Nghị Viên Dina Nguyễn (trái) trong cuộc họp với Dân Biểu Christopher Smith (thứ nhì bên phải). (Hình: do Dina Nguyễn cung cấp)
Dina Nguyễn
Nghị viên thành phố Garden Grove
Trong những ngày vừa qua trước khi Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết đến thủ đô Washington, Dân Biểu Trần Thái Văn và Dân Biểu Hubert Võ, cùng chúng tôi, Dina Nguyễn (nghị viên thành phố Garden Grove), Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng (Boat People SOS), bà Helen Ngô (Chairperson, Committee for Religious Freedom in Việt Nam), ông Nguyễn Q. Khải (Chairman, Committee To Protect Vietnamese Workers), Thượng Tọa Thích Chân Thành, Thượng Tọa Thích Quảng Thanh, Bác Sĩ Nguyễn Thế Bình (Vietnam Study Group), Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa (Movement of Writers and Performing Artists For The Future of Vietnam), và ông Huỳnh Lương Thiện (Vietnam Human Rights Network) đến thủ đô để vận động các dân cử liên bang của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa cùng các ủy viên cao cấp của Tòa Bạch Ốc để đòi hỏi Hoa Kỳ tiếp tục áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền và trả tự do cho các nhà vận động cho tự do tôn giáo và dân chủ đang bị cầm tù.
Gần đây, sự gia tăng về những vụ đàn áp vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đã gây chấn động trước dư luận quốc tế, trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và trở nên những vấn đề lớn lao mà các dân cử người Mỹ gốc Việt đặc biệt quan tâm. Những hình ảnh về sự bịt miệng Linh Mục Nguyễn Văn Lý và sự tống giam của các nhà đối kháng làm cho chúng tôi kinh ngạc, nhất là trong lúc này khi chính quyền Việt Nam đáng lẽ phải cải thiện những vấn đề nhân quyền đúng với những điều kiện để được gia nhập WTO. Cách đây hai tháng, Dân Biểu Trần Thái Văn đã bắt đầu làm việc tích cực với các viên chức tại thủ đô để hướng dẫn một phái đoàn dân cử người Mỹ gốc Việt cùng với các chuyên gia về vấn đề nhân quyền đến với trên 20 nghị sĩ Quốc Hội Hoa Kỳ và các ủy viên cao cấp trong ngành Hành Pháp. Với mục đích thảo luận về những đề nghị cụ thể và các yêu cầu liên quan đến những vấn đề: bắt giam các nhà đối kháng, những vi phạm về quyền tự do tôn giáo, cầm tù người dân tộc thiểu số, tổ chức công đoàn, quan hệ mậu dịch với Hoa Kỳ, nạn tham nhũng, bảo vệ tác quyền, và tệ nạn buôn người.
Khi được gọi mời tham gia phái đoàn, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm cùng với các vị dân cử đồng nghiệp công tác du hành đến thủ đô. Như là một bước chuẩn bị cho cuộc thăm viếng của Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ, Tổng Thống Bush đã tiếp kiến 4 nhân vật từ cộng đồng người Việt để tham khảo về các vấn đề liên quan đến Việt Nam. Trước cuộc tiếp kiến với 4 vị này, Tổng Thống Bush tưởng rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã được cải thiện. Bởi lẽ này, phái đoàn chúng tôi đã phải soạn thảo những dữ kiện cập nhật nhất của U.S. Census Bureau để chứng minh rằng tình trạng vi phạm nhân quyền và giam giữ các nhà đối kháng đang trở nên trầm trọng hơn ngay sau khi Việt Nam đã được cho phép hội nhập WTO - Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế.
Trong lúc chúng tôi công tác, chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm khi phát hiện rằng một số người vận động hành lang (lobbyists) cho Việt Nam đã đến viếng thăm những văn phòng chính khách và họ đã trình báo những thông tin không được minh bạch. Hơn nữa, những văn phòng này đã được cung cấp các dữ kiện từ nhiều tổ chức khác nhau, có lúc thông tin mâu thuẫn với nhau, và khác với những dữ kiện chính xác có thể kiểm chứng được từ U.S. Census Bureau. Kết quả là một số dữ kiện bị hiểu lầm. Chẳng hạn như phúc trình về lợi tức thu nhập hàng tháng của người dân Việt Nam được báo cáo là đã gia tăng lên đến mức $720 đô-la, từ lúc trước là $200 đô-la. Thực tế là chỉ có 5% giàu có nhất trong nước hưởng lợi lộc về mặt phát triển lợi tức thu nhập này, trong khi 95% dân chúng vẫn nghèo nàn. Hay là sự trưng bày những con số báo cáo rằng có thêm nhiều tổ chức tôn giáo nộp đơn xin giấy phép hoạt động tính từ năm trước nhưng tỉ lệ được chấp thuận cấp giấy phép rất khiêm tốn và một số tổ chức ở vùng Bắc Việt đã bị từ chối giấy phép hẳn. Riêng về vấn đề đàn áp các nhà đối kháng, thì có phúc trình rằng nhà cầm quyền đã thả ra nhiều nhân vật. Tuy nhiên, họ không thành thật trong việc công nhận rằng con số của những người bị bắt giam ngày càng gia tăng nhiều hơn những người được thả về.
Thành viên của phái đoàn chúng tôi đã thay phiên nhau trình bày từng vấn đề một. Các viên chức Hoa Kỳ đã ngạc nhiên khi đối diện với những dữ kiện và lời khai chân thật của chúng tôi, trái ngược với những sự tuyên truyền của các nhà vận động hành lang (lobbyists) cho Việt Nam. Nghị Sĩ Christopher Smith là đồng minh mạnh mẽ nhất trong công cuộc vận động cho nhân quyền và tự do dân chủ cho Việt Nam. Ông là tác giả của nghị quyết lên án nhà cầm quyền Việt Nam về những vi phạm nhân quyền, bao gồm Tuyên Cáo 8406 về quyền tự do dân chủ và nhân quyền. Ông cũng là người đã bảo trợ Ðạo Luật Nhân Quyền Việt Nam đưa ra lại trước Quốc Hội để bàn thảo và biểu quyết vào tháng này.
Eric John, viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao cùng với một số viên chức khác công nhận rằng việc liên kết vấn đề mậu dịch với vấn đề nhân quyền có trắc trở bởi vì hai vấn đề này vốn độc lập và không liên hệ với nhau. Tuy nhiên, ông rất lạc quan rằng trong những cuộc đàm thoại giữa Tổng Thống Bush và Chủ Tịch Triết, Tổng Thống Bush sẽ nhắc đến những quan tâm về nhân quyền. Trong khi ông Dennis Wilder, Giám Ðốc Thâm Niên của Bộ Ngoại Giao Á Châu (Senior Director of Asian Affairs) đã phát biểu ông không nghĩ rằng sẽ có việc thông qua các hiệp ước mậu dịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lần thăm viếng này.
Dẫu vậy, chúng tôi đã nhấn mạnh với ông cùng các viên chức khác rằng ngoài vấn đề nhân quyền ra, chúng tôi còn phản đối sự dư thặng mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, có lợi một chiều cho Việt Nam kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam có Hiệp Ước Mậu Dịch Song Phương (Bilateral Trade Agreement - BTA). Trong vòng 6 năm qua dư thặng mậu dịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã gia tăng gấp 16 lần đến độ chừng 7.5 tỷ đô la.
Hơn nữa, Việt Nam đã không tuân theo những điều kiện của Hiệp Ước Mậu Dịch Công Bằng (Fair Trade Agreement - FTA) trong việc trao đổi các sản phẩm truyền thông báo chí, chẳng hạn. Việt Nam là một trong những nước đứng đầu trong sự vi phạm tác quyền. Và quan trọng hơn nữa, chúng tôi đã phản đối việc Hoa Kỳ mở rộng thêm quyền lợi mậu dịch cho Việt Nam, đặt biệt là không chấp thuận đề nghị vào qui chế Generalized System of Preferences (GSP) hay tái chấp thuận Hiệp Ước Mậu Dịch Song Phương (BTA) khi hết hạn vào cuối năm nay.
Trong lúc chúng tôi trao đổi với ông Scott Flipse, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom) chúng tôi đã nêu lên việc đưa Việt Nam trở lại danh sách các Quốc Gia Ðặc Biệt Quan Tâm (Countries of Particular Concern - CPC) nếu tình trạng nhân quyền không được cải tiến một cách thỏa đáng. Thượng Nghị Sĩ Sam Bromback, TB Virginia, đã soạn thảo một lá thư yêu cầu Tổng Thống Bush đề cập đến những vấn đề nhân quyền trong lúc trao đổi với Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết và ông đã kêu gọi các thượng nghị sĩ khác cùng ký tên ủng hộ lá thư này. Chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến hai Nghị Sĩ Sheila Lee-Jackson và Nghị Sĩ Al Green, tiểu bang Texas cùng ký tên vào lá thư này.
Nghị Sĩ Ed Royce đã trình bày giữa Quốc Hội vào ngày 21 Tháng Sáu, 2007 về những cải tiến thật sự trong lãnh vực nhân quyền và tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam. Ông cùng với hàng ngàn người Mỹ gốc Việt sẽ phản đối việc mở rộng thêm quan hệ mậu dịch với Việt Nam tại thủ đô và sẽ làm sáng tỏ chính nghĩa đấu tranh cho nhân quyền và tự do dân chủ cho Việt Nam. Ông Keith Luse, đại diện văn phòng Thượng Nghị Sĩ Richard Lugar cũng lên tiếng ủng hộ cộng đồng người Mỹ gốc Việt đòi hỏi quyền ảnh hưởng những quyết định quan trọng đối với Việt Nam.
Thượng Nghị Sĩ John Webb, và một vài người khác nghĩ rằng đã đến lúc cộng đồng người Mỹ gốc Việt tham gia vào tiến trình biểu quyết những vấn đề giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhưng ông cho rằng việc này đòi hỏi cộng đồng chúng ta phải đối thoại với chính quyền Việt Nam. Chúng tôi hãy còn suy luận về đề nghị này. Nếu không truyền tin cho cộng đồng về những ưu khuyết điểm trong công cuộc đối thoại, và quan trọng hơn nữa, nếu cộng đồng chúng ta chưa chấp nhận đối thoại, thì có thể chúng ta chưa sẵn sàng để đối thoại. Cộng đồng chúng ta có thể không muốn đối thoại bởi vì chúng ta đã chứng kiến quá nhiều trường hợp thất hứa từ phía chính quyền Việt Nam khi họ lèo lái vấn đề và tự hủy bỏ những trách nhiệm của chính họ. Có thể chúng ta sẽ chuẩn bị đối thoại khi chính quyền Việt Nam tỏ thiện chí cải tiến tình trạng hiện nay.
Trong một vấn đề khác, bà Ellen Sauerbrey thuộc cơ quan Dân Số, Tị Nạn và Di Dân (Population, Refugees, and Migration) đã được cảnh giác về tình hình ngày càng tệ hại của nạn buôn người ở Cambodia và Malaysia, và nhu cầu định cư những người tị nạn Việt Nam hãy còn kẹt lại ở Thailand và Cambodia. Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng có lên tiếng về trở ngại trì trễ cấp hộ chiếu P1 visa cho những người đối kháng đang chờ đợi nhận visa. Văn phòng này và một số văn phòng Quốc Hội khác đã cho biết về những cuộc bàn thảo thông qua biểu quyết dự luật tự động cấp quốc tịch cho những người con lai. Zoe Loefgren, một nhà vận động quyết liệt cho nhân quyền và tự do dân chủ cũng đồng ủng hộ dự luật này và sẽ đưa ra cho Quốc Hội biểu quyết trong năm nay. Bà đã cố vấn cho phái đoàn và ngỏ ý ủng hộ cộng đồng chúng ta bằng cách từ chối không tiếp phái đoàn của Chủ Tịch Triết trong lúc họ thăm viếng Hoa Kỳ tháng nay.
Tóm lại, chúng tôi tin tưởng rằng chuyến công tác này đã đánh dấu sự thức tỉnh của cộng đồng chúng ta. Chúng ta không thể chỉ tin cậy ở những lá thư gởi đến thủ đô để nói lên những đòi hỏi của chúng ta. Trong lúc đối thủ của chúng ta được trang bị với những nhà vận động hành lang chuyên nghiệp cùng các công cụ làm cản trợ việc thúc tiến những mục đích của chúng ta. Thế cho nên, sự chuẩn bị chu đáo, tổ chức chặt chẽ, liên kết thông suốt, và quyết tâm là những điều kiện tối thiểu để tiếng nói của chúng ta có ảnh hưởng. Bây giờ không phải là lúc để thụ động mà phải chủ động bởi vì thời gian lắm lúc khẩn cấp và phải chuẩn bị một cách nhanh chóng.
Sau cùng, một điều quan trọng không kém là phái đoàn chúng tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm nhờ sự làm việc hữu hiệu và tận tâm của ba nhân vật sau đây: bà Ngô Thị Hiền, ông Nguyễn Khải và Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng. Hành lang của các văn phòng Quốc Hội có thể coi như là nơi ở thường trực của các vị này. Hầu hết các viên chức mà chúng tôi có dịp tiếp chuyện, đều quen biết tên tuổi của họ. Chúng tôi muốn thành thật tri ân sự hướng dẫn và chia sẻ thông tin dữ kiện của quí vị trên.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét