Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

Khi mà Công An cầm bút viết thay cho Hội Nhà Văn Việt Nam…


Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
VĂN BÚT QUỐC TẾ CHỐNG PHÁ VIỆT NAM ?
Khi mà Công An cầm bút viết thay cho Hội Nhà Văn Việt Nam…

Trong số ra ngày 13 tháng 6 năm 2007, báo Công An Nhân Dân tại Hà Nội, một lần nữa, cho đăng một bài viết đầy ác ý xuyên tạc và vu khống của cán bộ Thy Nga với tựa đề : NGUYÊN HOÀNG BẢO VIỆT NÚP BÓNG TỔ CHỨC ''VĂN BÚT QUỐC TẾ'' CHỐNG PHÁ VIỆT NAM.

Chúng tôi có chuyển bài báo đó cho nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt. Thi hữu cho biết ông sẽ nhờ các nhà văn Việt Nam lưu vong và các văn thi hữu quốc tế chuyển dịch bức thư này ra các ba tiếng chính thức của Văn Bút Quốc Tế để gởi cho các văn thi hữu Chủ tịch, Tổng Thư ký, ban Chấ p hành Văn Bút Quốc Tế, Ủy Ban Nhà Văn Bênh Vực Nhà Văn Bị cầm tù và tất cả các Trung tâm thành viên Hiệp Hội Thế Giới các Nhà Văn. Trước những luận điệu không tôn trọng sự thật và thiếu tinh thần độc lập nghề nghiệp của báo Công An Nhân Dân, chúng tôi được nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đồng ý cho đăng bài thơ 'QUÊ HƯƠNG' ông viết gần nửa thế kỷ trước tại Miền Nam tự do để tuyên dương một đất nước Việt Nam khác hẳn cái gọi là 'Việt Nam' (CHXHCNVN) của báo Công An Nhân Dân. Đăng lại bài thơ 'Quê Hương' để thân tặng tất cả những tù nhân chính trị, ngôn luận và lương tâm, những nhà dân chủ đối kháng, những người cầm bút dũng cảm biết tiếng hay vô danh, đang bị trấn áp tàn bạo trên chính quê hương Việt Nam thương yêu của họ. Ai trấn áp họ? Chỉ có một câu trả lời: guồng máy thống trị, công cụ của một nhóm ủy viên bảo thủ thuộc bộ Chính trị và Trung ương 'núp bóng' đảng CSVN đã và đang 'chống phá' 'Việt Nam'. Được biết bài thơ 'Quê Hương' cùng với bản dịch Pháp ngữ của bà Hoàng Nguyên đã được đọc tại một buổi sinh hoạt Văn học Nghệ thuật do Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại và Hội Nhà Văn Liên Hiệp Quốc ở Genève tổ chức.

Tưởng cũng cần nhắc lại, thành lập từ năm 1921, Văn Bút Quốc Tế là tổ chức uy tín và lâu đời nhứt qui tụ hàng vạn nhà văn thế giới không phân biệt chính kiến, màu da, chủ ng tộc. Luôn luôn hoạt động quang minh chính đại, được hướng dẫn bởi tinh thần Hiến Chương Văn Bút Quốc Tế dù phải từng trải qua bao nhiêu trận cuồng phong lịch sử. Tại Đại Hội Thế Giới Mạc Tư Khoa năm 2000, Văn Bút Quốc Tế đã lên tiếng trả lời sự ‘than phiền’ của chế độ Bắc Kinh như sau: ''Khi đồng thanh biểu quyết các Quyết Nghị về Trung Hoa, Văn Bút Quốc Tế chúng tôi không có ý biểu lộ sự thù nghịch gì đối với đất nước các ông. Mà trái lại, vì chúng tôi yêu mến dân tộc, văn chương và văn hóa Trung Hoa cho nên chúng tôi muốn chế độ hiện nay phải sửa đổi để xứng đáng hội nhập vào Cộng đồng những quốc gia dân chủ, tôn trọng Nhân Quyền". Đó cũng sẽ là câu trả lời của Văn Bút Quốc Tế cho các chế độ Hà Nội, La Havane, Bình Nhưỡng cũng như bất cứ chế độ chà đạp Nhân Quyền nào khác trên trái đất này.

Trở lại Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế Bá Linh (Berlin) Đức quốc, nơi mà Hội Đồng Đại Biểu đã thông qua mười Quyết Nghị, trong số đó có Quyết Nghị về Việt Nam. Bạn đọc ở hải ngoại và nhứt là bạn đọc ở trong nước rất cần có thêm nguồn tin trung thực về những mục tiêu và sứ mạng của Văn Bút Quốc Tế. Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế, diễn ra hàng năm, là nơi quy tụ đại biểu thay mặt cho khoảng 18 ngàn nhà văn nhà thơ thuộc 141 Trung tâm trên 101 quốc gia và lãnh thổ. Chủ đề ''Viết trong một Thế giới không có Hòa bình'' của Đại Hội Bá Linh là sự tái xác nhận vai trò trọng yếu của văn chương, đồng thời là một tín hiệu toàn cầu chống lại sự áp chế các nhà văn tại bất cứ đâu. Lý tưởng theo đuổi của Văn Bút Quốc Tế bao hàm sự yêu mến văn chương và quý trọng tác giả, vượt ra ngoài mọi biên cương kềm tỏa. Và dấn thân, cam kết tranh đấu để bảo vệ quyền Tự do phát biểu, diễn đạt tư tưởng, sáng tạo và thông tin. Cùng xây dựng cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa khác biệt, nhứt là ở những vùng có tranh chấp và bạo động. Trong một cuộc họp báo, ông Jiri Grusa , Chủ tịch Văn Bút Quốc Tế, lưu ý công luận về mối hiểm nguy đang đe dọa giới cầm bút. Ông nhắc đến hàng trăm văn thi hữu bị án tù nặng nề và hơn ba mươi người kể cả nhà báo bị sát hại trong năm qua. Riêng tại vùng Á Châu-Thái Bình Dương, bản phúc trình của Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù nêu đích danh hai nhà nước Trung Hoa và Việt Nam độc tài cộng sản, và nhà nước Miến Điện độc tài quân phiệt. Ba chế độ tội phạm này là mối quan ngại thường trực và hàng đầu của Văn Bút Quốc Tế. Không quên Cuba, một nước đồng chí anh em kết nghĩa của CHXHCNVN, luôn luôn bị tố cáo và lên án như Bắc Kinh và Hà Nội, tại bất kỳ Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế nào. Không có bàn tay 'phù thủy' nào có thể ‘bịt mắt’ được Văn Bút Quốc Tế. Huống chi khi mà các nhà văn thế giới biết được rằng Công An Hà Nội đã cầm bút viết thay cho Hội Nhà Văn Việt Nam để đả kích Văn Bút Quốc Tế chỉ vì Văn Bút Quốc Tế bênh vực các nhà cầm bút bị đàn áp và bị cầm tù tại Việt Nam.

Chúng tôi xin gởi lời thân chào và cám ơn những người bạn trẻ vô danh từ cố đô Thăng Long đã gởi bài báo 'bạn dân' cho chúng tôi. Và chúng tôi cũng cám ơn nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã cho phép lựa đăng dưới đây vài tấm hình chụp về các Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế mà ông đã tham dự với tư cách đại biểu Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại, tại Vienne nước Áo, Prague nước Tiệp, Varsovie nước Ba Lan, Luân Đốn nước Anh, Mạc Tư Khoa nước Nga, Ohrid nước Macédoine, Bled nước Slovénie, Berlin nước Đức và Hội Nghị Quốc Tế Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù tại Kathmandou nước Népal.

Genève ngày 16 tháng 6 năm 2007.

(* Trích tập thơ Những Dòng Nước Trong, nhà xuất bản Văn Nghệ do nhà văn Đoàn Tường Lý Hoàng Phong, Anh nhà thơ Quách Thoại chủ trương năm 1962)


Quê Hương

Tôi đang đi qua những nhịp cầu tre không có gì phá gãy được để trở lại quê hương.
Xứ sở của cảm thông, của yêu thương, với những dòng tư tưởng khoan dung tuần tự lớn lên
Xứ sở hướng về Nam như con chim Việt tìm đúng cành mới đậu
Những đứa con yêu dấu, trai lẫn gái, đều ôm ấp giấc mộng mạo hiểm viễn du
Dưới bước chân bùn Hậu giang, trên cánh tay Việt Bắc, trong lồng ngực Cao nguyên, với đôi vai gầy miền Trung trĩu gánh nặng Trường sơn.
Xứ sở một phần dĩ vãng đau thương, suốt bốn ngàn năm thao thức
Triều sóng lúa vàng óng ánh không ngớt đổ từ rừng núi miền Tây ra tận cửa biển Đông
Xứ sở quằn quại với vết thương chia cắt, còn đủ sức để nhấc bổng thực tại, còn đủ hơi thở hy vọng vươn tới một tương lai tươi sáng
Xứ sở không chỉ giàu những hầm mỏ ruộng vườn, xứ sở còn giàu những tâm hồn hai mươi ba mươi tuổi
Xứ sở quen thuộc với mọi hình thức chiến tranh, dù không muốn, giữa người, giữa người và thiên nhiên
Lịch sử đất nước dạn dày sương gió
Đã bao nhiêu lần vấp ngã rồi chỗi dậy, luôn luôn dũng cảm hồi sinh.
Xứ sở của phong dao tình ái, lục bát với Nguyễn Du, dường như mỗi trái tim là một nguồn thơ
Xứ sở nhờ thi ca làm trẻ làm giàu thêm ngôn ngữ
Dân tộc nói tiếng nói lúc chìm lúc nổi theo thủy triều lịch sử, vẫn giữ nguyên vẹn màu sắc vừa đơn sơ vừa hoa mỹ của âm thanh
Xứ sở không che giấu bất bình lúc nhân nghĩa bị chà đạp, tự do bị cầm giữ
Xứ sở mười hai tháng mưa nắng thay nhau ngự trị, vẫn không thiếu bốn mùa sen cúc mai lan, từ thượng du tuyết giá tới bình nguyên hạn hán.
Xứ sở còn rải rác khuyết điểm nhưng bao gi ờ tính tốt cũng nhiều hơn
Xứ sở tấm lòng bạn bè cởi mở như vô tận không gian, nên chi những bầy sao lạ cũng tìm đến xin nương tựa
Xứ sở các triều đại thịnh suy thay đổi lúc đức cần lao nhẫn nại, niềm tự tin tiếp tục lưu truyền
Xứ sở những người áo vải gây dựng nghiệp lớn, những Nguyễn Huệ, những vòm trời Tây Sơn
Xứ sở từ vực sâu bóng tối thường nẩy nở thiên tài, từ ao lầy những đóa sen nhũn nhặn mà hương thơm ngát
Xứ sở chẳng bao giờ trái nghĩa quên ơn những liệt sĩ vô danh bỏ mình vì Tổ Quốc, người sống sót nối tiếp truyền thống trung kiên bất khuất.
Xứ sở với vựa thóc kho vàng chứa đầy chuyện cổ tích thần tiên và trẻ con cười nói hồn nhiên cả trong giấc ngủ say
Xứ sở với những ánh trăng thu làm mờ nhạt nỗi lo âu u ám trên vầng trán những cặp tình nhân bị thói đời hắt hủi
Xứ sở ngay từ buổi sơ sinh đã là vòm lá trú ẩn cho vô số đàn chim chạy trốn dông bão ngoài khơi
Với những ai mất quê hương, đưa bàn tay anh em ra mời đón
Xứ sở những nụ cười đổ mưa, những giọng nói nghẹn ngào, hoặc để phơi bày niềm vui chung, hoặc để san sẻ tâm tang đau đớn.
Xứ sở thường nhìn với cặp mắt âu yếm khiến cho bao nhiêu nỗi nhọc nhằn đều tan biến dễ dàng
Xứ sở những Mẹ hiền và Cha nghiêm khắc vì quá đổi thương con
Xứ sở những em nhỏ tinh khôn, những cụ già trầm tĩnh
Xứ sở của nhiều giống cây oằn sai trái chín thơm phức, của những chuổi hôn ngọt ngào hiếm có, bởi người ta thường chỉ hôn khi thật sự yêu thương nhau
Xứ sở của những mối tình chung thủy, như tim với máu, thân thể với tâm hồn, như tôi với người yêu tôi sẽ xin cưới làm vợ
Xứ sở những Người sinh đẻ, nuôi dưỡng và dạy dỗ tôi, những đứa em ngoan và ham học.
Xứ sở được bồi đắp bằng phù sa của những dòng sông, dù trong dù đục, khi xuôi thuyền, người ta sẽ tìm thấy những khuôn mặt quá khứ, hoặc vui hoặc buồn, của một dân tộc không ngớt trẻ trung và già giặn
Tổ quốc những người dù lưu lạc nơi đâu cũng hướng mắt về, mỗi lần nghe bước chân thời gian đưa mùa Xuân đi qua trái đất
Xứ sở mà chân trời là biên giới mới, nơi chia tay giữa con người và bóng tối, giữa yêu thương và tội ác.
Đất nước thường bị thua thiệt, vì người dân rất giàu tình cảm và tin cậy ở lòng tốt bẩm sinh của đồng loại, ở tiếng nói cuối cùng của công lý và nhân đạo
Xứ sở trước mắt thế giới hôm nay như một người bạ n thuầ n hậu, trước tương lai nhân loại như như một tấm gương trung thực và quả cảm
Xứ sở được gọi bằng hai tiếng Việt Nam, một cái tên đối với tôi như có quyền lực nhiệm mầu, luôn luôn gợi cho tôi những ảnh hình quyến rũ
Xứ sở dù sớm dù muộn sẽ trở lại hồng hào da thịt, với những khát vọng tha thiết hòa vào dòng máu khôn ngoan nòi giống Rồng Tiên đang giữ gìn trong huyết quản
Số phận tôi đã gắn liền với tình yêu quê hương không có gì tách rời được
Xứ sở đẹp như một bài thơ viết cho trẻ con, với vần điệu phóng túng, với ngôn ngữ tự nhiên
Xứ sở tượng trưng nguồn hy vọng chẳng bao giờ tắt…

Nguyên Hoàng Bảo Việt (1961)*

Tác giả các tập thơ 'Hy Vọng' (1961)), 'Những Dòng Nước Trong' (1962) và 'Quê Hương như Một Thánh Tích' (1969) xuất bản trước 30 tháng 4 năm 1975.

Không có nhận xét nào: