Thứ Tư, 4 tháng 7, 2007

Thống nhất Phật Giáo?

“… Chia rẽ nguyên khởi là do hoàn cảnh đất nước chia đôi, rồi tới chính phủ Cộng Sản sau 1975 với chính sách độc tài toàn trị đòi hỏi kiểm soát toàn bộ mọi sinh hoạt …”

Thống nhất Phật Giáo? Thực sự, đó sẽ là niềm vui rất là lớn đối với tất cả các Phật Tử. Nhưng tình hình có vẻ không dễ tí nào. Chia rẽ nguyên khởi là do hoàn cảnh đất nước chia đôi, rồi tới chính phủ Cộng Sản sau 1975 với chính sách độc tài toàn trị đòi hỏi kiểm soát toàn bộ mọi sinh hoạt. Và rồi bây giờ, Hòa Thượng Thích Quảng Độ nêu lên 4 điểm để thống nhất Phật Giáo tại Việt Nam. Có thể làm được không?

Thực sự, đứng về mặt giáo nghĩa, không thể nào có sự chia rẽ giữa những người cùng là con Phật. Bởi vì khi đã cùng công nhận giáo nghĩa Tam Pháp Ấn (Khổ, Vô Thường, Vô Ngã) hay theo một lý giải khác từ Phật Giáo Tây Tạng là Tứ Pháp Ấn (Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã) thì mọi phân biệt chỉ là chuyện phụ, và do hoàn cảnh lịch sử, hay địa lý, hay do các khác biệt xã hội và phương pháp tu hành.

Cho nên, dù có dị biệt giữa các tông phái Theravada, Thiền Tông, Tịnh Độ, Mật Tông, Phật Giáo Tây Tạng... nhưng pháp tu đều quy về một mối đơn giản là: làm lành, lánh dữ, và an tâm. Tuy đơn giản nhưng cực kỳ khó thực hiện. Tất cả dị biệt chỉ là phương tiện.

Dị biệt lịch sử và điạ lý thực sự không ngăn chia được Phật Giáo Việt Nam. Bản dịch và chú giải Kinh Lăng Nghiêm của ngài Tâm Minh Lê Đình Thám, người ngồi tại Chùa Quán Sứ, Hà Nội suốt từ thời đất nước chia đôi cho tới khi từ trần, vẫn được trân trọng và sau này dùng làm giáo trình để học. Bởi vì cũng giáo nghĩa đó, không khác nhau.

Nhưng khi chính trị thò tay vào thì mọi chuyện mới khác. Đó là khi hai miền thống nhất, nhà nước CSVN nhìn thấy nếu kết hợp các giáo hội Phật Giáo, thì chính phủ sẽ không kiểm soát nổi Phật Giáo. Vì đơn giản, các nhà sư xuất sắc nhất, và là cột trụ nhất hầu hết đều là sản phẩm văn hóa Miền Nam. Thậm chí, sách nghiên cứu về Phật Giáo do các sư Miền Nam viết ra, riêng của Đại Học Vạn Hạnh, cũng đủ hớp hồn các học giả về Phật Giáo từ Miền Bắc.

Rán mà nhớ thì tôi không hình dung có tác phẩm về Phật Học nào gọi là khả dĩ ở Miền Bắc. Tất cả đều dồn năng lực cho cuộc chiến. Tất cả đều nướng cho tham vọng “phất ngọn cờ đầu của ba dòng thác cách mạng, xông tới kiên cường ở hai mặt trận giảỉ phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội”, để rồi ba thập niên sau nhà nước CSVN phải động viên tới một tiểu đoàn “ngoại cảm” để vẽ bùa vuốt ve lòng dân. Thực sự, rán mà nhớ thì tôi chỉ nhớ được mỗi cuốn dịch và chú giải Kinh Lăng Nghiêm của ngài Tâm Minh Lê Đình Thám là đáng tôn kính, nhưng thấy rõ là các sư Miền Bắc có vẻ không trân trọng ngài Tâm Minh bao nhiêu.

Có lẽ lý do chính, vì ngài Tâm Minh chỉ đơn giản sống lặng lẽ ở một góc chùa.

Thực tế nữa, khi hai miền Nam, Bắc thống nhất, nếu lập giáo hội thống nhất hai miền, thì các sư Miền Bắc sẽ không nắm quyền lãnh đạo giáo hội được, vì trình độ học Phật hầu hết đều không bằng các sư Miền Nam. Thậm chí, về giới luật hiểu biết cũng khả nghi. Đau lòng mà nói lên sự thực như thế.

Như thế, nếu thống nhất giáo hội lúc đó, thì làm sao sư Miền Nam tâm phục và khẩu phục các sư Miền Bắc? Thêm nữa, một vài nhà sư đang ở Côn Đảo về, được nhà nước CSVN tìm cách đưa lên, nhưng làm sao mà họ có trình độ qua nổi các ngọn núi Thái Sơn của Phật Học Miền Nam?

Thế nên, nhà nước CSVN phải đánh phá các giáo hội Miền Nam cho tan tác, phải bắt bỏ tù hàng loạt, trong khi dàn dựng các nhà sư tin cậy, chịu nhẫn nhịn để gìn giữ chùa, tìm phương tiện hoằng pháp.... ra làm giáo hội thân nhà nước.

Bây giờ thì qua hơn ba thập niên, nhiều thế hệ sư ni trẻ đang lên, gánh vác các công việc Phật sự ở cả hai miền. Chỉ còn vài nơi đang có vấn đề về tư cách nhà sư, thường lại là các nhà sư liên hệ thế lực chính trị của nhà nước. Thí dụ, như chuyện ở Đồng Tháp, là do sư dựa vào Tỉnh Uỷ mà hỏng.

Nhưng nếu Phật Giáo không thống nhất được, thì sẽ rất khó cho sự phát triển của Phật Giáo trước tình hình toàn cầu hóa, và trước áp lực thế tục hóa ngaỳ càng mạnh ở quê nhà.

Thêm nữa, không thống nhất giáo hội, sẽ thấy rất nhiều nguồn lực tản mác, đặc biệt không tập trung nổi sức mạnh hải ngoại, nơi hầu hết ủng hộ giáo hội mà hai Hòa Thượng Huyền Quang và Hòa Thượng Quảng Độ gánh vác.

Bản tin Phòng Thông Tin Phật Giáo 2-7-2007 ghi nhận rằng hôm thứ hai 2.7.2007, ông Kjell Storlkken Đại sứ Na Uy tại Hà Nội và ông Fredrik Steen, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Na Uy đặc trách Chính trị và Kinh tế, đến vấn an Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon.

Cuộc thăm viếng và trao đổi xảy ra trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ, từ 9 giờ sáng đến 10 giờ 30. Sau đó qua điện đàm, Hòa thượng đã cho ông Võ Văn Ái biết nội dung cuộc gặp gỡ và trao đổi. Đặc biệt là:

“Hòa thượng Thích Quảng Độ tuyên bố lập trường thống nhất Phật giáo Việt Nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như sau:

"Giáo hội chúng tôi luôn chủ trương hòa hợp trên cơ sở bình đẳng và đồng đẳng. Không chấp nhận chính trị hóa tôn giáo. Bốn điều kiện cơ bản và bất khả phân để thống nhất Phật giáo Việt Nam là:
"Thứ nhất, CHXHCNVN phải phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất;

"Thứ hai, hoàn trả Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tất cả các cơ sở chùa viện, văn hóa, giáo dục, từ thiện mà Nhà nước chiếm dụng sau năm 1975. Bước đầu, hoàn trả ngay cho Giáo hội hai cơ sở chính yếu là Việt Nam Quốc tự và Trung tâm Văn hóa Quảng Đức để Giáo hội có cơ ngơi đặt trụ sở cho Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo;

"Thứ ba, đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Đảng và Nhà nước thiết lập năm 1981 ra khỏi Mặt trận Tổ quốc; và

"Thứ tư, làm sáng tỏ cái chết của Cố Hòa thượng Thích Thiện Minh năm 1978".”
Chúng ta sẽ thấy cực kỳ khó để được thỏa mãn đầy đủ 4 điểm này. Nhưng đồng thời, CSVN cũng phải thấy là Hà Nội đang bị nhiều áp lực, đặc biệt là luật pháp Mỹ không cho phép chính phủ Mỹ quan hệ bình thường với một chế độ áp bức tôn giáo như CSVN. Trong lá thư đề ngày 21-6-2007, gửi TT Bush , nhóm 10 dân biểu Mỹ -- Zoe Lofgren, Frank R. Wolf, Loretta Sanchez, Joseph R. Pitts, Robert B. Aderholt, Dan Burton, Luis V. Gutierrez, Thaddeus G. McCotter, Janice D. Schakowsky, Christopher H. Smith - đã viết:
“...yêu cầu ngài ghi Việt Nam lại vào danh sách “các nước cần đặc biệt quan tâm” (CPC) theo đạo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 1998. Hành động này là một thông điệp ngoại giao thích đáng rằng mối quan hệ Mỹ-Việt đang bị tổn thương bởi những hành động bắt bớ, hạn chế, vi phạm nhân quyền và hạn chế tự do tôn giáo của những nhà vận động cho dân chủ...”
Nhà nước CSVN cần hiểu rằng quyền hạn của quốc hội Mỹ không phải để ngồi gật như quốc hội CSVN, và cần hiểu rằng luật Mỹ về quy chế CPC cũng không phải thứ luật CSVN muốn bóp méo hay giải thích sao cũng được.

Hãy nhớ rằng, mỗi một vi phạm đối với các nguyên tắc nhân quyền LHQ đều sẽ tự làm hại cho dân cả nước. CSVN không có quyền nói rằng mỗi nước có luật riêng, có cách hiểu về nhân quyền riêng.

Đơn giản, nhân quyền có tính phổ quát, và Công Ước Nhân Quyền LHQ đã được Hà Nội ký vào, thì mọi sự tráo trở đều sẽ hại dây chuyền cho toàn dân thôi. Cần nhớ rằng VN đã bị vào danh sách CPC, và đã gỡ ra hết sức vất vả.

Riêng về trường hợp Việt Nam, nếu chính phủ CSVN thật tâm muốn hòa giải với toàn dân, thì hãy đón nhận cơ hội do Hòa Thượng Quảng Độ đưa ra. Đây là cơ hội vàng.

Nhà nước cần nói chuyện với Hòa Thượng Quảng Độ, bởi vì trong 4 điều đều có thể nói chuyện được, qua các vị sư lớn trong hai Giáo Hội Phật Giáo hiện nay, một giáo hội hợp pháp, và một giáo hội bất hợp pháp.

Nhu cầu nói chuyện là cần thiết. Và nhà nước có thể xoa tay mà nói, “Đó là chuyện của các sư, còn nhà nước không muốn can thiệp.” Thực sự, các vị sư trong giáo hội nhà nứớc không dám tự ý làm gì cả. Và thậm chí, hầu hết đều không muốn làm gì nổi bật, vì tỏ lộ tài năng sẽ chỉ mang họa lớn trong một chế độ toàn trị như thế.

Nhất là khi chính phủ CSVN vừa loan báo kế hoạch vài năm tới sẽ đào tạo 22,000 cán bộ trình độ cử nhân để làm việc cho Ban Tôn Giáo. Tại sao không đào tạo 22,000 bác sĩ hay kỹ sư, mà lại buộc các sinh viên mới rời trường đại học phải đi theo dõi các sư ni, các bác, các chú, các anh chị cư sĩ của mình?

Hãy nói chuyện trước hết. Xin nhà nước hãy làm như thế.

Điều đơn giản nhất là nói chuyện với các nhà sư đang bị quản thúc mà còn không chịu làm, thì làm sao mà lại đòi nói chuyện với Việt Kiều như ông Nguyễn Minh Triết đã nói!

Trần Khải

Không có nhận xét nào: