Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2007

Tuyên truyền của bạo nghịch tạo ra những kẻ ác

Paul nói thay cho Theresa

LTS.- Trong bài báo nhan đề “Bài học khó thuộc” đăng tải trên tuần báo Việt Weekly số 22, tác giả Hà Văn Thùy đã ca ngợi điều mà ông ta gọi là chiến thắng của cuộc tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của Việt Cộng. Nhưng thực tế cho thấy là cuộc tổng công kích này thất bại, các cơ sở nằm vùng của Việt Cộng xuất đầu lộ diện và bị phá banh. Thắng lợi duy nhất của họ là đập đầu bằng cuốc và búa hoặc chôn sống trên 6,000 người dân Huế trước khi họ rút chạy khỏi cố đô. Một trong những nhân chứng đã viết bài báo dưới đây để trả lời việc ngợi ca Cộng Sản trên máu của những nạn nhân:


Hồi ông ngoại và cậu Minh cùng đám dân lành bị Việt Cộng dẫn đi mất, bà ngoại nuốt nỗi đau vào trong để bình tĩnh lo cho mẹ và các dì các cậu. Nhưng trong lòng ngoại, ngoại đã bị giết rồi. Vì nỗi đau đớn khi nhìn thấy chồng con vô tội bị dẫn đi giết, còn lớn hơn nỗi đau nỗi sợ khi chính bản thân ngoại bị giết.

Mùa Xuân năm đó, trái tim tan nát của ngoại bị giết đi giết lại nhiều lần.

Người ta tan tác, chạy ngược chạy xuôi tìm xác người thân. Mỗi khi nghe đồn thấy Việt Cộng có dẫn đoàn người đi về hướng này hướng nọ, ngoại lại nháo nhác chạy theo tìm, mà không tìm thấy gì. Trái tim ngoại cứ bị bóp nghẹt sau mỗi lần chạy tìm xác chồng con.

Về sau, tại Khe Ðá Mài, xác người chồng chất, bị nước suối cuốn trôi hết thịt rữa, còn lại vô số xương người trắng hếu. Trái tim người mẹ người vợ của ngoại lại xé ra tan nát khi ngoại tìm thấy mảnh áo len, thẻ căn cước của ông ngoại và cậu Minh giữa đủ thứ di vật từng chứng kiến sự kêu gào, giãy giụa trong cuộc thảm sát thường dân vô tội.

Về sau, khi tổng kết các xác chết, xương cốt, người ta khám phá ra các nạn nhân bị đâm bằng lưỡi lê, bị đập đầu bằng cán cuốc, bị bắn, và rất nhiều bị chôn sống trong các hố chôn tập thể. Nhìn vào đống xương bị thủng chỗ này, dập chỗ nọ, gãy chỗ kia, thì hình ảnh ông ngoại, cậu Minh chết như thế nào cứ vậy mà hiện rõ, ngoại lại như bị giết thêm lần nữa, trái tim ngoại lại quặn thắt từng hồi như đang bị đập bị đánh, bị chôn sống.

Ngoại mang trong thân thể một trái tim tan nát, mang trong lòng một nỗi đau uất nghẹn khôn nguôi, một nỗi tủi hổ cho một giống dân có những con người còn thua cầm thú. Nhưng ngoại không mang lòng căm thù, không thốt lời báo oán. Ngoại vẫn dạy mẹ và chúng con lòng thương người, tôn trọng nhân nghĩa, bỏ lại quá khứ để xây lại cuộc đời cho người thân.

6,000 con người bị giết thê thảm đều là dân lành. Ông ngoại là một công chức quèn, lương thiện, cậu Minh là một thanh niên hiền hòa, chăm chỉ. Họ đi đến cái chết thê thảm mà vẫn không hiểu nỗi lý do.

Phải chi đó là họa ngoại xâm, phải chi đó là Ðức Quốc Xã hay Pôn Pốt diệt chủng. Ðiều khốn nạn là chính những người cùng xứ sở, cùng màu da, cùng tên họ, cùng tổ tiên, đã dùng cán cuốc đập chí tử lên đầu nhau, chôn sống nhau với tất cả lòng quyết tâm, căm thù, man rợ.

Ðâu phải là một cuộc tấn công quân sự, đâu phải là một cuộc chiến đấu ngoài mặt trận. Khi những người cộng sản đâm lê vào ngực một con người, đập cán cuốc bôm bốp lên đầu một người khác trong khi những người này không quen biết, thù oán, mà lại còn nói cùng một thứ tiếng mẹ đẻ để van xin tha thiết với họ; thì người cộng sản đang nghĩ gì.

Những người lính cộng sản này cũng là những con người bình thường, cũng biết chùn tay khi đập một con chó vô tội đến chết, vùi một con trâu còn sống xuống bùn, xô một con bò không biết bơi xuống sông.

Sở dĩ họ điên cuồng giết người vô tội là vì họ đã được Bác và Ðảng tuyên truyền bằng sách vở, báo chí, truyền hình, các phương tiện truyền thông, nhằm giáo dục những tư tưởng bạo nghịch, bất nhân.

Tuyên truyền của bạo nghịch tạo ra những kẻ ác!

Năm nay, ngoại đã stroke 2 lần rồi. Ngoại vẫn tươi cười với con cháu và dạy con cháu lòng vị tha, yêu đời. Nhưng không thể để cho ngoại bị giết thêm một lần nữa khi có những người vinh danh tự do ngôn luận, lợi dụng truyền thông để phát biểu đanh thép, điêu ngoa về cái chết của ông ngoại, cậu Minh. Con nhất định giấu không cho ngoại thấy bài báo đó, tờ báo đó nữa.

Con không sống trong những ngày đau đớn ấy, nhưng bài báo hôm nọ cứ khiến con như nghe lại tiếng cán cuốc đập bốp bốp lên đầu người thân của mình cùng một nhịp điệu với từng chữ từng câu trong bài báo mà họ cho rằng “Mậu Thân 68 là một cú đòn thần diệu...”

Ngoại khuyên con làm gì đây? Vì con biết, tuyên truyền của bạo nghịch sẽ lại tạo ra nhiều kẻ ác!


Ghi chú của tác giả bài viết:

Ngay sau thời điểm đau thương của Huế 1968, nhiều cơ quan truyền thông, báo chí ngoại quốc đăng tải bức hình cả nhà mình, trong đó thiếu mất ông ngoại và cậu Minh, họ ghi chú đây là một trong những gia đình nạn nhân vô tội có người chết oan dưới tay Cộng Sản. Ngoại cố giấu bức hình vì nó gợi lại những điều uất ức và không đẹp về dân tộc mình, và vì nó thuộc về quá khứ. Nhưng con đã có cơ hội nhìn tấm hình một lần lúc dì C. lén đưa ra cho con coi lúc con sắp trở thành cháu rể của ngoại.

Không có nhận xét nào: