Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

Những ngày cùng với nhân dân


Nhân loại đã bước sang thế kỉ 21- thế kỉ của nền đại công nghiệp, của khoa học thông tin, và đó cũng là thế kỉ của tự do, dân chủ, công bằng xã hội. Đánh giá một cách khách quan trên bình diện rộng, thì ở những nước tiến bộ, nhân quyền, dân chủ của mọi tầng lớp nhân dân luôn được bảo vệ, đề cao. Đó là quyền lợi mà không một ai, không một thế lực nào có thể xâm phạm được. Vậy mà ở Việt Nam, một đất nước mà nhà nước luôn tuyên bố là hoàn toàn tự do, nhưng mảnh đất này đâu đã xuất hiện sự dân chủ, nhân quyền; đâu đã được bảo vệ một cách an toàn trong vòng tay pháp luật và công bằng; đâu đã thuộc về người dân như nhà nước nói!!!

Suy nghĩ, cảm tưởng mà tôi nêu ở trên về những bất cập trong cuộc sống xã hội Việt Nam hiện nay là hoàn toàn có căn cứ. Bởi lẽ, khi được trực tiếp trao đổi, tâm tình với người dân nghèo ở nhiều địa phương, tôi mới có điều kiện để hiểu biết và suy ngẫm về mặt trái tiêu cực, thoái hóa, biến chất của xã hội Việt Nam; của các vị được gọi là lãnh đạo chủ chốt của nhà nước hiện nay. Với vai trò là cộng tác viên, tôi có nhiều điều kiện đi sâu, thâm nhập vào cuộc sống xã hội để nhận thấy bản chất sâu mọt, vị kỉ của các vị lãnh đạo quan chức từ TW đến địa phương. Và từ đó mới đồng cảm, thấu hiểu một cách sâu sắc nỗi thống khổ mà những người dân thấp cổ bé họng đang phải gánh chịu. Hình ảnh “người đè người, người dẫm lên người” để tồn tại đâu phải là hình ảnh ở một xứ có tự do, hòa bình và bác ái!!!

Trong mỗi chuyến công tác, khi trực tiếp tiếp xúc với những người dân đang phải oằn mình chống chọi với những bất công mà chính quyền XHCN gây nên, tôi không khỏi xót xa cay đắng. Tôi muốn chỉ ra đây một thực trạng là cảnh tượng người dân từ mọi miền Tổ Quốc kéo về thủ đô Hà Nội khiếu kiện tố cáo ngày càng gia tăng. Phải chăng số lượng người dân vượt cấp lên TW khiếu nại là một biểu hiện rõ nét nhất về sự bất công ngày một nhiều hơn? Một xã hội thật sự công bằng thì người dân đâu phải kiện cáo nhiều đến vậy?!!

Nhưng tôi không khỏi băn khoăn là liệu những người dân nghèo kia có thể giành lại cho mình quyền lợi chính đáng đã mất, và liệu họ có bị chính quyền địa phương trù dập sau khi lên TW khiếu kiện hay không?

Khi gặp gỡ và trao đổi với người dân, tất cả đều mong muốn và hi vọng tôi có thể giúp họ nói lên tiếng nói, bênh vực lẽ phải, giành lại công bằng. Họ mong rằng những hành vi đè nén, áp bức, cưỡng đoạt của chính quyền các cấp được dư luận thế giới biết đến. Họ muốn vạch trần bộ mặt thật của những kẻ luôn miệng hô to khẩu hiệu “là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Xót xa thay cho cảnh 10 năm, 20 năm… đội đơn đi tìm công lý! Đau thương thay cho nỗi bất bình tột độ: “Tôi xin chết để chứng minh lòng mình ơn nhờ chính nghĩa phân minh…kẻ tử tiết này xin đem đầu đi kêu oan cho dân!” Những người dân hiền lành ấy đâu có tội lỗi gì? Họ tần tảo làm lụng trên những mảnh vườn bờ lúa. Nhưng vì lòng tham mà các cán bộ, những người lẽ ra phải hết lòng phụng sự nhân dân, lại sẵn sàng bóp méo đi những dự án để cưỡng đoạt tài sản, đất đai của người dân, đẩy nhân dân vào cảnh lầm than cơ cực. Phải chăng những mái nhà tranh của người dân là những “ viên gạch” xây nên những tòa biệt thự trị giá hàng tỉ đồng của cán bộ các cấp!!! Như vậy ai là “đầy tớ”của ai??? Vì được chứng kiến những bất công ấy, tôi luôn tự nhủ với lòng mình phải gắng hết sức, phải đem bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ để góp phần đấu tranh, vạch trần những mặt trái của xã hội, đem những vết đen ấy phơi bày ra ngoài ánh sáng.

Nếu trong bạn đang chảy dòng máu Việt thì xin hãy lưu tâm đến cuộc sống đau khổ của đồng bào! Xin hãy góp một tiếng nói để giành lại công bằng cho xã hội. Xin hãy thể hiện bằng hành động đấu tranh, để góp phần xây dựng một nước Việt Nam mới thật sự có hòa bình, tự do, ấm no và tiến bộ. Chúng ta, những chủ nhân của đất nước, là nòng cốt, là sinh khí quốc gia, phải có trách nhiệm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thật sự tiến bộ mà nơi ấy, cuộc sống của người dân thật sự có công bằng, dân chủ.

Thanh Hùng

Không có nhận xét nào: