Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

Anh biết… em đi chẳng trở về


Bữa tiệc nào không tàn? Tàn tiệc nào không buồn? Những buồn vui ở lại là mong ước của người tiễn chân nhưng thật ra buồn vui đã theo gót người đi một nửa. Người ở, bọc điều những kỷ niệm lơ là để ưu trầm từ đó về sau. Mấy ai không buồn khi nhìn ly rượu chỉ còn thủy tinh và vệt son trên mép ly. Những điều chưa nói thì ấm ức, những điều đã nói thì hối hận. Quy luật của muôn đời trong quan hệ con người luôn hụt hẫng: “triệu người quen có mấy người thân.”* Trong giòng sống không ngừng nghỉ luôn có những quãng lặng như trong âm nhạc, và hai người hợp soạn không nổi một hòa khúc thì mỗi người tự viết gì cho mình sau quãng lặng đó?!

Tôi đứng nhìn theo bước thiên di. Cuộc đời của cô ấy đang kể lại từ đầu trong tiềm thức chưa xa. Cô ấy không giống những người thợ nail tất bật với công việc, bận rộn với đồng tiền kiếm được để lập lại sự nhàm chán của đời sống vì cô ấy có sẵn sự nhàm chán từ khi bị tạo hóa liệng vô cuộc đời này. Từ khi cha cô ấy bước chân vô tù cải tạo để đứa con gái mong manh mồ côi tạm thời, có thể mồ côi vĩnh viễn - tùy thuộc vào sức chịu đựng của người cha. (Tôi mới coi phim “Vượt sóng”. Ngồi trong rạp mà đầu óc tôi cứ ở những truyện ngắn về trại cải tạo của Phan Nhật Nam, Lâm Chương. Phim chưa lột tả được như truyện, nhưng thấy mừng là điện ảnh Việt Nam đã bắt đầu khởi sắc. Không tả nổi nỗi vui mừng khi chính mắt mình nhìn thấy mấy trăm mái đầu đen bước vô một rạp hát của Mỹ để xem phim Việt Nam. Tôi sẽ viết lời cảm tạ đạo diễn Hàm Trần, sau. Để trở lại với chuyện vỉa hè không bao gìơ dứt)

Và tù ngục cộng sản không thiếu chỗ ở cho người lính miền Nam thua trận, nhưng vợ con người ấy trong xã hội Sàigòn sau ’75 thì thật là không chỗ nương thân, bị tống ra khỏi nhà mình như đồ rau rế rách. (Đừng bao gìơ nói chuyện xóa bỏ hận thù cho cô ấy nổi giận. Một cô bé lớn lên bên lề xã hội như cỏ dại với xấp vé số trên tay và những vỉa hè chợt nắng chợt mưa của Sàigòn đổi chủ. May là còn đi học để trở thành cô sinh viên ngất xỉu trong giảng đường Đại học kinh tế vì đói bụng mà thầy lang của nhà trường cho là thiếu máu! Lương y xhcn như từ mẫu mà từ là bỏ! Đôi khi, cô này cũng hài hước dữ. Cười đi rồi khóc với một linh hồn xác xơ trên biển Đông để từ đó hận đời. Nhưng hình như ý trời không muốn cô ấy chết, sống để khẳng định tư chất người miền Nam - không dễ bị đánh gục, không dễ gì thay đổi. Để phủ nhận cụm từ: “đàn bà con gái yếu đuối” không đúng cho hết đàn bà con gái, đâu). Cô ấy đã sống những tháng ngày lặng lẽ ở quê nhà với sự thù địch của chính quyền mới, với lý lịch gia đình đen như mõm chó: “Gia đình Ngụy quân”; “Thành phần không thể cải tạo”; “Phản động thuộc về bản chất”… loại người đáng đem bắn bỏ đó đã nhổ bãi nước bọt vào mặt chính quyền sở tại trước khi bước xuống xuồng vượt biên chứ đừng hiểu lầm nhổ bãi nước bọt với mảnh đất ân tình. Thì ra con người ta có thể thù hằn, không đội trời chung với ai đó! Một chế độ, một nhóm người bất nhất vô lương. Nhưng quê hương vẫn lộng lẫy trong lòng kẻ hận thù. Mà hình như càng hận thù thì người ta càng yêu tha thiết hơn quê hương bị chiếm đoạt của mình. (Những lần trò chuyện với tôi, cô ấy cứ thầm mong có một tác phẩm tầm cỡ “Exodus” viết về miền đất hứa của chúng ta. Nhưng chưa thấy Leon Uris của Việt Nam xuất hiện trên Văn đàn hải ngoại. Tôi chỉ thấy quê tôi trong mắt cô ấy những lúc nói về thánh địa Sàigòn của chúng tôi.

Thật ra chỉ là những con đường bụi bặm, những hàng quán ruồi bu và những tâm hồn đầy mộng tưởng để vỡ dần theo ngày tháng phôi pha.


***


Lịch sử Việt Nam sau “giải phóng” không lạ gì với một người có trở về từ địa ngục, còn hít thở nhưng thật ra đã chết từ ngày vong quốc, từ trong trại cải tạo, từ đổ vỡ sự nghiệp, gia đình. Cô ấy cũng còn hít thở như người cha. Nhưng tâm thức cũng đã chết từ thảm kịch vượt biển, từ cuộc tình lãnh cảm vì không quên được một lần bị hãm hiếp bởi những con thú hoang lạc loài trên biển Đông. Những ngư dân hiền lành trộn chung với ngu dốt, quê mùa của Thái Lan - Bỗng lịch sử Việt Nam sang trang đã biến họ thành thú vật, tệ hơn thú vật cũng đâu đã là lỗi họ. Cô này lý luận khá ngược đời nhưng biện chứng lắm! Cô ấy không trách người đánh cá Thái Lan nào đó là một điều khó hiểu! Cô ấy quy trách nhiệm cho việc: Không có phân biệt đối xử, trù dập thì đâu có vượt biển, vượt biên. Làm sao có hải tặc? (Hải tặc chỉ là từ ngữ dùng chung cho cướp biển. Cướp biển cũng có nhiều loại chứ không phải toàn là dân vô học, bất lương. Tại mình xui. Không gặp Lương Hải Bạc!) Nghĩ đến chế từ của cô ấy, tôi cười một mình để lại ưu tư về một hồng nhan bạc phận, một cánh chim di trong kiếp người vô định trước và sau. (đời cũng chỉ là những sân tàu rải rác / của kiếp người vô định trước và sau - thầy Tịnh Đức) Có những người chỉ gặp một lần nhưng ấn tượng còn hoài để ngược lại với những bông hoa hữu sắc vô hương. Bạn tôi, có trở lại đời thường được không? Bao cố gắng cho khỏi phụ lòng một kẻ có lòng với cô ấy nhưng cuộc tình không có gì vui để khám phá ra cuộc sống khủng khiếp với người này nhưng ưu ái người kia, con người có thể tàn nhẫn hơn dã thú với người này chứ không phải người khác để có kẻ yêu đời và người chán sống. (Hình như cô ấy lý luận ngày càng tiêu cực mà tôi thì không đủ tư duy để chống đối. Thua trong thắng hay thắng trong thua để cứu một con người - chẳng hề gì với tôi. Nhưng không phải lúc nào mình cũng làm chủ được những cuộc đối thoại.) Tôi chỉ còn nhận thức được: Những nguyên liệu cấu tạo nên một người nữ trầm cảm có rất nhiều trong cuộc sống, nhất là người nữ có một chút học thức, gia phong có trước cuộc đời lao lung theo vận nước. Một chút nhan sắc để dễ bị lọc lừa trong thời đại lắm kẻ ham vui, nhiều người bộn bạc và khoa học đang thắng những gía trị tâm linh, đạo đức là điều gì xa xỉ đến không còn chỗ đứng trong con người và thời đại, này. Cuộc sống hưởng thụ là chân lý đang dần dần hiện thực hóa con người quên đi con người theo tôn giáo và nhân bản. Trên hết là một vết chàm qúa khứ đã hủy hoại phần đời còn lại của một con người còn có suy tư. Có lần, cô ấy nói với tôi, giải thích lý do không đi nhà thờ mà tôi không hiểu gì hết: “Những người đang rao giảng đạo đức, có hiểu: Thứ đạo đức đó chỉ như miếng giẻ rách trước cửa thiên đàng. Con người đã cắt đứt quan hệ với thượng đế từ lâu. Chẳng nghe ai nói đến cách gì để quan hệ lại với thượng đế cho con người có chỗ trú tâm. Người ta đến nhà thờ vì quan hệ con người nhiều hơn quan hệ với bề trên nên sự sợ hãi không mất đi vì niềm tin không lớn lên được. Sự sợ hãi cứ vẩn vơ khôn nguôi vì khoa học kỹ thuật ngoài mặt tốt là giúp con người hiểu biết về thế giới tự nhiên, nhưng mặt trái của nó là làm cho người ta qúa hiểu về những tội lỗi của mình - không cách gì gột rửa. Nhà thờ không còn là kho chứa niềm tin, tiếng chuông chùa không còn đánh động nổi lương tri con người. Oâng cha với ông sư đã đến lúc tự chán mình. Niềm tin (on sale) không ai mua, cho không ai lấy nữa đâu anh.”

Nói chuyện với cô ấy thú vị hơn những bữa tiệc, thịt thơm, rượu ngon và những người phóng túng nhiều hơn phóng khoáng có đủ cách để xưng tụng cái tôi của mình - hơn thiên hạ. Hoan hô những người uyên bác! Chúc các ngài có ngày gặp đại bác cô nương thì hết… lộn xộn.

Giòng ký ức trong tôi trôi trôi theo gío đông tàn. Năm ngoái. Người phụ nữ chín mùi như trái lê thơm thoảng, chau mày không ưng ý với bài báo lúc rảnh rang. Cô không ngờ đã tỏ thái độ đối kháng với tác gỉa - đang nhìn cô…! Vậy là họ gặp nhau trong cùng tần số giữa nơi không mấy ai quan tâm về văn học, chữ nghĩa báo chợ chỉ để lót nồi. Những bài báo mang tính văn học bị lật qua một cách thờ ơ như coi ca nhạc, người ta cũng (pass) qua phần trình diễn của Tuấn Ngọc, Khánh Ly… với giòng nhạc của những nhạc sĩ thời thượng, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của những người không ưa hoài niệm. Không có qúa khứ trong hiện tại. Và tương lai của họ là bôi xóa càng mất dấu qúa khứ càng tốt. Chẳng ai còn muốn nhận mình đã từng bới rác tìm bịt ny-lon. Nhưng bàn tay bới móc đã thành cố tật nên ưa có động tác dư, thừa trong hoàn cảnh trưởng gỉa học làm sang, bây gìơ.

Hai người lẻ loi trong xô bồ nghiệt ngã của giòng sống bon chen, đua đòi… chỉ còn chữ nghĩa giúp vui cho họ được phần nào hay phần đó. Đã nhiều hôm không gặp, hôm nay cô ấy gọi tôi để chào tạm biệt mà cũng có thể là vĩnh biệt nếu tin vào linh tính. Tôi mời vội vã trước chia tay một ly gì uống cho trôi đi những nghẹn ngào. Tôi đưa cô ấy về vì tôi đã mời cô ấy đến đây. Cô ấy đến đây để tôi đưa cô ấy về, vào, vô… qúa khứ! Có rất nhiều quan hệ “đang” trở thành “đã” một cách rất tự nhiên không có lý giải vì lý giải được thì quan hệ không có lý do để thoát khỏi hiện tại tiếp diễn mà trở thành qúa khứ.

Chiếc taxi và người tài xế chờ ngoài nhà hàng sẽ đưa cô ấy ra phi trường. Từ nay, thành phố quen nhau chỉ còn tôi với những hàng cây… vơi lá lại đầy khi đông tàn xuân đến. Cái nhà hàng mà chúng tôi đến đây lần đầu cũng như lần cuối, này - sẽ làm chứng cho tôi - không bao gìơ nhớ hết những cuộc chia tay trong đời.

Người tài xế taxi mở cửa cho khách. Anh ta là một người lịch lãm hơn công việc anh ta đang làm đòi hỏi. Anh trao cho tôi bó hoa mà tôi đã nhờ anh đi mua trong khi chúng tôi ngồi trong nhà hàng. Anh không nhận tiền hoa và cả tiền boa (tip) của tôi. Ước gì tôi có được con mắt tinh đời và tấm lòng chia chung với người khác, của anh ấy! - Một người vừa thất nghiệp đâu đó, phải qua ngày với nghề chạy taxi.

Cô bạn tôi nói tiếng Việt cho người tài xế taxi không hiểu: “Để em tính luôn cho anh ấy trong khoản tiền xe, khi tới phi trường. Những người đáng yêu, sao cứ bị mất việc đều chi? Sao cứ phải vất vả từng ngày để có sự sống… còn buồn hơn nỗi vất vả?”

“Suy ra, những người đang đua vô Nhà trắng là những người thấy ghét?”

“Trường liên tưởng của anh hơi bị bệnh!”

“Thời sự thôi. Anh muốn nói đến con người và lòng hy vọng. Nỗi khát khao được vào nhà trắng của những chính trị gia sofa ấy cũng ngang ngửa với lòng hy vọng của anh… anh hy vọng một người đáng yêu nào đó! Sẽ đón em ở nơi đến. Anh chỉ là người thấy ghét, thấy ghét nhất là tiễn em đi.”

Cô ấy suy tư qua nét buồn muôn thuở của đôi mắt không biết cười. Bàn tay lạnh ngắt siết tay tôi. “Cho em xin lỗi đã làm phiền anh nhiều hơn em muốn. Anh bảo trọng. Em đi nghen.”

“ Anh cũng muốn nói lời xin lỗi - không làm được gì hơn cho em.”

“ …Đừng để lòng những điều ấy. Em nghĩ… chắc em không trở lại Dallas lần nào nữa đâu. Nhớ về một nơi mà mình đã đi qua, đương nhiên có người quen kẻ thuộc. Nhớ về Dallas… cảm ơn anh những ngày qua. Thôi em đi nha.”


***


Bầu trời xám xịt tàn đông đã buồn cố hỷ lại trôi vào bóng đêm theo hai cái đèn đỏ sau chiếc taxi chở đi một người nữ đã mất hết lòng tin ở con người, cuộc sống. Tôi là người có gia đình nên chân thắng không buông lên được! Chân ga chần chờ tay lái quẹo về nhà là thứ đạo đức mà cả hai cùng cố gắng lượm lại trong hổ lốn đường trần - đông tây nhào trộn một cách lố bịch trong từng ngày vẫn sống. Không nên dẫn thân, bước sâu vào tội lỗi, không thể vì người này mà làm cho người khác mất thăng bằng! Cuộc sống sẽ loạn mất. Sự tu luyện luôn luôn thách đố với bản năng con người để đạt đạo. Đạo làm người là khó nhất trong tu đạo. Chẳng có ai đạt đạo làm người vì đời sống không cho phép nói ra những gì mình nghĩ, không được làm những gì mình muốn. Bởi nghĩ và muốn của mình rất ích kỷ, làm tổn thương người khác. Trong cuộc sống bây gìơ, người ta làm tổn thương người khác rất nhiều vì từng người đã qúa yêu mình.

Tôi hiểu những điều chưa nói từ sâu thẳm trong lòng tôi và cả cõi lòng cô ấy trong quan hệ này, nên hối hận về những điều đã nói. Tôi lấy tư cách gì để khuyên một người muốn chối bỏ, chạy trốn cuộc sống - hãy quay lại với cuộc đời mà theo cô ấy: Luôn thiếu một bàn tay vẫy gọi. (Có những bàn tay đàn ông còn đủ năm ngón nhưng chỉ để sàm sở, móc túi phụ nữ. Những bàn tay năm ngón / em vẫn kiêu sa nhưng không có linh hồn thì để đeo trang sức đắt tiền cho người thợ kim hoàn khỏi thất nghiệp - cũng là một thứ đạo đức vì người khác - giải nghĩa được sự thành dù không có công vì thành từ công người khác! Những bàn tay qua đêm mọc đầy nhẫn qúy do công tạo hóa làm ra bàn tay đẹp một cách vô dụng, chẳng làm được gì ngoài việc đeo trang sức nhưng người sở hữu bàn tay hoàn toàn không có trách nhiệm gì hết!) Bàn tay con người chỉ còn tuân lệnh trí óc: Kiếm tiền. Thật nhiều. Đã hết những bàn tay vẫy gọi sẻ chia! Hình như ngày tận thế đâu đây nên ai ai cũng vơ vét của cải, gía trị vật chất làm hành trang cho ngày tận thế! Sự ban thưởng và trừng phạt không còn nằm trong giới hạn tâm linh. Bạn kể tôi nghe những nỗi khổ tâm của riêng bạn là một cách nào đó bạn đã trút nỗi khổ ấy sang tôi. Sự cứu rỗi của bạn không nằm trong đức tin của tôi nên sự gieo rắc khổ đau tràn lan ngõ ngách một cách vô tội vạ. Người ta lùa khổ não ra cửa trước để nó tràn vào cửa sau của chính tâm hồn mình. Tôi đã mất một người tranh luận mà tôi rất yêu qúy nên không nói chuyện này nữa. Kẻ cần có một người hướng dẫn cách thức mổ sẻ nỗi lòng mình để tự tiêu hủy những nỗi niềm cố chấp, tự vươn lên trên những khổ đau mà hoàn thiện một nhân cách mới trong tâm tư cũ rích những niềm đau - vẫn vô vọng đi về phía tối. Tôi giúp gì được cho cô ấy khi tôi đối diện với cô ấy bằng mắt (sự tham lam cố hữu) và đối diện với tôi bằng lòng (hiển hiện sự trắc ẩn giữa lòng tham, sự ích kỷ và một chút hướng thiện còn sót lại sau năm tháng dài vô giáo dục giữa trần ai.)

Mong cho cánh chim di bay về miền Bắc khi mùa xuân đến, sẽ có chỗ trú đông khi mùa hạ qua mau, mùa thu vội vàng xóa dấu xanh tươi của xuân hạ tưng bừng đã quên cảnh giác thu đông! Như đời người ta vậy, chẳng mấy chốc tuổi đời đáng yêu bỏ đi đâu để đối diện, độc thoại với tuổi đời đáng ghét. Chẳng có bước chân nào không trở về nguyên quán là nơi cát bụi mà mọi người từ đó đi ra, đi vô cuộc trần này. Cô ấy ra đi từ mảnh đất quê nhà, chu du bốn bể để trở về quê nhà khi đã đi hết biển là kết thúc một đời người. Tôi chỉ là một trạm dừng chân có người đối thoại. Tôi hài lòng với ngụy lý riêng tôi, đời sống là một chuỗi dài những ngụy lý để chứng minh con người đã qúa yêu mình trong cuộc sống hôm nay, không có gì cho kẻ khác ngoài sự kỳ thị và phân biệt. Tôi không thể nào đi qua tôi không phải vì tôi mà vì những ràng buộc rất xã hội.

Tôi về đọc lại đoản văn đã viết lúc quen nhau, đoản văn mà bạn bè thắc mắc là sao tôi đặt tựa lãng òm: “Ghi chép ở tiệm nail”.

“… Cánh cửa mở ra, bà lão ăn mày cầm cái lon nhôm cáu bẩn trên cánh tay gầy guộc, run rẩy. Đôi mắt gìa nua nhìn lên cô nhỏ, van lơn bằng giọng gìa thiểu não: “Cô làm ơn bố thí cho gìa chút cơm thừa canh cặn, sống qua ngày”. Đôi mắt mỏi mòn trông của bà lão làm cho Na bấn loạn tâm thần. Na đã từng gặp ăn mày mọi nơi, mọi nẻo… chưa thấy ai gần đất xa trời hơn bà lão. Lòng trinh nguyên con gái làm cho Na ứa nước mắt, Na nói vội trước khi òa khóc: “Bà chờ cháu chút…”

Cô bé khuất sau bức vách phòng khách, úp mặt vô kệ sách khóc nức nở, ngon lành. Na mới đi học về, lục lạo nát cái bếp của mẹ cũng không có chút gì ăn được. Lục hết cái bóp sinh viên năm thứ nhất cũng không còn đồng bạc lẻ để mua đỡ cây kem chuối bên nhà hàng xóm, cầm hơi. Gặp kẻ cùng đường đi cầu người mạt rệp. Trong đầu Na lóe lên một hy vọng hay là một ước mơ! Ước gì Na nghe được tiếng rao quen: “Ve chai… dép đứt, thau nhôm hư, tập báo cũ… bán hôn?” Lời rao thường ngày làm cho Na mất tập trung những khi học bài, những trưa đang yên vắng… có thể nói là bực bội. Nhưng khi cần thì lại không nghe. Rồi không lâu cho ước mơ thành hiện thực. Sự hiển linh vô hình nào đó! Tiếng rao quen bực bội mới dễ nghe làm sao: “Ve chai… dép đứt, thau nhôm hư, tập báo cũ… bán… h… ô… n?”

Na quệt nhanh nước mắt, rút đại quyển sách trên kệ mà Na ước lượng chừng một kí lô, phóng ra cửa vì sợ bà ve chai đi mất. Vừa quay lại đã vướng bà lão ăn mày sau lưng, Na hết hồn đã làm bà đau vì đụng chạm.

“Bà có sao không?”

“Gìa không sao…” (Thều thào không rõ nữa.)

Na rót vội cho bà ly nước.

“Bà uống miếng nước đi, chờ cháu chút nha bà.”

Na lao nhanh ra cửa vì bà ve chai đã đi qúa lố nhà Na. Một chút mắc cỡ con gái không cản được Na nhanh bước theo bà ve chai. Cuốn sách bán được bao nhiêu, Na cho bà lão hết.

“Bà ra đầu hẻm, mua đỡ gì ăn đi bà. Nhà cháu không có gì ăn. Xin lỗi bà.”

Bà lão ăn mày nhìn sâu trong mắt Na, đôi môi khô khốc nhả ra lời cảm ơn thật thà nhất mà Na nghe được trong đời.

Mươi ngày sau, Na đang học bài trong nhà. Cũng bà lão cũ gõ cửa xin ăn.

“Hôm nay cháu có đồ ăn rồi. Bà chờ cháu chút nha.”

Nụ cười khó khăn vì chắc lâu lắm rồi bà không cười. Bà lão nhìn Na âu yếm như mẹ nhìn con trong nôi, làm Na sượng sùng.

“Cảm ơn cháu, hôm nay bà không đói.”

“Vậy… bà muốn uống nước không?”

“Cũng không còn khát nữa…”

“Vậy bà… cần cháu giúp gì không?”

“Chỉ sợ cháu từ chối.”

“Bà cần gì?… cháu ráng làm cho.”

“Cháu tên là gì?”

“Dạ! Cháu tên Na. Còn bà?”

“… Không nhớ nữa cháu ơi!”

“Bà cần gì… ở cháu?”

“…Bà… b… à… đi tìm con giai bà, đã lâu lắm rồi! Nó nói với bà: Nó đi giải phóng miền Nam, rồi về. Cháu ơi!… Hòa bình đã lâu lắm rồi! Bà không chờ được nữa nên đi tìm con giai bà. Chỉ có nó mới cho bà miếng ăn không khinh bỉ. Nhưng ông Giời không cho bà tìm ra đứa con giai. Bà không còn sống bao lâu nữa đâu!… Tạ ơn Giời cho bà có cháu. Cháu cho bà ăn cả quyển sách của Giời, mà…!

“Bà muốn cháu tìm giúp bà?”

“Không còn kịp nữa đâu cháu… ngoan. Bà chỉ xin cháu ăn hết phần cơm… bà đã mua cho cháu. Cháu hứa với bà đi.”

“…”

“Dạ! Cháu hứa ăn hết… gì bà cho.”

“Cầu Giời ban phúc cho cháu tôi…”



Bà lão biến đi trong cái nắng oi bức sau cơn mưa Sàigòn - chợt nắng chợt mưa. Na đứng thẫn thờ nơi thềm cửa, tay cầm lon nhôm cáu bẩn của bà lão hôm nào, sao hôm nay sạch sẽ? Ký ức chiến tranh tràn về… khói lửa ngập đầy ký ức tuổi thơ. Chạy giặc! Khung trời tuổi nhỏ tưởng đã quên rồi.

Mẹ về đến cửa mà Na còn không hay. Cô An dẫn chiếc xe đạp vào nhà rồi nhìn con hớt hãi.

“Con sao vậy Na?”

Na kể hết chuyện cho mẹ nghe. Cô An đón lon nhôm trên tay Na. Hai mẹ con trút ra cái tô mẻ cho chó ăn ngoài hè. Miếng đậu hũ dồn thịt chiên giòn còn ấm, ít cơm trắng tinh thơm mùi lúa mới. Lạ! Cái lon nhôm không, sao mà nặng hơn ước lượng?! Không tin được dù đó là sự thật! Mẹ Na trút ra những cái khâu vàng y, bóng lưỡng. Tất cả là ba cây vàng, từng khâu… từng khâu.

Cô An phóng ra đường tìm bà lão trong vô vọng. Trở về nhìn Na vừa khóc vừa ăn… đến hạt cơm cuối cùng trong cái tô mẻ giành cho chó. Hai mẹ con đưa nhau vào kệ sách. Quyển “Đường xưa mây trắng” của mẹ đã mất rồi. Na xin lỗi mẹ, hứa mua lại quyển sách. Nhưng cô An nói:

“Ngoại con đặt tên cho mẹ là An, nhưng tâm mẹ chưa bao gìơ tịnh. Mẹ đặt cho con tên Na là ngược lại với mẹ, là ước nguyện: Con được bình an ngay trong tâm hồn con. Quyển sách ấy không cần mua lại nữa vì chữ thì mẹ đã đọc nhưng nghĩa thì hôm nay đã hiểu rồi. Mẹ không cần quyển sách ấy nữa.


***


“Ba cây vàng đã thay đổi cả cuộc đời Na. Sự bình an trong tâm thuở dại khờ chết theo những vết thương đời hằn theo năm tháng. Bây gìơ Na không dễ gì cho ai như xưa nữa đâu anh! Lỗi tại Na hay tại tuổi đời?!”

“Tôi cũng đọc quyển sách ấy từ hồi còn trẻ, những lần đọc lại để tìm sự thanh an… rất tiếc là vô vọng. Cảm ơn Na đã kể chuyện cho nghe. Cảm ơn lớn nhất về ý nghĩa mà tôi vừa bắt gặp. Chữ thì ai cũng biết viết, biết đọc. Nhưng nghĩa thì không phải ai cũng hiểu. Ngày xưa chưa đọc thì Na hiểu quyển sách ấy còn hơn tác gỉa. Bây gìơ chữ đầy mình đến có thể viết ra quyển sách thì nghĩa đã tiêu tan.

Con đường Theo gót chân Bụt, không nhất thiết phải mặc áo cà sa mà là làm sao để trở lại mình khi còn vô danh trong thiên hạ - gánh đời chưa nặng trĩu đôi vai. Khi những vết thương đời chưa gõ cửa đến thăm. Lòng chưa dấy lên những cơn đau một mình lúc nửa đêm… làm sao quên đi được những ngày đã sống nghĩa là sống; nhớ hết những ngày qua nghĩa là ta đã chết ngay trong tâm mình.

Chúc bình an trở lại với Na.”

Đoản văn đầu tiên tôi viết cho cô ấy, cô ấy cũng chưa đọc. Nay đoản cuối cho cùng người nhận. Đọc cũng như không! Có nghĩa gì đâu một buổi chiều tàn đông xuân đến chỉ hoàn toàn là chuyện của thiên nhiên. Tôi chỉ biết: “Anh biết em đi chẳng trở về”. Hãy đi giùm anh hết biển để về lại quê ta.

Phan

Không có nhận xét nào: