Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

Cái Học và Cái Không Đáng Học II

3. Xuyên Tạc Truyền Thuyết

Truyện Hồng Bàng đã có nhiều điểm khác biệt nhằm xuyên tạc truyền thuyết và lịch sử của dân tộc Việt Nam:

- Theo truyền khẩu phổ quát trong toàn dân Việt, thì Tộc Việt do Bọc Mẹ Trăm Con, có Mẹ là Tiên và có Cha là Rồng.

Thì trong Truyện Hồng Bàng, cha lại là nhân vật Sùng Lãm, mẹ là Âu Cơ. Bên dòng họ nội của cha Sùng Lãm chỉ là phàm tục, và mẹ Âu Cơ cũng hoàn toàn là người phàm.

Và 100 đứa con trai, chỉ có bà nội mang họ Long – Long Nữ – đang khi bà bà cố nội có tên là Tiên – Vụ Tiên. Không đúng với truyền thuyết Mẹ Tiên Cha Rồng.

Bởi vì biết dân Việt đương thời chú trọng bên phía mẹ, gọi là mẫu hệ, thì Truyện Hồng Bàng thêu dệt rằng, bà nội và bà cố nội có tên Tiên họ Rồng, rồi để tạo ra điều trớ trêu, chính mẹ Âu Cơ lại là người Hoa, là hoàn toàn phàm tục!

Truyện Hồng Bàng lại chú trọng bên phía cha, gọi là phụ hệ, gom cả Tiên lẫn Rồng vào một dòng máu, vào một biệt hiệu là Lạc Long Quân của một mình người cha; đang khi, mẹ Âu Cơ lại không dính dáng gì với Tiên Rồng.

- Theo truyền thuyết của dân Việt, thì toàn thể người Tộc Việt là đồng bào, là anh em ruột thịt với nhau – đồng là cùng, bào là bọc – là cùng do Bọc Trăm Con.

Thì Truyện Hồng Bàng, một trăm đứa con của Sùng Lãm lại thuộc về dòng dõi mấy đời cha ông nối nhau mà làm vua, và chính họ cũng “chia nước mà cai trị.” Đây chính là nhóm đặc quyền trong đảng phái chính trị, chớ đâu phải “tinh thần đồng bào” như trong truyền thuyết Việt?

Hơn nữa, Truyện Hồng Bàng dầu có kết thúc bằng câu “Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt,” thì cũng chính là câu truyện này ghi rằng, quanh Sùng Lãm đã có dân chúng Tộc Việt đông đúc và đã sống thành một nước rộng lớn.

Như thế thì làm sao 100 đứa con của Sùng Lãm lại có thể là thủy tổ của những người đang sống trước họ, hoặc đang sống dưới quyền cai trị của họ. Cũng theo chính Truyện Hồng Bàng, thì đã có 50 con theo Sùng Lãm về ở dưới thủy phủ, và chỉ còn 50 đứa ở lại trên mặt đất, và như thế, thì làm sao mà còn đủ 100 con để gọi làm tổ cho Bách Việt, Trăm Việt?

- Từ khởi thủy cho đến thời điểm cách nay chưa đầy hai ngàn năm, xã hội Tộc Việt thiên về mẫu hệ, con cháu dòng họ đều lấy bên mẹ làm chính, và theo tên họ của mẹ. Và không ai có thể chối cãi sự kiện dân Việt Thời Hùng sống trong chế độ mẫu hệ, cũng như cuộc sống xã hội nằm trong ảnh hưởng mẫu quyền.

Trong sách Hậu Hán Thư cũng ghi lại nhiều đặc điểm mẫu hệ sâu đậm trong xã hội Việt ở thời đầu dương lịch. Gần 250 năm sau Thời Hùng, năm 39 sau Công Nguyên, trong số các vị anh hùng lật đổ ách đô hộ phương Bắc, đã có rất nhiều vị Nữ Tướng với nhiều đội nữ binh; điển hình là những Đức Trưng, Đức Triệu. Rồi mãi tới năm 544, sau gần 300 năm của thời Đức Triệu Nữ Vương, cuốn sử của Trung Hoa này mới ghi nhận dân Việt có một Nam Nhân làm thủ lãnh, Đức Lý Nam Đế.

Đang khi Truyện Hồng Bàng kể lại dòng cha là chính. Tất cả dòng bên nội đã được ghi chép tỉ mỉ, với cả tên riêng và tên hiệu của từng người. Trong khi đó, Truyện Hồng Bàng không hề đề cập đến ông bà ngoại, hay dòng bên ngoại, và cũng không có cả tên riêng của mẹ.

Theo mẫu hệ thì con gái là chính, nhưng Truyện Hồng Bàng lại chú trọng phía con trai, từ Đế Minh tới Lộc Tục, rồi Sùng Lãm, và 100 con trai. Vậy thì Truyện Hồng Bàng thuộc ảnh hưởng của văn hóa Phụ Hệ của người Hoa, và đi ngược với truyền thống Mẫu Hệ đương thời của dân Lạc Việt.

- Về phần tên của tộc dân, dân ta tự xưng là Lạc Việt. Vua, quan, dân, ruộng… cũng đều ghi là Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân, Lạc điền… Như vậy, theo quan niệm mẫu hệ, tên Lạc phải là biểu hiệu của Bà Tổ. Họ Lạc nhắc nhớ hình ảnh của Tiên. Do đó, đúng đắn nhất, chúng ta có thể gọi Hai Vị Khởi Tổ với danh xưng là Lạc Cơ và Long Quân, cơ là văn và quân là võ, Mẹ Tiên Cha Rồng.

Nhưng trong Truyện Hồng Bàng lại ghi họ Lạc thành một phần trong biệt hiệu của người cha Sùng Lãm là Lạc Long Quân.

Sau khi đã lấy chữ Lạc gắn thành hiệu của cha, Truyện Hồng Bàng lại cho dân Lạc Việt một họ mẹ mới, là họ Âu, nhằm thuộc về họ người Hoa thuần chủng, tức là Âu Cơ!

4. Xuyên Tạc Đất Tổ

Về vùng Đất Tổ, dân Lạc Việt xác quyết mình là tộc dân của miền Hồ Động Đình và Ngũ Lĩnh, thì Truyện Hồng Bàng cũng cho đó là quê hương của Vụ Tiên và Long Nữ.

Nhưng trong Truyện Hồng Bàng, ngoài bà cố nội Vụ Tiên, và bà nội Long Nữ có tên và quê hương liên hệ tới truyền thuyết Việt, thì tất cả dòng họ nội và ngoại của 100 đứa con trai đều là người Hoa.

Vậy mà theo chủ trương phụ hệ của người Hoa, thì thân thế và xuất xứ của người nữ đã chẳng những không còn quan trọng, mà cũng chẳng còn có giá trị xác định nào. Bởi vì, Truyện Hồng Bàng đã chỉ chú trọng tới nguồn gốc Hoa, và chủ trương phụ hệ của người Hoa.

Sự hoán chuyển này thì thật là thâm độc. Vì không chấp nhận Mẹ mang họ Âu, dân Lạc Việt cũng sẽ lần lượt bớt chú tâm tới yếu tố Mẹ.

Thứ đến, vì chữ Lạc đã mang âm hưởng thiêng liêng ngàn năm, cho nên, dầu nay thành hiệu của cha, thì dân Việt cũng thấy còn quen thuộc, và từ đó, dần dà là chấp nhận phụ hệ. Đúng là một phương pháp thực hành lời thề “Giao Chỉ Diệt” của Đại Lão Tướng Phục Ba Mã Viện!

a. Vùng Đất Tộc Việt

Đất Tổ Tộc Việt là vùng phát xuất ra dân Việt, và cũng là vùng dân Việt sinh sống trong suốt mấy ngàn năm. Do đó, chính Vùng Đất Tổ là một cái nôi đã góp phần quan trọng và chính yếu cho việc xuất hiện và phát triển nền văn hóa Việt.

Theo khoa cổ học hiện đại xác nhận, thì Tộc Việt phát khởi từ vùng Hồ Động Đình ở trung lưu Sông Dương Tử. Ngày nay vùng đất này thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc.

Đang khi đó, địa bàn khởi thủy của Tộc Hoa là vùng Hoàng Hà. Khi người Tộc Hoa lan dần xuống miền Nam, gặp Tộc Việt, thì Tộc Việt đã phát triển mạnh và đã có một nền văn hóa cao.

Sở dĩ ngày nay có nhiều lầm lẫn về liên hệ giữa Việt và Hoa, vì chẳng những có sự pha trộn giữa hai tộc dân, mà còn vì phần lớn vùng đất trước kia thuộc Tộc Việt, nay là lãnh thổ của quốc gia Trung Hoa.

Tốm lại, lưu vực Sông Dương Tử là đất khai nguyên của Tộc Việt, và sau đó dân Lạc Việt phát triển tại Lĩnh Nam. Dân Việt đã sinh sống tại đây mấy ngàn năm trước khi người Hoa biết tới.

Vậy mà Truyện Hồng Bàng lại cho rằng, đó là lãnh thổ của Tộc Hoa; rồi vì Đế Minh trao tặng nên mới trở thành nơi cư ngụ của Bách Việt.

b. Quan Niệm Người Hoa

Từ ngàn xưa, đối với người Hoa, dân Việt đã là một tộc dân hoàn toàn khác biệt, và hai nền văn hóa cũng hoàn toàn khác biệt nhau. Và phản kháng sự xâm lấn của người Hoa, thì dân Việt đã phải biết cách tổ chức vững vàng về mọi mặt. Vì ở dọc bờ biển đông nam, nên dân Việt chủ tể về ngành hàng hải và ngư nghiệp. Sự trổi vượt của dân Việt trên vùng nước ven biển, kết hợp với núi non hiểm trở bao quanh, đã tăng phần bảo vệ cho các tiểu quốc Việt thoát khỏi sự thống trị của người Hoa.

Từ ngàn xưa, đối với người Hoa, họ luôn gọi dân Việt là Nam Man. Tiếng Nam Man chỉ các sắc dân không thuộc Tộc Hoa ở phía nam, đặc biệt từ nam Sông Dương Tử, vùng được gọi là Giang Nam và Lĩnh Nam.

Sử Trung Hoa cũng luôn luôn coi đây là sự kiện hiển nhiên. Thời Bắc thuộc, khi các thái thú và thứ sử của Trung Hoa thống trị, bao giờ họ cũng coi dân Nam Man là ngoại tộc, không phải người Hoa.

Trong mấy ngàn năm qua, đối với người Hoa, đất Giang Nam và Lĩnh Nam đều là đất của Việt.

Và ngay cả thời nay, vùng Nam Trung Quốc vẫn còn được gọi là vùng Bách Việt. Hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây cũng vẫn còn được gọi là Việt Đông và Việt Tây, gọi chung là Lưỡng Việt.

Các sắc dân ở vùng phía nam Sông Dương Tử, vẫn còn các tên chỉ nguồn gốc là một nhánh của Tộc Việt. Người dân tỉnh Giang Tây hiện nay là dân Đông Việt. Người tỉnh Chiết Giang là dân U Việt. Người tỉnh Phúc Kiến là dân Mân Việt. Người vùng Lưỡng Việt được gọi là dân Nam Việt… Ngay cả thời nay, dân vùng Bách Việt vẫn tự xưng là Việt Nhân.

c. Nguồn Gốc Bách Việt

Bách Việt là tiếng của người Hoa dùng chỉ tập hợp các sắc dân Việt, Trăm Việt, phần lớn cư ngụ tại miền nam sông Dương Tử, mà người Hoa gặp gỡ trên đường bành trướng từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam. Lãnh thổ của Bách Việt, bắc giáp Hồ Nam, nam giáp Chiêm Thành, tây giáp Tứ Xuyên, đông giáp biển Đông. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc khoảng thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, sử sách ghi nhận các nước Hồ Việt ở Hồ Nam, U Việt ở Triết Giang, Mân Việt ở Phúc Kiến, Đông Việt ở Giang Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Âu Việt ở Quý Châu và Quảng Tây, Điền Việt ở Vân Nam, Chiêm Việt ở đảo Hải Nam, và Lạc Việt ở bắc Việt Nam… Các nước này nằm kế tiếp nhau từ miền nam Sông Dương Tử, qua lưu vực Sông Hồng rồi xuống tận bình nguyên Sông Mã. Đó là chưa kể những nhóm người Việt sống rải rác miền tây nam Trung Hoa, và chưa tổ chức thành quốc gia, và người Hoa gọi họ là dân Bách Bộc.

Sau khi nhà Tần thống nhất miền bắc Trung Hoa và những lãnh thổ của miền nam Sông Dương Tử, các tiểu quốc Việt lần lần bị xâm chiếm, chỉ có Mân Việt, Đông Việt và Nam Việt bao gồm Nam Việt, Âu Việt, và Lạc Việt là còn là những quốc gia tự trị.

Cho tới thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, các nước Việt này cũng bị nhà Hán thôn tính, mặc dầu các nhóm Bách Việt vẫn còn sống rải rác ở khắp miền nam Trung Hoa. Và trải qua hai ngàn năm lịch sử, phần lớn vùng Đất Tổ của Bách Việt đã bị sát nhập vào bản đồ Trung Quốc, và văn hóa văn minh Bách Việt cũng bị đồng hóa thành ra văn hóa văn minh của người Hoa.

Theo công trình nghiên cứu khảo cổ và nhân chủng học gần đây cho thấy người Bách Việt đã vượt Sông Dương Tử rất lâu, trước khi có nền văn minh Trung Hoa khởi sự và thành hình. Cận kề hơn nữa là thời Xuân Thu Chiến Quốc, người Bách Việt đã sống rải rác trong các vùng Hoa Bắc là nước Sở tức Hồ Bắc ngày nay, nước Tề ở Sơn Đông, nước Tấn ở Sơn Tây, Hà Bắc…

Theo sử sách Trung Hoa, vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, vùng Chiết Giang là Giang Tô có nước Việt, có Việt Vương Câu Tiễn, và có người đẹp Tây Thi cười khuynh nước nghiêng thành. Rồi tới năm 917 sau Công Nguyên, quốc gia ở vùng Phúc Kiến hiện nay, tự xưng là Đại Việt sau mới đổi tên thành Nam Hán.

© DCVOnline

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: