Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

Thanh niên và giáo dục trong thời đại số

I. Hai xu hướng tư duy của thanh niên hiện nay

Kỹ nghệ điện toán và mạng lưới toàn cầu Internet đã đưa nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới: Thời đại số. Do hoàn cảnh lịch sử, tư duy của thanh niên Việt Nam đang đứng trước hai khuynh hướng trái nghịch nhau (1):

1. Chấp nhận được đóng khung trong nền giáo dục XHCN, chỉ sử dụng những nguồn kiến thức “chính thống” đã được Nhà nước kiểm duyệt và cho phép phổ biến.

2. Chịu đựng áp lực để vươn đến kho dữ liệu khổng lồ từ Internet, từ nhiều nguồn khác trong xã hội; tự mình chọn lọc, đánh giá độ tin cậy của thông tin để nắm bắt tri thức.

Xu hướng thứ nhất chiếm đa số trong tầng lớp thanh niên hiện nay. Điều này dễ hiểu vì hạ tầng giáo dục và các phương tiện truyền thông trong xã hội đều do Đảng Cộng sản kiểm soát. Một nguyên nhân nữa là do ảnh hưởng của “tâm lý bầy đàn”, con người ta thường máy móc thực hiện theo những điều số đông đã làm, đang làm và thường xuyên làm. Xu hướng này có những ưu - nhược điểm như sau:

+ Không tốn thời gian tìm kiếm dữ liệu; không phải mất công phân tích, chọn lọc, phán đoán vì tất cả những gì đã được kiểm duyệt là “chân lý đúng đắn”, là “đường lối sáng suốt” – ta chỉ việc làm theo.

+ Người theo xu hướng tư duy này nhận được hệ quả trực tiếp của chính sách truyền thông một chiều: mọi ý kiến cá nhân có thể được phổ biến rộng rãi do có cùng quan điểm với chế độ. Nói cách khác, việc tiếp thị và quảng bá hình ảnh của họ gặp rất nhiều thuận lợi trong thời buổi kinh tế thị trường.

– Khả năng tư duy, suy luận dần dần bị mai một. Việc dễ dàng chấp nhận và làm theo những điều số đông đã làm dẫn đến hệ quả tai hại là góp phần gia tăng số lượng của phần tử sai trái (giả sử rằng những tư duy họ đang vận dụng là sai lầm) trong cộng đồng(2). Đây là điều nguy hiểm tột cùng, nó làm cho sự tha hóa, trì trệ của xã hội nhanh chóng đi đến đỉnh điểm do hiệu ứng vết dầu loang.

Xu hướng thứ hai chỉ chiếm phần thiểu số, nó chỉ thích hợp cho những ai thích phiêu lưu, tìm kiếm cái mới. Người theo xu hướng này không dễ dàng tin vào những gì đã được gắn nhãn mác “đúng đắn”, “sáng suốt”, “đỉnh cao”, “trí tuệ”… Tất cả mọi nhận định, kết luận đều phải qua quá trình phân tích, chọn lọc theo cách của họ. Và như thế, họ phải luôn tự chịu trách nhiệm về những tri thức mà mình thâu nhận. Những ưu - khuyết điểm của xu hướng này:

+ Khả năng tư duy, phán đoán nhạy bén hơn. Hình thành thói quen tiếp cận vấn đề theo nhiều góc độ, ngõ hầu mang lại cái nhìn chính xác nhất về mọi sự vật, hiện tượng.

+ Nâng cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước những tri thức của mình. Đây là yếu tố rất quan trọng và tối cần thiết trong việc phát triển nguồn nhân lực cộng đồng.

– Khó khăn trong việc tiếp cận, tìm kiếm thông tin, dữ liệu(3). Không được sự ủng hộ của hệ thống truyền thông đại chúng, chịu sức ép về tâm lý trong sinh hoạt cộng đồng.


II. Tường lửa & việc kiểm duyệt thông tin trong thời đại số

Xin được phép bỏ qua những khía cạnh về kỹ thuật, vì nó không phù hợp với chủ đề chính là “Thanh niên và Giáo dục trong thời đại số” của bài viết. Như vậy, những câu hỏi đại loại như: Tường lửa là gì? Proxy hoạt động ra sao? … sẽ không được nêu ra và giải đáp ở đây.

Câu hỏi quan trọng được bàn thảo ở đây là:

Tường lửa và kiểm duyệt thông tin có cần thiết trong cuộc sống hiện đại không?

Câu trả lời tập trung vào 3 nhóm chính:

Nhóm thứ nhất: - Rất cần thiết vì nó là công cụ giúp quản lý tư tưởng, ổn định chính trị, giữ vững chế độ.

Nhóm thứ hai: - Hoàn toàn không cần thiết vì nó vi phạm quyền tự do của con người.

Nhóm thứ ba: - Cần thiết ở một chừng mực cho phép và tùy thuộc vào đối tượng áp dụng.

Theo những gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam hiện nay, dễ dàng nhận thấy nhóm thứ nhất chiếm đại đa số (như đã trình bày ở trên, đây là hệ quả của nền giáo dục XHCN và phương tiện truyền thông một chiều). Nhóm thứ hai và thứ ba chiếm số lượng ít hơn.

Nhóm thứ nhất và thứ hai đều có chung một sai lầm – đó là cho rằng: Trong các xã hội tự do, người ta có thể tùy ý làm tất cả những điều mình thích. Thực tế cho thấy, việc hạn chế thông tin không chỉ có ở các nước do thế lực độc tài bảo thủ lãnh đạo. Ví dụ, ở một số quốc gia tự do, việc lưu truyền và phổ biến thông tin về tình dục (sex) được cho phép với mọi thành phần trên 18 tuổi. Tức là thông tin đã bị hạn chế đối với các đối tượng chưa đến tuổi trưởng thành.

Nói chung, ở các quốc gia có nền kinh tế ổn định, thể chế tự do như Mỹ - việc quản lý trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) được siết chặt không chỉ ở vấn đề tình dục mà còn ở tất cả các lĩnh vực khác như: phải có người đỡ đầu về kinh tế, bình đẳng xã hội…

Khi đã trưởng thành, chàng thanh niên 18 tuổi có thể tùy ý xem phim, tranh ảnh tình dục. Nhưng nếu có bằng chứng cho thấy anh ta có hành vi quấy rối (chỉ mới là quấy rối thôi nhé) ai đó, thì lập tức phải hầu tòa.


Chính sách kiểm duyệt thông tin là thước đo năng lực tư duy của giới trí thức.

Điều này hoàn toàn dựa trên cơ sở suy luận logic. Hãy lấy chế độ Việt Nam hiện nay làm ví dụ minh họa.

Thứ nhất , giả sử rằng những thông tin mà nhà nước liệt vào dạng “phản động” thực sự nói lên các điều sai trái, tiêm nhiễm độc hại cho người tiếp nhận. Ai là đối tượng tiếp nhận các thông tin này? Nên biết rằng, điện toán và Internet là những kỹ nghệ rất mới. Chỉ có tầng lớp thanh niên trí thức mới tiếp cận và có ý muốn được tiếp cận các thông tin này. Đây chính là lớp người có khả năng suy luận cao, chiếm hàm lượng chất xám lớn trong xã hội. Vậy thì tại sao không để họ được tự do tiếp nhận các thông tin ấy, tự mình phân tích, đánh giá để nhìn rõ bản chất xấu xa của chúng?

Thứ hai , giả sử rằng những thông tin “phản động” đó thực sự đã nói thay ước vọng chính đáng mà người dân không được quyền bày tỏ công khai. Chúng chỉ ra những điều mà chính sách truyền thông một chiều luôn giấu kín… Nói tóm lại, đó là tất cả các thông tin không có lợi cho thế lực nắm quyền. Như vậy, việc cố tình bưng bít, cô lập các nguồn thông tin đó có phải là chính sách khôn ngoan? Dễ nhận thấy đó là cách hành động của những người có tầm nhìn hạn hẹp. Chỉ để dập tắt những tiếng nói đối lập, họ phải trả giá quá nhiều:

- Tổn hao ngân cách

- Hạ thấp năng lực tư duy của tầng lớp trí thức

- Mạo hiểm với niềm tin của dân chúng

Ông bà xưa có câu: “Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” . Ở vào thời đại kỹ thuật số và mạng lưới toàn cầu này, nhà nước ôm một bọc kim to tướng như thế không phải là hạ sách sao?

Chính sách ngăn chặn Internet và độc quyền truyền thông của nhà nước muốn cho thế giới thấy 1 trong 2 điều:

- Trình độ tư duy, khả năng lượng giá thông tin của tầng lớp thanh niên trí thức còn ở mức ấu trĩ; hoặc:

- Sự yếu kém, bế tắc về cơ sở lý luận của thông tin “chính thống” so với các thông tin trái chiều, “phản động”.

III. Định hướng nào cho thanh niên?

Thật may mắn, thanh niên là tầng lớp năng động của xã hội. Nhu cầu khát khao tìm kiếm cái mới, vươn đến thế giới tri thức bao la đã giúp họ thoát được tư duy sai lầm của nền giáo dục XHCN. Tiếc rằng, số thanh niên tiến bộ này chiếm số lượng chưa nhiều. Một mặt do chính sách tuyên truyền một chiều, mặt khác do những khó khăn của cuộc sống thực tế mà họ phải đối diện hằng ngày.

Làm thế nào để thoát khỏi tư duy kiểu cũ mà không bị gây khó dễ trong sinh hoạt cộng đồng?

1. “Vượt biên” kiểu mới - đào thoát sang thế giới tự do bằng mọi giá: đi du học, đi lao động… rồi tìm cách ở lại. Giải pháp này mang tính ích kỷ cá nhân, tuy nhiên lại là cách duy nhất để thoát khỏi chế độ độc tài toàn trị. Dù sao, họ cũng có cái lý của mình: Trước mắt, ra đi để xây dựng tiền đồ cho riêng mình. Khi đất nước thực sự có tự do, dân chủ, nhân quyền thì trở về phụng sự cũng chưa muộn.

2. “Sống chung với lũ” - thể hiện sự chấp thuận đồng tình bên ngoài, nhưng trong lòng không tin tưởng, luôn tìm cách tiếp cận với nguồn thông tin từ thế giới tự do. Giải pháp này thỏa mãn cả hai điều: vừa đảm bảo ổn định cuộc sống, vừa tiếp thu được nguồn tri thức tiến bộ. Tuy nhiên, cái giá phải trả là người ta mất đi sự thanh thản của tâm hồn, tính nhân văn trong hành xử dần dần bị xơ cứng do phải đóng kịch, sống cuộc sống hai mặt hằng ngày.

3. “Nói không với chính trị ” - Một số thanh niên lao vào kinh doanh hoặc hoạt động khoa học. Đối với họ, chính trị là vấn đề tế nhị và phiền phức không đáng quan tâm. Một thanh niên thuộc thế hệ 8x quản trị một diễn đàn trên mạng cho biết: “Diễn đàn em không thảo luận về chính trị đâu”. Khi được hỏi “chính trị” là gì? Anh ta trả lời: “Là phản động đó anh”!!! Trong đầu của những thanh niên dạng này luôn có sẵn các công thức rất ngây ngô: Chính trị = phản động; Web đen = web nói về tự do dân chủ…

Chỉ một số ít thanh niên nhận thức được rằng, mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội đều bị chi phối bởi chính trị. Nếu chưa có được một thể chế dân chủ thực sự thì mọi nỗ lực học tập, phấn đấu, xây dựng của họ chỉ là phù phiếm.

Thanh niên là rường cột của nước nhà, là tầng lớp chịu trách nhiệm kiến thiết quốc gia trong tương lai. Thế nhưng, ngoài việc chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục yếu kém (bệnh thành tích, nạn bằng giả, chạy trường…); họ còn phải đối mặt với một áp lực tâm lý nặng nề: Chưa đủ năng lực để phân biệt thiện, ác, đúng, sai nên nhà nước mới tốn công tốn của xây dựng các bộ lọc thông tin.

Hôm nay, chúng ta kể những câu chuyện bi hài về thời bao cấp “cấm chợ ngăn sông” 30 năm trước.

Tương lai, con cháu chúng ta lại kể cho nhau nghe chuyện ông cha chúng phải vượt tường lửa như thế nào để có được thông tin trên mạng lưới toàn cầu.

Đến lúc nào chúng ta mới thôi bước lùi vào tương lai, khi thanh niên trí thức và thế giới số vẫn bị ngăn cách nhau bởi bức tường của định kiến hẹp hòi, ấu trĩ?

Ngày 8 tháng 6 năm 2007
Chấn Quốc Hưng

--------------------------------------------------------------------------------
(1): Muốn tham khảo hai xu hướng này, độc giả có thể nghe cuộc hội luận giữa 5 thanh niên đến từ nhiều vùng miền khác nhau do “Diễn đàn bạn trẻ” của đài RFA tổ chức.
(2): Tác giả dùng từ “giả sử” chỉ là sự thận trọng và tế nhị trong hành văn. Thực tế lịch sử cho thấy số đông với hàng triệu người (phần lớn đảng viên và những ai không bày tỏ bất mãn với chế độ) đã cùng nhau chấp nhận tư duy sai lầm về kinh tế-chính trị trong suốt hơn một thập kỷ sau ngày 30/4/1975.
(3): Dữ liệu ở đây đặc biệt nhấn mạnh về: văn học, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội. Hệ thống kiểm duyệt gắt gao của nhà cầm quyền gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận các thông tin đa chiều trong các lĩnh vực kể trên (ngoại trừ một số người biết cách vượt tường lửa). Nói như thế không có nghĩa là các thông tin khác về khoa học tự nhiên… được phổ biến đầy đủ, ít nhiều nó cũng bị vạ lây. Thực hiện chủ trương “thà chặn nhầm còn hơn bỏ sót”, bộ lọc của hệ thống kiểm duyệt đã thẳng tay loại bỏ những gì có dính dáng đến cái gọi là “phản động”.
Đây là một câu chuyện bi hài có thật minh họa cho điều này, xin được tóm lược như sau:
Một du học sinh tạo cho mình một blog (nhật ký cá nhân trên mạng lưới) khá đẹp, rồi gởi link về cho cô bạn gái đang là sinh viên ở Việt Nam. Không hiểu vì sao hệ thống kiểm duyệt lại liệt cái blogspot.com (của Google) vào diện phản động. Do đó, khi vừa truy cập vào link này thì có bảng thông báo: “Bạn vừa truy cập vào một trang web đen, phản động hoặc đồi trụy!”, rồi đóng luôn trình duyệt web và tất cả các trang đang mở. Tức tối vì bức thư đang soạn bị mất và nhiều tư liệu chưa lưu trữ, đồng thời cho rằng bạn trai là tên dâm đãng coi thường mình, cô bạn cắt đứt liên lạc. Mãi về sau, qua tâm sự với người bạn thân rất rành về Internet, nỗi oan của anh chàng kia mới được hóa giải.

Không có nhận xét nào: