Thứ Tư, 22 tháng 8, 2007

BÓNG MA TRƯỚC CỔNG CHÙA

Thích Tuệ Quang là bút danh của một tu sĩ thuộc giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất ở Việt Nam. Bài viết này là để tặng cho một Phật tử từ hải ngoại về thăm quý thầy. Ban biên tập TTVN xin trân trọng cám ơn thầy Thích Tuệ Quang đã đồng ý cho phổ biến bài này trên trang Tâm Thức Việt Nam. (BBT/TTVN)

Cổng chùa Thanh Minh vẫn mở cửa theo giờ giấc thiền môn quy định. Nhưng ai đến đây cũng cảm thấy có cái gì tù hãm và rờn rợn, lạnh người bởi những đôi mắt cú vọ nhìn từ sau ót.

Đã bao năm rồi, mỗi lần về Việt Nam là chị đến đứng trước cổng chùa, dõi mắt ngóng trông hình ảnh vị Hòa thượng khả kính chỉ để một lần được chiêm bái tôn nhan ngài. Bên tai chị nghe như có âm vang hùng hồn cất lên từ lòng từ bi bao la, cả đời lo cho vận mệnh đạo pháp và dân tộc. Chị biết Hòa thượng đang ở trong đó và cửa chùa thì luôn rộng mở, nhưng hình như có một trở lực vô hình nào đó giống như sức mạnh của bóng ma đã ngăn đôi chân chị lại. Ma lực ấy còn dễ sợ và nguy hiểm hơn sóng gió Đại dương mà chị đã từng vượt qua. Đã hơn 2 giờ đồng hồ nhưng hình ảnh vị Hòa thượng kính yêu vẫn biền biệt nơi đâu. Còn bên đường thì dòng người mãi tấp nập tìm kế sinh nhai trên con phố bụi bặm, phó mặc cho vận nước đi đâu về đâu. Lòng chị xót xa cất lên tiếng gọi hỡi Việt Nam thân yêu, ai làm nên không gian ám hãm ngục tù? Điều này chúng ta thật xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu xa mà còn vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt. Chị đành trở về với bao nỗi niềm dĩ vãng.

Đó là tâm sự của chị Khánh Vân định cư tại Hoa Kỳ mỗi khi về Việt Nam muốn đến vấn an Đại lão HT. Thích Quảng Độ mà tôi đã nghe anh Trường Sơn mới ở hải ngoại về kể lại.

Ngày ấy, người ta đã quyết đi tìm phương trời tự do vì không sống nổi dưới bàn tay bạo chúa. Họ ra đi mang theo tình yêu quê hương và sự tủi hờn của một thế hệ mất nước. Quả thật nền chính trị hà khắc khiến con người sợ hãi còn hơn thú dữ. Cho nên, họ đã chấp nhận cái chết để tìm cửa sống và sống đúng với giá trị làm người.

Thế rồi 32 năm trôi qua, đất nước đổi mới. Đổi mới cả “bản đồ địa lý” và hình thức cai trị. Bên cạnh những thành tựu có tính nhất thời như liều thuốc phiện xoa dịu cơn đau mà báo chí Việt Nam thường ca ngợi phát triển, thì những bất cập toàn diện trong mọi cơ tầng xã hội và những tiềm ẩn lũng đoạn cả mặt vật chất và đạo đức dân tộc đang dần bộc phát. Điều này giống như một cơ thể sưng tấy, không phải là to khỏe mà chỉ là sự bịnh hoạn toàn diện. Đây chính là thực trạng mà dân tộc Việt Nam đang đón nhận một cách giả dối, mệt mỏi.

Thực trạng là như thế, nhưng người Cộng sản Việt Nam vẫn duy ý chí, không chấp nhận xu thế đa nguyên dân chủ, tinh hoa nhân loại. Ngược lại, họ còn tiếp tục dùng những thủ đoạn lừa bịp tinh vi hơn để che mắt thế giới, mời gọi kiều bào hải ngoại hà hơi tiếp sức bằng con đường viện trợ và đầu tư kinh tế để họ kéo dài tham vọng quyền lực. Nhưng điều đó chỉ có thể phỉnh gạt những khối óc rồ dại chứ không thể che mắt được người trí. Tuy nhiên, hiểu biết là một chuyện, còn dũng cảm hành động theo hiểu biết của mình lại là chuyện khác.

Chị Khánh Vân, anh Sơn, những con người đại diện cho thế hệ trí thức trẻ Việt Nam hải ngoại luôn kính ngưỡng bước chân của quý ngài là vì sao? Bởi hạnh nguyện của quý ngài đã thể hiện nỗi lòng dân tộc, tinh thần bất khuất trước bạo lực, xả thân vì đạo đức sáng ngời. Là một tu sĩ trẻ, tôi cũng như đại đa số tăng ni Việt Nam đều có lòng kính ngưỡng các bậc cao tăng thạc đức. Nhưng với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ thì khác, uy đức và tài năng của ngài không những chỉ ảnh hương sâu sắc trong cộng đồng Tăng tín đồ Phật giáo, mà còn có sức ảnh hưởng rất lớn trong mọi tầng lớp xã hội Việt Nam cũng như trên thế giới. Với đồng bào hải ngoại yêu nước, ngài như ngôi bắc Đẩu rực sáng giữ trời khuya. Với giới trí thức, họ kính trọng ngài như bậc thức giả… Nhưng với Đảng Cộng Sản thì ngài là cây gai trong mắt, nhổ bỏ càng sớm càng tốt. Tại sao? Bởi ngài là bậc lãnh tụ tinh thần không chỉ riêng về tôn giáo mà còn là ngọn cờ để giới chính khách quy tụ, lắng nghe và nhận thức bản chất chế độ độc tài.

Có lần hầu chuyện ngài, tôi được nghe ngài kể về một cuộc điện thoại nặc danh. Nhắc máy lên, ngài nghe người thanh niên bên kia đầu dây nói: “Nếu mày còn bôi nhọ chế độ nữa, tao sẽ bắn bể đầu mày”. Hòa thượng đáp lời: “Chế độ này đen như cái trôn nồi, còn nơi nào nữa để bôi nhọ”. Một lời ứng đối như thế, nếu chỉ dừng lại về chuyện khủng bố tinh thần của mật vụ công an thì chỉ là chuyện gặp phải như cơm bữa của những người bất đồng chính kiến mà thôi. Nhưng nếu suy ngẫm thêm, chúng ta nghe như cười ra nước mắt, bởi nó đã lột hết mặt nạ của một chủ nghĩa mị dân.

Cho nên có thể nói, con người hiện đại chỉ có tự do và hạnh phúc trong một phức hợp nhiều cơ tầng kinh tế chính trị xã hội, chứ không thể thích hợp hoàn toàn trong một đảng phái nào cả. Nếu đảng phái nào bắt mọi người đồng ý với tư tưởng của mình, thì đó là hành động sai lầm và hết sức phi thực tế. Cho nên, xu thế đa nguyên dân chủ là một hình thái chính trị xã hội tất yếu mà Việt Nam phải đi qua. Tuy nhiên để làm được điều này, đòi hỏi chúng ta phải hành động, chứ không thể chỉ bằng tấm lòng tốt và những lời nói ngoa.

Chúng ta có quyền hy vọng một tương lai tự do – dân chủ sẽ có mặt tại Việt Nam, mạng sống người dân sẽ được bảo đảm trong một nê`n pháp trị thật sự. Niềm hy vọng sẽ thắp sáng cho hành động. Ngày ấy, những bóng ma không còn chờn vờn đây đó và cổng chùa vẫn luôn rộng mở, mọi người ra vào tham vấn tự do.

Thích Tuệ Quang
August 20, 2007
http://www.tamthucviet.com

Không có nhận xét nào: