Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

Không có tự do ứng cử -- Không bầu cử!



Ngày 20/5 tới đây là ngày bầu cử Quốc Hội khoá 12 của nước CHXHCNVN, một chủ đề mà dư luận trong cũng như ngoài nước hết sức quan tâm chú ý. Nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận và phân tích. Hàng trăm câu hỏi đã được nêu lên như: Cuộc bầu cử Quốc Hội khoá 12 có gì đổi mới; sẽ là một cuộc bầu cử dân chủ tự do hay không; những ai sẽ ra ứng cử; có sự tham gia ứng cử của Việt kiều và các chính đảng đối lập với ĐCS hay không; v.v...

Thực tế đã lần lượt giải đáp bằng những câu trả lời khá rõ ràng, cụ thể, dù rằng có lắm sự thất vọng, bẻ bàng.

Vào khoảng hai tháng trước đây, dư luận đã ít nhiều phấn khởi khi có nhiều người ghi danh tham gia ứng cử, trong đó số lượng ứng cử viên trẻ khá cao so với từ trước đến nay. Điều này mở ra một tia hi vọng rằng ý thức trách nhiệm của người dân Việt Nam đối với cộng đồng xã hội có bước chuyển biến đáng mừng. Bước đầu đó nhen nhúm lên niềm vui cho người dân về một sự đổi mới chính trị.

Những hi vọng đó vừa lóe thì tiếp đến là tin hàng loạt ứng cử viên độc lập xin rút đơn ra khỏi danh sách tự ứng cử với những lý do khác nhau; như tổ chức không cử ra ứng cử, vì sức khoẻ, vì gia đình, v.v… Những lý do “vì” kia thực ra là vì đâu, vì sao, vì cái gì và những áp lực nào đã đến với họ? Số còn lại phải qua 3 vòng hiệp thương để lựa chọn tư cách, tiêu chuẩn để có danh sách chính thức trước khi được bầu chọn.

Vòng hiệp thương có đúng với nghĩa là để người dân đánh giá về mọi tiêu chuẩn của các ứng cử viên sẽ được bầu hay không, hay đó chỉ là một hình thức nguỵ biện trong kế hoạch chọn người ửng cử của đảng CS? Chính xác hơn, đó chính là vòng tuyển chọn ra các ứng cử viên mà đảng CS sẽ quyết định đưa vào danh sách bầu chính thức. Điều đó thấy rất rõ sau các vòng hiệp thương. Con số đại biểu chính thức đại diện cho nhân dân sau cuộc bầu cử khoá 12 sẽ cũng vẫn như từ trước đến nay: “Đảng cử Dân bầu”, hay cũng vẫn là đảng cứ chọn rồi nhân dân theo đó mà bỏ phiếu.

Đến nay, bên cạnh Trung quốc, Cuba và Bắc Hàn, Việt Nam cũng là một là nước chưa dám tin vào sự ủng hộ của quần chúng. Vì vậy, cả bốn nước này đều có chính sách dàn dựng, kiểm soát ứng và bầu cử một cách nghiêm nhặt. Hơn 60 năm cầm quyền, đảng CSVN tuy luôn cho rằng được nhân dân thương yêu, tín nhiệm nhưng trong thực tế họ chưa bao giờ dám để cho nhân dân sử dụng quyền làm chủ xã hội của họ. Tình trạng “một mình một sân, một bóng, vừa đá vừa thổi còi” của đảng CS đã tự định cho họ tính chất độc tài toàn trị.

Ngày nay người dân đã hiểu được sự song hành của cuộc sống và nhân quyền. Sự cần thiết của sự tự do và các quyền căn bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do ứng bầu cử, là những yêu cầu lớn của cuộc sống trong bối cảnh thời đại mới. Sự thiếu vắng những nhân quyền căn bản cũng không khác gì sự vi phạm quyền tự quyết của người dân.

Việt Nam sau hai mươi năm “đổi mới” đã khác nhiều hơn thời kỳ lụn bại của xã hội chủ nghĩa. Sự tự do kinh tế, dù chưa hoàn toàn, cũng đã cứu đất nước thoát khỏi cảnh đói kém thê thảm. Những tiến bộ của xã hội bây giờ là kết quả tự nhiên của sự hồi phục kinh tế, sau khi nó không còn bị đè nén bởi những chính sách “phản động” của đảng. Thực tế xã hội đặt ra một câu hỏi khẩn trương là tại sao đảng CSVN không chấp nhận “đổi mới” các lãnh vực quan yếu khác, nhất là như chính trị, để toàn xã hội có thể vươn lên, giúp đất nước có điều kiện cất cánh trong trào lưu mới.

Tại sao đảng CSVN cứ bảo thủ ôm chặt quyền hành một mình khiến cho công cuộc phát triển đất nước bị ngập ngừng, khập khễnh bởi các chính sách bất cập?

Tại sao đảng CSVN lớn tiếng là đảng của nhân dân mà lại để cho chính đảng viên của họ bòn rút của công và cưỡng đoạt tài sản của nhân dân? Nếu đảng thật sự vì tổ quốc thì tại sao để cho nạn tham nhũng lan tràn khắp các cơ quan công quyền một cách công khai từ trên xuống dưới?

Con đường duy nhất để giải quyết những vấn nạn của đất nước là dân chủ hóa đất nước, để những người tài đức từ nhiều đoàn thể, tổ chức ngoài đảng CSVN có thể cùng nhau tham gia lãnh đạo, điều hành đất nước.

Chỉ khi nào nước ta có được một chính phủ dân cử đúng nghĩa, thì tình trạng lạm dụng quyền lực mới có cơ hội chấm dứt. Dưới chế độ dân chủ, sự cạnh tranh phục vụ đất nước của các thành phần chính trị khác nhau sẽ tự tác động việc theo dõi, kềm chế nhau để ngăn chận và tiêu diệt sự quan liêu, tham nhũng.

Với bao nhiêu năm bị khống chế và sống trong cảnh thiếu thốn mọi mặt, nhân dân Việt Nam có thể cần có thời gian để nâng cao dân trí hầu có thể hành xử đúng đắn và hữu hiệu quyền dân chủ của mình. Tuy nhiên, sự khiếm khuyết đó không có nghĩa là Việt Nam phải tiếp tục sống dưới sự cai trị độc tài độc đảng.

Việt Nam cần có một cuộc Tổng Tuyển Cử tự do với sự giám sát của các cơ quan nhân quyền quốc tế, để quyền làm chủ đất nước của nhân dân được tôn trọng và thực thi một cách cụ thể. Cuộc bầu cử dân chủ đó cần có thời gian và điều kiện chuẩn bị để việc ứng và bầu cử có thể được thực hiện một cách công bằng và hữu hiệu.

Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu như đảng CSVN không độc tài bảo thủ để các ứng cứ viên độc lập có thể tự ứng cử tự do, thì đó cũng là một bước thay đổi cần thiết để làm nền tảng cơ bản cho một cuộc bầu cử dân chủ toàn diện hơn trong vài năm tới. Tiếc rằng, vì ích kỷ và bảo thủ, đảng CSVN đã từ khước nhìn nhận thiện chí của hơn 200 ứng cử viên và kỳ vọng của nhân dân Việt Nam.

Cuộc bầu cử Quốc hội năm nay đã không còn là một cơ hội vận động dân chủ hoá đất nước một cách ôn hoà nữa. Đây là một điều đáng tiếc cho lịch sử và đáng trách cho đảng CSVN. Vậy thì nhân dân Việt Nam cần phải phản đối một cách cụ thể và tích cực là tẩy chay cuộc bầu cử ngày 20-5 sắp tới, bằng cách không đi bầu hoặc bỏ phiếu trắng, để khẳng định nguyện vọng có được đất nước thật sự dân chủ tự do đúng nghĩa./.

Không có nhận xét nào: