Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2007

Lịch sử cơ hồ sang trang

“… Mong sao không phải chỉ là cơ hồ mà đúng là lịch sử sẽ sang trang để đất nước thôi chìm đắm trong vũng lầy của những sai lầm tệ hại cũ …”

Người đi dây xiếc hay người cố đấm ăn xôi?

Báo Washington Post, tờ báo có lượng phát hành lớn nhất Hoa Kỳ, số ra ngày 21 tháng 6 năm 2007 dành trọn một trang đăng bức thư nói về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có chữ ký của chủ tịch Nguyễn Minh Triết, kèm theo ảnh chủ tịch Nguyễn Minh Triết bắt tay tổng thống Mỹ George Bush, phía sau là bức tượng chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng của Việt Nam; kế đó là ảnh chủ tịch Nguyễn Minh Triết đứng xem tổng thống G. Bush gẩy đàn bầu trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11 năm 2006.

Mở đầu, bức thư kể lại truyền thống bang giao hữu hảo lâu đời Việt Nam-Hoa Kỳ thông qua các sự kiện: ngay từ khi nước Mỹ mới ra đời, năm 1787, Thomas Jefferson đã đem giống lúa Việt Nam về trồng trong trang trại của mình ở Virginia và năm 1801 ông đã trở thành Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ. Chính câu nói bất hủ của ông “ Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc ” đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sau lời kiểm điểm ngậm ngùi: “Quan hệ giữa hai nước chúng ta đã trải qua một quá khứ thăng trầm và đáng buồn”, với sức mạnh kiên cường của sự phản tỉnh, chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Ngày nay, vì cả lợi ích trước mắt và lâu dài của hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ đang nỗ lực cùng nhau xây dựng một chương mới trong lịch sử giữa hai nước ”.

Nhận thức đúng đắn được rằng: “Tôi thiết nghĩ một nước Việt Nam ổn định và phồn vinh cũng là ý nguyện của chính phủ và nhân dân Mỹ”, lời quả quyết của chủ tịch Nguyễn Minh Triết như dao chém đá: “Với Việt Nam, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ luôn luôn là một đối tác quan trọng và cam kết hợp tác nhiều mặt của chúng tôi là chắc chắn”. Ông tự giao trọng trách thiêng liêng cho chuyến công du của mình: “Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, chuyến thăm của tôi tới đất nước các bạn lần này sẽ tạo thêm đà cho sự phát triển và đa dạng hóa các mối quan hệ giữa hai nước”.

Tổng giá trị của các hợp đồng thỏa thuận được ký kết trong chuyến đi lên tới 11 tỉ USD là con số đạt được lớn vượt trội hẳn con số dự kiến 4 tỉ rưỡi lúc lên đường. Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) được xem là bước tiếp theo của Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) và là bước mở đầu tiến tới Hiệp định Thương mại Tự do mở ra triển vọng rất lớn trong giao thương kinh tế .

Kể từ khi Hiệp định Thương mại Song phương ( BTA ) có hiệu lực đến nay, quan hệ buôn bán giữa hai nước tăng nhanh: Kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2005 đạt 7,8 tỉ USD, tăng gấp 5 lần năm 2001 (1,5 tỉ USD ); năm 2006 đạt 9,7 tỉ USD, trong đó Việt Nam nhập 1,1 tỉ USD và xuất 8,6 tỉ USD. Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và nước ta luôn xuất siêu lớn sang Hoa Kỳ. Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam đến tháng 4-2007 đạt hơn 2,3 tỉ USD, xếp thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (nếu tính cả qua nước thứ ba thì đạt khoảng 4,3 tỉ USD). Hiện đã có hơn 1 000 doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam ….

Triển vọng giao thương kinh tế rồi đây chắc sẽ còn lớn hơn nhiều, tuy nhiên đáng nức lòng hơn phải là những dòng tin sau đây được đăng trên các tờ báo lớn của Đảng như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân:

- Chủ tịch Nguyễn Minh Triết kể: “Tôi và tổng thống Mỹ đã thỏa thuận với nhau nhiều vấn đề , kể cả một số việc nhạy cảm. Chúng tôi đồng ý với nhau rằng những việc hôm nay đã hứa hẹn tương lai mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác khá toàn diện giữa hai nước, hai dân tộc”.

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới và kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam là bạn với các nước, trong đó luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Mỹ vì lợi ích của nhân dân hai nước và vì hòa bình, an ninh và phát triển ở Châu Á.

- Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Nhân dân hai nước chúng ta mong muốn có hòa bình, đoàn kết, hữu nghị. Không có lý do gì chúng ta không xích lại gần nhau, đoàn kết, thân thiện. Ngay cả người nông dân bình thường cũng hiểu được điều đó! Và sự thật, Nhà nước, Chính phủ hai nước cũng muốn đi trên con đường này. Tôi đến thăm Hoa Kỳ cũng với thiện chí đó ”

- Hai nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá quan hệ song phương Việt Nam và Mỹ đang tiến triển tích cực và nhất trí phương hướng phát triển quan hệ sâu rộng, ổn định và hiệu quả hơn nhằm đáp ứng lợi ích và mong đợi của nhân dân hai nước.

- Tổng thống G. Bush tin rằng Việt Nam sẽ trở thành nước có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực Châu Á; mong chính phủ Việt Nam có những biện pháp tích cực để thu hút mạnh các nhà đầu tư Mỹ. Tổng thống George Bush cũng đồng tình với chủ trương phát triển giáo dục chất lượng cao của Việt Nam.
- …….

Xiết chặt quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ không còn chỉ là nghĩa vụ, là trách nhiệm của lý trí mà đang thấm vào trái tim của chủ tịch nước Việt Nam. Tình cảm đó không biết được hun đúc từ bao giờ nhưng dễ dàng nhận thấy nó đã bộc phát qua thực tế khi ông được trực tiếp tiếp xúc với chính giới, với các nhà khoa học, với người dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nghe như trái tim ông từng rung lên khi kể: “Những người nông dân Hoa Kỳ đó có những cử chỉ hết sức thân thiện và tình cảm đối với đoàn chúng tôi. Ông chủ nhà nhiều lần ôm hôn tôi thật thắm thiết. Điều đó nói lên cái gì ?”.

Câu chuyện được nông dân Hoa Kỳ ôm hôn thắm thiết đã được chủ tịch Nguyễn Minh Triết kể hơn một lần, ngay cả trong buổi họp báo sau cuộc giao kiến lịch sử tại Tòa Bạch Ốc ngày 22 tháng 6 năm 2007: “ Ví dụ như ngày hôm qua, khi tôi có dịp đến thăm một nhà nông trồng nho. Cuộc sống của họ thật hạnh phúc, họ có tình cảm nồng hậu đối với Việt Nam. Chủ nhà ôm tôi nhiều lần không muốn từ biệt ”.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ở Los Angeles sáng 23 tháng 6 năm 2007 chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói như khoe: “Chúng tôi đến đâu cũng gặp những khuôn mặt vui tươi, hồ hởi và hăng hái đối với tương lai hợp tác giữa hai nước”.

Tuy nhiên, trong chuyến công du Hoa Kỳ, ông Triết có một câu nói rất dở khi ông tuyên bố Việt Nam không cần cải thiện về nhân quyền. Dẫu sao, tôi nghĩ rằng đấy là một câu sẩy miệng xuất phát từ giây phút mất bình tĩnh trước hàng loạt câu cật vấn về tình trạng xâm phạm dân chủ, nhân quyền nặng nề đã xẩy ra ở Việt Nam ngay trước lúc ông Triết đến Mỹ. Một em học sinh cấp ba bình thường cũng có thể hiểu nhân quyền là mục tiêu lý tưởng mà mọi chế độ chính trị, mọi thứ chủ nghĩa đều phải không ngừng phấn đấu để tiếp cận gần hơn, đạt được nhũng tầm mức ngày càng tốt hơn, cao hơn. Hoa Kỳ cũng phải không ngừng cải thiện về nhân quyền, Việt Nam không thể là ngoại lệ.

Chuyến thăm Hoa Kỳ lịch sử của vị chủ tịch nước Việt Nam nhẽ ra đã vẻ vang hơn. Nhẽ ra đã có 21 phát súng chào, có quốc yến … Nhẽ ra tổng thống Bush đã được lịch sự hơn, thoải mái vui vẻ hơn khi không phải nhắc nhở: “Tôi cũng nói rất rõ rằng để cho các mối quan hệ phát triển sâu nặng hơn, điều quan trọng cho những người bạn của chúng ta là có một cam kết mạnh mẽ về nhân quyền, tự do và dân chủ. Tôi đã bầy tỏ niềm tin sâu sắc của mình rằng các xã hội sẽ giầu mạnh hơn khi con người được phép bầy tỏ bản thân một cách tự do và thực hành tín ngưỡng tự do”. Đón tiếp chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại Quốc hội Hoa Kỳ, nhẽ ra bà chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi không đến nỗi phải gay gắt: “Chúng tôi mong muốn sớm có dịp thảo luận nghiêm túc với ông về những vấn đề được nhiều vị dân cử trong Quốc hội của chúng tôi nêu lên liên quan đến dân chủ tại Việt Nam”. Ông Ed Royce còn nghiêm khắc hơn: “Hoa Kỳ và Việt Nam đã thực hiện nhiều mức độ đáng chú ý để tiến tới một quan hệ bình thường, nhưng tình trạng hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa thể chấp nhận được. Nếu chúng ta muốn thắt chặt quan hệ hữu nghị với Việt Nam, như ý ông Triết muốn, thì nhà nước Việt Nam phải đón nhận đa nguyên chính trị trong tất cả mọi hình thức. Bịt miệng các nhà tranh đấu và ngăn cấm tự do tôn giáo không phải là những con đường để tiến tới một quan hệ hợp tác chặt chẽ ”. Ông còn cho biết: “Không phải chỉ một mình tôi mà tất cả các dân biểu có mặt đều đặt vấn đề với chủ tịch Triết về vụ đàn áp các nhà tranh đấu, bắt tù cả thanh niên chỉ vì họ nói chuyện dân chủ trên Internet. Phái đpàn Việt Nam cũng muốn lái qua các đề tài khác nhưng cuộc nói chuyện cứ trở về chuyện nhân quyền” … (Dân biểu Ed Royce, đảng Cộng hòa, là thành viên thâm niên của Ban Đặc nhiệm về Khủng bố, Nguyên tử và Thương mại thuộc Ủy ban Ngoại giao Quốc hội Hoa Kỳ. Ông rất quan tâm đến Việt Nam. Năm 1996, biết tôi đang làm việc với bộ môn Cổ từ học ở trường đại học UCLA- California, ông đã mời tôi đến hội đàm 2 buổi tại Văn phòng Quốc hội của ông).

Không chỉ sượng mặt trước chính giới Hoa Kỳ mà tủi hổ nhất là chủ tịch Nguyễn Minh Triết còn bị đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình phản đối. Trong thực tế, không chỉ chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mà chính tổng thống Mỹ khi ra nước ngoài cũng đôi lần đã gặp biểu tình phản đối, thậm chí còn bị “xơi” cà chua, trứng thối. Tuy nhiên, những người tham gia biểu tình phản đối tổng thống Mỹ là người nước khác, ở đây, điều tệ hại bội phần là ở chỗ, ông Chủ tịch nước Việt Nam lại bị chính đông bào mình la hét, nguyền rủa trước bàn dân thiên hạ. Bản tin nước ngoài đã nói về những cuộc biểu tình đó: “là cuộc biểu tình vĩ đại nhất từ trước tới nay tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn của cộng đồng người Việt hải ngoại. Vào sáng thứ sáu, ngày 22 tháng 6 năm 2007, trên 2000 bà con đồng hương từ khắp nơi- hai mươi tiểu bang Hoa Kỳ, Canada và Úc châu – cùng với một số cựu chiến binh Mỹ và phái đoàn các đồng bào sắc tộc Thượng, đã tập trung tại công viên La Fayette từ sáng để đón đầu Nguyễn Minh Triết với một rừng Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và một rừng biểu ngữ…. Khí thế đoàn biểu tình hùng hậu đến nỗi phái đoàn của Triết hoảng sợ, không dám đi cửa chính, phải lén dùng cửa hậu để vào Tòa Bạch Ốc rồi lại lén dùng cổng hậu để chuồn ra ngoài …”.

Cho nên, một số ý kiến nhận xét và bài viết đã lăng mạ thậm tệ, mô tả như một chuyến đi ô nhục thảm hại. Tuy nhiên, trong số những bài viết từ nước ngoài, tôi có nhiều điều tâm đắc với bài “Đừng đẩy Việt Nam vào vòng tay Trung Quốc” của nhà bình luận chính trị uyên thâm Trần Bình Nam. Ông cho rằng: “Chuyến đi của ông Triết (với bao nhiêu trục trặc) là một điều có lợi về mặt chiến lược cho cả hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam. Vì nếu chuyến đi bị hủy bỏ, kẻ có lợi duy nhất là Trung Quốc. Ít nhất chuyến công du cũng chứng tỏ Việt Nam vẫn còn một chút độc lập với Trung Quốc và muốn xích lại gần Hoa Kỳ”.

Thật vậy, nhiều người trong chúng tôi có lúc đã thót tim thất vọng về khả năng của chuyến đi này. Họ phá đến như thế, những kẻ chỉ đạo từ nước ngoài và cái bọn Việt gian gián điệp ở bên trong, kể cũng đã vô cùng nham hiểm và hết sức quyết liệt. Thế mà chúng ta đã thắng. Về hình thức thì không vẻ vang lắm nhưng đối với tầm chiến lược thì thắng lợi là rất căn bản Hai chiến tướng George Bush và Nguyễn Minh Triết đã hợp đồng nhau làm nên chiến thắng này. Bush vẫn quả quyết mời và Triết vẫn dũng cảm lên đường.

Cái trí thông minh và bản lĩnh của George Bush đã rất đáng ghi nhận, sự quyết đoán và lòng dũng cảm của Nguyễn Minh Triết càng đáng ngợi khen hơn.

Sao ông Triết không phật lòng được khi hay tin ông Bush đã đón tiếp các “lãnh tụ chống Việt cộng” trong Phòng Bầu Dục trước mình! Sao ông Triết không hình dung trước được cảnh bà con Việt Kiều sẽ rầm rộ biểu tình phản đối mình. Thế mà ông vẫn “quyết lòng dứt áo ra đi !” trước cái cảnh “gió mây chừng đã…”.

Lòng dũng cảm còn phải đương đầu chủ yếu với thực tế sau đây. Không cứng bóng vía sẽ không khỏi chờn chợn trước cái tinh thần chống Mỹ còn nghi ngút trong những thần uy đâu đó và gương Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch … còn kia. Từ các báo cáo mật của Tổng cục II do Nguyễn Nam Khánh bạch hóa, hàng loạt dấu hỏi rợn người còn kề sau gáy bao nhiêu quan chức cách mạng có lý lịch căn cốt hơn, có bề dầy cách mạng đảm bảo hơn Nguyễn Minh Triết rất nhiều.

Lại nữa, không phải xa xưa mà ngay “Báo cáo tại Hội nghị Đảng ủy Quân sự Trung ương mở rộng, ngày 24 tháng 8 năm 2004” còn xác định rõ ràng: “Với ưu thế vượt trội về kinh tế và quân sự, Mỹ đẩy mạnh triển khai chiến lược toàn cầu với mức độ cực đoan hơn, hiểu chiến hơn nhằm nhanh chóng áp đặt sự lãnh đạo độc tôn, khẳng định vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ trên thế giới. Cách mạng Việt Nam tiếp tục đối mặt với 4 nguy cơ đã được các Đại hội Đảng xác định. Với mục tiêu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam chuyển hoá chế độ XHCN ở Việt Nam, Mỹ gia tăng các hoạt động “diễn biến hoà bình” bằng những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt …”.

Mỹ vẫn được xác định là kẻ thù nguy hiểm. Cho nên trong các cuộc hội kiến nhân hội nghị APEC 14 vừa qua, nguyên thủ quốc gia nào mời, đài Tiếng nói Việt Nam cũng hồ hởi loan tin: “Chủ tịch Nguyễn Minh Triết vui vẻ nhận lời”. Riêng với lời mời của tổng thống G. Bush, đài TNVN lần đầu chỉ dè dặt: “Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã nhận lời”. Các buổi thời sự sau mới dám bổ cứu: “Chủ tịch Nguyễn Minh Triết vui vẻ nhận lời”.
Hàng loạt cuộc biểu tình của đồng bào Việt Nam ở Mỹ đã nổ ra tại tất cả các nơi ông Triết đến. Đấy là những phản ứng thích đáng và cần thiết, nhưng ở đây, tôi cũng hiểu như ông Trần Bình Nam : “ Đây là cơ hội tốt nhất về truyền thông để nói lên tiếng nói phản đối chinh sách độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản, và nhất là phản đối đợt đàn áp các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam qua một loạt truy tố và xử án linh mục Nguyễn văn Lý, các luật sư Nguyễn văn Đài, Lê thị Công Nhân, các ông Huỳnh văn Đạo, bác sĩ Lê Nguyên Sang vv …Nhưng trên căn bản, những tổ chức có trách nhiệm tổ chức biểu tình cần thấy rằng đây không phải là biểu tình chống sự thăm viếng của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hay bất cứ người đại diện nào của chính quyền Việt Nam. Chống thăm viếng có nghĩa là chống sự xích lại giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Và khi Việt Nam không thể xích lại với Hoa Kỳ thì Việt Nam chỉ còn đồng minh phương Bắc để xích lại ”.


*

Lượng thông tin và sức hàm chứa của nội dung bài viết chưa tương xứng với tiêu đề “Lịch sử cơ hồ sang trang”. Dẫu sao, chỉ một dữ kiện sau đây đã là một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước: Không phải chỉ đã giã biệt cái cuồng vọng hò nhau đánh Mỹ đến cái lai quần mà đang có khả năng chuyển từ tình thế đu dây chông chênh sang trạng thái vững vàng tay phải nắm Hoa Kỳ, tay trái nắm Trung Quốc ung dung bước tới tương lai.

Hội nghị Trung ương ĐCS lần thứ 5 của khóa này đang diễn ra với nội dung chủ yếu là sắp xếp nhân sự mà sự tranh chấp giữa cấp tiến với bảo thủ, giữa tả và hữu ắt sẽ gay go, trong đó hệ quả chuyến thăm Hoa Kỳ của chủ tịch Nguyễn Minh Triết hẳn sẽ được các bên đem ra cọ sát.

Dư luận tung ra là người ta đang cố chứng minh yêu cầu khẩn thiết phải gộp chức chủ tịch nước vào tay tổng bí thư Nông Đức Mạnh cho giống ông Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, càng ngày người ta càng thấy ông Mạnh “ tài Nông mà đức cũng Nông ”. Là Tổng Bí thư ĐCSVN trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ nhưng công tác xây dựng Đảng, đổi mới Đảng làm rất kém hoặc hầu như bỏ bễ không làm gì, trong khi đó ông sang mấy nước Mỹ Latinh và Cuba ôm lấy Castro và Chavez nói lảm nhảm và tiếm quyền Chủ tịch, Thủ tướng đứng ra ký tá các văn bản thuộc phạm vi của Nhà nước và Chính phủ.

Trong tình hình hiện nay, người xứng đáng và cần thiết phải nắm cả hai trọng trách, Tổng Bí thư ĐCSVN và chủ tịch nước CHXHCNVN, nên là ông Nguyễn Minh Triết.

Người ta rất không hài lòng với chức trách của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi để xẩy ra đợt đàn áp phi pháp, vô đạo, phản chính trị vừa qua, nhưng khen Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra năng nổ, đĩnh đạc hơn Phan văn Khải. Dự kiến cải tổ nội các với sự bổ sung hai phó thủ tướng trẻ, có kiến thức hiện đại, ông Nguyễn Thiện Nhân (nghiên cứu sinh đại học Harvard) và ông Hoàng Trung Hải (tu nghiệp sau đại học tại Ireland), đồng thời phế bỏ cương vị Phó thủ tướng thường trực của ông Nguyễn Sinh Hùng được xem là sáng suốt. Dự kiến chọn PGS-TS Nguyễn thị Doan thay bà Trương Mỹ Hoa cũng được xem là đúng đắn. Bà Doan không chỉ hơn bà Mỹ Hoa về trình độ và nhân cách mà hơn cả các bà phụ nữ khác trong danh sách đề cử của Đảng.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có thể nên được xem xét đảm nhiệm thêm cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đề ông Phạm Gia Khiêm chuyển sang đảm nhiệm Chủ tich Quốc hội.
Mong sao không phải chỉ là cơ hồ mà đúng là lịch sử sẽ sang trang để đất nước thôi chìm đắm trong vũng lầy của những sai lầm tệ hại cũ, đặng vươn tới những vị trí xứng tầm dân tộc Việt Nam chứ không chỉ có dân mạnh, nước giàu.

Hà Nội 11 tháng 7 năm 2007
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại : ( 04 ) 5534370

Không có nhận xét nào: