Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

Từ “chống Mỹ cứu nước” đến “chống nước cứu Mỹ”


Từ “chống Mỹ cứu nước”
đến “chống nước cứu Mỹ” và
sự chuyển hóa đất nước
từ Chuyên chính sang Dân chủ

(Triển vọng về cuộc họp thượng đỉnh Việt Mỹ ngày 22-6-2007)

Lê Quế Lâm

Ba mươi hai năm sau chiến tranh, đất nước thống nhất, Việt Nam vẫn còn là một trong những nước nghèo nàn lạc hậu. Đại đa số đồng bào còn vất vả vì miếng cơm manh áo. Họ khát khao luồng gió tự do dân chủ sớm đến với đất nước, vì tự do dân chủ dính liền với kinh tế phát triển, xã hội phồn vinh. Đó là đòi hỏi chung của nhân loại vào thời đại ngày nay được cả cộng đồng thế giới thừa nhận. Như vậy, sự chuyển hóa đất nước từ Chuyên chính sang Dân chủ là con đường sống cho dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của lịch sử. Nhưng tạo được sự chuyển biến trên là một điều khá cam go. Tuy nhiên sự chuyển hóa có nhiều triển vọng thành tựu nhờ diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố hiện nay. Trước hết xin đề cập đến thực trạng Chuyên chính trong 60 năm qua và vai trò của Dân chủ trong thời đại hiện nay.

Chuyên chính là công cụ thực hiện đấu tranh giai cấp của đảng CS. Và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu từ năm 1946, theo ông Hồ chí Minh “là một hình thức cao rộng của giai cấp đấu tranh, nghĩa là cuộc đấu tranh lớn lao trên toàn thế giới, giữa thế giới tư bản và thế giới cộng sản”. Vì thế, song song với cuộc kháng chiến trường kỳ, những người CS đã xử dụng chuyên chính tiêu diệt những người không cùng chính kiến và các đảng phái quốc gia trong giai đoạn 1945-46. Và từ 1950, đến lượt những người tham gia kháng chiến không thuộc thành phần cơ bản (công nông) bị loại qua các đợt cải cách ruộng đất. Khi giành được chánh quyền ở Miền Bắc sau 1954, CS tiếp tụC thực hiện cải cách ruộng đất, sau đó phát động phong trào “Trăm hoa đua nở” để trấn áp hàng loạt trí thức thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm”.

Từ 1963, CS lại đàn áp những đảng viên thân Liên Xô có khuynh hướng xét lại. Khuynh hướng này rất bất lợi cho việc giải phóng miền Nam. Sau 1975 đến lượt những đảng viên được Trung Cộng đào tạo bị loại bỏ. Cuộc cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc sau 1954, cuộc thảm sát ở Huế hồi Tết Mậu Thân, chính sách tập trung cải tạo, đưa người đi các vùng kinh tế mới và đánh tư sản ở miền Nam sau 1975 là các hình thức thực hiện đấu tranh giai cấp bằng chuyên chính mỗi khi CS giành được chính quyền.

CS tự hào đã lãnh đạo hai cuộc “kháng chiến thần thánh”, đánh bại thực dân Pháp và sau đó đánh bại đế quốc Mỹ “giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Đây là nhiệm vụ chiến lược trọng đại kế tiếp của Đảng CSVN, vì thế cuộc đấu tranh giai cấp càng gay gắt hơn thời chiến tranh và chuyên chính càng quyết liệt hơn. Trong giai đoạn này, cuộc đối đầu giữa thế giới tư bản và cộng sản bước vào giai đoạn kết thúc với sự tan rã của Hệ thống Xã hội chủ nghĩa thế giới và sự cáo chung của Liên bang Xô Viết. Và thực trạng nhà nước Chuyên chính trong giai đoạn CS thoái trào diễn ra như thế nào?

Chính vì “kháng chiến VN là một hình thức cao rộng của đấu tranh giai cấp…” nên khi kháng chiến chống Mỹ thành công, Tổng bí thư Lê Duẫn chủ trương: “tiếp tục kề vai sát cánh với các nước XHCN anh em chống chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ” (Báo cáo Chính trị tại Đại hội IV Đảng CSVN). Ông coi trọng nghĩa vụ quốc tế, nên không thấy được sau 30/4/1975, VN có đầy đủ điều kiện để hội nhập với thế giới và phát triển đất nước phồn vinh.

Ngoài sự giúp đỡ của khối CS và bè bạn khắp năm châu, VN lại ký HĐ Paris 1973 với HK, có điều khoản HK giúp VN hàn gắn vết thương chiến tranh và “việc thực hiện triệt để hiệp định này sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ mới bình đẳng và cùng có lợi giữa VNDCCH và HK”. Đáng lẽ CSVN theo gương Liên Xô và Trung Cộng thiết lập bang giao với Mỹ, đưa đất nước vào kỷ nguyên độc lập tự chủ mà không sợ mang tiếng phản bội đàn anh… Nhưng họ quyết định đứng về phía LX, tiếp tục chống Mỹ và còn trở cờ quay sang chống TC. Lê Duẫn ký hiệp ước hữu nghị với LX và tuyên bố: ”Đi theo con đường của Lênin, đoàn kết và hợp tác và toàn diện với LX là đường lối bất di bất dịch của Đảng và Nhà nước chúng tôi” (Diễn văn trước Đại hội 26 ĐCS/LX). Trong giai đoạn này, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân MN thiếu gạo ăn phải độn thêm bo bo, hàng triệu người bỏ nước ra đi, Đặng tiểu Bình còn miệt thị “VN là phường vong ân bội nghĩa”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, giới lãnh đạo CSVN xin nối lại bang giao với Trung Cộng và thực hiện “kinh tế thị trường” theo khuôn mẫu của đàn anh. Khẩu hiệu được Giang trạch Dân coi như phương châm cho mối quan hệ mới Việt Trung là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng về tương lai”. Lại cũng “hợp tác toàn diện” với ngoại bang, lần này sẽ “lâu dài” với TC, rồi âm thầm nhường ải Nam Quan, thác Bản Giốc và hàng vạn cây số lãnh hải vì mối quan hệ mới này. Về phát triển, trong 20 năm thực hiện đổi mới, GDP đầu người chỉ tăng 350 USD, chưa bằng ¼ so với Thái Lan. Đến giữa năm 2005, GDP bình quân của VN là 565 USD, còn Thái Lan là 2665 USD. Từ chỗ tương đương với nước láng giềng, sau 30 năm quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mức sống của người dân tụt xuống chỉ còn bằng 1/5 so với Thái Lan. Theo cựu TT Singapore Lý Quang Diệu: Việt Nam phải cần 40 năm mới mong đuổi kịp Thái lan”. Hiện nay ngoài VN, trên thế giới chỉ còn ba nước nữa là kiên trì tiếp tục con đường tiến lên XHCN. Hànội còn đàn áp thô bạo các người tranh đấu ôn hòa, công khai bịt miệng linh mục Nguyễn văn Lý trước tòa án và sau đó bỏ tù nhiều người bất đồng chính kiến, đòi dân chủ tự do.

Dân chủ: Tiến sĩ Nguyễn thanh Giang, một nhà đối kháng trong nước dẫn chứng một tài liệu của Ngân hàng Thế giới năm 1998 tiết lộ “tỷ trọng các nước có một hình thức dân chủ nào đó trên toàn cầu đã tăng từ 28% năm 1974 lên 61% năm 1998. Đến nay đã có 140 nước phê chuẩn Công ước về Quyền công dân và chính trị”. Ông kết luận “Xu thế tự do hóa, dân chủ hóa đã rất hiển nhiên. Không thể đảo ngược được, không thể cưỡng lại được. Bởi vậy mỗi quốc gia nếu không muốn trở thành lạc lõng, thậm chí trở thành phản động đều phải không ngừng cải tạo bằng những cơ chế dân chủ thực sự, chớ không chỉ tung lên những khẩu hiệu suông, những ước vọng mơ hồ”.

TS Giang nhận xét về xu thế toàn cầu hóa ngày nay: “Sự phát triển vũ bão của công nghệ tin học đang góp phần thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Các xa lộ thông tin không ngừng rộng mở cùng mạng lưới internet chằng chịt đang làm cho thế giới ngày càng xích lại gần nhau như trong cùng khối phố. Ở đấy mỗi quốc gia như một gia đình và mỗi người trở thành thành viên của cộng đồng thế giới…Toàn cầu hóa kéo các quốc gia không ngừng hoà nhập vào cộng đồng thế giới. Toàn cầu hóa được hoan nghênh vì nó đem lại cơ hội mới cho việc mở rộng thị trường và tiếp thu công nghệ hiện đại cùng với kỹ năng quản lý tiên tiến; từ đấy phát triển nền kinh tế, cải thiện đời sống xã hội”. Theo Ts Nguyễn thanh Giang “có dân chủ hóa mới mong hội nhập hài hòa vào Cộng đồng nhân loại tiền tiến. Hội nhập được với cộng đồng nhân loại tiên tiến sẽ giúp tiến trình dân chủ hóa của quốc gia phát triển vững chắc”. (TS Nguyễn thanh Giang; Suy tư và Ước vọng).

Ai có khả năng tạo sự chuyển hóa từ Chuyên chính sang Dân chủ?

Xin trả lời ngay: Chỉ có Hoa Kỳ và Cộng sản VN vì họ đã có một sự ràng buộc lâu dài. Hai bên đã ký hiệp định Paris 1973 được cả Liên Xô và Trung Cộng tán đồng. HK và CSBV cam kết tôn trọng các quyền tự do căn bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam VN, được ghi rõ là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của người dân. Họ sẽ quyết định chế độ chính trị MN thông qua tổng tuyển cử thực sự tự do và dân chủ có giám sát quốc tế. Việc thống nhất đất nước sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa hai miền Nam Bắc, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào. Đó cơ sở để chấm dứt chiến tranh, là ưu tiên hàng đầu, sau đó xây dựng thể chế dân chủ tự do ở miền Nam và thống nhất đất nước. HK chấm dứt dần sự can dự để mở đầu thực hiện tiến trình trên. CSBV liền dùng vũ lực áp đảo buộc chính phủ VNCH đầu hàng. Bốn tháng sau, họ tổ chức hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước.

Từ 1977, HK và CSVN tái tục đàm phán về việc thi hành HĐ Paris 1973. Điều 22 ghi rõ: “việc thực hiện triệt để Hiệp định này sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ mới, bình đẳng và cùng có lợi giữa VNDCCH và HK, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau…”. Lúc đầu, Hànội đòi HK bồi thường chiến tranh, coi đây là điều kiện tiên quyết trước khi đặt vấn đề bang giao. HK cho biết, sẵn sàng giúp VN hàn gắn vết thương chiến tranh với điều kiện: Hànội phải thi hành triệt để HÐ Paris 1973 và giải quyết vấn đề người Mỹ còn mất tích trong cuộc chiến tức điều 8b. Hànội đòi Mỹ phải thi hành điều 21, tức hàn gắn vết thương chiến tranh, thì họ mới chịu thi hành điều 8b.

Chính quyền CSVN còn dùng những người tù cải tạo thuộc chế độ cũ, để mặc cả với Mỹ về việc bang giao. HK cho rằng tù cải tạo là vấn đề nhân đạo sẽ được giải quyết sau, họ chỉ thảo luận vấn đề bang giao, nếu Hànội chịu thi hành điều 8b. Từ 1979 khi Hànội đưa quân sang Kampuchia lật đổ chế độ Khmer Đỏ, Mỹ lại thêm điều kiện buộc CSVN phải rút quân khỏi Kampuchia vì lẽ Hànội vi phạm Chương VII của HĐ Paris 1973, trong đó qui định rõ “Các nước ngoài sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự ở Kampuchia và Lào, rút hết và không đưa trở lại vào hai nước đó: quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, vũ khí đạn dược và dụng cụ chiến tranh” (điều 20 b) và “Công việc nội bộ của Kampuchia và Lào phải do nhân dân mỗi nước này giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài” (điều 20c).

Vấn đề tù cải tạo, được HK và CSVN thương thảo từ 1982, mãi đến 1988 mới đạt được thỏa thuận đầu tiên… Nhưng sau đó, Hànội dựa vào lý do Mỹ áp lực về vấn đề KPC, bèn đình chỉ mọi họp tác với HK về POW/MIA và chương trình cho tù chính trị sang Mỹ định cư tức HO. Hoa Kỳ nói thẳng với Hànội: nếu họ muốn có quan hệ tốt với HK và các nước láng giềng, thì phải đồng loạt giải quyết ba vấn đề then chốt là KPC, POW/MIA và cho tù nhân chính trị sang Mỹ định cư. Vấn đề tù cải tạo đã đạt được kết quả vào tháng 7/1989.

Năm sau, HK đưa ra lộ trình thiết lập bang giao với CSVN dựa trên hai điều kiện: kết thúc chiến tranh và tái lập hòa bình ở Miên và giải quyết vấn đề POW & MIA. Tuần tự, Hànội đáp ứng trọn vẹn yêu cầu của Mỹ. Việt Nam rút hết quân khỏi Miên, áp lực Hunsen ngồi vào thương thảo với ba phe đối nghịch, ký kết HĐ Paris 1991. Cuộc tổng tuyển cử tự do ở Miên đã được tiến hành hồi cuối tháng 5/1993 dưới sự giám sát của LHQ.

Còn vấn đề POW & MIA, chính bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đích thân mở cửa căn hầm bí mật nằm dưới BTL/Quân đội Nhân dân VN ăn thông đến lăng HCM tại khu cột cờ Hànội, để hai nghị sĩ John Kerry và Bob Smith tìm kiếm vết tích giam giữ tù binh trong thời chiến tranh. Đến tháng 5/1995, Hànội trao cho Thứ trưởng Cựu chiến binh Hershel Gober và phụ tá Bộ Ngoại giao Mỹ Winston Lord một hồ sơ đặc biệt 187 trang trong 116 tài liệu báo cáo các chi tiết về MIA/POW. Tài liệu này, được Mỹ cho là đầy đủ nhất từ trước đến nay. Sau đó, CSVN lại chuyển cho dân biểu Bill Richardson 100 tài liệu khác nữa. Mỹ cho rằng việc hợp tác như thế rất thỏa đáng và hài lòng. Vì vậy, TT Clinton đã công bố bình thường hóa bang giao toàn diện với VN vào ngày 11/7/1995.

Cuộc mặc cả bang giao Mỹ và CSVN kéo dài 20 năm, hai bên chỉ đòi thực hiện những điều nào có lợi cho họ mà thôi. Trong khi những điều khoản đáp ứng trọn vẹn nguyện vọng của nhân dân VN về dân chủ tự do, về quyền tự quyết… không bao giờ được đề cập, vì không có ai đòi hỏi. Từ khi HĐ Paris ra đời, TT Nguyễn Văn Thiệu và chánh phủ VNCH luôn khẳng định đó là văn kiện do HK tạo ra để bán đứng MN cho CS. Mãi đến năm 1993, khi HĐ Paris 1991 về Cam bốt ra đời với cuộc tổng tuyển cử tự do dưới sự giám sát của LHQ được tiến hành, cựu TT Thiệu liền gởi thư yêu cầu TTK LHQ Boutros Boutros thi hành HĐ Paris 1973. Đáng lẽ ông nên gởi thư lưu ý HK: mục tiêu của miền Nam trong cuộc chiến vừa qua là đấu tranh cho dân chủ tự do và là một thànhviên đã ký kết hiệp định.

Cộng đồng Người Việt Tự do ở hải ngoại là những người thuộc chế độ cũ di tản hồi năm 1975, là những thuyền nhân mạo hiểm trốn chạy CS trong giai đoạn 1976-1990 hoặc những cựu tù cải tạo đến Mỹ thuộc diện HO. Trong một thời gian ngắn, CĐNVTD đã lớn mạnh có đủ tư thế tiếp nối cuộc chiến Quốc Cộng trong bối cảnh mới bằng phương thức hòa bình, giữa một bên CS độc tài đảng trị và một bên dân chủ tự do chủ trương đa nguyên đa đảng.

Chỉ tính riêng 1.7 triệu người Việt sống ở 5 nước Mỹ, Úc, Anh, Pháp và Gia nã Đại, bằng 2% dân số trong nước, song GDP của họ là 35 tỷ USD, tương đương 75% của cả nước. Ngoài ra, CĐNVTD còn có tiềm năng trí tuệ đáng kể: một đội ngũ không dưới 300 ngàn chuyên viên tốt nghiệp đại học. Không có một nước nào tại Châu Á và ngay cả trên thế giới- có một vốn chất xám như thế, đào tạo bởi quốc tế (Nhận định của Ls Lâm Lễ Trinh). Với ưu thế trên, CĐNVTD có đủ khả năng giúp kinh tế đất nước phát triển nhanh chóng, nhưng không thể thúc đẩy tạo sự chuyển hóa về chính trị. Họ thiếu đoàn kết và không tranh thủ chính quyền Mỹ. Từ sau 1975, người Việt Tự do không còn là đồng minh chiến lược của HK chiến đấu cho lý tưởng dân chủ tự do, trái lại còn lên án HK phản bội, không còn tin tưởng ở thiện chí của chánh quyền Mỹ nữa. Đó là nguyên do khiến miền Nam tự do đã chiến đấu cho dân chủ tự do nhưng không gạt hái được thành quả của mình…Trong khi CS với nghị quyết 36 về kiều vận và áp dụng kinh tế thị trường, họ có thể đạt được mục tiêu: vừa chiêu dụ được sức mạnh kinh tế và chất xám của kiều bào hải ngoại vừa duy trì chế độ chuyên chính.

Giữa năm 2005, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập bang giao, TT George W. Bush mời Thủ tướng Phan Văn Khải viếng thăm HK. Khải là đàn em của cựu thủ tướng Võ văn Kiệt -người có khuynh hướng canh tân đã giúp miền Nam trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước hiện nay. Đây là dấu mốc quan trọng thứ ba trong quan hệ Việt Mỹ kể từ khi hai bên ký HĐ Paris 1973. Kế tiếp là bình thường hóa bang giao (7/1995) và nay là bước hoàn thiện mối bang giao. Cuộc họp cấp cao đầu tiên Mỹ Việt diễn ra tại trung tâm của CĐNVTD ở hải ngoại… Nhưng rất tiếc, không có một tổ chức hoặc đoàn thể nào công khai đặt vấn đề: các quyền tự do căn bản và quyền tự quyết của người dân, là nội dung điều 9 và điều 11 -hai yêu cầu cuối cùng trong HĐ Paris 1973 mà VN chưa thực hiện. Theo tinh thần hiệp định, hai điểm trên dành cho nhân dân miền Nam VN, nay đất nước đã thống nhất, hai đòi hỏi đó là của toàn dân VN. Đây là đòi hỏi cuối cùng để hoàn tất mối bang giao Việt Mỹ… Nhưng ý nghĩ HĐ Paris 1973 là văn kiện để HK bán đứng MN tự do vẫn còn đè nặng trong tâm trí CĐNVTD.

Lời hứa của TT Bush với Phan Văn Khải hồi năm 2005 đã được thực hiện: HK ủng hộ VN gia nhập WTO. Nay cuộc họp thượng đỉnh giữa TT George W. Bush và Chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết diễn ra trong bối cảnh mới: HK công khai ủng hộ các nhà đối kháng đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền và không tha thứ cho những chế độ độc tài. Trong diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ hai (20/1/2005), TT Bush cho biết “Chánh sách của HK là thúc đẩy các phong trào và cơ chế dân chủ phát triển khắp mọi nơi với mục tiêu tối thượng là chấm dứt chế độ chuyên chế trên thế giới”. Kế hoạch chưa được tiến hành đồng loạt vì cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Dư luận có dịp nhắc lại “hội chứng VN” và cho rằng HK lại bị sa lầy như ở VN trước đây. Không ai nghĩ đến “bài học VN”. HK đã tạo cơ hội giúp VN xây dựng một thể chế dân chủ. Rất tiếc TT Thiệu không muốn đấu tranh cho dân chủ tự do khi cuộc chiến do tình thế bắt buộc phải chuyển từ đấu tranh quân sự sang đấu tranh chính trị. Hậu quả, nhân dân VN phải gánh chịu chế độ CS độc tài trong suốt 32 năm qua, trong khi đất nước trở thành một trong vài chục nước nghèo nàn lạc hậu nhất thế giới. Tại Iraq và Afghanistan, nhờ sự can thiệp của HK, các chế độ độc tài lần lượt bị tiêu diệt. Người dân đã hành xử quyền tự quyết thông qua các cuộc tuyển cử tự do… Nhưng các nhóm khủng bố tiếp tục gây bạo loạn đã làm chậm bước phát triển của trào lưu dân chủ và tàn phá đất nước nặng nề.

Từ thực tế trên, nhân dân HK và VN kỳ vọng nhiều vào cuộc họp thượng đỉnh Việt Mỹ lần này. Hai bên sẽ mở đầu một chương sử mới hợp tác trên cơ sở “bình đẳng, hai bên cùng có lợi”. VN sẽ hội nhập vào cộng đồng các nước tự do dân chủ, được HK giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết đất nước thời hậu chiến. Một nước Việt Nam độc lập, dân chủ phú cường là mục tiêu hàng đầu của HK sẽ giúp họ biện minh cho những hành động can dự nhằm chấm dứt các chế độ cực đoan độc tài trên thế giới.

Các nước Đức, Ý, Nhựt từng là kẻ thù của HK trong Thế chiến II, nhưng khi chiến tranh chấm dứt, HK tận tình giúp họ hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết đất nước. Ngày nay cả ba đã đứng ngang hàng với các nước từng đánh bại họ, thành lập khối G 8, tức các nước có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới và đang góp phần đắc lực giúp đỡ các nước đang phát triển ở Châu Phi. Rồi đây, đến lượt VN, đất nước này sẽ là một thành viên có trách nhiệm của Cộng đồng thế giới. VN sẽ là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo An LHQ trong khóa tới. Đây sẽ là thành tựu đáng kể của những lãnh tụ CS chủ trương đổi mới.

CSVN đã can đảm chiến đấu “chống Mỹ cứu nước” và ký hiệp ước hòa bình tay đôi với Mỹ. HĐ Paris 1973 mở đường cho việc bình thường bang giao… Nhưng giới lãnh đạo CS cuồng tín không chịu tiến hành tiếp, mà lại ký kết hiệp ước “hợp tác toàn diện” với LX và sau đó với TC. Một nước nhỏ hợp tác toàn diện với nước đàn anh của mình chỉ là một hình thức của sự lệ thuộc ngoại bang, vì thế VN đã tự đánh mất quyền độc lập tự chủ và đất nước ngày càng tụt hậu. Giờ đây, những người chủ trương đổi mới có dám can đảm thừa nhận các mục tiêu của Mỹ ở VN là chính đáng hay không?

Dám đương đầu với một thế lực hùng mạnh để đất nước nghèo nàn lạc hậu, có thể nói là anh hùng nhưng trí đoản. Can đảm đương đầu song cũng can đảm thừa nhận chính nghĩa của kẻ cựu thù, mới xứng danh anh hùng trí dũng. Hai tháng trước, một nhân vật lịch sử quan trọng của Mặt trận Giải phóng MN trước đây qua đời: đó là ông Trần Bạch Đằng. Ông được xem là người đã “sáng tạo” nên cụm từ “ra ngõ gặp anh hùng” (Lê Trọng Hiệp). Không hiểu VN có nhiều anh hùng như lời châm biếm của ông hay không? Tuy nhiên người đời thường nói “thời thế tạo anh hùng”, một người tài giỏi cũng phải gặp thời mới tạo nên nghiệp lớn. Như vậy, ông Trần Bạch Đằng xứng danh là một anh hùng. Ông là bí thư Thành ủy CS Sàigòn-Gia định, Tư lịnh chiến trường trọng điểm thủ đô Sàigòn hồi Tết Mậu Thân 1968. Không những thế, ông còn sống và làm công tác trí vận ngay trong lòng “địch”, cư ngụ bên cạnh nhà phó Đại sứ HK, đã chiêu dụ được những nhân vật có tầm cỡ lớn như ông bà luật sư Trịnh Đình Thảo, giáo sư Nguyễn Văn Kiết, các linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, các lãnh tụ sinh viên học sinh…

Ngoài ra, ông Đằng còn là “anh hùng tạo ra thời thế” để kết thúc chiến tranh. Từ tháng 3/1965, trong hơn hai năm rưởi HK đã xử dụng hai “gọng kềm”: dội bom miền Bắc và đưa trên 400 ngàn quân vào miền Nam, nhưng không thể áp lực được Hànội ngồi vào bàn đàm phán. Trong tình thế đó, Trần Bạch Đằng đã giúp khai thông bế tắc bằng cách mở ra trận Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968. Ông đã thông báo cho đại sứ Bunker biết ý định này. MTGPMN kỳ vọng kế hoạch tổng tấn công quân sự kết họp với tổng khởi nghĩa của nhân dân thành công, chính quyền miền Nam sẽ lọt vào tay họ.

Kế hoạch bất thành, MTGPMN phải ngồi vào bàn đàm phán. Tại hòa đàm Paris, MTGP đưa ra đề nghị: công việc nội bộ miền Nam sẽ do nhân dân miền Nam tự quyết định mà không có sự can thiệp của bên ngoài. Đề nghị này phù họp với chủ trương của HK, đó là cơ sở để chấm dứt chiến tranh. MTGP còn đề nghị thành lập chính phủ liên hiệp với chính quyền Sàigòn, dù họ ở thế yếu vì những tổn thất từ sau Tết Mậu thân. Nhờ đó, một chánh thể trung lập có thể hình thành và quân ngoại nhập sẽ rút khỏi miền Nam, theo như Cương lĩnh của Mặt trận.

Ý định của MTGPMN đi ngưọc với chủ trương của CSBV: Giải phóng miền Nam để tăng cường phe Xã hội chủ nghĩa thế giới. Vì thế Trần Bạch Đằng bị Nguyễn Văn Linh (gốc miền Bắc) thay thế giữ chức bí thư Thành ủy Sàigòn và Phó bí thư Cục R. Ông đã bị thất sủng từ năm 1973 sau khi đã chiêu dụ khá nhiều người yêu nước thuộc giới trí thức, tư sản, các nhân sĩ công giáo, phật giáo… ra chiến khu tham gia MTGP. Ông Đằng cũng như nhiều thành viên khác của MTGPMN như ông Đỗ trung Hiếu (Mười Anh) đã tâm sự: “Tôi cũng như đại đa số đồng bào VN mang hoài bão giành lại độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do cho nhân dân, để xây dựng nước VN giàu mạnh, đồng bào ấm no hạnh phú. Tôi tham gia đảng CSVN từ hoài bão đó”. Họ càng tin tưởng lời ông Hồ Chi Minh “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Với chiến thắng 30/4/1975, ai cũng đinh ninh là độc lập tự do đã đến, nhưng tất cả đều vỡ mộng. Đất nước thống nhất, trở thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN. Mặt trận GPMN âm thầm tự giải tán. Đạo đức mới đòi hỏi người dân yêu nước phải yêu chủ nghĩa xã hội, tổ quốc VN đồng nghĩa với tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hàng triệu người đã hy sinh để xóa bỏ gông cùm đế quốc tư bản (chỉ suy diễn mà thôi) để rồi gánh lấy gông cùm thực sự của đế quốc xã hội. Với lòng ái quốc, nhân dân ta nhiều lần đánh bại những thế lực lớn muốn tước đoạt cái khát vọng ngàn đời của dân tộc là độc lập tự do…Nhưng giờ đây những người CS khẳng định “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, nghĩa là dân tộc phải chấp nhận cái gông cùm này vĩnh viễn. Nhưng chủ nghĩa xã hội theo kiểu Mác-Lênin thì có kẻ thù. Kẻ thù của nó là những người đấu tranh cho dân chủ và những người đứng ra bảo vệ nền dân chủ tự do.

Trong tình thế đó, Trần Bạch Đằng dù không còn quyền lực, song tích cực ủng hộ chủ trương đổi mới. Ông tin tưởng nhóm canh tân sẽ đạt thắng lợi vì họ là những người đã trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến giải phóng miền Nam trước đây. Do lợi điểm này mà nhóm bảo thủ “sẽ chẳng có một biện pháp nào có thể dùng để chống lại chúng tôi nổi”. Đằng đã khẳng định như vậy với đặc phái viên Steven Erlagun của New York Times Service hồi tháng Giêng 1989. Ông đã lầm to. Phe bảo thủ đã chiến thắng khi Hànội quay trở lại qui phục đàn anh Trung Cộng sau khi khối Liên Xô sụp đổ. Cuối đòi, ông Đằng là một “anh hùng mạt lộ”. Đó là thời thoái trào, bước rẩy chết của chủ nghĩa CS, thì dù tài giỏi đến đâu cũng không thể thoát khỏi vận nước…Song đối với Trần Bạch Đằng “còn nước còn tát”, một người có khả năng thiên phú biết tạo ra thời cơ thuận lợi để vượt qua bế tắc và thử thách.

Cách đây gần bốn tháng, khi Nguyễn Ngọc Lan qua đời, Trần Bạch Đằng đã có bài điếu văn, được đăng trên báo Thanh niên ngày 26/2/2007. Những người như hai ông đều bị cả hai phe Quốc gia và Cộng sản công kích, nên không ai muốn nhắc đến khi họ qua đời. Chính ông Lan, sau này cũng có lúc công kích ông Đằng, nhưng “nghĩa tử là nghĩa tận”, ông Trần Bạch Đằng đọc điếu văn tuyên dương người vừa nằm xuống: “Anh đặt vấn đề ‘ông Thiệu phản đối khẩu hiệu của Mặt trận giải phóng chống Mỹ cứu nước thì tôi hiến cho ông ấy một khẩu hiệu khác phù hợp hơn: chống nước cứu Mỹ’. Sau này khi viết về phong trào Sàigòn, tôi nhắc lại lời ấy của anh với tất cả khâm phục”. Đây là di ngôn cuối cùng của Trần Bạch Đằng, khâm phục lời nói của một người bạn đồng chí hướng với mình. Có phải ông muốn mượn lời người bạn, để hiến cho những người đang lãnh đạo Nhà nước CSVN (cũng là đàn em của ông) một khẩu hiệu phù hợp với tình thế đất nước hiện nay “chống nước cứu Mỹ”?

Con chim sắp chết, tiếng kêu ai oán. Con người sắp chết, lời nói chân thành linh thiêng: một di chúc, nhất là của một nhân vật xứng danh anh hùng tạo thời thế. Trần Bạch Đằng: một nhân vật lịch sử. Xin để lịch sử phán xét. Còn người đời chỉ có thể “cái quan luận định”, đợi đến khi đậy nắp quan tài rồi thi mới có thể kết luận về người chết.

Trần Bạch Đằng có thể nói là linh hồn của MTGPMN vì là người phụ trách tuyên huấn, trí vận của Mặt trận. MTGPMN bao gồm những thành phần trí thức, nhân sĩ, sinh viên học sinh… hấp thụ văn hóa Pháp, đề cao thể chế dân chủ tự do của Tây phương nhưng chống Mỹ vì bị tuyên truyền miền Nam là thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Vì thế họ chống Mỹ, chủ trương đánh đổ chính quyền tay sai của Mỹ, xây dựng một miền Nam trung lập, tái lập quan hệ bình thường với miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước trong hòa bình theo tinh thần Hiệp dịnh Genève 1954.

MTGPMN đã bị CSBV lợi dụng để bành trướng đế quốc Đỏ. Họ phải chờ thời cơ để thoát vòng kiểm tỏa của chủ nghĩa cộng sản. Nay cơ hội đã đến, TT Bush đang tập trung nổ lực tấn công các chế độ độc tài trên thế giới. Trần Bạch Đằng đã hiến cho những người xuất thân từ MTGPMN hiện đang lãnh đạo đất nước kế sách từ “chống Mỹ cứu nước” sang “chống nước cứu Mỹ”. Nước ở đây là “nước đang mang danh Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa” để góp phần với Mỹ chống các thế lực không những đang đe dọa nền hòa bình, làm chậm bước dân chủ khiến nền kinh tế nhiều nước sa sút trầm trọng. Không những thế, các thế lực này còn theo đuổi việc sản xuất vũ khí nguyên tử, có nguy cơ hủy diệt nền văn minh của cả nhân loại. Chống nước “xã hội chủ nghĩa” không những là nghĩa vụ cứu dân mà còn là lương tri nhân loại, góp phần tạo dựng một thế giới hòa đồng, phồn vinh, hòa bình vĩnh cửu.

Ai cũng cho rằng MTGPMN là tấm bình phong do CSBV dựng lên để thôn tính miền Nam… Nhưng rồi đây lịch sử sẽ phải đánh giá lại: MTGPMN do chính nhân dân miền Nam dựng lên, đã góp phần thống nhất đất nước và nay mang lại dân chủ tự do cho đồng bào cả nước, đưa dân tộc bước vào thời đại độc lập tự chủ, phú cường. Từ đây có thể gọi nó là Mặt trận Giải phóng Miền Bắc.

Lê Quế Lâm (Sydney 15/6/2007)

Không có nhận xét nào: