Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2007

Một thể hiện đáng trọng của tuổi trẻ Việt Nam

“… Đối với con người, tự do trên chính mảnh đất của họ là điều thiêng liêng nhất …”[Nelson Mandela]

Với sự bùng nổ của công nghệ truyền thông, chuyên ngành báo chí đã phải nhường bớt sự “ kiêu hãnh” bấy lâu cho những người dân bình thường nhất (citizen-journalism), thì việc “nhỏ” thêm vào cái biển báo chí đó một tờ tạp chí chả phải là một sự kiện lớn. Nhưng đối với một đất nước mà tất cả các cơ quan có bổn phận đầu tiên là cất lên tiếng nói cho nhân quần đã bị ràng buộc hoàn toàn bởi giới thống trị, thì việc ra đời thêm một tạp chí không chấp nhận sự ràng buộc đó là một sự kiện đáng kể, và nó còn đáng kể hơn khi đó là lần đầu tiên suốt hơn nửa thế kỷ trong sự ràng buộc của cường quyền, những con người chủ trương và thực hiện thoát khỏi sự ràng buộc đó chỉ mới đang ở độ tuổi sớm của “ khi ta hai mươi”, độ tuổi thường rất thiếu tiền bạc, kinh nghiệm, “ ham ăn, ham chơi” và sự thừa thãi nếu có chỉ là sự non nớt và khát vọng. Đó chính là trường hợp ra đời của tạp chí điện tử Phía Trước cách đây đã hơn 02 tháng nhằm ngày 25/04/2007.

Phía Trước đã trình làng được ba số đều đặn. Số thứ 3 đã cho độc giả thấy “Ông” chủ nhiệm Phan Tiến Phúc, với gương mặt thư sinh của một sinh viên đang du học tại San jose-California, vùng đất qui tụ nhiều người Việt xa xứ. Theo lời giới thiệu của “Ông” chủ nhiệm, “Nhóm biên tập và thiết kế tạp chí Phía Trước chúng tôi hầu hết đều là những học sinh, sinh viên, còn đi học hay mới tốt nghiệp”. Sự băn khoăn có thể đến ngay với độc giả là không hiểu các nhà báo tự do trẻ tuổi này có biết khi chủ trì một cơ quan ngôn luận tự do như thế cũng đồng nghĩa với việc đối mặt với sự “phật ý” của các bậc cha chú đang nắm “quyền lãnh đạo tuyệt đối” tại quê nhà không, không hiểu các nhà báo tự do trẻ tuổi đó có lường trước những hăm dọa, sách nhiễu và có thể cả hơn thế đang rình rập hoặc đang chờ đợi các bạn ngay Phía Trước không. Nhưng, việc cho ra đời một ấn phẩm thường kỳ với những chuyên mục định sẵn, đề cập đến các lĩnh vực trọng yếu của một xã hội như Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Lịch sử, Nghệ thuật,… chắc chắn không còn là một việc vui vẻ, bộc phát trong một giây cao hứng của tuổi bồng bột mà nó phải là kết quả của một ý thức nghiêm túc, một kế hoạch đã được thảo luận nghiền ngẫm kỹ càng của một tập thể có trí tuệ.

Ba số trình làng, Phía Trước đã cho thấy ban biên tập và chủ nhiệm có thể là những người rất trẻ tuổi nhưng không quá non nớt và ngây thơ trước thời cuộc. Vâng, rất muốn nhấn mạnh chữ “ không quá” chứ không phải “ không”, bởi sự khiêm nhường luôn có giá trị như bộ tản nhiệt của một cỗ máy nhiệt huyết tuổi trẻ.

Cách trình bày và những chuyên mục trong ba số Phía Trước vừa qua đã phần nào phác lên một chân dung của Phía Trước có thể ví như một thanh niên tuấn tú, vận trang phục “ Model” nhưng lịch thiệp, với những hiểu biết mang tầm “ toàn cầu hóa”, nhưng vẫn không giấu được những nét duyên “ quê” đáng yêu đậm chất Việt nam và nét nhí nhảnh, tinh nghịch của tuổi sách bút, đặc biệt có một nét mà không hề tìm thấy trong mọi chân dung đang được dựng lên ở trong nước, đó chính là những suy tư, trăn trở và tìm tòi cho một cách quản trị quốc gia hiệu quả, bứt khỏi những khuôn sáo ngặt nghèo của mọi đảng phái.

Các vấn đề được đề cập cho thấy Phía Trước đã bám sát những sự kiện trong nước với một nhãn quan phần nào đã thể hiện có sự đối chiếu toàn cầu, từ vấn đề bầu cử cơ quan lập pháp, cải cách hành chính, quản lý đô thị, vấn nạn trong giáo dục,v.v và trong số 03, Phía Trước như muốn nhắn gửi một thông điệp có giá trị, trong giai đoạn đã có một số “ đào thoát”, thông qua một suy ngẫm của Nelson Mandela: “ Đối với con người, tự do trên chính mảnh đất của họ là điều thiêng liêng nhất”.

Trong nền giáo dục của một quốc gia mà sự “ sao chép” đã trở thành phương pháp giảng dạy ở mọi trình độ, trong một dân tộc mà giới trẻ luôn bị hướng vào việc vinh thân, phì gia, trong một xã hội mà sự đề cập đến việc thay đổi chính trị luôn bị ám chỉ là điều nguy hiểm, thì những thể hiện của nhóm người trẻ tuổi của Phía Trước đã cho thấy luôn có những con người không chỉ có khả nãng thoát được sự bó buộc của hoàn cảnh mà còn khát vọng cải hóa hoàn cảnh dù tuổi đời còn rất khiêm tốn. Hẳn đó không chỉ là niềm hy vọng của một dân tộc mà còn là sự khẳng định cho một đặc tính đã làm cho cộng đồng sinh vật có tên là Người khác với các sinh vật khác, đó chính là ý thức khát khao thực hiện những biến cải cho xã hội của mình.

Những khái lược và những xúc cảm nói trên có thể làm người đọc cảm thấy Phía Trước khô khan và có nhiều nếp nhãn trước tuổi, có lẽ bởi những hạn chế và sự chú tâm phiến diện của người đang viết, nhưng nếu mục kích một ấn bản của Phía Trước, độc giả chắc sẽ phải nghĩ khác. Hơn nữa, sẽ là không hiện thực nếu muốn có một ấn phẩm thỏa mãn được mọi mong đợi của độc giả, nhưng nếu có ai đó muốn thấy tuổi trẻ Việt nam hiện nay có trăn trở và mạnh dạn đối với những vấn đề trọng đại của đất nước không, thì Phía Trước đúng là một địa chỉ cần tìm đến.

Một tờ báo dù có ấp ủ những khát vọng to lớn đến mấy cũng không thể nói hết được qua vài số ban đầu. Muốn biết những ấp ủ, dự định đó ra sao chỉ có mỗi cách là xem xét những bài viết của nó trong thời gian tới và cầu chúc những điều tốt lành. Nhưng chỉ với những gì Phía Trước đã thể hiện qua ba số ban đầu, ta có thể nuôi một hy vọng tốt đẹp cho sự đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước của nó và ngay bây giờ có thể khẳng định Phía Trước đã có một thể hiện đáng trọng của tuổi trẻ Việt nam.

Cuối cùng xin trân trọng giới thiệu đường dẫn để Quí vị có thể ngay lập tức kiểm chứng những suy nghĩ, xúc cảm của người viết: http://360.yahoo.com/tapchiphiatruoc.

Phạm Hồng Sơn
Thứ Bảy 07/07/2007

Không có nhận xét nào: