Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2007

DÂN OAN TRÔNG ĐỢI GÌ NƠI NGUYỄN TẤN DŨNG?

Chiêu Dương

Tin tức không làm ai ngạc nhiên là mấy ngày qua bà con dân oan các tỉnh thành phía Nam lại rủ nhau về Sài gòn tiếp tục "khiếu kiện đông người" trước trụ sở tiếp dân ở đường Võ Thị Sáu. Sau đó bà con còn kéo tới bao vây tư dinh của Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng để yêu cầu giải quyết nỗi oan khiên ngập trời của họ. Bởi vì qua một tháng rồi, từ ngày bị cưỡng bách về địa phương, bà con đã không nhận được một sự giải quyết thỏa đáng nào, ngoại trừ những hạch sách, đe dọa của các tham quan địa phương như từ trước tới nay. Cái gọi là "đối thoại" giữa nhà cầm quyền địa phương với dân oan khác nào đối thoại giữa kẻ cướp với người bị cướp, làm sao có kết quả tốt được.

Cho nên, có vẻ như bà con hy vọng rằng chỉ có chánh quyền trung ương, nhất là TT Nguyễn Tấn Dũng, đích thân giải quyết thì mọi chuyện mới êm xuôi? Thật ra, niềm hy vọng của bà con vào Nguyễn Tấn Dũng cũng không phải là không có cơ sở. Thứ nhất, Dũng là người miền Nam, đã từng được bà con che chở, nuôi dấu trong thời chiến tranh, nhờ vậy mới sống tới ngày nay, leo lên tới cái ghế lãnh đạo chóp bu. Lẽ nào Dũng không nhớ câu "uống nước nhớ nguồn", hay "bát cơm Xiếu mẫu" hay sao? Thứ hai, Dũng đã từng lớn tiếng tuyên bố "chỉ yêu sự trung thực, ghét điều dối trá". Một người như vậy sao không đáng tin cậy? Còn nhớ, trong cái đêm hãi hùng 18 rạng 19 tháng 7 rồi, lúc bọn "đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi" tiến vào khuôn viên văn phòng Quốc Hội 2, khiêng bà con liệng lên xe áp tải về địa phương, bà con đã không ngừng kêu la trong tuyệt vọng: "Thủ Tướng ơi, cứu dân! Thủ Tướng, cứu dân!" Nhưng nào thấy ai ló mặt ra đâu.

Tội nghiệp, dầu bà con có kêu la tới đứt hơi, ông Thủ Tướng cũng đâu dám ra trực tiếp gặp bà con, dầu chỉ để nói vài lời an ủi, hứa hẹn qua lề. Sao vậy? Không lẽ một ông Thủ Tướng quyền uy như vậy lại sợ dân oan, những con người ốm đói, tay không tấc sắt? Chắc chắn không phải vậy. Ông Thủ Tướng có cả đống công an võ trang tận răng theo bảo vệ làm gì mà sợ dân. Nhưng ông sợ Đảng, sợ Bộ Chính Trị. Chắc ông đã học thuộc lòng bài học của ông Triệu Tử Dương, cũng từng làm Thủ Tướng ở bên...Tàu. Trong cuộc biểu tình của sinh viên trước quảng trường Thiên An Môn ở Bắc kinh hồi 1989, ông Triệu Tử Dương chỉ tới gặp, nói vài lời thông cảm với dân biểu tình thôi, mà ngay sau đó ông ta đã bị lột chức, bị lưu đày tại gia cho tới chết. Hỏi Nguyễn Tấn Dũng sao không sợ? Hơn nữa, cái ghế Thủ Tướng đâu phải do dân, mà là do Đảng ban cho. Dũng dại gì đúng về phía dân để cho mất ghế. "Chân lý đâu bằng chân...ghế". Đảng ta dạy vậy mà!

Vả lại, cho dù Dũng thực tâm thương dân, không sợ mất ghế, muốn giải quyết thỏa đáng các khiếu nại của dân thì làm sao đây? Thử hỏi những ai đã cướp đoạt đất đai, nhà cửa, tài sản của dân, biến họ thành "dân oan" đầu đường xó chợ như vậy? Bọn lưu vong phản động nước ngoài chăng? Hay chính là các "đồng chí" thân mến, đồng đảng và đồng lòng với ông Thủ Tướng? Giết hết tham quan thì giết luôn Đảng hay sao? Lại nữa, đất đai, nhà cửa cướp đoạt của dân cũng đã trót chia chác hết rồi, sang đi bán lại bao nhiêu lượt rồi, lấy đâu ra để mà trả lại? Bứt mây động rừng thì khổ! Cho nên, ông Thủ Tướng dầu cho có "dũng" đến đâu cũng không thể nào "tấn" được, chỉ còn nước "thoái" (thác) thôi. Cứ bán cái cho địa phương là xong chuyện. Còn bà con dân oan thì cứ "tới hẹn lại lên", rũ nhau khiếu kiện dài dài...

Người viết trước kia cũng là người miền Nam, dầu bây giờ không còn, và cũng không bao giờ muốn làm công dân (oan) của ông Thủ Tướng, nhưng nghĩ tình cùng "gốc" với nhau ( một người Mỹ gốc Việt và một người Cộng sản gốc Việt) nên cũng sẵn lòng mách ông Dũng một kế sách lưỡng toàn. Theo báo Tuổi Trẻ, qua loạt bài phóng sự nhiều kỳ, từ ngày 26 đến 30 tháng 4 năm 2006, của tác giả Bùi Thanh, thì trong kho của Ngân Hàng Quốc Gia của VNCH, ở số 17 Bến Chương Dương Sài gòn, cho đến chiều ngày 30-4-1975, khi quân CS chiếm Sài gòn, vẫn còn nguyên 16 tấn vàng, không thiếu một phân. Bài báo khẳng định như vậy, trái với những tin đồn thất thiệt suốt 31 năm, rằng ông TT Nguyễn Văn Thiệu đã tẩu tán 16 tấn vàng ra ngoại quốc Để dẫn chứng, Báo Tuổi Trẻ còn ghi lời tường thuật của ông Hoàng Minh Duyệt, người chỉ huy đơn vị tiếp thu Ngân Hàng QG. Nếu ông Dũng không có thì giờ đọc báo thì người viết xin đọc giùm ông một đoạn trong bài viết tựa đề "Vàng Đổi Chủ", đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 30-4-2006 như sau:


"Sáng 1-5, theo phân công, đơn vị chúng tôi đến trụ sở Ngân Hàng Quốc gia số 17 Bến Chương Dương (...). Chúng tôi tiến vào bên trong ngân hàng. Các nhân viên bảo vệ ngân hàng vẫn còn đó, kể cả viên thiếu tá cảnh sát. (của VNCH - NV). Tôi chỉ biết được tầng hầm chứa vàng ở đây khi tham gia nhóm kiểm kê. Nhóm kiểm kê lúc đó có tôi (tức Hoàng Minh Duyệt - NV), anh Lân và anh em trong đơn vị; về phía Ban kinh tài có anh Huỳnh Kỳ Thanh, cô Tiếp...Về phía Ngân Hàng Quốc Gia có hai anh viên chức cũ ở đây là anh Huỳnh Bửu Sơn và anh Lê Minh Kiêm.

"Tầng hầm chứa vàng sáng choang, khá rộng, rộng đến mức có thể...đá bóng được. Mỗi cửa hầm đều có ổ khóa riêng, sau lớp cửa đó là cửa hầm tự động với khóa bằng mã số. Lần đầu tiên tôi thấy vàng nhiều như thế, thấy được những thỏi vàng như thế".
(hết trích)


Chuyện ông TT Nguyễn Văn Thiệu bị "kẻ xấu" vu oan suốt 31 năm, thôi thì cứ tạm để "hạ hồi phân giải".

Kế sách mà người viết muốn tặng không cho ông Thủ Tướng Dũng là xin ông hãy quá bộ tới số 17 Bến Chương Dương một chuyến, ghé mắt vô hầm kho coi thử 16 tấn vàng có thực còn nguyên ở đó không. Lạy trời! Nếu quả thực còn, ông nên bảo mang ra chia cho mỗi dân oan một thỏi để họ hồ hởi ra về, không khiếu kiện lôi thôi nữa. Đàng nào thì ông và đảng của ông cũng chẳng mất gì. Đó là tài sản của dân miền Nam, nay trả lại dân miền Nam thôi. Các "đồng chí tham quan" của ông cũng được bình an vô sự, khỏi phải ói ra những thứ đã lỡ nuốt rồi, thêm cực khổ, mà bản thân ông Thủ Tướng cũng khỏi bị dân oan kêu réo ngày nầy qua tháng nọ làm cho ăn không ngon, ngủ không yên. Đó không phải là nhứt cử tam tứ lợi hay sao?

Còn nếu như trong hầm của Ngân Hàng QG mà ... trống trơn, thì nhiệm vụ của ông là phải tìm cho ra, coi 16 tấn vàng đó đã mọc chân chạy đi đâu, chạy vô túi những ai. Phải đòi cho đủ mà trả lại cho dân. Nếu ông và chính phủ của ông không làm việc đó, thì các chính phủ dân chủ sắp tới đây nhất định cũng phải làm thôi. Chạy trời sao khỏi nắng! (@Doi-thoai.com)

Thủ tuớng Việt Nam khuyến khích đầu tư vào Việt Nam nhưng phải cẩn thận

Prime minister of Vietnam recommends investing in nation - with caveats
Reuters 23/8/07 – Khánh Ðăng lược dịch

Ðầu tư vào nền kinh tế thị trường còn mới mẻ của Việt Nam mang nhiều bất lợi như việc thiếu sót một đội ngũ lao động có tay nghề giỏi, cơ sở hạ tầng kém cỏi và hệ thống pháp luật yếu kém, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết như vậy hôm Thứ Năm

Ông Dũng nói trước một buổi hội thảo của các nhà doanh nghiệp cao cấp và chính trị gia thuộc Hiệp hội các nước Ðông Nam Á (ASEAN) rằng Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều khó khăn, đang chờ đợi các nhà đầu tư nước ngoài.

“Cái khó khăn đầu tiên là việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng với nhu cầu phát triển nhanh chóng của kinh tế ”
“Có một điều bất lợi là nếu quý vị muốn phát triển công việc làm ăn của quý vị nhưng lại không có đủ nguồn nhân lực với tay nghề khá hoặc giỏi”

Ðối với ông Dũng, người được ÐCSVN đưa vào làm thủ tướng hồi tháng 6/2007, sau khi được chải chuốt hàng năm trời, thì sự kiện này được coi là một phản ứng hiếm có trước một diễn đàn công cộng.

Việt Nam với nền kinh tế tăng trưởng hơn 8 phần trăm một năm, cộng với một đội ngũ lao động trẻ và được nhận làm thành viên của WTO hồi đầu năm nay, đã thu hút 10 tỷ Mỹ kim đầu tư trực tiếp vào năm ngoái và đang trên đà để vượt qua con số đó trong năm nay.

Nhưng dù sao đi nữa, tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam với dân số 85 triệu vẫn chỉ vào khoảng 61 tỷ Mỹ kim, bằng phân nửa của Tân Gia Ba (Singapore), với dân số 4 triệu người.

Lợi tức trung bình hàng năm của một người tại Việt Nam vào khoảng 760 Mỹ kim.
Ông Dũng nói rằng cơ sở hạ tầng kém cỏi là một sự bất lợi khác, nhưng nhà nước Việt Nam đang cố gắng để cải thiện điều đó.

“Vấn đề thứ ba mà tôi muốn nhấn mạnh đến là một hệ thống luật pháp có tổ chức
“Chúng tôi đang trong tiến trình cải thiện hệ thống luật pháp. Chúng tôi có một chính sách để tạo ra bất cứ sự thay đổi nào trong hệ thống luật pháp để làm giảm đến mức tối đa những ảnh hưởng đến tiện ích và quyền lợi của các doanh nghiệp.

Bên cạnh cái quốc nạn tham nhũng, có một điều thường bị các doanh nhân nước ngoài than phiền là hệ thống luật pháp của Việt Nam rất mù mờ không được rõ ràng

Nhà nước Việt Nam bị Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu Châu phê phán về việc bỏ tù các nhà tranh đấu chính trị khi họ kêu gọi cho sự chấm dứt chế độ độc đảng thì ông Dũng lại nói rằng các nhà đầu tư không nên quan tâm về hiểm nguy chính trị.

Ông Dũng nói trước hội nghị “Và một điều tôi muốn bảo đảm với quý vị là sự ổn định chính trị tại Việt Nam”

Reuters: Prime minister of Vietnam recommends investing in nation - with caveats
Thursday, August 23, 2007

HANOI: Investing in the emerging market economy of Vietnam carries risks like a shortage of skilled workers, poor infrastructure and shortcomings in the legal system, Prime Minister Nguyen Tan Dung said Thursday.

Dung told a Association of South East Asian Nations conference of business executives and politicians that many opportunities, but also challenges, awaited foreign investors in the country.

"The first challenge is human resources development that meets the need of rapid economic development," Dung said.

"This is a risk if you want to expand your business but you cannot have sufficient or skilled human resources."

For Dung, installed as prime minister by the Communist Party in June 2006 after years of grooming, the event was a relatively rare interaction with a public forum.

Vietnam, with its economy growing by more than 8 percent a year, a young work force and World Trade Organization membership secured early this year, attracted $10 billion in foreign direct investment last year and is on track to exceed that figure this year.

However, gross domestic product in the country of 85 million people is still only about $61 billion, about half that of Singapore, which has a population of four million.

The per capita annual income in Vietnam is about $760.

Dung said poor infrastructure was another risk, but one that his government was working on improving with international partners.

"The third issue I would like to emphasize is the institutional and legal framework," he said.

"We are in the process of improving the legal framework. We have a policy to get any changes of the legal framework to minimize impact on the interests and benefits of enterprises."

Besides endemic corruption, a persistent complaint by foreign businessmen is that the legal system in Vietnam is opaque.

Dung, whose government has been criticized by the United States and the European Union for jailing political activists calling for an end to one-party rule, said investors should not be concerned about political risk

"And one thing I would like to assure you about is the political stability in Vietnam," Dung told the gathering.

http://www.iht.com/articles/2007/08/23/business/dong.php

Chị Dương Thị Xuân tố cáo công an Hà Nội đàn áp dân khiếu kiện ngày 23/8/07

Tôi là Dương Thị Xuân hộ khẩu đăng ký thường trú ở 69 hàng Gai Hà Nội. Cha tôi là ông Dương Đức Thân trước đây có mua “chương” phần nhà cửa hàng ở 69 phố Hàng Gai - quận Hoàn Kiếm - Hà Nội làm nơi hoạt động cho công an Hà Nội trong thời kỳ trước năm 1954 khi “chế độ XHCN ” của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chưa thiết lập được ở miền bắc Việt Nam.

Năm 1990 cha tôi bị tòa án nhà nước cộng sản dùng luật sai trái để cưỡng chế xử án như cướp lấy nhà của gia đình tôi cho người khác. Chúng tôi liên tục khiếu kiện từ đó đến nay nhưng không được cơ quan pháp luật nào của nhà nước Việt Nam trả lại nhà. Trong thời gian tôi được cha mẹ ủy quyền khiếu kiện đòi nhà, đòi công lý, công bằng luật pháp thì liên tục bị công an bắt giữ, sách nhiễu, đe dọa, khủng bố…

Sáng nay thứ năm 23-8-2007, tôi đến số 110 phố Cầu Giấy - phường Quan Hoa - quận Cầu Giấy - Hà Nội là địa điểm mà trụ sở tiếp công dân của trung ương đảng cộng sản Việt Nam, văn phòng quốc hội, văn phòng chính phủ, thanh tra chính phủ và ban phòng chống tham nhũng của trung ương cộng sản Việt Nam mới chuyển từ số 1 Mai Xuân Thưởng về đây để đề nghị các ông này trả lời dứt điểm vụ việc đã kéo dài. Khi đến nơi tôi thấy có rất nhiều công an mặc quân phục áo xanh và cũng có rất nhiều công an mật vụ mặc áo sơ mi thường vây quanh trụ sở đang xua đuổi dồn bà con vào trong cổng của trụ sở. Mấy người đàn ông của tỉnh Hà Nam đang giơ cao băng rôn đỏ có dòng chữ : “Tố cáo tập đoàn tham nhũng tỉnh Hà Nam” và biểu ngữ : “Tố cáo tập đoàn tham nhũng Hà Nam - Đinh Xuân Cương bí thư tỉnh ủy Hà Nam”, 1 ông thương binh đeo huy chương đỏ ở trên ngực khi bị công an đẩy vào phía trong sân đã kêu to : “Tao đi đổ xương máu để bây giờ chúng mày cướp đất của tao…”, 1 bà già thét lên : “Công an có súng có đạn bắn đi ngực tao đây này…”. Có một mẹ con cháu bé 6 tuổi ở miền Nam ra Hà Nội khiếu kiện, đầu quấn băng tang trắng, ngực đeo biểu ngữ : “Vì tham nhũng nên cháu phải thất học hãy trả nhà cho cháu…”. Và lúc này ở trong sân cũng rất nhiều tiếng kêu : “Hãy thả nhà sư ra, nhà sư đến đây giúp đỡ từ thiện cho bà con chúng tôi tại sao lại bắt nhà sư, tại sao lại cướp hết tiền mà nhà sư ủng hộ cho chúng tôi…”. Sau này tôi mới hay biết đó là tiếng gào của bà Thuận, một dân oan ở phố Nguyễn Khắc Hiếu – Hà Nội và ông Nguyễn Hữu Châu 71 tuổi cũng là dân oan ở số 66 Ngõ Lệnh Cư, phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội.

Cuộc biểu tình phản đối lúc đó của bà con khiếu kiện tại trụ sở này rất mạnh mẽ đã lôi cuốn nhiều khách thập phương qua đường dừng chân đứng lại để chia sẻ nỗi thống khổ của người dân lành ở mọi miền quê bị cướp đất đai, nhà cửa về thủ đô đấu tranh. Trong số những khách qua đường này rất nhiều những gương mặt non trẻ mới bước vào đời của sinh viên các trường đại học hay cao đẳng đóng ở quanh khu phố Đại học giao thông, Cầu Giấy, Dịch Vọng, Mai Dịch… và cũng có rất nhiều đôi mắt trẻ con hồn nhiên của các cháu bé cổ đeo khăn quàng đỏ ngơ ngác không hiểu sao nỗi bất công lại nhiều như thế và nhất là lại xảy ra ngay trước mắt chứ không ở đâu xa xôi như báo đài trong nước đưa tin hàng ngày…

Lúc này tôi được bà con cho biết rõ : “Sáng nay khoảng hơn 8 giờ 30 có thầy hòa thượng ở trong miền Nam ra thăm Hà Nội, có đến đây thăm bà con. Khi hòa thượng vừa mới xuống ô tô và chỉ kịp chào bà con thì đã bị nhiều công an mật bao vây thầy lại, đẩy thầy vào trong trụ sở rồi khóa cửa nhốt thầy ở trong đó, bà con phản đối thì không biết công an giấu thầy ở đâu”.

Sau này tôi về nhà mới được chính anh Nguyễn Khắc Toàn trực tiếp nói cho biết, là sáng sớm ngày 23/8/2007 anh Toàn đã ra khỏi nhà một cách bí mật khi chốt canh gác trước nhà anh của công an Hà Nội mới thiết lập từ sáng ngày hôm ấy chưa có. Anh đã đến khách sạn Phú Long ở số 12 phố Cầu Gỗ cạnh Hồ Hoàn Kiếm để đón Thượng tọa Thích Không Tánh đi đến trước trụ sở văn phòng tiếp dân số 110 Cầu Giấy để phái đoàn Phật giáo Việt Nam Thống Nhất phát quà trực tiếp cho dân oan tại đây như kế hoạch đã được Thượng tọa Không Tánh và anh Nguyễn Khắc Tòan bàn bạc kỹ với thầy gần 2 giờ tại phòng khách nhà anh tối hôm trước ngày 22/8/2007. Buổi thảo luận tìm cách hoàn thành cho thật tốt việc giúp đỡ dân oan miền Bắc này, anh Toàn có mời thêm 2 phụ nữ dân oan mà được cụ Hoàng Minh Chính, bà Lê Hồng Ngọc vợ cụ Chính, nhà văn Hoàng Tiến và Anh Nguyễn Khắc Toàn rất tin cậy. Đó là bà Nguyễn Thị Kỷ quê xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình và chị Vũ Thị Bình quê gốc thành phố Hải Phòng nay cư trú tại tỉnh Đồng Nai để cùng tham dự và họ báo cáo toàn bộ thực tế cuộc sống cũng như hiện tình dân oan các tỉnh đã tham gia khiếu kiện ở Hà Nội trong nhiều năm qua và hiện nay cho thượng tọa Thích Không Tánh biết. Sáng sớm hôm đó anh Toàn đã đến đón Thượng Tọa lúc gần 6 giờ sáng để chở thầy đi đến vườn hoa Mai Xuân Thưởng và nhà trọ ở số 2 phố Thụy Khuê nơi mà bà Kỷ và chị Bình đang tá túc qua đêm nhiều năm qua. Khi đến nơi anh Toàn và thầy Không Tánh mới biết toàn bộ dân oan ở vườn hoa và nhà trọ ở phố Thuỵ Khuê đã bị công an Hà Nội càn quét đêm qua lúc gần 23 giờ, nên không còn một bóng dân oan nào sót lại. Sau đấy anh Nguyễn Khắc Toàn chở thượng tọa Không Tánh đến quán Càphê + phở bò ở đầu phố Linh Lang gần khách sạn DaiWoo của Hàn Quốc trên đường Đào Tấn để 2 vị ngồi điểm tâm và chờ đợi đến gần 8 giờ lại tiếp tục chở Thượng Tọa về số 110 Cầu Giấy thực hiện việc cứu trợ từ thiện. Tại đây sau khi dùng xong bữa sáng, Anh Nguyễn Khắc Toàn đã đưa Thượng tọa đến bên kia đường Cầu Giấy trước địa điểm trên rồi chỉ dẫn cho thầy cụ thể địa điểm văn phòng tiếp dân và chia tay thầy để anh trở về nhà. Chứ không phải thượng tọa đến địa điểm sắp phát quà này bằng ô tô như các dân oan cho tôi biết như trên đã nói….

Còn 2 nữ phật tử và 1 cháu bé 7 tuổi được nhà chùa nuôi từ bé cùng đi với Thượng tọa ra Hà Nội do chờ 2 phụ nữ dân oan suốt từ 5 giờ sáng đến 5 giờ 45 phút không thấy đến đón để đưa đến 110 Cầu Giấy. Nên thượng tọa Không Tánh quyết định gọi taxi cho các ni cô này đi trước, còn thầy cố gắng chờ đợi anh Nguyễn Khắc Toàn đến đón và nghe ngóng tin tức các phụ nữ dân oan kia, nhưng tất cả bọn họ đã bị công an bắt rồi cưỡng chế về địa phương ngay trong đêm rồi….

Tôi nghĩ cũng thật kỳ quái mà chưa xảy ra ở nước nào trên thế giới như ở Việt Nam ta. Khi dân oan khiếu kiện bị cướp tài sản, bị án oan sai bất công đầy rẫy, họ phải kiên trì khiếu kiện nhiều năm tháng đói khổ, thì nhà nước này chẳng hỗ trợ gì cho họ thì chớ. Nhưng khi có các cá nhân, hay tổ chức làm công tác từ thiện nhân đạo cứu trợ bà con, thì nhà nước CSVN lại chỉ đạo công an đàn áp, cản trở, gây khó khăn cho họ. Và trường hợp của phái đoàn Phật giáo VN thống nhất do Hòa thượng Thích Quảng Độ cử Thượng tọa Không Tánh ra tay cứu tế giúp đỡ nhân dân miền Bắc đã bị công an Việt Nam ngăn cản, bắt bớ là điển hình nhất.

Khi tôi ra ngoài cửa đứng thì thấy gần 10 ông công an cả chìm lẫn nổi áp sát ông Nguyễn Tiến Lựa - ông Lựa là dân khiếu kiện tỉnh Bắc Giang, ông là một người đấu tranh không đòi quyền lợi riêng cho mình. Ông Lựa không cam tâm nhìn bọn quan lại ức hiếp những người dân nghèo, ông đã đứng lên chống tham nhũng ở quê hương mình. Lúc này ông Lựa đang ngồi dựa hàng rào nói chuyện với 2 người đàn ông cùng đi khiếu kiện với mình. Công an viên Nguyễn Cảnh Thuận giới thiệu là công an sở tại mời ông Lựa đi nói chuyện, mồm nói vậy nhưng đã có ngay mấy thanh niên mật vụ xông vào sốc nách lôi ông Lựa đi và chúng quăng ông Lựa lên ô tô như một con vật. Người dân đi qua đường thấy vậy họ kêu lên : “Sao các ông lại bắt người ta thế và lại lẳng người ta như con lợn thế kia ”. Công an nói : “Chúng tôi mời ông ấy đi làm việc, chứ có bắt đâu”. Chị phụ nữ đi đường phản đối : “Các anh mời người ta nhưng người ta có đồng ý đi không là quyền của người ta chứ, ai lại xốc nách khênh người ta như lợn thế ? ”. Sợ dân chúng đứng tụm đông lại phản đối, nên xe ô tô số 31A- 3977, một loại xe tải nhỏ của công an cho 2 thanh niên mật vụ giữ chặt 2 bên ông Lựa rồi chạy ngay về trụ sở công an phường Quan Hoa ở cách đấy mấy trăm mét. Bà con Bắc Giang cùng đi khiếu kiện với ông Lựa liền đến trụ sở công an phường để đòi thả ông Lựa, thấy tinh thần bảo vệ lẫn nhau của đồng bào, công an buộc thông báo là chở ông Lựa lên 54 phố Trần Hưng Đạo là trụ sở của Sở công an Hà Nội và bảo mọi người lên đấy mà hỏi.

Còn tôi đang đứng trong sân của trụ sở tiếp dân để chờ đợi sự giải quyết của văn phòng chính phủ thì thấy có một toán công an đi vào có ý tìm ai đó, sau thấy ông Nguyễn Cảnh Thuận – viên công an - người lúc nãy bắt ông Lựa hỏi tôi : “Chị là chị Xuân, chúng tôi muốn mời chị về công an làm việc”. Tiếng là được họ mời làm việc nhưng thực tế họ áp giải tôi như một tội phạm, họ sợ tôi chạy mất nên quanh tôi lúc đó cũng có hàng chục công an chìm nổi, họ diễu võ trấn áp đến mức bà con khiếu kiện đứng quanh lo sợ thay cho tôi không ai dám lên tiếng gì. Tại trụ sở công an phường Quan Hoa - Cầu Giấy - Hà Nội, lúc này công an mới cho biết rõ : “Công an phường chỉ là cái cớ để bắt chúng tôi, còn họ bảo ngồi đấy để an ninh của Sở là phòng PA 38 đến làm việc với tôi ”. Sau đó có một nam thanh niên người đậm mặc áo sơ mi có hình hỏi tên tuổi tôi và việc tôi đi khiếu kiện.

Tôi trả lời : “Ông là công an, ông có giải quyết khiếu kiện không, nếu ông giải quyết được thì tôi trình bày luôn, còn không thì thôi, các ông chỉ cản trở dân khiếu kiện là nhanh thôi. Bố tôi mua nhà hoạt động cho đảng CS và Việt Minh đã đóng góp công lao cho sở công an Hà Nội từ những năm 1950 mà bây giờ mất nhà chẳng thấy Sở công an giúp gì, mà suốt ngày cho công an hạch sách tôi là sao ?”.

Ông công an này đứng lên nói vớt : “Chị cứ túm chặt ông nào mà ngày xưa hoạt động ở nhà chị ấy mà đòi”. Tôi nói : “Các ấy cụ đi Mai Dịch hết cả rồi” (Mai Dịch là nghĩa trang cán bộ cao cấp của trung ương đảng và nhà nước cũng nằm trên trục đường này). Một công an mật khác ra hỏi tôi : “Chị đến đây làm gì”. Tôi ngạc nhiên : “Ông bắt tôi mà lại hỏi tôi đến đây làm gì”. Cuộc hỏi cung giữa công an và tôi – Dương Thị Xuân - tiếp theo như sau :

Công an : Chị có việc gì ở đấy.
Tôi : Ông nói lạ đấy là trụ sở tiếp dân khiếu kiện.

Công an : Chị khiếu kiện việc gì?
Tôi : Tôi cũng đang muốn gặp các ông để hỏi 1 năm nay (từ năm 2006) công an liên tục bắt tôi, tôi đã trình bày việc “Bố tôi mua nhà đóng góp xương máu, tiền của cho Sở công an Hà Nội, nay bố tôi bị mất nhà mấy chục năm nay chẳng thấy ông giám đốc sở công an quan tâm. Ông về hỏi hộ tôi, sở công an có nhớ những người đã đóng góp công sức cho sở của các ông không ? Hay bây giờ các ông quyền cao chức trọng, ăn trên ngồi chốc người dân nên quên mất xương máu của dân hy sinh đóng góp xây dựng nên chế độ này rồi ?

Công an né tránh không trả lời mà hỏi : Chị thấy việc đi kiện là đúng hay sai ?
Tôi : Ông nói là nếu sai đúng thì tôi đi kiện đòi nhà mình 20 năm nay làm gì. Kiện sai tôi ở luôn nhà cho rồi, khỏi đi cho mệt.

Công an : Dạo này chị có hay đến nhà cụ Hoàng Minh Chính không ?
Tôi : Ông hỏi tôi việc khiếu kiện hay hỏi việc nhà cụ Chính ? Sao lại cứ chuyện này sang chuyện khác vậy?

Công an : Tôi thấy chị hay đến nhà cụ Chính nên hỏi ? Mà sao chị lại tới thăm Nguyễn Vũ Bình?
Tôi : Tôi đi đâu là việc của cái chân tôi, tôi có quyền tự do đi lại sao các ông lại cứ phải thắc mắc.

Công an : Sao chị lại cứ đến nhà mấy ông bị đi tù về ?
Tôi : Bố tôi ngày xưa bị đi tù dưới thời thực dân, phong kiến, nên tôi đến thăm những người bị đi tù như bố tôi.

Công an : Bố chị ngày xưa đi tù vì cộng sản, còn mấy người này bị cộng sản bắt bỏ tù. Họ chống đối đảng nhà nước ta, chúng tôi khuyên chị không nên đi theo bọn xấu.
Tôi : Tôi gần 50 tuổi, hôm nay ngồi đây được nghe 1 ông công an kém mình 15 tuổi dạy bảo.

Công an : Kém 40 tuổi chứ.
Tôi : Ông kém tôi 15 tuổi, tôi cứ nói thật chứ nói như ông thì hóa ra ông trẻ ranh à ? Mà người ta nói nghe trẻ ranh… tôi dừng lại câu tục ngữ vì tiếp theo là (ăn cứt gà sáp). Tôi luôn nói thật ông khoảng 35-40 tuổi thì tôi nói đúng, việc gì phải nói sai.

Công an : Các cụ nói già còn dại mà.
Tôi : Đúng là dại, tự nhiên nghe công an vào đây để ngồi nghe công an dạy. Tôi định nói tiếp nếu không nghe các ông về đây thì liệu hàng chục công an chìm nổi áp sát tôi, dẫn giải tôi như tội phạm kia có để cho tôi được yên không ? Hay lại xông vào xốc nách tôi quăng người như ông Lựa lên ô tô như con vật như vừa xảy ra trước mắt tôi.

Sau đó họ bỏ đi đâu để tôi ngồi một mình ở trong phòng lúc này đã hơn 11 giờ trưa, ngồi mãi đến nửa tiếng gần 12 giờ trưa không thấy ông công an nào tôi bỏ ra về. Tôi đi bộ trở lại trụ sở ở số 110 phố Cầu Giấy, những người dân đứng đấy họ hỏi thăm và mừng cho tôi vì bị công an bắt đã được về. Nhưng họ cho biết : Họ vẫn đứng đấu tranh ở đây để buộc công an thả nhà sư ra. Một người nói sư cô vẫn đang đứng kia, một người bảo không người bị bắt là sư thầy. Sáng nay, thầy đến vấn an bà con khiếu kiện mà bị bắt ngay từ 8 giờ 30 nay gần 12 giờ trưa mà không thấy thầy ra. Lúc này bà con mới biết được tính danh của vị hòa thượng đó : Thượng tọa Thích Không Tánh, thầy tu ở một chùa trong Sài Gòn ở miền Nam. Bà con vẫn đứng mãi đến 14 giờ chiều vẫn không thấy Thượng tọa ra, sau thấy công an nói chuyện là đã đưa Thượng tọa lên Sở công an rồi.

Chúng tôi : 1 nhà sư đi làm từ thiện, 2 người dân khiếu kiện đến đúng trụ sở tiếp dân để giải quyết mà còn bị công an Hà Nội bắt bớ, khủng bố, hạch sách khó dễ. Vậy mà luật pháp đề ra là không được cản trở người khiếu kiện lại bị chính những ông công an cộng sản học luật dẫm đạp lên. Những người dân đi đường họ bất bình thay cho chúng tôi. Họ nói : “ Các bà hãy ghi hết tên những công an bắt các ông, bà vào đưa lên gửi báo chí, lên Mạng để cho mọi người dân biết, để công an không đàn áp các ông bà nữa… ”

Theo tin bà con Bắc Giang cho biết ngay trong ngày, bà con lên trụ sở công an thành phố Hà Nội ở 54 Trần Hưng Đạo hỏi thăm tình hình ông Lựa thì đến chiều được công an cho biết đã chở ông Lựa đưa về Bắc Giang.

Người dân khiếu kiện ngủ ngoài màn trời chiếu đất ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng còn cho biết đêm hôm qua khoảng lúc 12 giờ nửa đêm xe công an đến bắt 4 người đàn bà đang ngả lưng ở đó, là các bà già trên dưới 65 tuổi : Thân Thị Giang - người quê ở Bắc Giang bị tòa án cướp mất nhà đuổi mẹ liệt sỹ ra nằm đường nằm chợ; Nguyễn Thị Kỷ - người quê Thái Bình – kêu kiện gần 30 năm bị chính quyền xã cướp mất đât; Nguyễn Thị Gấm – nhà ở Bãi Cháy bị cướp đất khi làm đường dự án PMU18- Quảng Ninh - khiếu kiện 8 năm nay lại còn bị công an truy bắt nhiều lần vì tội “dám đi kiện” và sư cô Thích Đàm Bình là một vị tu hành ở tỉnh Hà Tây cũng đi khiếu kiện vì bị chính quyền địa phương cho người cướp chùa đuổi sư ra đường mà tu…

Hiện nay tình hình của những người bị công an bắt trên không biết sức khỏe của họ thế nào và công an giam cầm họ ở đâu dân chúng tôi không biết tin tức gì.

Tôi viết bản Tố cáo này, tố cáo sự lộng hành trà đạp pháp luật, ngăn trở người khiếu kiện của các ông công an của Sở công an Hà Nội và công an phường Quan Hoa - quận Cầu Giấy – Hà Nội đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp của nhà nước CHXHCN Việt Nam về tội cản trở người khiếu kiện và tội xâm phạm danh dự người dân. Họ thích hạch sách, đe dọa, bắt bớ, sách nhiễu dân là tùy thích, là hết sức tùy tiện. Lực lượng công an mang nhiều người đến đe dọa luôn như đã xảy ra vụ việc đối với chúng tôi sáng ngày hôm nay 23-8-2007 trước thanh thiên bạch nhật và trước con mắt của hàng trăm người dân lành chúng tôi thật đáng lên án.

Tôi nghĩ mãi và nghĩ thật sâu, đất nước Việt nam chúng ta phải dứt khoát chuyển mình tiến bộ lên nền chính trị văn minh hơn tình cảnh lạc hậu tăm tối hiện nay. Đó là phải dân chủ hóa toàn diện mọi mặt đời sống nước nhà, là tiến tới xây dựng thể chế đa nguyên đa đảng, là các quyền cơ bản của con người và của công dân phải được thực thi và tôn trọng đầy đủ. Khi ấy mới hết thảm trạng dân oan, mới giảm dần và xóa hết bất công, ngang trái và áp bức đang tràn ngập xã hội ta hiện nay. Lực l ượng công an, cảnh sát, quân đội, bộ máy tư pháp không phục vụ cho riêng lợi ích và chịu sự chỉ đạo, sai bảo của bất cứ một đảng phái chính trị nào. Có như vậy thì mới hết nạn công an, bộ máy tư pháp… lộng quyền, lạm quyền để đàn áp nhân dân, nhất là những người nghèo và người lao động.

Vậy nên tôi có đôi lời mạo muội phát biểu với công luận và các cơ quan công quyền của đảng và nhà nước CSVN hoàn toàn mang tính phê bình để xây dựng như vậy. Tôi trân trọng cám ơn các quý vị đã đọc và quan tâm nội dung bài viết này của tôi.

Hà Nội, ngày 23-8-2007
Dương Thị Xuân, Thư ký Tập san Tự Do Dân Chủ
Phòng 404 khu tập thể BTCTW ngõ 186 phố Ngọc Hà, quận Ba Đình - Hà Nội
Email : hoabinhdantoc2007@yahoo.com

Ảnh minh hoạ : Toàn bộ ban biên tập báo Tập san Tự do Dân Chủ - Chị Dương Thị Xuân người phụ nữ duy nhất đứng bên phải ngoài cùng trong ảnh

Việt Nam hãy đi trước Trung quốc

Nguyễn Đại Việt
Viết cho BBC từ San Jose

Lê Thị Công Nhân và thế hệ của cô chỉ có một khát vọng là biến đất nước trở thành một cường quốc.

Đất rộng dân đông không phải là một điều kiện cần và đủ để biến thành một cường quốc kinh tế hoặc trở nên bất khả xâm phạm.

Trung quốc đã từng bị mất nước hai lần, tổng cộng gần 400 năm.

Khoảng cuối thế kỷ thứ 13, vào thời nhà Tống, Hoa lục [1] bị Mông cổ chiếm đóng gần một thế kỷ. Năm 1644, nhà Minh bị người Mãn Châu tiêu diệt và cai trị trong 268 năm.

Đến đầu thế kỷ 20, quốc gia này lại bị Nhật Bản xâm chiếm và đánh bại.

Các nước tấn công đều nhỏ hơn nhiều so với Trung quốc. Họ chiến thắng là vì quân đội tinh nhuệ và hiện đại hơn.

Đặc biệt, các đạo quân của Mông cổ và Nhật Bản đều được trang bị một vũ khí quan trọng, đó là tư tưởng "chinh phục".

Sau thế chiến thứ II, Nhật Bản đưa tư tưởng ấy vào lãnh vực kỹ thuật để phát triển đất nước theo mô hình kinh tế thị trường tự do. Trong 14 năm, từ 1960 đến 1973, người Nhật đã hoàn tất một nền tảng kinh tế vững chắc, và không đầy 7 năm sau đó, họ đã trở thành một siêu cường về kinh tế [2]. Trong khi ấy, hiện tại Trung quốc chỉ là một nước đang phát triển.

Lãnh thổ Việt Nam nhỏ hơn và dân số ít hơn Trung quốc nhưng không có nghĩa là cần phải nghèo và lạc hậu hơn. Việt Nam vẫn có cơ hội và tiềm năng để trở thành một cường quốc kinh tế trước Hoa lục. Nhưng liệu rằng Việt Nam có dám mang tư tưởng đi trước nước láng giềng này không?

Cuộc hành trình tiến đến vị trí cường quốc kinh tế của Trung quốc đầy trắc trở và nhiều mâu thuẫn vì ba nhược điểm lớn. Thứ nhất là vì kiên trì đeo đuổi mô hình "kinh tế thị trường định hướng Chủ Nghĩa Xã Hội (CNXH)", thứ hai là gánh nặng về dân số, và thứ ba là bị thế giới tự do xem là một hiểm họa đối với nền an ninh chung của nhân loại.

Việt Nam không thể lẽo đẽo đi sau trên con đường dẫn đến vực thẳm ấy. Vì quyền lợi của quốc gia và trật tự của toàn vùng Đông Nam Á, Việt Nam bắt buộc phải đi trước Hoa lục và đi theo lộ trình riêng của mình.

Những nghịch lý của "kinh tế thị trường định hướng CNXH" đang hoành hành và đang tạo ra những trở lực, kềm hãm tiềm năng phát triển một cách lành mạnh của nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Sự nguy hiểm của mô thức "kinh tế thị trường định hướng CNXH" không phải chỉ dừng lại trong lãnh vực kinh tế mà nó còn di hại đến nhiều thế hệ tương lai vì những bất công và khoảng cách qúa lớn trong xã hội đang làm thui chột tinh thần trách nhiệm của người dân, đồng thời phá vỡ nền tảng đạo đức và luân lý Khổng Mạnh lâu đời mà dân Trung quốc luôn hãnh diện.

''Đơn giản và rẻ tiền''

Những thành qủa của nền kinh tế Trung quốc trong hai thập niên qua không phải là một ngạc nhiên, mà nó chỉ là một sự tăng trưởng tự nhiên. Bởi lẽ, nền kinh tế ấy đã không có cơ hội nào để ngóc đầu dậy trong suốt thời gian xây dựng XHCN.

Kể từ lúc "đổi mới" đến nay, từ 1979, GDP của quốc gia này đã gia tăng hằng năm từ 9% đến 11% và được xếp hạng tư trên thế giới trong năm 2006 với 2.700 tỷ US dollars, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, Nhật và Đức.

Tuy nhiên, tính theo GDP per capita và chỉ số HDI [3] thì Trung quốc vẫn còn là một nước nghèo, lạc hậu, và thua xa Nam Hàn, một tiểu quốc về lãnh thổ và dân số nếu so với Hoa lục, nhưng lại là một cường quốc kinh tế và được xếp trong bảng các quốc gia đã phát triển.

Cho đến nay, vốn liếng duy nhất Trung quốc dùng để đầu tư vào nền kinh tế định hướng CNXH chỉ là sức lao động của 1 tỷ 3 người.

Sở dĩ GDP tăng vọt là do năng xuất lao động của người dân thay đổi khi nền kinh tế chuyên chính vô sản bị phế bỏ. Sự kết hợp ngẫu nhiên của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2000 và việc Hoa lục gia nhập WTO một năm sau đó đã mang lại một cơ hội thuận lợi cho quốc gia này.

Trong bối cảnh ấy, các công ty Tây phương nhận thấy lực lượng lao động của Hoa lục có thể giúp họ đạt được mục tiêu cắt giảm gía thành của một số sản phẩm low-tech. Kỹ nghệ gia công của Trung quốc đã thực sự tăng trưởng mạnh mẽ kể từ lúc ấy, và ngày càng có nhiều công ty ngoại quốc đổ xô vào để khai thác nguồn lao động rẻ mạt kia.

Trung quốc gia công cho thế giới từ những món đồ chơi trẻ em cho đến đôi giày chiếc dép, từ áo quần đến cho đến cái đinh con ốc, cộng thêm một số mặt hàng điện tử đơn giản và thiết bị rẻ tiền khác. Hầu như Trung quốc độc quyền về ngành sản xuất đồ chơi. Họ có hơn 10.000 hảng xưỡng và chiếm 75% thị trường thế giới [4]. Một trong những khuyết điểm của nền kinh tế này là khi nào họ nắm được thị trường, thì đó cũng là lúc mà phẩm chất của sản phẩm sắp bắt đầu có vấn đề.

Vấn nạn tham nhũng

Trong khi các cường quốc dùng sản phẩm trí tuệ [5] để phát triển kinh tế thì Trung quốc chỉ dựa vào sức lao động tay chân để gia tăng GDP. Do đó, kinh tế của Hoa lục tuy có tăng trưởng nhưng không thể xem đó là dấu hiệu của sự phát triển so với kinh nghiệm của một số quốc gia đã phát triển.

Ngoài chỉ số HDI và GDP per capita, số lượng sản phẩm trí tuệ hoặc bằng sáng chế cũng được xem như là thước đo dùng đánh gía sự phát triển kinh tế của một nước. Ba khu vực chiếm hơn 90% số lượng bằng phát minh của thế giới là Hoa Kỳ, Âu châu, và Nhật Bản.

Mặc dù có sự gia tăng về số lượng trong những năm gần đây, nhưng phẩm chất của các bằng sáng chế ở Hoa lục vẫn còn rất thấp so với các cường quốc [6]. Theo thống kê năm 2004, cứ mỗi triệu người Nam Hàn thì có khoảng 2.200 đơn xin cấp bằng phát minh so với 51 đơn của Trung quốc [7]. Nam Hàn hiện đang nắm giữ vị trí số một trên thế giới về kỹ thuật đóng tàu và dẫn đầu thế giới về chế tạo và sản xuất DRAM [8].

Một công ty thường xuyên có nhiều sáng kiến và phát minh thì sẽ khó bị cạnh tranh và tạo được thế đứng vững vàng trên thị trường. Một nước càng có nhiều công ty như vậy thì nền tảng kinh tế càng vững bền và tiềm lực phát triển kinh tế của quốc gia ngày càng gia tăng.

Để thúc đẩy việc sáng chế, quyền lợi của người hoặc công ty sở hữu cần được luật pháp tôn trọng và bảo vệ. Bảo vệ quyền phát minh là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh về phẩm chất và giá thành của sản phẩm mà không phải dựa vào "quan hệ". Hơn nữa, cạnh tranh lành mạnh là một trong những điều kiện cần, nhưng chưa đủ, trong tiến trình chuyển mình để trở thành một cường quốc kinh tế.

Trong một môi trường mà "quan hệ" được dùng làm tiên đề cho mọi giao dịch, và uy lực của nó lại có khả năng mang lại lợi nhuận một cách mau chóng thì sản phẩm trí tuệ chắc chắn sẽ không còn môi trường để phát triển.

Nói một cách khác, "quan hệ" đã vô tình giết chết mọi mầm mống sáng tạo. Đó là mâu thuẫn của Hoa lục trong nổ lực để trở thành một cường quốc kinh tế. Không có sản phẩm trí tuệ thì dù lãnh thổ rộng lớn xếp hàng thứ ba và dân số đông nhất thế giới, Trung quốc chỉ có thể làm gia công và mãi mãi nằm trong danh sách các nước đang phát triển.

Đối với Trung quốc, tham nhũng không phải là vấn nạn mà là một điều kiện cần để trị quốc. Nói một cách dễ hiểu hơn, tham nhũng là nguồn nhiên liệu dùng duy trì sự hoạt động của guồng máy quốc gia. Ví dụ, nếu tất cả các hành vi tham nhũng không xảy ra trong một khoảnh khắc nào đó, thì cũng chính trong khoảnh khắc ấy, mọi hoạt động trong xã hội đều bị tê liệt.

Hơn nữa, nếu bất kỳ một cơ chế nào trong guồng máy quốc gia (và xã hội) không thể chạy bằng loại nhiên liệu đó, thì nó cần phải được thay thế, để sự vận hành của guồng máy không bị gián đoạn. Cho dù bộ phận bị thay thế là ông thủ tướng [9] hoặc một chuyên viên mới được đào tạo từ một trường danh tiếng của Tây phương. Trong nền kinh tế định hướng CNXH, nạn tham nhũng không bao giờ giảm bớt hoặc bị tiêu diệt mà nó chỉ biến dạng.

''Phép lạ Đài Loan''

Năm 1949, bị đánh bại ở lục địa, trên đường rút quân ra đảo Đài Loan, Trung hoa Quốc Dân Đảng (Kuomintang) đã mang theo đoàn quân những thành phần trí thức và thương gia xuất sắc nhất lúc bấy giờ [10].

Vì vậy, dù lực lượng chỉ còn khoảng 2 triệu người cộng với 4 triệu dân bản xứ, nhưng nhờ vào những tinh hoa ấy, Tưởng Giới Thạch đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho hòn đảo có diện tích 35.980 cây số vuông và cách bờ biển Đông Nam của Hoa lục chỉ hơn 100 hải lý. Thế giới gọi sự phát triển kinh tế của hòn đảo nhỏ này là một "phép lạ Đài Loan" [11].

Ngược lại, ở lục địa, suốt từ năm 1966 đến 1976, Mao Trạch Đông đã tiêu diệt nguyên cả một thế hệ năng động và sáng tạo qua cuộc cách mạng văn hóa khiến sự phát triển của lục địa bị khựng lại và tạo ra một lổ hổng lớn về sự thiếu hụt nhân tài.

Lỗ hổng này vẫn còn ảnh hưởng đến Trung quốc về nhiều phương diện mãi cho đến ngày hôm nay. Trong khi đó, vì lẫn lộn giữa Đảng và quốc gia, nhầm lẫn giữa Đảng và nhân dân, nên các thế hệ XHCN khó nhìn ra và tiếp nhận những cái tốt đẹp và văn minh của thế giới tự do khi chủ nghĩa CS bị đào thải và lên án.

Chưa nói đến sự lạc hậu về khoa học kỹ thuật, đa số đều thiếu sáng tạo, thiếu trung thực, và sợ trách nhiệm. Vì những khuyết điểm ấy nên phần đông đã không hội nhập được với phong cách làm việc khoa học của Tây phương. Do vậy, dù là một quốc gia có dân số đông nhất thế giới nhưng hiện nay số lượng chuyên viên của Trung quốc vẫn khan hiếm.

Trong một cuộc nghiên cứu vào năm 2005 của viện McKinsey Global [12], họ đã phỏng vấn 83 nhà chuyên môn ngoại quốc về nghành thuê mướn nhân sự (human resource) ở Trung quốc. Lần thăm dò này cho biết, trong tổng số những ứng viên có bằng cấp thì chỉ có ít hơn 10% là đạt tiêu chuẩn để làm việc cho các công ty ngoại quốc.

Họ là những kỹ sư thông minh và làm việc siêng năng nhưng hầu như đa số đều không có khả năng giải quyết vấn đề (problem solving skill) và không có khã năng suy nghĩ những điều mới lạ (thinking outside the box).

Hiện tại, Hoa lục có khoảng 1.600.000 kỹ sư, nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Thế nhưng, khi so sánh phẩm chất và năng xuất của kỹ sư Trung quốc với kỹ sư của các cường quốc thì con số 1.600.000 kia chỉ còn lại 160.000, ít hơn cả số lượng kỹ sư của Nam Hàn, một quốc gia với dân số chỉ bằng 1/26 của Trung quốc.

Mặt khác, tuy có hơn 1 tỷ 3 dân, nhưng trong số ấy có khoảng 800 triệu người đang sống ở các vùng nông thôn [13] và có mức thu nhập bình quân khoảng hơn 1 đô la mỗi ngày [14]. Trong khi ấy, chỉ hơn một thập niên trở lại đây, Trung quốc đã sản xuất trên 300.000 triệu phú [15] và khoảng 650.000 người bị nhiễm HIV/AIDS [16].

Bên cạnh đó, sự bất ổn trong đời sống người dân ngày càng gia tăng do những bất công trong xã hội mang lại . Riêng trong năm 2003 có khoảng 58.000 vụ biểu tình và xung đột giữa người dân với chính quyền địa phương. Con số này lên đến 87.000 vụ trong năm 2005 .Về giáo dục, trong lứa tuổi từ 15 trở lên, có đến 74% dân nông thôn và khoảng 41% dân thành thị hoặc bị mù chữ hoặc chưa học hết bậc tiểu học [17]

Cường quốc kinh tế

Hoa Kỳ là nước phát minh ra kỹ thuật IC vào năm 1958. Từ đó đến nay, hàng năm các cường quốc kinh tế đã đầu tư nhiều tỷ đô la và chất xám trong việc nghiên cứu, phát triển, và ứng dụng IC vào nhiều lãnh vực khác nhau như điện toán, truyền thông, sản xuất, giao thông, và cả Internet.

Một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, mọi sinh hoạt hàng ngày của con người trong thế kỷ 21 đều có sự hiện diện của kỹ thuật này. Điện thoại di động là một ví dụ điển hình.

Thành công rực rỡ trong kỹ nghệ gia công, Trung quốc có tham vọng đi vào kỹ nghệ hi-tech và họ đang nhắm vào thị trường IC. Về lãnh vực này, tính đến cuối năm 2004, Hoa lục có khoảng 50 nhà máy sản xuất "wafers", 102 xưởng lắp ráp và đóng bao bì
(IC packaging), cùng với 457 trung tâm thiết kế (design house).

Trong đó ngành đóng bao bì chiếm phần lớn tổng số doanh thu của kỹ nghệ IC ở Hoa lục. Mặc dù được sự góp sức của một số chuyên viên Trung quốc từ hải ngoại, nhưng tất cả các thiết bị và kỹ thuật đều do các công ty ngoại quốc cung cấp và hướng dẫn. Dẫu vậy, cho đến nay, nghành IC của Hoa lục cũng chỉ có khả năng sử dụng kỹ thuật (CMOS process) thuộc các thế hệ cũ [18].

Trung quốc chỉ mới thực sự bước vào lãnh vực này từ năm 2000 và hoàn toàn không có khả năng đuổi kịp các cường quốc về kỹ thuật IC nếu không được sự hỗ trợ tích cực của họ. Việc chia sẻ kỹ thuật hiện đại của các nước tự do với Trung quốc là điều khó xảy ra, cho dù việc trao đổi đi kèm với những lợi nhuận khổng lồ.

Thứ nhất là vì lý do cạnh tranh, nên các cường quốc không thể san xẻ với Hoa lục tất cả kinh nghiệm về IC. Có chăng là các kỹ thuật lỗi thời dùng để gia công một số sản phẩm rẻ tiền. Thứ hai, là vì thế đối nghịch của Trung quốc đối với thế giới tự do. Các cường quốc vẫn xem Hoa lục là mối hiểm họa cho nền an ninh của thế giới, nên họ kiểm soát nghiêm ngặt và giới hạn việc cung cấp kỹ thuật hi-tech cho Trung quốc. Chính sách này không những chỉ áp dụng riêng cho nghành IC, mà còn có hiệu lực đối với một số sản phẩm hoặc các kỹ nghệ chiến lược khác. Do vậy, Trung quốc sẽ không thể nhảy vọt từ một nước gia công để trở thành một nước kỹ nghệ tiên tiến trong một thời gian ngắn và trong hoàn cảnh chính trị hiện tại như họ mong muốn.

Vượt qua Trung quốc?

Biên giới trên lục địa của Trung quốc đi ngang qua 14 quốc gia láng giềng [19]. Tất cả đều được gọi là những nước đang phát triển, nghĩa là những nước nghèo và đời sống người dân còn thấp kém.

Tuy là láng giềng, nhưng quan hệ giữa các lân quốc và Trung quốc không mấy tốt đẹp. Các quốc gia này xem Hoa lục là một hiểm họa hơn là một đồng minh, vì Trung quốc chưa bao giờ tỏ ra có thiện ý đối với các nước chung quanh, lại càng không muốn nhìn thấy họ vươn lên, cho dù sự vươn lên ấy sẽ mang lại thịnh vượng và ổn định lâu dài cho toàn vùng.

Một phần tư chiều dài lịch sử của nước Việt cũng mang đầy sẹo và thương tích vì những kinh nghiệm không mấy vui với quốc gia có dân số đông hơn mình 15 lần.

Ngay trong hiện tại, tuy là bạn đồng hành duy nhất của nhau trên lộ trình "socialist reform", nhưng cả hai đều ngầm hiểu rằng, mọi hợp tác chỉ có tính cách giai đoạn, che đậy những chuổi hiềm khích và bất đồng ngấm ngầm kéo dài từ qúa khứ đến hiện tại. Đã yếu lại không có đồng minh, nên Việt Nam thường phải chấp nhận nhiều thiệt thòi trong mọi đàm phán về kinh tế lẫn chính trị với Hoa lục. Để hóa giải những áp lực này, Việt Nam cần phải nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế.

Việt Nam cần nghiên cứu và sử dụng vốn liếng và sản phẩm trí tuệ chung của nhân loại. Mô hình kinh tế thị trường tự do đã thành công trong việc biến nhiều nước trở thành các quốc gia đã phát triển và một số siêu cường trên thế giới. Trong số này có các nước trong vùng như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, và Hồng Kông.

Mô hình kinh tế này vốn đã trải qua một qúa trình dài thử thách lẫn thực nghiệm, đồng thời được mài dũa liên tục bởi sự tiến hóa của con người. Điều này hàm ý rằng, một cách gián tiếp, dân tộc Việt Nam cũng đã đóng góp xương máu cho sự tiến hóa và phát triển của mô thức đó.

Ba nhược điểm lớn của Trung quốc chính là cơ hội để Việt Nam vươn lên và trở thành một cường quốc kinh tế trước quốc gia này. Đây là cơ hội đầu tiên và có thể là duy nhất để vượt qua nước láng giềng kể từ khi lập quốc đến nay. Thế nhưng, người Việt cần phải hiểu rằng, sự vươn lên ấy hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định và lựa chọn của họ.

Để thoát khỏi thân phận nhược tiểu kéo dài suốt mấy ngàn năm, Việt Nam phải trang bị cho các thế hệ hiện tại và tương lai về tinh thần trách nhiệm lẫn tư tưởng chinh phục, đây là điều kiện cần và đủ để thay đổi và biến một xứ sở đang phát triển thành một cường quốc kinh tế.

Để mọi người cùng nhau bước vào một vận hội mới, mở ra một tương lai sáng lạn và rực rỡ cho dân tộc, Việt Nam hãy mạnh dạn chấm dứt cuộc thí nghiệm mô hình "kinh tế thị trường định hướng CNXH", tạo một môi trường lành mạnh và thích hợp cho tinh thần trách nhiệm được hồi sinh, biến tư tưởng chinh phục trở thành một nếp văn hóa dân tộc, tất cả những hành động và thay đổi ấy là dấu hiệu khẳng định Việt Nam đang đi trước Trung quốc.


References

[1] Trung Hoa lục địa, tên gọi Trung quốc dưới thời VNCH, gọi tắt là Hoa lục.
[2] Khactu, Dominique N., “Japan Since 1945: The Rise of an Economic Superpower.”, Jan, 1997, Southern Economic Journal.
[3] GDP per capita: Lợi tức mỗi đầu người.
The Human Development Index (HDI): chỉ số phát triển con người.
[4] Chris Buckley, “The patent pitfalls on China's road of clones”, June 2005, International Herald Tribune.
[5] Intellectual Property (IP).
[6] “IPR development in national plan”, Jan. 2007, China Daily.
[7] Mark LaPedus “Updated: Elpida, Hynix shine in DRAM rankings”, Feb. 2007, EETimes. DRAM: Dynamic Random Access Memory - bộ nhớ, dùng trong computer, một ứng dụng của kỹ thuật IC.
[8] Hannah Clark, “China's Patent Power”, Oct. 2006, Forbes.

[9] Elaine Wan, “Rooting Out Corruption In China”, April 1999, The Tech Online Edition. Zhu Rongji, Thủ tướng Trung quốc: “Để tiêu diệt tham nhũng, tôi cần chuẩn bị 10 cỗ quan tài. Chín cái giành cho những kẻ tham nhũng và cái còn lại có thể là của tôi.”
[10], [11] Source: Wikipedia.
[12] McKinsey Global Institute.
[13] US-China Business Council, “China’s Economy”, April 2006.
Năm 2005, lợi tức trung bình ở vùng nông thôn là 406.31 US đô la/năm
[14] Báo cáo 2005 của The National Bureau of Statistics tường thuật bởi
ChinaToday:Trung quốc hiện có khoảng 800 triệu người sống ở vùng nông thôn.
[15] Douglas Wong “Singapore's Millionaires Increase at Fastest Pace in World.”, June 2005, Bloomberg, Singapore.
[16] Office of the State Council Working Committee on AIDS “Progress on Implementing Ungass Declaration of Commitment in China 2005”, Dec. 2005, China.
[17] Maria Manuela Nevada DaCosta and Jianjun Ji, “Rural-Urban Economic Disparities Among China Elderly”, Aug. 2004, University of Wisconsin-Eau Claire.
[18] Zhu Zhongyu, “China’s IC Industry, The Status Quo and Future”,
2005, China Semicondcutor Association, presented at Stanford University.
[19] Afghanistan, Bhutan, India, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Laos, Mongolia, Myanmar, Nepal, North Korea, Pakistan, Russia, Tajikistan, and Vietnam.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/08/070822_nguyen_dai_viet_view.shtml