Nếu muốn theo gót Reagan, ông Bush nên nói như thế này...
Sau những đòn phép úp mở từ cả hai bên, cuối cùng Hoa Kỳ cũng tiếp đón Chủ tịch Nước của Việt Nam là ông Nguyễn Minh Triết.
Sau những vấp váp không chấp nhận được của ông Bush trong chuyến thăm viếng Việt Nam năm ngoái, Tổng thống Hoa Kỳ phải yêu cầu ban tham mưu (rất kém cỏi của mình) về Việt Nam chuẩn bị những lời phát biểu ông sẽ nói với ông Triết ngày 22 này.
Sau khi truyền thông báo chí lục tục đem máy móc rút khỏi phòng họp, đây là những phát biểu của ông George W. Bush với ông Nguyễn Minh Triết. Phần in nghiêng trong ngoặc kép là cho ban tham mưu về Việt Nam của Bush, nếu như họ chịu khó học bài và hàn gắn những lỗi lầm và dốt nát đã qua...
Thưa ông Chủ tịch,
(Ban tham mưu nên dịch lời phát biểu này ra Việt ngữ, và nên vứt lối dịch sặc màu phong kiến Hà Nội là dùng chữ “Ngài”. “You” có thể là tất cả - kể cả... mày!)
Thay mặt người dân và chính quyền Hoa Kỳ, tôi xin thành thật chào mừng ông trong chuyến thăm viếng này, và khẳng định rằng chúng ta, ông và tôi, đều muốn cải thiện mối quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta vì đấy là ước nguyện của người dân hai nước và là một đòi hỏi của đạo lý. Ông muốn nói đến chuyện kinh tế, tôi muốn nói rộng ra những khuôn khổ khác của hợp tác.
Hoa Kỳ đã thành tâm cải thiện quan hệ và hợp tác chặt chẽ với các quốc gia từng ở bên kia chiến hào và - như trường hợp của Nhật Bản và Cộng Hoà Liên Bang Đức, còn coi các nước này là đồng minh chiến lược.
Về nước Đức và vị Thủ tướng mà bản thân tôi rất quý trọng là bà Angela Merkel, tôi xin được nhắc lại là bà sinh trưởng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Đông Đức, mà nay là một trong các lãnh tụ sáng suốt và tích cực nhất thế giới trong việc vận động cho tự do, dân chủ, hoà bình và thịnh vượng của các nước.
Thưa ông Chủ tịch,
Tôi sở dĩ nhắc tới bà Merkel vì bản thân ông Chủ tịch cũng có một số hoàn cảnh tương tự.
Chúng tôi nhiệt liệt ngợi ca thành tích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ khi quý quốc tiến hành đổi mới. Thành tích này chủ yếu xuất phát từ khả năng suy tư và hành động rất thực tiễn và cần cù của người dân Việt Nam mà cả thế giới ngày nay đều đã biết. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực đấu tranh của người dân để cải thiện cuộc sống và giúp Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế 20 năm trước, một số quý vị trong tầng lớp lãnh đạo có góp phần cho việc đó.
Họ không đông - và càng đáng quý vì không đông - mà vẫn dám làm. Trong lớp người này có ông Chủ tịch từ khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Tôi cứ hay bị chế diễu là gọi những người mính quý bằng hỗn danh, nay có gọi ông Chủ tịch là ông Sáu Phong, chẳng biết là có đúng hay không!
Ngày nay, ở cương vị một Chủ tịch Nước, ông Sáu Phong có thể và có muốn hoàn tất nốt việc đó không, để trở thành một người Việt Nam đáng kính trọng đối với người dân Việt Nam? Nếu ông muốn, Hoa Kỳ chúng tôi sẵn sàng hợp tác về mọi mặt.
Xin nói ngay cùng ông rằng việc hợp tác ấy có lợi cho Hoa Kỳ. Nhưng là một mối lợi sâu xa hơn mọi nhiệm kỳ tổng thống hay đại hội đảng của quý quốc.
Hoa Kỳ muốn thấy một khu vực Á châu Thái bình dương ổn định, hoà bình và thịnh vượng. Đó là quyền lợi lâu dài của nước Mỹ. Vì những di sản tâm lý của quá khứ với Việt Nam, Hoa Kỳ không muốn thấy xứ này lại bị khủng hoảng và lôi kéo vào một cuộc chiến vô ích có thể gây bất ổn cho toàn khu vực.
Cho nên, ông Sáu có thể yên tâm ở một điều, nhất là sau chuyến viếng thăm Trung Quốc vừa qua của ông, rằng Hoa Kỳ không muốn và cũng chẳng cần quý quốc phải đu dây giữa Bắc Kinh và Washington, và càng không cần quý quốc phải là một đồng minh của Hoa Kỳ khi túi tiền thì nằm ở bên này mà tâm tư vẫn ngoái về bên đó.
Thưa ông Chủ tịch, khái niệm du dây đã thành vô giá trị từ lâu rồi vì Việt Nam không cần mà cũng chẳng nên nằm trên một sợi dây. Nếu có, lãnh đạo nước Mỹ sẽ phải giải quyết vấn đề của Trung Quốc với Hoa Kỳ, và tôi xin nói rất thành thật là giải quyết được!
Nếu thực sự theo dõi tình hình Trung Quốc với một số khó khăn mà xứ này đang gặp và Việt Nam sẽ sớm gặp, ông Chủ tịch phải biết rằng lời khẳng định của tôi không phải là quá đáng.
Chúng tôi chỉ mong muốn Việt Nam thực sự độc lập – và độc lập ở bên cạnh Trung Quốc, từ lối suy nghĩ và tổ chức lẫn đối ngoại - để người dân Việt Nam có hoà bình và cơ hội bắt kịp sự tiến hoá cùng thế giới thay vì cứ phải dọ dẫm bước sau Trung Quốc và không bao giờ ra khỏi cái bóng rợp của họ.
Những nỗ lực hợp tác về quân sự mà hai quốc gia chúng ta đang tiến hành cũng nằm trong chiều hướng đó, và chỉ như vậy mà thôi. Việc bảo vệ nền độc lập của Việt Nam thuộc trách nhiệm của người dân và lãnh đạo Việt Nam. Tôi sẽ không vô lễ mà nói rằng quý vị cần quan niệm lại vấn đề độc lập của Việt Nam theo ý nghĩa hiện đại hơn.
Chúng tôi không thể và không muốn làm việc đó cho quý vị, và càng không muốn Việt Nam trở thành một chư hầu của Hoa Kỳ như nhiều người có thể cảnh báo ông Chủ tịch.
Đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ phải là những quốc gia trước hết có khả năng tự chủ và độc lập, chứ không là các quốc gia chỉ tồn tại khi nhờ cậy vào nước Mỹ. Hoa Kỳ không là một Đế quốc để cần có chư hầu.
Tôi thành thật mong muốn là lãnh đạo của Việt Nam hiểu rõ điều ấy.
Và ông Chủ tịch có thể ở vào cương vị thuận tiện trong hệ thống lãnh đạo của quý quốc để tiến hành những gì có lợi nhất cho Việt Nam. Những trường hợp bất lợi cho Việt Nam như vụ Hoàng Sa năm 1974 và vụ Trường Sa khi Hoa Kỳ đã rút khỏi Việt Nam, cho thấy là bảo vệ độc lập có khác với giành lại độc lập. Hoa Kỳ không muốn can dự vào chuyện đó nếu đấy không là một vấn đề quốc tế khả dĩ đe dọa sự ổn định tại Á châu Thái bình dương.
Tất cả đều tùy thuộc vào quý quốc.
Ra khỏi những ưu tư về cái thế đu dây, ông Chủ tịch có thể nhớ rất rõ lập trường của Hoa Kỳ đối với các vấn đề của thế giới.
Chúng tôi muốn là các xã hội của nhân loại được cởi mở, tự do, cùng theo đuổi công cuộc phát triển với tự do về giao dịch trong ngoại thương và đầu tư. Mà muốn vậy thì phải có dân chủ. Quốc gia nào có dân chủ thì người dân xứ đó có lợi nhất.
Năm kia, bản thân tôi có phát biểu rằng những ai tranh đấu cho dân chủ đều có thể tin là có Hoa Kỳ đứng bên. Tôi thực tin như vậy và sẽ tiến hành việc đó, y như những người sẽ kế nhiệm tôi sau này, vì chế độ dân chủ và ý nguyện tự do là những điều có lợi cho nhân loại trong đó có nước Mỹ.
Sau những lời phát biểu của bản thân tôi về việc góp phần phát huy dân chủ, năm ngoái, tôi đã lịch sự với quý vị mà xuất hiện với hình tượng Hồ Chí Minh ở phía sau (tôi lịch sự chứ không phải vì sự yếu kém của ban tham mưu của tôi!) Đối với nhiều người, cả Việt Nam và quốc tế, cách xuất hiện ấy là một mâu thuẫn khó tha thứ!
Trong chế độ dân chủ của Hoa Kỳ, tôi đã bị đả kích rất nhiều, và phải nói là rất chính đáng (nên tôi đã phải yêu cầu ban tham mưu bày mưu chữa cháy khá vụng dại).
Thật ra, thưa ông Chủ tịch, lãnh đạo Việt Nam không giúp ích gì cho việc cải thiện mối quan hệ giữa hai nước chúng ta khi chẳng cải thiện mối quan hệ của chính quyền với chính người dân và tung ra hàng loạt những vụ đàn áp tự do và dân chủ tại Việt Nam. Khi thực tình muốn thắt chặt quan hệ hợp tác giữa đôi bên mà tôi đã để xảy ra điều đáng tiếc ấy, tôi phải suy nghĩ lại.
Chúng ta không thể bình thường hoá quan hệ giữa hai quốc gia với nhau khi lãnh đạo Việt Nam chưa bình thường hoá quan hệ với chính người dân của mình. Hoa Kỳ không thể tiếp tay ủng hộ các hành động độc tài, ông Chủ tịch nên tin vào điều ấy khi thấy lãnh đạo nước Mỹ đã bị khiển trách quá nhiều về lỗi lầm đó trong quá khứ.
Một người đã chấm dứt sự sai lầm đó là Tổng thống Ronald Reagan, khi không chấp nhận nạn độc tài tại Philippines và Indonesia dù hai xứ này là đồng minh chống Cộng rất đắc lực.
Cách đây 20 năm, cũng Tổng thống Reagan đã công khai kêu gọi Chủ tịch Mikhail Gorbachev là nên phá bỏ bức tường Berlin. Thế giới không thể quên lời kêu gọi đó và nhớ mãi những nỗ lực kế tiếp của các Tổng thống Hoa Kỳ để giúp Liên bang Xô viết chuyển hoá một cách hoà bình ra khỏi chế độ cộng sản hầu kết thúc Chiến tranh lạnh mà không gây đổ máu cho nhân loại.
Cách đây 10 ngày, khi dự lệ khánh thành đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản tại Thủ đô Hoa Kỳ, tôi có nghĩ lại là sau khi đã ngồi chụp hình trước bức tượng của Hồ Chí Minh, tôi có thể mời ông Chủ tịch đi thăm tượng đài ấy trong chuyến gặp gỡ và làm việc lần này. Ông Chủ tịch nghĩ sao?
Khi phát biểu tại buổi lễ khánh thành đài kỷ niệm đó vào ngày 12, tôi cố tình không nhắc đến vụ thảm sát tại Huế vào năm 1968 (chứ không phải vì ban tham mưu của tôi) Cũng vậy, khi phát biểu tại Cộng hoà Czech vào ngày mùng năm, tôi cố tình không nhắc đến tên những nhà tranh đấu rất trẻ cho nền dân chủ chưa có tại Việt Nam và bị quý vị cầm tù một cách vô lý (chứ không phải ban tham mưu của tôi).
Tôi có lý do, thưa ông Sáu Phong!
Người Á Đông vốn hay coi trọng thể diện. Chúng tôi thông cảm với điều ấy nên cố tránh cho quý vị nhiều điều phũ phàng nhưng dường như quý vị lại coi thiện chí đó là sự yếu kém của Hoa Kỳ. Nếu muốn thực sự là bạn thì ta nên tránh để xảy ra chuyện đó, và ông đừng quên rằng bản thân tôi thường bị dư luận rất tự do của Hoa Kỳ phê phán là ăn nói xỗ xàng và dám có hành động ngang ngược vì niềm tin đạo lý của mình!
Như một người miền Nam của quý quốc, tôi không khéo nói nhưng thấy đúng là làm, và làm tới cùng!
Như với ông Gorbachev hai chục năm về trước, Hoa Kỳ chúng tôi muốn tạo điều kiện cho quý vị và người Việt Nam tự chuyển hóa một cách hoà bình qua chế độ dân chủ. Tầng lớp trẻ đang bị quý vị cầm tù là con em của quý vị, đã sinh trưởng trong chế độ cộng sản - nhất là tại miền Bắc - và sớm thấy ra những sự bất toàn của đất nước. Họ là tương lai của nước Việt Nam đấy. Trong gia đình của ông Chủ tịch, không thiếu người cũng cảm nghĩ như họ và không hài lòng về những hành vi đàn áp đó.
Ông Chủ tịch ở vào hoàn cảnh tôi nghĩ là lịch sử để có thể góp phần tạo ra sự chuyển hoá hòa bình và có lợi cho Việt Nam. Tôi nói vậy không phải vì ông Sáu sinh tại miền Nam.
Nước Việt Nam của quý vị đã trưởng thành và già dặn để chọn người lãnh đạo căn cứ trên khả năng hơn là xuất xứ, trong hay ngoài đảng, ở miền Nam hay miền Trung, miền Bắc. Nếu bản thân ông và những người cùng chí hướng - không nhất thiết là “đồng chí” trong đảng - muốn góp phần tiến hành việc đó, Hoa Kỳ sẵn sàng, như chính ông đã có thể thấy qua rất nhiều kế hoạch hợp tác (tránh chữ viện trợ) của Hoa Kỳ và của các định chế quốc tế do Hoa Kỳ tài trợ.
Thưa ông Chủ tịch,
Trong chuyến thăm viếng này, đôi ta đều mong muốn đặt được những viên đá vững chãi trên con đường hợp tác cho sự thịnh vượng chung. Các thỏa ước cần thiết như TIFA hay BIT về đầu tư, PTA về Ngoại thương, cả quy chế ưu đãi tổng quát GSP và sau cùng là Hiệp định Song phương về Tự do Ngoại thương FTA đều sẽ được cấp chuyên gia của chúng ta đàm phán thảo luận để ký kết.
Nhưng ông Chủ tịch cần tin vào một số điều sau đây:
Thứ nhất, Hoa Kỳ muốn cải thiện quan hệ và sẽ giúp quý quốc thông hiểu về kỹ thuật để tranh đấu cho hữu hiệu trong các cuộc đàm phán này vì một lý do rất Mỹ: sự thỏa thuận bình đẳng và trong sáng mới là nền tảng hợp tác lâu dài mà không có tranh tụng vì thất vọng sau này.
Thứ hai, luật lệ Mỹ có đặt ra một số điều kiện cụ thể trong hợp tác với mọi quốc gia, như quyền lợi lao động, quyền lập hội, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường và sức khoẻ, v.v... mà quý vị nên nghiên cứu và chấp nhận để chấp hành vì điều ấy trước tiên có lợi cho người Việt Nam.
Thứ ba, trong một quốc gia đa nguyên và một chế độ dân chủ có phân lập quyền hạn, Hành pháp không thể vượt quyền của Lập pháp. Quốc hội chúng tôi sẽ theo dõi kiểm tra rất sát những cam kết của hai nước trong các văn kiện này, nhất là sau khi quý vị nhục mạ nước Mỹ và xúc phạm Dân biểu và Đại sứ của chúng tôi.
Thứ tư, Quốc hội cùng dư luận Hoa Kỳ có thẩm quyền và ảnh hưởng mà doanh giới không thể vượt qua. Đừng quên rằng trước khi là thương nhân, hay con buôn như quý vị gọi, doanh gia Mỹ là người Mỹ đã!
Quan trọng nhất, là người đã theo chủ nghĩa cộng sản, ông Chủ tịch hẳn còn nhớ Tuyên ngôn Cộng sản của Karl Marx trong đó ông ta kịch liệt đả kích tự do ngoại thương - là những điều chúng ta đang ráo riết thực hiện vì quyền lợi chính đáng của người dân của mình.
Ông Sáu ơi, đã đến lúc ta phải nhìn vào thực tế hơn là những chỉ dạy sai quấy của Marx hay Hồ Chí Minh. Chúng ta phải tự giải phóng khỏi những lầm lẫn của quá khứ thì mới là đồng minh chiến lược cho lâu dài được.
Trở lại hiện tại, thưa ông Chủ tịch,
Quý vị càng đàn áp dân chủ, chà đạp nhân quyền hay giới hạn tự do tín ngưỡng thì càng cản trở việc hợp tác. Điều ấy sẽ gây bất lợi cho người Việt Nam trong việc làm ăn buôn bán với Hoa Kỳ. Và càng làm chậm nhịp chuyển hoá của Việt Nam ra một xã hội tiến bộ hơn trong một thế giới văn minh hơn.
Sau cùng, tôi cũng xin nói đến một chi tiết nhỏ mà lại có ý nghĩa tượng trưng rất lớn vì kết hợp nhiều khía cạnh chính trị và kinh tế, quá khứ và tương lai.
Là cường quốc tự trọng, Hoa Kỳ sẵn sàng chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình. Chính quyền của tôi không hề và sẽ không bao giờ can thiệp vào hồ sơ chất độc da cam vì muốn làm sáng tỏ nội vụ hầu không tái phạm lỗi lầm cũ - nếu như điều ấy có xảy ra. Nhưng, ngược lại, cũng không muốn khai thác vụ này trong mục tiêu chính trị.
Đạo lý của dân chủ Mỹ và của nhân loại nói chung không cho phép chúng ta làm việc đó.
Tuy nhiên, thưa ông Chủ tịch, nếu thực tâm nhìn vào một số chứng tật đang gieo họa cho trẻ em và người dân Việt Nam nói chung, ta có thể thấy ra những yếu kém trong chế độ bảo vệ y tế và môi sinh tại Việt Nam khiến môi trường và lương thực bị nhiễm độc. Cơ quan FDA của Hoa Kỳ đã và sẽ còn ngăn các loại thực phẩm độc hại đó gây bệnh cho người tiêu thụ Hoa Kỳ. Nhưng, dù chẳng bán qua Mỹ thì loại thực phẩm ấy vẫn đang gây bệnh cho người Việt Nam.
Nếu quý vị muốn giải quyết vấn đề thật hơn là khai thác hồ sơ chất độc da cam, Hoa Kỳ sẵn sàng yểm trợ về kỹ thuật. Chuyện ấy mới là một ưu tiên mà ông Chủ tịch cần quan tâm, hơn là tìm cách đổ lỗi cho Hoa Kỳ về những chuyện xảy ra từ hơn ba chục năm trước. Cái lối ngoại giao ăn vạ của nước nhược tiểu trong khi để dân nhiễm bệnh từ hai chục năm nay thật không xứng đáng với một quốc gia như Việt Nam.
Thưa ông Chủ tịch,
Việt Nam đã thực sự muốn quên quá khứ và tiến lên một trình độ phát triển cao hơn hay chưa là một vấn đề tùy thuộc vào lãnh đạo của Việt Nam, và của bản thân ông Chủ tịch. Thiện chí năm ngoái của bản thân tôi đã bị quý vị đánh giá sai, nhưng đừng nên để lỡ cơ hội nữa vì sẽ gây thiệt hại trước hết cho người Việt Nam và danh dự của nước Việt Nam.
Bây giờ, ông Sáu có thể nói thẳng những gì ông muốn...
Nguyễn Xuân Nghiã
(@VietbaoOnline)
Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét