Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

Tôi gặp Linh Mục Giuse Lê Văn Hộ lần cuối cùng trước khi ngài bị Việt Cộng chôn sống...

Nguyễn Lý Tưởng

LTS.- Chúng tôi cho đăng tải lại tài liệu dưới đây để rộng đường dư luận về những sự trừng phạt của Việt Cộng đối với dân lành và tu sĩ chỉ vì: dân không nổi dậy cướp chính quyền như Việt Cộng trông đợi.

1. Tiệc tất niên

Chiều ngày 29 Tháng Giêng, 1968 tức 30 Tháng Chạp, Ðinh Mùi, ngày cuối cùng của năm cũ bước sang năm mới Mậu Thân (1968), tôi vừa từ Huế về quê thăm mẹ tôi tại làng Dương Lộc, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị thì anh Dương Minh Hoàng, một người bà con bên ngoại của tôi đến gặp tôi và mời tôi đi ăn tất niên...

Anh nói:

- Nhân ngày cuối năm, ba mươi Tết, tôi có mời Cha Chánh Xứ và bà con họ hàng đến nhà tôi ăn Tết trước, vì sợ ba ngày Tết ai cũng bận rộn khó mà gặp nhau đông đủ được. Lâu quá chú mới về thăm, nhân tiện mời chú đến chơi, gặp Cha và anh em thanh niên cho vui.

Tôi chưa biết tính sao vì lâu ngày mới về thăm mẹ mà đã bỏ nhà đi chơi với bạn bè, nên tôi cũng ngại. Nhưng mẹ tôi vội lên tiếng:

- Cha Hộ mới đổi về làm chánh xứ làng mình, con nên đến chào ngài.

- Ðể sáng mai đi lễ minh niên, con vào mừng tuổi Cha và chúc Tết bà con tại nhà thờ cho tiện. Con chạy xe hai bánh từ Huế về nhà mệt quá, cần nghỉ ngơi cho tỉnh táo đã.

- Bây giờ mới hai, ba giờ chiều... Năm sáu giờ chúng tôi mới bắt đầu tiệc, chú cố gắng đến cho vui.

Anh Hoàng nói mấy lời rồi chào chúng tôi và cỡi xe gắn máy ra đi.

Chiều cuối năm trời lạnh và có vẻ âm u nhưng không mưa. Mẹ tôi liền đi nấu một nồi nước nóng cho tôi tắm và bảo tôi thay áo quần để mẹ giặt cho. Tắm xong nên nghỉ ngơi một lát cho tỉnh táo rồi đi dự tiệc tất niên với anh em. Trong lúc chờ đợi, mẹ tôi cho biết:

Linh Mục Giuse Lê Văn Hộ, người làng Trí Bưu (tức Cổ Vưu) Quảng Trị, làm cha xứ Vạn Thiện, quận Do Linh phía Nam Bến Hải (vĩ tuyến 17) mới đổi về giáo xứ Dương Lộc cách nay mấy tháng. Từ 1950 đến 1962, Linh Mục Lê Hữu Luyến (anh ruột Ðức Cha Lê Hữu Từ) làm cha xứ ở quê tôi, sau đó ngài bị đau đi chữa bệnh thì em ruột ngài là Linh Mục Lê Hữu Huệ chánh xứ Ðại Lộc kiêm Dương Lộc 1962-1964 rồi đến Linh Mục Nguyễn Thanh Hòa 1964-1967, Linh Mục Nguyễn Văn Triêm đến thay Cha Hòa được mấy tháng (1967) thì Linh Mục Giuse Lê Văn Hộ đến thay Cha Triêm (từ 1967 đến Tết Mậu Thân, 1968).

Tôi gặp Cha Hộ lần đầu tiên tại nhà thờ Trí Bưu năm 1949, lúc đó ngài mới ngoài 42 tuổi, rất đẹp trai và có biệt tài về âm nhạc, có tiếng về đàn harmonium. Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh của ngài trong một dịp lễ trọng tại nhà thờ Trí Bưu năm đó. Nhưng trải qua gần 20 năm, tôi chưa bao giờ được tiếp xúc, trò chuyện với ngài. Qua tài liệu của Tòa Tổng Giám Mục Huế, tôi được biết:

Linh Mục Giuse Lê Văn Hộ sinh ngày 9 Tháng Tư năm 1907 tại làng Trí Bưu, Phủ Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị (thường gọi là giáo xứ Cổ Vưu), cha là Anrê Lê Văn Kinh, mẹ là Maria Trần Thị Linh. Ngài được Linh Mục Lê Thiện Bá, anh của ngài giới thiệu vào tu tại Tiểu Chủng Viện An Ninh (Cửa Tùng, Quảng Trị) Tháng Chí, 1919 rồi vào Ðại Chủng Viện Phú Xuân (Kim Long, Huế) ngày 31 Tháng Tám, 1929, lãnh phép Cắt Tóc 30 Tháng Năm, 1931, chịu bốn chức nhỏ 10 Tháng Sáu, 1933, chức Năm 26 Tháng Năm, 1934, chức Sáu 15 Tháng Sáu, 1935 và thọ phong Linh Mục ngày 6 Tháng Sáu, 1936 do Ðức Giám Mục Tardieu (Phú). Cuộc đời Linh Mục, từ 1936-1939, ngài lần lượt làm cha phó Tam Tòa (Quảng Bình), cha sở Vĩnh Trị rồi Trung Quán, quê của Thánh Tử Ðạo Tôma Thiện, (Quảng Bình). Từ 19 Tháng Bảy, 1940 làm giáo sư kiêm quản lý Tiểu Chủng Viện An Ninh. Cha sở các xứ Diêm Tụ (1950), Cầu Hai (1953), Nước Ngọt (1955), Phương Tây (1959) thuộc tỉnh Thừa Thiên. Năm 1963 làm cha sở Hội Yên rồi Vạn Thiện (Quảng Trị), Mùa Ðông năm 1967, ngài đến thay Cha Nguyễn Văn Triêm tại Dương Lộc (Triệu Phong, Quảng Trị).

Tổ tiên tôi đã theo đạo từ giữa thế kỷ 17, năm 1690 một Linh Mục Việt Nam rất danh tiếng là Lorensô Lâu đã đến quê tôi, xây nhà thờ, lập giáo xứ. Ngài được chúa Nguyễn mời vào Huế giúp triều đình trên mười năm vì ngài tu học tại Thái Lan, biết nhiều thứ tiếng như Latinh, Pháp, Bồ Ðào Nha, Anh, Nhật, Trung Hoa, Thái Lan v.v... Sau đó ngài xin từ chức và trở về nhiệm vụ Linh Mục, ngài chết tại Bố Liêu gần Dương Lộc, mộ táng bên trong nhà thờ.

Thời Văn Thân, 1885, Dương Lộc có 2500 giáo dân, 4 Linh Mục và 65 nữ tu bị giết tập thể ngày 8 Tháng Chín, 1885. Từ 1945, Dương Lộc và những làng Công Giáo trong vùng này đã tổ chức tự vệ như Bùi Chu, Phát Diệm ở ngoài Bắc. Sau 1954, chính quyền quốc gia thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ra lệnh giải tán tổ chức tự vệ này nhưng từ 1960 trở đi các xã ấp đã tổ chức lực lượng võ trang gọi là nghĩa quân để bảo vệ an ninh tại nông thôn... Vùng này được xem như an toàn nhất từ 1945 đến ngày Cha Hộ về đây. Việt Cộng đã thảm bại nhiều lần khi tấn công lực lượng tự vệ Công Giáo Dương Lộc.

Khoảng 5 giờ chiều ba mươi Tết, anh Hoàng đến đón tôi đi dự tất niên. Tôi đến nơi thì mọi người đã có mặt đông đủ, có cả Cha Hộ ở đây. Tôi đến chào cha, lần đầu tiên sau gần hai mươi năm gặp lại ngài, thay ngài vẫn còn rất trẻ và vẫn khôi ngô như xưa. Năm đó ngài đã ngoài 61 tuổi rồi, còn tôi, mới 28 tuổi. Trưa hôm nay tôi có gặp ông Hoàng Xuân Tửu, cựu tỉnh trưởng Quảng Trị, hiện là đệ nhất phó chủ tịch Thượng Nghị Viện tại Sài Gòn và Ðại Tá Nguyễn Ấm, đương kim tỉnh trưởng Quảng Trị tại tư dinh tỉnh trưởng; dịp đó ông Hoàng Xuân Tửu có cho biết một số tin tức về hoạt động của Việt Cộng trong tỉnh mà ông mới nhận được. Chúng tôi nghĩ rằng Việt Cộng có thể tấn công vào thị xã Quảng Trị vào dịp Tết Mậu Thân và đã đề nghị với ông tỉnh trưởng nên có kế hoạch đề phòng. Tôi cũng đem chuyện đó nói lại với anh em có mặt trong bữa tiệc chiều nay. Tối ba mươi, trong giáo xứ có tổ chức phát thanh, ca hát, chúc Tết trước giờ giao thừa. Cha cũng gởi lời chúc Tết đến bà con trong giáo xứ.

Mấy hôm trước tôi có đến Ðài Phát Thanh Huế thu âm lời chúc Tết gởi đồng bào nên tôi cùng mấy người bạn trở về nhà theo dõi các chương trình phát thanh Huế và Sài Gòn. Giờ giao thừa tại Sài Gòn sớm hơn Hà Nội một giờ, sau khi nghe đài Huế xong, tôi nghe đài Hà Nội. Hồ Chí Minh đọc một bài thơ như sau:

Xuân này khác hẳn mấy Xuân qua,
Chiến thắng tin vui khắp nước nhà.
Cương quyết đánh tan xâm lược Mỹ,
Tiến lên, toàn thắng ắt về ta.

Hai chữ “tiến lên” được Hồ Chí Minh hét thật to... Sau này tôi mới biết đó là lệnh tấn công của Hà Nội. Mặc dù lệnh hưu chiến đã được ban bố giữa hai bên lâm chiến, nhưng lực lượng an ninh trong làng tôi và các làng chung quanh vẫn cảnh giác đề phòng. Anh em nghĩa quân thôn Dương Lộc và số thanh niên, học sinh, công chức, quân nhân về phép đều có vũ khí nhẹ hoặc lựu đạn mang theo bên mình. Chúng tôi chia nhau canh gác ban đêm, anh em nghĩa quân đi tuần phòng quanh làng, nếu có động tĩnh gì thì thông báo cho nhau biết. Khoảng 2-3 giờ sáng thì nghe tiếng súng nổ hướng thị xã Quảng Trị. Sáng hôm sau, qua máy truyền tin, chúng tôi được biết Việt Cộng đã tấn công vào thị xã Quảng Trị sau giờ giao thừa và đã bị thất bại nặng nề vì chính quyền tỉnh có đề phòng trước. Quân ta đã đánh bật chúng ra khỏi thành phố ngay... Sáng Mồng Một Tết Mậu Thân (30-01-1968), tất cả mọi người đến nhà thờ dâng lễ tạ ơn đầu năm. Trong lúc Cha Hộ cử hành thánh lễ thì anh em nghĩa quân của thôn canh gác bên ngoài rất cẩn thận. Lễ xong, mọi người tập họp ở trước sân nhà thờ để mừng năm mới. Vị đại diện hội đồng giáo xứ thay mặt mọi người nói vài lời chúc Tết Cha, tiếp theo đó, tôi cũng chúc Tết Cha và đồng bào. Sau lời đáp từ của Cha Chánh Xứ, chúng tôi đốt một tràng pháo mừng Xuân. Pháo này tôi mang từ Sài Gòn ra vì ở quê tôi không có ai bán pháo. Chúng tôi mời Cha và anh em thanh niên chụp chung một tấm hình kỷ niệm. Ðây là hình ảnh cuối cùng của ngài còn lưu lại cho bà con.

Tôi trở về nhà để tiếp khách đến thăm Tết, ai ai cũng bàn tán về tình hình an ninh trong ba ngày Tết. Chúng tôi chưa có chi tiết gì về trận đánh hôm qua tại thị xã Quảng Trị. Trong phạm vi quận Triệu Phong và các xã chưa có cuộc đụng độ nào xảy ra. Có tin cuộc hành quân truy kích địch đang tiếp tục chung quanh tỉnh Quảng Trị. Ðến chiều, tôi đi thăm mấy nhà bà con họ hàng ở trong làng, tôi chưa dám đi ra khỏi làng và phải chờ xem tin tức tình hình an ninh ra sao đã.

Trong làng tôi, từ 1945 đến nay chưa có người nào đi theo Cộng Sản, dân trong làng một lòng một dạ với nhau nên tôi rất yên tâm.

2. Việt Cộng xâm nhập thăm dò tình hình

Tối Mồng Một Tết Mậu Thân, tôi và Trung Sỹ Dương Dân Sĩ (1), thuộc Văn Phòng Tư Lệnh Quân Ðoàn I ở Ðà Nẵng về phép, và mấy người bà con đến tại nhà tôi. Chúng tôi có mấy cây súng và lựu đạn để tự vệ. Chúng tôi thức khuya, chơi cờ Domino và thay nhau canh gác bên ngoài. Quá nửa đêm, chúng tôi nghe một loạt súng AK nổ rất gần, mấy phút sau có một phát súng Colt 45... Chúng tôi vội tắt đèn và ai nấy cầm súng, lựu đạn bố trí chung quanh nhà. Chừng một hai giờ đồng hồ sau thì anh em nghĩa quân trong làng liên lạc đến hỏi xem có gì xảy ra không và cho biết anh em đang hoạt động bên ngoài khu vực tôi ở, mọi người đều bình yên. Chúng tôi vẫn thức canh phòng đợi trời sáng.

Ðêm Mồng Một Tết Mậu Thân (30-01-1968) một toán đặc công Việt Cộng đã đột nhập vào làng nhưng không có một cuộc đụng độ nào vì anh em nghĩa quân di động, không có vị trí cố định nên chúng tìm không ra. Chúng đã vào nhà anh Dương Văn Ðoàn, Phụ Tá An Ninh ấp, bắn một loạt AK, nhưng không trúng ai. Anh Ðoàn liền tắt đèn và bò ra khỏi nhà, bắn trả một phát súng Colt 45 về hướng phát ra tiếng súng. Sau đó thấy im lặng không có động tĩnh gì. Sáng Mồng Hai Tết, mọi người trong làng bàn tán xôn xao. Bà con ở tỉnh về thăm cho biết chiều 30 Tết, có lệnh cấm trại, quân đội và cảnh sát sẵn sàng chiến đấu, cấm không được đốt pháo... Sau giờ giao thừa, Việt Cộng đột nhập thành phố và bắt đầu tấn công. Chúng bị bắn trả ngay tức khắc, trên khắp các cao ốc ở ngã tư đường đều có người ném lựu đạn và bắn xuống, xe thiết giáp từ trong thành chạy ra đuổi Việt Cộng trên đường phố. Xác chết đầy đường, đến sáng thì Việt Cộng rút lui và quân đội ta tiếp tục truy kích chúng cho đến chiều hôm sau, tức là chiều Mồng Một Tết, các nhà mới đốt pháo ăn mừng. Sáng Mồng Hai Tết, anh em đi tìm dấu vết, phát hiện có vết máu trên bờ cỏ cạnh lũy tre. Từ đó tìm dần ra ruộng và gặp một nấm đất mới. Ðào lên thì thấy có một xác Việt Cộng bị trúng đạn ngay tim. Người chết chỉ mặc một quần đùi, cổ còn buộc một sợi dây, mình bọc trong một cái ponchot của lính Mỹ (loại bằng sợi nylon do Mỹ sản xuất thường thấy bán ở các chợ trời Sài Gòn). Bọn chúng phá một cái lỗ xuyên qua bờ tre để chui vào và tránh các lối đi chính vì sợ gặp nghĩa quân của ta. Trước tình hình sôi động như thế, chúng tôi hô hào anh em trong làng chặt tre, rào làng để phòng thủ theo kiểu “ấp chiến lược”. Sau đó tôi cùng một số anh em lên tỉnh để xin tăng cường hỏa lực. Ðại Tá Nguyễn Ấm, Tỉnh Trưởng Quảng Trị đã ra lệnh cho Tiểu Khu cấp cho anh em nhiều đạn dược, lựu đạn, súng phóng lựu, hỏa tiễn chống Tank M.72, súng trung liên v.v... Tôi được Ðại Tá Tỉnh Trưởng cho biết có công điện của Quốc Hội yêu cầu Quân Ðoàn I và các tỉnh liên lạc với các Dân Biểu địa phương mời về Sài Gòn họp khẩn cấp.

Anh em mang vũ khí, đạn dược trở về làng ngay cho kịp trước khi trời tối. Còn tôi đi theo các Dân Biểu Nguyễn Văn Triển, Trương Ðình Tư và Nghị Sĩ Hoàng Xuân Tửu ra phi trường Ái Tử lên máy bay vào Ðà Nẵng gặp Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm và sau đó vào Sài Gòn.

3. Tiểu đoàn K.8 của Việt Cộng tấn công Dương Lộc hôm 9 Tháng Hai, 1968 (11 Tháng Giêng, Mậu Thân)

Sau khi Việt Cộng tấn công vào thị xã Quảng Trị sau giờ giao thừa Tết Mậu Thân bị thất bại và bị quân đội Việt Nam Cộng Hòa truy kích, chúng kéo về vùng quê và gia tăng áp lực, uy hiếp các xã ấp của ta. Qua đài Giải Phóng, chúng loan tin đã chiếm trọn thành phố Huế, thiết lập chính quyền Cộng Sản và cho ra đời Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình do Lê Văn Hảo làm Chủ Tịch, Thượng Tọa Thích Ðôn Hậu và bà Nguyễn Ðình Chi làm Phó Chủ Tịch. Tin tức đó được các đài BBC và VOA xác nhận làm cho tinh thần anh em nghĩa quân cũng như cán bộ và đồng bào trong vùng quê tôi rất căng thẳng.

Cách làng tôi một cánh đồng, anh em nghĩa quân làng Phú Tài bị áp lực của địch rất mạnh nên rút về tạm trú tại làng tôi. Anh em đã chọn ngôi nhà của tôi, một ngôi nhà xây bằng gạch kiên cố trên một địa thế đất cao, chung quanh có lũy tre bao bọc để làm vị trí cố thủ. Tất cả mười hai cây súng, họ đã đào hố cá nhân chung quanh vườn và sẵn sàng chiến đấu khi có địch đến.

Kể từ hôm Mồng Hai Tết, anh em nghĩa quân và thanh niên trong làng tôi đã chặt tre, rào làng, tăng cường kẽm gai làm chướng ngại vật, đào hố cá nhân và lập lại các đường liên lạc bí mật từ vườn nhà này qua vườn nhà khác, chỉ định những nơi cất giấu đạn dược và lựu đạn, gài mìn claymore tự động do anh em tự nghĩ ra cách dùng pin có nối dây điện ở xa, khi địch chạm vào giây thì mìn phát nổ v.v... Những mật khẩu, mật hiệu đã được ban ra cho mọi người thi hành vào ban đêm khi hữu sự. Lực lượng nghĩa quân và thanh niên trong làng có khoảng chừng một Trung Ðội với hỏa lực đặc biệt mạnh nhờ tiểu khu Quảng Trị tăng cường hôm Mồng Hai Tết vừa rồi cộng thêm tiểu đội nghĩa quân làng Phú Tài đến tăng cường. Anh em ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Cách đó chừng một cây số có đồn nghĩa quân xã Triệu Thuận với một Trung Ðội trang bị khá chính quy và nghĩa quân các làng lân cận như Dương Lệ Văn, Dương Lệ Ðông, Ðại Lộc là những làng nổi tiếng chống Cộng từ 1945 đến nay. Khi hữu sự thì tiếp viện cho nhau.

Làng Dương Lộc ở trên một địa thế phòng thủ khá thuận lợi, trước mặt làng là một hồ rau muống có nước ăn thông với một nhánh của sông Thạch Hãn, hai đầu làng có hồ nước, phía sau làng có hào sâu bề ngang 5 mét, nước ăn thông với sông, mùa Tết luôn có nước bao bọc chung quanh làng. Trong làng có hai nhà thờ, một để kính các vị tử đạo năm 1885 thời Văn Thân, hiện còn di tích mồ chôn tập thể 2500 nạn nhân, hai là nơi sinh hoạt hằng ngày của con chiên, Linh Mục Lê Văn Hộ ở nơi đó. Thánh đường này được xây cất vào năm 1918 nằm chính giữa làng. Anh em nghĩa quân thường tập họp trước sân nhà thờ rồi mới phân tán đi các nơi trong làng. Ðịch muốn tiến vào làng, trước tiên phải vượt qua hồ nước rồi đến lũy tre làng. Cổng vào làng và các đường cấm, ban đêm cũng có gài mìn và lựu đạn, có cửa khóa lại chắc chắn...

Tiểu đoàn K.8 của Việt Cộng đã chia làm ba cánh quân tiến vào làng. Chúng không vào bằng đường cái trước mặt mà đánh vào phía sau và hai bên hông. Cánh quân phía Ðông tấn công vào vườn nhà tôi ở, chúng dùng dao, rựa chặt tre, mở đường. Anh em nghĩa quân Phú Tài đóng chốt ở đó đã chiến đấu rất hăng say. Việt Cộng đã dùng B.40, B.41 có sức công phá rất mạnh, bắn vào nhà dưới làm sụp đổ một bức tường. Nghĩa quân có người bị thương nên rút lui. Nhà của bác tôi bên cạnh, cũng xây gạch trong khu vườn cao có lũy tre bao bọc, nơi đây có một toán nghĩa quân do ông Dương Văn Liêm chỉ huy. Khi thấy Việt Cộng áp sát vào vườn nhà tôi, ông Liêm liền bắn một trái đạn M.72, loại hỏa tiễn chống xe tăng của Mỹ. Tiếng nổ lớn và cột khói bốc lên ngút trời ngay góc vườn nhà tôi khiến cho họng súng của Việt Cộng bên ngoài câm ngay. Chúng biết bên trong có hỏa lực mạnh và có lẽ chúng đã bị tổn thất nặng, nên chúng phải rút lui, tìm đường xâm nhập khác. Cạnh làng tôi về hướng Ðông là làng Dương Lệ Văn có nghĩa quân hoạt động hai bên yểm trợ cho nhau nên Việt Cộng không thể xâm nhập qua hướng đó được. Chúng phải từ cánh đồng sau lưng làng tôi vào và đánh ngay vào nhà tôi cũng ở hướng Ðông.

Hướng Bắc từ cánh đồng phía sau làng, Việt Cộng đã xâm nhập vào xóm giữa làng, và chúng cũng đã gặp ngay ổ trung liên của anh Hoàng và nhóm nghĩa quân phòng thủ ở đây. Chúng phải chuyển hướng qua vườn khác, nhưng đến đâu đều bị lựu đạn ném ra hoặc những loạt đạn từ gốc tre, bụi cây bắn ra. Anh em nghĩa quân di chuyển từ vườn này qua vườn khác theo các đường liên lạc bí mật khi hữu sự, họ ẩn núp dưới hào tre trong vườn, đã gây thiệt hại cho Việt Cộng rất nhiều. Sáng hôm sau, Việt Cộng đã vào nhà ông Dương Văn Hóa, con trai của ông là Dương Văn Cung mới 17 tuổi, xách súng chạy trốn ngoài vườn, chúng không thấy. Trong khi đó, chú của Cung là Dương Văn Hiên không biết Việt Cộng đã vào nhà mình nên từ ngoài vườn, ông đã xách súng chạy dọc theo bờ ao và đã bị địch hạ sát. Cung chạy qua một bức vườn khác và phát hiện Việt Cộng đang tụ tập đồng bào tại nhà thầy giáo Nguyễn Văn Huỳnh để tuyên truyền. Cung ôm lựu đạn bò theo hồ cá trong vườn để tấn công chúng. Anh bị hai tên V.C núp ở bên ngoài phát hiện. Ngay khi anh vừa tung lựu đạn ra thì một loạt AK đã bắn xối xả vào người anh. Anh ngã gục trên bờ hồ và quả lựu đạn rơi xuống nước.

Từ hướng Tây giáp ranh làng An Lợi, lực lượng phòng thủ của ta hơi yếu nên Việt Cộng đã vào làng một cách dễ dàng. Chúng đột nhập vào nhà ông Nguyễn Cao Ơn, em Vọng, 17 tuổi, học sinh, con ông Ơn đang nằm trên trần nhà, nơi kho lúa hai tay cầm hai quả lựu đạn... nếu bị phát hiện thì anh sẽ tung lựu đạn. Mấy tên Việt Cộng vào nhà kêu gọi, nhưng không có ai trả lời. Một “chiến sĩ gái” mang AK chạy xuống bếp lục lạo. Hắn mở chạn đựng thức ăn, tìm được nồi thịt kho, bánh tét v.v... Hắn đưa tay bốc ăn lia lịa. Ăn xong hắn đi ra cổng.

Vọng thấy chúng đi rồi liền từ trần nhà trụt xuống, chạy ra đến giữa sân thì gặp một toán Việt Cộng đi ngang qua, chúng hô: “Ðứng lại! Ðưa tay lên!”, nhưng Vọng đã vội giấu hai quả lựu đạn sau lưng và lùi dần vào sau đống rơm. Bọn Việt Cộng không ngần ngại, chạy thẳng vào cổng. Từ sau đống rơm, Vọng tung một lượt cả hai quả lựu đạn đã mở chốt. Hai tiếng nổ cách nhau chỉ một vài giây, tất cả bọn Việt Cộng đó đều ngã gục tại chỗ. Vọng bèn chạy vào nhà, mở cửa sau chui qua vườn nhà bác Cửu Ðông trốn mất.

Phong, con bác Nguyễn Ðương, một nghĩa quân rất trẻ và rất can đảm. Anh đã gài sẵn mìn claymore bên bờ ao. Khi thấy một toán Việt Cộng đang di chuyển vào đường hẻm, anh tìm cục pin để châm ngòi, nhưng pin không có trong túi. Anh bèn theo đường liên lạc chạy vào nhà cố Ðoàn hỏi mượn cục pin. Sau đó anh chạy ngược trở lại vừa lúc bọn Việt Cộng đang đi tới, theo hàng một. Phong nối dây vào cục pin và cho mìn nổ. Toán Việt Cộng nằm lăn lóc trên đường hẻm cạnh vườn nhà ông Dương Văn Hoành, Dương Văn Ðại, chết không sót một tên. Người nhà ông Hoành, ông Ðại kể lại rằng về sau mỗi đêm ma quái thường xuất hiện ở ngoài bờ ao kêu rên thảm thiết.

Việt Cộng vào nhà bác Nguyễn Cao Ðịnh, hai em Ðạt và Anh mới 13, 14 tuổi, dáng người nhỏ bé, lợi dụng lúc Việt Cộng không để ý, Anh ném lựu đạn, Ðạt cũng ném theo một quả nữa rồi cả hai bỏ chạy. Mấy tên Việt Cộng chết ngay giữa sân.

Khi Việt Cộng tiến vào làng, anh em nghĩa quân và thanh niên rút ra ngoài làng, chiếm lấy khu nghĩa địa để chiến đấu. Nghĩa quân xã Triệu Thuận do xã trưởng là Ðoàn Quang Sum từ hướng làng Dương Lệ Ðông kéo đến tiếp viện, họ đã dùng máy truyền tin liên lạc với nghĩa quân Dương Lộc ở khu nghĩa địa. Trong lúc đó, Ðại Úy Lê Ðình Chiếm (2), về nghỉ phép tại làng Ðại Lộc cùng anh em nghĩa quân hai làng Ðại Lộc và Dương Lệ Ðông (xóm đạo) kéo đến tăng cường cho anh em tại khu nghĩa địa đang lập một phòng tuyến trước mặt làng Dương Lộc. Một số anh em còn kẹt lại trong làng chạy ra trước mặt làng, lội qua hồ rau muống để qua khu nghĩa địa. Anh em phía trước bắn yểm trợ để cho anh em trong làng chạy ra. Tất cả nghĩa quân và thanh niên đã ra khỏi làng hợp với nghĩa quân xã và các làng lân cận lên đến cả trăm người, hai bên đánh nhau giữa ban ngày. Việt Cộng không dám tấn công, chỉ dùng súng cối bắn vào khu vực của ta mà thôi. Từ xa chúng phát hiện cần anten nơi máy truyền tin của anh Lê Ðình Chiếm và đã bắn súng cối vào đó. Phe ta liền hạ cần anten xuống và di chuyển qua nơi khác.

4. Linh Mục Lê Văn Hộ bị bắt, bị chôn sống

Lúc bấy giờ Việt Cộng đã chiếm được toàn làng, chúng vào từng nhà kiểm soát giấy tờ, đồ đạc, gom dân lại một nơi. Khi chúng vào nhà thờ, không thấy anh em nghĩa quân đâu vì họ đã kéo nhau đi hết rồi. Chúng gặp Linh Mục Lê Văn Hộ và hỏi:

- Anh làm gì ở đây?

- Tôi là Linh Mục ở nhà thờ này.

- Bọn ngụy trốn ở đâu hết?

- Ðây là nhà thờ Công Giáo, không phải đồn lính. Họ không ở đây.

- Chúng tôi mới thấy bọn chúng chạy vào đây!

- Xin các ông cứ đi lục soát.

- Anh che chở cho bọn chúng phải không?

- Bổn phận của tôi là lo việc đạo, tôi không biết công việc của họ.

- Anh ngoan cố, anh đi theo chúng tôi.

Chúng bắt Cha cởi bỏ áo nhà tu và chỉ còn bộ đồ bà ba ở bên trong. Chúng dẫn người đi và sau đó chúng đưa người đến sân nhà tôi.

Trong khi hai bên đánh nhau, mẹ tôi và chị em, con cháu trong nhà chạy ra núp ở dưới ao tre. Trời Mùa Ðông, ao ngập nước, mẹ tôi bị ướt lạnh chịu không nổi. Vừa dứt tiếng súng, mọi người liền mò vào nhà. Cháu Nguyễn Văn Tiếp, mới 13 tuổi, học sinh ở làng, thường ngày đến nhà thờ giúp lễ cho cha. Chúng hỏi em:

- Bọn ngụy trốn ở đâu?

- Tôi không biết.

Thoáng thấy có vật gì trong tay em Tiếp, chúng bảo:

- Ðưa tay ra coi.

Tiếp mở tay ra, một vỏ đạn các-bin rơi xuống.

- Ðạn này của ai?

- Tôi lượm giữa sân.

- Bọn ngụy trốn ở đâu? Hãy khai ra mau!

- Họ chạy qua đây lâu rồi.

- Mi giấu súng đạn ở đâu?

- Tôi không biết.

- Bắt nó đi.

Chị tôi chạy ra nắm lấy tay cháu Tiếp:

- Cháu còn nhỏ dại, không biết gì. Cháu thấy vỏ đạn thì lượm chơi đó thôi. Xin các ông tha cho cháu.

- Không được.

Tên Việt Cộng gạt tay chị tôi ra và kéo cháu Tiếp đi theo chúng. Những người già cả, bọn đàn bà con nít còn lại giữa sân đứng ngơ ngác nhìn theo Cha Hộ và cháu Tiếp bị chúng dẫn đi. Chị tôi ngã lăn ra sân kêu gào thảm thiết:

- Con ơi! Con ơi!

Cha của Tiếp đã bị Cộng Sản giết khi cháu mới chưa đầy một năm, bây giờ đến lượt cháu bị chúng bắt đi!

Khi Việt Cộng vào lục soát trong nhà tôi, chúng mở tủ, xáo tung giấy tờ sách vở, ảnh kỷ niệm của gia đình. Một “chiến sĩ gái” của “quân giải phóng” đã chạy vào buồng của chị tôi rất lâu... Khi chúng đi rồi, chị tôi mới phát hiện ra một cái quần cũ, có vá mấy miếng của ai để lại và cái quần lãnh mới của chị tôi đã bay đâu mất rồi. “Chiến sĩ gái giải phóng” đó đã mặc quần lãnh mới của chị tôi đi ra mà không ai để ý.

Tối hôm đó anh em nghĩa quân và thanh niên không dám về làng, họ trốn qua làng khác, trong một đêm mà phải thay đổi chỗ ngủ mấy lần, khi ở nhà này, khi nhà khác. Cuối cùng mọi người chạy lên tỉnh. Tổng kết trận đánh trong làng có 4 người chết, hai người bị bắt đi trong đó có Cha Hộ. Bọn Việt Cộng đã mang xác đồng bọn đi hết, về sau có một tên cán binh Việt Cộng bị bắt và xin được hưởng chính sách chiêu hồi, cho biết:

Tiểu đoàn K.8 của Việt Cộng đánh vào Dương Lộc hôm 9 Tháng Hai, 1968 (11 Tháng Giêng, Mậu Thân) đã tổn thất 104 tên. Anh ta nói rằng: Việt Cộng sợ nhất là đụng độ với lính của Tiểu Ðoàn 1 thuộc Trung Ðoàn 1, Sư Ðoàn 1. Ngoài ra, chúng rất ngán nghĩa quân làng Dương Lộc. Chúng vào làng này như vào trong một trận đồ bát quái, trẻ già trai gái đều là thành phần chiến đấu giỏi, nhà nào cũng có súng, có lựu đạn, vườn nào, ngõ ngách nào cũng có người núp trong đó để bắn lén.

Từ Mùa Xuân đến Hè năm 1968, quân đội Việt Nam Cộng Hòa lên tiếp mở các cuộc hành quân bình định, làng Dương Lộc đã xin Tiểu Khu Quảng Trị tăng cường quân số và hỏa lực để đóng đồn kiên cố. Tình hình an ninh được vãn hồi nhanh chóng cho đến Mùa Hè 1972, khi tỉnh Quảng Trị bị quân Cộng Sản Bắc Việt chiếm đóng thì dân làng này đã bỏ hết nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả tổ tiên chạy vào miền Nam và không bao giờ trở lại quê hương nữa.

Ngày 31 Tháng Năm năm 1969, nhờ đồng bào địa phương mách bảo, bà con đã tìm được xác của Linh Mục Giuse Lê Văn Hộ tại vùng biển Chợ Cạn, thuộc quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, vùng Việt Cộng chiếm đóng trong Tết Mậu Thân. Con cháu đã đem người về chôn tại quê nhà, làng Trí Bưu, xã Hải Trí, quận Mai Lĩnh (xưa là Hải Lăng), tỉnh Quảng Trị.

Kết luận

Sáng mồng một Tết Mậu Thân, chúng tôi có chụp chung với Cha Hộ một bức hình kỷ niệm, trải qua hai biến cố 1972 (mất tỉnh Quảng Trị) và 1975 (mất miền Nam), các hình ảnh tài liệu chúng tôi cất giữ bị thất lạc rất nhiều. Năm 1994, trước khi rời Việt Nam ra đi, tôi đi thăm từ giã một số anh em bà con. Tình cờ có một người trao cho tôi bức hình năm xưa anh em chúng tôi chụp chung với Cha. Người giữ bức hình đó, hiện còn ở Việt Nam đã nói với tôi rằng:

- Tôi giữ hình này vì có Cha Hộ là người tôi rất thương mến. Nhưng trong hình này có một người mà tôi rất ngại vì Việt Cộng có thể gây khó khăn cho tôi vì tôi có liên hệ với người đó. Nhờ Cha Hộ che chở nên tấm hình này trải qua bao nhiêu năm vẫn còn. Hôm nay người đó sắp được thoát khỏi chế độ Cộng Sản rồi nên tôi hơi vững dạ một chút mà trao lại cho anh bức hình này. Anh nên mang qua Mỹ để sau này có lúc cần đến nó.

Tôi hiểu ý anh ta muốn ám chỉ tôi. Ngày hôm nay, khi viết về Cha Hộ, tôi đã liên lạc với các cháu của người đang sống rải rác khắp nơi trên đất Mỹ, nhưng không một ai còn giữ được hình ảnh của Cha Hộ. Ðây là hình ảnh duy nhất về Linh Mục Lê Văn Hộ mà tôi còn giữ được. Tôi tin rằng đây cũng là một sự an bài của Thượng Ðế, của Thiên Chúa và chắc chắn có sự trợ giúp của Cha Hộ.


Nam Cali, ngày 8 Tháng Giêng, 1998.

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Con ở Dương Lệ Văn, con đang đi học, con biết về Dương Văn Đoàn, dượng là dượng của con, chồng của o Đặng Thị Tích. Đọc bài viết này con thấy thật cảm động, con còn nhỏ không biết gì nhưng quá khứ đã hiện lại ít nhiều qua bài viết này, cảm ơn tác giả rất nhiều.

Nặc danh nói...

email: mai2mottyH2@yahoo.com