Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2007

Ai trói buộc nước ta trong một khuôn khổ cố định?


Ngô Nhân Dụng

Sau khi ông Nguyễn Minh Triết được ông Bush tiếp ở Tòa Bạch Ốc, trong đúng căn phòng mà tháng trước ông Bush mới tiếp bốn nhà tranh đấu đòi tự do dân chủ cho Việt Nam, báo chí trong nước đã tường thuật ngay trên mạng lưới. Nhưng họ cố tình bỏ sót một đoạn, một trong 4 đoạn mà ông Bush nêu lên các điều ông đã nói với ông Triết. Lời tuyên bố của ông Bush rất ngắn, bỏ qua một đoạn quan trọng, chứng tỏ nhà báo ở Việt Nam đã nhận được chỉ thị phải tránh cái gì và được viết cái gì. Riêng điều đó cũng cho thấy ở trong nước Việt Nam có tự do báo chí hay không. Mà những lời của ông Bush bị cắt bỏ lại chính là những lời kêu gọi Việt Nam phải có tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, như những điều kiện để phát triển kinh tế.

Trong đoạn bị bỏ sót, ông Bush nhấn mạnh rằng: “Tôi cũng nói rất rõ ràng là nếu muốn cho mối quan hệ giữa hai bên phát triển sâu hơn, một điều quan trọng là các người bạn (phía Việt Nam) của chúng ta phải cam kết mạnh mẽ hơn trong vấn đề nhân quyền, và tự do, dân chủ. Tôi đã giải thích (với ông Triết) niềm tin tưởng mạnh mẽ của tôi là các xã hội sẽ phong túc hơn lên nếu nhân dân được phát biểu tự do và tín ngưỡng tự do.”

Nhưng các báo ở trong nước không tường thuật câu đó, chắc vì ông Nguyễn Minh Triết đã bịt tai không nghe. Vì trước đó mấy ngày, ông Triết đã nói những luận điệu trái ngược với những lời khuyên của ông Bush.

Trong bài phát biểu của ông Nguyễn Minh Triết với báo chí ở Tòa Bạch Ốc, ông chỉ nói đến vấn đề nhân quyền một cách vắn tắt: “Hai bên có những bất đồng, đặc biệt về các vấn đề tôn giáo và nhân quyền. Chủ trương của chúng tôi là hãy đối thoại nhiều hơn để hiểu rõ nhau hơn.” Nghe tới đây, chúng ta bắt đầu lo. Vì nếu chính quyền cộng sản vẫn dùng những luận điệu rẻ tiền mà ông Triết đã dùng, để giải thích quan điểm của họ về dân chủ, tự do, thì người ta sẽ cười cho cả nước Việt Nam! Tại New York, khi tìm cách chống đỡ, biện hộ cho chính sách cộng sản đàn áp các nhà dân chủ ở Việt Nam, ông Triết đã nói những câu làm cho mọi người Việt Nam biết suy nghĩ phải thấy xấu hổ.

Không phải chính trị gia nào cũng nói dối, một nhà chính trị thường không nói đúng sự thật hoặc không nói tất cả sự thật, để lấp liếm những sai lầm, tội lỗi của phe mình. Nhưng có một sai lầm quan trọng phải tránh, là một chính khách đừng bao giờ để người ta nghĩ là mình dốt. Ông Nguyễn Minh Triết đã phạm sai lầm đó. Mà vì ông đang giữ chức chủ tịch nhà nước Việt Nam, cho nên mọi người Việt Nam đều có thể bị nghi ngờ là thiếu hiểu biết. Chúng ta cần đính chính nỗi oan này.

Khi biện minh cho chế độ độc quyền, độc đảng mà cộng sản đang áp đặt trên nhân dân Việt Nam, ông Nguyễn Minh Triết nói: “Mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khác nhau. Từ đặc điểm của mình, mình chọn mô hình nào cho thích hợp.” Câu này thì đúng quá, ai nói cũng được. Nhưng, từ một tiền đề chung chung như vậy, ông Triết lại dùng để biện hộ cho chế độ cộng sản rằng: “Tại sao lại bắt Việt Nam phải theo một khuôn khổ cố định nào đó?”

Cái dốt thứ nhất là, không người nào hay chính phủ nào lại muốn “bắt Việt Nam phải theo một khuôn khổ cố định nào đó!” Không ai lại ngu như vậy! Khi những người Việt Nam tị nạn cộng sản ở California đi biểu tình tại Dana Point chiều hôm qua, tất cả chỉ cốt lên tiếng đòi cho đồng bào trong nước phải được sống trong tự do dân chủ; nhưng không ai nêu lên một “khuôn khổ cố định” nào cả. Khi các vị tổng thống Mỹ hay tổng thống Pháp góp ý kiến đảng cộng sản phải tôn trọng các quyền dân chủ tự do của dân Việt Nam, họ cũng không có ý đó. Không ai nói Việt Nam nên theo chế độ đại nghị hay chế độ tổng thống; không ai nói nên có một viện hay hai viện Quốc Hội; cũng không ai bàn những cuộc bầu cử nên chọn ai nhiều phiếu nhất thì thắng hay chia theo tỷ lệ số phiếu mỗi đảng chính trị đạt được; không ai bàn nên bầu một vòng như ở Mỹ hay hai vòng như ở Pháp! Dân chủ là một khái niệm có thể được áp dụng theo nhiều khuôn khổ khác nhau. Nhưng ai cũng phân biệt được chế độ dân chủ khác hẳn chế độ độc tài! Chỉ có những người tự nhắm mắt bịt tai mới không hiểu điều đó!

Nhưng ông Nguyễn Minh Triết còn lộ ra thêm một cái dốt nữa, khi ông kể thí dụ, nêu đích danh nước Mỹ và nước Pháp. Ông bảo ông đã nói với một nhà báo Mỹ rằng: “Tôi không bao giờ thấy một tổng thống Pháp nói với tổng thống Mỹ: Ông Mỹ ơi, ông nên có nhiều đảng hơn, chứ không phải chỉ có hai đảng!”

Không một vị tổng thống Pháp nào khuyên như vậy, lý do giản dị vì ở nước Mỹ không phải chỉ có hai đảng. Ngoài hai đảng lớn nhất là Cộng Hòa và Dân Chủ, còn nhiều đảng chính trị khác nữa, con số không đếm xuể vì mỗi kỳ bầu cử lại có những đảng mới lập và những đảng khác biến đi. Ở nước Mỹ không phải chỉ có một mà có nhiều đảng cộng sản, đảng xã hội. Trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ không phải chỉ có hai ứng cử viên mà còn rất nhiều người, trong đó có những người độc lập không đảng phái, và có cả ứng cử viên tổng thống cộng sản nữa. Các ông tổng thống Pháp chắc ai cũng biết điều đó, chỉ có ông Nguyễn Minh Triết không biết thôi. Không biết thì dựa cột mà nghe. Lên lớp dậy người ta chỉ tỏ ra là mình kém hiểu biết!

Những lời nói trên không những chứng tỏ ông Nguyễn Minh Triết thiếu hiểu biết, mà còn cho thấy ông khinh thường những người đến nghe ông nói, cứ coi họ cũng ngu dốt không biết gì cả. Những người nghe đều lịch sự, không ai nỡ nói thẳng là ông dốt, chỉ vì họ kính trọng dân tộc Việt Nam mà ông thì đang giữ chức chủ tịch Nhà Nước Việt Nam. Nhưng lần sau xin ông làm ơn suy nghĩ trước khi nói.

Một luận điệu của đám công an tư tưởng văn hóa đang tung lên các diễn đàn điện tử để chê bai chế độ đảng phái chính trị ở Mỹ, họ nói rằng, dù có nhiều đảng chính trị nhưng ở nước Mỹ chỉ có hai đảng lớn vì những nhà tư bản giàu có chỉ đóng góp tiền cho hai đảng đó thôi. Giới tư bản dùng tiền để lũng đoạn hệ thống chính trị. Nói như vậy là không đọc lịch sử. Nước Mỹ khi thành lập không có hai cái đảng Dân Chủ và Cộng Hòa bây giờ. Trong lịch sử Mỹ đã có những đảng biến mất dần dần vì không được dân bỏ phiếu, rồi có những đảng mới xuất hiện. Ðảng nào lớn lên được, ngoi lên dần dần vượt trên các đảng chính trị khác, cũng đều do khéo vận động được nhiều người bỏ phiếu cho. Ai đã đóng góp cho quỹ các đảng phái? Tất cả mọi người thích chính trị, các công đoàn, các công ty, các tư nhân, không ai đủ tiền để một mình hay một nhóm có thể “nuôi” một đảng. Tại sao nhiều người góp tiền cho hai đảng lớn nhất? Thì cũng giống như nhiều người thích uống Coca Cola thì bỏ tiền mua Coca Cola, ai thích Pepsi thì mua Pepsi, mà nước Mỹ có hàng trăm nhà sản xuất nước ngọt khác chứ không phải chỉ có hai nhãn hiệu này. Trên thị trường chứng khoán, ai thích thì mua cổ phần của Microsoft, ai muốn cứ việc mua cổ phần của General Electrics! Người dân lựa chọn người cai trị mình bằng lá phiếu; người tiêu thụ hay nhà đầu tư bỏ phiếu bằng đồng tiền của họ. Miễn là có tự do, cuối cùng người tiêu thụ sẽ chọn đúng món hàng họ thích! Kinh tế thị trường và chế độ tự do dân chủ thường đi đôi với nhau là như vậy. Cho nên, muốn kinh tế thị trường phát triển, phải có tự do. Ðầu tiên là tự do báo chí, tự do phát biểu, tự do làm ăn trong luật pháp công minh. Chưa viết đã lo tự kiểm duyệt cái đầu mình trước, chưa kinh doanh đã lo không biết “các cụ ở trên” có đồng ý không, công an kinh tế có sách nhiễu hay không; cứ như thế thì cả nước không tiến được.

Kể hết những lời nói sai lầm của ông Nguyễn Minh Triết trong một cuộc nói chuyện ở New York thì rất tốn thời giờ, không ích lợi gì cả. Chúng tôi chỉ nêu lên vài thí dụ trên để trả lời cho những ý kiến cố bênh vực chế độ độc quyền đảng trị của Cộng Sản Việt Nam. Không nói không được. Vì chế độ đó tàn hại đất nước nhiều quá. Nên xóa bỏ chế độ độc quyền đó đi, càng sớm càng tốt.

Ông Nguyễn Minh Triết đã hỏi rằng, “Tại sao lại bắt Việt Nam phải theo một khuôn khổ cố định nào đó?” Ðúng như vậy. Tại sao lại bắt cả nước Việt Nam phải theo khuôn khổ cố định của một đảng độc tài thối nát và tham nhũng? Tại sao lại bắt toàn dân Việt Nam phải theo khuôn khổ cố định của một chủ nghĩa lỗi thời, lạc hậu từ thế kỷ 19 mà ngay tại Nga, nơi đã khởi xướng cuộc cách mạng theo chủ nghĩa đó, bây giờ người ta cũng rũ bỏ nó rồi! Cuối cùng, chỉ có đảng Cộng Sản Việt Nam mới bắt cả nước phải theo một khuôn khổ cố định! Mà cái khuôn khổ đó đã làm cho nước ta chậm tiến hàng mấy chục năm so với lân bang, ai cũng thấy rõ như ban ngày. Bảo vệ, củng cố chế độ đó là có tội với dân tộc.

Không có nhận xét nào: