Hoằng Danh
1. Đột ngột ra khỏi danh sách CPC, tổ chức Hội nghị APEC, nhận được PNTR, gia nhập WTO - những thắng lợi ngoại giao dồn dập này khiến hình ảnh Việt Nam sáng chói vào những tháng cuối năm 2006 và đầu năm 2007.
2. Chính Hoa Kỳ đã đính ngôi sao này lên vòm trời, vì trong bốn sự kiện vừa nêu đã có đến ba là từ quyết định trực tiếp hoặc quyết định có tính quyết định của quốc gia này. Sự kiện còn lại thì siêu cường số một cũng đóng vai trò chủ chốt trong thành công đầy màu mè của nó, khi vị Tổng thống Mỹ chống chuyên chế mạnh mẽ nhất lại có những hoạt động giúp tô điểm cho nền toàn trị và ngó lơ trước những người đang tranh đấu chống lại ách bạo quyền đó.
Ngày 03 tháng Hai 2007 đã “đi vào lịch sử” khi nó vốn là ngày mà đế quốc không được phép có sự “khoe mẽ” nào trên đất Việt Nam của Đảng Cộng sản, thì Đại sứ Hoa Kỳ lại có cuộc trao đổi trực tuyến hoành tráng, làm lu mờ cả meeting và phát biểu nhàm chán năm nào cũng như năm nào của lãnh đạo sở tại, bởi ông Marine công khai nói đến quan hệ chiến lược giữa đầu sỏ đế quốc với một sừng sỏ chống đế quốc.
Cũng đã có tin về việc Mỹ sẽ tiến hành tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh trên vùng biển Việt Nam. Rồi trong khi lệnh cấm vận vũ khí vẫn duy trì đối với Trung Quốc, nó lại được tháo khoán cho quốc gia láng giềng phía nam.
3. Vừa đến đích (ít ra là trong quan niệm của một số giới quyền lực, thành quả là “đích” đến để khoa trương), theo truyền thống “tự lực cánh sinh” của mình (ít ra là sau khi đã dựa dẫm đến hết mức), không cần đến bàn tay đính lên của Hoa Kỳ nữa, Việt Nam tiếp tục tự chói sáng trên bầu trời bằng cuộc chiến công khai, khốc liệt, phi pháp và bỉ ổi của cả hệ thống bạo lực và truyền thông toàn trị chống lại các nhà hoạt động dân chủ mà vốn vũ khí của họ chỉ là lòng quả cảm và ngôn luận.
4. Cuộc đàn áp lần này là được suy đoán theo nhiều hướng khác nhau: sự nín nhịn quá lâu của phe bảo thủ, có sự giật dây từ bên ngoài, có những thế lực trong nước muốn phá hoại các chuyến công du sang Mỹ, v.v… Tuy vậy, có một điều dễ thống nhất, là bộ máy toàn trị đã và đang hành động một cách có hệ thống chứ không hề là những việc làm bột phát về chiến lược hay sách lược. Nhìn vào hành xử của họ đối với các nhà hoạt động dân chủ và khối dân oan từ trước khi có cuộc đàn áp đến nay, ta dễ dàng nhận ra những toan tính có sẵn về các bước đi chiến thuật, về các biện pháp và thời điểm… đối với từng đối tượng cụ thể [1] .
Và cái bối cảnh quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ mà cả hai bên đều phô diễn đó đã biến thành ngay một thứ mồi cho giới toàn trị nhử các nhà hoạt động dân chủ và đưa họ vào tròng.
5. Ngoài chuyện đàn áp hung hãn, bất chấp mọi chuẩn mực sơ đẳng nhất về pháp luật và đạo đức, đối với bên ngoài, thái độ của giới cầm quyền Việt Nam cũng không thua gì. Dường như họ muốn chứng tỏ rằng sẽ càng gia tăng cường độ và phạm vi đàn áp trước sự gia tăng phản ứng các nước dân chủ. Đó là một thái độ thách thức công khai đối với cộng đồng quốc tế.
6. Khinh khỉnh đối với châu Âu và những nước như Úc, Canada… khi các nước này hoặc chính trị gia tại đó phê phán chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến tệ hại nhất trong hai mươi năm qua. Trơ tráo chụp mũ các tổ chức nhân quyền quốc tế, mà vốn tiếng nói của họ không một tổ chức hay chính quyền dân chủ nào dám coi thường. Hành xử một cách thô bạo và vô liêm sỉ, bất chấp chuẩn mực ngoại giao với bất kỳ ai trực tiếp liên hệ với giới phản kháng ngoài “chương trình chính thức”…
7. Còn với Hoa Kỳ, Việt Nam thật sự đã đánh vỗ mặt.
Bắt giữ luật sư Lê Quốc Quân vừa từ Mỹ về sau khi tham gia khóa học về xã hội dân sự do chính Quốc hội Mỹ tài trợ, phớt lờ sự lên tiếng của những chính trị gia có liên quan vốn được xếp trong nhóm uy tín hàng đầu nước Mỹ.
Hạ nhục dân biểu Hoa Kỳ khi “dàn quân” ngay trước mũi Loretta Sanchez, không cho tiếp xúc với vợ những nhà bất đồng chính kiến, vu vạ bà tiếp tay cho “khủng bố” bằng cả một chiến dịch truyền thông. Đó là còn chưa kể họ đặt điều một cách ngờ ngệnh đến không thể tưởng tượng rằng bà gây áp lực với Đại sứ Micheal Marine tổ chức cuộc gặp những phần tử chống đối, rằng bà đã vi phạm chính Hiến pháp Hoa Kỳ…
Tiếp tục đàn áp và xét xử không ngơi nghỉ những người phản kháng ôn hoà ngay khi cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ thường kỳ đang diễn ra.
Không ngại ngần nhổ cả lên chữ tín ngoại giao khi lời hứa trực tiếp của một Phó thủ tướng nhiều quyền lực với hành pháp Hoa Kỳ cũng bị nuốt.
Khi cả Hạ viện Mỹ tuyệt đối đồng thanh (chuyện hiếm hoi trong một xứ sở mà hoàn toàn đồng thuận trong quan điểm riêng là điều không tưởng) về nghị quyết chỉ trích chuyện nhân quyền Việt Nam, nhà cầm quyền toàn trị vẫn tiếp tục lu loa về cái gọi là “công việc nội bộ” như một trò đùa ngôn từ.
8. Họ đùa đến mức thật lòng dạy bảo lại cho Hoa Kỳ như thế nào là pháp quyền và dân chủ, luôn vênh mặt trên truyền thông và cả những trao đổi trực tiếp, bằng những lời lẽ mà chỉ có những kẻ trâng tráo nhất trong lịch sử loài người mới không biết ngượng mà nói ra, về việc chỉ có “những kẻ vi phạm pháp luật” bị xử phạt ở Việt Nam chứ không bỏ tù người bất đồng chính kiến, không có tù chính trị.
Giới cầm quyền Việt Nam đang nói với Hoa Kỳ và thế giới mà như chỉ đang nói với đám (mà họ muốn là và coi là) dân ngu của họ. Thái độ ngạo nghễ như vậy khi nói những điều trơ trẽn ở mức hoàn toàn lộ liễu chỉ có được thể giải thích rằng hoặc là do xem người ta quá ngu ngốc, hoặc do chính mình quá ngu ngốc mà tưởng người ta ngu ngốc hay không thể nhận ra cái ngu ngốc của mình. Trường hợp này, là cả hai.
9. Trò đùa của giới toàn trị đối với Hoa Kỳ cũng đã được nâng lên đến “tầm cao mới”, họ không chỉ xem cường quốc này là đối tượng để dạy bảo mà còn là đối tượng để… răn đe. Đến là nực cười, khi chính giới cao cấp Hoa Kỳ ngày càng tỏ một thái độ đồng thuận và cứng rắn với chiến dịch đàn áp tại Việt Nam, phản ứng của nhà nước toàn trị là đưa công an ra đáp lễ.
Tờ Công an Nhân dân (mà ai cũng biết là cơ quan ngôn luận gì), trong một bài hồi gần đây, sau phỉ báng Quốc hội Mỹ (“cố tình đánh lận con đen”) đã dùng văn phong của một bản văn cấp nhà nước mà nói rằng: Cũng phải thẳng thắn nói rằng, hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đang có lợi ích chung trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên nền tảng rộng lớn, ổn định và hiệu quả. Việt Nam sẵn sàng đối thoại thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề mà phía Hoa Kỳ quan tâm, để tăng cường hiểu biết giữa hai bên và không để những khác biệt ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ hai nước trên các lĩnh vực. Nhưng Việt Nam không bao giờ chấp nhận những thái độ áp đặt, kẻ cả, có xu hướng can thiệp vào công việc nội bộ của nước mình.
Đây chính là lời răn đe - theo đúng nghĩa đen - được Hà Nội tung ra với thông điệp đe doạ đến quan hệ chiến lược giữa hai bên.
10. Trước nay Hà Nội vẫn bất chấp cộng đồng quốc tế trong vấn đề dân chủ và nhân quyền, nhưng lần này thái độ của họ “dũng mãnh” và tự tin đến lạ thường, vì sao vậy? Cùng với sự đánh tráo và tráo trở trong văn hóa chính trị toàn trị Việt Nam, thói kêu ngạo cộng sản - như một phần của sự ảo tưởng từ trong bản chất của chủ thuyết này - vẫn là một đặc điểm khó mà có thể gột bỏ của họ.
Bên cạnh việc ảo tưởng quá sớm về vị thế kinh tế và chính trị trên trường quốc tế tạo được trong thời gian gần đây, vốn từ thực chất đến biểu hiện đều xuất phát từ sự vận hành và quan hệ tư bản chủ nghĩa, Hà Nội cũng ảo tưởng quá sớm về vị thế chiến lược của mình trên bàn cờ toàn cầu và trong quan hệ với Hoa Kỳ. Với những gì đã thể hiện, giới cầm quyền toàn trị nghĩ rằng vị thế này có thể cho phép họ bất chấp dân chủ và nhân quyền, thậm chí buộc thế giới dân chủ phải dung dưỡng cho sự chuyên chế của họ.
11. Ai cũng đã rõ, trên phạm vi châu Á, vị thế của Trung Quốc đang nhanh chóng củng cố và bành trướng, và theo truyền thống, chuyển động của nó trước tiên lại hướng xuống phía nam. Cũng theo truyền thống, dù muốn hay không, dù ở mức độ nào và theo nghĩa nào, Việt Nam vẫn trở thành một tiền phương trước sự bành trướng này.
Sự bành trướng thế và lực - mà nay đã lên tới vũ trụ - của một quốc gia cộng sản Khổng giáo (đáng sợ hơn nhiều so với cộng sản ở phía tây) khiến Hoa Kỳ phải nhanh chóng có sự điều chỉnh thích hợp về địa-chính trị trên nhiều mặt, kể cả quân sự. Vị trí tiền phương của Việt Nam khiến quốc gia này trở nên quan trọng trong chiến lược đó.
12. Việt Nam, sau khi hoàn toàn thất bại trong việc sử dụng ASEAN như một đối trọng kiềm chế tham vọng trên biển của Trung Quốc, đã âm thầm thay đổi tư duy chiến lược và tìm đến một đối trọng khác. Đó chính là Hoa Kỳ, vốn cũng đang có chủ đích xác lập vai trò đối trọng trước thế lực đang lên của Trung Quốc tại châu Á, và cần đến Việt Nam như một điểm hiện diện của thế và lực tại Đông Nam Á gần với Trung Quốc nhất.
Với Trung Quốc, Việt Nam cần đến như một đồng minh ý thức hệ trong một thế giới mà chủ nghĩa cộng sản chỉ còn phần co cụm đáng kể tại châu Á [2] . Việt Nam cũng cần người láng giềng này ban cho một quan hệ thân thiện, cần thiết cho việc tập trung phát triển kinh tế, xã hội.
Trung Quốc thì cần Việt Nam được đặt trong vòng ảnh hưởng của mình, để ngăn ngừa sự hiện diện của thế lực Mỹ.
Và ở đây, trên lãnh thổ Việt Nam và biển Đông, cũng như trên khắp vùng Đông Nam Á, Trung Quốc không cần Hoa Kỳ và Hoa Kỳ không cần Trung Quốc. Nếu có chăng thì chỉ là cái đối trọng để hù dọa và khuyên bảo, ve vãn Việt Nam ngả về phía mình.
13. Nhìn vào cục diện hiện nay của quan hệ tay ba này, trong bối cảnh địa-chính trị, Hoa Kỳ dường như yếu thế nhất và Việt Nam là mạnh “thế” nhất.
Trung Quốc thì “yên vị” với vị trí địa lý tự nhiên, không cần phải “bôn ba” và nhọc lòng ve vãn, đổi chác để có sự hiện hiện nào đó, như Hoa Kỳ phải làm. Các căn cứ quân sự tại Hải Nam và Hoàng Sa chắc hẳn đã tạo được “tầm ảnh hưởng” đến bắc và trung phần Việt Nam. Đó là còn chưa kể không biết họ còn đang thực hiện những công trình gì tại những đảo đã chiếm được ở Trường Sa nhằm mở rộng cái tầm đó về hướng nam. Điều duy nhất cần làm là trong khi thực hiện chiến lược vết dầu loang, họ cố gắng tạo cho Việt Nam một cảm giác an ninh lãnh thổ và an toàn chính trị.
Với Hoa Kỳ, cường quốc này đã rời khỏi Đông Nam Á khá lâu, để tái hiện diện, dường như họ sẽ phải làm lại từ đầu dù với bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào, vậy thì chọn phương án tốt nhất là Việt Nam… Chủ động khai thông những chướng ngại rất lớn trên con đường hội nhập của quốc gia cựu thù, những hứa hẹn và thực tế nguồn lợi kinh tế từ đầu tư và thị trường Mỹ, sự hậu thuẫn tại các định chế kinh tế thế giới và hứa hẹn một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế dành cho Việt Nam, thậm chí còn ngầm mở ra khả năng về một sự bồi thường chiến tranh trá hình (vụ kiện tác nhân cam)…; Hoa Kỳ phải làm nhiều việc như thế chỉ là để đem lại cho Việt Nam cảm giác rằng không chỉ là lợi ích kinh tế to lớn mà còn nhiều lợi ích chính trị trên bình diện quốc tế, cũng như một sự an toàn lãnh thổ trước sự bành trướng lúc ẩn lúc hiện của phương bắc.
Nhận thấy vị trí địa lý quan trọng của mình trong tính toán chiến lược của Hoa Kỳ, trước tình hình cường quốc này ngày càng nôn nóng về sức mạnh quân sự không minh bạch của Trung Quốc, Việt Nam trở nên mạnh “thế” trước Hoa Kỳ. Cái thế đó càng được củng cố hơn nữa khi nhận ra sự chuyển hướng, nhích lại gần nhau của hai cựu thù này, Trung Quốc cũng đã điều chỉnh cách hành xử. Sự thân thiện trong quan hệ Việt - Trung sau sự kiện đổ máu oan của người Việt trên vịnh Bắc bộ (tháng Giêng 2005) chính là kết quả từ sự chuyển hướng chiến lược của Việt Nam.
Việt Nam nay đang ở vào cái thế được cả hai cường quốc Thái Bình Dương này ve vãn. Trò đi dây của Việt Nam nay đã quá rõ.
14. Sự yếu thế của Hoa Kỳ về địa-chính trị trong quan hệ bộ ba này chính là cái đem lại cho Việt Nam thái độ trịch thượng, đã công khai tráo trở mà lại còn lên mặt dạy bảo lại và răn đe Hoa Kỳ.
Khi cơ quan ngôn luận của công an thay mặt cho nhà nước lên tiếng nhắc Hoa Kỳ không để những khác biệt ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, Hà Nội đang đòi hỏi Washington phải chấp nhận và dung túng cho họ trong việc đàn áp những người đối lập để đổi lấy một quan hệ chiến lược.
Chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến Trung Quốc trung tuần tháng Năm vừa rồi đã diễn ra trong khi đang chuẩn bị cho chuyến đi Hoa Kỳ. Phát biểu của ông Triết trong chuyến đi đã được các báo Đảng ở Việt Nam in rất đậm: Trung Quốc là đối tác hàng đầu. Chuyến thăm này đã được dự trù từ trước, trong bí mật, hay chỉ được thực hiện khi Mỹ gia tăng phản đối chiến dịch đàn áp dân chủ, như một cách thức dằn mặt đối tác bên kia bờ Thái Bình Dương - về phía Việt Nam, và là động thái chớp thời cơ - về phía Trung Quốc?
15. Có phải Việt Nam ở vào vị thế mà vì chiến lược địa-chính trị, Hoa Kỳ buộc phải nhượng bộ dưới bất cứ giá nào, kể cả vứt bỏ giá trị tối thượng của một xã hội dân chủ để vừa phải đem lại các nguồn lợi kinh tế và chính trị cho Việt Nam, vừa phải dung túng cho chuyện đàn áp dân chủ và nhân quyền?
Với những biểu hiện suốt từ sau APEC đến nay, trong tính toán của giới toàn trị, có lẽ là vậy.
16. Việt Nam có một vị trí chiến lược, là cửa ngõ đi vào Đông Nam Á và nằm trên tuyến đường biển quan trọng nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Câu này hiện diện trong tài liệu giáo khoa ở Việt Nam. Nó đúng, nhưng hoàn toàn không đủ.
Điểm đầu tiên để xác định chiến lược địa-chính trị chính là biết “đọc” và đọc kỹ bản đồ, điều mà tôi e rằng những người có trách nhiệm ở Việt Nam đã không làm hoặc không thể làm.
17. Đông Nam Á gồm các nước trong vành đai địa giới Myanmar - Thailand - Malaysia - Indonesia - Philippines - vùng biển phía nam Trung Quốc giáp với Việt Nam. Phía bắc Đông Nam Á là Trung Quốc, nam là Australia, đông là Thái Bình Dương và tây là Ấn Độ và Ấn Độ Dương. Trong vành đai này là vùng biển mà Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa (cũng là từ chuẩn của bản đồ thế giới) và Việt Nam gọi là biển Đông.
18. Việt Nam là cửa ngõ đi vào Đông Nam Á nhưng không phải là cửa ngõ duy nhất, và cũng không phải là cửa ngõ đối với tất cả.
Việt Nam chỉ là cửa ngõ Đông Nam Á đối với Trung Quốc mà thôi, và cũng chỉ là cửa ngõ đường bộ. Với sự lớn mạnh của hải quân, đảo Hải Nam và Hoàng Sa đã quân sự hoá ở những mức độ nhất định, rồi các hải cảng hùng hậu ven biển phía nam, trong đó kể cả Hongkong và Macau, cửa ngõ trên biển để tiến vào Đông Nam Á của Trung Quốc chưa bao giờ rộng mở như lúc này.
Nga không cần cửa ngõ Việt Nam vì chiến lược địa-chính trị của họ nay rất thực tiễn. Lãnh thổ vắt ngang Âu-Á của họ cho phép họ kiểm soát tốt những vùng họ muốn kiểm soát, nên quan tâm hàng đầu của họ là những vùng địa lý thân thuộc chứ không phải một vùng xa lắc của một cựu đồng minh Soviet.
Việt Nam cũng không hề là cửa ngõ của Mỹ vì Mỹ không muốn tiến lên phía bắc từ đây, và quanh Việt Nam cũng không phải là những chốn mà Hoa Kỳ cần chinh phục trong khó khăn.
19. Mà thật ra dường như vấn đề cửa ngõ vào Đông Nam Á cũng chỉ có Việt Nam tự nhấn mạnh. Thời còn chia cắt, họ cho rằng cuộc chiến là do vị trí cửa ngõ giữa hai chiến tuyến ý thức hệ ở Đông Nam Á. Sau năm 1975 cho đến trước khi mất chỗ dựa vào Liên Xô, vai trò cửa ngõ càng được nhấn mạnh hơn nữa do “mộng bành trướng của chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh”. Hiện nay, trước sự lớn mạnh và tham vọng trên biển của Trung Quốc, dường như Việt Nam lại muốn “làm mình làm mẩy” với Hoa Kỳ về vai trò cửa ngõ này.
20. Thực tế, ngoài Trung Quốc vào Đông Nam Á trực tiếp bằng con đường Việt Nam, thì người ta có thể vào Đông Nam Á theo những hướng khác nhau. Khái niệm “cửa ngõ” cũng chỉ theo nghĩa tương đối tùy theo nơi xuất phát. Chẳng hạn các nước Đông Bắc Á khác hay các nước bên kia Thái Bình Dương, kể cả Hoa Kỳ, để vào Đông Nam Á, thì Philippines là cửa ngõ quan trọng hơn nhiều so với Việt Nam vì nước này giữ vị trí chắn dọc rìa phía đông của các nước Đông Nam Á, và cực bắc của nó (gồm cả một số đảo) cùng với phía nam Đài Loan tạo thành cái cửa mà phần lớn tàu bè vào Đông Nam Á theo hướng đông đều phải qua. Các căn cứ quân sự lớn của Mỹ trước đây tại khu vực này được đặt ở Philippines là vì vậy.
21. Với chiều dài bờ biển trải dọc biển Đông, Việt Nam kiểm soát được các di chuyển từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương ư? Lại là một ảo tưởng.
Một phần hai chiều dài đó đã phải chia sẻ tầm ảnh hưởng với phần lãnh thổ nối dài đến đảo Hải Nam và Hoàng Sa, vậy đó chỉ là hai người bạn kiểm soát lẫn nhau mà thôi. Đó là chưa kể vịnh Bắc bộ, mà vị trí chỉ như một cái hốc, không có vai trò trong tuyến thông thương đông - tây quốc tế.
Hơn một phần hai chiều dài bờ biển còn lại của Việt Nam thì chia sẻ ở mức độ như nhau với các nước lớn là Philippines, Malaysia, Indonesia trong việc “dòm ngó” vào lưu thông hàng hải.
Một điểm đặc biệt chú ý, Việt Nam cũng hay nhắc rằng nước này nằm trên hải lộ có eo biển Malacca, là điểm huyết mạch giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là cách hiểu lập lờ đến huyễn hoặc. Với eo biển này, Việt Nam đã hoàn toàn không còn chút vai trò gì, nó thuộc vùng chi phối trực tiếp của Malaysia, Indonesia và Singapore, nên không thể “ăn theo” một cách vô lối như vậy được.
22. Với cách hiểu cửa ngõ theo “tư duy một cửa” Việt Nam nghĩ rằng từ vị trí của mình sẽ vươn tầm kiểm soát khắp Đông Nam Á. Nếu chịu “tư duy đa cửa” Việt Nam sẽ thấy rằng chính là đất nước này nằm trong một vùng mà cửa nào cũng đều có thể hướng thẳng về họ (như đã từng xảy ra trong chiến tranh). Do vậy, cho dù cái cửa Việt Nam có mở hay bị mở cho Trung Quốc thì các cửa khác vẫn có thể đóng lại, thậm chí bịt kín tầm vươn đã được mở ra đó trong giới hạn của nó mà thôi, vì nên nhớ rằng những cánh cửa này tạo thành một vòng cung mà Việt Nam nằm lọt thỏm trong đó.
23. Biển Nam Trung Hoa cũng chỉ là một cái vũng của Thái Bình Dương mà thôi, và trong khi Việt Nam chỉ có một hướng quay về “vũng” thì những nước Đông Nam Á phía rìa đông, nam và tây có cái nhìn hướng ra biển lớn cũng như từ biển lớn tiếp cận vào, thông thoáng hơn nhiều khi xét trên phương diện thông thương và chiến lược trên biển.
Đặc biệt với vị trí của Philippines, họ vừa có thể hướng tầm kiếm soát vào “vũng”, vừa có thể vươn tầm ra Thái Bình Dương - cái đại dương quan hệ mật thiết với cả Trung Quốc và Đông Nam Á - dễ dàng hơn nhiều. Có thể nói đối với đại dương này, Philippines giữ vị trí tiền tiêu, cửa ngõ của Đông Nam Á chứ không phải Việt Nam.
24. Trước sự lớn mạnh trên biển của Trung Quốc, cái cửa Việt Nam dù có đóng hay mở thì cũng không thành vấn đề lớn đối với các nước khác trong vùng, vì với phân bố địa lý biển như thế, mỗi nước phải tự gánh vác thách thức của mình chứ Việt Nam không hề gánh giùm cho phần nào. Có chăng chỉ là Việt Nam phải gánh lấy phần nặng nhất của chính mình mà thôi. Dù có Qui tắc Ứng xử biển Đông được ký chung giữa tập thể ASEAN với Trung Quốc nhưng khi Trung Quốc vượt khỏi khung ứng xử này với Việt Nam thì tất cả phần còn lại đều im lặng, là vì vậy.
25. Như thế, thực tế mà nói, tầm quan trọng của Việt Nam trong tương quan với sức mạnh của Trung Quốc trong vùng rốt lại cũng chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với Việt Nam, và kiềm chế được Trung Quốc hay không là quyền lợi trực tiếp và sống còn của Việt Nam chứ không phải của các nước Đông Nam Á khác, dù không phải họ không bị tác động. Nó càng không phải quyền lợi trực tiếp và sống còn của Hoa Kỳ. Tuyến Malacca là con đường huyết mạch vận chuyển dầu mỏ và hàng hóa đông - tây, nếu phát sinh vấn đề nghiêm trọng, người đầu tiên chịu ảnh hưởng chính là Trung Quốc và Nhật Bản với tư cách nguồn tiêu thụ nhiên liệu từ Trung Đông và những nơi khác, sau đó là Việt Nam và một số nước khác trong vùng với tư cách người xuất khẩu dầu mỏ và hàng hoá.
26. Với quyền lợi trực tiếp và sống còn của mình mà lại nghĩ rằng người khác phải hy sinh đến cả giá trị tối thượng của họ, thì không có sự huyễn hoặc nào hơn nữa trong quan hệ quốc tế!
Vấn đề là ở chỗ Việt Nam hiểu rằng nếu hiện diện tại đây, Hoa Kỳ thuận lợi hơn và trực diện hơn với Trung Quốc trong chiến lược kiềm chế “từ xa”. Nhưng các nhà chiến lược Việt Nam cần nhớ cho rằng dù có là lựa chọn thuận lợi nhất về mặt địa lý thì Việt Nam không phải là lựa chọn thuận lợi nhất về mặt chính trị (họ quen nghĩ thuận lợi chính trị chỉ là “ổn định chính trị”), và càng không phải là lựa chọn duy nhất.
Chọn Việt Nam, Hoa Kỳ đạt mục tiêu mà Việt Nam cũng được trực tiếp bảo đảm an ninh trước sự đe dọa tiềm tàng từ phương bắc. Không chọn Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn sẽ đạt mục tiêu nhưng Việt Nam thì không có được sự bảo đảm đó, thậm chí sẽ bị bỏ rơi như đã từng hoàn toàn bị bỏ rơi.
27. Trên thực tế Phillipines, Malaysia, hay Indonesia dù không trực tiếp nhưng đều có thể thay thế cho Việt Nam. Đặc biệt, như đã nói, với vị trí mở cho cả hướng từ Thái Bình Dương và Đông Bắc Á vào biển Nam Trung Hoa, Philippines là một địa điểm lý tưởng, có vai trò đối với toàn bộ tiểu vùng này nếu tính từ hướng Thái Bình Dương.
Với những nước này Hoa Kỳ đang có những vấn đề nhất định, nhưng điều đó không có nghĩa là siêu cường không thể nào tái hiện diện. Chỉ là cả những nước đó, cả Việt Nam cùng lúc được đặt lên bàn cân, và do chính những vấn đề nhất định đó nên vị trí của Việt Nam trở thành ưu thế vượt hẳn. Ưu thế này còn được củng cố khi chính Hà Nội ve vãn để có một vị thế như vậy cho mình, cùng với một tâm lý thoả mãn “thầm kín” có thể có nào đó trong tính toán của Washington.
28. Như vậy, trong tương quan địa-chính trị, khi so bộ ba Hoa Kỳ - Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam ở vào vị thế mạnh nhất và Hoa Kỳ là yếu nhất. Nhưng đặt trong bối cảnh của Đông Nam Á và rộng hơn nữa - mà chính bối cảnh này mới là cái cần thiết để Hoa Kỳ tính toán địa-chính trị - thì vị thế yếu nhất chính là Việt Nam và mạnh nhất lại là Hoa Kỳ. Việt Nam gặp những đe doạ trực tiếp chứ không phải là ai khác. Việt Nam đã từng bị bỏ rơi trước nguy cơ này và khả năng đó vẫn có thể xảy ra, chứ không phải là các nước phía nam ASEAN. Và dù có bất kỳ vấn đề gì, không kể Việt Nam, tất cả các nước ven biển Nam Trung Hoa còn lại đều thừa hiểu họ cần đến Hoa Kỳ như thế nào trước sự lớn mạnh trên biển của Trung Quốc.
29. Với Việt Nam, nói đến khả năng xấu nhất trong quan hệ, Hoa Kỳ vẫn có thể “buông”, còn Philippines hay các nước quanh Malacca, điều đó không thể xảy ra. Một rẻo nước ở góc kẹt lại có thể quan trọng bằng điểm nối trên biển giữa Đông Bắc Á với Đông Nam Á và giữa Thái Bình Dương với biển tiểu vùng, hay có thể quan trọng bằng ngay chính Malacca ư? Việt Nam, với tư cách đồng minh ý thức hệ hay đồng minh chính trị của Trung Hoa mà đối với với Hoa Kỳ lại có thể khả tín hơn so với những đồng minh thể chế và truyền thống trong khu vực ư?
30. Mức độ khả tín đó như thế nào, ai ai cũng đã thấy rõ trong thời gian vừa qua, trong thái độ dạy bảo và răn đe ngược đời của Hà Nội.
Việt Nam là một “đồng minh” như thế nào và của ai, ai ai cũng đã thấy trong trong văn hoá bài Mỹ một cách nhất quán của họ.
Gieo rắc nhận thức và tâm lý chống Mỹ là điều quá dễ nhận thấy trong văn hoá và giáo dục Việt Nam. Thế hệ 8x, 9x ngày nay có thể thuộc làu làu “tội ác” của Mỹ trên đất Việt Nam từ năm 1975 về trước, chứ những chuyện sau đó chỉ vài năm của Khmer đỏ - “tay sai của tập đoàn Trung Nam Hải” hay của chính Trung Quốc gây ra trên đất Việt Nam thì đối với những thế hệ sau này dường như không từng xảy ra! Thái độ chống Mỹ ở bất cứ đâu trên thế giới cũng được truyền thông Việt Nam khai thác, còn những gì làm phật lòng người láng giềng họ đều kiêng sợ, thậm chí là đối với đối tác làm ăn lớn và từ rất sớm của thời đổi mới (Đài Loan) họ cũng sẵn sàng “bôi mặt” cho vừa lòng Bắc Kinh…
31. Có đáng để Hoa Kỳ hy sinh giá trị dân chủ để dung túng cho một đối tác như vậy không? Hoa Kỳ có phải là quốc gia nhục nhã đến mức chấp nhận quốc sách bài xích thâm căn cố đế của đối tác mà vẫn phải bảo đảm an ninh cho “thân hữu” này? Cường quốc số một thế giới có thấp hèn đến mức phải nghe dạy bảo và răn đe từ một đối tượng nhất thiết phải cần đến mình?…
Những câu hỏi như vậy không chỉ là vấn đề về lựa chọn cho phía Hoa Kỳ, mà cũng chính là vấn đề lựa chọn cho phía Việt Nam.
32. Đương nhiên có nhiều ý kiến cho rằng không chỉ và không phải là chính trị, kinh tế mới là cái quyết định thái độ của hai nước này với nhau, và khả năng là Hoa Kỳ vì các quyền lợi kinh tế mà hy sinh các vấn đề về dân chủ, nhân quyền.
Đúng là Hoa Kỳ cũng nhận được những lợi ích kinh tế trong quan hệ với Việt Nam, nhưng ở khía cạnh này cũng vậy, Hoa Kỳ có phải lép vế để mà chấp nhận dung túng mọi điều cho hành xử toàn trị? Rõ ràng là không. Việt Nam cần (và đã được) Hoa Kỳ ban cho PNTR chứ không phải ngược lại. Việt Nam cần Hoa Kỳ tăng cường đầu tư chứ không phải ngược lại. Thị trường Hợp chủng quốc là nơi Việt Nam cần mở rộng thị phần để cạnh tranh với thị phần của Trung Quốc, chứ không phải Hoa Kỳ phải đi làm điều đó ở thị trường Việt Nam. Các công ty Hoa Kỳ muốn làm ăn ở Việt Nam, họ muốn có được sự hợp tác của các giới thẩm quyền, nhưng nếu quan hệ giữa hai nước không thân hữu khiến làm ăn của họ không thuận lợi, thì sự rút lui của họ lại có thể làm lợi cho hình ảnh và môi trường đầu tư của Việt Nam sao?
Chính cái tư duy đến là ngờ nghệch thể hiện thành quan niệm giáo khoa và chiến lược, rằng chính quyền Mỹ do các tập đoàn đa quốc gia giật dây và chỉ phục vụ cho lợi ích giới đại tư bản, nên Hà Nội cố tình trám miệng Hoa Kỳ bằng những màn trình diễn với Bill Gate [3] và Intel ngay khi sự phản đối đàn áp dân chủ dữ dội đang diễn ra tại Việt Nam của cả Capitol và Nhà trắng đạt đến cao điểm. Rõ ràng đây cũng là một thông điệp nhắn nhủ đến Washington.
33. Khi tôi kết lại bài này, Tập đoàn PB vừa loan báo ngừng một dự án thăm dò dầu khí lớn ở Trường Sa để “các nước liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề ”. Họ không bình luận gì thêm, nhưng những cái đầu tại tổng hành dinh PB có lẽ đâu thể ngờ nghệch đến mức đặt bút ký một dự án hai tỷ dollar cách đây chỉ trên dưới hai tháng mà không biết đến tranh chấp đã mấy chục năm qua, họ đâu ngờ ngệch đến mức không biết làm gì có cơ hội cho các nước liên quan giải quyết vấn đề. Ngoài giả định họ chịu áp lực từ phía Trung Quốc, cũng không thể loại bỏ giả định rằng viễn cảnh an ninh không còn được bảo đảm như khi đàm phán tiền khả thi, đã khiến họ rút lui. Nếu đúng là có dính dáng gì đó, thì tương quan giữa kinh tế và địa-chính trị có tầm quan trọng như thế nào, là điều Hà Nội cần phải học lại.
34. Bên trong nước thì đối với mọi thứ, tư duy và hành động toàn trị đều buộc tất cả phải phục tùng chính trị. Đối với bên ngoài, Việt Nam muốn kinh tế là kinh tế, chính trị là chính trị. Họ luôn ra rả rằng thúc đẩy quan hệ kinh tế nhưng không “can thiệp vào (cái gọi là) công việc nội bộ” của nhau. Nếu vậy, Hà Nội nói đến “quan hệ chiến lược” để làm gì, vì nó đã chạm đến chính trị trên phạm vi khu vực và toàn cầu rồi đó! Nếu vậy, Hoa Kỳ nhọc lòng đến chuyện tranh chấp hay ảnh hưởng của ai đó trên biển Đông làm gì, vì như thế là đã can dự vào chính sách đối ngoại của Việt Nam rồi đó!
Làm ăn và hưởng lợi lẫn nhau từ cái hoạt động kinh tế thì không cần đến quan hệ chiến lược, thậm chí ngay cả đối xử tệ bạc về chính trị và văn hoá với Đài Loan mà Việt Nam còn giành thắng lợi kinh tế đó thôi.
Vậy theo đó, Washington đừng can thiệp vào “công việc nội bộ” giữa Hà Nội với Bắc Kinh, họ là anh em, đồng chí mà, sẽ tự thu xếp được thôi! Hoa Kỳ chỉ là người ngoài, hãy về mà chơi với anh em, “đồng chí” của mình trong khu vực. Hơn nữa, chính những nơi này mới giữ vị trí yết hầu.
35. Hình tượng đi dây thật đúng để diễn tả quan hệ giữa Trung Quốc - Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay. Và với chính hình tượng đó, nên nhớ rằng người đi dây chỉ đi được khi hai người nắm đầu dây chịu căng dây thăng bằng. Vậy nếu Việt Nam không muốn tiến quá gần đến đầu dây Hoa Kỳ mà ngược lại, dằn mặt siêu cường bằng cách tiến về phía đầu dây bên kia, thì Hoa Kỳ có thể chìu ý họ, buông đầu dây phía bên mình ra.
Cũng theo hình tượng này, khi một đầu dây buông ra, người đi dây sẽ rơi xuống vực, va vào vách đá của sườn bên kia, hoặc may mắn thì chạy kịp về đứng trên phần của sườn đó. Tương ứng thì nếu không có Hoa Kỳ, hoặc Việt Nam sẽ hứng chịu những hậu quả nặng nề từ phía Trung Quốc hoặc sẽ phải hoàn toàn thuần phục.
36. Tôi nghi ngờ quan điểm cho rằng trong giới cầm quyền Việt Nam có những người muốn dựa hẳn vào Trung Quốc. Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, qua những gì đã trải qua trong thời kỳ “môi hở răng lạnh”, sau năm 1975, và cả cho đến hiện nay, cho dù quan hệ Việt - Trung có hữu hảo đến tuyệt đỉnh chăng nữa, không thể nào tin rằng ở đất nước này và giờ này vẫn sản sinh ra ai đó bình thường mà lại nảy ra được ý nghĩ dựa hẳn vào Trung Quốc như lá chắn chiến lược của mình.
Nguồn tin đó chẳng qua chỉ là hoả mù do chính Việt Nam tung ra để vừa loè bịp vừa dằn mặt Hoa Kỳ mà thôi! Xét tương quan lịch sử, thực tế và bối cảnh địa-chính trị, chỉ có thể Hoa Kỳ “buông” Việt Nam chứ Việt Nam không thể “buông” Hoa Kỳ để về hẳn với Trung Quốc.
37. Hà Nội càng gia tăng mức độ đàn áp, Washington càng tỏ ra cứng rắn thì hỏa mù càng nhiều.
Ý kiến về việc có lực lượng nào đó công khai phá hoại những chuyến đi Mỹ thực tế cũng chỉ là hoả mù, dù là cố tình ở đối tượng đã tung ra hay vô ý ở những ai đã thổi lên. Nhìn lại thời điểm Việt Nam thay đổi đường lối nhằm “chiến lược” hơn với Hoa Kỳ, ta thấy đó là một lựa chọn hoàn toàn có cân nhắc kỹ càng và có sự thống nhất trong giới lãnh đạo chứ không hề là ý muốn hay hành động riêng rẽ của nhóm nào, vì rõ ràng lựa chọn đó là xuất phát từ chính lợi ích có tính sống còn của Việt Nam, không thể khác được nếu không muốn bị tiếp tục bỏ rơi trong biến động nhanh chóng của các lực lượng trên biển Đông.
Nếu thật sự có một lực lượng như vậy (một lực lượng giả thì có thể có), khi Nhà trắng gặp gỡ các nhân vật dân chủ người Việt cuối tháng Năm, đó là cơ hội tốt nhất để ra đòn dứt điểm, sao họ không làm mà lại đi tự biện hộ cho Hoa Kỳ [4] ? Đó là còn chưa kể liên tục sau đó Tổng thống Bush tấn công Việt Nam trên các diễn đàn có tính quốc tế như trong diễn văn tại Praha, trạm dừng chân trên đường đến Đức dự Hội nghị G8 2007, và tại Lễ khánh thành Tượng đài Nạn nhân Cộng sản.
38. Khi hai bên đang phản ứng với những hình thức rất căng vừa qua, Việt Nam bèn công khai hai chữ “chiến lược” với Hoa Kỳ, rồi một loạt những ý kiến về hoạt động không khớp nhau của các cơ quan cấp cao của chính quyền Việt Nam trong các vấn đề có liên quan… Khi chuyến đi của ông Triết bị đe doạ, có số ý kiến bâng quơ rằng ông có thể là Yelsin của Việt Nam (trước đó thì tầm quan trọng của một nhân vật tương tự như vậy được dành cho ông Dũng), rồi lại ý kiến của Carl Thayer nhắc rằng Hoa Kỳ cần tăng cường quan hệ chiến lược với Việt Nam [5] , hay như những cái tít kiểu “ông Triết muốn thân Mỹ hơn nữa” [6] … khiến hỏa mù càng trở nên dày đặc… Tất cả những điều đó đều góp phần ý biện hộ cho bộ máy toàn trị, đều vô tình hay cố ý để thuyết phục Hoa Kỳ duy trì chiến lược liên kết với Việt Nam cho dù có sự đàn áp nghiêm trọng đối với những người dân chủ.
39. Đã hoàn toàn lộ rõ rằng trong chiến lược của Việt Nam, Hoa Kỳ chỉ được dùng vào thế cờ gài, phải bảo vệ cho Việt Nam nhưng lại ở vị thế cần đến Việt Nam. Điều này có lẽ phần nào cũng có phần của sự thổi phồng về vị thế chiến lược của Việt Nam và quan hệ với Hoa Kỳ. Còn về đối nội, cũng đã lộ rõ rằng những cải cách chính trị cải lương và nhỏ giọt ít có cơ may tái tục với nhịp điệu như vừa qua, mà điển hình là vai trò của Quốc hội mới không những không được tăng cường mà còn bị đẩy lùi, qua những biểu hiện và kết quả của cuộc bầu cử vừa rồi…
Trong tình thế như vậy, nếu tiếp tục cái gọi là “tầm chiến lược” trong quan hệ Việt - Mỹ theo nghị trình ban đầu nhưng thực chất và hiệu quả chỉ gói gọn trên nền tảng kinh tế và bảo đảm an ninh, thì rốt lại cũng chỉ là giúp tăng cường thanh thế chính trị của Hà Nội và bảo toàn cho nền toàn trị mà thôi.
40. Thả Nguyễn Vũ Bình, Lê Quốc Quân, và có thể sẽ thả Trần (Thị) Thuỳ Trang là chứng tỏ thật tâm của Hà Nội chăng? Hoàn toàn ngược lại.
Với Nguyễn Vũ Bình, hành động của Hà Nội chỉ chứng tỏ sự coi thường Hoa Kỳ mà thôi, khi chỉ cùng con người này mà năm lần bảy lượt họ đem ra vờn và nhử, đúng với “tầm chiến lược” của giới cầm quyền. Với hai luật sư sau, họ chưa bị cả một chiến dịch truyền thông nhà nước “vạch mặt”, chưa thành án, việc trả tự do cũng không phải là khó khăn. Quãng thời gian hai người này bị bắt cũng không xê xích nhiều với Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân nhưng tình hình lại khác nhiều. Khi có tin về sự trắc trở có thể nào đó đối với chuyến đi của ông Triết, việc sẽ có thể thả Quân và Trang, cùng với Bình, được tung ra lập tức. Những điều này phần nào chứng tỏ ngoài Bình, đây có thể đã là hai con bài được chọn để dự phòng từ xa cho tình huống phải chứng tỏ thiện chí.
41. Người ta đã chưa hiểu hết tư duy và hành động chính trị của Việt Nam nên có thể nói việc phản hồi chiến dịch đàn áp chưa nhắm trúng vào gót chân Achilles của họ. Một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ư? Có cũng tốt, không có thì có nào hề hấn gì, quan trọng là cái ghế độc tôn của họ không bị tình trạng dân chủ làm cho lung lay. Các nghi lễ đón tiếp cấp nhà nước bị cắt bỏ đối với Nguyễn Minh Triết ư? Điều này có giá trị biểu tượng rất cao đối với các cộng đồng dân chủ, nơi có tự do ngôn luận và tự do thông tin, có sự phán xét của dân chúng dành cho chính quyền đối với hình ảnh bị tổn hại của đất nước. Nhưng với Việt Nam, không có điều gì họ lại không biến được thành thành công vang dội và người dân không hề phán xét được giới cầm quyền cho dù họ có gây ra những phá hại lớn đến đâu chăng nữa.
42. Chừng nào chưa nguy hại trực tiếp đến những tính toán chiến lược về kinh tế, và đặc biệt là chiến lược quân sự, an ninh lãnh thổ của Việt Nam, họ sẽ không bao giờ nhân nhượng có thực chất trong vấn đề dân chủ và nhân quyền. Những sứt mẻ hay góc tối về ngoại giao chẳng là gì cả khi mà tiền cứ đổ vào để vỗ béo cho nền toàn trị, khi mà cứ “cầu cạnh” để được bảo đảm an ninh cho họ.
43. Cứ thách thức nhà cầm quyền Việt Nam nghiêng hẳn sang Trung Quốc mà xem, họ có dám không. Nếu họ dám, chẳng mấy chốc ta sẽ thấy Trung Quốc chớp lấy thời cơ như thế nào. Ta cũng sẽ nhanh chóng chứng kiến ngay trong Đảng họ phải “xử” nhau thôi…
44. Trên bàn cờ Đông Nam Á, Hoa Kỳ đã từng không có Việt Nam như một đồng minh, nay cũng không vì thế mà thất thế. Trung Quốc đang lên ư? Đúng, nhưng nên nhớ Trung Quốc lên thì không vì thế mà các nước khác dừng lại, vấn đề là có sự chia sẻ trách nhiệm quốc tế.
45. Ở Đông Nam Á phần nhiều là những nhà nước dân chủ chưa hoàn thiện hoặc độc tài, họ chủ trương “không can thiệp vào công việc nội bộ” của nhau là phải. Họ cứ phản đối Hoa Kỳ trong việc phê phán tình hình dân chủ của khu vực nhưng lại mặc nhiên dựa dẫm vào quốc gia này trong chiến lược an ninh lãnh thổ. Cả hai mặt này họ giống với Việt Nam nhưng họ lại không bức bách như Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc. Thái độ của họ là vô trách nhiệm trong bối cảnh địa-chính trị chung, để mặc cho Hoa Kỳ, Việt Nam, Trung Quốc giải quyết các quan hệ và họ hưởng lợi.
Vấn đề giờ đây là Hoa Kỳ phải có những bước đi đặt họ vào suy nghĩ và hành động địa-chính trị chung. Nếu họ không cùng hỗ trợ Hoa Kỳ trong việc xử lý các quan hệ có liên quan với Việt Nam để vừa tạo được hợp tác chiến lược vừa giữ vững các giá trị dân chủ và nhân quyền, thì giả định khi Hoa Kỳ chọn lại giải pháp buông Việt Nam, phòng tuyến Đông Nam Á dời về nam, khi đó chính họ sẽ là những người đầu tiên đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng thay vì sự “thanh thản” đến độ vô lý như hiện nay.
46. Trung Quốc lớn mạnh thì Nhật Bản và Nam Hàn cũng hùng cường, nên không vì thế mà họ vẫn tiếp tục nhận sự bảo hộ an ninh một chiều từ phía Mỹ. Trách nhiệm chung về an ninh địa-chính trị của khu vực đang thật sự đặt ra đối với họ.
Nhật Bản và Nam Hàn đều chia sẻ tuyến hàng hải vào biển Nam Trung Hoa và qua Malacca, đặc biệt Nhật gần như sử dụng 100% nguồn cung cấp nhiên liệu từ bên ngoài và vận chuyển hàng hải có tầm quan trọng chiến lược. Sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc trên vùng biển này là điều mà hai nước Đông Bắc Á này sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ. Hoa Kỳ - đồng minh của họ - đang phải giải quyết vấn đề, và họ cần hỗ trợ. Nếu họ cứ thản nhiên tăng cường hợp tác kinh tế với Hà Nội mà không có bất kỳ động thái nào thể hiện thái độ dân chủ của mình nhằm gia tăng sức ép buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng những cam kết dân chủ và nhân quyền, thì khi Hoa Kỳ buộc phải chuyển hướng đối tác chiến lược trong tiểu vùng Đông Nam Á nhằm đối phó với Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn càng sẽ phải đau đầu hơn và bỏ ra nhiều chi phí hơn là nguồn lợi kinh tế có được từ Việt Nam, để bảo vệ các quyền lợi chiến lược của chính họ.
Ngoài ra, việc tính toán lại sự hiện diện và sức mạnh quân sự của hai quốc gia Đông Bắc Á này cũng là điều đến lúc nên làm để tạo đối trọng chia sẻ gánh nặng đang dồn xuống phía nam.
47. Cuộc gặp hôm 29.05 của Tổng thống George Bush, Phó tổng thống Dick Cheney và những nhân vật cao cấp nhất của chính quyền Hoa Kỳ, với đại diện bốn tổ chức chống chế độ toàn trị Hà Nội của người Việt tại Hoa Kỳ, phần nào cho thấy dân chủ không phải là giá trị mà người Mỹ có thể hy sinh. Dù đây có thể nói là một động thái vô tiền khoáng hậu, nhưng nó mang tính thực chất và hữu hiệu hay chỉ nhằm trấn an người Việt dân chủ và dằn mặt Việt Nam, đến đây vẫn chưa thể kết luận được.
Chúng ta hoan nghênh và rất biết ơn những nỗ lực thật tâm và rất hữu ích của lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ nhằm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh dân chủ trong nước, nhưng vẫn cần dành lại sự nghi ngờ nhất định.
48. Thực tế, chiến lược và sách lược của Hoa Kỳ dưới thời của Tổng thống Bush đem lại tác động xấu cho sự phát triển tinh thần dân chủ ở nhiều nơi. Iraq là điển hình, sự ham hố vặt vãnh về tiếng tăm của một nội các quyết đoán và quyền uy tột đỉnh đã khiến họ chỉ còn thấy giải pháp quân sự - mà lại là một giải pháp quân sự què cụt khi không hề có những chiến thuật và đường lối đúng hướng cho thời kỳ chiếm đóng - trong khi có những tin tức cho hay Saddam Hussein thậm chí đã đánh tiếng nhượng bộ tất cả, luôn đến việc rời chức. Tình hình Iraq “hậu chiến thắng” đã giúp các nền độc tài, trong đó có Việt Nam, khai thác tối đa để xuyên tạc trạng thái dân chủ và tôn vinh trạng thái chuyên chế.
Lần này trong tương quan giữa toàn trị và dân chủ Việt Nam thì sao, đối với Hoa Kỳ sẽ là một chiến lược và những chiến thuật căn cơ và có hệ thống, hay lại là những ham hố vặt vãnh về tiếng tăm?
Có thể nói nếu hợp tác chiến lược với Việt Nam trở thành hiện thực, Mỹ có thể lại hiện diện về chính trị và quân sự tại đây. Và đó sẽ là một thắng lợi vang dội của chính quyền Bush. Ngoài việc tạo thành công tiền đề trong tính toán tương quan lực lượng trên biển Nam Trung Hoa, nó vừa trả lại món nợ 32 năm trước, vừa lấy lại thanh danh của nội các và Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lại đang gần kề. Nếu không có những đường hướng chiến lược cụ thể tuỳ theo chuyển biến của tình hình, mà chỉ biết chạy theo tiếng thơm là đưa người Mỹ chính thức trở lại Việt Nam, thì lần này việc Nhà trắng lại chỉ thấy có một giải pháp, tức nhượng bộ Việt Nam về dân chủ và nhân quyền để đạt đến “quan hệ chiến lược”, là một khả năng cũng không nhỏ.
49. Quan hệ chiến lược với Việt Nam là cần thiết, hữu ích và đáng hoan nghênh, nhưng đó không phải là chọn lựa tất yếu và duy nhất. Hơn nữa, trong quan hệ này Việt Nam mới chính là người có quyền lợi trực tiếp và sống còn.
Quả thật, chuyện các nhà đối lập ôn hoà tại Việt Nam và quan hệ chiến lược Việt Nam - Hoa Kỳ đang đặt siêu cường vào một sự lựa chọn địa-chính trị. Nếu dân chủ và nhân quyền không còn là giá trị tối thượng trong tương quan đó, thì rồi đến một ngày các nhà toàn trị Việt Nam sẽ ghi vào “trang sử vàng của Đảng” về việc “phân hoá và sử dụng kẻ thù phục vụ cho những mục đích chiến lược và bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội”.
50. Không tư duy kiểu cuộc sống hàng ngày để mà nóng vội quyết định ngay, nhưng cũng không thể không duyệt lại toàn bộ bối cảnh có liên quan để dự phóng những hướng chuyển khả dĩ.
Có lẽ diễn tiến dân chủ trong nước trong quãng thời gian sau chuyến đi của ông Triết đến trước chuyến đi của ông Dũng căn bản sẽ đủ để mọi thứ “chiến lược” cần được quyết định theo hướng thích hợp nhất…
© 2007 talawas
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Đã dự trù tất cả, từ việc không cho Lê Thị Công Nhân hay Nguyễn Văn Đài thoát ra (ít ra là giới cầm quyền nghĩ đó là đường thoát) qua những chuyến đi ra nước ngoài, cho đến việc Lê Trí Tuệ “mất tích” ngay cả khi đã sang Cambodia và được Cao uỷ Tỵ nạn cấp qui chế, rồi hành động quyết liệt khi Nguyễn Quốc Tuấn công bố kháng thư của mình cùng cáo trạng của chính quyền đối với Nguyễn Quốc Huy, bất chấp các thủ tục tố tụng thành văn, như một hình thức xiết chặt sự cô lập và bao vây về thể chất, tinh thần đối với các nhà dân chủ đang bị giam giữ…
[2]Điều này, nói cho đúng ra, là giới lãnh đạo toàn trị Việt Nam cần một chỗ dựa quốc tế cho quyền lực và quyền lợi của nhóm đầu sỏ, chứ bản thân họ biết Trung Quốc từ xưa đến nay chưa bao giờ là chỗ dựa lưng cho đất nước cả.
[3]Dùng sản phẩm của Microsoft thì không chỉ có Việt Nam, nhưng khắp nơi trên thế giới khi dùng người ta chỉ việc bỏ tiền ra mua, có cần thiết tiến hành đại lễ cấp quốc gia như Việt Nam làm không?
[4]Nên nhớ mọi người Việt chưa làm đơn chính thức xin bỏ quốc tịch Việt Nam và được Bộ Tư pháp đồng ý, thì dù họ có ở đâu, Việt Nam vẫn xem là công dân của mình. Đằng này, giới toàn trị lại chữa thẹn bằng cách nói Tổng thống Mỹ gặp công dân Mỹ là chuyện bình thường. Đó là còn chưa kể họ gặp nhau để trực tiếp bàn về chuyện đàn áp của Việt Nam, “can thiệp vào công việc nội bộ” quá rõ rồi còn gì.
[5]Tôi có cảm giác rằng mặc dù có những ý kiến rất giá trị, dường như các nhà nghiên cứu nước ngoài về chính trị Việt Nam đã không những không nắm hết mọi vấn đề về văn hoá chính trị, đạo đức chính trị, tâm lý chính trị… của nền toàn trị Việt Nam, cũng như những thay đổi tình huống trong diễn biến của nó; họ còn không đặt lợi ích của nhân dân và nền dân chủ Việt Nam lên trên, mà chỉ nhắm làm cho sao Hoa Kỳ và Việt Nam “ổn thoả” để siêu cường này gánh vác hết trách nhiệm trước vấn đề Trung Quốc, và như thế sẽ… nhẹ nhàng bớt cho trách nhiệm của đất nước họ chăng? Bài của Carl Thayer mà tôi nhắc đến ở trên và bài mới đây nhất, cách nhau chẳng bao xa và trong cùng một bối cảnh, đã có sự thay đổi trong thái độ xử lý của ông về quan hệ chiến lược Mỹ - Việt…
[6]Bài này của BBC, sau đó đổi tựa thành Đưa hợp tác Việt-Mỹ lên “tầm cao mới”.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét