Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2007

Vải thưa không che được mắt thánh

Ngày 12/07/2007 Nghị Viện châu Âu đã ra một nghị quyết lên án nhà cầm quyền Hà Nội về việc đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo và những người bất đồng chính kiến.

Bản nghị quyết đã được thông qua với đa số 68 phiếu thuận, chỉ 2 phiếu chống.

Nghị viện Âu Châu tỏ ra “lo ngại” (từ trong nguyên văn) về hồ sơ được trình bày bởi các dân biểu Đông Âu và Tây Âu nói về đợt đàn áp dân chủ chưa từng có trong thời gian 3/2007 - 5/2007, các vụ xử án bất công với những người bất đồng chính kiến, cũng như các cuộc phong toả, trấn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Bản nghị quyết nói rằng, điều 88 Bộ Luật Hình sự của Việt Nam hiện nay hoàn toàn trái với các Công ước quốc tế mà chính phủ Việt Nam đã ký kết.

Việc dựa vào Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002 để đưa một các nhà bất đồng chính kiến vào bệnh viện tâm thần là một hành động không thể chấp nhận, cần phải lên án nghiêm khắc. Nhà cầm quyền Hà Nội, trong thế kỷ XXI mà vẫn còn áp dụng phương pháp vô nhân đạo và tàn ác giống như tại Liên Xô trước đây.

Bản nghị quyết đề nghị chính phủ Việt Nam phải có những thay đổi và tin rằng các cơ chế tại Âu Châu cũng cần phải tạo áp lực đối với Việt Nam.

Nghị quyết đã được thông báo rộng rãi và các phương tiện truyền thông quốc tế đều đưa tin.

Cùng ngày, tin tức cho hay, trong 3 nghị quyết chấm dứt phiên họp toàn thể trong tuần, các dân biểu Thụy Điển tại nghị viện đã kêu gọi giúp đỡ cho làn sóng người tị nạn Iraq, phê phán tình trạng vi phạm nhân quyền tại Transnistria, Moldovia và cũnng bày tỏ quan ngại về những vụ đàn áp những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

Theo tin của RFI ngày 13/07/2007, Nghị viện châu Âu yêu cầu Hà Nội chấm dứt đàn áp nhân quyền, tôn trọng tự do tôn giáo, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người đang bị giam giữ vì bất đồng chính kiến. Một danh sách gồm 20 người được nêu lên trong nghị quyết. Đó là, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đình Thành, Nguyên Phong, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Quốc Hiền, Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Việt Lang (Huỳnh Nguyên Đạo), Lê Nguyên Sang và các Hoà thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ…

Trong bản nghị quyết cũng đưa ra vụ việc Hà Nội đã đàn áp 200 người Khmer trong tháng 2 vừa qua.

Liên hiệp châu Âu (EU) là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đồng thời Việt Nam vẫn nhận nhiều khoản viện trợ của các nước thành viên EU. Do đó, bản nghị quyết nhấn mạnh đến tương quan nhân quyền và thấy rằng EU có thể gây áp lực lên Việt Nam trong quan hệ song phương.

Cũng theo nghị quyết này từ tháng 3/2007, Hội đồng Âu châu đã chấp thuận tăng 30% khoản tiền trợ giúp cho Việt Nam trong thời gian từ nay tới năm 2013, nâng số tiền trợ giúp đó lên tới 304 triệu € (Euro).

Bản tin của đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 13/07/2007 cho hay: “Các dân biểu tại Nghị viện Âu Châu cũng thúc giục Việt Nam thi hành các biện pháp cải cách chính trị và cơ chế nhằm kiến tạo một nền dân chủ và pháp trị, bắt đầu bằng việc áp dụng hệ thống đa đảng, cho phép báo chí và công đoàn được tự do hoạt động. Quyền tự do tín ngưỡng đã được chú trọng trong những lời hô hào nầy bên cạnh đòi hỏi chính phủ Việt Nam chấm dứt kỳ thị đối với cộng đồng người Thượng”.

Rõ ràng, luận điệu của cộng sản Việt Nam từ các phương tiện truyền thông báo chí, phát ngôn viên của chính phủ Lê Dũng, đến phát biểu chủ tịch nước trong chuyến thăm Wshington tháng 6 vừa rồi rằng, Việt Nam không có những người bất đồng chính kiến bị đàn áp mà chỉ có “những người vi phạm pháp luật” - xem ra không thể lừa bịp được dư luận thế giới. Một thứ pháp luật mà lại “hoàn toàn trái với các Công ước quốc tế mà chính phủ Việt Nam đã ký kết” như Nghị viện Châu Âu nhận định, thì hỏi cái thứ luật ấy là luật gì, nếu không nói là luật mafia, luật rừng? Bởi vì theo tập quán và thông lệ quốc tế, khi một quốc gia đã cam kết thực hiện một điều luật nào đó trong khuôn khổ công pháp quốc tế, thì điều luật đó phải đứng trên luật của quốc gia đó.

Nghị viện châu Âu (European Parliament) là một định chế có từ năm 1952, hiện tại với 736 dân biểu của 27 nước thành viên dân chủ (năm 2007) thuộc EU với trụ sở tại Strabourg (Pháp). Theo Luật của EU, mọi cuộc bỏ phiếu thông qua các văn bản được tiến hành bằng phương pháp bỏ phiếu kín, theo tỷ lệ phân bổ số phiếu cho từng quốc gia (dựa trên số dân và một số tiêu chuẩn khác).

Như vậy, Hà Nội khó có thể làm ngơ, phủ nhận các nhận định trong bản nghị quyết của Nghị viện Âu châu - một định chế có uy tín và quan trọng trên thế giới, và lại tiếp tục rêu rao không biết ngượng rằng, đây là tuyên truyền sai trái, phản động, thiếu thực tế của các lực lượng thù địch của Mỹ phương Tây.

Đảng cộng sản Việt Nam dùng mãi vải thưa để che mắt thánh sao? Đó là chưa nói đến tất cả các vụ việc đàn áp phong trào tranh đấu ôn hoà đòi tự do tôn giáo và dân chủ rõ ràng như ban ngày dưới ánh sáng của mặt trời sự thật.

Không có nhận xét nào: