Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2007

Chưa Đủ Trưởng Thành

Ông Chủ tịch nước cùng đoàn múa rối nước...

Ngày xưa, Bác Hồ dưới bút hiệu Trần Dân Tiên đã viết CẢ một cuốn sách ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chữ "cả" ở đây là của tác giả họ Trần, hay họ Hồ, không phải của người viết bài này.

Ngày nay, con cháu Bác Hồ đã khá hơn rồi, vì nhân loại đã đi qua thế kỷ 21, nên họ cũng phải tiến dần ra thế kỷ 20.

Nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Minh Triết, truyền thông trong nước đã long trọng loan tin cho người Việt Nam, rằng nhật báo kinh doanh có uy tín của Mỹ là tờ Wall Street Journal đã dành CẢ bốn trang nói về chuyến đi của Chủ tịch nước, với trên cùng là tấm hình Tổng thống Bush bắt tay ông Triết.

Nhờ thiên hạ đã tiến ra thế kỷ 20 nên những người mẫn cán đánh trống thổi kèn cho chuyến đi này không gọi tờ Wall Street Journal là... Nhật Báo Phố Wall hay Phố Tường. Âu cũng đã là tiến bộ.

Nhưng, họ vẫn không... biết đếm.

Trong bốn trang, từ B13 đến B16 của số báo ra ngày Thứ Tư 20 tháng Sáu, nguyên CẢ (lần này là của người viết!) trang B16 là một trang quảng cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Agribank. Vị chi chỉ còn lại có ba trang thôi.

Mà CẢ (cũng thế) ba trang còn lại cũng chỉ là quảng cáo dưới một tiểu đề đã bị truyền thông trong nước bóc mất: "Special Advertising Section" - Nôm na là "Quảng cáo nhờ cậy đăng" - và trả tiền rất bộn! Trong ba trang đó, phân nửa trang đã dành cho hai phần quảng cáo của hãng bia Hadita và lữ hành Jetabout Asia Vacation, phần còn lại là những bài viết quảng cáo, hay tuyên truyền.

Một cách minh bạch và rõ ràng, Ngân hàng Agriban đã chi tiền thuê một công ty quảng cáo Mỹ quăng mấy trang này lên tờ Wall Street Journal để quảng cáo cho chuyến đi của ông Triết vào Thị trường New York, với tác dụng khá khá... tồi, vì ngang tầm nội dung các bài viết, trong đó có CẢ (cũng vậy) hai bản tin của Thanh Niên News.

Nhưng, nhằm nhò gì mấy tiểu tiết đó. Chỉ biết là chuyến đi của ông Triết đã thu mối lợi con con cho phân vụ quảng cáo của tờ Wall Street Journal. Chứ tờ báo không rỗi hơi thổi kèn cho đám rước của vị Chủ tịch nước.

Tuy nhiên, những kẻ bảo trợ - tức là những người bảo Ngân hàng Agribank yểm trợ chuyến đi bằng bốn trang quảng cáo - đã nhắm vào mục tiêu khác. Là tuyên truyền ngược về trong nước, rằng tờ báo số một về kinh doanh của Hoa Kỳ đã đặc biệt chú ý và ngợi ca chuyến đi của Chủ tịch nước ta.

Nói cho minh bạch hơn thì chẳng lừa được Mỹ vẫn bịp được dân.

Vẫn là con cháu Trần Dân Tiên và một bầy con rối.

Chỉ nội việc đó cũng cho thấy trình độ ý thức và lương thiện của những người đang lãnh đạo Việt Nam! Vẫn dùng thủ đoạn vặt để che mắt người dân ở nhà.

Chuyện thứ hai là Hiệp định khung TIFA!

Tháng Chín năm ngoái, Hoa Kỳ đã ký với Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á ASEAN một thỏa ước chung làm khuôn khổ hợp tác, kiểm tra, theo dõi và tranh tụng về giao thương kinh tế, gọi là Trade and Investment Framework Agreement, viết tắt là TIFA. Sau đấy, lần lượt các hội viên của ASEAN đều đã ký hiệp định này trừ ba nước lạc hậu nhất là Lào, Miến Điện và Việt Nam.

Ngày 19 tháng Ba năm nay, khi Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm qua thủ đô Hoa Kỳ, ông có ghé Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ làm việc. Và cùng Đại sứ Thương mại Susan Schwab, đôi bên đã thông báo sẽ ký kết hiệp định TIFA. Đây chỉ là thủ tục bình thường sau thỏa ước Hoa Kỳ và ASEAN vào năm ngoái. Nhưng con cháu Trần Dân Tiên để dành việc ký kết đó cho chuyến đi của vị Chủ tịch nước. Như thêm một chậu cây trang trí sân khấu, hay một tiếng trống ếch cho đoàn múa rối.

Điều cần thiết là giải thích cho người dân về chuyện TIFA này thì chẳng ai làm. Cứ như là một thành tích của Đảng và Nhà nước ta và phải Chủ tịch nước có mặt mới thành! Sau BTA với Mỹ, rồi WTO rồi PNTR, từng bước lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đang đưa cả nước lên tầm cao thời đại...

Việt Nam tất nhiên phải ký một thỏa ước thiết lập khuôn khổ đàm phán và tranh tụng với Hoa Kỳ sau khi cả khối ASEAN đã đồng ý.

Nhưng, hiệp định TIFA này chỉ là một thủ tục cần thiết để Việt Nam có thể xúc tiến tiếp hai bước thảo luận là Hiệp định Song phương về Đầu tư (Bilateral Investment Agreement - BIA) và Hiệp định Ưu đãi Thương mại (Preferrential Trade Agreement - PTA). Phải có hai văn kiện này rồi, Việt Nam mới có thể mơ tưởng đến việc đàm phán và ký kết Thỏa ước Thương mại Tự do (Free Trade Agreement - FTA) loại hiệp định mà Hoa Kỳ chỉ ký với các quốc gia hay nhóm quốc gia thuộc diện đồng minh chiến lược của Mỹ.

Ba văn kiện "hậu-TIFA" mới thực sự là chuyện sinh tử và đòi hỏi rất nhiều thay đổi trong tư duy và cơ chế của Việt Nam. Nhưng người dân trong nước không hề biết để tự chuẩn bị, chỉ nghe là tờ Wall Street Journal ngợi khen nước ta!

Một điều khác nữa mà người dân trong nước không biết đó là Chế độ Ưu đãi Tổng quát về Quan thuế (General System of Preferences - GSP).

Theo Đạo luật Ngoại thương Hoa Kỳ năm 1974, Hoa Kỳ đặc biệt chấp nhận thêm cho các nước nghèo một chế độ ưu đãi là xuất cảng miễn thuế vào Mỹ một số mặt hàng nhất định trong một thời hạn nhất định. Chế độ ưu đãi này tạo lợi thế đáng kể cho khoảng 143 nước nghèo với chừng 4.650 mặt hàng - mà Việt Nam đang có sở trường. Gần đây, Tổng thống Bush cũng vừa ký giấy cho tái tục quy chế GSP này.

Đây là quy chế tối huệ quốc của Mỹ dành cho các nướ nghèo và có lợi thế còn cao hơn những cam kết trong khuôn khổ WTO.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ không chấp nhận quy chế GSP cho các quốc gia Cộng sản (như Việt Nam hay Trung Quốc) hoặc chứa chấp khủng bố (như Lybia). Gần đây, Lybia đã giã từ võ khí khủng bố nên có thể mơ ước điều này và Việt Nam cũng vậy, sau khi đã được quy chế PNTR năm ngoái. Điều này, người dân trong nước cũng chưa biết.

Nhưng - chữ nhưng éo le mà con cháu Trần Dân Tiên phải biết - Hoa Kỳ chỉ chấp nhận chế độ tối ưu đãi ấy cho các nước chấp nhận quy luật tự do lập hội, kể cả tự do nghiệp đoàn (có công đoàn độc lập, không phải là cơ chế kiểm soát và kiều vận của đảng như hiện nay) và tôn trọng những điều khoản về bảo vệ lao động, giải trừ nạn bóc lột lao động thiếu nhi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Và nhất là tôn trọng vệ sinh và môi trường!

Nếu Việt Nam thực sự đổi mới thì ngay sau khi được quy chế PNTR (Ngoại thương Bình thường và Vĩnh viễn) năm ngoái đã phải cải sửa bên trong và vận động để được quy chế GSP này. Năm nay, hạn chót để xin hưởng chế độ GSP là ngày... 22 tháng Sáu, ngày ông Triết vào... làm việc với Tổng thống Mỹ!

Nhưng Việt Nam ta khác chứ! Cải sửa thì không mà vận động thì có thừa - cho hồ sơ chất độc da cam! Nạn dioxin gây ô nhiễm sinh tử cho thực phẩm của người dân và là một cản trở cho chế độ GSP là chuyện không có. Chỉ có dioxin từ thuốc khai quang của Mỹ mà thôi!

Cho nên, tổng kết lại chuyến đi của ông Triết trước sau chỉ là một màn múa rối. Và buồn thay, ông Chủ tịch nước lại đi cùng một đoàn hơn hai chục viên chức làm rối nước. Buồn cho những doanh gia tháp tùng, đi cùng đám rước mà an ninh bị kiểm soát rất chặt như đi xuống xóm và sở bị kiểm tục bắt gặp.

Nói cũng tội, ông Triết có thể làm gì hơn khi kể về cấp bậc trong hàng ngũ lãnh đạo Bộ Chính trị ở Hà Nội, ông chỉ là người thứ tư, lần lượt dưới Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Đại tướng Bộ trưởng Công An Lê Hồng Anh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Chuyện một ông Chủ tịch nước có thể ở dưới Thủ tướng về thẩm quyền lãnh đạo thì còn hiểu được, nếu Việt Nam có chế độ Đại nghị. Nhưng, cả Chủ tịch nước và Thủ tướng lại còn dưới Bộ trưởng Công An và cả ba đều ở dưới người đầu đảng thì có lẽ nước ta đang có chế độ Đại ngu.

Đám rước của Đại ngu có làm rối nước thì cũng là sự thường thôi.

Kết luận ở đây là họ chưa ra khỏi đôi chân dạng háng của Trần Dân Tiên. Nghĩa là chưa trưởng thành nên vẫn phải mánh vặt.

NGUYỄN XUÂN NGHĨA

Không có nhận xét nào: