng Sản, có đầu óc cấp tiến, đưa ra những lời nói dễ nghe, giới thiệu những thành phần kể là tiến bộ, trẻ, có học, thân Hoa Kỳ và Tây phương, muốn thay đổi, bên cạnh những thành phần già nua, thủ cựu, bảo thủ, thân Trung quốc (là ai?) Luận điệu này đã được nhắc lại như vẹt bởi những tay chính trị thời cơ: “Nếu Hoa Kỳ không tiếp Triết theo nghi thức đàng hoàng thì khi Triết quay về sẽ bị phe thân Trung Quốc lấn lướt” (Lý Thái Hùng) hay “Ví dụ như ông Võ Văn Kiệt, ông ấy nêu ra mấy quan điểm mới. Ông ấy không thể gợi ý mạnh hơn các nhà dân chủ triệt để, nhưng cũng rất đáng hoan nghênh rồi.... Vâng. Tôi muốn nói thêm thế này. Đại tướng Mai Chí Thọ, khi còn sống, năm kia, ông ấy nói chưa chắc cái đảng này còn trụ nổi đến Đại hội Đảng lần sau. Nó chứng tỏ trong nội bộ cấp cao, có những người giữ quan điểm tiến bộ. Chúng tôi hoan nghênh những người Cộng Sản cấp tiến đó” (Hoàng Minh Chính)

Nhưng chỉ cần những ai có trí nhớ trung bình thì cũng biết rằng chính bản thân Kiệt là một tay cộng sản từng chủ trương “thay đổi” để cứu đảng chứ chẳng phải vì muốn cho dân có tự do dân chủ. Kiệt đã từng ký sắc lệnh quản chế 31 CP mà mọi người lên án. Và trong cuộc phỏng vấn của BBC mới đây, Kiệt không ngần ngại nói (như Nguyễn Minh Triết): “nếu một đảng có thể lãnh đạo đất nước, phát triển kinh tế, duy trì ổn định và làm dân hài lòng thì không cần có thêm môt đảng mới.” Trong chuyến đi của Triết vừa qua, chính Nguyễn Thiện Nhân với vai trò bộ trưởng bộ giáo dục, khi bị Thượng Nghị sĩ Chuck Hagel hỏi về cơ hội của những người trí thức trong chính trường Việt Nam thì Nguyễn Thiện Nhân đã ngậm miệng để cho phát ngôn viên phái đoàn từ chối trả lời thay là “bộ trưởng chỉ giải thích về những vấn đề giáo dục thôi, còn những vấn đề khác thì không nên mất thời giờ.” Chúng ta cũng nhớ rằng sau APEC thì Nguyễn Tấn Dũng là người ký nghị định gia tăng kiểm soát thông tin, sau khi gặp Đức Giáo Hoàng thì xảy ra vụ đàn áp bắt giam Linh mục Lý tại Huế. Triết thì đem phụ nữ Việt Nam ra dụ doanh nhân tài phiệt Hoa Kỳ đầu tư, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết đều được xếp loại là “trẻ và cấp tiến” và có khuynh hướng “muốn thay đổi” đã được Kiệt “là thế hệ già” bảo kê, lăng xê trên phương tiện truyền thông ngoại quốc. Ai có thể tin tưởng gì nơi thành phần trẻ và cấp tiến kiểu này?

Tóm lại, trong tập đoàn cầm quyền tại Việt Nam hiện nay, dù trẻ hay già, chẳng ai có thể đáng gọi là cấp tiến hay bảo thủ cả, mà chỉ là những tay ham quyền tham tiền và giữ ghế. Tài phiệt Trung quốc, Hoa Kỳ hay một nước nào khác nếu có liên hệ buôn bán với họ cũng chỉ vì những tay này có quyền lực trong tay, có quyền ký kết hợp đồng mua bán. Thấy được như thế thì sẽ hiểu rằng cho dù truyền thông ngoại quốc có thổi phồng, đặt tên hay dán nhãn mỹ miều cấp tiến cho một số nào trong tập đoàn độc tài cộng sản thì dưới mặt dân chúng Việt họ cũng chỉ là những phường buôn dân bán nước mà thôi.

Không có nhận xét nào: