Thứ Tư, 4 tháng 7, 2007

Việt Nam cần một phong trào xanh

Hàng trăm đồng bào từ tỉnh Tiền Giang đang lên Sài Gòn biểu tình, mang theo những biểu ngữ chống tham nhũng, cường quyền, áp bức trong hai tuần lễ vừa qua. Bà con bây giờ đã đổi chiến thuật, không tụ lại thành một đoạn mà chia thành nhiều nhóm xuất hiện trên các đường phố cùng một lúc hoặc liên tiếp nhau, công an hốt đám này sẽ còn đám khác. Những đoàn người đi trên nhiều đường sau tụ tập ở đường Võ Thị Sáu, một trụ sở “tiếp dân” của trung ương đảng cộng sản, và trước trụ sở cảnh sát ở đường Nguyễn Trãi. Ngày Thứ Hai đầu tuần này, trong số các biểu ngữ cầm tay có thêm tên các tỉnh Bình Dương, Ðồng Tháp, An Giang, Vũng Tàu. Trong khi đó, trước cửa nhà khách chính phủ và trụ sở Quốc Hội ở Hà Nội, hàng trăm đồng bào từ miền xa tới tụ họp “khiếu oan.”

Nếu là người ngoại quốc không biết gì về chế độ cộng sản thì chúng ta sẽ nói: “Chỉ có mấy trăm người biểu tình, con số nhỏ quá chẳng đáng kể”. Nhưng ai là người Việt Nam, hoặc đã từng sống dưới chế độ cộng sản, thì biết rằng những người dám họp nhau tới con số hàng trăm để đi kêu oan như vậy, đó là những người can đảm cùng mình. Nhiều đồng bào ở Sài Gòn cho biết công an đã bám sát đoàn người biểu tình, chỉ chờ lệnh là động thủ; cứ một người dân biểu tình là có hai ba công an chìm nổi đi kèm. Một thanh niên đưa máy lên chụp ảnh đã bị công an đòi tịch thu máy, năn nỉ lắm mới được “giảm án” chỉ tịch thu con chíp trong máy chụp hình điện tử.

Hiện tượng dân từ miền quê lên Hà Nội hay Sài Gòn đi biểu tình đã diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng trước và trong dịp có hội nghị APEC năm ngoái thì họ bị dẹp hết. Phần lớn các vụ biểu tình đều là do nông dân bị quan chức nhà nước cộng sản cướp đất. Một người kể anh có khu đất trị giá 2 triệu đồng một mét vuông, bị “quy hoạch” lấy đất làm của công, trả cho anh bằng một phần mười giá đó. Sau khi cướp đất rồi, các quan chức mới đem bán lại cho các nhà tư bản Việt hay ngoại quốc, giá là 10 triệu đồng một mét vuông.

Một điều đáng nói là trước những cảnh dân nghèo thật sự vô sản đi kêu gọi tấm lòng thương người của các quan chức “vô số tài sản” xin họ trả lại đất hoặc đền bù xứng đáng cho dân, thì báo chí ở Việt Nam không nói gì đến cả. Tất cả 600, 700 tờ báo tại Việt Nam đều là của đảng cộng sản. Ðảng cho phép viết cái gì thì được viết cái đó. Khi có người bị đánh, đập cho tới bị chết, báo chí và đài phát thanh, vô tuyến truyền hình cũng sẽ không dám nói tới.

Chế độ cộng sản luôn luôn bưng bít tin tức, tất cả những tin nào bất lợi cho đảng đều không được loan báo. Ðiều này dễ hiểu, một chính quyền độc tài không bao giờ chấp nhận tự do báo chí. Nhưng cũng có lúc báo chí ở trong nước được phép đăng những tin xấu. Ðọc báo của công an thì thấy không biết bao nhiêu là tệ nạn xã hội. Trộm cướp, băng đảng, gian lận thi cử, đạo lý suy đồi, rất nhiều tin vẫn được phép lên mặt báo.

Tại sao chính sách kiểm duyệt của đảng Cộng Sản Việt Nam lại chọn tin xấu này cho đăng mà cấm ngặt không cho đăng một số tin xấu khác? Ðiều cấm đoán quan trọng nhất là giới truyền thông không được loan tin có những dân dám đứng lên chống lại đảng, không được vạch ra những tội lỗi lớn của quan chức trong đảng. Những tin đó có thể khích động người dân khắp nơi, và một phong trào chống đối có thể bộc phát. Ngoài ra, những tin xấu khác họ coi là chấp nhận được. Vì phần lớn những tội ác tình và tiền mà các báo của công an đăng lên đều có thể quy trách nhiệm cho các cá nhân. Vả lại, chắc không người Việt Nam nào lại đứng lên đòi đảng cộng sản thay đổi đường lối giáo dục, đòi xây thêm bệnh viện miễn phí, hay đòi đảng phải sửa chữa đường, cầu cho bớt tai nạn lưu thông chết người! Sau khi đã sống quen trong một xã hội có quá nhiều tệ đoan, người dân coi đó là chuyện tự nhiên, không ai nghĩ nguyên nhân gây ra những tệ đoan đó là do chế độ chính trị thối nát, tham nhũng sinh ra. Mà nếu có ai nghĩ đảng cộng sản chịu trách nhiệm làm cho đạo lý xã hội suy đồi, thì họ cũng bận tâm đến nhiều vấn đề khác lớn hơn, trực tiếp liên hệ tới họ hơn, không để thời giờ quan tâm đến các tệ đoan nhỏ nữa. Những vụ quan lại tham nhũng ăn cắp hàng chục triệu Mỹ kim, những vụ quan chức buôn lậu ma túy, nuôi băng đảng trong xã hội đen, dù có làm xôn xao dư luận một thời gian rồi sau đó cũng chìm vào quên lãng. Chỉ khi nào người dân ý thức được rằng, chính tình trạng một đảng độc quyền cai trị là nguyên nhân gây ra những tệ nạn đổ lên đầu dân tộc, lúc đó mới hy vọng người dân đứng lên tỏ thái độ.

Có một hiện tượng đang xảy ra ở Việt Nam có thể đánh thức đồng bào chúng ta về những cái họa của một chế độ độc tài. Ðó là sự suy đồi trong môi trường sống, do chế độ độc tài gây ra, khiến rất nhiều người chết. Một đảng độc quyền không bao giờ lo dân lật đổ bằng lá phiếu, cho nên không lo lắng đến sức khoẻ của người dân. Ðến khi nhiều người chết quá, mới tìm cách chữa; nhưng một guồng máy độc tài cũng không chữa trị gấp cho dân nhờ. Vì các quan chức đều do đảng chọn chứ không phải do dân chọn. Ðây là một thảm họa của dân tộc, không những người đang sống bây giờ chịu độc hại mà còn đe dọa sinh mạng của nhiều thế hệ sau này nữa.

Ai theo dõi báo chí điện tử ở trong nước đều biết hiện nay có nhiều làng ở Việt Nam được gọi tên là “làng ung thư.” Phóng viên báo điện tử VietNamNet đầu Tháng Hai năm nay đã viết về một làng ở Lâm Thao, Phú Thọ, với số người bị bệnh ung thư lên quá cao. Có hơn một trăm người chết vì ung thư, có một họ chết 25 người. Nguồn gốc gây ra bệnh, theo người dân đoán, là do những chất thải từ một nhà máy làm phốt phát và các hóa chất khác. Từ cuối năm 2005, dân làng Thạch Sơn đã kêu cứu, chính quyền cấp tỉnh, huyện tìm cách che đậy nhưng cuối chính quyền trung ương đã phải tới “nghiên cứu.”

Chính quyền cộng sản không thể đổ lỗi cho “chất độc da cam” trong vụ này được. Vì nhà máy phốt phát Lâm Thao ở ngoài Bắc và đã hoạt động từ năm 1959. Theo bản tin trong nước thì “toàn bộ xỉ và rác thải, nước thải... của nhà máy này” được tuôn đổ “trực tiếp ra gần khu dân cư sinh sống mà không hề qua xử lý.” Nhà báo mô tả rõ, “Các chất thải này không đường ống, không bờ bao, tự do chảy thẳng ra cánh đồng Thạch Sơn 24h/24h,” tức là suốt ngày đêm. Người dân không ai biết nguồn nước ô nhiễm đó là một nguyên nhân gây ra những chứng bệnh phổi, bệnh mắt, vàng da. Nhưng họ biết rằng, hoa màu bị giảm, số sản xuất giảm mất từ 50% đến 80%, có chỗ mất tất cả. Nhiều gia đình bỏ trồng trọt, đào ao nuôi cá. Nhưng khi trời mưa chất độc tràn vào, cá chết.

Ðó là một làng ở Phú Thọ, gần Hà Nội cho nên được ngó tới. Tại miền Nam, vào Tháng Tư năm nay báo Thanh Niên in bản tin nhà nước cho biết có 2 khu phố ở thị xã Tân An được gọi là “xóm ung thư” vì số người chết tăng lên nhiều trong hai năm gần đây. Một người dân cho rằng, nguồn nước đã bị ô nhiễm do nhà máy sản xuất nhôm thải nước ra sông Nhơn Hòa.

Ðến Tháng Năm 2007, tờ báo trên mạng lại đăng tin về một “làng ung thư” khác ở Nghệ An. Ðã có người dân xã Kim Thành, huyện Yên Thành, nói rằng, quê anh là nơi “ra ngõ gặp ung thư.” Có hàng trăm người đã chết, có gia đình sinh ba con, cả ba đều mắc bệnh ung thư. Nhà báo phải dùng những chữ “chết chóc một cách ghê rợn.” Nhưng làng đầu tiên ở Nghệ An được phát hiện là một “làng ung thư” là làng Cờ Ðỏ, huyện Diễn Châu. Người dân còn gọi là “làng chết.” Ở xã Nam Sơn, huyện Ðô Lương, số người chết vì ung thư lên cao, được gọi tên là “làng virus hủy diệt,” nhà báo mô tả là “có mức độ khủng khiếp không kém” làng Cờ Ðỏ. Làng ung thư mới được phát hiện khác là Phong Yên, xã Hưng Hòa thuộc thành phố Vinh.

Tại sao Nghệ An có nhiều “làng ung thư” như vậy? Theo nhà báo tường thuật những lời giải thích của giới chuyên môn thì nguyên nhân chính cũng là môi trường sống bị ô nhiễm. Tại Ðô Lương, người ta biết có những kho thuốc DDT trừ sâu từ mấy chục năm trước, kho nay đã bỏ nhưng mặt đất bị ô nhiễm vì chất độc vẫn còn nguyên. Nước giếng đào bị ô nhiễm đến vàng ố. Tại Yên Thành, cũng do những kho thuốc DDT của hợp tác xã để lại di họa. Những gia đình sống ở xa các nền đất kho DDT, hoặc ở nơi đất cao hơn nền kho DDT thì không bị ung thư như các nhà ở gần. Cả làng vẫn phải dùng nước giếng, trừ mấy gia đình xây được bể chứa nước mưa.

Dân các làng trên đã làm “kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa thấy cơ quan nào kiểm tra.” Một tai nạn khác giáng xuống đầu dân làng Cờ Ðỏ là một cái đập xây ngay đầu làng. Ðập thiết kế sao không biết nhưng nước tràn đã làm ô nhiễm, “có bao nhiêu rác thải, xác chết động vật, bao bì đựng thuốc trừ sâu đã thải xuống sông.” Nhà báo viết, “Làng Cờ Ðỏ như cái túi đựng rác.”

Những hiện tượng “làng ung thư” và “xóm ung thư” trên hầu như không gây nên những phản ứng mạnh nào trong tâm lý đồng bào trong nước. Tuần trước, mục này đã nhắc tới phản ứng của dân chúng thành phố Hạ Môn, Trung Quốc. Khi biết có dự án dựng một nhà máy hóa chất dùng nguyên liệu dầu lửa mà chính quyền đã ký kết với một công ty Ðài Loan. Hàng chục ngàn người dân biểu tình, và chính quyền cộng sản đã phải ngưng dự án hàng tỷ Mỹ kim này. Cuộc biểu tình trên diễn ra nhờ mọi người liên lạc, kêu gọi nhau qua Internet.

Dân ở các làng quê Nghệ An, Việt Nam không bao giờ dùng đến Internet. Dân thành phố thì còn mải những chuyện khác, không biết đến những “làng ung thư.” Nhưng chúng ta biết rằng, nếu nước ta có tự do lập hội, nếu báo chí được tự do hơn, sẽ có nhiều nhà trí thức Việt Nam, nhất là giới thanh niên, sinh viên, sẽ lên tiếng. Tuổi trẻ là tuổi muốn sống có lý tưởng, họ sẽ coi việc bảo vệ môi trường sống là một trách nhiệm chung, một nghĩa vụ cứu nước. Họ sẽ thấy không thể phó mặc việc bảo vệ môi trường cho nhà nước, mà mọi người dân phải họp nhau lại gây phong trào bảo vệ sự sống. Cần một phong trào xanh trong nước Việt Nam, do chính người dân làm lấy. Không thể để một guồng máy chính quyền vô trách nhiệm lãnh đạo đất nước hết đời cha đến đời con, để di họa cho các thế hệ mai sau. Nếu chế độ này còn tồn tại, người dân bị cướp đất cứ việc đi biểu tình, trong khi rác thải, nước thải đầy chất độc sẽ tiếp tục gây họa cho người dân. Lại thêm một lý do khác khiến chúng ta không thể chấp nhận sống với một chế độ độc tài.

Ngô Nhân Dụng
(@nguoivietonline)

Không có nhận xét nào: