Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2007
Ông Triết Về Rồi
Khi bạn đọc những dòng chữ này, thì ông Nguyễn Minh Triết đã rời khỏi Hoa Kỳ. Vậy là xong gần một tuần lễ viếng thăm Hoa Kỳ của người đang giữ chức Chủ Tịch Nước CSVN, trên nguyên tắc là chức vụ cao nhất nước nhưng thực tế trong nền độc tài đảng trị vẫn còn nằm dưới vài người khác. Những gì ông Triết, và cả phái đoàn gần 200 doanh nhân và cán bộ cao cấp "thu hoạch" được sau chuyến đi lịch sử này?
Chữ thường được sử dụng nhất tại quê nhà cho những trường hợp này có lẽ là chữ "ấn tượng." Chắc chắn là thế. Kinh ngạc, khó quên, đáng nói. Có thể gọi là lịch sử. Chúng ta nơi đây không bàn chuyện các hợp đồng kinh tế, văn hóa hay giáo dục làm chi. Nhiều người nói rồi. Mà thực tế, nếu ông Triết không tới, thì các hợp đồng đó rồi cũng sẽ có lúc được ký. Ông Triết chỉ là đi với tính cách tuyên truyền thôi. Bản văn lớn nhất trong chuyến đi đáng nhớ này là TIFA, hiệp ước khung về đầu tư và thương mại là do một Thứ Trưởng ký, và sẽ dẫn tới một hiệp ước tự do mậu dịch Việt-Mỹ tương lai. TIFA cũng không cần tới chữ ký của Bộ Trưởng nữa. Thậm chí, ông Triết cũng chưa chắc đọc tới nửa trang TIFA, một mớ trang giấy đòi hỏi kiến thức chuyên gia kinh tế nhiều hơn là kinh nghiệm nắm quyền lãnh đạo của một chế độ độc tài toàn trị. Vậy thì, tại sao ông Triết cần đi?
Trước tiên, Triết đi là vì Bush mời, coi như trả lễ hồi năm ngoái TT Bush dự hội nghị APEC ở Hà Nội.
Thứ nhì, Triết đi vì Triết muốn đi. Hình ảnh ông Triết sẽ hiện ra dưới ống kính truyền hình quốc tế, tha hồ mà cười với vẫy tay. Thân thiện. À, những hình ảnh thân thiện qua người lãnh đạo trên nguyên tắc là quyền lực nhất VN sẽ làm mờ đi các hình ảnh u tối về Hà Nội, một chế độ cộng sản vẫn bị nhìn như nằm chung giỏ với Bắc Hàn, Cuba. Ít nhất, về mặt tuyên truyền, ông Triết sẽ chứng minh được với dân Mỹ rằng Hà Nội không phải như Bình Nhưỡng của Bắc Hàn, và cũng không phải như Havana của Cuba. Thế giới khi mở truyền hình CNN, và sẽ thấy ông Triết mặc bộ Âu phục, thắt cà-vạt hệt như Mỹ, đưa tay chào, vẫy vẫy… Hoàn toàn khác hẳn hình ảnh Kim Jong-Il trong bộ trang phục đại cán 4 túi, và cũng khác hẳn hình ảnh Fidel Castro lúc nào cũng quân phục với râu xồm. Có hình ảnh khác đi như thế trên TV Mỹ thì sẽ là thành công lớn rồi. Tuy nhiên, không phải chuyện gì cũng như ý ông muốn.
Điều hết sức bất ngờ cho chuyến đi của ông Triết lại xảy ra từ khoảng tháng 3-2006, khi các đồng chí cao cấp của ông bố ráp các nhà dân chủ, và khi vụ xử linh mục Nguyễn Văn Lý tại Huế đột nhiên xảy ra diễn biến ngoài tính toán, với hình ảnh người công an bịt miệng linh mục Lý, thì dư luận quốc tế, trước tiên là tại Hoa Kỳ, bắt đầu có bất lợi.
Thêm một loạt đợt đàn áp các nhà bất đồng chính kiến nữa. Vụ tòa xử tù hai luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân. Rồi bắt và giam thêm nhiều nhà dân chủ khác. Chuyến đi hiển nhiên là thấy rõ có mây mù giăng phủ. Đơn giản lắm. Tất cả các bản tin quốc tế, dù AP, Reuters hay AFP, đều gọi hầu hết những người bị bắt giam đợt này hoặc là cyber dissidents (những người bất đồng chính kiến trên mạng Internet), hoặc là cyber journalists (các phóng viên trên mạng Internet). Ngay ở cách dùng chữ, đã cho thấy dư luận thuận chiều cho dân chủ rồi. Nếu bạn để ý, sẽ rất ít người gọi những người bị tù đợt này, dù là Huỳnh Nguyên Lang, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Quốc Huy, Lê Nguyên Sang, vân vân…... là democracy activists, hay là pro-democracy activists (các nhà hoạt động vì dân chủ). Dường như chỉ có nữ luật sư Bùi Kim Thành, đang bị đẩy vào nhà thương điên Biên Hòa, là ngoài danh sách 'phóng viên mạng.' Và thực tế, chỉ có dân Việt Nam mình mới gọi cho gọn là các nhà dân chủ thôi, còn báo chí quốc tế gọi họ là "các nhà báo trên mạng." Nghĩa là tự động, họ bị bắt là vì quyền tự do báo chí.
Thế thì báo chí phải bênh nhau. Thế thì, hình ảnh ông Triết có vẻ hiền lành, có vẻ thân thiện… đã bị ngay thành kiến của dư luận báo chí quốc tế là kiểu bàn tay sắt bọc nhung rồi. Thế thì, chưa lên phi cơ, đã thấy ngay ông Triết thua to về dư luận.
Một câu hỏi hết sức bí hiểm, rằng vì sao nhà nước CSVN không chờ ông Triết từ Mỹ về rồi mới đàn áp các nhà dân chủ? Trời ạ, ai mà biết. Có lẽ, chính ông Triết cũng không biết nổi. Có phải vì Bộ Trưởng Công An Lê Hồng Anh muốn biểu diễn quyền lực như thế? Hay vì Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe lời Bắc Kinh thúc ép nên phải bắt một loạt các nhà dân chủ để bày tỏ trung thành với bài học Thiên An Môn? Hay là vì ông Nông Đức Mạnh đòi hỏi đàn tay sắt đàn áp dân chủ để làm quà cúng vong ông Hồ trước ngày 19-5?
Dù lý do gì đi nữa, thấy rõ rằng chuyến đi đã hỏng về mặt tuyên truyền.
Còn nói rằng chuyến đi thành công về mặt kinh tế hay giáo dục, thì các cấp Bộ Trưởng với Thứ Trưởng làm được rồi. Có lẽ, chỉ có vấn đề chất da cam là cần hiện diện của ông Triết, vì theo nghị trình thì ông Bush và ông Triết sẽ giải quyết chuyện này, mà ngay hôm Thứ Tư thì đã có các cam kết giúp đỡ nhân đạo qua kênh dân sự của hội bất vụ lợi Ford Foundation. Hình ảnh ông Bush và ông Triết ngồi bàn về chất da cam sẽ có tính biểu tượng là khép lại trang cuối cùng của Cuộc Chiến Việt Nam.
Dù ông Triết có tạo được tính biểu tượng khép lại cuộc chiến như thế, nhưng hình ảnh Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng được dân biểu Ed Royce đưa ra trong buổi họp báo ở tòa nhà Quốc Hội hôm Thứ Năm 21-6-2007 đã mở ra một phần bức màn tre để cho dư luận Hoa Kỳ thấy một cuộc chiến mới đang bắt đầu diễn ra gay gắt ở VN: cuộc chiến vì nhân quyền, vì tự do dân chủ.
Khi dân biểu Zoe Lofgren hôm Thứ Năm trình lên nghị quyết H.RES. 506 để đòi TT Bush đưa CSVN vào lại bảng các nước quan ngại CPC vì đàn áp tự do tôn giáo, và đòi rút lại quy chế ưu đãi mậu dịch PNTR; và khi 7 Thượng Nghị Sĩ ký tên trong lá thư do TNS Sam Brownback gửi TT Bush đòi áp lực ông Triết phải thả 9 phóng viên mạng đang bị giam, điều đó có nghĩa là ông Triết đã thua rất đậm về dư luận quốc tế.
Đó là những diễn biến rất cụ thể, mà bộ Âu phục và chiếc cà-vạt và cả nụ cười rất tươi của ông Triết cũng không cứu nổi. Hình ảnh tệ hại này là: Hà Nội cũng tệ hại như Bình Nhưỡng và Havana.
Riêng đối với Mỹ, Hà Nội còn tệ hơn nữa. Vì trước giờ dư luận quốc tế không bận tâm về chuyện CSVN tráo trở với dân VN, vì đơn giản đó là chuyện giữa người VN, xem như cuộc chiến nào cũng có chuyện trả thù tàn bạo, dù đó là chuyện cải cách ruộng đất, đấu tố, đổi tiền, đẩy đi kinh tế mới, giam tù cải tạo, xiết hộ khẩu, xô thuyền nhân ra biển, vân vân... Lần này, Hà Nội tráo trở với chính các chính khách Mỹ trước giờ vẫn bênh vực Hà Nội, và đã mất rất nhiều bạn trong quốc hội Mỹ.
Vậy là ông Triết đã rời Hoa Kỳ rồi. Có thêm quá nhiều chuyện để suy nghĩ. Trong lòng tôi, thì tôi vẫn mong ông Triết được sức khỏe an lành, để ông suy nghĩ nhiều thêm về chuyến đi vừa qua. Ông là người được tin là phe cấp tiến, cởi mở, ít nhất cũng đã từng hiểu được nền tự do quý giá của Miền Nam VNCH trước kia, mà ông đã góp phần làm sụp đổ. Làm sao ông Triết có thể quên được thời ông đi học ở Sài Gòn, mà không cần giấy tạm vắng naò xin từ cảnh sát Bến Cát, Bình Dương, để rồi vào Sài Gòn mà cũng không cần xin giấy tạm trú nào ở Sài Gòn. Không phaỉ đó là một tự do tuyệt vời hay sao - chỉ kể một điều đơn giản thế thôi.
Thêm nữa, kỷ niệm chuyến đi này của ông sẽ khó quên, khi từ TT Bush, cho tới các thượng nghị sĩ, dân biểu và nhiều ngàn đồng hương của ông đều lớn tiếng đòi nhân quyền.
Ông Triết hẳn không quên thời tự do biểu tình ở Sài Gòn, và lần này nhìn thấy biểu tình ở xứ Mỹ sẽ nhắc ông nhớ rằng trứơc 1975, Miền Nam cho người dân quyền tự do biểu tình. Và bản thân ông, có lẽ cũng nhiều lần biểu tình ở đại học xá sinh viên Minh Mạng (Quận 5, Sài Gòn), và cũng có lần ở ngay Đaị Học Khoa Học, nơi ông từng học, và ở Đaị Học Sư Phạm, nơi phía sau giảng đường mà ông phảỉ vào, khi ghi tên học Toán.
Tại sao bây giờ cấm dân tất cả các quyền đơn giản như thế? Bịt miệng đâu có hay ho gì đâu.
Bản thân tôi, tôi cũng mong mỏi các cán bộ trong phái đoàn ký được nhiều hợp đồng kinh tế để tăng tốc kinh tế, để tạo thêm việc làm cho dân mình. Không người hải ngoaị nào muốn làm cho dân nghèo, dù là có không haì lòng với chế độ.
Nhưng hãy nhìn vào cốt tủy vấn đề: guồng máy độc tài toàn trị chưa bao giờ làm minh bạch kế toán, và luôn luôn là cội nguồn tham nhũng, vì quyền lực tập trung vào cán bộ đảng mà không cơ quan nào được phép thắc mắc.
Ông Triết là người có cơ duyên hiểu cái hay cái dở của Miền Nam, và hiểu được lòng dân Việt hải ngoại qua chuyến đi này. Xin chúc ông và phái đoàn suy nghĩ thật kỹ, thật sâu, để tìm cho ra cội nguồn các sai lầm nhiều thập niên của chế độ.
Và hãy thấy, nhân quyền và dân chủ là mục tiêu cao quý nhất của nhân loại. Không ai có quyền nhân danh hiến pháp hay luật pháp nào để chà đạp nhân quyền và bác bỏ dân chủ. Hy vọng chuyến đi sẽ không uổng.
Trần Khải
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét