Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

Chuyện hai ông Mác


To be or not to be…

Hà Sĩ Phu

“… đẩy cuộc tranh luận vào chốn rừng rậm sách vở của “Mác kinh viện” để cuộc tranh luận luôn bất phân thắng bại, vô ích đối với nhân dân, song rất hữu ích với những kẻ câu giờ, cơ hội …”

Karl Marx chết đi để lại trên đời hai “ông Mác”, hai phiên bản cùng một khuôn DNA nhưng hình thù rất khác nhau: một ông “Mác kinh viện”, một ông là “Mác hiện thực”.

Lui tới thăm “Mác kinh viện” trong viện bảo tàng chỉ còn lác đác một vài triết gia hoặc kẻ muốn làm triết gia, kẻ sùng bái ông hoặc mượn ông để khoe chữ, một vài chính trị gia đến xin ông vẽ cho lá bùa để đối phó với bọn bất phục tùng… Họ nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ rắc rối, làm khó hiểu những điều dễ hiểu . Cuộc tranh cãi giữa họ là bất tận, hàng thế kỷ rồi mà chính họ vẫn chưa hiểu hết nhau. Đám thường dân chúng tôi luôn kính trọng ông, và hẳn chẳng bao giờ có ý nghĩ dại dột muốn động chạm gì đến ông (vì thiếu cả ngôn ngữ lẫn thời gian) nếu ông không làm “đầu têu” cho “Mác hiện thực”.

“Mác hiện thực” cũng mang khuôn mẫu DNA của học thuyết Mác nhưng phải lăn lộn trong đời sống, cọ xát với đời sống nên rất sinh động, trở thành ông Mác có hồn. Ở đây Mác phải trút bỏ bộ áo kinh viện, cắt bớt râu ria và giao lưu với xã hội bằng thứ ngôn ngữ dễ hiểu, ngắn gọn của đời thường. Bằng hình thù này Mác đi vào sách giáo khoa, đi vào những tài liệu tuyên truyền - dân vận, đi vào mọi đường lối chính sách, mọi cơ cấu xã hội, và đi vào đầu óc mỗi con người của những xã hội theo mô hình Mác xít.

“Mác hiện thực” là “Mác sống”, chi phối số phận sướng khổ - buồn vui của biết bao con người. Quần chúng và đội ngũ trí thức của họ cần đối thọai là đối thoại với ông “Mác hiện thực” này, bằng thứ ngôn ngữ gọn gàng, sáng sủa, và dễ hiểu của đời sống. Trong ngôn ngữ của “Mác hiện thực” những luận điểm cơ bản đã thành công thức, ai cũng thuộc lòng, nhắc đến là hiểu ngay, chẳng ai đòi trích dẫn sách vở.

(Xin nói thêm: Nếu là chân lý thì nói gọn thế cũng là chân lý. Sự cao siêu hay tầm thường không hề phụ thuộc vào sự diễn đạt giản đơn hay phức tạp. Đường tìm chân lý dù quanh co, rắc rối đến đâu nhưng khi đưa được chân lý về với cuộc sống nó cũng có bộ mặt đơn giản).

Nhưng những đệ tử của “Mác kinh viện” chỉ muốn phân biệt ông ra khỏi “Mác hiện thực”, cho rằng mọi người không hiểu Mác, đang làm sai Mác, chẳng qua là để bảo vệ một hình tượng Mác trong “tháp ngà”, tránh cho ông cuộc đối thoại bỗ bã với đời thường. Nhưng tách sao được, học thuyết Mác vừa giải thích thế giới vừa ra tay cải tạo thế giới, nên lý thuyết và thực hành gắn bó nhau như hai cánh tay của một con người. Mác hiện diện trong đời sống dân chúng thì một em nhỏ cũng có quyền và có khả năng chất vấn ông Mác ấy. Còn như nói chủ nghĩa Mác bị lợi dụng và làm sai đi, điều này đúng, nhưng tiền đề của sự lợi dụng và làm sai đó đã nằm sẵn trong chủ nghĩa Mác rồi.

Vả lại, ai là những người trung gian đã đem giáo lý của “Mác kinh viện” vào cuộc sống và xây dựng nên hình hài một “Mác hiện thực” sinh động?

Thưa, đây là những người có tư cách nhất để làm việc này. Đó là những lãnh tụ vô sản Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh…, và một đội ngũ đông đảo những trí thức thượng thặng của cả phe Xã hội chủ nghĩa (trong đó không thiếu triết gia) . Vì thế trong những trận đối thoại với cuộc sống, “Mác hiện thực” là người có đầy đủ “tư cách pháp nhân” để đại diện cho Mác nói chung và cho “Mác kinh viện” nói riêng.

Thế nhưng, mỗi lần đối thoại với thực tiễn mà “Mác hiện thực” bị lâm vào thế bí, thì người ta lại giở ra ngón chống đỡ cổ truyền : Thưa đồng bào, “Mác hiện thực” tuy có sai lầm với đồng bào, nhưng ông này không phải “đích tôn” của Mác nên hiểu sai Mác, làm sai Mác, để chúng tôi về bẩm với “Mác kinh viện” xem sao.
Cuộc tranh cãi lý thuyết đã diễn ra trên một thế kỷ, hôm nay dù có nói gì , có trích dẫn gì cũng chỉ là lặp lại.

Ở Việt nam, người có tư cách triết gia nhất là Trần Đức Thảo , dù bị Đảng Cộng sản trù dập ông vẫn yêu lý thuyết Mác. Đến năm 1991 ông còn viết một bài phê phán Hà Sĩ Phu để bảo vệ Mác [1] (Được triết gia Trần Đức Thảo đọc và nhận xét là một vinh dự!). Vậy mà đến những năm cuối đời tại Paris ông cũng không giữ được sự trung thành ấy nữa. Tác giả Trần Đạo được gặp Trần Đức Thảo trước ngày ông mất, thuật lại : “Tôi lại hỏi ông về trước tác của ông, và nói thật là tôi thấy chúng máy móc. Ông khoát tay như muốn gạt chúng đi, và đưa cho tôi tác phẩm cuối cùng còn dưới dạng bản nháp” [2].

Một người bạn tôi là nhà nghiên cứu Lữ Phương cũng vậy. Sau khi không còn được trọng dụng ông vẫn yêu những nét đẹp trong lý thuyết Mác, và nhiều lần bảo tôi “Mác không đơn giản như ông (HSP) phê phán. Người ta thực hiện sai chứ Mác vẫn đúng” .

Nhưng đến năm 2007 Lữ Phương đã viết khác:

“Năm 1986.tôi… tái xuất giang hồ, phấn đấu cho một thứ chủ nghĩa Marx “đích thực” mà lúc đó tôi vẫn còn tin tưởng vào tính khả thi của nó”.

“Nhưng cũng có một số tiếp tục con đường đã mở ra và đi cho đến cùng, không quay đầu trở lại, trong Nam có những Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Nguyễn Văn Trấn, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc và một số anh em khác. Cuộc chơi mới đã được đẩy mạnh hơn lên khi mọi chuyện trong quá khứ đã được nhìn lại từ nền móng”.

“Đối với chúng tôi, từ đó trở đi chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam đã mất hoàn toàn tính chính đáng để tồn tại”. [3]

Đối với dân chúng, hiện nay không còn là lúc tranh luận lý thuyết bằng ngôn ngữ triết học với triết gia Karl Marx nữa, chỉ còn việc dùng lẽ phải thông thường, đúc kết, để vạch trần tính chất quanh co của những người vô tình hay cố ý chống lại lẽ phải mà trên bình diện thế giới nó đã được giải quyết rồi. Những người này luôn muốn đẩy cuộc tranh luận vào chốn rừng rậm sách vở của “Mác kinh viện” để cuộc tranh luận luôn bất phân thắng bại, vô ích đối với nhân dân, song rất hữu ích với những kẻ câu giờ, cơ hội.

Một trăm lần vấn kế “Mác kinh viện” thì một trăm lần họ đưa ra những kiến giải xuôi ngược khác nhau, như một thứ chân lý vô định, lúc nào cũng còn để trống, điền câu gì vào cũng được. Mà bài toán xã hội thì cần có đáp số. Số phận những dân tộc, số phận những con người cần có những đáp số cụ thể, không thể hẹn đến kiếp sau.

Nếu ta hỏi tiếp: sao lại tù mù, sao lại tiền hậu bất nhất thế? Liền được trả lời: Thế mới là Mác! Tư trưởng Mác cao siêu, ngay chúng tôi đây đọc mãi cũng chỉ hiểu được một phần, chứ Mác tầm thường như các anh tưởng thì Mác đổ từ tám đời rồi ! (OK! Nào ta cùng về quê ông Mác để hỏi, xem ông ấy đã đổ chưa nhá?).

Ừ, cũng cao siêu thật.

Chẳng biết ai đã Việt hóa ra cái từ “Mác mít”, mít là mít đặc, marmite lại là quả lựu đạn, là cái niêu cơm.

Hà Sĩ Phu
(tháng 6-2007)


[1] Trần Đức Thảo (Giáo sư triết học), “Cái gọi là "Tấm biển chỉ đường của Trí tuệ" đi ngược với tư duy biện chứng của lý trí”. Tạp chí Cộng sản số 2 /1991, tr. 41-47.
[2] Trần Đạo, “Trần Đức Thảo một kiếp người”, web Ăn mày văn chương, Paris,
[3] Lữ Phương, “Tưởng nhớ một người anh em”, web Talawas, ngày 03/4/2007.