Thứ Tư, 4 tháng 7, 2007

Việt Nam cần một phong trào xanh

Hàng trăm đồng bào từ tỉnh Tiền Giang đang lên Sài Gòn biểu tình, mang theo những biểu ngữ chống tham nhũng, cường quyền, áp bức trong hai tuần lễ vừa qua. Bà con bây giờ đã đổi chiến thuật, không tụ lại thành một đoạn mà chia thành nhiều nhóm xuất hiện trên các đường phố cùng một lúc hoặc liên tiếp nhau, công an hốt đám này sẽ còn đám khác. Những đoàn người đi trên nhiều đường sau tụ tập ở đường Võ Thị Sáu, một trụ sở “tiếp dân” của trung ương đảng cộng sản, và trước trụ sở cảnh sát ở đường Nguyễn Trãi. Ngày Thứ Hai đầu tuần này, trong số các biểu ngữ cầm tay có thêm tên các tỉnh Bình Dương, Ðồng Tháp, An Giang, Vũng Tàu. Trong khi đó, trước cửa nhà khách chính phủ và trụ sở Quốc Hội ở Hà Nội, hàng trăm đồng bào từ miền xa tới tụ họp “khiếu oan.”

Nếu là người ngoại quốc không biết gì về chế độ cộng sản thì chúng ta sẽ nói: “Chỉ có mấy trăm người biểu tình, con số nhỏ quá chẳng đáng kể”. Nhưng ai là người Việt Nam, hoặc đã từng sống dưới chế độ cộng sản, thì biết rằng những người dám họp nhau tới con số hàng trăm để đi kêu oan như vậy, đó là những người can đảm cùng mình. Nhiều đồng bào ở Sài Gòn cho biết công an đã bám sát đoàn người biểu tình, chỉ chờ lệnh là động thủ; cứ một người dân biểu tình là có hai ba công an chìm nổi đi kèm. Một thanh niên đưa máy lên chụp ảnh đã bị công an đòi tịch thu máy, năn nỉ lắm mới được “giảm án” chỉ tịch thu con chíp trong máy chụp hình điện tử.

Hiện tượng dân từ miền quê lên Hà Nội hay Sài Gòn đi biểu tình đã diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng trước và trong dịp có hội nghị APEC năm ngoái thì họ bị dẹp hết. Phần lớn các vụ biểu tình đều là do nông dân bị quan chức nhà nước cộng sản cướp đất. Một người kể anh có khu đất trị giá 2 triệu đồng một mét vuông, bị “quy hoạch” lấy đất làm của công, trả cho anh bằng một phần mười giá đó. Sau khi cướp đất rồi, các quan chức mới đem bán lại cho các nhà tư bản Việt hay ngoại quốc, giá là 10 triệu đồng một mét vuông.

Một điều đáng nói là trước những cảnh dân nghèo thật sự vô sản đi kêu gọi tấm lòng thương người của các quan chức “vô số tài sản” xin họ trả lại đất hoặc đền bù xứng đáng cho dân, thì báo chí ở Việt Nam không nói gì đến cả. Tất cả 600, 700 tờ báo tại Việt Nam đều là của đảng cộng sản. Ðảng cho phép viết cái gì thì được viết cái đó. Khi có người bị đánh, đập cho tới bị chết, báo chí và đài phát thanh, vô tuyến truyền hình cũng sẽ không dám nói tới.

Chế độ cộng sản luôn luôn bưng bít tin tức, tất cả những tin nào bất lợi cho đảng đều không được loan báo. Ðiều này dễ hiểu, một chính quyền độc tài không bao giờ chấp nhận tự do báo chí. Nhưng cũng có lúc báo chí ở trong nước được phép đăng những tin xấu. Ðọc báo của công an thì thấy không biết bao nhiêu là tệ nạn xã hội. Trộm cướp, băng đảng, gian lận thi cử, đạo lý suy đồi, rất nhiều tin vẫn được phép lên mặt báo.

Tại sao chính sách kiểm duyệt của đảng Cộng Sản Việt Nam lại chọn tin xấu này cho đăng mà cấm ngặt không cho đăng một số tin xấu khác? Ðiều cấm đoán quan trọng nhất là giới truyền thông không được loan tin có những dân dám đứng lên chống lại đảng, không được vạch ra những tội lỗi lớn của quan chức trong đảng. Những tin đó có thể khích động người dân khắp nơi, và một phong trào chống đối có thể bộc phát. Ngoài ra, những tin xấu khác họ coi là chấp nhận được. Vì phần lớn những tội ác tình và tiền mà các báo của công an đăng lên đều có thể quy trách nhiệm cho các cá nhân. Vả lại, chắc không người Việt Nam nào lại đứng lên đòi đảng cộng sản thay đổi đường lối giáo dục, đòi xây thêm bệnh viện miễn phí, hay đòi đảng phải sửa chữa đường, cầu cho bớt tai nạn lưu thông chết người! Sau khi đã sống quen trong một xã hội có quá nhiều tệ đoan, người dân coi đó là chuyện tự nhiên, không ai nghĩ nguyên nhân gây ra những tệ đoan đó là do chế độ chính trị thối nát, tham nhũng sinh ra. Mà nếu có ai nghĩ đảng cộng sản chịu trách nhiệm làm cho đạo lý xã hội suy đồi, thì họ cũng bận tâm đến nhiều vấn đề khác lớn hơn, trực tiếp liên hệ tới họ hơn, không để thời giờ quan tâm đến các tệ đoan nhỏ nữa. Những vụ quan lại tham nhũng ăn cắp hàng chục triệu Mỹ kim, những vụ quan chức buôn lậu ma túy, nuôi băng đảng trong xã hội đen, dù có làm xôn xao dư luận một thời gian rồi sau đó cũng chìm vào quên lãng. Chỉ khi nào người dân ý thức được rằng, chính tình trạng một đảng độc quyền cai trị là nguyên nhân gây ra những tệ nạn đổ lên đầu dân tộc, lúc đó mới hy vọng người dân đứng lên tỏ thái độ.

Có một hiện tượng đang xảy ra ở Việt Nam có thể đánh thức đồng bào chúng ta về những cái họa của một chế độ độc tài. Ðó là sự suy đồi trong môi trường sống, do chế độ độc tài gây ra, khiến rất nhiều người chết. Một đảng độc quyền không bao giờ lo dân lật đổ bằng lá phiếu, cho nên không lo lắng đến sức khoẻ của người dân. Ðến khi nhiều người chết quá, mới tìm cách chữa; nhưng một guồng máy độc tài cũng không chữa trị gấp cho dân nhờ. Vì các quan chức đều do đảng chọn chứ không phải do dân chọn. Ðây là một thảm họa của dân tộc, không những người đang sống bây giờ chịu độc hại mà còn đe dọa sinh mạng của nhiều thế hệ sau này nữa.

Ai theo dõi báo chí điện tử ở trong nước đều biết hiện nay có nhiều làng ở Việt Nam được gọi tên là “làng ung thư.” Phóng viên báo điện tử VietNamNet đầu Tháng Hai năm nay đã viết về một làng ở Lâm Thao, Phú Thọ, với số người bị bệnh ung thư lên quá cao. Có hơn một trăm người chết vì ung thư, có một họ chết 25 người. Nguồn gốc gây ra bệnh, theo người dân đoán, là do những chất thải từ một nhà máy làm phốt phát và các hóa chất khác. Từ cuối năm 2005, dân làng Thạch Sơn đã kêu cứu, chính quyền cấp tỉnh, huyện tìm cách che đậy nhưng cuối chính quyền trung ương đã phải tới “nghiên cứu.”

Chính quyền cộng sản không thể đổ lỗi cho “chất độc da cam” trong vụ này được. Vì nhà máy phốt phát Lâm Thao ở ngoài Bắc và đã hoạt động từ năm 1959. Theo bản tin trong nước thì “toàn bộ xỉ và rác thải, nước thải... của nhà máy này” được tuôn đổ “trực tiếp ra gần khu dân cư sinh sống mà không hề qua xử lý.” Nhà báo mô tả rõ, “Các chất thải này không đường ống, không bờ bao, tự do chảy thẳng ra cánh đồng Thạch Sơn 24h/24h,” tức là suốt ngày đêm. Người dân không ai biết nguồn nước ô nhiễm đó là một nguyên nhân gây ra những chứng bệnh phổi, bệnh mắt, vàng da. Nhưng họ biết rằng, hoa màu bị giảm, số sản xuất giảm mất từ 50% đến 80%, có chỗ mất tất cả. Nhiều gia đình bỏ trồng trọt, đào ao nuôi cá. Nhưng khi trời mưa chất độc tràn vào, cá chết.

Ðó là một làng ở Phú Thọ, gần Hà Nội cho nên được ngó tới. Tại miền Nam, vào Tháng Tư năm nay báo Thanh Niên in bản tin nhà nước cho biết có 2 khu phố ở thị xã Tân An được gọi là “xóm ung thư” vì số người chết tăng lên nhiều trong hai năm gần đây. Một người dân cho rằng, nguồn nước đã bị ô nhiễm do nhà máy sản xuất nhôm thải nước ra sông Nhơn Hòa.

Ðến Tháng Năm 2007, tờ báo trên mạng lại đăng tin về một “làng ung thư” khác ở Nghệ An. Ðã có người dân xã Kim Thành, huyện Yên Thành, nói rằng, quê anh là nơi “ra ngõ gặp ung thư.” Có hàng trăm người đã chết, có gia đình sinh ba con, cả ba đều mắc bệnh ung thư. Nhà báo phải dùng những chữ “chết chóc một cách ghê rợn.” Nhưng làng đầu tiên ở Nghệ An được phát hiện là một “làng ung thư” là làng Cờ Ðỏ, huyện Diễn Châu. Người dân còn gọi là “làng chết.” Ở xã Nam Sơn, huyện Ðô Lương, số người chết vì ung thư lên cao, được gọi tên là “làng virus hủy diệt,” nhà báo mô tả là “có mức độ khủng khiếp không kém” làng Cờ Ðỏ. Làng ung thư mới được phát hiện khác là Phong Yên, xã Hưng Hòa thuộc thành phố Vinh.

Tại sao Nghệ An có nhiều “làng ung thư” như vậy? Theo nhà báo tường thuật những lời giải thích của giới chuyên môn thì nguyên nhân chính cũng là môi trường sống bị ô nhiễm. Tại Ðô Lương, người ta biết có những kho thuốc DDT trừ sâu từ mấy chục năm trước, kho nay đã bỏ nhưng mặt đất bị ô nhiễm vì chất độc vẫn còn nguyên. Nước giếng đào bị ô nhiễm đến vàng ố. Tại Yên Thành, cũng do những kho thuốc DDT của hợp tác xã để lại di họa. Những gia đình sống ở xa các nền đất kho DDT, hoặc ở nơi đất cao hơn nền kho DDT thì không bị ung thư như các nhà ở gần. Cả làng vẫn phải dùng nước giếng, trừ mấy gia đình xây được bể chứa nước mưa.

Dân các làng trên đã làm “kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa thấy cơ quan nào kiểm tra.” Một tai nạn khác giáng xuống đầu dân làng Cờ Ðỏ là một cái đập xây ngay đầu làng. Ðập thiết kế sao không biết nhưng nước tràn đã làm ô nhiễm, “có bao nhiêu rác thải, xác chết động vật, bao bì đựng thuốc trừ sâu đã thải xuống sông.” Nhà báo viết, “Làng Cờ Ðỏ như cái túi đựng rác.”

Những hiện tượng “làng ung thư” và “xóm ung thư” trên hầu như không gây nên những phản ứng mạnh nào trong tâm lý đồng bào trong nước. Tuần trước, mục này đã nhắc tới phản ứng của dân chúng thành phố Hạ Môn, Trung Quốc. Khi biết có dự án dựng một nhà máy hóa chất dùng nguyên liệu dầu lửa mà chính quyền đã ký kết với một công ty Ðài Loan. Hàng chục ngàn người dân biểu tình, và chính quyền cộng sản đã phải ngưng dự án hàng tỷ Mỹ kim này. Cuộc biểu tình trên diễn ra nhờ mọi người liên lạc, kêu gọi nhau qua Internet.

Dân ở các làng quê Nghệ An, Việt Nam không bao giờ dùng đến Internet. Dân thành phố thì còn mải những chuyện khác, không biết đến những “làng ung thư.” Nhưng chúng ta biết rằng, nếu nước ta có tự do lập hội, nếu báo chí được tự do hơn, sẽ có nhiều nhà trí thức Việt Nam, nhất là giới thanh niên, sinh viên, sẽ lên tiếng. Tuổi trẻ là tuổi muốn sống có lý tưởng, họ sẽ coi việc bảo vệ môi trường sống là một trách nhiệm chung, một nghĩa vụ cứu nước. Họ sẽ thấy không thể phó mặc việc bảo vệ môi trường cho nhà nước, mà mọi người dân phải họp nhau lại gây phong trào bảo vệ sự sống. Cần một phong trào xanh trong nước Việt Nam, do chính người dân làm lấy. Không thể để một guồng máy chính quyền vô trách nhiệm lãnh đạo đất nước hết đời cha đến đời con, để di họa cho các thế hệ mai sau. Nếu chế độ này còn tồn tại, người dân bị cướp đất cứ việc đi biểu tình, trong khi rác thải, nước thải đầy chất độc sẽ tiếp tục gây họa cho người dân. Lại thêm một lý do khác khiến chúng ta không thể chấp nhận sống với một chế độ độc tài.

Ngô Nhân Dụng
(@nguoivietonline)

Luật ơi là luật!

Lê Diễn Đức

Đảng cộng sản Việt Nam từ mấy chục năm nay vốn đã nổi tiếng về ngành sản xuất nghị quyết. Trong giai đoạn mới, để vươn mình "ra biển lớn", nhiều thứ nghị quyết phải cho mặc áo luật.

Không biết có phải để thích ứng với các tiêu chuẩn khi tham gia Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO) hay không mà quốc hội Việt Nam đã thông qua một loạt luật và có hiệu lực từ 1/07/2007 như DCVOnline đã đưa tin hôm 2/07/2007.

Mặc dù ai cũng biết rằng, cơ cấu của quốc hội bao gồm những dân biểu được đảng cộng sản lựa chọn thường làm luật bằng phương pháp gật đầu theo mọi quyết định của Bộ chính trị - hạt nhân lãnh đạo quan trọng nhất của đảng cộng sản Việt Nam, kiểm soát và thao túng tất cả các định chế của nhà nước.

Vì chỉ mang tính hình thức, là phương tiện trình diễn tuồng chèo với dư luận như thế, cho nên mỗi khi một bộ luật nào đấy ra đời từ Ba Đình, thường gây rất nhiều bàn cãi, công khai trên báo chí có mà thì thầm vỉa hè cũng có. Không phải là sự bàn cãi thông thường, hiển nhiên, mà là tranh cãi, phê phán, mỉa mai những thứ tréo cẵng ngỗng trong các điều luật do đảng/quốc hội Việt Nam đưa ra.

Cách đây không lâu, nhằm đối phó với những cuộc phản kháng, biểu tình của bà con nông dân, đình công của công nhân hay gặp mặt của những người tranh đấu dân chủ, nhà nước ban hành lệnh cấm tụ họp từ năm hay bảy người gì đó. Nhiều gia đình có bốn năm đứa con từ bối rối tơ vò đến cười ra nước mắt mỗi khi có giỗ chạp hay ngày Tết con cháu về sum họp, cộng lại đến hơn cả tá! Đi báo cáo xin phép chính quyền thì quả là vô duyên hết mức! Luật ơi là luật!

Cứ xem bộ luật chống tham nhũng ra đời đã gần hai năm nay. Trong ngày họp thứ 6, kỳ họp quốc hội gật lần thứ 11 (cuối tháng 3/2007), đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hoá) đặt câu hỏi: "Vì sao công cuộc chống tham nhũng ở nước ta lại khó khăn đến vậy, việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng rất khó". Bà nói rằng, bởi vì nó “mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động...”.

Luật ra đời, đã có hiệu lực nhưng để cho có, chơi cho vui, hành dân là chính, vì hoặc chả bao giờ luật đi vào đời sống hoặc các cơ quan nhà nước và nhân dân luôn ngơ ngác chờ mút chỉ các văn bản, nghị định dưới luật hướng dẫn thực hiện của... đảng! Mà rồi chẳng biết đảng có hướng dẫn nổi không, khi mà lắm điều nghĩ suốt cả ngày vẫn thấy vô lý.

Ngoài vài ví dụ vừa nêu ở trên, gần nhất đây là Luật thuế thu nhập, hiệu lực từ hôm chủ nhật, 1/07/2007, không phân rạch ròi giữa hoạt động doanh nghiệp của một cá thể (đôi khi thuộc hình thức kinh doanh có tư cách pháp nhân) riêng rẽ với cá nhân đó. Ông Cao Bá Khoát, Giám đốc một công ty tư vấn doanh nghiệp và cộng sự, thắc mắc: “Thu nhập của hộ sản xuất, kinh doanh cá thể là thu nhập chung của cả hộ, không phải thu nhập riêng của chủ hộ. Dự luật quy định chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể là đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì không hiểu họ phải chịu thuế đối với thu nhập của cả hộ hay chỉ đối với phần thu nhập của riêng mình (...). Chẳng có gì vô lý hơn bằng việc đánh thuế thu nhập cá nhân vào thu nhập chung của cả gia đình!”.

Trong khi đó, mức đánh thuế thu nhập của các nước thành viên WTO dựa trên mức sống xã hội, số thu nhập của các thành phần kinh tế và của cá nhân mỗi công dân quốc gia đó. Thông thường, mức thuế thu nhập tỷ lệ thuận với thu nhập và nhà nước quy định khung miễn thuế cho những người nghèo, thu nhập thấp.

Bên cạnh chính sách thuế, hệ thống bảo hiểm xã hội của một quốc gia và tính công khai, sự minh bạch hoá ngân sách nhà nước chứng minh cho nguồn thu tiền từ túi của người dân sẽ được sử dụng ra sao.

Chế độ càng dân chủ, văn minh thì hệ thống bảo hiểm xã hội càng tích cực, bảo đảm cho công dân các phúc lợi xã hội như giáo dục, chữa bệnh miễn phí, nghỉ phép, trợ cấp nuôi con, trợ cấp tuổi già, hưu trí, v.v... Các nước tư bản như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Đức, Pháp... và nhất là các nước Bắc Âu đánh thuế thu nhập cao vào tầng lớp doanh nghiệp và cá nhân giàu có, nhưng thay vào đó, hệ thống bảo hiểm mang đầy tính nhân bản và công bằng xã hội - là hiện thực đúng đắn nhất của một xã hội xã hội chủ nghĩa. Cái thứ “xã hội chủ nghĩa” mà Trung Quốc, Việt Nam, Cuba... vẫn leo lẻo kêu gào xây dựng chỉ là mớ lý thuyết, khẩu hiệu giả hiệu, bịp bợm. Cộng sản Việt Nam thật đã chết, chỉ còn lại thứ cộng sản lưu manh, trá hình, bắt tay nhau chia chác quyền lợi.

Chính do chỉ liên kết chặt chẽ với nhau bằng những đặc lợi nhưng nội bộ thì chia bè, kéo cánh, khống chế lẫn nhau, nên hoạt động của guồng máy nhà nước Việt Nam luôn có những bất cập, chồng chéo mâu thuẫn và tư duy, kiến thức lúc nào cũng thủng dột, chắp vá. Các bộ luật, thậm chí cả hiến pháp, khi đi vào thực tế mới vỡ lẽ là thiếu cơ sở, thiếu đồng bộ, đôi khi còn hài hước như đùa... Nhưng họ đã quen bài ca “sai lầm rồi lại sửa sai, sửa sai rồi lại sai lầm”. Và như ý của Hà Sĩ Phu, mỗi lần ngã xuống, đảng thường lóp ngóp bò lên rồi dơ hai tay tung hô chiến thắng rằng mình đã ở trên miệng hố.

Theo báo “Người Lao Động”, tiến sĩ Nguyễn Quang A “lo ngại cách đánh thuế lũy tiến (trong dự luật) tác dụng ngược, cản trở sự tăng trưởng của năng suất và đầu tư. Tổ chức Các nước phát triển OCED đang xem xét hạ mức thuế thu nhập thì không lý gì VN áp dụng mức thuế cao như vậy”.

Còn Luật Công Chứng (cũng có hiệu lực từ 1/07/2007), theo báo “Người Lao Động” thì “luật này hiện vẫn chưa triển khai do phát sinh nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho người dân lẫn cán bộ thực thi bởi căn bệnh cố hữu: “Luật chạy trước, văn bản hướng dẫn lẽo đẽo theo sau!”.

Việc đảng muốn xóa bỏ địa hạt công chứng “vẫn chỉ là trên giấy! Trước mắt việc công chứng, chứng thực sẽ vẫn áp dụng theo các quy định hiện hành... Nguyên nhân là do đến nay những văn bản hướng dẫn dưới luật như: nghị định, thông tư vẫn chưa được các cơ quan chức năng ban hành nên tạm thời phải chờ một thời gian nữa”.

Người viết chia sẻ sâu sắc những ưu lo và thắc mắc của phóng viên báo “Người Lao Động”, của các ông Cao Bá Khoát và Nguyễn Đông A.

Tuy nhiên, lẽ ra mọi người nên đi vào cốt lõi cơ bản của vấn nạn sản xuất luật của nước Việt Nam hiện nay. Câu hỏi sau đây ngao ngán bội phần: Có nước nào tự phong cho mình bảng hiệu “xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” mà lại lấy ngân sách nhà nước/tiền thu thuế của dân để chi không hề có cơ chế kiểm soát cho mọi hoạt động của đảng cầm quyền?

Nói chuyện với nhiều người đã và đang làm việc trong chính quyền Việt Nam tôi thấy ai cũng khẳng định rằng, đảng cộng sản hiện nay thực tế đã biến chất, thoái hoá toàn diện về ý thức hệ, là tổ chức mafia không hơn không kém, nối kết từ trung ương xuống địa phương, cộng thêm mạng lưới giăng bủa của các đoàn thể lệ thuộc như Mặt trận Tổ quốc, hội đoàn phụ nữ, thanh niên, hội nhà văn, nhà báo, v.v... tạo thành một đội quân ăn hại/ăn cắp tiền công quỹ khổng lồ, một đại nhà nước trong nhà nước; một quốc gia, hai bộ máy cai trị!

Vậy thì bàn nhiều về các chi tiết kỹ thuật, chuyên môn của luật thuế má hay luật gì gì đi nữa có lẽ chẳng đi đến đâu. Đảng thích tăng thêm cho hầu bao thì đảng tìm cách tận thu mọi nguốn chứ không riêng thuế. Cũng như đảng thích bắt ai thì đảng quy chụp cho cái mũ "vi phạm pháp luật" để bắt, dù người ta chỉ thực thi đúng 100% những điều ghi trong hiến pháp do chính đảng đẻ ra!

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng đã từng nhấn mạnh trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ vừa qua rằng, Việt Nam có luật pháp riêng, có quyền định nghĩa các giá trị dân chủ, quyền công dân theo cách của mình, phù hợp với tập quán lịch sử, văn hoá.

Nhưng đáng tiếc, cái tập quán lịch sử, văn hoá ấy lại là tập quán lịch sử, văn hoá riêng quái đản của đảng!

------------------------------------------

Các dẫn chứng trong bài được lấy từ nguồn: “Người Lao Động – 1” và “Người Lao Động –2”, ngày 3/07/2007.

Đại sứ Na Uy gặp Hoà thượng Thích Quảng Độ

Theo tin của BBC và của Phòng Thông Tin Phật giáo quốc tế có trụ sở đặt tại Paris ngày 3/07/2007, trong ngày 2/07/2007, đại sứ Na Uy (Norway) tại Hà Nội, ông Kjell Storlokken cùng ông Fredrik Steen, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Na Uy đặc trách Chính trị và Kinh tế, đã đến vấn an Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện ở Sài Gòn. Đây cũng là lần đầu tiên Đại sứ Na Uy từ Hà Nội bay vào Sài Gòn để gặp Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Cuộc thăm viếng và trao đổi diễn ra trong một tiếng rưởi đồng hồ, từ 9 giờ sáng đến 10 giờ 30.

Hòa thượng Thích Quảng Độ là Viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức không được nhà nước thừa nhận từ năm 1981. Vào tháng 10 năm ngoái, tổ chức nhân quyền Na Uy, Quỹ tài trợ Thorolf Rafto, đã trao giải nhân quyền cho Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Hòa thượng Thích Quảng Độ trình bày với đại sứ Na Uy sơ lược về lịch sử Phật giáo Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh sinh thế Phật giáo trên các lĩnh vực tôn giáo, văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội trước năm 1975 và tình hình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị nhà cầm quyền cộng sản đàn áp, không cho hoạt động kể từ sau ngày 30/4/1975.

Đại sứ Na Uy đã đặt câu hỏi về khả năng thống nhất Phật giáo Việt Nam thống nhất, thay vì có hai Giáo hội tranh chấp ngày nay.

Hiệp định Genève năm 1954 chia cắt Việt Nam thành hai thể chế chính trị. Năm 1955 Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Hồ Chính Minh cầm đầu về tiếp quản Hà Nội, thì hai năm sau Tổng hội Phật giáo Việt Nam, tiền thân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (1) bị giải thể. Nhà nước cộng sản cho ra đời "Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam", thực tế là một thứ bình phong về tín ngưỡng, là công cụ chính trị phục vụ cho các mục đích của Đảng.

Sau năm 1975, chủ trương đối với Phật giáo miền Bắc trước kia của chính quyền cộng sản lại được áp dụng tại miền Nam. Nếu như trong năm 1955, nhà cầm quyền cộng sản bỏ ra 2 năm để tiêu diệt Tổng hội Phật giáo Việt Nam, thì sau năm 1975, nhà cầm quyền Cộng sản bỏ ra 6 năm để giải thể Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khi cho thành lập một Giáo hội Phật giáo vào năm 1981, tức là Giáo hội Phật giáo quốc doanh ngày nay.

Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng giải thích cho Đại sứ Na Uy hiểu rằng, công cuộc đàn áp nhằm tiêu diệt tôn giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng, diễn ra trên hai phương án. Một mặt đàn áp, khủng bố, vu khống, miệt thị, bắt bớ, giam tù và quản chế, nếu không là thảm sát, hàng giáo phẩm Phật giáo. Mặt khác đem lợi danh, mua chuộc hoặc đe dọa, khủng bố nhằm lôi kéo một số tăng sĩ làm tay sai cho nhà cầm quyền trong việc chính trị hóa Phật giáo, thông qua Phật giáo quốc doanh để kiểm soát Phật tử.

Hiện nay, ở thời điểm cần hội nhập cộng đồng thế giới trên lĩnh vực kinh tế và chính trị, nhà cầm quyền cộng sản không thể khủng bố trắng bằng những cuộc thảm sát hay bắt bớ đại quy mô như trước. Nhà cầm quyền Hà Nội kích động, tuyên truyền làm cho quần chúng sợ hãi và dư luận quốc tế e dè, bằng thủ thuật vu cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất "làm chính trị", "âm mưu lật đổ chính quyền", v.v... Mặt khác, họ thổi kèn đánh trống cho chủ trương "thống nhất hai Giáo hội". Thực tế nhằm thanh toán sự hiện hữu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, lập lại mô thức Giáo hội Phật giáo quốc doanh của năm 1981. Vì nếu thực tâm, nhà cầm quyền Cộng sản hãy để cho Phật giáo toàn quyền lo chuyện nội bộ của mình. Do đó, Hòa thượng Thích Quảng Độ tuyên bố lập trường thống nhất Phật giáo Việt Nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như sau :

1 – Hà Nội phải phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

2 – Hà Nội phải hoàn trả Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tất cả các cơ sở chùa viện, văn hóa, giáo dục, từ thiện mà Nhà nước chiếm dụng sau năm 1975. Bước đầu, hoàn trả ngay cho Giáo hội hai cơ sở chính yếu là Việt Nam Quốc tự và Trung tâm Văn hóa Quảng Đức để Giáo hội có cơ ngơi đặt trụ sở cho Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo.

3 - Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Đảng và Nhà nước thiết lập năm 1981 ra khỏi Mặt trận Tổ quốc.

4 – Hà Nội phải làm sáng tỏ cái chết của Cố Hòa thượng Thích Thiện Minh năm 1978.

© DCVOnline




--------------------------------------------------------------------------------

Chú Thích của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế (International Buddhist Information Bureau), B.P. 63 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France), Tel.: (331) 45 98 30 85, Fax: Paris (331) 45 98 32 61, Email : ubcv.ibib@buddhist.com:

(1): Theo sử liệu, Tăng đoàn Phật giáo thống nhất thành giáo hội từ thời Đinh. Đại Việt Sử ký toàn thư, Kỷ Nhà Đinh viết "năm Tân Mùi (Tây lịch 971), Tống Khai Bảo năm thứ 4, vua quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo. Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt Đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục". Tăng thống là chức triều Đinh phong cho người đứng đầu và lãnh đạo giáo đoàn Phật giáo, Tăng lục là chức quan trông coi Phật giáo dưới Tăng thống. Dưới thời Pháp thuộc, văn hóa và đạo lý Việt bị suy đồi, nên vào những năm 20 đầu thế kỷ XX, các bậc Cao tăng và Cư sĩ đứng lên Chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Nhờ vậy, năm 1931, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ra đời tại Saigon, rồi Hội An Nam Phật học ở Huế (1932) và Hội Phật giáo Bắc Kỳ ở Hà Nội (1934), v.v... Ngày 6/5/1951, 6 tập đoàn Tăng Ni và Cư sĩ ba miền Bắc, Trung, Nam họp hội nghị Phật giáo toàn quốc ở Huế và cho ra đời Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Nguyên do dưới thời Pháp thuộc, Dụ số 10 không công nhận Phật giáo như một giáo hội và buộc phải sinh hoạt theo quy chế hội đoàn. Sau cuộc tranh đấu cho tự do tín ngưỡng của Phật giáo thành công năm 1963, sang năm 1964 Dụ số 10 mới bị hủy bỏ, nên từ đây Phật giáo mới có danh xưng Giáo hội, gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Dân chủ vô tuyến (kiểu Mỹ)

Trà Mi

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn bộ thể chế của chúng ta đã được đổi mới theo tinh thần, theo hơi thở của cuộc sống dân chủ bình đẳng và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
...
Tư tưởng phát huy dân chủ và tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta vẫn chưa được đẩy mạnh vào quá trình cải cách nền hành chính.
...
Nền hành chính của ta phải được tổ chức, vận hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ…

(Trích Tinh thần dân chủ, tinh thần thị trường vẫn chưa thổi mạnh vào tiến trình cải cách hành chính, Nguyễn Xuân Hải, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

...

(ĐCSVN) – Chiều 29-5, tại cuộc họp báo công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử Bùi Ngọc Thanh cho biết những con số rất đáng mừng: 99,64% cử tri đi bỏ phiếu, 95,95% đại biểu Quốc hội mới được bầu cử có trình độ đại học trở lên.

(Trích Quyền dân chủ được nâng lên một bước, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)



Ngày 21/03 ở Hà Nội – phát biểu trong buổi thảo luận, báo cáo công tác khoá 11 của Quốc hội Việt Nam – Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, Nông Đức Mạnh vừa chỉ đạo “không để trò chơi dân chủ lồng vào sinh hoạt quốc hội”.

Theo TTXVN dân chủ đối thoại trực tuyến à la Ba Dũng (Thủ tướng nhà nước CHXHCNVN) ngày 09/02 “đã thu hút sự quan tâm theo dõi của hàng triệu người, với 20 nghìn câu hỏi đã gửi cho Thủ tướng ... có gần 20 nghìn người (19.345 visitors) truy cập vào địa chỉ thutuong.chinhphu.vn ... có 20% bạn đọc ở 46 quốc gia, vùng lãnh thổ theo dõi đối thoại trực tuyến ...”

Và mới đây, trả lời tờ The Straits Times, cựu thủ tướng CHXHCNVN, Võ Văn Kiệt nói, “Mỗi nước có quan niệm riêng về nhân quyền và dân chủ, và mỗi nước đều có quyền chỉ trích nước khác, kể luôn cả Hoa Kỳ”

Đó là vài thí dụ về dân chủ định hướng xã hội chủ nghĩa. Và bây giờ người viết xin giới thiệu với bạn đọc một phát kiến mới về sinh hoạt dân chủ ... kiểu Mỹ.

Từ mùa hè đến mùa thu 2007, hãng thông tấn CNN và YouTube cùng với dân chúng tại Mỹ sẽ viết trang sử mới trong sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ. Theo dự án CNN–YouTube này, bất kỳ người dân Mỹ nào cũng có thể tự quay video, đặt câu hỏi cho các ứng viên tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà nhân dịp hai cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên trong cùng đảng vào tháng 7 và tháng 9 năm nay.

Khi được chọn, video hình ảnh và câu hỏi của công dân Mỹ sẽ được CNN truyền đi khắp nơi cùng lúc với hai cuộc tranh luận vào ngày 23 tháng 7 tại South Carolina (giữa các ứng cử viên đảng Dân Chủ) và ngày 17 tháng 9 tại Florida (giữa các ứng cử viên đảng Cộng Hoà).

Ngoài việc được dân cả nước nghe và theo dõi qua đài truyền hình, người có video được chọn sẽ được đưa đến Charleston, South Carolina tham dự cuộc tranh luận của đảng Dân Chủ và sau đó sẽ được YouTube dành riêng một góc để tiếp tục bày tỏ quan điểm trên video blog CitizenTube

Ban biên tập chính trị của CNN đề nghị khán thính giả khi làm video đặt câu hỏi nên:

– Có óc sáng tạo, chọn phương pháp độc đáo
– Giữ nét đặc thù
– Dặt câu hỏi cho 1 hay nhiều ứng cử viên tuỳ thích
– Hỏi ngắn, gọn dưới 30 giây (bằng ngôn ngữ tự chọn)
– Nói lớn, hỏi rõ, giữ máy thu hình không rung
– Ghi tên thật, thành phố đang sinh sống trong phần giới thiệu video của mình

Tất cả video gởi cho YouTube đều xem như đã đồng ý với bản điều lệ của YouTube

Xin mời bạn đọc DCVOnline đang sinh sống tại Hoa Kỳ cùng tham dự sinh hoạt dân chủ trong chương trình CNN–YouTube. Người viết đặc biệt mời các bạn đọc đang năng nổ góp ý trong diễn đàn Đàn Chim Việt, làm một bước nhảy vọt, quay video đặt câu hỏi thẳng với chính khách Hoa Kỳ về các vấn đề quý bạn đọc đang quan tâm.

Bạn đọc DCVOnline có thể gởi video đặt câu hỏi cho ứng cử viên Tổng thống Mỹ tại đây

Câu hỏi cho các ứng viên đảng Dân Chủ cần gởi đi trong khoảng từ 14 tháng 6 đến 22 tháng 7, 2007. Gởi video càng sớm càng tốt vì khi viết dòng này đã có 367 người đã gởi video cho YouTube.

Đặt câu hỏi cho Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết hay Nguyễn Tấn Dũng bạn đọc có thể còn nghi ngại bị ban biên tập của đảng vứt đi, e dè sợ công an mạng theo dõi email hoặc bị bắt ở phi trường Nội Bài hay Tân Sơn Nhứt. Đặt câu hỏi cho chính khách Mỹ ít nhất cũng có Video trên YouTube. Ngon hơn nữa thì bạn đọc sẽ lên TV (nói cho cả nước Mỹ nghe) và còn được đưa đến tham dự buổi tranh luận của các ứng viên tranh cử Tổng thống. Yên trí, sẽ không có nhân viên FBI Mỹ gõ cửa mời đi làm việc và bắt ký giấy “đầu hàng” không được quậy hay đòi dân chủ như chuyện thường xảy ra ở Việt Nam.

Còn đợi gì nữa. Mời bạn đọc DCVOnline ở Mỹ cùng nhau mở webcam, dựng tripod gắn máy thu hình và one, two, three, Ask your questtion, take one, Action!

Để thực sự lắng nghe tiếng nói người dân, đến khi nào báo đài của nhà nước mới có đủ dũng cảm thử nghiệm dân chủ vô tuyến truyền hình kiểu Mỹ? Chương trình VTV1–YouTube, nếu xảy ra, sẽ không làm hại đến sự ổn định xã hội, làm giảm FDI hay lật đổ được nhà nước.

Thử nghiệm lắng nghe tiếng người dân kiểu này coi bộ khả thi hơn cách mời và lời mời xỏ lá của Nguyễn Minh Triết khi chiêu đãi Việt kiều (dụ về làm ăn với nhà nước) ở Dana Point, California mới đây.

Khi ông chủ bị bịt miệng, bịt mắt, bịt cả tai...

“… chủ trương '' tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại '' tưởng là khôn ngoan, nhưng thật ra là dại dột, vì làm lộ ra chân tướng không tin ở dân mình, chuyên bịt mồm, bịt mắt, bịt tai dân mình …”

Trước hết, danh chính ngôn mới thuận. Ông chủ đây không phải là ông chủ tịch Triết đâu! Chớ vội tưởng bở. Ông chủ đây là nhân dân Việt nam ta, người chủ thật sự của nước ta.

Vì trong chuyến Mỹ du của ông Triết, công luận Mỹ, thế giới dân chủ quốc tế, các ông bà nghị sĩ Mỹ và cả tổng thống Mỹ nữa đều coi nhân dân Việt nam là người chủ chân chính và lâu dài của nước ta. Chỉ trừ nhóm lãnh đạo độc đoán của đảng cộng sản vẫn tự coi là người chủ ngự trị trên đầu dân ta. Họ tự cho mình cái quyền láo xược bịt miệng, bịt mắt, bịt cả tai nhân dân ta, ông chủ nhà họ từng mở mồm công nhận hão.

Trong chuyến Mỹ du của ông Triết mới rồi, đội quân tuyên truyền báo chí rất chi là hùng hậu, lên đến hơn 50 người, gồm phóng viên báo nói, báo viết, báo mạng, quay phim, chụp ảnh, người phát ngôn...dưới quyền cai quản chặt chẽ đến khắt khe của bộ trưởng thông tin - văn hoá Lê Doãn Hợp.

Đội quân này được tuyển chọn kỹ và huấn thị nghiêm rằng: chỉ được viết bài, đưa tin, hình ảnh có lợi cho đảng và chế độ độc đảng, tuyệt đối cấm không được đưa nội dung nào có hại cho hình ảnh của đảng và chế độ. Dù cho nhiều sự kiện là hiển nhiên, rõ ràng, là sự thật được toàn thế giới công nhận, cũng cứ phải im thin thít, coi như không có, nghĩa là phải bịt mắt, bịt tai các độc giả, khán giả, thính giả - bà con ta ở trong nước.

Trước khi ông Triết sang Hoa kỳ, nếu chỉ đọc báo và nghe đài trong nước, bà con ta không biết rằng đã có nhiều sự kiện rất quan trọng liên quan đến chuyến đi này.

Như việc Tổng thống Bush cùng phó tổng thống đã mời 4 công dân Mỹ gốc Việt vào Nhà Trắng ngày 29-5-2007 để hỏi ý kiến trên tinh thần tin cậy và thân tình, dù cho chính quyền Hànôi cho rằng đó là những ''kẻ phản động'', ''hoạt động lật đổ'', là ''tên khủng bố'' từng bị bắt giam trong Hoả lò.

Như việc ngày 5-6-2007 Tổng thống Mỹ sang Praha (Tiệp) theo lời mời của Nhà dân chủ / Giải thưởng Nobel / nguyên Tổng thống Tiệp Havel dự cuộc họp quốc tế Dân chủ và Nhân quyền, đọc bài diễn văn dài long trọng cam kết Hoa kỳ tiếp sức mạnh mẽ nhân dân bị áp bức ở bất cứ nước nào đứng dậy giành tự do; ông Bush ca ngợi nhiều chiến sĩ dân chủ đang bị giam cầm và cho rằng trong đó nhiều người sẽ trở thành nhà lãnh đạo của những nước dân chủ tương lai; ông nhắc lại chủ trương Hoa kỳ có quỹ yểm trợ các phong trào dân chủ khắp thế giới, nhiều lần nhắc đến các chiến sĩ dân chủ Việt nam kiên cường và còn đòi trả ngay tự do cho Bà Aung San SyuKi và Linh mục Nguyễn Văn Lý.

Có dịp trao đổi tình hình về quan hệ Việt - Mỹ với một số nghị sĩ và nhà báo Mỹ ở Washington DC, tôi được họ cho biết rằng qua hai sự kiện trên, Tổng thống Hoa kỳ muốn gửi thông điệp rõ và mạnh đến người Việt nam nói chung, bao gồm giới cầm quyền ở Hànôi, các chiến sĩ dân chủ trong nước, cộng đồng người Việt khắp nơi, nhưng hướng chính là gửi đến đông đảo người dân bình thường chưa có quyền tự do ở trong nước, những người chủ chân chính của nước ta trong tương lai không xa.

Chính vì lẽ ấy mà tôi thấy có trách nhiệm viết bài báo này để tường trình tạm đầy đủ về chuyến đi của ông Triết, đặc biệt những gì mà chính quyền độc đảng cố ý che giấu nhân dân ta, cố ý bịt mắt bịt tai bà con ta.

Ngay cả bài nói ngắn chính thức của Tổng thống Bush trong phòng bầu dục của Nhà Trắng trưa 22-6-2007 lẽ ra phải đưa nguyên văn theo thông lệ quốc tế, theo tập quán lễ tân, tôn trọng lẫn nhau trong phép giao hảo và lịch sự, có đi có lại, thì chính quyền độc đảng đã xử sự một cách bất lịch sự, vô lễ, bất xứng, không giống ai, xoá bỏ hẳn một đoạn nói về dân chủ và nhân quyền.

Đây là thái độ trịch thượng vô lễ trước hết là đối với nhân dân ta ở trong nước, kiểu cường hào vô văn hóa, tự vỗ ngực : ta đây là ông chủ các ngươi, ta muốn cho các ngươi được biết điều gì là quyền của ta, tai các ngươi được nghe điều gì, mắt các ngươi được đọc điều gì là quyền của ta. Các ngươi là thần dân của ta, ta cho gì thì được nấy, không được đọc những gì, nghe những gì ta cấm, rõ chưa.

Thì dưới đây là nguyên văn câu nói của Tổng thống Bush đã bị kiểm duyệt trên báo và đài Hànôi:

''Tôi cũng nói rõ ràng là nếu muốn cho mối quan hệ giữa hai bên (Mỹ và Việt nam) phát triển sâu hơn, một điều quan trọng là các người bạn (phía Việt nam) của chúng ta phải cam kết mạnh mẽ hơn trong vấn đề nhân quyền và tự do, dân chủ. Tôi đã giải thích (với ông Triết) niềm tin tưởng mạnh mẽ của tôi là các xã hội sẽ phong phú hơn lên nếu nhân dân được phát biểu tự do và tín ngưỡng tự do ''.

(Nguyên văn tiếng Anh là: '' I also made it very clear that in order for relations to grow deeper that it's important for our friends to have a strong commitment to human rights and freedom and democracy. I explained my strong belief that societies are enriched when people are allowed to express themselves freely and worship freely ''.)

Thế là bịt miệng toàn dân Việt, bịt miệng Linh mục Lý giữa phiên toà, bịt miệng các chiến sĩ dân chủ chưa đủ, nay họ còn bịt miệng cả đến Tổng thống Mỹ !

Kiểm duyệt đoạn cốt lõi trên đây trong phát biểu chính thức của Tổng thống Hoa kỳ, nhóm cầm quyền Hànôi muốn dấu kín điều rất hệ trọng là chính quyền Hoa kỳ công khai khẳng định rằng điều kiện để phát triển sâu hơn quan hệ 2 nước là phía Việt nam phải cam kết mạnh mẽ thực hiện việc tôn trọng nhân quyền và quyền tự do dân chủ của công dân, nghĩa là không được bắt người chỉ vì có ý kiến chính trị khác biệt, không được bỏ tù người đòi quyền dân chủ, đòi tự do lập hội, tự do báo chí, tự do tôn giáo được ghi trong hiến pháp như họ vẫn làm cho đến nay.

Thêm nữa, giới lãnh đạo Hànôi cũng che giấu nhân dân điều đáng hổ thẹn là ông Triết đã cúi mình nhượng bộ (trả tự do cho anh Nguyễn Vũ Bình và anh Lê Quốc Quân) để được sang Mỹ và khi vào Nhà trắng đã ''bị'' ông Bush lên lớp cho về bài học dân chủ, rằng trả lại tự do cho nhân dân thì đất nước sẽ chỉ có giàu có, phong phú thêm lên mà thôi. Thật là một bài học đơn giản mà sâu sắc, cho những người chuyên lên lớp dạy bảo nhân dân, chuyên leo lẻo về ''phục vụ nhân dân'', về ''chính quyền của dân, cho dân, vì dân'' nhưng thật ra chỉ là chính quyền ''của đảng, cho đảng, vì đảng '' rất bảo thủ, lạc hậu đến tăm tối về dân chủ cần đến tận đất Mỹ để nhận bài học vỡ lòng. .

Một điều quan trọng nữa là những cuộc gặp gỡ của ông Triết với một số nhân vật hàng đầu trong ngành lập pháp Hoa kỳ cũng đã bị kiểm duyệt chặt chẽ trên báo, đài phát thanh và vô tuyến truyền hình trong nước. Cả một đội quân đông đảo tuyên truyền - báo chí quay phim, chụp ảnh đã cố tình bỏ quên, bỏ qua những cuộc gặp gỡ căng thẳng, có thể nói là đầy sóng gió giữa ông Triết và bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, với lãnh tụ phe đa số trong Thương viện Harry Reid, rồi với lãnh tụ đảng cộng hoà trong Thượng viện Mitch Mc Connell, thượng nghị sĩ Cộng hoà Chuk Hagel(Nebraska) cũng như trong buổi gặp ''nhóm dân biểu quan tâm đến Việt nam'' gồm các vị Frank Wolf và Tom Davis(Virginia), Chris Smith(New Jersey), Ed Roy và Zoe Lofgren(Cali)... Các phóng viên Mỹ có mặt đều tả lại những cuộc gặp ấy như là những cuộc chất vấn, hạch hỏi, dồn dập những câu : vì sao? vì sao? vì sao lại bắt giam, vì sao lại bỏ tù, vì sao bịt miệng, vì sao xử án chớp nhoáng, không có bào chữa, không có tranh tụng? ông Triết mất bình tĩnh, lúng túng, quanh co, người phiên dịch luống cuống, đúng như kẻ phạm tội chối quanh, hay như anh học trò dốt không thuộc bài, thật khốn khổ. Có thể ông ta đang chửi thầm, oán trách bộ chính trị 13 vị khác không có mặt để chia sẽ nỗi niềm tủi hổ cơ cực nhớ đời này !

Ông Triết bị bất ngờ trong Capitol - trụ sở Quốc hội Hoa kỳ vì không hề quen với cơ cấu quyền lực Mỹ, ông cứ tưởng như quốc hội trong nước, không có thực quyền. Thật ra Quốc hội Mỹ do từng lá phiếu của cử tri gom lại mà bầu ra, có thực quyền kiểm soát chặt chẽ chính phủ và Tổng thống, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng.

Cái vận đen thui của ông Triết ở Capitol còn là các ông nghị mặn mà với bang giao Mỹ - Việt vốn đã ít ỏi đều lần lượt thay đổi thái độ, như ứng cử viên tổng thống Mc Cain rất có uy tín hay như Chủ tịch tổ chức Caucus for Vietnam Blumenauer Dorgon đầy thế lực, vốn nhiệt tình sôi nổi với Hànôi nay lại đứng ở hàng đầu trong đông đảo nghị sĩ và dân biểu Mỹ đòi nhân quyền và dân chủ trước hết cho nhân dân Việt nam. Họ lắc đầu dứt khoát không chấp nhận kiểu lải nhải của ông Triết rằng các chiến sĩ dân chủ bị tù là do ''phạm pháp hình sự'' và nói thẳng rằng việc chống chế vụng về kiểu trẻ con ấy không thuyết phục được ai và không xứng đáng với một chính quyền biết tự trọng và có thiện chí xây dựng lòng tin cậy bè bạn.

Cũng chưa hết, ngay trên đồi Capitol, đúng một tuần trước khi ông Triết đến, tổng thống và lãnh đạo Quốc hội Hoa kỳ đã long trọng khánh thành tượng đài kỷ niệm hơn 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản toàn thế giới, ở Liên xô cũ, Trung quốc, Đông Âu, Bắc Hàn, Cuba, Cambôt, trong đó có hàng triệu nạn nhân Việt nam trong cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, trong các vụ án Nhân văn - Giai phẩm, Xét lại chống đảng, các trại cải tạo và trong bi kịch thuyền nhân...Chỉ cần ông Triết đến đài kỷ niệm này đặt một bó hoa và chân thành tưởng niệm là đủ để thay cho hàng vạn lời ba hoa về ''đoàn kết và hoà hợp dân tộc'', về ''xoá bỏ hận thù hướng tới tương lai '', thực tế là kêu gọi những nạn nhân của chính họ tiếp tục quỳ gối làm tay sai cho một chính quyền độc đảng vẫn đè đầu cưỡi cổ nhân dân.

Mong rằng các bạn sành đọc báo, sành nghe đài, mong nuốn biết rõ sự thật, những diễn biến cụ thể, với tình tiết chân thực về chuyến Mỹ du của ông Triết hãy nghe bằng cả 2 tai, nghe đài Hànôi rồi nghe cả các đài RFA, RFI, BBC, VOA..., hãy đọc các báo Nhân dân, Lao động, Thanh niên, Tưổi trẻ, Tia sáng, Công an nhân dân, An ninh thế giới... rồi tìm đọc trên mạng các báo điện tử Đối thoại, Ý kiến, Đàn chim Việt, Phù sa, Thông luận, Cánh én, và các báo Mỹ như The Wall Street Journal, the Washington Post, the New Yorker, U.S. Today, the Boston Globe..., rồi so sánh các bạn sẽ rút ra được khối chuyện lý thú và bổ ích.

Rồi các bạn sẽ tự mình nhận ra rằng cái chủ trương '' tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại '' tưởng là khôn ngoan, nhưng thật ra là dại dột, vì làm lộ ra chân tướng không tin ở dân mình, chuyên bịt mồm, bịt mắt, bịt tai dân mình, và đồng thời cũng tự thú nhận sợ sự thật, tự mình lừa dối mình nên không tiến bộ được.

Khi báo cáo kết quả chuyến Mỹ du với bộ chính trị và ban chấp hành trung ương đảng, tôi đoan chắc là ông Triết sẽ ém nhẹm những chuyện chuyến đi đã trắc trở, suýt bị lỡ tàu ra sao, không nâng cao được thành cuộc thăm chính thức ở tầm nguyên thủ quốc gia ra sao, không có bắn súng lớn, chào cờ, duyệt quân danh dự, cũng không có quốc yến, cho đến không có thông cáo chung, rồi phải đi cửa hông, cửa hậu, đi lén ra sao; rồi những cảnh bị truy hỏi cật vấn ở Quốc hội Mỹ ra sao, báo chí Mỹ đưa tin, bình luận về chuyến đi này như thế nào (họ đưa tin và ảnh về cảnh biểu tình đông đảo thành rừng người, rừng cờ, rừng biểu ngữ còn nhiều hơn là cảnh hoạt động của ông Triết).

Ông Triết cũng sẽ thổi phồng chuyện gặp bà con ta ở hải ngoại tại Nam Cali, dấu kín những chi tiết không đẹp đẽ gì như phải chọn địa điểm Dana Point cách Orange County - thủ đô người Việt tỵ nạn đến 40 kilômét, trong một phòng chứa tối đa 660 người, nhưng nói bừa lên là một nghìn, đoàn ông Triết đã 200; ông Triết phải đến và đi trên xe cảnh sát Mỹ vào Monarch Hôtel, và phải mời nhân vật Nguyễn Cao Kỳ từ Sàigòn sang làm cây cảnh chính, trong khi uy tín của vị tướng cao bồi này là dưới con số âm, cả trong và ngoài nước và trong công luận quốc tế; ông ta đang lo xây một trung tâm ăn chơi cờ bạc loại bự cho chủ Mỹ để hưởng hoa hồng môi giới, đến độ chưa có thời gian nào để đến thăm nghĩa trang Biên hoà như đã hẹn hão huyền.

Bà con ta ở trong nước cũng không được biết về những lời bàn luận sắc sảo của các nhà bình luận thời sự quốc tế lão luyện nhất về chuyến Mỹ du của ông Triết, như về bóng đen của giới cầm quyền Bắc kinh khi họ ép ông Triết phải sang bái yết Thiên triều trước khi đi Mỹ, rồi ép ông Triết phải đón tiếp ''đồng chí thượng tướng Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung quốc trước chuyến Mỹ du '', từ đó phía Mỹ đã lịch sự quên việc nâng quan hệ Mỹ - Việt lên tầm quan hệ chiến lược, và cũng quên luôn hứa hẹn ủng hộ Hànôi trở thành uỷ viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Đã có nhiều bài bình luận cho rằng trong quan hệ buôn bán Việt - Mỹ và Việt - Trung đều đạt 9 tỷ đôla trong năm 2006, nhưng phía Việt nam được lợi cực lớn trong xuất nhập khẩu với Mỹ bao nhiêu - chừng 8 tỷ đôla - thì lại bị thiệt bấy nhiêu trong xuất nhập khẩu bất cân xứng với Trung quốc vì bị họ bán phá giá, chưa kể hàng lậu và hàng cấm như thuốc phiện, tràn vào như nước lũ qua biên giới bỏ ngỏ, với sự thông đồng của các quan chức cộng sản tham nhũng của 2 nước .

Thật ra sự phụ thuộc Trung quốc dai dẳng về chính trị mới là bi kịch khổng lồ của dân tộc, kìm hãm đất nước trong chế độ độc đảng lạc hậu giữa thế giới dân chủ văn minh, một chế độ bịt miệng, bịt mắt, bịt tai nhân dân, tự cho đảng cái quyền ban ơn theo chế độ vua quan phong kiến cổ lỗ, chuốc lấy sự chê cười và lên án của thế giới văn minh.

Tìm hiểu cho thật rõ sự thật đầy đủ về chuyến Mỹ du của ông Triết, đồng bào ta tất sẽ vỡ lẽ ra rằng nỗi tủi nhục của chuyến đi này xét cho cùng bắt nguồn từ cái thảm cảnh để cho người ta dạy bảo mình về thái độ ứng xử văn minh với nhân dân nước mình, tự đặt đảng cộng sản vào vị trí đi đàn áp những chiến sĩ kiên cường có lý tưởng cao quý, chống lại những người đấu tranh đòi lại quyền sống tự do cho toàn dân.

Để thoát khỏi những chuyến đi ô nhục, chỉ có một cách duy nhất là đảng cộng sản sòng phẳng trả lại nhân dân quyền làm chủ đất nước, tôn trọng tự do của công dân, để nhân dân tự do mở miệng, mở mắt và lắng nghe, trả lại dân quyền lập hội, quyền tự do báo chí và quyền tự do bầu cử được ghi trong Hiến pháp. Và bắt đầu bằng tôn trọng quyền của toàn dân được thông tin trung thực, kịp thời và đầy đủ.

Bùi Tín
Paris. 4-7-2007

Thống nhất Phật Giáo?

“… Chia rẽ nguyên khởi là do hoàn cảnh đất nước chia đôi, rồi tới chính phủ Cộng Sản sau 1975 với chính sách độc tài toàn trị đòi hỏi kiểm soát toàn bộ mọi sinh hoạt …”

Thống nhất Phật Giáo? Thực sự, đó sẽ là niềm vui rất là lớn đối với tất cả các Phật Tử. Nhưng tình hình có vẻ không dễ tí nào. Chia rẽ nguyên khởi là do hoàn cảnh đất nước chia đôi, rồi tới chính phủ Cộng Sản sau 1975 với chính sách độc tài toàn trị đòi hỏi kiểm soát toàn bộ mọi sinh hoạt. Và rồi bây giờ, Hòa Thượng Thích Quảng Độ nêu lên 4 điểm để thống nhất Phật Giáo tại Việt Nam. Có thể làm được không?

Thực sự, đứng về mặt giáo nghĩa, không thể nào có sự chia rẽ giữa những người cùng là con Phật. Bởi vì khi đã cùng công nhận giáo nghĩa Tam Pháp Ấn (Khổ, Vô Thường, Vô Ngã) hay theo một lý giải khác từ Phật Giáo Tây Tạng là Tứ Pháp Ấn (Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã) thì mọi phân biệt chỉ là chuyện phụ, và do hoàn cảnh lịch sử, hay địa lý, hay do các khác biệt xã hội và phương pháp tu hành.

Cho nên, dù có dị biệt giữa các tông phái Theravada, Thiền Tông, Tịnh Độ, Mật Tông, Phật Giáo Tây Tạng... nhưng pháp tu đều quy về một mối đơn giản là: làm lành, lánh dữ, và an tâm. Tuy đơn giản nhưng cực kỳ khó thực hiện. Tất cả dị biệt chỉ là phương tiện.

Dị biệt lịch sử và điạ lý thực sự không ngăn chia được Phật Giáo Việt Nam. Bản dịch và chú giải Kinh Lăng Nghiêm của ngài Tâm Minh Lê Đình Thám, người ngồi tại Chùa Quán Sứ, Hà Nội suốt từ thời đất nước chia đôi cho tới khi từ trần, vẫn được trân trọng và sau này dùng làm giáo trình để học. Bởi vì cũng giáo nghĩa đó, không khác nhau.

Nhưng khi chính trị thò tay vào thì mọi chuyện mới khác. Đó là khi hai miền thống nhất, nhà nước CSVN nhìn thấy nếu kết hợp các giáo hội Phật Giáo, thì chính phủ sẽ không kiểm soát nổi Phật Giáo. Vì đơn giản, các nhà sư xuất sắc nhất, và là cột trụ nhất hầu hết đều là sản phẩm văn hóa Miền Nam. Thậm chí, sách nghiên cứu về Phật Giáo do các sư Miền Nam viết ra, riêng của Đại Học Vạn Hạnh, cũng đủ hớp hồn các học giả về Phật Giáo từ Miền Bắc.

Rán mà nhớ thì tôi không hình dung có tác phẩm về Phật Học nào gọi là khả dĩ ở Miền Bắc. Tất cả đều dồn năng lực cho cuộc chiến. Tất cả đều nướng cho tham vọng “phất ngọn cờ đầu của ba dòng thác cách mạng, xông tới kiên cường ở hai mặt trận giảỉ phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội”, để rồi ba thập niên sau nhà nước CSVN phải động viên tới một tiểu đoàn “ngoại cảm” để vẽ bùa vuốt ve lòng dân. Thực sự, rán mà nhớ thì tôi chỉ nhớ được mỗi cuốn dịch và chú giải Kinh Lăng Nghiêm của ngài Tâm Minh Lê Đình Thám là đáng tôn kính, nhưng thấy rõ là các sư Miền Bắc có vẻ không trân trọng ngài Tâm Minh bao nhiêu.

Có lẽ lý do chính, vì ngài Tâm Minh chỉ đơn giản sống lặng lẽ ở một góc chùa.

Thực tế nữa, khi hai miền Nam, Bắc thống nhất, nếu lập giáo hội thống nhất hai miền, thì các sư Miền Bắc sẽ không nắm quyền lãnh đạo giáo hội được, vì trình độ học Phật hầu hết đều không bằng các sư Miền Nam. Thậm chí, về giới luật hiểu biết cũng khả nghi. Đau lòng mà nói lên sự thực như thế.

Như thế, nếu thống nhất giáo hội lúc đó, thì làm sao sư Miền Nam tâm phục và khẩu phục các sư Miền Bắc? Thêm nữa, một vài nhà sư đang ở Côn Đảo về, được nhà nước CSVN tìm cách đưa lên, nhưng làm sao mà họ có trình độ qua nổi các ngọn núi Thái Sơn của Phật Học Miền Nam?

Thế nên, nhà nước CSVN phải đánh phá các giáo hội Miền Nam cho tan tác, phải bắt bỏ tù hàng loạt, trong khi dàn dựng các nhà sư tin cậy, chịu nhẫn nhịn để gìn giữ chùa, tìm phương tiện hoằng pháp.... ra làm giáo hội thân nhà nước.

Bây giờ thì qua hơn ba thập niên, nhiều thế hệ sư ni trẻ đang lên, gánh vác các công việc Phật sự ở cả hai miền. Chỉ còn vài nơi đang có vấn đề về tư cách nhà sư, thường lại là các nhà sư liên hệ thế lực chính trị của nhà nước. Thí dụ, như chuyện ở Đồng Tháp, là do sư dựa vào Tỉnh Uỷ mà hỏng.

Nhưng nếu Phật Giáo không thống nhất được, thì sẽ rất khó cho sự phát triển của Phật Giáo trước tình hình toàn cầu hóa, và trước áp lực thế tục hóa ngaỳ càng mạnh ở quê nhà.

Thêm nữa, không thống nhất giáo hội, sẽ thấy rất nhiều nguồn lực tản mác, đặc biệt không tập trung nổi sức mạnh hải ngoại, nơi hầu hết ủng hộ giáo hội mà hai Hòa Thượng Huyền Quang và Hòa Thượng Quảng Độ gánh vác.

Bản tin Phòng Thông Tin Phật Giáo 2-7-2007 ghi nhận rằng hôm thứ hai 2.7.2007, ông Kjell Storlkken Đại sứ Na Uy tại Hà Nội và ông Fredrik Steen, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Na Uy đặc trách Chính trị và Kinh tế, đến vấn an Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon.

Cuộc thăm viếng và trao đổi xảy ra trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ, từ 9 giờ sáng đến 10 giờ 30. Sau đó qua điện đàm, Hòa thượng đã cho ông Võ Văn Ái biết nội dung cuộc gặp gỡ và trao đổi. Đặc biệt là:

“Hòa thượng Thích Quảng Độ tuyên bố lập trường thống nhất Phật giáo Việt Nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như sau:

"Giáo hội chúng tôi luôn chủ trương hòa hợp trên cơ sở bình đẳng và đồng đẳng. Không chấp nhận chính trị hóa tôn giáo. Bốn điều kiện cơ bản và bất khả phân để thống nhất Phật giáo Việt Nam là:
"Thứ nhất, CHXHCNVN phải phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất;

"Thứ hai, hoàn trả Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tất cả các cơ sở chùa viện, văn hóa, giáo dục, từ thiện mà Nhà nước chiếm dụng sau năm 1975. Bước đầu, hoàn trả ngay cho Giáo hội hai cơ sở chính yếu là Việt Nam Quốc tự và Trung tâm Văn hóa Quảng Đức để Giáo hội có cơ ngơi đặt trụ sở cho Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo;

"Thứ ba, đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Đảng và Nhà nước thiết lập năm 1981 ra khỏi Mặt trận Tổ quốc; và

"Thứ tư, làm sáng tỏ cái chết của Cố Hòa thượng Thích Thiện Minh năm 1978".”
Chúng ta sẽ thấy cực kỳ khó để được thỏa mãn đầy đủ 4 điểm này. Nhưng đồng thời, CSVN cũng phải thấy là Hà Nội đang bị nhiều áp lực, đặc biệt là luật pháp Mỹ không cho phép chính phủ Mỹ quan hệ bình thường với một chế độ áp bức tôn giáo như CSVN. Trong lá thư đề ngày 21-6-2007, gửi TT Bush , nhóm 10 dân biểu Mỹ -- Zoe Lofgren, Frank R. Wolf, Loretta Sanchez, Joseph R. Pitts, Robert B. Aderholt, Dan Burton, Luis V. Gutierrez, Thaddeus G. McCotter, Janice D. Schakowsky, Christopher H. Smith - đã viết:
“...yêu cầu ngài ghi Việt Nam lại vào danh sách “các nước cần đặc biệt quan tâm” (CPC) theo đạo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 1998. Hành động này là một thông điệp ngoại giao thích đáng rằng mối quan hệ Mỹ-Việt đang bị tổn thương bởi những hành động bắt bớ, hạn chế, vi phạm nhân quyền và hạn chế tự do tôn giáo của những nhà vận động cho dân chủ...”
Nhà nước CSVN cần hiểu rằng quyền hạn của quốc hội Mỹ không phải để ngồi gật như quốc hội CSVN, và cần hiểu rằng luật Mỹ về quy chế CPC cũng không phải thứ luật CSVN muốn bóp méo hay giải thích sao cũng được.

Hãy nhớ rằng, mỗi một vi phạm đối với các nguyên tắc nhân quyền LHQ đều sẽ tự làm hại cho dân cả nước. CSVN không có quyền nói rằng mỗi nước có luật riêng, có cách hiểu về nhân quyền riêng.

Đơn giản, nhân quyền có tính phổ quát, và Công Ước Nhân Quyền LHQ đã được Hà Nội ký vào, thì mọi sự tráo trở đều sẽ hại dây chuyền cho toàn dân thôi. Cần nhớ rằng VN đã bị vào danh sách CPC, và đã gỡ ra hết sức vất vả.

Riêng về trường hợp Việt Nam, nếu chính phủ CSVN thật tâm muốn hòa giải với toàn dân, thì hãy đón nhận cơ hội do Hòa Thượng Quảng Độ đưa ra. Đây là cơ hội vàng.

Nhà nước cần nói chuyện với Hòa Thượng Quảng Độ, bởi vì trong 4 điều đều có thể nói chuyện được, qua các vị sư lớn trong hai Giáo Hội Phật Giáo hiện nay, một giáo hội hợp pháp, và một giáo hội bất hợp pháp.

Nhu cầu nói chuyện là cần thiết. Và nhà nước có thể xoa tay mà nói, “Đó là chuyện của các sư, còn nhà nước không muốn can thiệp.” Thực sự, các vị sư trong giáo hội nhà nứớc không dám tự ý làm gì cả. Và thậm chí, hầu hết đều không muốn làm gì nổi bật, vì tỏ lộ tài năng sẽ chỉ mang họa lớn trong một chế độ toàn trị như thế.

Nhất là khi chính phủ CSVN vừa loan báo kế hoạch vài năm tới sẽ đào tạo 22,000 cán bộ trình độ cử nhân để làm việc cho Ban Tôn Giáo. Tại sao không đào tạo 22,000 bác sĩ hay kỹ sư, mà lại buộc các sinh viên mới rời trường đại học phải đi theo dõi các sư ni, các bác, các chú, các anh chị cư sĩ của mình?

Hãy nói chuyện trước hết. Xin nhà nước hãy làm như thế.

Điều đơn giản nhất là nói chuyện với các nhà sư đang bị quản thúc mà còn không chịu làm, thì làm sao mà lại đòi nói chuyện với Việt Kiều như ông Nguyễn Minh Triết đã nói!

Trần Khải

TIN KHẨN – HÀ NỘI: Công an đàn áp dân oan tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng


Hà Nội, ngày 3 tháng 7 năm 2007

- Vào lúc 16 giờ thứ hai ngày 2-7-2007 đám côn đồ công an phường Thụy Khuê khoảng 20 tên, bảng tên khẩu hiệu sắc phục, tên có, tên không xông vào, rượt đuổi dân oan vườn hoa Mai Xuân Thưởng như đuổi vịt !

Chúng đập phá đồ đạc xoong nồi, bạt che nắng, che mưa của nông dân các tỉnh đến để chờ cơ quan đầu não của Trung ương giải quyết quyền lợi nhà đất do chính quyền địa phương cưỡng đoạt. Thì nơi đầu não của Trung ương công an phường Thụy Khuê lại hành động bất nhân, vô lương tâm xô đẩy bà cụ Nguyễn Thị Vàng ngoài 70 tuổi quê ở Kiên Giang lại là mẹ liệt sỹ. Bị bất tỉnh, hiện bà cụ đang nằm cấp cứu tại bệnh viện St Paul - Hà Nội.

- Hồi 9 giờ sáng thứ ba ngày 3-7-2007 100 nông dân phụ nữ trẻ em chiếm đa số, thuộc thôn 1, thôn 3, tổ 4 - xã Gia Huynh - huyện Tánh Linh - Tỉnh Bình Thuận đang tá túc tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng qua đêm chờ gặp cơ quan chức năng giải quyết quyền lợi đất đai “Cảnh màn trời chiếu đất” không biết rồi đêm nay họ sẽ ra sao !? khi những người nông dân thật thà chất phác họ đã đặt hết niềm tin vào cơ quan Đảng và Chính phủ, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan quyền lực tối cao. Liệu đêm nay công an phường Thụy Khuê - công an Quận Tây Hồ có để cho họ yên thân hay không !.


Tình hình của bà con nông dân các tỉnh, thành hiện nay ở vườn hoa rất nguy hiểm. Khẩn báo tin đề nghị cơ quan truyền thông, các đài phát thanh, các tổ chức bất đồng chính kiến với chế độ độc tài cộng sản, phải nhanh chóng can thiệp với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tôn trọng quyền con người bất khả xâm phạm. Các cơ quan bảo vệ nhân quyền Quốc tế lên tiếng buộc Nhà nước Việt Nam phải giải quyết các khiếu kiện của nông dân như báo chí của cộng sản từng đưa tin đã giải quyết đạt 99,6% đơn thư khiếu nại của dân !? đã đạt được tỷ lệ lớn đến thế !? sao Nhà nước cộng sản lại sợ xấu ? dùng lực lượng công an hà hiếp dân lành vô tội để làm gì !?

Người dân Hà Nội đưa tin.

*sẽ gởi hình ảnh người dân bị đàn áp sau.
Có thể vào http://360.yahoo.com/tiengdankeu xem tin nhanh.

Đây là căn nhà bà Nguyễn Thị Vàng mẹ liệt sĩ và bà là 1 thương binh có công với chế độ ở quê hương hiện nay. Mảnh đất đã được gọi là “giải phóng khỏi ách kìm kẹp của bè lũ Mỹ - Ngụy tay sai sau hơn 32 năm thống nhất đất nước và đi lên con đường xây dựng XHCN ấm no giàu mạnh và hạnh phúc” - ảnh chụp tháng 5/2007

Vòng quanh nước Mỹ nhân lễ Độc lập 04.07 của Hoa Kỳ

Nhờ những phát minh khoa học và kỹ thuật, đã giúp thêm phương tiện cho các cường quốc Âu Châu thời đó như Anh, Pháp, Hoà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... đánh chiếm được nhiều thuộc địa tại Phi, Á, Úc và Mỹ Châu vào thế kỷ thứ XVIII. Nhưng tất cả bọn thực dân, dù mang thứ màu da hay chủ nghĩa nào chăng nữa, cũng đều tham ác, dã man và ích kỷ. Chúng chỉ nghĩ tới cách nào vơ vét cho đầy túi tham. Những danh từ hoa mỹ như đem văn minh nhân loại, để khai hoá các dân tộc còn lạc hậu, chẳng qua chỉ là lớp mặt nạ hào nhoáng bên ngoài, ngày nay ai cũng biết.

Đó chính là nguyên nhân, đã khiến cho dân địa phương và nhiều trí thức da trắng sinh trưởng tại các thuộc địa bất mãn và căm ghét bọn cầm quyền thực dân và là lý do làm cho MƯỜI BA THUỘC ĐỊA CŨ của Anh Cát Lợi, ở Miền Đông Bắc Hoa Kỳ ngày nay, nổi dậy đòi độc lập từ năm 1783. Cuộc chiến đầu đầy gian khổ và huyết lệ trên, do GEORGE WASHINGTON (1789-1797) lãnh đạo với sự viện trợ quân sự của Pháp, sau 10 năm chiến tranh khốc liệt, đã buộc người Anh phải ký Hòa Ứơc Versailles vào ngày 4-7-1883 : CÔNG NHẬN NỀN ĐỘC LẬP CỦA QUỐC GIA HOA KỲ.

Ngày nay Mỹ chẳng những là một siêu cường số 1 của thế giới về kinh tế, quân sự, mà còn là một Tiểu Lục Địa rộng lớn, có lãnh thổ chạy từ bờ Thái Bình Dương qua Đại Tây Dương, diện tích xấp xỉ với Âu Châu, đứng thứ tư sau Liên Bang Nga (6.592.812 Sq.Ml), Gia Nã Đại (3.851.787 Sq.Ml) và Trung Cộng (3.691.000 Sq.Ml). Như vậy, tính đến năm 2007, diện tích Hoa Kỳ là 3.623.420 Sq.Ml hay 9.384.658 Km2 và dân số gần 300 triệu người. Do đất nước quá rộng lớn, còn dân chúng thì tạp chủng, lại có nhiều nền văn hóa dị biệt, tự do quá trớn và cạnh tranh ráo riết để mà sinh tồn. Bởi thế không ai sinh sống trên đất nước này, dù là bản địa hay di dân, người bình thường hoặc Tổng Thống, dám khẳng định nước Mỹ là thiên đàng hay địa ngục, vì sự tốt, xấu, may mắn hay bất hạnh... đều do công ăn, việc làm, tức là Tiền chi phối.

Sự kiện dân chúng Mỹ quyết định bỏ phiếu tiếp tục ủng hộ Bill Clinton làm Tổng Thống nhiệm kỳ 2 (1996-2001), bất chấp dư luận, tư cách và đạo đức của một nhà lãnh đạo. Hay hiện nay vì quyền lợi chiến lược toàn cầu, gần như cả Tòa Bạch Ốc, đều đổ xô bợ lưng cho một chế độ tàn bạo và phi nhân nhất của nhân loại, đó là đảng cầm quyền Cộng Sản VN. Điều này đã nói lên sự thay đổi lớn, trong nếp nghĩ của người Mỹ hiện nay, đã không còn tin tưởng vào đạo đức của các cấp lãnh đạo chính trị và giới truyền thông như trước đây.

Tóm lại, người Mỹ không cần biết tới đời tư của bất cứ cá nhân nào, miễn sao các cấp lãnh đạo, mang cho dân chúng có đủ cơm ăn áo mặc, đất nước thanh bình, uy tín của Hoa Kỳ được tôn trong khắp thế giới là đủ rồi.

Ngoài các vấn đề trên, đối với người Mỹ cho dù là người địa phương hay di dân, trong thâm tâm bất cứ ai cũng đều mang một sự hãnh diện với thế giới, qua các công trình kiến tạo của tiền nhân suốt 200 lập quốc : phố xá khanh trang, nhà cửa đồ sộ, thư viện đầy ắp báo chí sách vở, chợ búa sạch ngon, bến tàu phi trường tấp nập rộn rịp về cảnh sắc lẫn tình người. Tóm lại dân tộc Hoa Kỳ, dù mới lập quốc nhưng hầu hết đều đạo đức, lương thiện và chan hòa tình thương không biên giới (trong đó sự cưu mang hơn 3 triệu người VN Tị Nạn Cộng Sản, từ tháng 5-1975 tới nay), nên đã nhanh chóng thu phục được nhân tâm và đứng đầu thế giới về mọi mặt.

Người Việt tị nạn CS chúng ta may mắn được sống hạnh phúc trên đất Mỹ, với đầy đủ các quyền lợi đã qui định từ Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, mà đâu mấy ai hiểu rõ là Tiền Nhân đã đổi lấy nó bằng máu và mạng sống trước bạo lực

+ AI ĐÃ THỰC SỰ TÌM RA CHÂU MỸ ?

Trong lần kỷ niệm 500 năm, đánh dấu ngày Christophe Colomb đã tìm ra Châu Mỹ hay Tân Lục Địa. Dịp này đã có nhiều học giả, sử gia, nhà khoa học và khảo cổ khắp thế giới, đưa ra thắc mắc "Phải chăng Colomb là người đầu tiên đã tìm ra Tân Lục Địa hay ông chỉ là người đầu tiên tổ chức cuộc họp báo để hợp thức hóa sự có mặt của Châu Mỹ trên bản đồ thế giới ?"

Christophe Colomb hay Columbus có gia thế bình thường, cha làm thợ dệt tại Gêne (Tây Ban Nha). Là một vĩ nhân của thế giới nhưng cuộc đời gặp nhiều bất hạnh vì sự đố kỵ của thế nhân nên lúc đương thời, đến nỗi đã không lưu lại được một bức chân dung nào của nhà thám hiểm. Điều này đã chứng minh tại sao những bức chân dung của Colomb hiện đang lưu hành không đồng nhất và ít giống ông vì các họa sĩ của thế kỷ XVI đã vẽ bằng phương pháp "Identikit", tức là dựa theo lời kể của những người quen biết, trong đó có con trai nhà thàm hiểm là Ferdinand. Đại để thì lúc sinh thời Colomb có nước da và tóc màu đỏ, mắt xanh, cao lớn trên 1,65m.

Từ nhiều thập niên qua, rât nhiều học giả đã tìm đủ mọi cách phủ nhận công trình thám hiểm của Colomb nhưng tới nay cũng chỉ là những giả thuyết hoang đường, khó lòng đánh đổ được một sự thật đã được cả thế giới công nhận và ngưỡng mộ. Nhưng dù gì chăng nữa, thì công trình thám hiểm của Christophe cũng đã đi vào lịch sử và tâm khảm của mọi người, trong đó có Hiệp Chủng Quốc và các quốc gia thuộc Châu Mỹ. Ngoài ra từ những khai quật được do các nhà khảo cổ tìm thấy gần đây, dựa theo niên lịch khảo sát, có thể xác định họ đã tới đây trước Colmb, gồm những ngư dân Nhật, nhà sư Hui Sen, hoàng tử Madoc, Bjarni, Leif và người Do Thái. Nhưng chính Colmb lại là người đầu tiên đã công bố sự hiện hữu của Tân Lục Địa Châu Mỹ cho cả thế giới biết

+ BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP CỦA HOA KỲ :

Sau thời gian dài chiến đấu đẳm máu với thực dân Anh, cuối cùng 13 Tiểu Bang trong Liên Hiệp Anh ly khai, đã đạt được chiến thắng khi dành được Độc Lập cho xứ sở, mà ngày nay chúng ta trang trọng đón mừng hằng năm, được công bố đầu tiên vào ngày 4-7-1776 với danh xưng "BẢN TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN".

Cũng từ đó, ách nô lệ của Anh tại đây chấm dứt. Để tạo nên niềm tự hào của một dân tộc có độc lập và tự do thật sự, năm 1789 Webster Noah là người đầu tiên ấn hành quyển Tự Điển Tiếng Mỹ, nói lên ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Cùng lúc Benjamin Franklin cũng đã phát minh ra những chữ cái đơn giản. Nhận thức được tương lai của đất nước, sẽ mở rộng bờ cỏi và đón nhận nhiều sắc dân tới lập nghiệp tại Hiệp Chủng Quốc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Bởi vậy Noah Webster càng chú trọng rất nhiều tới ngôn ngữ học bằng cách phát hành nhiều loại sách giáo khoa, giảng dạy về ngữ pháp, chính tả... tới nay vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống người Mỹ.

Sau này có M.Guffey hợp tác với Noah, đã bộc lộ tinh thần ái quốc và đạo đức, qua các tác phẩm được phổ biến, làm cho mọi người cảm động và càng ý thức rõ hơn bổn phận trách nhiệm của một công dân đối với xã hội và quốc gia của mình. Tuy ngày nay theo bánh xe văn minh của nhân loại, những công trình của các bậc tiền nhân đã bị lỗi thời với thời gian nhưng tên tuổi của ông vẫn còn nguyên vẹn. Thật vậy, đối với lịch sử Hoa Kỳ, chính Noah Webster đã có công tạo nên Ngôn Ngữ riêng cho người Mỹ, dù nó có nguồn gốc từ tiếng Anh mà thật sự không phải là tiếng Anh nguyên thủy. Trường hợp này cũng tương tự như Ngôn ngữ Việt Nam, có nguồn gốc từ Hán Tự và La Tinh nhưng không phải là chữ Hán hay La Tinh gốc.

Cùng với chiều hướng Độc Lập trên, Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ là Washington đã phát biểu "Hiệp Chủng Quốc bắt nguồn từ 13 thuộc địa của Anh nhưng Nay Là Quốc Gia Độc Lập. Vậy tai sao chúng ta cần gì phải quay về với Châu Âu hay Luân Đôn để bắt chước họ ? qua đợi chờ xin xỏ phê chuẩn. Trong đó, sự học hỏi trên, xét cho cùng, cũng chỉ là sự quê mùa, lỗi thời". Hỡi ôi nếu các nhà lãnh đạo VN bao đời, có được một phần tư tưởng độc lập như TT Mỹ, thì chắc chắn đất nước chúng ta ngày nay đâu phải đắm chìm trong vũng bùn ô nhục tồi tệ và thua kém nhân loại.

Để đổi lấy nền Độc lập cho đất nước Hoa Kỳ ngày nay, nhiều đại biểu của 13 Tiểu Bang ly khai đã gục ngã trước súng đạn của thực dân Anh. Thomas Jefferson được đề cử soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền cho Hiệp Chủng Quốc, trong lúc cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn giữa Anh-Mỹ. Thế rồi sau ba ngày tranh luận gay gắt, giữa các đại biểu trong phòng họp, cuối cùng hội nghị cũng đã bỏ phiếu, thông qua và chấp thuận Bản Tuyên Ngôn Độc Lập trên, vào ngày 2-7-1776.

Điều bi thảm mà tới nay con cháu ít ai biết tới. Đó là vào ngày 4-7-1776 công bố nền độc lập của Hoa Kỳ, được diễn ra trong thầm lặng, chết chóc, máu lệ khổ đau. Bởi thực dân Anh đâu có để yên cho những người chủ xướng, nên ra tay triệt hạ tất cả ai lúc đó dám nói tói Độc Lập cho Hoa Kỳ. Theo sử liệu, có 56 người đã ký vào Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Độc Lập Mỹ. Tất cả đều là sĩ phu trí thức đương thời, biết trước hậu quả về hành động của mình nhưng bất chấp mạng sống của mình và gia đình, chấp nhận hy sinh cho đại nghĩa dân tộc, đất nước.

"Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hản thanh"

Làm người mà chỉ biết hưởng thụ thì dù có nhà cao cửa rộng, sống tới 100 tuổi, cuộc sống và kiếp người, đâu có gì đáng nói ? Bởi vậy, đã có nhiều người chấp nhận dấn thân, trong số này có Francis Hopkinson quê New Jersey là một tài hoa hiếm có. Ông chính là tác giả của Lá Quốc Kỳ Mỹ được lưu hành và tồn tại tới ngày nay. Tóm lại tất cả những người trong cuộc đều có gia đình, lớn tuổi nhất là Benjamin Franklin (70 tuổi) và ba người chỉ mới 20 tuổi.

Ngay khi phát giác được Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, Thực dân Anh lồng lộn điên cuồng, ra lệnh truy tìm và hạ sát những người có tên trong đó. Ngoài ra còn treo giá 500 Bảng Anh cho ai chỉ điểm, phát giác họ. Cuối cùng Anh tuyên bố Treo Cổ Tất Cả. Do sự khủng bố trên, nên hầu hết những người liên hệ tới Bản Tuyên Ngôn, lớp chết, lớp ở tù. Nhiều người bị thương tật khốn khổ vì sự tra tấn đánh đập dã man của kẻ thù, khiến cho nhà tan cửa nát, gia đình ly tán. Trong số ít ỏi sống sót sau này,hai người đã trở thành Tổng Thống Mỹ là John Adams và Thomas Jefferson. Cái giá độc lập của Hoa Kỳ là thế đó, mà những người khai sinh ra nó, phải đổi bằng mạng sống, máu lệ đem về. Cho nên các thế hệ sau ai nấy đều vô cùng cảm kích và trang trọng noi theo truyền thống yêu nước của tổ tiên mọi thời. Đó là kết quả của quốc gia Hoa Kỳ ngày nay, một miền đất tạp Chủng nhất trên thế giới, lại là đệ nhất siêu cường, một xứ sở tự do cá nhân nhưng ai cũng biết dừng lại trước giới hạn của mình, đối với quyền lợi chung của Tổ Quốc. Cho nên đừng phân biệt Dân Chủ hay Cộng Hoà, Kissinger hay Rice. Tất cả tuy hai mà một vì ai cũng chỉ có quyền lợi của dân tộc và đất nước Hoa kỳ mà thôi.

+ TÒA BẠCH ỐC TẠI THỦ ĐÔ LIÊN BANG HOA THỊNH ĐỐN :

Cho tới thế kỷ thứ XX!, sự thành công của nhân loại, đứng đầu cũng vẫn là các công trình kiến tạo, được con người bắt đầu xây dựng ngay từ thời thượng cổ. Thời kỳ đầu tiên, theo sử gia Hy Lạp Antipater, lúc đó đã có 7 kỳ quan là Kim Tự Tháp Cheop ở Ai Cập, Vườn treo Babylone tại Mésopotamie, Đền nữ Thần Artemis, Tượng Thần Zéus ở Olympia (Hy Lạp), Mộ Vua Mausole tai Halicarnasse,Tượng Thần trên Đảo Rhodes và Hải đăng Alexandria tại Ai Cập. Do các công trình thời xưa rất hiếm hoi, nên sự lựa chọn để xếp vào kỳ quan thật dễ dàng. Do đó hầu như tất cả đã bị lãng quên vào quá khứ, để nhường chỗ cho các công trình mới tân tiến và vĩ đại hơn của nhân loại, trong đó có sự góp mặt của nhiều nuớc Á Châu như Trung Hoa, Đài Loan, Nhật Bổn, Đại Hàn, Mã Lai Á...

Mới đây, nhà xuất bản The Preseavation Press đã phối hợp với các đại nhật báo Mỹ US Today, Miami Herald, Tampa Tribune... mở một cuộc thăm dò rộng rãi ý kiến trong dân chúng, để lựa chọn Hai Chục Công Trình Xây Dựng, được ưa thích nhất tại Hoa Kỳ. Tất cả các kiến trúc trên đều có liên hệ mật thiết tới những trang lịch sử dựng và giữ nước của tiền nhân. Điều này đã nói lên tình yêu nước nồng nàn của đồng bào cả nước đối với di sản của quốc gia họ.

- THỦ ĐÔ HOA THINH ĐỐN VÀ TÒA BẠCH ỐC :

Từ ngày lập quốc tới nay, Hoa Kỳ vẫn là một Liên Bang Dân Chủ, chịu ảnh hưởng của nền chính trị Châu Âu, dựa trên nguyên tắc phân quyền và chủ quyền thực sự do lá phiếu của người dân tín nhiệm quyết định. Hiện Mỹ có 50 Tiểu Bang và Thủ Đô là Washington (Hoa Thịnh Đốn), có diện tích 178 km2, dân số 606.900 người theo thống kê năm 2004. Hằng năm thủ đô đón tiếp hơn 20 triệu du khách muôn phương, đổ về thắm viếng các công trình kiến trúc tại đây. Có điều ít ai ngờ được là thủ đô Hoa thịnh Đốn, đã được khai sinh từ một kiến trúc sư tài ba người Pháp P.C L’enfant nhưng sau đó ông đã bị lãng quên vì sự bội bạc của người Mỹ.

Theo tài liệu từ L’Histoire, thì ngày 11-3-1791, tám năm sau khi 13 thuộc địa cũ của Anh Cát Lợi được độc lập, trở thành Tân Quốc Gia Hoa Kỳ. Việc lực chọn thủ đô cho Liên Bang gặp nhiều trở ngại khi chỉ có một địa điểm thích hợp. Trong lúc đó khắp lãnh thổ, đâu cũng là những vùng thích hợp và đủ điều kiện lịch sử, vì sự liên hệ tới cuộc chiến đấu chống quân Anh như Boston, Philadelphia, Yorktown... được các đại biểu đề nghị. Tuy nhiên cuối cùng, Hội Đồng Quốc Gia quyết định theo đề nghị của Thomas Jefferson, một thành viên trong Quốc Hội, đồng thời là Thống Đốc Tiểu Bang Virginia, chọn một địa điểm trung gian, nằm trong Quận Columbia, để xây dựng thủ đô Liên Bang...

Đây là ý kiến dung hòa của Quốc Hội, được Vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ George Washington (1732-1798), chấp thuận và giao phó việc tìm địa điểm, lập đồ án xây dựng Thủ đô được chọn, tọa lạc trên hai bờ sông Potomac. Công trình trên được ủy nhiệm cho một Thiếu Tá Công Binh người Pháp tên Pierre Charles L’Enfant thực hiện.

Ông sinh ngày 2-8-1754 tại Ba Lê (Pháp), là con trai của Họa sư Pierre L’enfant, phụ trách xây dựng cung điện cho Hoàng đế Pháp Louis XV. Xuất thân là một Trung Úy Pháo Binh của quân đội Pháp. Ông đã cảm khái trước tinh thần yêu nước và sự hy sinh cao cả của Nghia Quân Hoa Kỳ lúc đó,đang chiến đấu anh dũng chống lại quân Anh. Bởi vậy L’ Enfant đã tình nguyện theo Đoàn Chí Nguyện Pháp, sang giúp người Mỹ đang tranh thủ cho nền độc lập xứ sở. Năm 1779, L’Enfant bị trọng thương trong trận ác chiến tại Savannah và bị Anh bắt làm tù binh, khi cùng đồng đội cố thủ tại cứ điểm Charleston. Được trao trả cho Hoa Kỳ qua cuộc thương thuyết của Bá tước Rochambeau và trở thành Sĩ Quan Huấn Luyện đầu tiên của Quân Đội Mỹ.

Ngày 13-12-1971, dự án xây dựng thủ đô Hoa Thịnh Đốn của L’Enfant hoàn tất, được đệ trình Quốc Hội và Tờ Công Báo Mỹ đăng tải với những lời khen ngơi, gọi công trình trên như là "Trung tâm của Lý Trí, Tuyên Ngôn đẹp nhất của Thế kỷ, Biểu tượng kính yêu của Quốc Gia trẻ trung Hoa Kỳ vừa được độc lập". Nhưng dù dự án được Tổng Thống Washington rất ưa thích tán đồng lai bị đám Nghị Viên thới nát lúc đó, vắt chanh bỏ vỏ, cấu kết với bọn nhà giàu, đầu cơ trục lợi, ém nhẹm trù dập, từ chối. Cuối cùng L’Enfant đã bị người Mỹ lãng quên và chết trong cảnh nghèo đói thảm thê vào năm 1825.

Thủ đô Liên Bang được chính thức thừa nhận vào tháng 12-1800, khi Đoàn Đại Biểu từ các Tiểu Bang tới trú ngụ tại Dinh Capital. Năm 1900 kỷ niệm 100 thành lập thủ đô. Quốc Hội Mỹ cử một Ủy Ban lo phát triển và xây dựng thủ đô trong tương lai. Nhân dịp này, các vị lãnh đạo Hoa Kỳ đã tuyên bố rất hối tiếc trong quá khứ, đã phủ nhận Đồ Án Xây Dựng Thủ Đô của Hoạ Sư L’Enfant, nên ngày nay phải tốn nhiều công sức và ngân khoản tu sửa lại thành phố. Đồng thời người Mỹ cũng quyết định Cải Táng Hài Cốt của L’Enfant, từ một khu nghĩa địa nghèo nàn, về Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, để Ông được nằm chung với các đấng Anh Hùng liệt nữ của nước Mỹ, ngày đêm nhìn ngắm lâu đài, phố thị nguy nga, núi sông hùng tráng bên hai bờ Potomac.

Đây là một thành phố độc lập về hành chánh mang tên là Washington D.C (District of Columbia), để phân biệt với Tiểu Bang Washington ở phía tây bắc Hoa Kỳ, giáp giới với Canada. Do không lệ thuộc vào bất cứ tiểu bang nào, nên thủ đô hiện phải đương đầu với tỷ lệ tội phạm đứng đầu cả nước, mặc dù đây là trung tâm đầu não, tượng trưng cho quyền lực của Hoa Kỳ. Có nhiều lý do giải thích như thành phố có quá nhiều người Da Đen sinh sống tại trung tâm, trong khi hầu hết giới trung lưu da trắng thích cư ngụ ở vùng ngoại ô yên tĩnh. Mặt khác hệ thống an ninh tại đây luôn bị chồng chéo, đụng chạm giữa lực lượng của địa phương và Liên Bang, tạo nhiều kẽ hở trong công tác chung là trấn áp các tội ác.

Thủ đô tập trung tất cả các cơ cấu của chính quyền liên bang với những dinh thự nguy nga và các đền đài hùng tráng, nằm dọc hai bên Đại lộ Constitution, bên bờ sông Potomac. Còn có Tòa Bạch Ốc trên Đại lộ Pennsylvania. Điện Capitop, nơi đặt Trụ sở Quốc hôi Mỹ, được khánh thành từ năm 1867. Thư viện Quốc hội (Library of Congress) lớn nhất thế giới, xây dựng năm 1800,kế đó là Tối Cao Pháp viện (Supreme Court)...

Ở đây còn nổi tiếng qua các đài kỷ niệm với lối kiến trúc hài hòa nhưng vô cùng độc đáo. Đài tưởng niệm TT Washington có 898 bậc thang cao 150 m, giống như một tháp bút giữa trời. Đải kỷ niệm TT Lincold là một ngôi tượng khổng lồ, tạc bằng đá cẩm thạch cao 57m. Trong khi đó bức tượng của Jefferson được đúc bằng đồng, ngự trong một đại sảnh với mái vòm đứng trên những hàng cột tròn. Nhưng cảm động và có nhiều du khách tới thăm viếng hiện nay, vẫn là Đài Kỷ Niệm Những Chiến Binh Hoa Kỳ đã hy sinh tại chiến trường Đông Dương, trong cuộc chiến bảo vệ tự do độc lập cho các nước VNCH, Kampuchia và Lào, trước cuộc xâm lăng của Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế, do Hà Nội đảm nhận, từ 1960-1975. Đài này nằm trên Đại lộ Constitution với biểu tượng Ba Người Lính sát cánh bên nhau trong chiến đấu, bên trong có những bức tường đá hoa cương đen, khắc tên 58.000 tử sĩ đã hy sinh vì nước.

Ngoài ra Khu kỷ niệm Tổng Thống Lincold tại Hoa Thịnh Đốn, cũng được đánh giá là một trong 20 công trình xây dựng nổi tiếng của Mỹ, được kiến trúc sư Henry Bacon thiết kế và xây dựng từ năm 1922 theo kiểu cách của Cổ Hy Lạp. Trong công trình này có Pho tượng của TT Lincold cao 5,8m (19 Ft), do Điêu khắc gia Daniel Chester sáng tạo.

- TÒA BẠCH ỐC : Là nơi cư ngụ và làm việc của 42 vị Tổng Thống Hoa Kỳ, từ người đầu tiên là TT John Adams (1797-1801), cho tới đương kim Tông Thống G.W. Bush (2001- ). Riêng Tổng Thống đầu tiên của Mỹ là George Washington (1789-1797), từ trần trước khi Tòa Bạch Ốc hoàn thành. Công trình được khởi công từ năm 1792 tới năm 1799 mới xong, do Kiến Trúc Sư Janet vẽ đồ án và thiết kế. Đây là Trung tâm quyền lực chẳng những của Mỹ mà là cả thế giới, nên thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới tìm hiểu thăm viếng, những bí mật của Tòa Dinh Thự nhưng ít ai biết được gì đã xảy ra bên trong, sau lằn cửa khép.

Dù Washington là nguời đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng tòa nhà nhưng ông đã mất trước khi được khánh thành. Nên vị Tổng Thống thứ nhất vào cư ngụ trong Dinh lại là John Adam và Đệ Nhất Phu Nhân là Abigail Adam. Gọi là Tòa Bạch Ốc vì toàn thể dinh thự được sơn màu trắng, nên từ ngoài nhìn vào rất lạnh lẽo cô đơn. Ngày 24-8-1914, quân Anh tấn công thủ đô Hoa Thịnh Đốn và đốt rụi Tòa Bạch Ốc, nên Kiến trúc Sư Janet Hoban lại phải tái tạo và sơn phết lại toàn diện. Theo Robert Riplay, tác giả "Sưu Tập Những Chuyện Kỳ Lạ", thì danh từ Tòa Bạch Ốc, xuất xứ từ ý tưởng của Tổng Thống Washington, muốn kỷ niệm mối tình thơ mộng giữa ông và bà Martha Custiis, lúc đó hai người đang sống tại Trang Trại White House, bên bờ sông Pamunkey, thuộc Tiểu Bang Virginia.

khởi đầu, tòa dinh thự chỉ có 132 phòng nhưng qua lần sửa chữa vào năm 1940, mới được phân biệt thành các khu vực riêng biệt. Hiện nay mỗi buổi sáng từ thứ hai tới thứ sáu, đều có nhiều phái đoàn du lịch cũng như quan khách, tới thăm viếng những cơ sở của chính phủ, nằm dưới tầng trệt. Khu vực phía tây lầu là nơi sinh hoạt của tổng thống và gia đình. Khu này nổi tiếng nhất là các Phòng Green Room, dùng làm phòng ăn thời TT Bill Clinton. Đây là nơi quàng xác Willie Lincoln, con trai của TT Lincoln mất lúc 11 tuổi vì bệnh thương hàn. Đó cũng là nơi gặp gỡ giữa hai đệ nhất phu nhân Nancy Reagan (Mỹ) và Raisa Gorbachev (Liên Bang Sô Viết) khi Tổng Bí Thư LBXV Gorbachev tới thăm viếng Hoa Kỳ. Phòng Bầu Dục (Blue Room) là phòng Khánh Tiết, nơi tiếp xúc hầu hết các Phái đoàn Ngoại giao các nước, mới đây có Thủ tướng VC Phan Văn Khải tới thăm Mỹ vào tháng 6-2005. Phòng Đỏ (Red Room) là khu vực đặc biệt, nên còn được gọi là Dolles Madison, xử dụng nhiều mục đích.

Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là Phòng ngủ của cố Tổng Thống Lincoln. Chính nơi này ngày xưa, ông vừa dùng làm nơi ăn, ngủ và hội họp với các thành viên trong Nội Các. Cũng chính nơi này, vào năm 1863 Tổng Thống Abraham Lincoln đã ký vào Văn Bản Tuyên Bố Giải Phóng Nô Lệ tại Liên Bang Hoa Kỳ. Sau này chỉ có hai Tổng Thống Theodore Roosevelt (1901-1909) và Woodrow Wilson (1913-1921) là dám ngủ tại đây, vì ai cũng sợ hồn ma của TT Lincoln, theo lời đồn đãi thường xuất hiện.

Tòa Bạch Ốc là nơi linh thiêng nhất của nước Mỹ, vì tất cả tồn vong của nhân loại như xuất phát tại đây, một trung tâm quyền lực tối cao vô thương, điền hình là cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai (1960-1975) và Cuộc Chiến Biên Giới Việt-Hoa (1979-1989). Thế nhưng từ khi Tổng Thống Bill Clinton trở thành chủ nhân ông của nước Mỹ (1993-2001), đã biến nơi này thành một Khách Sạn siêu đẳng, với các dịch vụ công khai như cho thuê phòng ngủ của TT Lincoln, tổ chức các tiệc tùng, với mục đích kiếm tiền vận động cho Đảng Dân Chủ, trong các cuộc bầu cử Tổng Thống và Quốc Hội.

Theo các tài liệu được báo chí Mỹ công bố hồi tháng 3-1997, thì giá cả trong khách sạn White House rất bóc lột : 50.000 USD cho bất cứ ai muốn uống một ly cà phê sáng với TT. Clinton cùng các quan chức cao cấp trong Hành Pháp. 100.000 USD để được đánh Golf với Tổng Thống và 250.000 USD cho 24 giờ ăn, chơi, nhậu nhẹt và ngủ lại tại Phòng TT Lincoln. Qua thống kê của tờ New York Post, thì suốt thời gian nhậm chức của TT Bill Clinton, đã có hơn 1000 thượng khách, hưởng ứng chương trình chiêu đãi trên. Hầu hết là những thành phần tai to mặt lớn lắm bạc nhiều vàng đương thời như Barbre Streisand, Steven Spielberg, Tom Hanks, Jane Fonda, Leuwasser Mann, Billy Graham... đều đã qua đêm tại Tòa Bạch Ốc. Dù hành động phạm pháp trên, đã bị Quốc Hội điều tra, Đảng Cộng Hòa tố cáo nhưng Clinton và Gore, vẫn tuyên bố với báo chí là họ rất lấy làm hãnh diện, khi được đón tiếp các nhân vật quan trọng, trong cũng như ngoài nước, để vào vui chơi, ăn nhậu và ngủ đêm trong Dinh Tổng Thống, dù họ đã phải trả bằng nhiều tiền.

+ BẢO VỆ TỔNG THỐNG MỸ :

Nhưng đối với người Mỹ không thuộc thành phần trên, thì mọi việc lại khác, kể cả các nhà báo cũng không thể nào chụp hình bất kỳ một thành viên nào trong gia đình của Tổng Thống Mỹ, ngoài khuôn khổ rất ngặt nghèo mà Tòa Bạch Ốc qui định. Trong các buổi lễ lớn, những tiệc tiếp tân, các cơ quan truyền thông bị tập họp một chỗ sau hàng rào chắn cản, khiến ho chỉ còn ghi lại được hình thức bên ngoài rồi từ đó mao tôn cương, vì không thể nào khái thác nội dung chính trị của nó. Hình ảnh của Tổng Thống và gia đình, cũng được kiểm soát chặt chẻ tới cả góc độ của ảnh, nên nhiều người phải bỏ cuộc vì không làm xoay sở được khả năng của nghề phóng viên, chụp ảnh, ngoại trừ các tay chuyên môn chụp lén.

Hằng ngày trên báo chí và truyền hình Mỹ, luôn luôn có những chuyện lớn nhỏ va chạm tới vị nguyên thủ quốc gia. Đây cũng chỉ là chuyện bình thường theo quan niệm tự do dân chủ của Hoa Kỳ. Nhưng đó là hình thức, vì sự thật không phải là vậy, nhất là đối với Hiệp Chủng Quốc, Tổng Thống được dân tín nhiệm bầu lên, nên có địa vị quan trọng bậc nhất, phải được bảo vệ. Đó là một nhiệm vụ thật là khó khăn, nặng nề.

Từ sau cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ, bắt đầu năm 1901, việc bảo vệ Tổng Thống và gia đình được giao cho Sở An Ninh thuộc Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ. Những người được tuyển dụng vào Đơn vị đặc biệt này, đã phải qua một cuộc khảo nghiệm lựa chọn rất nghiêm ngặt bằng các điều kiện qui định như tuổi từ 24-30, tốt nghiệp Đại học, từng phục vụ trong quân đội, có hình dạng tuấn tú, cử chỉ lịch thiệp.

Đội quân trên có quân số chừng 300 người, đảm nhận tất cả các công tác tại Tòa Bạch Ốc, là nhân viên nổi hay chìm tùy theo chức phận đang giữ. Trước khi chính thức được thuyên chuyển về nhiệm sở trên, các nhân viên đã trải qua thời gian thực tập, từ 2-3 năm, tại 57 Cơ quan Dã chiến của Sở An ninh và tốt nghiệp một khóa học đặc biệt về các chuyên môn sắp được giao phó. Tóm lại nhiệm vụ bảo vệ Tổng Thống Hoa Kỳ, bao gồm từ hành động A-Z, trong đó có cả phần điều tra, theo dõi, những kẻ viết thư nặc danh, chửi bới, hăm dọa Tổng thống. Năm 1955, TT Eisenhower tới Genève họp thượng đỉnh, nhân viên An ninh đã tới địa điểm trên hằng tháng trước, để an bài lại tất cả mọi công tác, từ chỗ ngủ, sân golf, hý trường, phòng họp... đều được điều nghiên một cách nghiêm chỉnh và hiệu lực.

Trước khi Sở An ninh Bảo Vệ Tổng Thống ra đời, 3 trong số 9 vị TT Mỹ đã bị ám sát nhưng từ năm 1901 về sau, chỉ có hai vị Tổng Thống đang tại chức bị ám sát, đó là John Kennedy (chết năm 1963) và Ronald Reagan bị thương. Cùng thời gian, khắp thế giới đã có nhiều vị nguyên thủ quốc gia như Vua, Hoàng Hậu, Thái Tử, Tổng Thống, Thủ Tướng, các chính khách bị giết. Bởi vậy dù bị nhiều chính phủ phản đối dữ dội, qua các biện pháp thi hành của Sở An ninh BVTT Mỹ. Thế nhưng Hoa Kỳ vẫn phớt tỉnh và luôn thi hành đúng nguyên tắc và nhiệm vụ của mình.

+ VĂN PHÒNG TÌNH BÁO RIÊNG CỦA TÒA BẠCH ỐC :

Theo tường thuật của báo chí, cơ quan này có tên là White House Situation Room. viêt tắt là WHSR (Phòng tình huống Dinh Tổng Thống), ở trong lòng đất về hướng tây nam của Tòa Bạch Ốc. Cơ quan này không lớn lắm, chỉ gồm một Phòng Họp và hai phòng làm việc nhưng được thiết kế như mạng nhện bằng các dụng cụ truyền tin điện tử tối tân nhất. Cơ quan này được chính Tổng Thống John Kennedy cho thành lập vào năm 1961, sau khi CIA bị thất bại trong chiến dịch đổ bộ vào Cu Ba tại Vịnh Con Heo. Phòng gồm 5 Tổ Tình Báo, làm việc 24/24 giờ/1ngày và suốt năm không có ngày nghỉ.

Nhiệm vụ chủ yếu của WHSR là Tổng Hợp và Ghi chú tất cả những sự kiện quan trọng, đệ trình Tổng Thống và các yếu nhân tham khảo nghiên cứu. Đây là một nhiệm vụ đầy gian khổ và phải chịu nhiều áp lực từ mọi phía. Nhân viên của Phòng được thuyên chuyển từ các nơi về, đa số đều trẻ tuổi, phải phục vụ thời gian 2 năm nhưng hầu hết đều mong mãn hạn để trở về đơn vị gốc. Tuy nhiên đây là cơ hội để thăng tiến sau này, vì họ thường xuyên và trực tiếp gặp gỡ Tổng Thống hay các yếu nhân để báo cáo tin tức hằng ngày, mà quan trong nhất là Công Tác Báo Cáo Buổi Sáng (Morning Book), có liên quan tới Bộ Quốc Phòng và nhiều Bộ khác. Đồng lúc là công tác Tổng Họp tất cả các bức Điện Văn của những Tòa Đại Sứ, Lãnh Sự Hoa Kỳ ở hải ngoại gởi về, để Tổng Thống nắm rõ các chi tiết, sử dụng vào Phiên Họp mỗi ngày, lúc 8giơ 30, với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.

Theo các tài liệu lưu trữ phổ biến, thì dù WHSR không phải là cơ quan duy nhất cung cấp tin tức cho Tổng Thống, vì bên cạnh còn có CIA cũng báo cáo tóm tắt thường ngày cho Vị Nguyên thủ Quốc Gia (President"s Daily Brief), nhưng qua các đời TT Reagan, G Bush, Clinton đều ưa thích các báo cáo của WHSR, cũng như CIA. Tóm lại Cơ quan này là đơn vị thừa hành mệnh lệnh của Cố vấn An ninh Quốc Gia, ngoài ra họ còn đặc biệt thiết lập đường dây điện thoại nóng của Tổng Thống Mỹ, liên lạc với các nguyên thủ quốc gia khac trên thế giới, với nhiệm vụ ghi chép, thông dịch và bảo mật các cuộc điện đàm của Tổng Thống.

+ BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ :

Hoa Kỳ là một quốc gia tự do, nên có rất nhiều đảng phái hoạt động, tuy nhiên chỉ có hai chính đảng là Dân Chủ và Cộng Hòa. Theo truyền thống, thì đảng Cộng Hòa luôn được giới tài phiệt ủng hộ, còn đảng Dân Chủ được trí thức, giới trẻ và tầng lớp dân nghèo ưa thích. Tuy nói là dân chủ tự do nhưng có một nghịch lý tại đất nước này. Đó là tuyệt đại người Mỹ không thích đi bầu cử. Điều này đã khiến cho Hoa Kỳ, từ trước tới nay, chưa có một vị Tổng Thống nào đạt được số phiếu tuyệt đối.

Do tình trạng trên, nhiều Tu Chính Án đã được bổ sung liên tiếp, để mở rộng quyền Bầu và Ứng Cử. Năm 1870 xóa bỏ sự phân biệt Chủng tộc. Năm 1920 Phụ nữ được quyền đi bầu. Năm 1964 công dân không đóng thuế vẫn được đi bầu. Năm 1971 hạ thấp tuổi đi bầu xuống tuổi 18. Dù vậy tỉ số người dân đi bầu cũng chẳng thay đổi là mấy. Bằng chứng là năm 1964, Lyndon B. Johnson là vị tổng thống Mỹ đầu tiên, đạt được số phiếu đi bầu nhiều nhất, nhưng cũng chỉ có 37,8%. Riêng tổng thống Martin Van Buren đắc cử năm 1836 với số phiếu đi bầu thấp nhất, chỉ có 11,4%.

Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 qui định nhiệm kỳ tổng thống là 4 năm nhưng không nói tới thời gian được phép tái tranh cử. Ngày 12-4-1945 mới có Tu Chính Hiến Pháp số 22, được ban hành ngày 27-2-1951, ấn định Tổng Thống Hoa Kỳ chỉ được tối đa Hai Nhiệm Kỳ.

Hiện nay có nhiều ý kiến nhận xét việc Ứng và Tranh cử Tổng Thống Mỹ quá phức tạp so với Tây phương, cho dù cả hai đều cùng theo một thể chế. Nhưng theo quan niệm của người Mỹ, thì việc chọn người ra tranh cử chức Tổng Thống, mới là điều hệ trọng nhất trong tiến trình bầu cử. Vì vậy việc này chỉ được diễn ra trong Nội Bộ các Đảng Phái Chính trị, từ tháng 1-8, gọi là Bầu Cử Sơ Bộ và Đại Hội Đảng. Người được đề cử ra tranh chức tổng thống, phải đạt được hơn 50% số phiếu của Đại Biểu đi bầu. Cũng vì các thể thức và nguyên tắc quá phức tạp, nên năm 1924, đảng Dân Chủ phải bỏ phiếu tới lần 103 mới chọn được ứng viên. Riêng các ứng cử viên độc lập thì không cần nguyên tắc trên nhưng không bao giờ hy vọng đắc cử vì đâu có hậu thuẫn của các đảng chính trị.

Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ trên toàn quốc, được diễn ra vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11 Dương lịch. Công dân Mỹ trực tiếp bầu các đại diện cử tri, ứng vào số Nghị Sĩ Liên bang hiện nay là 540 người (438 Hạ viện + 100 Thượng viện + 2 cho Hawaii và Alaska)... Theo Hiến pháp, các Nghị sĩ và Công chức, không được quyền ứng cử Đại Cử Tri. Còn Tu Chính Án số 12, qui định khi hai ứng viên Tổng Thống không đạt được số phiếu bầu tuyệt đối hay số phiếu bằng nhau, thì Hạ Viện sẽ bỏ phiếu Bầu một trong hai người làm Tổng Thống. Cuối cùng nếu mọi sự vẫn không giải quyết được, thì tới ngày 4-3, Phó Tổng Thống đương nhiệm Sẽ lên thay Tổng Thống.

Vì sợ các tổng thống Mỹ được dân chúng bầu trực tiếp, họ sẽ có uy tín và thực quyền lớn, sinh ra độc tài và lấn áp quốc hội., nên những người làm luật mới bày ra cách bầu cử gián tiếp bằng Thể Thức Đại Cử Tri. Tuy nhiên đã có nhiều rắc rối khiến cho người dân càng thêm bất mãn. Đó là năm 1876, Samuel J.Tilden (Cộng Hòa) được 4.284.757 phiếu hơn Rtherford B. Hayes (Dân Chủ) nhưng Hayes lại đắc cử, vì hơn Samuel một phiếu của Cử tri đoàn. Bi kịch lại tái diễn hiện nay, qua hai lần tranh cử của W.Bush và Gore cùng John Kerry, làm cho người dân thêm phê phán. Nhưng với một Hiến Pháp sắt đá như Hoa Kỳ, thì sự thay đổi rất khó thực hiện được.

+ VÒNG QUANH NƯỚC MỸ TRONG NGÀY ĐỘC LẬP 4-7 CỦA HOA KỲ :

Chiến trạnh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đã kết thúc, để lại những dấu ấn trên đời sống của người Mỹ một cách sâu đậm và thiết thực nhất, mà theo nhận xét chung, không gì hơn được Hệ Thống Siêu Xa Lộ trên toàn quốc, nay trở thành biểu tượng của nền văn hóa quốc gia. Nhờ nó mới phát sinh ra vô số vùng ngoại ô, tạo nên công nghiệp ngành sản xuất xe hơi đủ loại, để chuyển vận người và hàng hóa khắp lục địa. Việc mở mang đường xá tại Hoa Kỳ đã có từ thập niên 30 của thế kỷ XX nhưng chính Tổng Thống Eisenhower là người đã đưa nó vào hiện thực, qua kinh nghiệm học hỏi được khi ông còn là một tướng lãnh chiến đấu tại Âu Châu, trên lãnh thổ nước Đức.

Vào cuối thập niên 1990, Liên Bang Mỹ đã khánh thành Hệ Thống Xa Lộ toàn quốc mang tên Eisenhower, có chiều dài 72.000 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đồng nhất : mỗi lằn xe chạy rộng 12 feet (3,65m), với tốc độ ấn định từ 45-55 mile (80-112 km/giờ), tối thiểu mỗi chiều có 2 lằn xe chạy. Đặc biệt Siêu Xa lộ không có đèn đường hay ngã tư cắt ngang, thường hai bên đường chỉ có các nhà trọ và các hàng quán bán đồ ăn nấu sẳn.

Tuy cùng là những di dân trên đất Mỹ nhưng người Châu Á (Hoa, Nhật, Cao Ly, Thái Lan, Ấn Độ... ) trong đó có người Tị Nạn Cộng Sản VN, suốt 32 năm qua, đã góp phần không nhỏ, làm đổi thay đời sống xã hội Hoa Kỳ, qua quá trình hoàn thành các Các Cộng Đồng Người Việt tại các Thành phố có đông người Việt cư ngụ như San José, Los Angles, San Francisco, Little Sai Gòn (California), Texas, Washington DC, New York...

+ NEW YORK, THÀNH PHỐ LỚN NHẤT NƯỚC MỸ :

Trước năm 1974, New York có Tòa nhà cao nhất thế giới. Đó là Empire State Building với 102 tầng, cao 443m, nằm trên Đại lộ thứ 5, giữa khu thương mai Manhattan. Được hoàn thành bởi các kiến trúc sư Shreve, Lamb và Harnon, thiết kế theo kiểu cách Art-Déco năm 1930. Những bộ phim ghê rợn loại King Kong được thực hiện tại đây.

Từ sau khi Hai Tháp của Tòa Nhà World Trade Center bị 19 tên khủng bố Hồi giáo cực đoan đánh bom tự sát bằng máy bay, vào ngày 11-9-2001, làm chết gần 7000 người và sụp đổ toàn diện, thì Empire State Building lại trở thành tòa nhà cao nhất nước Mỹ. Đây là nơi thu hút du khách trong và ngoài nước, khi tới thăm viếng thủ đô tài chánh của Hoa Kỳ, với những cảm giác mạnh, khi đứng trên hai đài quan sát tại tầng số 86 và 102, với hệ thống thang máy chuyển động rất nhanh. Đài quan sát có song sắt bảo vệ ở phía ngoài, để tránh những tai nạn đáng tiếc. Nơi này cũng cấm hôn hít với lý do là nụ hôn sẽ tạo nên hiện tượng điện giật làm chết người. Từ đây du khách có thể chiêm ngưỡng được toàn cảnh thành phố, trong phạm vi 120 km khi trời tốt, bằng không từ trên nhìn xuống chỉ thấy mây trắng mịt mùng, khói sương lãng đãng, khiến cho ta có cải cảm giác như đang sống trong ở cõi trên, quên đời quên tất cả.

Theo thống kê, tính từ ngày được khánh thành vào năm 1931 tới nay, đã có hơn 80 triệu du khách tới thăm viếng tòa nhà nổi tiếng này, được xếp vào kỳ quan thứ 8 của thế giới, tốn hết 60.000 tấn thép, 1860 bậc thang dẫn từ dưới đất lên tới đỉnh ở tầng 102, hơn 5000 km đường dây điện thoại, 96 km đường ống dẫn nước và 6500 cửa kính, được lau chùi thường xuyên.

New York có Rockerfeller Center, gồm 19 tòa cao ốc của tỷ phú Rockerfeler chuyên về thương mại, giải trí và buôn bán bất động sản. Ở đây còn có Viện Bảo Tàng Guggenheim là công trình xây dựng của Kiến trúc sư nổi tiếng nhất nước Mỹ và thế giới là Frank Loyd Wright. Còn có Trung tâm tài chánh chứng khoán thế giới Wall Street, nằm trong một dãy phố hẹp, cổ kính New York Stock Exchange (Thị trường chứng khoán NY), được hình thành từ năm 1792, từ 24 Hội viên lên tới 1300 ngày nay. Trên Đại lộ Broadway náo nhiêt, còn có Trung tâm kịch nghệ nổi tiếng, thường trình diễn những tác phẩm nổi tiếng của thế giới. Trụ sở Liên Hiệp Quốc một trong những điểm thăm viếng của du khach, nay cũng được hạn chế tối đa để đề phòng khủng bố, sau ngày 9-11-2001

Nhưng niềm tự hào của người dân New York nói riêng và nước Mỹ, vẫn là Tượng Nữ Thần Tự Do, tay cầm ngọn đuốc sáng, để soi đường dẫn lối, cho các đoàn tàu vượt Đại Tây Dương vào Hải Cảng New York.

Đây là một trong những biểu tượng vĩ đại nhất của nước Mỹ, được đặt trên Đảo Bedloe còn gọi là Liberty Island, bên bờ biển New York. Tượng tượng trưng cho sự tự do, liêm chính và lòng nhân ái của người Mỹ khi lập quốc. Với chiều cao từ nền tới bó đuốc là 92,97m và trọng lượng 325 tấn, do Điêu khắc gia lừng danh người Pháp trong thế kỷ XIX là Augusste Bartholdiv thực hiện. Đây là món quà quý giá của nước Pháp, tặng cho người dân Mỹ, để kỷ niệm Ngày Độc Lập Hoa Kỳ 4-7. Nhưng vì lúc đó Pháp đang có chiến tranh với Phổ, nên phải giao việc thực hiện tượng cho các hội từ thiện đảm trách.

Vì công trình quá vĩ đại mà ngân khoản của chính phủ trợ cấp có giới hạn, nên công tác phải gián đoạn nhiều lần cũng như mất nhiều thời gian để tiết kiệm tiền. Vì vậy tới ngày 12-8-1876 chỉ mới hoàn thành xong cánh tay cầm ngọn đuốc của Nữ thần. Để tranh thủ thời gian cho kịp, nhà điêu khắc phải đóng thùng gửi trước sang Mỹ, trong lúc tiếp tục những phần còn lại, mãi cho tới tháng 5-1884 mới xong.

Tại Mỹ, dân chúng đã quyên góp được 250.000 USD để xây chiệc bệ đặt Tượng Nữ thần trên đảo Bedloe. Một buổi lễ trọng thể được tổ chức ngày 28-10-1886, để khánh thành pho tượng với sự tham sự đông đảo của đồng bào và các quan chức Chính phủ. Dịp này Ủy Ban Quốc Hội đã để một chiếc hộp màu đỏ, tượng trưng cho niềm tin, được niêm kín, trong đó có Bản Hến Pháp và Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, dưới chân Nữ Thần Tự Do, như một nhân chứng lịch sử. Tên tuổi của Nhà Điêu khắc Pháp "Auguste Bartholdiv được vinh danh. Từ năm 1931, Tượng lại được bảo trì cẩn mật và tô bồi thêm cho xứng đáng với ý nghĩa thiêng liêng. Riêng Bó đuốc trong tay nữ thần, luôn luôn cháy sáng, nhờ một hệ thống ống dẫn dầu cung cấp liên tục.

Hằng năm Tượng Nữ thần đã thu hút du khách muôn phương tới đây chiêm ngưỡng. Đi tàu từ đất liền ra đảo và sắp hàng để được thang máy đưa lên tận Vương Miện của Tượng, tha hồ chụp hình, ngắm cảnh. Nếu không muốn chờ đợi, thì tự leo 22 bậc thang để tới chân tượng Nữ thần, để mua những kỷ vật hay vào thăm khu bảo tàng trưng bày những hình ảnh liên hệ tới lịch sử của nước Mỹ.

+ CALIFORNIA, MIỀN ĐẤT ẤM :

Tính tới nay đã có hơn ba triệu người Việt tị nạn chính trị, định cư tại Hoa Kỳ. Một số lớn tập trung tại các thành phố lớn của Tiểu Bang nắng ấm California như San Francisco, San Jose, Los Angeleve và nhiều nhất tại Thủ Đô Tị Nạn : Little Sài Gòn, thuộc Orange County. Đây là miền đất tượng trưng của Dân tộc VN hiền lành nhân ái, có văn minh văn hiến tình người, không phải chỉ một Sài Gòn thu nhỏ, mà hàm chứa tất cả tinh hoa Người và Đất của mọi miền đất nước thân thương, không chấp nhận chủ nghĩa vô thần Cộng Sản.

San Jose ở miền Bắc California có nhiều người Việt tị nạn sinh sống. Nếu Tiểu Sài Gòn được mệnh danh là thủ đô kinh tế Việt thì San Jose là thủ đô chính trị của người tị nạn, tuy sinh hoạt ít tấp nập và rộn rịp như ở miền Nam. Nhưng đa số đồng bào lại thích ở San Jose hơn, vì nơi này rất thanh bình hạnh phúc, địa thế lại nằm trong thung lũng hoa vàng nên có nắng ấm quanh năm, tuy khí hậu có hơi lành lạnh hao hao như Đà Lạt của quê nhà. San Jose còn dễ kiếm công ăn việc làm, vì nằm kế Silicon Valley, Trung tâm sản xuất máy tính của Hoa Kỳ, sào huyệt của Đại Công Ty Apple nổi tiếng khắp hoàn cầu, trong đó có nhiều kỹ sư người Mỹ gốc Việt (thế hệ thứ hai) đang phục vụ.

Ở miền bắc Calif còn có Thành phố San Francisco, một thành phố du lịch nổi tiếng của Mỹ, mỗi năm thu hút nhiều triệu du khách ngoại quốc tới thắm viếng. Tại đây người ta còn giữ lại nhiều di tích xa xưa như những chiếc tàu điện chạy bằng dây cáp và đường rầy (Cable Car), với những hồi chuông luôn đổ, để báo hiệu cho du khách khi xe tới những địa điểm quan trọng cần chú ý, hoặc đang leo dốc xuồng đồi. Đây cũng là nôi phát sinh ra phong trào Hippy Mỹ thời chiến tranh VN, mà bài hát nổi tiếng vẫn còn được truyền tụng "Nhớ cài hoa trên tóc, khi tới San Francisco... ". Bây giờ nó lại là thánh địa của những cặp "Đồng tình luyến ái", sinh hoạt chung trong một cộng đồng mang tên "Castro" qua màu cờ hình cầu vòng bảy màu, được treo trước nhà các hội viên.

Tới Francisco, không thể không thăm viếng các đia danh nổi tiếng như China Town, Bến Ngư Phủ (Fisherman’s Wharf), Công viên Golden Gate và nhất là chiếc cầu treo Golden Gate, niềm tự hào của người dân bản địa.

Chiếc cầu này do kỹ sư Joseph B. Strauss đôn đốc thực hiện. Cầu dài 2824m, sau năm 1964 đã nhường địa vị hạng nhất về chiều dài, cho những chiếc cầu khác trên thế giới như Verrazano Narrows, Akashi, Kaikyo... nhưng vẫn giữ kỷ lục về độ cao nhất từ hai cột tháp (746 Ft – 227m), và một cặp dây cáp treo dài 1200m, có đường kính 1m. Cầu bắt đầu xây dựng hơn 4 năm và khánh thành vào năm 1937, với chiều rộng đủ cho 8 lằn xe xuôi ngược, cùng với hai hành lang dành cho người đi bộ, nên cũng là địa điểm thuận lợi và nổi tiếng về hiện tượng tự sát mà thống kê ghi nhận, đã có hơn ngàn người nhảy sông chết, kể từ ngày thành lập tới nay.

Los Angeles hiện là thành phố lớn thứ nhì của Hoa Kỳ, không những là thủ đô của nhiều Cộng đồng di dân Người Mỹ gốc Á Châu như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và người Đông Dương Tị Nan Cộng Sản Quốc Tế Việt, Miên, Lào. Hollywwod từ lâu nổi tiếng là kinh đô ánh sáng trung tâm sản xuất phim nhựa về nghệ thuật thứ bảy. Đối với các giới hâm mộ điện ảnh, không ai không nhớ tới những địa danh quen thuộc như Đại Lộ Hoàng Hôn (Sunset Boulevard), Beverly Hill... sang trọng với nhà cửa dinh thự của các tài tử điện ảnh. Nhưng tình nhất vẫn là Chinese Theatre, một rạp hát nổi tiếng lâu đời, được coi như một nhân chứng của lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ, qua các dấu ấn thời gian từ chữ ký, dấu chân, dấu tay kể cả dấu son môi của hằng trăm nữ tài tử điện ảnh nổi tiếng bao đời như marilyn Monroe, Lý Tiểu Long, Madonna, Michael Jackson...

Vào phim trường Universal tại Hollywood, để chứng kiến tận mắt những xảo thuật dựng phim giả tạo của đạo diễn, từ các pha nghẹt thở hiểm nguy, mà vai chính do các "Stunt men’ đóng thế, cho tới kỹ thuật lắp ráp trên màn ảnh, khiến cho ai cũng có cảm giác như mình đang ở trên mây. Cuối cùng là Disneyland, vương quốc của các loại phim hoạt hình Walt Disney, trung tâm giải trí của mọi lứa tuổi, với các khu vực được xây dựng theo chủ đề nhưng được ưa thích nhất vẫn là các nhân vật thần thoại hay ảo như Bạch Tuyết với bảy chú lùn, Cô bé quàng khăn đỏ, Thằng người gỗ Pinocchio, chú chuột Mickey, vịt Donald, chó Pluto... Tại đây du khách còn được đáp chuyến tàu chạy bằng hơi nước, trên con sông đào mang tên Mississipi, chảy vòng quanh khu vực.

California còn là vùng đất học, vì trong tổng số 12 viện đại học danh tiếng nhất hoàn cầu, thì Hoa Kỳ đã chiếm 8, trong số này có hai của Tiểu bang Cali. Điều này cũng dễ hiểu vì miền đất này đông dân nhất Hợp Chủng Quốc, với hơn 30 triệu người sinh sống tại đây, lại có một nền kinh tế cao và sung túc, cho nên hệ thống giáo dục được phát triển mạnh nhất nước. Đó là hai đại học công lập Universite of Calif-Berkeley, thường được viết tắt là UC Berkeley, cùng với đại học tư Stanford, cả hai đều lớn mạnh. Hiện nay UC Berkeley có tới 1500 giáo sư giảng dạy và 30.000 sinh viên + nghiên cứu sinh đang theo học. Trường thành lập từ năm 1868, qua thời gian đã tạo được một bề dầy thành tích, qua hai lãnh vực trí thức và chuyên nghiệp, nhát là sự nghiên cứu khoa học, đã mang về cho trường các giải Nobel danh tiếng về Nguyên tử và tin học.

UC Berkeley còn có lò phản ứng nguyên tử, do chính tiến sĩ J.R.Oppenheimer thực hiện, vì ông chính là cha đẻ cuả quả bom đầu tiên mà Mỹ chế tạo được vào năm 1945. Calif còn có 8 viện đại học khác, cùng có trình độ và tầm vóc ngang hàng với UC Berkeley, họp thành University of Calif (UC ) công lập, do một hội đồng quản trị và điều hành (Regent), đứng đầu là một chủ tịch và nhiều thành viên, trong đó có Thống đốc tiểu bang, cùng với các viện trưởng đại học liên hệ. UC đào tạo đủ trình độ như cử nhân (Bachelor – 4 năm), cao học (Master), tiến sĩ (Doctor)... có giá trị văn bằng, chẳng những tại Mỹ mà còn khắp thế giới. Điều này đối với các đại học khác tại Calif như UC San Diego, UC Los Angeles, UC Riverside, UC San Francisco,... cũng không có gì khác biệt, tuy mỗi trường có riêng chuyên môn của mình.

Song song hệ thống đại học công lập của liên bang, còn có hệ thống đại học của tiểu bang Calif (CSU), rải rác từ nam lên bắc có 23 viện như Humbold, Hayward, Stanislaus, Monrerey Bay, San Diego... chỉ đào tạo hai ngạch cử nhân và cao học mà thôi, tuy rằng trình độ giảng dạy, giữa hai viên đại học liên bang (UC) và tiểu bang (USC) đều giống nhau. Còn phải kể tới các đại học chuyên môn (College) và cộng đồng (Community College), đều thuộc hệ thống công lập hạng ba.

Trong khi đó các đại học tư nhân được phát triển tự do, bao gồm 30 đại học hỗn hợp (University) và Chuyên môn (College), trong số này có 10 trường của các giáo hội Thiên Chúa, Tin Lành và Thanh Giáo như đại học Sacramento, Los Angeles, đại học quốc tế... nhưng nổi tiếng nhất của hệ thống này, vẫn là đại học Stanford. Viện thành lập năm 1891, hiện có 1400 giảng sư, 14000 sinh viên, 7 phân khoa, được xếp hạng trong 5 viện đại học danh tiếng nhất của nước Mỹ : Harvard, Berkeley, Cal Tech và Massachusetts Institute of Technology (MIT). Viện chuyên đào tạo giáo sư các ngành, giảng dạy tại các trường phổ thông của Mỹ. Tóm lại, trong hệ thống đại học tại tiểu bang Calif, 90% sinh viên là người địa phương, số còn lại từ các tiểu bang khác và ngoại quốc. Người gốc Châu Á theo học chưa tới 3% nhưng chiếm 8% là sinh viên giỏi, trong số này đứng đầu vẫn là người Việt tị nạn, Trung Hoa, Nhât Bản và Nam Hàn.

+ LAS VEGAS, THIÊN ĐÀNG HAY ĐIA NGỤC :

Thiên đàng hay địa ngục tùy theo cảm xúc của con bạc thắng hay thua. Tuy nhiên theo thống kê của báo chí, thì từ trước tới nay, đã có 90% dân đỏ đen bị sạt nghiệp vì bạc bài. Nhiều người vỡ mộng, cháy túi sau 4 ngày miệt mài điên đảo tại Las Vegas. Điều lạ kỳ là hầu hết các con bạc dù đã bị cháy túi nhiều lần nhưng vẫn cứ vui vẻ trở lại chốn cũ, với hy vọng gỡ vốn kiếm lời, để rồi lại cứ thất thiểu quay về như bao lần mộng mị.

Las Vegas là một thành phố phi thời gian, vì tại đây không hề có một chiếc đồng hồ được treo tại các nơi công cộng. Đây cũng là dụng ý của các chủ sòng, muốn con bạc đừng thèm quan tâm tới ngày giờ cho bận rộn cuộc chơi. Các phòng ngủ trong mọi khách sạn, cũng được thiết kế một cách nhạt nhẽo sơ sài, gây chán nản cho khách trọ, để họ mau mau rời giường, xuống ngay sòng bạc, sát phạt cuộc đỏ đen.

khởi đầu chỉ là một thị trấn nhỏ, nằm trong sa mạc Nevada, có con đường sắt từ các tiểu bang miền Nam ngược lên vùng tây bắc California để săn tìm vàng. Những năm nước Mỹ buớc vào thời kỳ suy thoái kinh tế, thị trấn trên cũng chuyển mình, bằng cách phân thành 1200 lô đất, bán cho công chúng và các công ty để đầu tư vào việc xây dựng sòng bạc và khách sạn. Nơi đó hiện nay trở thành khu phố chính Strip và Glitter Gulch, nằm dọc theo hai siêu lộ 15 và 95. Chính thức ra đời ngày 15-5-1905, Las Vegas rộng 293 km2, mang tên "Đồng Cỏ’ vào thời kỳ thuộc Tây Ban Nha, còn bây giờ người Mỹ gọi la "Sin City "thành phố tội lỗi. Phi trường quốc tế Mc Carran, lối dẫn vào thành phố Las Vegas xa 8 km, thật tình không giống bất cứ một nơi nào trên thế giới, vì được dàn chào gần như khắp nơi, bằng những Máy Kéo Tiền, mà người Mỹ gọi là One Armed Bandits, còn dân chơi cầu ba cẳng thì xưng tụng là Tướng Cướp Một Tay, vì máy nào cũng chỉ có một cánh tay, cũng là chiếc cần kéo, khi bỏ vào máy một đồng 25 xu.USD. sẽ "Hit the Jackpot" khi nhìn thấy ba hình vẽ giống nhau hiện trên nền truyền hình, đồng thời với tiếng rổn rảng của các đồng xu chảy ra từ máy. Nhưng đó chỉ là họa hoằn, vì ngàn người như một, bỏ tiền vào mà đâu có thấy đồng nào trở lại.

Ngày 2-8-2004 tờ Times cho biết tỷ phú Kirk Kerkorian, đã ký hợp đồng sáp nhập trung tâm giải trí MGM Mirage của mình với Mandalay Resort Group, thành một đại công ty cờ bạc lớn nhất thế giới. Còn Harrah’s Entertainment đã mua Caesars Enter với giá 9,25 tỉ USD để khuếch trương to hơn đại công ty trên. Tóm lại hai tập đoàn cờ bạc và giải trí lớn nhất của hoàn cầu, đổ hết tiền bạc vào Las Vegas, biến nó thành chốn thiên đàng với bốn món ăn chơi đúng nghĩa, trong đó đâu có thiếu công nghiệp Sex, chỉ đứng sau cờ bạc mà thôi. Hiện MGM Grand đã phá bỏ hai công viên giải trí cũ, để xây dựng những hộp đêm thác loạn đúng nghĩa, mà giới giang hồ quen gọi là "Chỗ Bốc Lá", mô hình tương tự như Quán Crazy Horse ở Ba Lê (Pháp). Sex hiện diện khắp nơi ở Las Vegas qua hình thức nghệ thuật, trong mọi chương trình của đoàn xiệc Cirque du Soleil thường trực tại Rạp, gần như khỏa thân và gợi dục. Tại Trung tâm Treasure Island, có màn cướp biển và các nàng tiên cá bán thân.

Theo Billy Vassiliadis, chuyên viên quảng cáo thì nhờ Sex đã hấp dẫn hằng triệu du khách Anh, Đức, Nhật, Úc, Nam Hàn... ùn ùn kéo tới Las Vegas mua vui và đánh bạc. Để cung ứng nhu cầu, các đại công ty đã mở các chuyến bay trực tiếp từ Âu Châu, Nhật, Úc, Nam Hàn... tới thẳng phi trường quốc tế của thiên đàng đỏ đen là sân bay Mc Carran, đem bạc tỷ lợi nhuận về cho ông chủ của MGM Mirage, The Strip... nâng thành phố Las Vegas lên hàng đầu nước Mỹ về sự tăng trưởng (từ 600.000 – 1,6 triệu năm 2005) và mức thu nhập trung bình 32.000 USD.

Thiên đàng hay địa ngục, ai muốn nói gì cũng mặc, trước mắt Las Vegas mỗi năm thu hút hằng năm hơn 33 triệu du khách muôn phương đổ về, để thử thời vận hay hưởng cảnh nhất dạ đế vương trong thiên đường tội lỗi, đã mang tới lợi tức cho thành phố hằng năm hơn 5,25 tỉ USD. Hiện Las Vegas có 19 đại khách sạn hàng đầu thế giới, trong đó mỗi nơi là một sòng bạc (casino) đồng thời là chỗ giải trí trình diễn ca vũ nhạc do các tài tử thượng thặng khắp năm châu về. Đó là El Rancho ra đời năm 1941, Flamingo năm 1946 thực hiện cả một khu hoang dã, thả đầy chim Hồng Hạc, biểu tượng cái tên của khách sạn. Còn Circus Circus lại mang hơi hướng của những đoàn xiệc lừng danh quốc tế. Vào New York hotel, du khách có cảm tưởng như mình đang sống ở thành phố trên được thu nhỏ với tượng nữ thần tự do, tay cầm bó đuốc rực sáng đêm ngày.

Nói chung thì thiên đường nào cũng không bằng các sòng Casino được vây quanh bằng đủ kiểu, từ các máy đánh bạc ở vòng ngoài, cho tới những sòng Roulette, Poker... mà không khí sát phạt hiện thực bằng đồng phỉnh đủ màu, tượng trưng cho giá tri của USD. Từ năm 1931 tới nay, ngoài cờ bạc đỏ đen, Las Vegas còn đảm nhận dịch vụ kết hôn, với thủ tục giản tiện nhất trong 50 tiểu bang của Mỹ. Ở đây có tiền thì có tất cả, nên chỉ cần vài phút đợi chờ, người ta có thể lấy hay bỏ nhau còn dễ hơn thay đổi quần áo. Các tổ chức cưới (Wedding Chapel0 phục dịch khách hàng từ A-Z... Dễ như vậy nên mỗi năm có hơn 100.000 cặp tổ chức đám cưới ở xứ thần tiên đầy lạc thú, nếu có đủ tiền trả.

Tuy nhiên ngoài cờ bạc, Las Vegas cũng có nhiều thắng cảnh danh lam như dập nước Hoover, hồ chứa Mead khổng lồ, hùng vĩ. Hẻm núi đá đỏ Rock Canyon được hình thành từ 65 triệu năm trước. Năm 2001 đã khánh thành Viện Bảo tàng nghệ thuật Guggenheim trưng bày tranh của của các danh họa Picasso và Cézanne... cũng chỉ với mục đích làm cho thành phố bớt đi chút mặc cảm tội lỗi.

+ HONOLULU CHỐN ĂN CHƠI ĐẮT GIÁ NHẤT CỦA NƯỚC MỸ :

Từ năm 1959, quần đảo Hawaii chính thức trở thành tiểu bang thứ 50 của Hợp Chủng Quốc, khiến cho người Mỹ khắp nước, ai cũng ao ước tới thăm chốn thần tiên này một lần. Tại thủ phủ Honolulu hiện có gần 1 triệu dân, chính phủ liên bang vẫn duy trì khu di tích lịch sử Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), một địa danh ghi nhớ lại trận đại chiến long trời lở đất của Nhật và Hoa Kỳ vào ngày 7-12-1941. Chứng tích của xác tàu Arizona trong Hạm đội Mỹ bị Nhật đánh chìm, nay được biến thành một khu bảo tàng, để tưởng niệm hương hồn của hơn 4000 quân nhân Mỹ đã hy sinh vì nước.

Người Việt định cư ở đây từ năm 1965 cho tới nay, qua nhiều đợt như theo chồng, du học nhưng tuyệt đại đa số vẫn là Tị Nan Cộng Sản từ sau ngày 1-5-1975, theo thống kê cả tiểu bang có chừng vài ngàn người, sống nhiều nhất tại Honolulu, sau đó đảo Maui, Big Island, Kuwaii... bằng đủ nghề nhưng nhiều nhất là lái taxi, bán Manapua, làm hãng xưởng và khách sạn... nhưng dù hành nghề nào chăng nữa, ngưởi Việt tị nạn cũng cảm thấy thoải mái vì thời tiết khí hậu hao hao chốn quê nhà.

Tới du lịch Hawaii, khách chơi thoải mái với quần cụt áo thun, một truyền thống lâu đời của bản địa. Mọi người sẽ được thở hít không khí trong lành của trời đất, vẫy vùng nơi sóng bạc biển xanh, tha hồ thưởng thức các món ăn trấn quý của đại dương, mà bất cứ khách sạn nào cũng có. Đó là sự hãnh diện chung của bất cứ du khách nào khi tới thăm đảo quốc thần tiên này và ai khi giã từ cũng đều nói "Mahalo" như một lời hứa hẹn trở lại trong nụ cười.

Hỡi ơi đất người nơi nào cũng đẹp cũng rộng mở thâm tình. Chắc là vậy cho nên đâu có mấy ai chịu nghĩ tới là người xưa phải dùng xác người, máu lệ và tài sản gia đình đổi lấy đem về. Ở đâu cũng giống nhau, tự do không phải là của bố thí để xin xỏ, nó cũng không là trái sim chín để ta nằm chờ rung, cũng không phải là mộng mơ viễn tượng để đem về bằng ảo giác trong đầu, trên giấy hay lời nói lúc vui vầy. Đó là chính trị hay nói đúng hơn là nhân cách của con người khi biết lựa chon cách sống sao cho đúng với giá trị của kiếp người. Chính trị hiểu theo khía cạnh đạo đức là vậy đó, thế nhưng có nhiều người phải bỏ nước tha phương, vẫn không biết vì sao mình đã bỏ quê hương ra đi...

Chín năm toàn dân VN kháng chiến chống và đuổi được thực dân Pháp ra khỏi nước. Hai mươi năm tang tóc trầm luân tại VNCH chống chọi với cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế. Rốt cuộc VN cũng đâu có được tự do hạnh phúc.

Bởi vậy đừng nghe những gi Việt Cộng nói qua lời hứa của Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Cao Kỳ và báo chí Mỹ, mà phải nếu có dịp về thăm VN, nên nhìn tầng lớp đồng bào mạt rệp cả nước để biết việc gì Đảng đã làm được suốt ba mươi hai năm qua. Cũng đừng tin những gì người Mỹ đã nói, cho dù đó là đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa, Ngoại trưởng Kissinger hay Rice, kể cả đương kim Tổng thống W.Bush... mà phải nhìn lại những tàn tích, hậu chứng và ngươi dân bản địa, khi Hoa Kỳ tháo chạy tại Đông Dương, Phi Châu và mới đây tại Iraq, A Phú Hãn, Trung Đông và tệ nhất là tình trạng cướp ngày của đảng CSVN đang diễn ra từng giờ, trước ống kính của nhân loại, trong đó có tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội, Sài Gòn.

Không có gì quý hơn độc lập tự do, đó là một chân lý có ghi trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ và Pháp. Nhưng từ trước tới nay VN đâu có tự do, bởi vậy đồng bào "Mua ba ký gạo không cho đem về". Người Mỹ có tự do, dân chủ, nên hàng hóa, sản phẩn văn hóa từ khắp nơi kể cả VN, đem ra bày bán, ai muốn thì mua. Nhưng VN bây giờ chưa có tự do, nên dù Mỹ chấp thuận, liệu sách báo, sản phẩm văn nghệ của người Việt được WTO qui định đem về nước hợp lệ. Tuy nhiên không biết ai là người bày bán ?

Chân lý là vậy đó, cho nên cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói rất chí lý "còn nước thì còn tất cả". Chúng ta nay còn gì để mơ mộng ? ngoài việc về thăm quê xưa, để rồi khi rời cố quốc, ai cũng phải ngậm ngùi vì đã không có cơ hội làm một công dân hạng bét dưới chế độ xã nghĩa, cho dù Triết mới nói "từ tháng 9-2007 vào VN khỏi chiếu khán và Việt kiều giàu tha hồ về mua nhà lầu "-/-

Xóm Cồn
4-7-2007
MƯỜNG GIANG