Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007
Mái nhà đích thực của người Công Nhân Việt Nam
Thưa toàn thể anh chị em công nhân Việt Nam!
Suốt mấy chục năm qua, sự đóng góp của các anh chị là một thực tế rất lớn mà ai cũng có thể nhận ra trong sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, . Điều đó đáng được tôn vinh cũng như những sáng tạo và sự cần cù chịu khó đáng quí, mà các anh chị là người luôn cố gắng gìn giữ.
Thưa các anh chị,
Nhưng thật thiếu sót và đáng buồn, bởi vì những đóng góp bằng mồ hôi công sức của các anh chị trong suốt quảng đường dài vừa qua đã không được đền bù một cách xứng đáng, về vật chất cũng như tinh thần, cho những thành quả mà các anh chị đã tạo ra.
Nhận thức đó là niềm đau, không phải của riêng các anh chị, mà còn ở những người có quan tâm muốn chia sẻ với các anh chị, phải nhận thấy có trách nhiệm tìm kiến phương thức giúp các anh chị đáp ứng được những nhu cầu trong đời sống khó khăn của các tầng lớp lao động nghèo.
Qua những thực tế gần đây cùng với xu thế phát triển chung của khu vực, nhu cầu cuộc sống bây giờ ngày càng lên cao, mà mức thu nhập của các anh chị không được gia tăng kịp thời, đời sống không được cải thiện đúng mức. Nỗi khổ đó đã dẫn đến những cuộc đình công ồ ạt khắp nơi trong thời gian qua, nhưng sự kiện nổi cộm đó vẫn không thúc đẩy được nhà nước có những thay đổi cụ thể với những quyền lợi đích thực của các anh chị.
Những băn khoăn, trăn trở về đời sống hằng ngày của các anh chị từ trước đến nay chưa thể biến thành hành động cụ thể, vì các khó khăn từ sự áp dụng chế tài quản lý của Đảng Cộng sản (ĐCS). Sự kềm toả này làm cho các anh chị đã thực sự bị bất lực trước mọi nguyện vọng chính đáng của mình, không tự làm chủ được chính mình, không thể hưởng hay có thể kiểm soát mọi quyền lợi, phúc lợi của mình được. Chính vì thực tế về nhu cầu chính đáng của các anh chị là hoàn toàn thích đáng, Hội Nghị Warszawa 2006 Về Quyền Lao Động Của Công Nhân Việt-Nam đã được tổ chức với chủ đề hội thảo là: (1) Kinh nghiệm đấu tranh của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân Ba Lan, và các tổ chức lao động tại Âu châu, Úc Châu, và Bắc Mỹ. (2) Luật lao động và tình trạng công nhân tại Việt-Nam; (3) Những biện pháp đấu tranh cụ thể đòi quyền lợi cho công nhân Việt-Nam.
Một tuần lễ trước đó, một nỗ lực yểm trợ công nhân khác cũng đã được ra đời tại Hà Nội với danh xưng là Công Đoàn Độc Lập Việt Nam; tuyên bố sẽ “1. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người công nhân Việt Nam; 2. Giúp đỡ những công nhân găp khó khăn trong cuộc sống, lúc ốm đau, bệnh tật; 3.Nâng cao tình đoàn kết của giai cấp công nhân.” Dù thực tế chưa biết là công đoàn mới này sẽ có thể đem đến được sự trợ giúp cụ thể nào cho người lao động, song sự chấp nhận đối đầu với những khó khăn, thử thách trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay là một thiện chí đáng ca ngợi. Buổi hội thảo ở Ba-Lan và sự thành hình này đánh dấu một bước ngoặc rất quan trọng và vô cùng quí giá cho đời sống hiện thời cũng như tương lai của người công nhân Việt Nam.
Khi nào giới lao động Việt Nam có được một tổ chức công đoàn, hay nghiệp đoàn, có khả năng bảo vệ được quyền lợi của người công nhân, nông dân một cách thực tiễn thì lúc đó người lao động mới có được một mái nhà tinh thần đúng nghĩa. Đó sẽ là mái nhà thực sự của các anh chị -- là mái nhà mà các anh chị có thể sẽ được chính thức bảo vệ mọi mặt, về tinh thần cũng như cuộc sống, điều kiện làm việc, v.v.. Nó đồng thời cũng là nơi mà các anh chị có thể chia sẻ trọn vẹn những băn khoăn, lo âu về nghề nghiệp mà không sợ bị tù đày, mất việc. Nó cũng có thể sẽ trở thành chiếc cầu nối mang tinh thần khách quan và xây dựng giữa những người chủ doanh nghiệp với những người làm ra sản phẩm được hiểu nhau hơn, gần gủi, gắn bó nhau hơn. Từ đó sẽ tạo ra những thuận lợi, và là nền tảng tiến bộ không ngừng cho mọi sự phát triển chung của đất nước.
Thưa các anh chị,
Trong suốt chặng đường dài đã qua, sự quên lãng và rào cản đã xâm phạm đời sống và quyền lợi của các anh chị, thì nay ánh sáng, niềm vui và mái nhà địch thực đã đến với các anh chị -- những người công nhân Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó sẽ được chăm lo, sẽ được bạn bè quốc tế coi trọng.
Các anh chị sẽ là người chủ nhân đích thực, xứng đáng với mọi nỗ lực và nguyện vọng chính đáng của mình. Hãy gắng giữ gìn, chăm sóc và xây dựng thật rộng lớn mái nhà đích thực này vì nó là của các anh chị; là sự đền đáp mà những người có quan tâm đã tạo ra cho các anh chị.
Xin được chia sẻ niềm hi vọng này đến hàng triệu người công nhân Việt Nam. Cầu mong nó sẽ trở thành mái nhà đích thực, lớn rộng theo dòng thời gian cùng với mọi sự phát triển không ngừng của xã hội Việt Nam; xứng đáng với niềm tin và hy vọng của những người công nhân nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét