Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2007
Mắt nhìn mắt, tay cầm tay!
Quan trọng nhất đương nhiên là phần phát biểu (nói chuyện, chứ không phải đọc!) khoảng nửa tiếng của ông Triết. Với cách nói tuy không được văn vẻ, trôi chảy lắm, nhưng với giọng Nam Bộ bình dân, mộc mạc, ông đã được cử tọa vỗ tay hoan hô nhiều lần, đặc biệt là khi ông nói về một số chính sách mới dành cho Việt kiều sẽ được thông qua trong thới gian tới, cũng như khi ông đề cập sơ qua chuyện Nghĩa trang (Quân Đội VNCH) Biên Hòa hoặc chuyên hòa hợp, hòa giải, chuyện quên quá khứ, hướng tới tương lai v.v... và v.v...
Ông Nguyễn Cao Kỳ, đã được ông Triết đưa ra như là một minh chứng về sự thành công của Đảng và nhà nước Việt Nam trong việc tăng cường và phát triển đại đoàn kết dân tộc, hướng tới một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh … Trong lời đáp từ ngắn của mình, cựu Phó Tổng Thống nước Việt Nam Cộng Hòa, người hùng chống Cộng ngày nào đã cám ơn, lập lại và khẳng định lời nói của ông Chủ tịch nhà nước Cộng sản Việt Nam Nguyễn Minh Triết.
Ông Kỳ cũng nhận được vài tràng pháo tay của thính giả.
Buổi dạ tiệc kết thúc vào khoảng 11 giờ đêm với lới cám ơn của Tổng Lãnh sự Trần Tuấn Anh.
Trên chiếc xe Bus đưa khách từ phòng tiệc về lại parking, một vị khách, có vẻ như là một doanh nhân, oang oang bình luận: “Việt Cộng chơi bạo thiệt! Phải mất cả mấy trăm ngàn dollars cho buổi tiệc hôm nay chứ không ít.”
“Mà lại dám chơi ngay tại Quận Cam!” Một vị khác tiếp lời.
Phóng viên Đàn Chim Việt cũng cho biết, hàng ngàn người, Mỹ và Việt, đã biểu tình phản đối ngay trước cổng chính vào khu nghỉ mát, với cờ vàng ba sọc đỏ, cờ sao và gạch, cũng như các băng rôn, khẩu hiệu đòi thả tù nhân chính trị, đòi tự do, dân chủ cho Việt nam.
Được biết là, như thường lệ, xe của ông Triết đã không vào khu nghỉ mát bằng cổng chính. Tuy nhiên, ông Triết cho biết là ông có thấy những người biểu tình và ông ước ao là có thể mời họ vào dự tiêc, nếu còn chỗ!
Quang cảnh nói trên sẽ vẫn còn tiếp tục vào sáng nay, ngày 23 tháng Sáu năm 2007 khi các hợp đồng kinh tế sẽ được ký kết.
Phóng viên Đàn Chim Việt tường trình tại chỗ.
Nguyễn Minh Triết chiêu đãi Việt Kiều tại Quận Cam
LOS ANGELES, CA – Chiều ngày 22 tháng Sáu 2007, Chủ tịch nhà nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết, với sự phối hợp của Vietnamese-American Entrepreneurs’ Association và Vietnam Business Association và đã tổ chức lễ chiêu đãi trọng thể tại St. Regis Monarch Beach Resort, Dana Point, một thành phố biển tuyệt đẹp, cách Little Saigon, thủ phủ của người Việt tỵ nạn Cộng sản, chỉ khoảng 30 phút lái xe.
Phóng viên Đàn Chim Việt có mặt tại buổi tiệc cho biết: Có khoảng hơn 1 ngàn người (7 x 13 bàn x 13 người, cả chủ và khách, không thấy có bàn nào bỏ trống!) tham dự.
Lựa chọn chính trị (3): của Hoa Kỳ, qua chuyện đối lập Việt Nam, trong bối cảnh địa-chính trị
1. Đột ngột ra khỏi danh sách CPC, tổ chức Hội nghị APEC, nhận được PNTR, gia nhập WTO - những thắng lợi ngoại giao dồn dập này khiến hình ảnh Việt Nam sáng chói vào những tháng cuối năm 2006 và đầu năm 2007.
2. Chính Hoa Kỳ đã đính ngôi sao này lên vòm trời, vì trong bốn sự kiện vừa nêu đã có đến ba là từ quyết định trực tiếp hoặc quyết định có tính quyết định của quốc gia này. Sự kiện còn lại thì siêu cường số một cũng đóng vai trò chủ chốt trong thành công đầy màu mè của nó, khi vị Tổng thống Mỹ chống chuyên chế mạnh mẽ nhất lại có những hoạt động giúp tô điểm cho nền toàn trị và ngó lơ trước những người đang tranh đấu chống lại ách bạo quyền đó.
Ngày 03 tháng Hai 2007 đã “đi vào lịch sử” khi nó vốn là ngày mà đế quốc không được phép có sự “khoe mẽ” nào trên đất Việt Nam của Đảng Cộng sản, thì Đại sứ Hoa Kỳ lại có cuộc trao đổi trực tuyến hoành tráng, làm lu mờ cả meeting và phát biểu nhàm chán năm nào cũng như năm nào của lãnh đạo sở tại, bởi ông Marine công khai nói đến quan hệ chiến lược giữa đầu sỏ đế quốc với một sừng sỏ chống đế quốc.
Cũng đã có tin về việc Mỹ sẽ tiến hành tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh trên vùng biển Việt Nam. Rồi trong khi lệnh cấm vận vũ khí vẫn duy trì đối với Trung Quốc, nó lại được tháo khoán cho quốc gia láng giềng phía nam.
3. Vừa đến đích (ít ra là trong quan niệm của một số giới quyền lực, thành quả là “đích” đến để khoa trương), theo truyền thống “tự lực cánh sinh” của mình (ít ra là sau khi đã dựa dẫm đến hết mức), không cần đến bàn tay đính lên của Hoa Kỳ nữa, Việt Nam tiếp tục tự chói sáng trên bầu trời bằng cuộc chiến công khai, khốc liệt, phi pháp và bỉ ổi của cả hệ thống bạo lực và truyền thông toàn trị chống lại các nhà hoạt động dân chủ mà vốn vũ khí của họ chỉ là lòng quả cảm và ngôn luận.
4. Cuộc đàn áp lần này là được suy đoán theo nhiều hướng khác nhau: sự nín nhịn quá lâu của phe bảo thủ, có sự giật dây từ bên ngoài, có những thế lực trong nước muốn phá hoại các chuyến công du sang Mỹ, v.v… Tuy vậy, có một điều dễ thống nhất, là bộ máy toàn trị đã và đang hành động một cách có hệ thống chứ không hề là những việc làm bột phát về chiến lược hay sách lược. Nhìn vào hành xử của họ đối với các nhà hoạt động dân chủ và khối dân oan từ trước khi có cuộc đàn áp đến nay, ta dễ dàng nhận ra những toan tính có sẵn về các bước đi chiến thuật, về các biện pháp và thời điểm… đối với từng đối tượng cụ thể [1] .
Và cái bối cảnh quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ mà cả hai bên đều phô diễn đó đã biến thành ngay một thứ mồi cho giới toàn trị nhử các nhà hoạt động dân chủ và đưa họ vào tròng.
5. Ngoài chuyện đàn áp hung hãn, bất chấp mọi chuẩn mực sơ đẳng nhất về pháp luật và đạo đức, đối với bên ngoài, thái độ của giới cầm quyền Việt Nam cũng không thua gì. Dường như họ muốn chứng tỏ rằng sẽ càng gia tăng cường độ và phạm vi đàn áp trước sự gia tăng phản ứng các nước dân chủ. Đó là một thái độ thách thức công khai đối với cộng đồng quốc tế.
6. Khinh khỉnh đối với châu Âu và những nước như Úc, Canada… khi các nước này hoặc chính trị gia tại đó phê phán chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến tệ hại nhất trong hai mươi năm qua. Trơ tráo chụp mũ các tổ chức nhân quyền quốc tế, mà vốn tiếng nói của họ không một tổ chức hay chính quyền dân chủ nào dám coi thường. Hành xử một cách thô bạo và vô liêm sỉ, bất chấp chuẩn mực ngoại giao với bất kỳ ai trực tiếp liên hệ với giới phản kháng ngoài “chương trình chính thức”…
7. Còn với Hoa Kỳ, Việt Nam thật sự đã đánh vỗ mặt.
Bắt giữ luật sư Lê Quốc Quân vừa từ Mỹ về sau khi tham gia khóa học về xã hội dân sự do chính Quốc hội Mỹ tài trợ, phớt lờ sự lên tiếng của những chính trị gia có liên quan vốn được xếp trong nhóm uy tín hàng đầu nước Mỹ.
Hạ nhục dân biểu Hoa Kỳ khi “dàn quân” ngay trước mũi Loretta Sanchez, không cho tiếp xúc với vợ những nhà bất đồng chính kiến, vu vạ bà tiếp tay cho “khủng bố” bằng cả một chiến dịch truyền thông. Đó là còn chưa kể họ đặt điều một cách ngờ ngệnh đến không thể tưởng tượng rằng bà gây áp lực với Đại sứ Micheal Marine tổ chức cuộc gặp những phần tử chống đối, rằng bà đã vi phạm chính Hiến pháp Hoa Kỳ…
Tiếp tục đàn áp và xét xử không ngơi nghỉ những người phản kháng ôn hoà ngay khi cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ thường kỳ đang diễn ra.
Không ngại ngần nhổ cả lên chữ tín ngoại giao khi lời hứa trực tiếp của một Phó thủ tướng nhiều quyền lực với hành pháp Hoa Kỳ cũng bị nuốt.
Khi cả Hạ viện Mỹ tuyệt đối đồng thanh (chuyện hiếm hoi trong một xứ sở mà hoàn toàn đồng thuận trong quan điểm riêng là điều không tưởng) về nghị quyết chỉ trích chuyện nhân quyền Việt Nam, nhà cầm quyền toàn trị vẫn tiếp tục lu loa về cái gọi là “công việc nội bộ” như một trò đùa ngôn từ.
8. Họ đùa đến mức thật lòng dạy bảo lại cho Hoa Kỳ như thế nào là pháp quyền và dân chủ, luôn vênh mặt trên truyền thông và cả những trao đổi trực tiếp, bằng những lời lẽ mà chỉ có những kẻ trâng tráo nhất trong lịch sử loài người mới không biết ngượng mà nói ra, về việc chỉ có “những kẻ vi phạm pháp luật” bị xử phạt ở Việt Nam chứ không bỏ tù người bất đồng chính kiến, không có tù chính trị.
Giới cầm quyền Việt Nam đang nói với Hoa Kỳ và thế giới mà như chỉ đang nói với đám (mà họ muốn là và coi là) dân ngu của họ. Thái độ ngạo nghễ như vậy khi nói những điều trơ trẽn ở mức hoàn toàn lộ liễu chỉ có được thể giải thích rằng hoặc là do xem người ta quá ngu ngốc, hoặc do chính mình quá ngu ngốc mà tưởng người ta ngu ngốc hay không thể nhận ra cái ngu ngốc của mình. Trường hợp này, là cả hai.
9. Trò đùa của giới toàn trị đối với Hoa Kỳ cũng đã được nâng lên đến “tầm cao mới”, họ không chỉ xem cường quốc này là đối tượng để dạy bảo mà còn là đối tượng để… răn đe. Đến là nực cười, khi chính giới cao cấp Hoa Kỳ ngày càng tỏ một thái độ đồng thuận và cứng rắn với chiến dịch đàn áp tại Việt Nam, phản ứng của nhà nước toàn trị là đưa công an ra đáp lễ.
Tờ Công an Nhân dân (mà ai cũng biết là cơ quan ngôn luận gì), trong một bài hồi gần đây, sau phỉ báng Quốc hội Mỹ (“cố tình đánh lận con đen”) đã dùng văn phong của một bản văn cấp nhà nước mà nói rằng: Cũng phải thẳng thắn nói rằng, hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đang có lợi ích chung trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên nền tảng rộng lớn, ổn định và hiệu quả. Việt Nam sẵn sàng đối thoại thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề mà phía Hoa Kỳ quan tâm, để tăng cường hiểu biết giữa hai bên và không để những khác biệt ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ hai nước trên các lĩnh vực. Nhưng Việt Nam không bao giờ chấp nhận những thái độ áp đặt, kẻ cả, có xu hướng can thiệp vào công việc nội bộ của nước mình.
Đây chính là lời răn đe - theo đúng nghĩa đen - được Hà Nội tung ra với thông điệp đe doạ đến quan hệ chiến lược giữa hai bên.
10. Trước nay Hà Nội vẫn bất chấp cộng đồng quốc tế trong vấn đề dân chủ và nhân quyền, nhưng lần này thái độ của họ “dũng mãnh” và tự tin đến lạ thường, vì sao vậy? Cùng với sự đánh tráo và tráo trở trong văn hóa chính trị toàn trị Việt Nam, thói kêu ngạo cộng sản - như một phần của sự ảo tưởng từ trong bản chất của chủ thuyết này - vẫn là một đặc điểm khó mà có thể gột bỏ của họ.
Bên cạnh việc ảo tưởng quá sớm về vị thế kinh tế và chính trị trên trường quốc tế tạo được trong thời gian gần đây, vốn từ thực chất đến biểu hiện đều xuất phát từ sự vận hành và quan hệ tư bản chủ nghĩa, Hà Nội cũng ảo tưởng quá sớm về vị thế chiến lược của mình trên bàn cờ toàn cầu và trong quan hệ với Hoa Kỳ. Với những gì đã thể hiện, giới cầm quyền toàn trị nghĩ rằng vị thế này có thể cho phép họ bất chấp dân chủ và nhân quyền, thậm chí buộc thế giới dân chủ phải dung dưỡng cho sự chuyên chế của họ.
11. Ai cũng đã rõ, trên phạm vi châu Á, vị thế của Trung Quốc đang nhanh chóng củng cố và bành trướng, và theo truyền thống, chuyển động của nó trước tiên lại hướng xuống phía nam. Cũng theo truyền thống, dù muốn hay không, dù ở mức độ nào và theo nghĩa nào, Việt Nam vẫn trở thành một tiền phương trước sự bành trướng này.
Sự bành trướng thế và lực - mà nay đã lên tới vũ trụ - của một quốc gia cộng sản Khổng giáo (đáng sợ hơn nhiều so với cộng sản ở phía tây) khiến Hoa Kỳ phải nhanh chóng có sự điều chỉnh thích hợp về địa-chính trị trên nhiều mặt, kể cả quân sự. Vị trí tiền phương của Việt Nam khiến quốc gia này trở nên quan trọng trong chiến lược đó.
12. Việt Nam, sau khi hoàn toàn thất bại trong việc sử dụng ASEAN như một đối trọng kiềm chế tham vọng trên biển của Trung Quốc, đã âm thầm thay đổi tư duy chiến lược và tìm đến một đối trọng khác. Đó chính là Hoa Kỳ, vốn cũng đang có chủ đích xác lập vai trò đối trọng trước thế lực đang lên của Trung Quốc tại châu Á, và cần đến Việt Nam như một điểm hiện diện của thế và lực tại Đông Nam Á gần với Trung Quốc nhất.
Với Trung Quốc, Việt Nam cần đến như một đồng minh ý thức hệ trong một thế giới mà chủ nghĩa cộng sản chỉ còn phần co cụm đáng kể tại châu Á [2] . Việt Nam cũng cần người láng giềng này ban cho một quan hệ thân thiện, cần thiết cho việc tập trung phát triển kinh tế, xã hội.
Trung Quốc thì cần Việt Nam được đặt trong vòng ảnh hưởng của mình, để ngăn ngừa sự hiện diện của thế lực Mỹ.
Và ở đây, trên lãnh thổ Việt Nam và biển Đông, cũng như trên khắp vùng Đông Nam Á, Trung Quốc không cần Hoa Kỳ và Hoa Kỳ không cần Trung Quốc. Nếu có chăng thì chỉ là cái đối trọng để hù dọa và khuyên bảo, ve vãn Việt Nam ngả về phía mình.
13. Nhìn vào cục diện hiện nay của quan hệ tay ba này, trong bối cảnh địa-chính trị, Hoa Kỳ dường như yếu thế nhất và Việt Nam là mạnh “thế” nhất.
Trung Quốc thì “yên vị” với vị trí địa lý tự nhiên, không cần phải “bôn ba” và nhọc lòng ve vãn, đổi chác để có sự hiện hiện nào đó, như Hoa Kỳ phải làm. Các căn cứ quân sự tại Hải Nam và Hoàng Sa chắc hẳn đã tạo được “tầm ảnh hưởng” đến bắc và trung phần Việt Nam. Đó là còn chưa kể không biết họ còn đang thực hiện những công trình gì tại những đảo đã chiếm được ở Trường Sa nhằm mở rộng cái tầm đó về hướng nam. Điều duy nhất cần làm là trong khi thực hiện chiến lược vết dầu loang, họ cố gắng tạo cho Việt Nam một cảm giác an ninh lãnh thổ và an toàn chính trị.
Với Hoa Kỳ, cường quốc này đã rời khỏi Đông Nam Á khá lâu, để tái hiện diện, dường như họ sẽ phải làm lại từ đầu dù với bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào, vậy thì chọn phương án tốt nhất là Việt Nam… Chủ động khai thông những chướng ngại rất lớn trên con đường hội nhập của quốc gia cựu thù, những hứa hẹn và thực tế nguồn lợi kinh tế từ đầu tư và thị trường Mỹ, sự hậu thuẫn tại các định chế kinh tế thế giới và hứa hẹn một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế dành cho Việt Nam, thậm chí còn ngầm mở ra khả năng về một sự bồi thường chiến tranh trá hình (vụ kiện tác nhân cam)…; Hoa Kỳ phải làm nhiều việc như thế chỉ là để đem lại cho Việt Nam cảm giác rằng không chỉ là lợi ích kinh tế to lớn mà còn nhiều lợi ích chính trị trên bình diện quốc tế, cũng như một sự an toàn lãnh thổ trước sự bành trướng lúc ẩn lúc hiện của phương bắc.
Nhận thấy vị trí địa lý quan trọng của mình trong tính toán chiến lược của Hoa Kỳ, trước tình hình cường quốc này ngày càng nôn nóng về sức mạnh quân sự không minh bạch của Trung Quốc, Việt Nam trở nên mạnh “thế” trước Hoa Kỳ. Cái thế đó càng được củng cố hơn nữa khi nhận ra sự chuyển hướng, nhích lại gần nhau của hai cựu thù này, Trung Quốc cũng đã điều chỉnh cách hành xử. Sự thân thiện trong quan hệ Việt - Trung sau sự kiện đổ máu oan của người Việt trên vịnh Bắc bộ (tháng Giêng 2005) chính là kết quả từ sự chuyển hướng chiến lược của Việt Nam.
Việt Nam nay đang ở vào cái thế được cả hai cường quốc Thái Bình Dương này ve vãn. Trò đi dây của Việt Nam nay đã quá rõ.
14. Sự yếu thế của Hoa Kỳ về địa-chính trị trong quan hệ bộ ba này chính là cái đem lại cho Việt Nam thái độ trịch thượng, đã công khai tráo trở mà lại còn lên mặt dạy bảo lại và răn đe Hoa Kỳ.
Khi cơ quan ngôn luận của công an thay mặt cho nhà nước lên tiếng nhắc Hoa Kỳ không để những khác biệt ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, Hà Nội đang đòi hỏi Washington phải chấp nhận và dung túng cho họ trong việc đàn áp những người đối lập để đổi lấy một quan hệ chiến lược.
Chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến Trung Quốc trung tuần tháng Năm vừa rồi đã diễn ra trong khi đang chuẩn bị cho chuyến đi Hoa Kỳ. Phát biểu của ông Triết trong chuyến đi đã được các báo Đảng ở Việt Nam in rất đậm: Trung Quốc là đối tác hàng đầu. Chuyến thăm này đã được dự trù từ trước, trong bí mật, hay chỉ được thực hiện khi Mỹ gia tăng phản đối chiến dịch đàn áp dân chủ, như một cách thức dằn mặt đối tác bên kia bờ Thái Bình Dương - về phía Việt Nam, và là động thái chớp thời cơ - về phía Trung Quốc?
15. Có phải Việt Nam ở vào vị thế mà vì chiến lược địa-chính trị, Hoa Kỳ buộc phải nhượng bộ dưới bất cứ giá nào, kể cả vứt bỏ giá trị tối thượng của một xã hội dân chủ để vừa phải đem lại các nguồn lợi kinh tế và chính trị cho Việt Nam, vừa phải dung túng cho chuyện đàn áp dân chủ và nhân quyền?
Với những biểu hiện suốt từ sau APEC đến nay, trong tính toán của giới toàn trị, có lẽ là vậy.
16. Việt Nam có một vị trí chiến lược, là cửa ngõ đi vào Đông Nam Á và nằm trên tuyến đường biển quan trọng nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Câu này hiện diện trong tài liệu giáo khoa ở Việt Nam. Nó đúng, nhưng hoàn toàn không đủ.
Điểm đầu tiên để xác định chiến lược địa-chính trị chính là biết “đọc” và đọc kỹ bản đồ, điều mà tôi e rằng những người có trách nhiệm ở Việt Nam đã không làm hoặc không thể làm.
17. Đông Nam Á gồm các nước trong vành đai địa giới Myanmar - Thailand - Malaysia - Indonesia - Philippines - vùng biển phía nam Trung Quốc giáp với Việt Nam. Phía bắc Đông Nam Á là Trung Quốc, nam là Australia, đông là Thái Bình Dương và tây là Ấn Độ và Ấn Độ Dương. Trong vành đai này là vùng biển mà Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa (cũng là từ chuẩn của bản đồ thế giới) và Việt Nam gọi là biển Đông.
18. Việt Nam là cửa ngõ đi vào Đông Nam Á nhưng không phải là cửa ngõ duy nhất, và cũng không phải là cửa ngõ đối với tất cả.
Việt Nam chỉ là cửa ngõ Đông Nam Á đối với Trung Quốc mà thôi, và cũng chỉ là cửa ngõ đường bộ. Với sự lớn mạnh của hải quân, đảo Hải Nam và Hoàng Sa đã quân sự hoá ở những mức độ nhất định, rồi các hải cảng hùng hậu ven biển phía nam, trong đó kể cả Hongkong và Macau, cửa ngõ trên biển để tiến vào Đông Nam Á của Trung Quốc chưa bao giờ rộng mở như lúc này.
Nga không cần cửa ngõ Việt Nam vì chiến lược địa-chính trị của họ nay rất thực tiễn. Lãnh thổ vắt ngang Âu-Á của họ cho phép họ kiểm soát tốt những vùng họ muốn kiểm soát, nên quan tâm hàng đầu của họ là những vùng địa lý thân thuộc chứ không phải một vùng xa lắc của một cựu đồng minh Soviet.
Việt Nam cũng không hề là cửa ngõ của Mỹ vì Mỹ không muốn tiến lên phía bắc từ đây, và quanh Việt Nam cũng không phải là những chốn mà Hoa Kỳ cần chinh phục trong khó khăn.
19. Mà thật ra dường như vấn đề cửa ngõ vào Đông Nam Á cũng chỉ có Việt Nam tự nhấn mạnh. Thời còn chia cắt, họ cho rằng cuộc chiến là do vị trí cửa ngõ giữa hai chiến tuyến ý thức hệ ở Đông Nam Á. Sau năm 1975 cho đến trước khi mất chỗ dựa vào Liên Xô, vai trò cửa ngõ càng được nhấn mạnh hơn nữa do “mộng bành trướng của chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh”. Hiện nay, trước sự lớn mạnh và tham vọng trên biển của Trung Quốc, dường như Việt Nam lại muốn “làm mình làm mẩy” với Hoa Kỳ về vai trò cửa ngõ này.
20. Thực tế, ngoài Trung Quốc vào Đông Nam Á trực tiếp bằng con đường Việt Nam, thì người ta có thể vào Đông Nam Á theo những hướng khác nhau. Khái niệm “cửa ngõ” cũng chỉ theo nghĩa tương đối tùy theo nơi xuất phát. Chẳng hạn các nước Đông Bắc Á khác hay các nước bên kia Thái Bình Dương, kể cả Hoa Kỳ, để vào Đông Nam Á, thì Philippines là cửa ngõ quan trọng hơn nhiều so với Việt Nam vì nước này giữ vị trí chắn dọc rìa phía đông của các nước Đông Nam Á, và cực bắc của nó (gồm cả một số đảo) cùng với phía nam Đài Loan tạo thành cái cửa mà phần lớn tàu bè vào Đông Nam Á theo hướng đông đều phải qua. Các căn cứ quân sự lớn của Mỹ trước đây tại khu vực này được đặt ở Philippines là vì vậy.
21. Với chiều dài bờ biển trải dọc biển Đông, Việt Nam kiểm soát được các di chuyển từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương ư? Lại là một ảo tưởng.
Một phần hai chiều dài đó đã phải chia sẻ tầm ảnh hưởng với phần lãnh thổ nối dài đến đảo Hải Nam và Hoàng Sa, vậy đó chỉ là hai người bạn kiểm soát lẫn nhau mà thôi. Đó là chưa kể vịnh Bắc bộ, mà vị trí chỉ như một cái hốc, không có vai trò trong tuyến thông thương đông - tây quốc tế.
Hơn một phần hai chiều dài bờ biển còn lại của Việt Nam thì chia sẻ ở mức độ như nhau với các nước lớn là Philippines, Malaysia, Indonesia trong việc “dòm ngó” vào lưu thông hàng hải.
Một điểm đặc biệt chú ý, Việt Nam cũng hay nhắc rằng nước này nằm trên hải lộ có eo biển Malacca, là điểm huyết mạch giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là cách hiểu lập lờ đến huyễn hoặc. Với eo biển này, Việt Nam đã hoàn toàn không còn chút vai trò gì, nó thuộc vùng chi phối trực tiếp của Malaysia, Indonesia và Singapore, nên không thể “ăn theo” một cách vô lối như vậy được.
22. Với cách hiểu cửa ngõ theo “tư duy một cửa” Việt Nam nghĩ rằng từ vị trí của mình sẽ vươn tầm kiểm soát khắp Đông Nam Á. Nếu chịu “tư duy đa cửa” Việt Nam sẽ thấy rằng chính là đất nước này nằm trong một vùng mà cửa nào cũng đều có thể hướng thẳng về họ (như đã từng xảy ra trong chiến tranh). Do vậy, cho dù cái cửa Việt Nam có mở hay bị mở cho Trung Quốc thì các cửa khác vẫn có thể đóng lại, thậm chí bịt kín tầm vươn đã được mở ra đó trong giới hạn của nó mà thôi, vì nên nhớ rằng những cánh cửa này tạo thành một vòng cung mà Việt Nam nằm lọt thỏm trong đó.
23. Biển Nam Trung Hoa cũng chỉ là một cái vũng của Thái Bình Dương mà thôi, và trong khi Việt Nam chỉ có một hướng quay về “vũng” thì những nước Đông Nam Á phía rìa đông, nam và tây có cái nhìn hướng ra biển lớn cũng như từ biển lớn tiếp cận vào, thông thoáng hơn nhiều khi xét trên phương diện thông thương và chiến lược trên biển.
Đặc biệt với vị trí của Philippines, họ vừa có thể hướng tầm kiếm soát vào “vũng”, vừa có thể vươn tầm ra Thái Bình Dương - cái đại dương quan hệ mật thiết với cả Trung Quốc và Đông Nam Á - dễ dàng hơn nhiều. Có thể nói đối với đại dương này, Philippines giữ vị trí tiền tiêu, cửa ngõ của Đông Nam Á chứ không phải Việt Nam.
24. Trước sự lớn mạnh trên biển của Trung Quốc, cái cửa Việt Nam dù có đóng hay mở thì cũng không thành vấn đề lớn đối với các nước khác trong vùng, vì với phân bố địa lý biển như thế, mỗi nước phải tự gánh vác thách thức của mình chứ Việt Nam không hề gánh giùm cho phần nào. Có chăng chỉ là Việt Nam phải gánh lấy phần nặng nhất của chính mình mà thôi. Dù có Qui tắc Ứng xử biển Đông được ký chung giữa tập thể ASEAN với Trung Quốc nhưng khi Trung Quốc vượt khỏi khung ứng xử này với Việt Nam thì tất cả phần còn lại đều im lặng, là vì vậy.
25. Như thế, thực tế mà nói, tầm quan trọng của Việt Nam trong tương quan với sức mạnh của Trung Quốc trong vùng rốt lại cũng chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với Việt Nam, và kiềm chế được Trung Quốc hay không là quyền lợi trực tiếp và sống còn của Việt Nam chứ không phải của các nước Đông Nam Á khác, dù không phải họ không bị tác động. Nó càng không phải quyền lợi trực tiếp và sống còn của Hoa Kỳ. Tuyến Malacca là con đường huyết mạch vận chuyển dầu mỏ và hàng hóa đông - tây, nếu phát sinh vấn đề nghiêm trọng, người đầu tiên chịu ảnh hưởng chính là Trung Quốc và Nhật Bản với tư cách nguồn tiêu thụ nhiên liệu từ Trung Đông và những nơi khác, sau đó là Việt Nam và một số nước khác trong vùng với tư cách người xuất khẩu dầu mỏ và hàng hoá.
26. Với quyền lợi trực tiếp và sống còn của mình mà lại nghĩ rằng người khác phải hy sinh đến cả giá trị tối thượng của họ, thì không có sự huyễn hoặc nào hơn nữa trong quan hệ quốc tế!
Vấn đề là ở chỗ Việt Nam hiểu rằng nếu hiện diện tại đây, Hoa Kỳ thuận lợi hơn và trực diện hơn với Trung Quốc trong chiến lược kiềm chế “từ xa”. Nhưng các nhà chiến lược Việt Nam cần nhớ cho rằng dù có là lựa chọn thuận lợi nhất về mặt địa lý thì Việt Nam không phải là lựa chọn thuận lợi nhất về mặt chính trị (họ quen nghĩ thuận lợi chính trị chỉ là “ổn định chính trị”), và càng không phải là lựa chọn duy nhất.
Chọn Việt Nam, Hoa Kỳ đạt mục tiêu mà Việt Nam cũng được trực tiếp bảo đảm an ninh trước sự đe dọa tiềm tàng từ phương bắc. Không chọn Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn sẽ đạt mục tiêu nhưng Việt Nam thì không có được sự bảo đảm đó, thậm chí sẽ bị bỏ rơi như đã từng hoàn toàn bị bỏ rơi.
27. Trên thực tế Phillipines, Malaysia, hay Indonesia dù không trực tiếp nhưng đều có thể thay thế cho Việt Nam. Đặc biệt, như đã nói, với vị trí mở cho cả hướng từ Thái Bình Dương và Đông Bắc Á vào biển Nam Trung Hoa, Philippines là một địa điểm lý tưởng, có vai trò đối với toàn bộ tiểu vùng này nếu tính từ hướng Thái Bình Dương.
Với những nước này Hoa Kỳ đang có những vấn đề nhất định, nhưng điều đó không có nghĩa là siêu cường không thể nào tái hiện diện. Chỉ là cả những nước đó, cả Việt Nam cùng lúc được đặt lên bàn cân, và do chính những vấn đề nhất định đó nên vị trí của Việt Nam trở thành ưu thế vượt hẳn. Ưu thế này còn được củng cố khi chính Hà Nội ve vãn để có một vị thế như vậy cho mình, cùng với một tâm lý thoả mãn “thầm kín” có thể có nào đó trong tính toán của Washington.
28. Như vậy, trong tương quan địa-chính trị, khi so bộ ba Hoa Kỳ - Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam ở vào vị thế mạnh nhất và Hoa Kỳ là yếu nhất. Nhưng đặt trong bối cảnh của Đông Nam Á và rộng hơn nữa - mà chính bối cảnh này mới là cái cần thiết để Hoa Kỳ tính toán địa-chính trị - thì vị thế yếu nhất chính là Việt Nam và mạnh nhất lại là Hoa Kỳ. Việt Nam gặp những đe doạ trực tiếp chứ không phải là ai khác. Việt Nam đã từng bị bỏ rơi trước nguy cơ này và khả năng đó vẫn có thể xảy ra, chứ không phải là các nước phía nam ASEAN. Và dù có bất kỳ vấn đề gì, không kể Việt Nam, tất cả các nước ven biển Nam Trung Hoa còn lại đều thừa hiểu họ cần đến Hoa Kỳ như thế nào trước sự lớn mạnh trên biển của Trung Quốc.
29. Với Việt Nam, nói đến khả năng xấu nhất trong quan hệ, Hoa Kỳ vẫn có thể “buông”, còn Philippines hay các nước quanh Malacca, điều đó không thể xảy ra. Một rẻo nước ở góc kẹt lại có thể quan trọng bằng điểm nối trên biển giữa Đông Bắc Á với Đông Nam Á và giữa Thái Bình Dương với biển tiểu vùng, hay có thể quan trọng bằng ngay chính Malacca ư? Việt Nam, với tư cách đồng minh ý thức hệ hay đồng minh chính trị của Trung Hoa mà đối với với Hoa Kỳ lại có thể khả tín hơn so với những đồng minh thể chế và truyền thống trong khu vực ư?
30. Mức độ khả tín đó như thế nào, ai ai cũng đã thấy rõ trong thời gian vừa qua, trong thái độ dạy bảo và răn đe ngược đời của Hà Nội.
Việt Nam là một “đồng minh” như thế nào và của ai, ai ai cũng đã thấy trong trong văn hoá bài Mỹ một cách nhất quán của họ.
Gieo rắc nhận thức và tâm lý chống Mỹ là điều quá dễ nhận thấy trong văn hoá và giáo dục Việt Nam. Thế hệ 8x, 9x ngày nay có thể thuộc làu làu “tội ác” của Mỹ trên đất Việt Nam từ năm 1975 về trước, chứ những chuyện sau đó chỉ vài năm của Khmer đỏ - “tay sai của tập đoàn Trung Nam Hải” hay của chính Trung Quốc gây ra trên đất Việt Nam thì đối với những thế hệ sau này dường như không từng xảy ra! Thái độ chống Mỹ ở bất cứ đâu trên thế giới cũng được truyền thông Việt Nam khai thác, còn những gì làm phật lòng người láng giềng họ đều kiêng sợ, thậm chí là đối với đối tác làm ăn lớn và từ rất sớm của thời đổi mới (Đài Loan) họ cũng sẵn sàng “bôi mặt” cho vừa lòng Bắc Kinh…
31. Có đáng để Hoa Kỳ hy sinh giá trị dân chủ để dung túng cho một đối tác như vậy không? Hoa Kỳ có phải là quốc gia nhục nhã đến mức chấp nhận quốc sách bài xích thâm căn cố đế của đối tác mà vẫn phải bảo đảm an ninh cho “thân hữu” này? Cường quốc số một thế giới có thấp hèn đến mức phải nghe dạy bảo và răn đe từ một đối tượng nhất thiết phải cần đến mình?…
Những câu hỏi như vậy không chỉ là vấn đề về lựa chọn cho phía Hoa Kỳ, mà cũng chính là vấn đề lựa chọn cho phía Việt Nam.
32. Đương nhiên có nhiều ý kiến cho rằng không chỉ và không phải là chính trị, kinh tế mới là cái quyết định thái độ của hai nước này với nhau, và khả năng là Hoa Kỳ vì các quyền lợi kinh tế mà hy sinh các vấn đề về dân chủ, nhân quyền.
Đúng là Hoa Kỳ cũng nhận được những lợi ích kinh tế trong quan hệ với Việt Nam, nhưng ở khía cạnh này cũng vậy, Hoa Kỳ có phải lép vế để mà chấp nhận dung túng mọi điều cho hành xử toàn trị? Rõ ràng là không. Việt Nam cần (và đã được) Hoa Kỳ ban cho PNTR chứ không phải ngược lại. Việt Nam cần Hoa Kỳ tăng cường đầu tư chứ không phải ngược lại. Thị trường Hợp chủng quốc là nơi Việt Nam cần mở rộng thị phần để cạnh tranh với thị phần của Trung Quốc, chứ không phải Hoa Kỳ phải đi làm điều đó ở thị trường Việt Nam. Các công ty Hoa Kỳ muốn làm ăn ở Việt Nam, họ muốn có được sự hợp tác của các giới thẩm quyền, nhưng nếu quan hệ giữa hai nước không thân hữu khiến làm ăn của họ không thuận lợi, thì sự rút lui của họ lại có thể làm lợi cho hình ảnh và môi trường đầu tư của Việt Nam sao?
Chính cái tư duy đến là ngờ nghệch thể hiện thành quan niệm giáo khoa và chiến lược, rằng chính quyền Mỹ do các tập đoàn đa quốc gia giật dây và chỉ phục vụ cho lợi ích giới đại tư bản, nên Hà Nội cố tình trám miệng Hoa Kỳ bằng những màn trình diễn với Bill Gate [3] và Intel ngay khi sự phản đối đàn áp dân chủ dữ dội đang diễn ra tại Việt Nam của cả Capitol và Nhà trắng đạt đến cao điểm. Rõ ràng đây cũng là một thông điệp nhắn nhủ đến Washington.
33. Khi tôi kết lại bài này, Tập đoàn PB vừa loan báo ngừng một dự án thăm dò dầu khí lớn ở Trường Sa để “các nước liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề ”. Họ không bình luận gì thêm, nhưng những cái đầu tại tổng hành dinh PB có lẽ đâu thể ngờ nghệch đến mức đặt bút ký một dự án hai tỷ dollar cách đây chỉ trên dưới hai tháng mà không biết đến tranh chấp đã mấy chục năm qua, họ đâu ngờ ngệch đến mức không biết làm gì có cơ hội cho các nước liên quan giải quyết vấn đề. Ngoài giả định họ chịu áp lực từ phía Trung Quốc, cũng không thể loại bỏ giả định rằng viễn cảnh an ninh không còn được bảo đảm như khi đàm phán tiền khả thi, đã khiến họ rút lui. Nếu đúng là có dính dáng gì đó, thì tương quan giữa kinh tế và địa-chính trị có tầm quan trọng như thế nào, là điều Hà Nội cần phải học lại.
34. Bên trong nước thì đối với mọi thứ, tư duy và hành động toàn trị đều buộc tất cả phải phục tùng chính trị. Đối với bên ngoài, Việt Nam muốn kinh tế là kinh tế, chính trị là chính trị. Họ luôn ra rả rằng thúc đẩy quan hệ kinh tế nhưng không “can thiệp vào (cái gọi là) công việc nội bộ” của nhau. Nếu vậy, Hà Nội nói đến “quan hệ chiến lược” để làm gì, vì nó đã chạm đến chính trị trên phạm vi khu vực và toàn cầu rồi đó! Nếu vậy, Hoa Kỳ nhọc lòng đến chuyện tranh chấp hay ảnh hưởng của ai đó trên biển Đông làm gì, vì như thế là đã can dự vào chính sách đối ngoại của Việt Nam rồi đó!
Làm ăn và hưởng lợi lẫn nhau từ cái hoạt động kinh tế thì không cần đến quan hệ chiến lược, thậm chí ngay cả đối xử tệ bạc về chính trị và văn hoá với Đài Loan mà Việt Nam còn giành thắng lợi kinh tế đó thôi.
Vậy theo đó, Washington đừng can thiệp vào “công việc nội bộ” giữa Hà Nội với Bắc Kinh, họ là anh em, đồng chí mà, sẽ tự thu xếp được thôi! Hoa Kỳ chỉ là người ngoài, hãy về mà chơi với anh em, “đồng chí” của mình trong khu vực. Hơn nữa, chính những nơi này mới giữ vị trí yết hầu.
35. Hình tượng đi dây thật đúng để diễn tả quan hệ giữa Trung Quốc - Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay. Và với chính hình tượng đó, nên nhớ rằng người đi dây chỉ đi được khi hai người nắm đầu dây chịu căng dây thăng bằng. Vậy nếu Việt Nam không muốn tiến quá gần đến đầu dây Hoa Kỳ mà ngược lại, dằn mặt siêu cường bằng cách tiến về phía đầu dây bên kia, thì Hoa Kỳ có thể chìu ý họ, buông đầu dây phía bên mình ra.
Cũng theo hình tượng này, khi một đầu dây buông ra, người đi dây sẽ rơi xuống vực, va vào vách đá của sườn bên kia, hoặc may mắn thì chạy kịp về đứng trên phần của sườn đó. Tương ứng thì nếu không có Hoa Kỳ, hoặc Việt Nam sẽ hứng chịu những hậu quả nặng nề từ phía Trung Quốc hoặc sẽ phải hoàn toàn thuần phục.
36. Tôi nghi ngờ quan điểm cho rằng trong giới cầm quyền Việt Nam có những người muốn dựa hẳn vào Trung Quốc. Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, qua những gì đã trải qua trong thời kỳ “môi hở răng lạnh”, sau năm 1975, và cả cho đến hiện nay, cho dù quan hệ Việt - Trung có hữu hảo đến tuyệt đỉnh chăng nữa, không thể nào tin rằng ở đất nước này và giờ này vẫn sản sinh ra ai đó bình thường mà lại nảy ra được ý nghĩ dựa hẳn vào Trung Quốc như lá chắn chiến lược của mình.
Nguồn tin đó chẳng qua chỉ là hoả mù do chính Việt Nam tung ra để vừa loè bịp vừa dằn mặt Hoa Kỳ mà thôi! Xét tương quan lịch sử, thực tế và bối cảnh địa-chính trị, chỉ có thể Hoa Kỳ “buông” Việt Nam chứ Việt Nam không thể “buông” Hoa Kỳ để về hẳn với Trung Quốc.
37. Hà Nội càng gia tăng mức độ đàn áp, Washington càng tỏ ra cứng rắn thì hỏa mù càng nhiều.
Ý kiến về việc có lực lượng nào đó công khai phá hoại những chuyến đi Mỹ thực tế cũng chỉ là hoả mù, dù là cố tình ở đối tượng đã tung ra hay vô ý ở những ai đã thổi lên. Nhìn lại thời điểm Việt Nam thay đổi đường lối nhằm “chiến lược” hơn với Hoa Kỳ, ta thấy đó là một lựa chọn hoàn toàn có cân nhắc kỹ càng và có sự thống nhất trong giới lãnh đạo chứ không hề là ý muốn hay hành động riêng rẽ của nhóm nào, vì rõ ràng lựa chọn đó là xuất phát từ chính lợi ích có tính sống còn của Việt Nam, không thể khác được nếu không muốn bị tiếp tục bỏ rơi trong biến động nhanh chóng của các lực lượng trên biển Đông.
Nếu thật sự có một lực lượng như vậy (một lực lượng giả thì có thể có), khi Nhà trắng gặp gỡ các nhân vật dân chủ người Việt cuối tháng Năm, đó là cơ hội tốt nhất để ra đòn dứt điểm, sao họ không làm mà lại đi tự biện hộ cho Hoa Kỳ [4] ? Đó là còn chưa kể liên tục sau đó Tổng thống Bush tấn công Việt Nam trên các diễn đàn có tính quốc tế như trong diễn văn tại Praha, trạm dừng chân trên đường đến Đức dự Hội nghị G8 2007, và tại Lễ khánh thành Tượng đài Nạn nhân Cộng sản.
38. Khi hai bên đang phản ứng với những hình thức rất căng vừa qua, Việt Nam bèn công khai hai chữ “chiến lược” với Hoa Kỳ, rồi một loạt những ý kiến về hoạt động không khớp nhau của các cơ quan cấp cao của chính quyền Việt Nam trong các vấn đề có liên quan… Khi chuyến đi của ông Triết bị đe doạ, có số ý kiến bâng quơ rằng ông có thể là Yelsin của Việt Nam (trước đó thì tầm quan trọng của một nhân vật tương tự như vậy được dành cho ông Dũng), rồi lại ý kiến của Carl Thayer nhắc rằng Hoa Kỳ cần tăng cường quan hệ chiến lược với Việt Nam [5] , hay như những cái tít kiểu “ông Triết muốn thân Mỹ hơn nữa” [6] … khiến hỏa mù càng trở nên dày đặc… Tất cả những điều đó đều góp phần ý biện hộ cho bộ máy toàn trị, đều vô tình hay cố ý để thuyết phục Hoa Kỳ duy trì chiến lược liên kết với Việt Nam cho dù có sự đàn áp nghiêm trọng đối với những người dân chủ.
39. Đã hoàn toàn lộ rõ rằng trong chiến lược của Việt Nam, Hoa Kỳ chỉ được dùng vào thế cờ gài, phải bảo vệ cho Việt Nam nhưng lại ở vị thế cần đến Việt Nam. Điều này có lẽ phần nào cũng có phần của sự thổi phồng về vị thế chiến lược của Việt Nam và quan hệ với Hoa Kỳ. Còn về đối nội, cũng đã lộ rõ rằng những cải cách chính trị cải lương và nhỏ giọt ít có cơ may tái tục với nhịp điệu như vừa qua, mà điển hình là vai trò của Quốc hội mới không những không được tăng cường mà còn bị đẩy lùi, qua những biểu hiện và kết quả của cuộc bầu cử vừa rồi…
Trong tình thế như vậy, nếu tiếp tục cái gọi là “tầm chiến lược” trong quan hệ Việt - Mỹ theo nghị trình ban đầu nhưng thực chất và hiệu quả chỉ gói gọn trên nền tảng kinh tế và bảo đảm an ninh, thì rốt lại cũng chỉ là giúp tăng cường thanh thế chính trị của Hà Nội và bảo toàn cho nền toàn trị mà thôi.
40. Thả Nguyễn Vũ Bình, Lê Quốc Quân, và có thể sẽ thả Trần (Thị) Thuỳ Trang là chứng tỏ thật tâm của Hà Nội chăng? Hoàn toàn ngược lại.
Với Nguyễn Vũ Bình, hành động của Hà Nội chỉ chứng tỏ sự coi thường Hoa Kỳ mà thôi, khi chỉ cùng con người này mà năm lần bảy lượt họ đem ra vờn và nhử, đúng với “tầm chiến lược” của giới cầm quyền. Với hai luật sư sau, họ chưa bị cả một chiến dịch truyền thông nhà nước “vạch mặt”, chưa thành án, việc trả tự do cũng không phải là khó khăn. Quãng thời gian hai người này bị bắt cũng không xê xích nhiều với Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân nhưng tình hình lại khác nhiều. Khi có tin về sự trắc trở có thể nào đó đối với chuyến đi của ông Triết, việc sẽ có thể thả Quân và Trang, cùng với Bình, được tung ra lập tức. Những điều này phần nào chứng tỏ ngoài Bình, đây có thể đã là hai con bài được chọn để dự phòng từ xa cho tình huống phải chứng tỏ thiện chí.
41. Người ta đã chưa hiểu hết tư duy và hành động chính trị của Việt Nam nên có thể nói việc phản hồi chiến dịch đàn áp chưa nhắm trúng vào gót chân Achilles của họ. Một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ư? Có cũng tốt, không có thì có nào hề hấn gì, quan trọng là cái ghế độc tôn của họ không bị tình trạng dân chủ làm cho lung lay. Các nghi lễ đón tiếp cấp nhà nước bị cắt bỏ đối với Nguyễn Minh Triết ư? Điều này có giá trị biểu tượng rất cao đối với các cộng đồng dân chủ, nơi có tự do ngôn luận và tự do thông tin, có sự phán xét của dân chúng dành cho chính quyền đối với hình ảnh bị tổn hại của đất nước. Nhưng với Việt Nam, không có điều gì họ lại không biến được thành thành công vang dội và người dân không hề phán xét được giới cầm quyền cho dù họ có gây ra những phá hại lớn đến đâu chăng nữa.
42. Chừng nào chưa nguy hại trực tiếp đến những tính toán chiến lược về kinh tế, và đặc biệt là chiến lược quân sự, an ninh lãnh thổ của Việt Nam, họ sẽ không bao giờ nhân nhượng có thực chất trong vấn đề dân chủ và nhân quyền. Những sứt mẻ hay góc tối về ngoại giao chẳng là gì cả khi mà tiền cứ đổ vào để vỗ béo cho nền toàn trị, khi mà cứ “cầu cạnh” để được bảo đảm an ninh cho họ.
43. Cứ thách thức nhà cầm quyền Việt Nam nghiêng hẳn sang Trung Quốc mà xem, họ có dám không. Nếu họ dám, chẳng mấy chốc ta sẽ thấy Trung Quốc chớp lấy thời cơ như thế nào. Ta cũng sẽ nhanh chóng chứng kiến ngay trong Đảng họ phải “xử” nhau thôi…
44. Trên bàn cờ Đông Nam Á, Hoa Kỳ đã từng không có Việt Nam như một đồng minh, nay cũng không vì thế mà thất thế. Trung Quốc đang lên ư? Đúng, nhưng nên nhớ Trung Quốc lên thì không vì thế mà các nước khác dừng lại, vấn đề là có sự chia sẻ trách nhiệm quốc tế.
45. Ở Đông Nam Á phần nhiều là những nhà nước dân chủ chưa hoàn thiện hoặc độc tài, họ chủ trương “không can thiệp vào công việc nội bộ” của nhau là phải. Họ cứ phản đối Hoa Kỳ trong việc phê phán tình hình dân chủ của khu vực nhưng lại mặc nhiên dựa dẫm vào quốc gia này trong chiến lược an ninh lãnh thổ. Cả hai mặt này họ giống với Việt Nam nhưng họ lại không bức bách như Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc. Thái độ của họ là vô trách nhiệm trong bối cảnh địa-chính trị chung, để mặc cho Hoa Kỳ, Việt Nam, Trung Quốc giải quyết các quan hệ và họ hưởng lợi.
Vấn đề giờ đây là Hoa Kỳ phải có những bước đi đặt họ vào suy nghĩ và hành động địa-chính trị chung. Nếu họ không cùng hỗ trợ Hoa Kỳ trong việc xử lý các quan hệ có liên quan với Việt Nam để vừa tạo được hợp tác chiến lược vừa giữ vững các giá trị dân chủ và nhân quyền, thì giả định khi Hoa Kỳ chọn lại giải pháp buông Việt Nam, phòng tuyến Đông Nam Á dời về nam, khi đó chính họ sẽ là những người đầu tiên đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng thay vì sự “thanh thản” đến độ vô lý như hiện nay.
46. Trung Quốc lớn mạnh thì Nhật Bản và Nam Hàn cũng hùng cường, nên không vì thế mà họ vẫn tiếp tục nhận sự bảo hộ an ninh một chiều từ phía Mỹ. Trách nhiệm chung về an ninh địa-chính trị của khu vực đang thật sự đặt ra đối với họ.
Nhật Bản và Nam Hàn đều chia sẻ tuyến hàng hải vào biển Nam Trung Hoa và qua Malacca, đặc biệt Nhật gần như sử dụng 100% nguồn cung cấp nhiên liệu từ bên ngoài và vận chuyển hàng hải có tầm quan trọng chiến lược. Sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc trên vùng biển này là điều mà hai nước Đông Bắc Á này sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ. Hoa Kỳ - đồng minh của họ - đang phải giải quyết vấn đề, và họ cần hỗ trợ. Nếu họ cứ thản nhiên tăng cường hợp tác kinh tế với Hà Nội mà không có bất kỳ động thái nào thể hiện thái độ dân chủ của mình nhằm gia tăng sức ép buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng những cam kết dân chủ và nhân quyền, thì khi Hoa Kỳ buộc phải chuyển hướng đối tác chiến lược trong tiểu vùng Đông Nam Á nhằm đối phó với Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn càng sẽ phải đau đầu hơn và bỏ ra nhiều chi phí hơn là nguồn lợi kinh tế có được từ Việt Nam, để bảo vệ các quyền lợi chiến lược của chính họ.
Ngoài ra, việc tính toán lại sự hiện diện và sức mạnh quân sự của hai quốc gia Đông Bắc Á này cũng là điều đến lúc nên làm để tạo đối trọng chia sẻ gánh nặng đang dồn xuống phía nam.
47. Cuộc gặp hôm 29.05 của Tổng thống George Bush, Phó tổng thống Dick Cheney và những nhân vật cao cấp nhất của chính quyền Hoa Kỳ, với đại diện bốn tổ chức chống chế độ toàn trị Hà Nội của người Việt tại Hoa Kỳ, phần nào cho thấy dân chủ không phải là giá trị mà người Mỹ có thể hy sinh. Dù đây có thể nói là một động thái vô tiền khoáng hậu, nhưng nó mang tính thực chất và hữu hiệu hay chỉ nhằm trấn an người Việt dân chủ và dằn mặt Việt Nam, đến đây vẫn chưa thể kết luận được.
Chúng ta hoan nghênh và rất biết ơn những nỗ lực thật tâm và rất hữu ích của lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ nhằm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh dân chủ trong nước, nhưng vẫn cần dành lại sự nghi ngờ nhất định.
48. Thực tế, chiến lược và sách lược của Hoa Kỳ dưới thời của Tổng thống Bush đem lại tác động xấu cho sự phát triển tinh thần dân chủ ở nhiều nơi. Iraq là điển hình, sự ham hố vặt vãnh về tiếng tăm của một nội các quyết đoán và quyền uy tột đỉnh đã khiến họ chỉ còn thấy giải pháp quân sự - mà lại là một giải pháp quân sự què cụt khi không hề có những chiến thuật và đường lối đúng hướng cho thời kỳ chiếm đóng - trong khi có những tin tức cho hay Saddam Hussein thậm chí đã đánh tiếng nhượng bộ tất cả, luôn đến việc rời chức. Tình hình Iraq “hậu chiến thắng” đã giúp các nền độc tài, trong đó có Việt Nam, khai thác tối đa để xuyên tạc trạng thái dân chủ và tôn vinh trạng thái chuyên chế.
Lần này trong tương quan giữa toàn trị và dân chủ Việt Nam thì sao, đối với Hoa Kỳ sẽ là một chiến lược và những chiến thuật căn cơ và có hệ thống, hay lại là những ham hố vặt vãnh về tiếng tăm?
Có thể nói nếu hợp tác chiến lược với Việt Nam trở thành hiện thực, Mỹ có thể lại hiện diện về chính trị và quân sự tại đây. Và đó sẽ là một thắng lợi vang dội của chính quyền Bush. Ngoài việc tạo thành công tiền đề trong tính toán tương quan lực lượng trên biển Nam Trung Hoa, nó vừa trả lại món nợ 32 năm trước, vừa lấy lại thanh danh của nội các và Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lại đang gần kề. Nếu không có những đường hướng chiến lược cụ thể tuỳ theo chuyển biến của tình hình, mà chỉ biết chạy theo tiếng thơm là đưa người Mỹ chính thức trở lại Việt Nam, thì lần này việc Nhà trắng lại chỉ thấy có một giải pháp, tức nhượng bộ Việt Nam về dân chủ và nhân quyền để đạt đến “quan hệ chiến lược”, là một khả năng cũng không nhỏ.
49. Quan hệ chiến lược với Việt Nam là cần thiết, hữu ích và đáng hoan nghênh, nhưng đó không phải là chọn lựa tất yếu và duy nhất. Hơn nữa, trong quan hệ này Việt Nam mới chính là người có quyền lợi trực tiếp và sống còn.
Quả thật, chuyện các nhà đối lập ôn hoà tại Việt Nam và quan hệ chiến lược Việt Nam - Hoa Kỳ đang đặt siêu cường vào một sự lựa chọn địa-chính trị. Nếu dân chủ và nhân quyền không còn là giá trị tối thượng trong tương quan đó, thì rồi đến một ngày các nhà toàn trị Việt Nam sẽ ghi vào “trang sử vàng của Đảng” về việc “phân hoá và sử dụng kẻ thù phục vụ cho những mục đích chiến lược và bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội”.
50. Không tư duy kiểu cuộc sống hàng ngày để mà nóng vội quyết định ngay, nhưng cũng không thể không duyệt lại toàn bộ bối cảnh có liên quan để dự phóng những hướng chuyển khả dĩ.
Có lẽ diễn tiến dân chủ trong nước trong quãng thời gian sau chuyến đi của ông Triết đến trước chuyến đi của ông Dũng căn bản sẽ đủ để mọi thứ “chiến lược” cần được quyết định theo hướng thích hợp nhất…
© 2007 talawas
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Đã dự trù tất cả, từ việc không cho Lê Thị Công Nhân hay Nguyễn Văn Đài thoát ra (ít ra là giới cầm quyền nghĩ đó là đường thoát) qua những chuyến đi ra nước ngoài, cho đến việc Lê Trí Tuệ “mất tích” ngay cả khi đã sang Cambodia và được Cao uỷ Tỵ nạn cấp qui chế, rồi hành động quyết liệt khi Nguyễn Quốc Tuấn công bố kháng thư của mình cùng cáo trạng của chính quyền đối với Nguyễn Quốc Huy, bất chấp các thủ tục tố tụng thành văn, như một hình thức xiết chặt sự cô lập và bao vây về thể chất, tinh thần đối với các nhà dân chủ đang bị giam giữ…
[2]Điều này, nói cho đúng ra, là giới lãnh đạo toàn trị Việt Nam cần một chỗ dựa quốc tế cho quyền lực và quyền lợi của nhóm đầu sỏ, chứ bản thân họ biết Trung Quốc từ xưa đến nay chưa bao giờ là chỗ dựa lưng cho đất nước cả.
[3]Dùng sản phẩm của Microsoft thì không chỉ có Việt Nam, nhưng khắp nơi trên thế giới khi dùng người ta chỉ việc bỏ tiền ra mua, có cần thiết tiến hành đại lễ cấp quốc gia như Việt Nam làm không?
[4]Nên nhớ mọi người Việt chưa làm đơn chính thức xin bỏ quốc tịch Việt Nam và được Bộ Tư pháp đồng ý, thì dù họ có ở đâu, Việt Nam vẫn xem là công dân của mình. Đằng này, giới toàn trị lại chữa thẹn bằng cách nói Tổng thống Mỹ gặp công dân Mỹ là chuyện bình thường. Đó là còn chưa kể họ gặp nhau để trực tiếp bàn về chuyện đàn áp của Việt Nam, “can thiệp vào công việc nội bộ” quá rõ rồi còn gì.
[5]Tôi có cảm giác rằng mặc dù có những ý kiến rất giá trị, dường như các nhà nghiên cứu nước ngoài về chính trị Việt Nam đã không những không nắm hết mọi vấn đề về văn hoá chính trị, đạo đức chính trị, tâm lý chính trị… của nền toàn trị Việt Nam, cũng như những thay đổi tình huống trong diễn biến của nó; họ còn không đặt lợi ích của nhân dân và nền dân chủ Việt Nam lên trên, mà chỉ nhắm làm cho sao Hoa Kỳ và Việt Nam “ổn thoả” để siêu cường này gánh vác hết trách nhiệm trước vấn đề Trung Quốc, và như thế sẽ… nhẹ nhàng bớt cho trách nhiệm của đất nước họ chăng? Bài của Carl Thayer mà tôi nhắc đến ở trên và bài mới đây nhất, cách nhau chẳng bao xa và trong cùng một bối cảnh, đã có sự thay đổi trong thái độ xử lý của ông về quan hệ chiến lược Mỹ - Việt…
[6]Bài này của BBC, sau đó đổi tựa thành Đưa hợp tác Việt-Mỹ lên “tầm cao mới”.
Ông Triết Về Rồi
Khi bạn đọc những dòng chữ này, thì ông Nguyễn Minh Triết đã rời khỏi Hoa Kỳ. Vậy là xong gần một tuần lễ viếng thăm Hoa Kỳ của người đang giữ chức Chủ Tịch Nước CSVN, trên nguyên tắc là chức vụ cao nhất nước nhưng thực tế trong nền độc tài đảng trị vẫn còn nằm dưới vài người khác. Những gì ông Triết, và cả phái đoàn gần 200 doanh nhân và cán bộ cao cấp "thu hoạch" được sau chuyến đi lịch sử này?
Chữ thường được sử dụng nhất tại quê nhà cho những trường hợp này có lẽ là chữ "ấn tượng." Chắc chắn là thế. Kinh ngạc, khó quên, đáng nói. Có thể gọi là lịch sử. Chúng ta nơi đây không bàn chuyện các hợp đồng kinh tế, văn hóa hay giáo dục làm chi. Nhiều người nói rồi. Mà thực tế, nếu ông Triết không tới, thì các hợp đồng đó rồi cũng sẽ có lúc được ký. Ông Triết chỉ là đi với tính cách tuyên truyền thôi. Bản văn lớn nhất trong chuyến đi đáng nhớ này là TIFA, hiệp ước khung về đầu tư và thương mại là do một Thứ Trưởng ký, và sẽ dẫn tới một hiệp ước tự do mậu dịch Việt-Mỹ tương lai. TIFA cũng không cần tới chữ ký của Bộ Trưởng nữa. Thậm chí, ông Triết cũng chưa chắc đọc tới nửa trang TIFA, một mớ trang giấy đòi hỏi kiến thức chuyên gia kinh tế nhiều hơn là kinh nghiệm nắm quyền lãnh đạo của một chế độ độc tài toàn trị. Vậy thì, tại sao ông Triết cần đi?
Trước tiên, Triết đi là vì Bush mời, coi như trả lễ hồi năm ngoái TT Bush dự hội nghị APEC ở Hà Nội.
Thứ nhì, Triết đi vì Triết muốn đi. Hình ảnh ông Triết sẽ hiện ra dưới ống kính truyền hình quốc tế, tha hồ mà cười với vẫy tay. Thân thiện. À, những hình ảnh thân thiện qua người lãnh đạo trên nguyên tắc là quyền lực nhất VN sẽ làm mờ đi các hình ảnh u tối về Hà Nội, một chế độ cộng sản vẫn bị nhìn như nằm chung giỏ với Bắc Hàn, Cuba. Ít nhất, về mặt tuyên truyền, ông Triết sẽ chứng minh được với dân Mỹ rằng Hà Nội không phải như Bình Nhưỡng của Bắc Hàn, và cũng không phải như Havana của Cuba. Thế giới khi mở truyền hình CNN, và sẽ thấy ông Triết mặc bộ Âu phục, thắt cà-vạt hệt như Mỹ, đưa tay chào, vẫy vẫy… Hoàn toàn khác hẳn hình ảnh Kim Jong-Il trong bộ trang phục đại cán 4 túi, và cũng khác hẳn hình ảnh Fidel Castro lúc nào cũng quân phục với râu xồm. Có hình ảnh khác đi như thế trên TV Mỹ thì sẽ là thành công lớn rồi. Tuy nhiên, không phải chuyện gì cũng như ý ông muốn.
Điều hết sức bất ngờ cho chuyến đi của ông Triết lại xảy ra từ khoảng tháng 3-2006, khi các đồng chí cao cấp của ông bố ráp các nhà dân chủ, và khi vụ xử linh mục Nguyễn Văn Lý tại Huế đột nhiên xảy ra diễn biến ngoài tính toán, với hình ảnh người công an bịt miệng linh mục Lý, thì dư luận quốc tế, trước tiên là tại Hoa Kỳ, bắt đầu có bất lợi.
Thêm một loạt đợt đàn áp các nhà bất đồng chính kiến nữa. Vụ tòa xử tù hai luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân. Rồi bắt và giam thêm nhiều nhà dân chủ khác. Chuyến đi hiển nhiên là thấy rõ có mây mù giăng phủ. Đơn giản lắm. Tất cả các bản tin quốc tế, dù AP, Reuters hay AFP, đều gọi hầu hết những người bị bắt giam đợt này hoặc là cyber dissidents (những người bất đồng chính kiến trên mạng Internet), hoặc là cyber journalists (các phóng viên trên mạng Internet). Ngay ở cách dùng chữ, đã cho thấy dư luận thuận chiều cho dân chủ rồi. Nếu bạn để ý, sẽ rất ít người gọi những người bị tù đợt này, dù là Huỳnh Nguyên Lang, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Quốc Huy, Lê Nguyên Sang, vân vân…... là democracy activists, hay là pro-democracy activists (các nhà hoạt động vì dân chủ). Dường như chỉ có nữ luật sư Bùi Kim Thành, đang bị đẩy vào nhà thương điên Biên Hòa, là ngoài danh sách 'phóng viên mạng.' Và thực tế, chỉ có dân Việt Nam mình mới gọi cho gọn là các nhà dân chủ thôi, còn báo chí quốc tế gọi họ là "các nhà báo trên mạng." Nghĩa là tự động, họ bị bắt là vì quyền tự do báo chí.
Thế thì báo chí phải bênh nhau. Thế thì, hình ảnh ông Triết có vẻ hiền lành, có vẻ thân thiện… đã bị ngay thành kiến của dư luận báo chí quốc tế là kiểu bàn tay sắt bọc nhung rồi. Thế thì, chưa lên phi cơ, đã thấy ngay ông Triết thua to về dư luận.
Một câu hỏi hết sức bí hiểm, rằng vì sao nhà nước CSVN không chờ ông Triết từ Mỹ về rồi mới đàn áp các nhà dân chủ? Trời ạ, ai mà biết. Có lẽ, chính ông Triết cũng không biết nổi. Có phải vì Bộ Trưởng Công An Lê Hồng Anh muốn biểu diễn quyền lực như thế? Hay vì Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe lời Bắc Kinh thúc ép nên phải bắt một loạt các nhà dân chủ để bày tỏ trung thành với bài học Thiên An Môn? Hay là vì ông Nông Đức Mạnh đòi hỏi đàn tay sắt đàn áp dân chủ để làm quà cúng vong ông Hồ trước ngày 19-5?
Dù lý do gì đi nữa, thấy rõ rằng chuyến đi đã hỏng về mặt tuyên truyền.
Còn nói rằng chuyến đi thành công về mặt kinh tế hay giáo dục, thì các cấp Bộ Trưởng với Thứ Trưởng làm được rồi. Có lẽ, chỉ có vấn đề chất da cam là cần hiện diện của ông Triết, vì theo nghị trình thì ông Bush và ông Triết sẽ giải quyết chuyện này, mà ngay hôm Thứ Tư thì đã có các cam kết giúp đỡ nhân đạo qua kênh dân sự của hội bất vụ lợi Ford Foundation. Hình ảnh ông Bush và ông Triết ngồi bàn về chất da cam sẽ có tính biểu tượng là khép lại trang cuối cùng của Cuộc Chiến Việt Nam.
Dù ông Triết có tạo được tính biểu tượng khép lại cuộc chiến như thế, nhưng hình ảnh Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng được dân biểu Ed Royce đưa ra trong buổi họp báo ở tòa nhà Quốc Hội hôm Thứ Năm 21-6-2007 đã mở ra một phần bức màn tre để cho dư luận Hoa Kỳ thấy một cuộc chiến mới đang bắt đầu diễn ra gay gắt ở VN: cuộc chiến vì nhân quyền, vì tự do dân chủ.
Khi dân biểu Zoe Lofgren hôm Thứ Năm trình lên nghị quyết H.RES. 506 để đòi TT Bush đưa CSVN vào lại bảng các nước quan ngại CPC vì đàn áp tự do tôn giáo, và đòi rút lại quy chế ưu đãi mậu dịch PNTR; và khi 7 Thượng Nghị Sĩ ký tên trong lá thư do TNS Sam Brownback gửi TT Bush đòi áp lực ông Triết phải thả 9 phóng viên mạng đang bị giam, điều đó có nghĩa là ông Triết đã thua rất đậm về dư luận quốc tế.
Đó là những diễn biến rất cụ thể, mà bộ Âu phục và chiếc cà-vạt và cả nụ cười rất tươi của ông Triết cũng không cứu nổi. Hình ảnh tệ hại này là: Hà Nội cũng tệ hại như Bình Nhưỡng và Havana.
Riêng đối với Mỹ, Hà Nội còn tệ hơn nữa. Vì trước giờ dư luận quốc tế không bận tâm về chuyện CSVN tráo trở với dân VN, vì đơn giản đó là chuyện giữa người VN, xem như cuộc chiến nào cũng có chuyện trả thù tàn bạo, dù đó là chuyện cải cách ruộng đất, đấu tố, đổi tiền, đẩy đi kinh tế mới, giam tù cải tạo, xiết hộ khẩu, xô thuyền nhân ra biển, vân vân... Lần này, Hà Nội tráo trở với chính các chính khách Mỹ trước giờ vẫn bênh vực Hà Nội, và đã mất rất nhiều bạn trong quốc hội Mỹ.
Vậy là ông Triết đã rời Hoa Kỳ rồi. Có thêm quá nhiều chuyện để suy nghĩ. Trong lòng tôi, thì tôi vẫn mong ông Triết được sức khỏe an lành, để ông suy nghĩ nhiều thêm về chuyến đi vừa qua. Ông là người được tin là phe cấp tiến, cởi mở, ít nhất cũng đã từng hiểu được nền tự do quý giá của Miền Nam VNCH trước kia, mà ông đã góp phần làm sụp đổ. Làm sao ông Triết có thể quên được thời ông đi học ở Sài Gòn, mà không cần giấy tạm vắng naò xin từ cảnh sát Bến Cát, Bình Dương, để rồi vào Sài Gòn mà cũng không cần xin giấy tạm trú nào ở Sài Gòn. Không phaỉ đó là một tự do tuyệt vời hay sao - chỉ kể một điều đơn giản thế thôi.
Thêm nữa, kỷ niệm chuyến đi này của ông sẽ khó quên, khi từ TT Bush, cho tới các thượng nghị sĩ, dân biểu và nhiều ngàn đồng hương của ông đều lớn tiếng đòi nhân quyền.
Ông Triết hẳn không quên thời tự do biểu tình ở Sài Gòn, và lần này nhìn thấy biểu tình ở xứ Mỹ sẽ nhắc ông nhớ rằng trứơc 1975, Miền Nam cho người dân quyền tự do biểu tình. Và bản thân ông, có lẽ cũng nhiều lần biểu tình ở đại học xá sinh viên Minh Mạng (Quận 5, Sài Gòn), và cũng có lần ở ngay Đaị Học Khoa Học, nơi ông từng học, và ở Đaị Học Sư Phạm, nơi phía sau giảng đường mà ông phảỉ vào, khi ghi tên học Toán.
Tại sao bây giờ cấm dân tất cả các quyền đơn giản như thế? Bịt miệng đâu có hay ho gì đâu.
Bản thân tôi, tôi cũng mong mỏi các cán bộ trong phái đoàn ký được nhiều hợp đồng kinh tế để tăng tốc kinh tế, để tạo thêm việc làm cho dân mình. Không người hải ngoaị nào muốn làm cho dân nghèo, dù là có không haì lòng với chế độ.
Nhưng hãy nhìn vào cốt tủy vấn đề: guồng máy độc tài toàn trị chưa bao giờ làm minh bạch kế toán, và luôn luôn là cội nguồn tham nhũng, vì quyền lực tập trung vào cán bộ đảng mà không cơ quan nào được phép thắc mắc.
Ông Triết là người có cơ duyên hiểu cái hay cái dở của Miền Nam, và hiểu được lòng dân Việt hải ngoại qua chuyến đi này. Xin chúc ông và phái đoàn suy nghĩ thật kỹ, thật sâu, để tìm cho ra cội nguồn các sai lầm nhiều thập niên của chế độ.
Và hãy thấy, nhân quyền và dân chủ là mục tiêu cao quý nhất của nhân loại. Không ai có quyền nhân danh hiến pháp hay luật pháp nào để chà đạp nhân quyền và bác bỏ dân chủ. Hy vọng chuyến đi sẽ không uổng.
Trần Khải
Cuốn phim "Chúng Tôi Muốn Sống"
Toàn bộ cuốn phim được chia ra làm 3 phần (phân đoạn) cho tiện việc chuyển tải trên mạng Internet. Mỗi phân đoạn dài khoảng 30 phút.
Cuốn phim "Chúng Tôi Muốn Sống" trình bày cuộc đời của đại đội trưởng Vinh trong quân đội Việt Minh như biết bao thanh niên trí thức đã bị Đảng Cộng sản VN lợi dụng lòng yêu nước. Anh là một chiến sĩ quốc gia, hăng say chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam trong cuộc Kháng Chiến chống Thực dân Pháp. Anh trở thành nạn nhân của chế độ Cộng sản bạo tàn khi "cách mạng thành công" - Bố, mẹ của Vinh, cùng với biết bao nạn nhân vô tội khác đã bị chôn sống, xử tử man rợ trong các cuộc-gọi là "Đấu Tố-Cải Cách Ruộng Đất" tại Bắc Việt, vào giữa thập niên 1950 (dưới sự chỉ đạo, "cố vấn" của quan thầy Cộng sản Trung quốc). Cảnh mở đầu và kết thúc của phim này là hình ảnh của "thuyền nhân" đại đội trưởng Vinh, với chiếc thuyền mong manh đang tìm cách vượt tuyến vào miền Nam VN Tự Do - 50 năm sau, ngay tại thủ đô quan tham CSVN: Hà Nội, và nhiều nơi trên toàn cỏi Việt Nam, bọn ác ôn côn đồ VC đang tái diễn đòn "Đấu Tố" để hòng mong cản bước tiến Dân Chủ Hóa Việt Nam. Lịch sử ô nhục và đẫm máu của Đảng Cộng sản VN cần phải được chấm dứt, càng sớm càng tốt !!!
Đêm Thắp Nến Nguyện Cầu Bình An cho Lm. Nguyễn Văn Lý & các Nhà Dân Chủ ở trong nước - San Jose, California, ngày 9 - 3 - 2007
tại Việt Nam (Nhà Thờ Chúa Ba Ngôi, San Jose, California. Ngày 9-3-2007)
- Phỏng vấn Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện: CSVN mua chuộc ... “Nhân Văn Giai Phẩm”,
tình hình đàn áp tại quê nhà (San Jose, California. Ngày 12-3-2007)
Đồng bào Tiền Giang vẫn còn tiếp tục biểu tình trước Quốc Hội 2 sang ngày thứ 3
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông báo diễn tiến.
Người đưa tin từ Sài Gòn
10:30 giờ sáng ngày 24/06/2007 tại Sài gòn
Thư gởi ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch Nước CHXHCN Việt Nam
Phạm Bá Hoa
Thưa ông Chủ Tịch,
Theo dõi trên hệ thống truyền thông quốc tế về chuyến đi của ông từ ngày 18 đến 23/6/2007 sang Hoa Kỳ, một quốc gia mà ông và các “đồng chí” của ông từng nguyền rủa là “đế quốc đầu sỏ đang dẫy chết tại dinh lũy cuối cùng của chủ nghĩa tư bản”. Câu này trong bài học số 1/10 có tên là “Đế quốc Mỹ, kẻ thù số 1 của Việt Nam” mà các ông “lên lớp” anh em tù chính trị chúng tôi tại trại tập trung Long Giao hồi tháng 8/1975 chớ hổng phải tôi nghĩ ra à nghe. Mà lạ thật, “tên đế quốc đầu sỏ Hoa Kỳ đang dẫy chết”, tại sao ông Chủ Tịch lại phí thì giờ lặn lội đến thăm vậy? Xin hỏi nhỏ: Thật ra ông Chủ Tịch đi thăm “kẻ thù số 1” hay đến “dinh lũy cuối cùng của chủ nghĩa tư bản” xin xỏ gì vậy? Tôi nói xin xỏ, vì tổng sản phẩm quốc gia của Hoa Kỳ năm 2006 lên đến 13 ngàn 600 tỷ mỹ kim lận. Nhưng dù sao thì ông cũng đến đất nước này rồi, và tôi cũng nhận ra được nhiều điều trong chuyến đi của ông. Do vậy mà tôi viết bức thư không niêm này gởi đến ông.
Cho phải lẽ, tôi xin tự giới thiệu. Tên tôi có ghi bên trên rồi. Tôi chào đời năm 1930 tại miền quê đồng bằng Cửu Long. Một thành viên nhỏ bé trong Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản trên thế giới nói chung, tại Hoa Kỳ nói riêng, cũng là một thành viên trong Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Hải Ngoại. Cho đến hôm nay, và mãi mãi, tôi vẫn hãnh diện là một quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ tháng 5/1954 đến cuối tháng 4/1975, vì tôi biết chắc chắn là tôi đã phụng sự quốc gia dân tộc với tư cách một công dân trong chiến tranh bảo vệ tự do dân chủ. Sau khi nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam các ông đã chà đạp Hiệp Định Paris ngày 27/1/1973, xua toàn lực tràn qua vĩ tuyến 17, đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa, tôi là một trong số 222.809 người “tù chính trị” trong tay các ông. Tôi bị giam trong 2 trại tập trung tại miền Nam và 3 trại tập trung trên đất Bắc, với thời gian 12 năm 2 tháng 28 ngày. Sang tị nạn tại Hoa Kỳ từ tháng 4/1991, với tư cách là một công dân Việt Nam cũ dù chế độ Cộng Hòa của chúng tôi đã sụp đổ. Giờ đây, tôi là công dân Hoa Kỳ, vừa là công dân của quê hương Việt Nam cội nguồn, nhưng tôi không bao giờ chấp nhận làm công dân của chế độ độc tài đang cai trị nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Nội dung thư này tôi xin “báo cáo” với ông mấy vấn đề dưới đây:
Thứ nhất. Trên báo Đàn Chim Việt Online ngày 15/6/2007, có bài phỏng vấn của Vietnamnet dành cho ông Chủ Tịch nước Việt Nam cộng sản. Trong những câu trả lời của ông, có đoạn: “… Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn luôn coi trọng Cộng Đồng Người Việt ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, là máu của máu Việt Nam…” Đoạn khác ông nói “Cộng Đồng người Việt ở nước ngoài là khúc ruột ly hương ngàn dặm….”
Xin được hỏi: “Sao ông Chủ Tịch dám nhân danh nhân dân Việt Nam vậy, vì nhân dân có bầu ông hồi nào đâu?” Trong ngoại giao, các nhà chính trị gọi đó là “mạo danh” và người ta cười ông thúi đầu ông à! Mời ông xem đoạn này do tiến sĩ Lê Đăng Doanh của ông phát biểu tại buổi họp mật của Bộ Chính Trị ngày 2/11/2004 ở Hà Nội: “...Trong bang giao quốc tế khi tiếp xúc với những nhân vật lãnh đạo do dân bầu, trong khi mình cũng là lãnh đạo nhưng lại không do dân bầu, thì vấn đề ngoại giao cũng vất vả lắm chớ không đơn giản đâu…”. Hành động mạo danh này tương tự như bác Hồ của ông ăn cắp văn của người khác vậy.
Chắc chắn là ông Chủ Tịch còn nhớ trong 20 năm liên tiếp kể từ giữa năm 1975, những công dân Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi không thể sống nổi dưới sự kềm kẹp chính trị độc tài của ông, đành phải liều chết tìm đường đến bến bờ tự do với cái giá phải trả thật là khủng khiếp! Lúc ấy, các ông gọi chúng tôi là bọn ngụy quân ngụy quyền, bọn phản quốc, bọn ôm chân đế quốc ăn bơ thừa sữa cặn, bọn lưu manh đĩ điếm, rác rưởi cặn bã của xã hội, ..v..v... Thôi thì các ông dùng tất cả những chữ nghĩa nào mà chửi rủa được là mang ra sử dụng, sao bây giờ ông có vẻ “tử tế” khi coi chúng tôi là bộ phận không thể tách rời vậy? Ông nói mà không ngượng miệng à?
Ông phải hiểu rằng, Cộng Đồng Việt Nam chúng tôi tị nạn cộng sản tại hải ngoại, không bao giờ quên mình là người Việt Nam, không bao giờ quên quê hương Việt Nam cội nguồn. Bằng chứng là hằng năm chúng tôi gởi tiền về giúp thân nhân, từ 35 triệu mỹ kim trong năm 1991, lên 285 triệu trong năm 1995, rồi 1 tỷ 700 triệu trong năm 2000, và năm 2005 hơn 4 tỷ mỹ kim. Những con số trên đây là thống kê từng năm của Việt Nam cộng sản đó. Còn gộp lại từ năm 1991 đến năm 2005 lên đến 19 tỷ 431 triệu mỹ kim, bằng khoảng 60% vốn đầu tư ngoại quốc trong cùng thời gian. Ngoài ra, hằng năm còn có vài trăm ngàn thành viên trong Cộng Đồng tị nạn về thăm thân nhân bạn bè bằng hữu, là sự kiện biểu lộ tình cảm gắn bó với quê hương, nhưng các ông không được đồng hóa sự kiện đó như là chấp nhận chế độ độc tài tàn bạo của các ông nhé! Chúng tôi cũng thừa biết ông và “đồng chí” của ông, nhờ những đồng tiền của chúng tôi mà rửa tiền ăn cắp được sạch sẽ rồi gởi vào ngân hàng ngoại quốc nữa mà.
Lại nói đến máu là máu của Việt Nam, thoạt nghe cứ như ông Chủ Tịch sắp thành người cộng sản tử tế vậy. Nhưng thưa ông, lịch sử đã chứng minh trong chế độ cộng sản, làm gì có người cộng sản tử tế, làm gì có xã hội cộng sản tử tế, nếu tử tế thì làm gì có đất cho cộng sản dung thân mà tàn phá văn hoá, tàn phá con người và xã hội. Xin được hỏi ông: “Những người sinh ra và lớn lên trên quê hương, muốn được làm công dân tử tế trong xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, linh mục Nguyễn Văn Lý, và nhiều vị nữa mà ông bắt nhốt là máu gì vậy? Nếu cần, ông Chủ Tịch xem kỹ máu của những vị ấy có phải là máu Việt Nam không? Thật ra chính ông mới là người cần thử máu xem có phải là “máu Tàu” hay không mà trước khi thăm “đế quốc đầu sỏ đang dẫy chết”, ông phải sang Tàu xin phép và nhận lệnh vậy? Cũng xin nhắc ông Chủ Tịch, trong bài học chính trị năm 1979 sau khi bị “ông anh” Trung Hoa cộng sản dạy cho bài học, anh em tù chính trị chúng tôi bị “lên lớp” học chính trị với bài “Trung quốc là kẻ thù số 1 của Việt Nam” do giảng viên của Bộ Công An phụ trách. Sao các ông nhiều kẻ thù số 1 quá vậy? Rồi bây giờ ông Chủ Tịch lần lượt hạ mình với hai kẻ thù đó ngay tại quốc gia của họ! Ông Chủ Tịch có thấy nhục không?
Thứ hai. Tại Washington DC, ông có dám nhìn hay dám nghe về Tượng Đài Nạn Nhân Cộng Sản Thế Giới không? Tượng đài mới khánh thành 6 ngày trước ngày ông đến Hoa Kỳ và do Tổng Thống “đất nước đang dẫy chết” chủ tọa. Đây là biểu tượng thảm họa kinh hoàng trong thế kỷ 20 của nhân loại nói chung, và 25 quốc gia bị cộng sản cai trị nói riêng. Từ nay, oan hồn của hơn 100 triệu nạn nhân cộng sản -có cả nạn nhân Việt Nam thân yêu của chúng tôi- được những thế hệ hôm qua, hôm nay, và những thế hệ mai sau tưởng nhớ. Tưởng nhớ để tận diệt chế độ này đến tận cùng gốc rễ, vì chế độ cộng sản là tàn bạo và phi nhân. Nhóm chữ tô đậm này là lời lên án mạnh mẽ trong bài phát biểu của Tổng Thống Hoa Kỳ, và trong lời lên án đó có ông Chủ Tịch nữa, vì ông đứng đầu nước Việt Nam cộng sản mà. Xin được hỏi: “Ông Chủ Tịch có thấy nhục không vậy?”
Nhắc đến tượng đài nạn nhân cộng sản, tôi xin hỏi ông Chủ Tịch: “Sao ông với các ông quyền lực trong Bộ Chính Trị hèn đến mức phải nhờ chánh phủ Malaysia và chánh phủ Indonesia, phá bỏ bia tưởng niệm Thuyền Nhân Việt Nam tại hai quốc gia đó vậy?” Đó là những tấm bia đơn giản, với những dòng chữ mộc mạc chân thành, tưởng nhớ những người Việt Nam có thẻ chứng minh là công dân của các ông, nhưng không thể sống nổi dưới chính sách cai trị độc tài tàn bạo mà chạy trốn các ông, để rồi bỏ xác trong lòng biển! Oan hồn Họ nương vào biểu tượng ấy sau thời gian vất vưởng trên sóng nước biển khơi! Vậy mà các ông cũng mượn tay người khác để “tàn sát oan hồn Họ” nơi xứ người, sau khi “tàn sát thân xác Họ” lúc Họ sống trên quê hương! Trong khi các ông tìm mọi phương kế vừa dụ dỗ vừa đe dọa Cộng Đồng Việt Nam tị nạn tại hải ngoại, thì các ông lại mượn tay quốc gia khác phá bỏ biểu tượng thảm cảnh đau thương trên đường tìm tự do của Cộng Đồng này? Phải chăng các ông thấy những tấm bia đó tuy vô tri vô giác về vật chất, nhưng thật sự thì “cái hồn” của những tấm bia đó là một trong muôn vàn chứng tích tội ác của các ông mà các ông sợ? Bị các ông phá nhưng chúng tôi không nản lòng, bằng chứng là ngày càng có thêm những “Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân” tại Canada, tại Thụy Sĩ, tại Bĩ, tại Đức, tại Hoa Kỳ, tại Australia, và đang tiến hành tại nhiều nơi nữa.
Chưa hết, đến sự kiện nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi ở Biên Hòa mà ông chuyển sang cơ quan hành chánh địa phương nói là để phát triển. Xin hỏi: “Phát triển gì?” Chẳng qua đây cũng là cách trong mục đích các ông xóa bỏ chứng tích tội ác nữa phải không?
Nói đến tội ác của cộng sản Việt Nam thì không sao kể hết, nhưng tội ác nặng nhất, tàn bạo nhất, và dã man nhất với lịch sử, với dân tộc, là tội ác về giáo dục. Bởi chính sách giáo dục của các ông chỉ đào tạo những thế hệ thần dân để tuân phục các ông, tuân phục đến mức nhũn người chẳng khác những triều đại vua quan phong kiến hằng trăm hằng ngàn năm trước! Giáo dục của các ông, đã tạo cho người dân xã hội chủ nghĩa trước uy lực của lãnh đạo các cấp, trở thành một loại phương tiện đa dụng để tuân phục các ông. Do chính sách giáo dục thần dân của các ông mà đời sống văn hoá và đời sống tư tưởng của dân tộc Việt Nam bị hủy hoại. Chính nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đã và đang làm hại cả một nòi giống, cho nên từ hơn nửa thế kỷ qua, Việt Nam không có những công dân để xây dựng một xã hội tử tế, để phát triển một quốc gia tử tế trong một thế giới văn minh và hợp tác. Hậu quả thảm hại hiện nay, đang và sẽ kéo dài cho đến ngày mà chế độ cộng sản độc tài của các ông sụp đổ, như cái nôi cộng sản Nga Sô đã kéo theo những quốc gia cộng sản chung quanh cùng sụp đổ, ít nhất phải hai thế hệ sau đó, xã hội Việt Nam mới hi vọng khôi phục lại được những tinh hoa trong đời sống văn hoá tư tưởng của dân tộc.
Xin ông nhớ rằng, trong cuộc sống, tiếng thơm muôn đời hay lời sỉ nhục lưu mãi trong sử sách, truyền mãi trong dân gian, là do mỗi cá nhân hay mỗi tổ chức tự tạo cho mình chớ không ai khác. Cho dẫu cả hệ thống truyền thông và tất cả nhà văn nô bộc của cộng sản Việt Nam các ông có vo tròn bóp méo cách mấy đi nữa, tội ác vẫn là tội ác, mà tội ác của cộng sản đối với nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng, không thể nào xóa bỏ được ông Chủ Tịch à! Bởi lịch sử đã chứng minh một cách hùng hồn mạnh mẽ rằng: “Chế độ cộng sản là một thảm họa của nhân loại” và mãi mãi không bao giờ phai mờ suốt chiều dài lịch sử Việt Nam hòa trong dòng lịch sử thế giới.
Thứ ba. Trong những ngày tại quốc gia “kẻ thù số 1 của Việt Nam đang dẫy chết”, ông và tùy tùng của ông đến New York, Washington DC, Nam California. Xin được hỏi: “Ông thấy “kẻ thù số 1 của ông chết chưa hay vẫn còn dẫy dẫy?” Nếu còn dẫy dẫy, ông còn chờ gì nữa mà không đem cái chủ nghĩa ưu việt cùng với mấy ngọn cờ bách chiến bách thắng của ông Chủ Tịch ra sử dụng đi.
Buổi sáng 22 tháng 6 tại Washington DC, “tội nghiệp” ông Chủ Tịch quá, vì địa vị của ông dù gì cũng ngang hàng với Tổng Thống Bush, vậy mà ông chỉ được đón tiếp từ cửa sau tòa Bạch Ốc, không một đội quân dàn chào, không kèn không trống, cũng không một phát đại bác nghênh tiếp. Rõ ràng là cái cảnh đón tiếp ông Chủ Tịch nước cộng sản, thật sự là tệ hơn lúc Tổng Thống lẫn Phó Tổng Thống Hoa Kỳ tiếp phái đoàn gồm 4 vị đại diện của Cộng Đồng Việt Nam tị nạn ngày 29/5/2007, để thảo luận về tình hình dân chủ cho Việt Nam của ông đó. Ông Chủ Tịch có thấy nhục không vậy? Rồi buổi chiều cùng ngày tại Dana Point ở Nam California, vì khách sạn Saint Regis Resort không có cửa sau cũng không có cửa hông, nên xe ông Chủ Tịch và đoàn tùy tùng của ông đành phải vào cửa trước, nhờ đó mà chúng tôi có dịp biểu diễn cách chào đón ông thêm phần ngoạn mục có thu hình hẳn hòi.
Đến nội dung gặp gỡ tại văn phòng bà Dân Biểu Chủ Tịch Hạ Viện và tại tòa Bạch Ốc, ông Chủ Tịch được các vị Dân Biểu Nghị Sĩ đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa và ngay cả Tổng Thống Bush nữa, đặt vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam trong hầu hết thời gian gặp gỡ. Tôi được biết ông Chủ Tịch trả lời quanh co dối trá để cố hướng sang vấn đề thương mại, nhưng ông Chủ Tịch vẫn bị các vị ấy kéo trở lại vấn đề đang đặt ra, vì những vị ấy không hài lòng cung cách quanh co dối trá của vị Chủ Tịch nước cộng sản. Ông Chủ Tịch có nhận ra Lập Pháp với Hành Pháp quốc gia “kẻ thù số 1 của ông” đẩy ông vào thế bị động không vậy?
Nhìn ra bên ngoài tại những nơi ông Chủ Tịch đến, chắc ông đã thấy tận mắt quang cảnh và sức sống chính trị với rừng biểu ngữ giữa rừng cờ nền vàng ba sọc đỏ mà “khúc ruột ly hương ngàn dặm của ông” dàn chào ông như thế nào rồi chớ? Chưa hết, ông có nhìn thấy tấm hình mà anh Công An cộng sản có cánh tay rắn chắc đang bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý ngày 30/3/2007 ngay giữa phiên tòa tại Huế chớ? Chắc ông cũng thấy rõ những dòng chữ trên biểu ngữ, và chắc ông cũng nghe rõ những âm thanh của khoảng 3.500 người trong Cộng Đồng chúng tôi trước tòa Bạch Ốc, và 4.000 người khác trước khách sạn Saint Regis Resort, rõ ràng là chúng tôi không xin các ông điều gì cả mà chúng tôi đòi các ông trả lại quyền làm người và quyền được sống tự do cho 83 triệu công dân trên quê hương Việt Nam! Trước mắt là ông phải trả tự do cho những công dân tử tế ra khỏi trại giam và nhà tù. Chúng tôi đã bỏ công ăn việc làm từ những nơi xa hằng mấy ngàn cây số, qui tụ đến những nơi có mặt ông để “chào đón” ông chỉ vì mục đích cao cả đó, chớ chúng tôi không đòi hỏi điều gì cho chúng tôi cả.
Chắc là ông cảm nhận được “nỗi đắng cay phẫn uất” mà chúng tôi dành cho ông rồi chớ? Ông có biết những cuộc đón tiếp ngọt ngào tình cảm của cộng đồng Đại Hàn, cộng đồng Phi Luật Tân, cộng đồng Do Thái, cộng đồng Pakistan, cộng đồng Ấn Độ, ngay cả cộng đồng Nga, mỗi khi Thủ Tướng hay Tổng Thống của họ đến Hoa Kỳ không? Nguyên nhân chính là quê hương gốc của họ được lãnh đạo bởi những vị do dân bầu lên, dân tộc của họ được sống trong xã hội dân chủ pháp trị, mọi thứ quyền căn bản của con người được tôn trọng, cho nên vị lãnh đạo của họ xứng đáng được họ trân trọng. Trong khi ông Chủ Tịch của một nước, sau khi sàng lọc cử vài ngàn đảng viên tham dự đại hội, lại sàng lọc để bầu hơn 100 người vào ban chấp hành trung ương, lại sàng lọc lần nữa để bầu hơn 10 người vào bộ chính trị, và ông được bầu lên từ nhóm người trong bộ chính trị ấy. Trời đất ơi! Hóa ra ông Chủ Tịch của một nước cộng sản 83 triệu dân mà chỉ có hơn 10 cử tri bầu thôi à! Ông có thấy nhục không vậy?
Tôi nói ông nhục, vì ông cũng đường đường như một “Tổng Thống” nhưng lại không do dân bầu, mà cai trị dân với chính sách độc tài tàn bạo, nên khi đến quốc gia nào có Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản, ông cũng nhận được sự chào đón đến mức các ông không dám vào cửa chánh. Lúc ấy các ông có để ý nụ cười “đểu” của các viên chức “đế quốc đang dẫy chết” khi đưa các ông vào cửa hông hay cửa hậu không? Các viên chức đó cười trên cái nhục của ông Chủ Tịch và đàn em của ông đó!
Lại thêm cái nhục nữa, đó là đàn em của ông tung ra những chương trình sai lạc để hy vọng tránh được những vụ đối mặt với rừng người, rừng cờ, rừng biểu ngữ, của Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại, phải không ông? Sao ông sợ “khúc ruột ly hương ngàn dặm của ông” dữ vậy? Rõ ràng là ông chạy trốn Cộng Đồng chúng tôi mà ông gọi là đánh lừa chúng tôi. Phải chăng ông muốn xuất hiện trên khu phố Bolsa, nhưng ông lại không dám, nên đành phải xuất hiện tại một thành phố cách xa khu Phước Lộc Thọ, khả dĩ có vài tấm hình đủ để truyền thông nhà nước cộng sản khoe với 83 triệu người Việt trong nước rằng, ông và tùy tùng của ông được Người Việt ở California đón tiếp. Theo nguồn tin nội tuyến từ trong đoàn tùy tùng của ông, rất có thể ông Chủ Tịch sẽ giả dạng dân thường ngồi xe chạy qua thủ đô Cộng Đồng tị nạn chúng tôi. Biết tin đó, nhưng chúng tôi không dự trù chào đón ông một cách đậm đà cung cách “đắng cay phẫn uất”, vì dù sao cũng “tội nghiệp đồng hương” từ nửa vòng trái đất đến thăm “khúc ruột ly hương ngàn dặm” mà chỉ dám đi cửa hông cửa hậu, thậm chí phải “đi dạo chui”. Không “chui” cũng không được, vì thành phố Westminster và thành phố Garden Grove đã có văn bản không đón tiếp các nhân vật cũng như các phái đoàn Việt Nam cộng sản nếu Bộ Ngoại Giao (Hoa Kỳ) không báo trước ít nhất là 14 ngày. Mà 14 ngày là thời gian cho phép Cộng Đồng chúng tôi chuẩn bị dàn chào chu đáo lắm. Tội nghiệp ông lại nhận thêm cái nhục khác nữa!
Thứ tư. Cũng xin thưa với ông Chủ Tịch về quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ mà chúng tôi luôn trân trọng trong các lễ hội của chúng tôi, và sử dụng “dàn chào” ông như ông đã thấy. Ông có biết là quốc kỳ tự do chúng tôi đã được ông Craig Van Hoy, Trưởng một đoàn leo núi, cắm trên đỉnh Everest ngày 17/5/2004 không? Cộng Đồng chúng tôi tị nạn cộng sản tại hải ngoại rất hãnh diện ông à.
Ông có biết mức độ ảnh hưởng chính trị của Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản vào cơ quan Lập Pháp và Hành Pháp như thế nào không? Ngoạn mục lắm ông ơi! Bằng những Đạo Luật, những Nghị Quyết, và những Sắc Lệnh cấp Tiểu Bang, cấp Quận Hạt, cấp Thành Phố, đã chánh thức công nhận quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ chúng tôi. Cho đến ngày ông đặt chân đến “đế quốc đang dẫy chết” đã có 110 cơ quan hành chánh thuộc 29 tiểu bang chánh thức công nhận quốc kỳ Việt Nam chúng tôi, gồm: 15 tiểu bang, 7 quận hạt, và 88 thành phố. Do được công nhận, nên “khúc ruột ly hương ngàn dặm của ông” sử dụng một cách chánh thức trong các buổi lễ của chúng tôi, cũng như trong “chào đón” ông vậy. Bằng chứng là quốc kỳ Việt Nam cội nguồn của chúng tôi ngang hàng với quốc kỳ liên bang Hoa Kỳ trên đỉnh các cột cờ cũng như trong mít tinh biểu tình. Nhưng ông Chủ Tịch đừng nghĩ rằng, các vị dân cử của cái xứ thì giờ là vàng bạc này rảnh rang ngồi nói chuyện khơi khơi như Quốc Hội bù nhìn của ông rồi ký vào Luật hay Nghị Quyết đâu nhé, mà trong một mức độ nhất định, những văn kiện đó đã thể hiện quan điểm chính trị của những vị dân cử Hoa Kỳ về một nước Việt Nam dân chủ tự do, vì sự sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam nhất thiết phải xảy ra. Đó là câu kết trong tài liệu của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Hoa Kỳ tháng 4/2001.
Tóm lại. Trong chuyến ông Chủ Tịch nước Việt Nam cộng sản sang thăm Hoa Kỳ, ông Chủ Tịch nhận nhiều cái nhục quá, nhưng hai cái nhục sau đây là loại rất nhục: Nhục thứ nhất là Tổng Thống Hoa Kỳ đón ông vào cửa sau, không đội quân danh dự dàn chào, không kèn không trống, cũng không có phát súng đại bác nào cả. Và nhục thứ nhì là Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản chào đón ông với rừng người phản đối nhân quyền và tôn giáo, rừng biểu ngữ cũng đòi hỏi về nhân quyền và tôn giáo, rừng hình bịt miệng linh mục Lý thể hiện cao nhất về pháp luật của Việt Nam ngày nay. Tất cả chen lẫn trong rừng cờ vàng ba sọc đỏ sánh đôi với cờ Hoa Kỳ.
Tôi xếp hai cái nhục đó vào loại rất nhục, vì ông là Chủ Tịch một nước mà khi đến Hoa Kỳ lại “được” Tổng Thống đón tiếp một cách lặng lẽ như vậy, nhưng lại “được” người Việt Nam trong Cộng Đồng tị nạn cộng sản chào đón ông quá ư ồn ào ngoạn mục như vậy. Hai cái nhục như đối nghịch nhau -một bên im lặng, một bên ồn ào- nhưng là hỗ trợ nhau nhịp nhàng mật thiết.
Khi về nước, cho dẫu ông Chủ Tịch có sử dụng toàn bộ phương tiện hệ thống truyền thông với những nhà văn nhà báo nô bộc của ông, có vẽ ra bức họa trơn tru sáng sủa để ca tụng “chuyến đi của ông thành công vĩ đại” như thế nào đi nữa, để phô trương với 83 triệu người dưới quyền cai trị của ông. Nhưng xin ông Chủ Tịch, bảo Công An của ông hằng ngày “báo cáo” ông về những tin tức download từ trên hệ thống internet toàn cầu, băng ghi lại những tin tức trên các làn sóng phát thanh Việt ngữ vào Việt Nam, in ra những bài viết, những bài phỏng vấn, những bài tường thuật sự thật trong những ngày ông có mặt tại “dinh lũy cuối cùng của đế quốc đang dẫy chết” và nhìn thấy “khúc ruột ly hương ngàn dặm của ông”. Công An của ông không cách gì ngăn chận được đâu cho dẫu ông có cấp cho họ thêm bao nhiêu bức tường lửa cũng vậy thôi. Lúc ấy mọi người nhận ra ông là lãnh đạo mà lừa dối dân. Trường hợp này tiến sĩ Hà Sĩ Phu của ông gọi là “lãnh đạo đểu” đó ông Chủ Tịch à! Chữ đểu dành cho ông khác với chữ đểu của những viên chức dẫn ông vào cửa sau dinh Tổng Thống Mỹ. Chữ đểu của viên chức dẫn ông là chế giễu, còn chữ đểu theo sau lãnh đạo có nghĩa là chửi đó.
Xin chào ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam./.
Houston, 23 tháng 6 năm 2007.
Ghi chú:
Những chữ nghiêng do cộng sản sử dụng, tôi chỉ lặp lại một cách thích hợp.
Tuyên bố của Ðảng Dân Chủ Việt Nam XXI về chuyến đi của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết
TUYÊN BỐ CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM XXI
NHÂN KẾT THÚC CHUYẾN THĂM HOA KỲ
CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN MINH TRIẾT
Chuyến công du của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tại Hoa Kỳ từ ngày 18 đến ngày 23 tháng 6 năm 2007 đã ký kết được một số thương ước đáng khen ngợi, nhưng không thành công ở lĩnh vực ngoại giao của một nguyên thủ quốc gia. Tổng thống và Quốc hội Hoa kỳ đã đề cập chính thức vấn đề tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam và khuyến cáo Chủ tịch nước Việt Nam trong các cuộc hội đàm và họp báo vừa qua.
Không có tuyên bố chung sau cuộc gặp gỡ cấp nguyên thủ quốc gia là điều trái với thông lệ ngoại giao quốc tế. Điều này có thể hiểu do còn nhiều bất đồng trong quan hệ Việt Mỹ. Rõ nhất là việc Nhà nước Việt Nam đã không tôn trọng dân chủ, nhân quyền của người Việt Nam, những điều khoản quy định trong các công ước quốc tế về quyền làm người mà Việt Nam đã ký kết. Hoa Kỳ và thế giới xem các nhà dân chủ ôn hòa là những người “bất đồng chính kiến” trong khi nhà nước Việt Nam xem đó là thành phần “tội phạm”.
Vấn đề này cũng đã thể hiện qua sự lên án của nhân loại đối với các chế độ cộng sản, hơn 100 triệu sinh mạng trên thế giới đã ngã gục do chủ nghĩa cộng sản gây ra, trong đó có chế độ cộng sản Việt Nam.
Việc chính quyền cộng sản qui chụp, đàn áp, bắt bớ giam cầm nhiều nhà dân chủ, bất đồng chính kiến tại Việt Nam ngay sau hội nghi APEC 2006, ngay sau khi gia nhập WTO và ngay sau khi được hưởng qui chế thương mại vĩnh viễn của Hoa kỳ là phản bội lại cộng đồng quốc tế trong đó có Hoa Kỳ.
Trước thực tế nêu trên, Đảng Dân chủ Việt Nam XXI nay ra tuyên bố:
1 - Việc Chủ tịch Nhà nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ trong chuyến công du lịch sử đã không được Hoa Kỳ tiếp đón trọng thể theo thủ tục nghi lễ ngoại giao ở cấp nguyên thủ quốc gia mà còn bị kiều bào biểu tình lên án liên tục vì những vi phạm nhân quyền của Nhà cầm quyền Việt Nam là một đáng tiếc. Do đó, một lần nữa, chúng tôi yêu cầu Nhà nước Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch nước hãy tôn trọng nhân quyền và thả ngay không điều kiện những người bất đồng chính kiến, các nhà dân chủ, tôn gíao, thành viên của các chính đảng đang bị giam cầm tại Việt Nam.
2 - Bang giao mật thiết với Hoa Kỳ là đúng, trở thành đối tác thương mại với Hoa Kỳ là tốt. Đảng Dân Chủ XXI hoan nghênh Nhà nước Việt Nam trong chiều hướng đó. Thế nhưng muốn có quan hệ bền vững với Hoa Kỳ thì Nhà nước Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do dân chủ của nhân dân Việt Nam. Đó là quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội, bầu cử tự do và công bằng.
3 - Kinh tế không thể tách rời chính trị, đã cải tổ sữa sai kinh tế thì hãy cải tổ sữa sai chính trị. Những thành quả kinh tế của Việt Nam vừa qua và hiện nay thực chất do chính công sức của nhân dân Việt Nam làm ra. Để nền kinh tế đó phát triển được bền vững, chúng tôi kêu gọi Nhà nước Việt Nam hãy đẩy lùi ngay quốc nạn tham nhũng. Giải pháp đẩy lùi quốc nạn tham nhũng hữu hiệu nhất cũng là: Tư pháp độc lập, tự do báo chí, tự do lập hội, bầu cử tự do và công bằng. Ngoài ra, không có cách nào khác hữu hiệu hơn.
4 - Tại New York, Chù tịch Nguyễn Minh Triết tuyên bố: "Bất đồng chính kiến là chuyện bình thường…ở Việt Nam hoàn toàn không có chuyện bắt bớ và xét xử vì lý do bất đồng chính kiến." Nói thế có nghĩa là Nhà nước Việt Nam đã chấp nhận đa nguyên và tôn trọng quyền tự do ngôn luận? Đã chấp nhận đa nguyên thì việc công nhận các chính đảng được tự do hoạt động tại Việt Nam phải là lẽ đương nhiên. Hơn nữa, không có điều luật nào của Việt Nam cấm đa đảng. Do đó, chúng tôi yêu cầu Nhà nước Việt Nam hãy ngưng ngay mọi sự đàn áp hay ngăn chặn các chính đảng ôn hòa hoạt động tại Việt Nam.
5 - Cũng tại New York, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết lý giải về chế độ độc đảng của Nhà nước Việt Nam: “rõ ràng, do điều kiện lịch sử, đặc điểm của từng nước mà dân ở đó họ chấp nhận.” Đây cũng rõ ràng là ngụy biện. Chúng tôi nhắc nhở Nhà nước Việt Nam về chủ trương độc đảng: Đó là chủ trương chống lại pháp lý, đạo lý, là chủ trương gây tội ác, vi phạm nhân quyền. Nhà nước Việt Nam không nên tiếp tục ngụy biện hay quanh co về sự thật sai phạm hiển nhiên đó. Chúng tôi kêu gọi nhân dân trong và ngoài nước, và cộng đồng quốc tế hãy hỗ trợ mạnh mẽ cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
6 - Chúng tôi kêu gọi đoàn kết dân tộc, và đoàn kết trên nguyên tắc dân chủ, bình đẳng. Đất nước chúng ta đang cần các chính đảng, các nhà trí thức trong và ngoài nước ngồi lại với nhau để bàn thảo một mô hình mới cho Việt Nam, không nên chần chờ thêm nữa. Và đảng Cộng sản hãy là đảng đồng thuận trong công cuộc cấp thiết này.
Làm tại Hà Nội ngày 23 tháng 6 năm 2007
TM. ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM XXI
Tổng Thư ký
GS. HOÀNG MINH CHÍNH
Chị Lư Thị Thu Duyên bị "công an bảo vệ chính trị" thẩm vấn hơn 3 tiếng đồng hồ
Tường thuật về buổi thẩm vấn hơn 3 giờ đồng hồ
của các sĩ quan “an ninh bảo vệ chính trị”
tại đồn công an phường 1, quận Gò Vấp, thành phố Sài Gòn.
Hồi lúc 19 giờ tối ngày 13.06.07 tôi đang trò chuyện với mẹ và người dì ở quê lên thăm, thì ông Tỉnh công an khu vực đến đưa giấy mời tôi nội dung là đúng 8 giờ 30 phút sáng mai ngày 14. 06. 2007 tôi phải đến đồn công an phường số 467 đường Lê Quang Định phường 1, quận Gò Vấp để “hỏi một số vấn đề có liên quan đến khiếu kiện” (trích nguyên văn).
Khi tôi đến công an phường thì ông Tỉnh công an khu vực không làm việc tôi như giấy mời và lời ông ấy nói tối hôm qua. Mà người trực tiếp thẩm vấn tôi là ông Đinh Việt Long – chức vụ Trung úy “an ninh bảo vệ chính trị ” trực thuộc công an thành phố Sài Gòn cùng hai ông nữa tên là Hải và Hiền là những sĩ quan an ninh chính trị công an quận Gò Vấp.
Đúng 8 giờ 45’ sáng buổi thẩm vấn được bắt đầu. Ông Long bảo rằng đã nghe nói về chị em tôi từ rất lâu ( khoảng năm 2000) nhưng đến hôm nay mới được gặp mặt. Nội dung buổi thẩm vấn diễn ra được tôi ghi chép lại nguyên văn theo trí nhớ dưới đây :
Ông Long hỏi : Chị có đem giấy mời đến không ?
Tôi trả lời: Vì trong giấy mời chỉ ghi là ông Tỉnh công an khu vực mời tôi đến để hỏi một số sự “việc có liên quan đến khiếu kiện” và ông cũng đã yêu cầu ký tên vào giấy mời để ông đem về đưa lại cấp trên xác nhận rằng giấy mời đến đúng tay đối tượng, nên tôi không cần phải đem theo giấy mời nữa.
Ông Long hỏi: Chị cho xem chứng minh nhân dân để nhận dạng.
Tôi trả lời: Tôi không đem theo chứng minh nhân dân, nếu ông thấy cần thiết tôi sẽ về nhà lấy, vì tôi không biết các ông là ai, vả lại các ông cũng không xuất trình thẻ ngành công an để tôi biết. Nên tôi cũng không đưa chứng minh nhân dân ra làm gì để tránh trường hợp bị bắt giữ trái phép như vào ngày 27.03.2007 tại phòng tiếp dân của trung ương Đảng và Nhà nước đặt tại số 210 đường Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3 như vừa rồi. Bữa đó công an phường 7, quận 3 cũng lấy lý do kiểm tra giấy tờ tùy thân của chúng tôi, rồi tùy tiện bắt giữ chị em chúng tôi cùng xe máy + chứng minh nhân dân, sau đấy đưa về đồn giam giữ vô lối, bừa bãi, trái pháp luật đến tận 20 giờ cùng ngày mới thả ra.
Ông Long hỏi: Thế ngày 20.05.2007 vừa qua ( bầu cử quốc hội khóa 12) có đúng là gia đình chị bị ép buộc phải đi bầu cử không ?
Tôi trả lời: Đó là sự thật hoàn toàn 100% và tôi cũng đã viết tường thuật gởi lên mạng internet, ông đã biết rõ sao ông còn hỏi vòng vo để làm gì?
Ông Long hỏi: Tại sao chị không bầu đại biểu nào cả ?
Tôi trả lời: Vì tôi không thấy ai thật sự có đức có tài để bầu, những ứng cử viên được ghi trong danh sách và phiếu bầu cử, thì họ đều ở nơi khác đến không phải là người ở gần đây và gần gũi với nhân dân địa phương. Nên tôi không biết rõ họ lắm và họ đã làm được những việc gì có lợi cho dân, cho nước. Gia đình tôi bị mất tài sản đã 32 năm nay chỉ vì tin tưởng và đi tham gia cách mạng. Tôi cũng từng gởi rất nhiều đơn thư kêu cứu đến các cấp thẩm quyền mà trong đó có họ để nhờ họ can thiệp giúp đỡ, nhưng không có kết quả gì. Tôi hỏi lại ông rằng họ là đại biểu của dân mà không giúp được dân, thế thì tại sao nhân dân và tôi lại phải bầu cho họ?
Ông Long hỏi: Chị có biết người đàn ông giữ thùng phiếu hôm bầu cử đó là ai không? Chị có biết họ tên chức vụ của ông ta cùng người đứng sau lưng nhìn chị đã gạch bỏ toàn bộ lá phiếu?
Tôi trả lời: Không biết họ là ai cả, nhưng tôi đoán chắc họ là những cán bộ công an của phường hay quận về để bảo vệ thùng phiếu. Vì người ngoài hoặc dân thường như tôi khi bỏ phiếu xong phải đi ngay không được phép đứng lâu ở nơi thùng phiếu. Thời gian rất ngắn ngủi như vậy thì tôi làm sao kịp tìm hiểu tên tuổi của họ làm gì, mà người dân như tôi thì cần gì biết cụ thể tên tuổi của họ ? Các ông muốn biết họ là ai thì về công an phường và quận mà hỏi, sao lại đi hỏi tôi.
Ông Long hỏi: Chị biết gì về khối 8406, làm sao chị biết ai là lãnh đạo của khối này ? Tại sao chị lại tham gia ký tên cùng họ, chị có biết những người này đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hay không?
Tôi trả lời: Tôi biết họ qua mạng internet, biết khối 8406 đã từ lâu, nhưng chưa tham gia, vì còn chờ xem tôn chỉ, mục đích hoạt động của họ như thế nào đã ? Sau một thời gian dài nghiên cứu, thì tôi đã thấy họ chỉ dùng ngòi bút để đấu tranh đòi Tự do Dân chủ, Nhân quyền và Công bằng xã hội cho nhân dân. Và đặc biệt hơn họ dám công khai chống tham nhũng quyết liệt, chứ không như nhiều người khác chỉ hô hào suông, báo cáo láo để lấy thành tích chứ bản thân không dám làm gì cả. Nếu các ông nói rằng họ đã vi phạm pháp luật thì cứ đưa ra chứng cứ và bắt giữ họ mà xử lý không khó khăn gì cả, nhưng phải xử lý đúng người, đúng tội thì dân mới phục. Chứ không nên như trong thời gian qua báo chí trong nước đưa tin những án oan sai quá nhiều. Điều đó thể hiện trình độ nghiệp vụ non kém của những người đại diện cho chính quyền, nhưng không làm tròn trách nhiệm được giao để gây ra những thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì làm sao họ còn tin vào chính quyền cho được ? Tôi cũng từng là nạn nhân bị bắt, giam giữ oan sai nhiều lần nên rất hiểu và cảm thông cho những ai cũng bị như vậy. Sự việc bắt giữ người trái phép là mấy chị em chúng tôi hơn 10 giờ vào ngày 27.03.2007 vừa qua do công an phường 7 quận 3 thành phố chắc ông có biết.
Hôm đó họ vu cáo cho chúng tôi là tụ tập nơi đông người không được sự cho phép của chính quyền, cản trở người thi hành công vụ và đem xe máy của tôi cùng chứng minh nhân dân và đưa tôi về đồn thẩm vấn, hỏi cung sách nhiễu cho đến tận 20 giờ tối cùng ngày mới cho về. Trong khi con tôi còn nhỏ cháu đang gửi học mẫu giáo không ai đón về, vì mẹ cháu hoàn toàn vô tội đã bị công an giam giữ tùy tiện, phi pháp. Các ông đã xâm phạm quyền được chăm sóc trẻ em và gián tiếp ngược đãi bọn trẻ khi vô cớ bắt giữ người trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc chúng mà không có lý do chính đáng nào cả.
Ông Long hỏi: Chị biết anh Nguyễn Khắc Toàn từ bao lâu rồi ? Biết trong trường hợp nào ? Chị có thường xuyên liên lạc với anh ấy không? Chị đã gặp mặt anh Toàn bao giờ chưa ? Anh Toàn hiện nay ở đâu chị có biết không?
Tôi trả lời: Tôi biết anh Nguyễn Khắc Toàn từ năm 2001 sau khi xảy ra vụ chị em chúng tôi bị công an đàn áp ở đường Lê Duẩn quận 1 thành phố. Còn biết trong trường hợp nào thì chính các anh là những người biết rõ hơn ai hết còn phải hỏi để làm gì? Cũng chính vì anh ấy chuyển đơn thư tố cáo công an thành phố Sài Gòn đàn áp phụ nữ chúng tôi ngày 27/11/2000 ra quốc tế và lên Mạng mà anh ấy bị tù đầy đấy. Các anh quá rõ hơn tôi rồi, thì hỏi làm gì nữa !!! Từ trước đến nay tôi chưa hề được gặp anh Toàn vì anh ở Hà Nội còn tôi ở Sài Gòn, thỉnh thoảng anh có gọi điện hỏi thăm việc của gia đình tôi đã giải quyết đến đâu ? Anh ấy động viên tôi cố gắng thu xếp ra Hà Nội để được đảng, chính phủ, nhà nước trung ương giải quyết.
Ông Long hỏi: Chị nhận xét anh Nguyễn Khắc Toàn là người thế nào?
Tôi trả lời: Tuy tôi chưa gặp mặt, nhưng tiếp xúc qua điện thoại và đọc các bài anh ấy viết, tôi nhận thấy anh Toàn là người thẳng thắn, không vụ lợi. Anh ấy là người đấu tranh cho mục tiêu dân chủ, tự do và nhân quyền của dân tộc. Chính vì những lời khuyên nhủ chân thành của anh Toàn đã giúp tôi vượt qua những gian nan vất vả trong hành trình đi kiện. Tôi thấy những việc làm đó không vi phạm pháp luật, còn chính quyền nhận xét về anh Toàn như thế nào, đó là việc của các anh, không liên quan gì đến tôi cả.
Ông Long hỏi: Thế chị quen với chị Vũ Thanh Phương và Lê Thị Kim Thu ở Đồng Nai trong trường hợp nào?
Tôi trả lời: Tôi biết chị Lê Thị Kim Thu từ năm 2001 do cùng là dân khiếu kiện. Còn chị Vũ Thanh Phương thì khác, vì hai gia đình chúng tôi đã có mối thân tình hơn 20 năm qua, trước khi bản thân tôi đi khiếu kiện vì chúng tôi là người cùng quê, là người đồng hương rất thân thiết.
Ông Long hỏi: Chị Thanh Phương có thường gặp chị không? Chị ấy có hay giúp chị trong vấn đề khiếu kiện không ?
Tôi trả lời: Có chứ, chị Thanh Phương giúp tôi rất nhiều ví dụ như chị hay cho tôi biết: đoàn thanh tra nào sắp vào thành phố, nghị định nào mới ra, những người dân nào đã được trả đất và những thông tin bổ ích khác mà chỉ dân khiếu kiện mới quan tâm.
Ông Long hỏi: Những đơn thư này là do chị tự soạn và gởi đi hay có người giúp đỡ không ?
Tôi trả lời: Tôi tự soạn và cùng đứa cháu đang học lớp 8 đánh máy rồi gởi lên mạng internet. Mà tôi hỏi lại anh, bây giờ là Việt Nam đã hội nhập đầy đủ, toàn diện vào thế giới văn minh rồi. Thế tại sao công an các anh cứ sợ Internet như sợ cọp vậy ? Tại sao các anh cứ coi Internet như kẻ thù không đội trời chung vậy ?
Ông Long hỏi: Nhà chị hiện nay có máy vi tính không? Sao chị không tạo hộp thư riêng mà sử dụng chung với chị Thanh Phương?
Tôi trả lời: Tôi chưa có điều kiện để mua máy vi tính nên ra tiệm thuê máy. Còn việc chị Phương và tôi sử dụng chung hộp thư thì không có gì lạ, chị Thanh Phương chưa chồng con, chưa có gia đình riêng. Bởi vì cả tuổi thanh xuân của chị ấy dành cho việc đi khiếu kiện, đi đòi công lý cho gia đình mình mà phải hy sinh cả tuổi trẻ đấy. Hoàn cảnh chị có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn tôi, nên tôi nhờ hộp thư của chị ấy cho xài ké để tiện việc thu thập thông tin mà thôi. Mà việc này đâu có gì sai trái với pháp luật nhà nước, vậy sao các ông tra khảo kỹ thế.
Ông Long hỏi: Ngày 27.03.2007 vừa qua khi đi chung với chị Kim Thu ở số 210 đường Võ Thị Sáu chị có thấy Kim Thu chụp hình không ?
Tôi trả lời: Lúc đó tôi dắt xe máy đi bộ ngay sau lưng chị Kim Thu, có thấy chị lấy điện thoại ra nhắn tin hoặc gọi cho ai đó. Nhưng khi đó điện thoại hết pin nên không sử dụng được, các anh chỉ nghe nói phong phanh chứ không tận mắt thấy nên nhầm lẫn là đúng.
Ông Long hỏi: Chị có biết chị Kim Thu đã từng hội đàm cùng bà Dân Biểu Hoa Kỳ không ? Bà ta làm gì có quyền trả lại tài sản cho các chị ?
Tôi trả lời : Tôi có nghe chị Kim Thu kể lại cuộc hội đàm với bà Dân Biểu Hoa Kỳ. Đúng là bà ta không có quyền trả lại tài sản cho chúng tôi, nhưng ít ra thì dư luận trong và ngoài nước cũng biết đến sự bất công mà chúng tôi gánh chịu và lên tiếng ủng hộ cảnh ngộ dân oan trong nước đang đầy rẫy. Và điều quan trọng nhất là bộ chính trị ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Việt Nam sẽ biết đến và giải quyết cho chúng tôi. Chứ không thể bưng bít sự thật mãi mãi được, như mọi khi chúng tôi vẫn gửi đơn qua bưu điện hoặc trực tiếp nộp đơn ở văn phòng tiếp dân mà không có hồi âm hay các cơ quan có trách nhiệm giải quyết trả lời.
Ông Long hỏi: Nguyện vọng của chị hiện nay là gì?
Tôi trả lời: Tôi yêu cầu chính quyền địa phương cũng như ủy ban nhân dân thành phố này phải sửa chữa sai lầm bằng cách trả lại toàn bộ 6720 m2 đất của Gia tộc họ Lư chúng tôi, trong đó 3320m2 là đất thổ mộ thuộc bằng khoán số 389, còn lại bao nhiêu thuộc bằng khoán số 390, mà trong đó có Xưởng sản xuất thương binh 27 tháng 7 ( 27 – 7 ) do nhà nước đang quản lý cũng đang chiếm dụng trái phép đất đai mà gia tộc họ Lư đang sở hữu hợp pháp.
Ông Long hỏi: Chúng tôi sẽ trình lên quận ủy, các cấp có thẩm quyền của thành phố và tham mưu cho họ giải quyết dứt điểm vụ việc này và tôi yêu cầu chị ký tên vào biên bản làm việc ngày hôm nay.
Tôi trả lời: Tôi sẽ không ký tên nếu không được giữ 01 bản để làm bằng chứng về buổi làm việc hôm nay.
Ông Long hỏi: Tôi không thể đưa được cho chị vì nguyên tác của ngành, khi nào chị cần thì cứ lên UBND phường xin xem lại biên bản thì đều được không có gì là cản trở hay khó khăn cả.
Tôi trả lời: Tôi không bao giờ ký, vì năm 2000 chị em tôi cũng bị ông Trần Kim Long khi đó là chủ tịch ủy ban nhân dân quận Gò Vấp lừa gạt khi hứa hẹn trong cuộc họp ở quận có đầy đủ ban ngành đoàn thể ( họ đón chúng tôi ở đường Lê Duẩn về) cũng không cho biên bản. Sau đó ra quyết định số 16 bác đơn của chúng tôi kéo dài sự đau khổ cho gia đình chúng tôi đến tận hôm nay, đây là bài học kinh nghiệm mà chúng tôi không bao giờ quên.
Thuyết phục tôi mãi không được ông Long định kết thúc buổi thẩm vấn, bấy giờ đã là 12 giờ trưa. Con trai tôi và chị ruột tôi là Lư Thị Thu Trang ngồi ngoài sân đợi tôi từ lúc 11 giờ để đón về mà buổi thẩm vấn của công an vẫn chưa xong. Chị tôi nói cháu khóc lóc và lo sợ mẹ bị công an bắt giữ như lần trước không ai chăm sóc, nên đòi đi tìm mẹ và nhất quyết không chịu ăn cơm trưa nếu không được gặp mẹ. Khi chị em tôi ra về, họ còn cố tuyên truyền nào là “gia đình chị là có truyền thống cách mạng đừng manh động, hãy bình tĩnh và từ từ nhà nước sẽ giải quyết ”. Chị Thu Trang tôi hỏi lại ngay ông Long và các cán bộ công an cùng làm việc hôm đó, rằng theo các ông chúng tôi phải chờ đến bao lâu nữa : 5 năm, 10 năm, hay là 20 năm?
Chúng tôi đang chờ xem bộ chính trị của ĐCSVN ở Hà Nội giải quyết như thế nào để gia đình còn biết mà định liệu. Bởi vì cả một đời ông nội tôi là Lư Kim Bài đã bỏ mọi tài sản giàu có của dòng tộc mình, gia đình, cha mẹ mình để “đi làm cách mạng cộng sản, đi kháng chiến chống đế quốc thực dân ” để cho dân tộc được giải phóng khỏi áp bức, bất công và đói nghèo. Ông nội tôi và bao người cách mạng chân chính những mong khi đất nước hòa bình, thống nhất được trở về nơi chôn nhau cắt rốn chăm sóc mộ phần của tổ tiên, vui vầy xum họp bên con cháu. Nhưng ông nội tôi có ngờ đâu khi trở về thì toàn bộ tài sản hợp pháp của dòng tộc ho Lư mình đều đã bị tước đoạt sạch sẽ hết ráo trọi. Ông nội tôi một lão thành cách mạng cộng sản của thành phố này và của Việt Nam rất có tên tuổi, vậy mà cuối cùng cũng đã trở thành “dân oan Việt Nam”, thành nạn nhân của chính lý tưởng mà mình theo đuổi cả cuộc đời, và ông nội tôi đã chết trong uất hận, xót xa. Ông nội tôi trước khi trút hơi thở cuối cùng đã trăn trối là “ rất hối tiếc đã hy sinh cả cuộc đời của mình để dấn thân vì sự nghiệp lớn của dân tộc, vì cuộc cách mạng cộng sản ở Việt Nam!!! ”. Thế nhưng ông nội tôi đâu có thể ngờ và hiểu nổi rằng cuộc cách mạng ấy đã bị phản bội đến nhẫn tâm, không chút thương xót!
Giờ đây tài sản quý giá ông nội tôi để lại cho con cháu chính là lòng dũng cảm và những lá đơn khiếu kiện dầy theo năm tháng, cũng như để lại sự đàn áp, trù dập của chính quyền địa phương với con cháu và nhân dân cũng nhiều hơn. Tôi đã sống và đi tranh đấu rất nhiều năm tại thành phố này còn lạ gì những đòn phép của họ nữa. Chúng tôi quyết tâm góp sức nhỏ bé của mình để tranh đấu đến cùng đòi cho bằng được đảng và nhà nước phải cho nhân dân được hưởng những quyền lợi cơ bản nhất về Quyền Con Người, Quyền Công dân đã được ghi nhận trên Hiến Pháp, trên cả hệ thống luật pháp của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam này. Những quyền Con người căn bản đã được chính đảng CSVN và nhà nước thừa nhận thì mọi công dân của đất nước này phải được hưởng đầy đủ, toàn diện ngay trên chính tổ quốc Việt Nam thân yêu của dân tộc mình.
(Trong bài này có mấy tấm hình minh họa các ảnh: chụp hình chân dung tôi hiện nay, ảnh 2 mẹ con tôi tại nhà và bản photocopy giấy mời làm việc của công an phường 1, quận Gò Vấp, thành phố Sài Gòn. Các tấm hình này do chị Vũ Thanh Phương chụp qua điện thoại di động ánh sáng không đủ nên hơi tối, quý vị cảm thông)
Ngày 20/6/2007
Người viết đã ký tên
LƯ THỊ THU DUYÊN
77/13B đường Trần Bình Trọng
Phường 1 - quận Gò Vấp –Thành phố Sài Gòn