Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2007

Bretagne (Pháp): Hội Thảo về Việt Nam và Nhân Quyền

Bretagne tháng Sáu.

Trời mưa.

Mưa từ cửa ngõ Rennes vào. Mưa từ mũi cực Tây Brest xuống. Mưa từ miệt dưới Vannes, Quimper thổi ngược lên. Một, hai trăm cây số vẫn còn gần so với Paris, Poitiers. Ba trăm cây số hơn nhưng không làm sờn lòng những đấu sĩ đã vào tuổi bát tuần, hay “thất thập”... nản chí. Các cụ đã tuần tự về Langueux từ ngày trước chuẩn bị sẵn sàng. Chiều chù nhật 24 tháng 6, già trẻ “tỵ nạn” nào ngại chi “đưởng xa ướt mưa”, cùng tề tựu về. Để quyết tâm nói rõ cho người ở vùng Bretagne biết và hiểu về nhà nước cộng sản Việt Nam. Để cho mọi người thấy rõ những nổi khổ hiện nay của dân tộc Việt. Để ai ai cũng thấu hiểu những khó khăn tù đầy hiện tại của những người tranh đấu trong nước. Và để mong người Việt Nam tỵ nạn báo động đến các bạn láng giểng và chính quyền sở tại để tạo một áp lực ngoại giao hay kinh tế với chế độ đương quyền độc tài đảng trị ngõ hầu trả lại Tự do, Nhân quyền và Dân chủ cho nhân dân Việt Nam.

Chúng tôi là ai?

Mở đầu buổi Hội luận, đoạn phim “Vớt Thuyền Nhân Trên Biển Đông” đã khiến mọi người bồi hồi nhớ lại thuở hôm nào. Người tỵ nạn gốc Việt ta cũng như những người bạn Pháp, kẻ im lặng sống lại, người cảm động chứng kiến.

Trên một phần ba số người tham dự trong phòng là những boat-people thì làm sao quên được những ngày lênh đênh trên biển cả, mong manh trên chiếc thuyền, sau lưng bỏ lại cả một quê hương tù ngục, trước mặt là biển đen hiểm nghèo với cái khát, cái mệt, với cái chết chỉ chực chờ ập đến, nhưng với hy vọng sẽ đến bờ tự do.

Phải, chúng tôi đi tìm tự do.

- “Ở Việt Nam, trong chế độ cộng sản, chúng tôi không được nói những gì mình nghĩ. Dứt khóat, không bao giờ quay về sống trong chế độ đó!”.

Câu trả lời quả quyết của một thiếu phụ khi được vớt lên tàu tưởng đã khép lại thảm kịch nơi quê nhà để hướng về tương lai trước mặt.

Nhưng không!

32 năm sau.

Hình ảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị công an bịt miệng trước toà khiến những người bạn không cùng màu da cũng phải lắc đầu giận dữ, hồ chi những phận lưu vong.

Bước lên diễn đàn, nhà báo lão thành Bùi Tín đã không cầm được nổi nghẹn ngào, thưa rằng: “Nay là một người tỵ nạn, một nhà báo tự do, xin được nói cho những người không được nói bên nhà”.

Vietnam: les obstacles, les challenges et comment s'en sortir.

Việt Nam: những chướng ngại, những thách đố và những lối ra.

Qua hơn 30 phút trình bày. Người Pháp nay đã biết rõ hơn, rằng tuy những thành quả kinh tế đạt được, nhưng nước Việt Nam vẫn còn thua xa những nước láng giềng trong khu vực. Ngoài những hào nhoáng phát triển du lịch, Việt Nam vẫn là một nước không có tự do dân chủ. Nguyên nhân chính là chế độ độc quyền độc đảng hiện tại. Đây là chướng ngại cần dẹp bỏ để Việt Nam hoà nhập cùng các nước trên thế giới.

Cựu đại tá Quân Đội Nhân Dân, người đã can đảm quyết bỏ tất cả những huy chương, tin tưởng rằng tương lai của đất nước sẽ thuộc về phía những người đang vận động đấu tranh dân chủ. Ông kêu gọi mọi người hãy tập hợp cùng nhân dân Việt Nam để đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ, đa nguyên, đa đảng, tôn trọng và thực thi quyền căn bản con người để có thể phát triển và hội nhập cùng thế giới văn minh.

Trái lại với kiểu lưỡi gỗ của phái đoàn Nguyễn Đình Bin, đại diện Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại Pháp, trong buổi tuyên truyền, kêu gọi đầu tư vào cuối tháng 3 vừa qua cũng tại Rennes (Bretagne, Pháp), Ban tổ chức, cởi mở và chân tình, đã mời mọi người đừng ngần ngại và hãy đặt thẳng câu hỏi đến các diễn giả. Trong gần một tiếng rưỡi đồng hồ, diễn đàn người Việt có, người Pháp có, mà đa số là những đại diện hội đoàn thiện nguyện và những sinh viên trẻ từng sang phục vụ giúp đỡ Việt Nam đã nêu lên những câu hỏi về những thắc mắc từ lãnh vực chính trị sang kinh tế, nhất là xã hội.

Mặc dù họ không chấp nhận những hành xử của nhà cầm quyền, nhưng vì lòng vị tha, vì lòng bác ái, những hội đoàn từ thiện Pháp không thể làm ngơ trước những nghèo đói, bệnh tật. Thật là, bỏ thì thương vương thì tội.

Tất cả đã được các tiến sĩ Phan Văn Song, Nguyễn Văn Trần, Võ Nhân Trí và nhà báo Bùi Tín giải đáp tháo gỡ rất khoa học và xác thật. Xác thật đến nỗi đôi lúc, khiến người đặt câu hỏi, nay được trả lời thỏa mãn, tuy thoát ra được những ray rứt. nhưng họ phải thú thật, đầu óc cứ phải bâng khuâng, vì đã vỡ lẽ là việc giúp đỡ nhân đạo của họ đã bị lợi dụng, bị đụng vào một sự thật quá phủ phàng. Nhà cầm quyền Việt Nam đã khoán trắng cho những đoàn thể thiện nguyện ngoại quốc giải quyết những thảm nạn xã hội. Thậm chí Nhà nước Việt Nam còn muốn giữ những hình ảnh đáng thương tâm đó để làm động lòng trắc ẩn phương Tây. Chưa kể đến những lạm dụng lòng bác ái thế giới để tham nhũng ăn chia, làm ăn.

Bất mãn về hình ảnh những cuộc đàn áp những nhà tranh đấu bên Việt Nam, một Nghị viên đại diện Vùng và cũng là chủ tịch hội đoàn từ thiện vùng Bretagne đã đến gặp Ban Tổ chức để xin thêm bản công bố danh sách các tù nhân lương tâm còn bị giam cầm. Ông cũng xin lá thư yêu cầu can thiệp gửi Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner và lá thư yêu cầu bộ ba Mạnh-Triết-Dũng thả tức khắc những tù nhân chính trị, để sẽ in ra thêm ba mươi bản để vận động những người trong hội và những đồng Viện của ông ký tên ủng hộ. Và sau đó ông hứa ông sẽ đặt lại vấn đề về các Viện Trợ Thiện Nguyện, từ nay bắt buộc phải có điều kiện Nhân quyền và Dân chủ, với Hội đồng trong vùng.

Đặc biệt, sự có mặt của 3 phóng viên của 3 nhật báo. Thông tín viên của báo “Ouest-France” đã ở lại trò chuyện cùng các diễn giả và đã hỏi Ban Tổ chức cho mượn CD tài liệu “Vớt Thuyền Nhân” và “Linh Mục Lý Bị Bịt Miệng Trong Phòng Xử” để viết bài đăng đầy đủ cho tuần sau.

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách

Buổi hội luận đã chấm dứt từ lâu. Mưa vẫn phủ ngoài trời như lúc mới đến. Mưa không giữ được chân người. Nhưng có lẽ tình người đã khiến ai nấy chưa muốn rời. Ngoài phòng giải lao, không còn phân biệt diễn giả, khán giả, nhà báo hay hội đoàn, Pháp hoặc Việt, mọi người vẫn còn đó tiếp tục chia sẻ nhau những suy nghĩ về những người cùng khổ bên kia trời.

Văng vẳng trong kia, Bích Chiêu, người ca sĩ danh tiếng của một thời đang diễn lại bản “Nổi Lòng” của Nguyễn Văn Khánh.

«Il pleut sur la ville,
Comme il pleut dans mon cœur … »

Có phải cơn mưa khiến hồn ai chùng xuống hay tiếng hát năm xưa?

Renner, cuối tháng 6/2007
V. Phạm

Không có nhận xét nào: