Thứ Ba, 10 tháng 7, 2007

Thời điểm của một xét lại bắt buộc

Nguyễn Gia Kiểng

Có nhiều ý trong bài đáng để suy nghĩ, đặc biệt với những người làm chính trị hoặc quan tâm đến tình hình chính trị của Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, tác giả cũng đưa ra một số quan điểm riêng, rất nên cọ xát, tranh luận. Ví dụ, tác giả viết:

“ Trong lịch sử thế giới hầu hết những cuộc cách mạng đánh bại những chế độ toàn trị bạo ngược đều khởi đầu từ ngoài nước. Cuộc cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc năm 1911 đã xảy ra như thế. Cuộc cách mạng cộng sản Nga năm 1917 cũng không khác. Đảng cộng sản Việt Nam cũng thế. Những trường hợp ngược lại chỉ là ngoại lệ chứ không phải thông lệ”.

Khi trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, ông Miroslaw Chojecki, cựu thành viên Ủy ban Bảo vệ Công nhân (tiền thân của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan), chủ tịch Hiệp hội Tự do Ngôn luận, trong bài tham luận tại “Hội Nghị Warsaw 2006, 28/10/2006 về các quyền của công nhân (xem DCVOnline) có viết:

“Chúng tôi luôn ý thức rằng vai trò của cộng đồng hải ngoại chỉ mang tính phục vụ. Do đó, cộng đồng hải ngoại không thể áp đặt công thức, cơ cấu hoạt động trong nước, không nên đưa ra sáng kiến bắt phong trào trong nước phải làm gì. Những người trong nước trực tiếp đối đầu và mạo hiểm với bạo quyền chứ không phải những người ở hải ngoại, họ sẽ biết làm cách nào có lợi nhất. Cộng đồng ở hải ngoại không thể giải quyết dân chủ từ phía ngoài đất nước và chỉ có thể hỗ trợ và tìm cách củng cố phát triển các hoạt động của phong trào trong nước".

Nếu Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan với Lech Walesa là lực lượng tiên phong làm sụp đổ chế đổ cộng sản thì, Phong trào Hiến Chương 77 của Tiệp Khắc, với ngọn cờ đầu Vaclav Havel, cũng là hạt nhân chủ chốt hoạt động tại Tiệp Khắc cũ, dẫn đến cuộc cách mạng Nhung, xoá bỏ chế độ cộng sản.

Vậy quan điểm của tác giả Nguyễn Gia Kiểng đúng hay sai trong hoàn cảnh thực tế Việt Nam hiện nay? Và, phải chăng cuộc yểm trợ tích cực và có hiệu quả nhất định của cộng đồng hải ngoại là một cuộc lên đồng tập thể như tác giả nhận định? Vân vân...

DCVOnline nhường lại ý kiến cho đông đảo bạn đọc trên diễn đàn tự do với hy vọng nếu chúng ta không tìm ra một đồng thuận cho phong trào dân chủ Việt Nam đang bị đàn áp và thiếu hẳn một phương thức hoạt động có tổ chức hiện nay thì cũng tạo được những trao đổi có lợi ích chung cho cuộc vận động dân chủ e rằng còn lâu dài trên đất nước.

Đợt đàn áp chính trị bắt đầu từ tháng 2 với những phiên tòa thô bạo bị cả thế giới lên án đáng lẽ phải là một sức bật cho đối lập Việt Nam. Trên thực tế, khí thế đấu tranh trong nước đã xẹp xuống, người này bỏ cuộc, người kia đào thoát, trong khi hải ngoại chỉ biểu lộ được một sự phẫn nộ bất lực. Phấn khởi nhường chỗ cho thất vọng. Dưới phần nổi không có phần chìm, đằng sau tiếng vang không có thực lực.

*

Sự yếu kém của đối lập dân chủ Việt Nam thực ra đã có thể nhìn thấy từ trước. Cuối năm 2005 nhiều tổ chức và nhân sĩ đã nô nức tưởng rằng một cơ hội lớn đã đến khi ông Hoàng Minh Chính trong tình trạng sức khỏe hiểm nghèo được đảng Nhân Dân Hành Động đưa sang Mỹ chữa bệnh. Nhưng dự án thống nhất các lực lượng dân chủ chung quanh ông Hoàng Minh Chính đã tự nó tiêu tan dù không bị đàn áp. Sự háo hức đặt hy vọng vào một chuyện chẳng có gì chắc chắn như vậy tố giác một tâm trạng tuyệt vọng sẵn sàng bám víu vào bất cứ gì có hình dạng của một cái phao.

Sau đó là Khối 8406, đảng Thăng Tiến Việt Nam, và nhiều tổ chức khác ra đời một cách hấp tấp rồi tàn lụi nhanh chóng. Ở những mức độ khác nhau, tất cả đều đã được hưởng ứng. Khối 8406 có tầm vóc hơn cả và cũng được hưởng ứng hơn cả, nhưng người ta đã chờ đợi ở nó những gì mà nó không thể đem lại. Đáng lẽ nó phải dừng lại ở mức độ một bản tuyên ngôn dân chủ, như thế cũng là quí báu lắm rồi, nhưng người ta bắt nó phải làm một việc mà nó không thể làm: trở thành một tổ chức và hơn thế nữa một tổ chức mẹ của nhiều tổ chức khác. Người ta cố tình không phân biệt một bản tuyên ngôn với một tổ chức, những người chỉ ký tên ủng hộ một bản tuyên ngôn và những người dấn thân trong một tổ chức. Nguyễn Văn Lý là một nhà tu, hai người bạn đắc lực nhất của ông, Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi, cũng là những nhà tu, họ đã làm tất cả những gì có thể làm, không thể đòi hỏi họ hơn được. Khi chọn cuộc sống tu hành họ đã chọn giữ một khoảng cách nào đó với sinh hoạt chính trị. Vả lại họ chỉ được một sự yểm trợ rất giới hạn trong một giáo hội tự nó đã là một tôn giáo thiểu số tại Việt Nam. Khối 8406 đã phát triển nhanh chóng trong giới giáo dân gần gũi với ông Lý trong vài tháng đầu rồi khựng lại, nhưng Nguyễn Văn Lý tiếp tục bị thúc đẩy phải làm những việc mà ông không thể làm: Đảng Thăng Tiến, Liên Minh Dân Chủ và Nhân Quyền, rồi Liên Đảng Lạc Hồng, cũng với cùng một số người ít ỏi, mà đa số mới chỉ mới bắt đầu hoạt động.

Nguyễn Văn Lý, và Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội, đã là những nạn nhân của cách hoạt động của đối lập tại hải ngoại: không chuẩn bị lực lượng rồi đến khi thấy tình thế có vẻ thuận lợi thì cố gắng nắm lấy cơ hội một cách vội vã và vận dụng quá sức anh em trong nước trong một cuộc thi đua xô bồ xem ai làm trước, ai lên tiếng trước, ai thông báo đầu tiên những "tin khẩn", ai gây được tiếng vang nhiều nhất. Trong không khí nhốn nháo này, những cố gắng nghiêm chỉnh khó gây được sự chú ý. Rồi tất cả khựng lại khi chính quyền cộng sản ra tay đàn áp. Internet dĩ nhiên là một vũ khí quí báu để chống lại chế độ độc tài nhưng cũng có mặt bất lợi của nó mà ta phải cảnh giác. Mặt bất lợi đó là cho phép một nhóm nhỏ, thậm chí một cá nhân, liên lạc và gửi thông tin đến rất nhiều người, tạo ra ảo tưởng của một tổ chức lớn đối với dư luận. Sự kiện này đã là một trong những nguyên nhân chính khiến phong trào dân chủ Việt Nam không khai thác được khoảng thời gian thuận kéo dài hơn hai năm.

*

Đã chống lại một chính quyền bạo ngược thì phải biết trước là sẽ bị đàn áp và phải có phương án để khai thác chính sự đàn áp đó. Một phương án như thế đòi hỏi phải có tổ chức và phải tiên liệu được các diễn biến. Vì không có gì cả cho nên người ta đã cố tin là tình thế đã thay đổi, đảng cộng sản sẽ không dám đàn áp thẳng tay vì sợ phản ứng của thế giới, và phong trào sẽ càng ngày càng lớn mạnh.

Thực tế đã chứng tỏ giả thuyết này sai. Đảng cộng sản đã đàn áp và mọi chính quyền, trừ Hoa Kỳ, đều đã không có phản ứng. Chính Hoa Kỳ cũng đã chỉ phản ứng một cách rất chừng mực, dù đây là lần đầu tiên sự thô bạo của những phiên tòa được phơi bày ra trước công luận. Báo chí và các cơ quan truyền thông cũng chỉ dành cho đợt đàn áp này một sự chú ý rất tương đối. Thế giới đang có những quan tâm khác. Trong ý đồ đen tối của họ, ban lãnh đạo cộng sản đã tỏ ra hiểu biết hơn nhiều người chống đối họ.

*

Đối lập dân chủ Việt Nam đã được một thời gian tương đối dễ dãi từ đầu hè năm 2004 đến đầu xuân 2007. Thời gian này khá dài vì đảng cộng sản phải chuẩn bị cho đại hội 10, một đại hội quan trọng vì, ngoài những tranh giành quyền lực thông thường trước mọi đại hội đảng, những đả kích đối với Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Tổng Cục 2 đã đặt tới cao điểm. Sau đó còn phải phân chia quyền lực trong đảng và nhà nước, rồi tổ chức hội nghị APEC và gia nhập WTO.

Nhưng còn một lý do khác. Đó là có một lúc họ đã có kế hoạch chiếm đoạt để khống chế và vô hiệu hóa phong trào dân chủ. Lợi dụng bệnh tình nguy ngập của ông Hoàng Minh Chính, một người dân chủ kiên cường và có uy tín nhưng đã già yếu, họ đã để ông đi Mỹ chữa bệnh với sự bảo trợ của đảng Nhân Dân Hành Động, và định dựa vào uy tín của ông để qui tụ các tổ chức và nhân sĩ đối lập trong một Phong Trào Dân Chủ Việt Nam Thống Nhất mà họ kiểm soát trong hậu trường. Đây là một kế hoạch có chuẩn bị. Trước đó, họ kích thích những mâu thuẫn sẵn có giữa các cá nhân để làm tan nát hàng ngũ dân chủ trong nước vốn đã rất lỏng lẻo. Cần nói ngay là ông Hoàng Minh Chính chỉ bị lợi dụng thôi, cá nhân ông là một người dân chủ đáng kính.

Kế hoạch này đã có thể là một cơ may cho tiến trình dân chủ hoá. Nếu nó thành công và khiến chính quyền cộng sản đủ tự tin để chấp nhận một mức độ đa nguyên chính trị nào đó thì một giai đoạn mới sẽ mở ra và đảng cộng sản sẽ không kiểm soát được. Nó chỉ nguy hiểm nếu không ai biết rằng nó là một âm mưu.

Nhưng kế hoạch này đã thất bại vì những người trực tiếp thực hiện nó đã quá vụng về. Khi sự thất bại đã quá rõ ràng thì đảng cộng sản chỉ còn chọn lựa giữa nới lỏng dân chủ thực sự hoặc đàn áp. Không có gì ngạc nhiên khi họ đàn áp.

*

Tình hình hiện nay có thể tóm lược như thế nào ?

Những tranh chấp phe phái trong nội bộ đảng cộng sản kể như đã chấm dứt. Phe Lê Đức Anh - Đỗ Mười đã thắng. Những người cầm đầu đảng và nhà nước hiện nay đều thân với hai ông này. Những người chống lại hai ông Mười, Anh chỉ còn rất ít và đều già yếu. Vấn đề Tổng Cục 2 cũng không còn đặt ra nữa, cơ quan này ngày nay cũng thuộc quyền kiểm soát của ông Nguyễn Tấn Dũng, như Tổng Cục Tình Báo. Dĩ nhiên là trong nội bộ của cái gọi là phe Đỗ Mười - Lê Đức Anh, hay đảng MA, vẫn còn những tranh chấp quyền lợi và quyền lực cá nhân, nhưng sẽ không còn những chống đối có phối hợp và cũng không nên chờ đợi những biến cố sôi nổi như vụ Nguyễn Nam Khánh nữa. Cuộc đấu từ nay sẽ diễn ra giữa một đảng cộng sản khá thống nhất và một phe dân chủ khá phân tán.

Tình trạng ổn vững nội bộ của đảng cộng sản chưa chắc đã là xấu cho tiến trình dân chủ, nó còn có thể là tốt. Có chấm dứt được nạn phe phái trong đảng, ban lãnh đạo cộng sản mới có thể lấy những quyết định cần thiết, kể cả những quyết định nới lỏng về chính trị. Đừng nên quên rằng chính sách đổi mới, tức mở cửa về kinh tế thị trường, đã có được vì lúc đó, năm 1986, phe ông Lê Đức Thọ kiểm soát được đảng và có toàn quyền quyết định.

Về mặt quốc tế, cảm tình và lương tâm của thế giới đứng về phía những người dân chủ Việt Nam, nhưng quyền lợi thực tiễn của các quốc gia là thỏa hiệp với chính quyền cộng sản. Chính quyền Việt Nam hiện nay có quan hệ với mọi quốc gia trên thế giới và không bị nước nào coi là thù địch. Dư luận thế giới, các tổ chức quốc tế và các chính quyền dân chủ sẽ bênh vực chúng ta trong chừng mực mà chúng ta bị bách hại khi hành động một cách hợp pháp hay phù hợp với những giá trị phổ cập của loài người. Còn thành công hay thất bại hoàn toàn là việc của chúng ta. Không thể, và thực ra cũng không nên, đòi họ chống lại chính quyền cộng sản Việt Nam.

Như vậy phải loại bỏ kịch bản lật đổ. Chúng ta không có lực lượng và phương tiện để lật đổ và cũng không ai giúp chúng ta lật đổ chính quyền cộng sản. Vả lại chúng ta cũng sẽ không thay thế được tất cả guồng máy nhà nước. Một chính quyền dân chủ trong tương lai vẫn phải duy trì toàn bộ quân đội, công an, bộ máy hành chính hiện có, chỉ khác ở chỗ vạch ra những mục tiêu mới, đem lại một tinh thần mới, những giá trị mới, một cách tổ chức và làm việc mới. Cuộc đấu tranh cho dân chủ vì vậy không phải là một cuộc xung đột thù địch một mất một còn mà phải là một cuộc đối đầu hòa bình - ít nhất là hòa bình đơn phương từ phe dân chủ - giữa dự án dân chủ và dự án cộng sản. Một cuộc đấu tranh như vậy đòi hỏi phe dân chủ một đội ngũ đông đảo và gắn bó, với đầy đủ khả năng và chính sách trên mọi địa hạt kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, ngoại giao, môi trường, v.v. Khó, nhưng là điều kiện bắt buộc, chưa có thì phải cố gắng từng bước tạo ra chứ không thể tránh né. Chính vì muốn tránh né khó khăn và tìm cách đi đường tắt mà chúng ta đã mất hơn ba thập niên và bỏ lỡ nhiều cơ hội. Cuộc đấu tranh này cũng đòi hỏi chúng ta một tinh thần mới để nhìn một cán bộ công an cộng sản, thậm chí một giám thị nhà tù, không phải như một kẻ thù phải tiêu diệt mà như một người anh em phải tranh thủ cho dự án dân chủ.

*

Tiềm năng của phe dân chủ rất dồi dào. Những người sẵn sàng dấn thân cho dân chủ ngày càng đông và sẽ còn được tiếp viện bởi một khối thanh niên to lớn đang thấy tương lai mình bị bế tắc, đặc biệt là những thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học nhưng không tìm được một công việc xứng đáng. Chính quyền cộng sản Việt Nam bắt chước mô hình Trung Quốc và cũng gặp cùng một vấn đề với Trung Quốc nhưng ở một mức độ còn trầm trọng hơn: nạn thất nghiệp nơi những thanh niên có trình độ cao đẳng và đại học. Đó là một thùng thuốc nổ đối với chế độ.

Đấu tranh bất bạo động là điều có thể được. Ở một mức độ nào đó nhận định rằng chính quyền cộng sản không thể đàn áp thẳng tay có phần đúng. Xã hội Việt Nam đã có sức mạnh độc lập của nó về đời sống, về sinh hoạt kinh tế cũng như về ý thức, lý luận và thông tin. Đảng cộng sản không còn khống chế được xã hội như họ muốn nữa. Nguyễn Văn Lý đã chỉ bị xử tù 8 năm và sẽ không ngồi tù 8 năm; hai mươi năm trước, một người như ông có thể sẽ bị xử bắn. Nguyễn Văn Đài sẽ không ở tù 5 năm, Lê Thị Công Nhân cũng sẽ không ở tù 4 năm. Phạm Quế Dương, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn đã được trả tự do mặc dù vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ. Nguyễn Vũ Bình cũng được trả tự do trước hạn tù 7 năm dù đó là người đảng cộng sản lo ngại nhất. Đảng cộng sản sẽ nhận thấy và thanh niên Việt Nam cũng sẽ nhìn ra rằng những bản án tù vài năm chỉ kích thích chứ không trấn áp được những nguyện vọng dân chủ.

*

Cuộc vận động dân chủ có mọi khả năng để thành công với điều kiện là những người dân chủ chấp nhận một xét lại bắt buộc để đoạn tuyệt với lối tranh đấu cũ, ít nhất trên ba điểm.

Trước hết phải tin một cách thật chắc chắn rằng chúng ta là giải pháp cho đất nước chứ không phải chỉ là tiếng nói của lương tâm. Niềm tin này không khó. Trên cả ba vấn đề mà mọi người, kể cả ban lãnh đạo cộng sản, đều đồng ý là trầm trọng, nguy ngập và phải khắc phục nhanh chóng - tham nhũng, tụt hậu khoa học kỹ thuật, chênh lệch giàu nghèo - đảng cộng sản đều không phải là giải đáp mà còn là vật cản.

Trong lịch sử thế giới chưa hề có tiền lệ một chính quyền tham nhũng có thể tự cải tiến để hết tham nhũng, thậm chí bớt tham nhũng. Có thể chứng minh bằng lý luận rằng đây là điều không thể có. Giải pháp duy nhất đối với một chính quyền tham nhũng chỉ giản dị là phải thay thế nó bằng một chính quyền khác. Tụt hậu khoa học kỹ thuật chủ yếu là thua kém về ý kiến và sáng kiến, những yếu tố chỉ có thể nẩy sinh và phát triển nơi những con người tự do, trong những xã hội dân chủ. Cũng không thể trông đợi những người được ưu đãi để giải quyết chênh lệch giàu nghèo. Họ là những người thụ hưởng những đặc quyền đặc lợi và chỉ tìm cách tăng cường chứ không xóa bỏ chúng. Nếu tham nhũng, tut hậu và bất công là những vấn đề sống còn của đất nước thì hệ luận tự nhiên là chính quyền cộng sản phải bị thay thế.

Một xét lại khác là phải khẩn cấp từ bỏ ngôn ngữ giả dối là quốc nội là chủ lực, hải ngoại chỉ có vai trò yểm trợ. Lập luận này rất sai trong giai đoạn này. Từ lúc nào và ở đâu trong một cuộc tranh đấu công khai người ta có thể độc đáo đến nỗi chọn đặt bộ chỉ huy ở địa điểm hoàn toàn do đối phương kiểm soát? Từ lúc nào và ở đâu người ta có thể đặt vào địa vị lãnh đạo những người mà địch có thể bắt giam hoặc thủ tiêu bất cứ lúc nào ? Phải thẳng thắn : cuộc đấu tranh cho dân chủ sẽ gồm hai giai đoạn: trong giai đoạn đầu, khi mà chính quyền cộng sản còn đàn áp trắng trợn và thô bạo, cơ quan đầu não và vai trò lãnh đạo phải đặt ở hải ngoại. Chỉ trong giai đoạn sau, khi cuộc vận động dân chủ đã đủ mạnh để buộc đảng cộng sản phải chấp nhận sự hiện diện công khai của đối lập, cơ quan lãnh đạo mới có thể chuyển về trong nước để hải ngoại lùi về vai trò yểm trợ.

Trong tình trạng hiện nay, người trong nước có thể là biểu tượng và vẫn có thể góp ý về những định hướng lớn nhưng không thể đảm nhiệm vai trò điều hành. Điều này mọi người dân chủ nghiêm chỉnh đều hiểu. Sở dĩ lập luận “quốc nội chủ lực, hải ngoại yểm trợ, quốc nội là điểm, hải ngoại là diện” vẫn còn được nhắc lại là vì có những người và những nhóm nhỏ ở hải ngoại không có lực lượng nào cả nhưng vẫn muốn có tầm quan trọng nên phải mơn trớn những người dân chủ trong nước để tranh thủ cảm tình và ngược lại cũng có những người trong nước thấy thỏa mãn khi được đề cao. Những người này gây rối loạn thay vì đóng góp.

Trong lịch sử thế giới hầu hết những cuộc cách mạng đánh bại những chế độ toàn trị bạo ngược đều khởi đầu từ ngoài nước. Cuộc cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc năm 1911 đã xảy ra như thế. Cuộc cách mạng cộng sản Nga năm 1917 cũng không khác. Đảng cộng sản Việt Nam cũng thế. Những trường hợp ngược lại chỉ là ngoại lệ chứ không phải thông lệ.

Nhưng tại sao hải ngoại lại không thể, và do đó không dám, đảm nhiệm vai trò của mình? Đó là vì không có thực lực. Nhưng tại sao lại vẫn chưa có thực lực sau nhiều chục năm? Đó là vì một di sản lịch sử. Cộng đồng người Việt hải ngoại tại Hoa Kỳ và các nước phương Tây đến từ miền Nam, sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa tuy không bạo ngược như chế độ cộng sản nhưng cũng không phải là một chế độ tốt, nó là một chế độ không có ý chí và cũng chưa bao giờ có được một nhân sự chính trị đúng nghĩa. Sự sụp đổ hổ nhục và toàn diện của nó không để lại gì. Khối người thoát ra được nước ngoài là một khối ngưới rã hàng, đầy căm thù và tuyệt vọng; trong thâm tâm đại đa số đã chọn hẳn một quê hương mới. Trong hoàn cảnh đó đấu tranh chỉ là để biểu lộ và trút bớt sự căm thù đang sục sôi trong lòng chứ không phải để giành thắng lợi. Cuộc đấu tranh vì vậy không khác gì một cuộc lên đồng, những người được ủng hộ nhất là những người tỏ ra táo bạo nhất, lên đồng hay nhất, gây được ảo tưởng mạnh nhất. Những cố gắng nghiêm chỉnh dĩ nhiên phải dựa trên nhận định khách quan về một tình trạng khó khăn, cho nên chỉ làm phiền lòng và gây bực tức trong cuộc lên đồng tập thể này. Một số người còn hy vọng "quang phục quê hương" thì lại đặt hy vọng vào một chuyển biến quốc tế nào đó, thí dụ như một cuộc thế chiến kết thúc bằng thắng lợi của thế giới tự do, và kết luận rằng điều duy nhất có thể làm là gây được tiếng vang và sự chú ý để khi thời cơ đến mình sẽ là người của tình thế. Dần dần cách làm chính trị này trở thành một tập quán cản trở sự hình thành của một tổ chức dân chủ nghiêm chỉnh và có trói tay cộng đồng người Việt hải ngoại trong thế bất lực kéo dài.

*

Nhưng thời gian đã làm công việc của nó. Những cuộc lên đồng đã trở thành nhạt nhẽo, những hy vọng vào "thế giới tự do" cũng đã tiêu tan; đất nước cũng đã thay đổi trong một thế giới đã thay đổi lớn. Quốc nội đã chuyển mình, nhiều người dân chủ đã đứng lên ngay tại thủ đô Hà Nội. Về mặt kinh tế cộng đồng người Việt hải ngoại có trọng lượng (chua được sử dụng) của một siêu cường viện trợ không bối hoàn cho Việt Nam gần bốn tỷ USD mỗi năm. Hy vọng thực sự đã xuất hiện. Chúng ta có thể đấu tranh cho dân chủ với niềm tin ở thắng lợi, và tự hỏi một cách nghiêm chỉnh "làm thế nào để thắng" ?

Ngay khi câu hỏi này được thực sự đặt ra chúng ta sẽ thấy rằng không thể giành được thắng lợi cho dân chủ nếu không có một tổ chức dân chủ mạnh, và xây dựng một tổ chức như thế đòi hỏi rất nhiều trí tuệ và cố gắng kiên trì trong nhiều năm. Sự thực hiển nhiên nhưng đã bị quên lãng này sẽ dẫn chúng ta đến xét lại cơ bản nhất và sẽ thay đổi hẳn cái nhìn cũng như cách ứng xử của mỗi người và các tổ chức dân chủ. Cách làm chính trị không cần tổ chức chỉ nhắm gây tiếng vang sẽ trở thành nhạt nhẽo vô duyên, sẽ chỉ được nhìn như những hoạt động loay hoay, đồng bóng. Mỗi người sẽ tự xét mình để biết mình có thể đóng góp những gì ở vai trò nào trong một tổ chức có kỷ luật. Những người thực sự muốn dấn thân tranh đấu dân chủ hóa đất nước sẽ chọn tham gia những tổ chức dân chủ đã có thời gian để chứng tỏ bản lĩnh và sự lương thiện, hay nếu không thấy tổ chức nào xứng đáng và tìm những người cùng chí hướng để tạo dựng với nhau một tổ chức mới thì cũng sẽ rút ra kết luận đúng đắn sau một thời gian. Các tổ chức dân chủ cũng sẽ ý thức rằng phải kết hợp với nhau, vì nếu tình trạng phân tán và rời rạc này cứ tiếp tục thì mọi người sẽ thua, mọi cố gắng sẽ chỉ là công dã tràng trong khi thắng lợi ở trong tầm tay. Những người thuộc khối quần chúng dân chủ, nghĩa là những người không tham gia các hoạt động chính trị nhưng ủng hộ cuộc vận động dân chủ cũng sẽ chỉ dành sự ủng hộ của mình cho những tổ chức đáng tin cậy.

Có rất nhiều điều cần được thảo luận và kết luận, nhưng mọi thảo luận đều chỉ có ý nghĩa khi tâm lý đã được khai thông, nghĩa là nếu chúng ta thay đổi được cách suy nghĩ và hành động cũ.

Không có nhận xét nào: