Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2007

Triết đi Mỹ


Xin chào máu của máu Việt Nam

Trần Giao Thủy

Đổi tù nhân lấy hiệp định với hợp đồng


Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã rời Hà Nội đi Mỹ hôm thứ hai 18/06/2007. Đây là lần đầu tiên một người “đứng đầu” nước Việt Nam đi thăm viếng kẻ thù xưa sau hơn 32 năm cuộc chiến Việt Nam chấm dứt.

Đến thứ sáu 22/06/2007, Triết sẽ gặp Bush tại Nhà Trắng để cùng nhau chứng kiến cuộc ký kết hiệp định khung dọn đường cho chương trình mậu dịch tự do sau này giữa hai nước.

Triết sang Mỹ, đem theo một số bộ trưởng – Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm (kiêm bộ trưởng Ngoại Giao), bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (Giáo Dục Đào Tạo), Nguyễn Trung Tá (Bưu Chính Viễn Thông), Nguyễn Văn Chiến (Văn phòng Chủ tịch) – cùng 1 đoàn thương nhân, dự kiến sẽ đến New York chiều ngày 18/06 và ghé thăm sàn chứng khoán ở đây và ký vài hợp đồng thương mại trong tuần.

Triết đến Hoa Kỳ lần này qua lời mời ngỏ của Bush tại Hội nghị Asia-Pacific Economic Cooperation (APEC) hồi tháng 11 năm 2006, ngay trước khi Việt Nam gia nhập WTO.

Nhiều công ty Mỹ đang hy vọng sẽ đặt cơ sở làm ăn tại Việt Nam vì nền kinh tế phát triển 7-8% mỗi năm, giá lao động rẻ, và cũng là điểm đầu tư đang nóng ở vùng Đông Nam Á châu.

Cũng như các công ty trong khu vực viễn thông, năng lượng, dịch vụ tài chính, Boeing hi vọng sẽ có đơn đặt hàng của Vietnam Airlines trong chuyến đi Mỹ của Triết lần này.

Người Việt ở Mỹ – Trong lộ trình thăm Mỹ của Nguyễn Minh Triết còn có Los Angeles gần quận Cam (Orange County), nơi sinh cư của khoảng 135.000 người tị nạn cộng sản. Đây còn là nơi Đảng Cộng Hòa có ảnh hưởng mạnh ngay trong cả tiểu bang California của Đảng Dân Chủ. Orange County còn được mệnh danh là khu chống cộng triệt để tại Mỹ.

Năm 2004 hội đồng thị xã ở Garden Grove và Westminster đã thông qua Nghị quyết khẳng định đây là vùng “phi cộng sản”

Đa số thế hệ người Việt hải ngoại lớn tuổi ở đây thù ghét cộng sản.

Trả lời câu hỏi của ký giả Rob Woollard “Tại sao lại thù ghét ông Triết thế?”, Nguyễn Đức Nam, ngưng ăn phở nói, “Vì họ là cộng sản. Tại sao họ lại được phép đến Hoà Kỳ. Cộng sản đã cướp đi tất cả những gì chúng tôi có.”

Khi Phan Văn Khải viếng thăm Hoa Kỳ năm 2005, hàng ngàn người vùng quận Cam đã xuống đường phản đối.

Tuy thế, không phải ai ở quận Cam đều hăng say trong làn sóng chống cộng.

Thế hệ thứ hai trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở đây quan tâm nhiều đến sự nghiệp, việc làm lương cao hơn là chính trị. John Trần, 23 tuổi chuyên viên software, nói “Bố Mẹ tôi hay nói về cộng sản. Cộng sản đã làm nhiều điều xấu tại Việt Nam. Nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Do đó cộng sản không phải là vấn đề tôi quan tâm nhiều lắm. Nếu có lo ngại, tôi lo những vụ như 9/11 xảy ra lần nữa chứ cộng sản thì tôi không để ý đến. Tôi nghĩ về sự nghiệp và việc làm nhiều hơn.”

Đỗ Quý Toàn, một nhà báo ở Westminster, cũng cho rằng chiến dịch chống cộng kéo dài vài thập niên qua ngày càng trở nên vô nghĩa với thế hệ trẻ, “Những người (Mỹ gốc Việt) ở tuổi 20 hay trẻ hơn, không biết về hiện tình Việt Nam, và học cũng chẳng care gì đến những việc như thế. Số đông trong lứa tuổi này là Mỹ nhiều hơn là Việt”. Đỗ Quý Toàn và gia đình rời Việt Nam vài ngày trước khi cộng sản vào đến Sài Gòn.

Theo giáo sư khoa Nghiên cứu Người Mỹ gốc Châu Á, University of California, Irvine, Linda Võ, thì thế hệ người Mỹ gốc Việt có tuổi sẽ chẳng bao giờ hết ác cảm với chế độ và lãnh đạo cộng sản: “Với những người đã trải nghiệm cuộc sống với cộng sản, kinh nghiệm đau thương vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc sống thường ngày. Họ vẫn nhớ những hình ảnh đầy ải, những khổ nhọc kinh hoàng, những đau thương mất chồng, mất cha, mất người thân, v.v... Những tình cảm này sẽ không bao giờ nguôi ngoai. Vết thương lòng sẽ mãi rỉ máu, sẽ mãi mãi không lành.”


Triết sẽ phải nghe điếc cả tai – Nguyễn Minh Triết đã nhất trí sẽ bỏ toàn thời gian tại Mỹ dán mắt vào các con số ở sàn chứng khoán New York – (Nếu Triết) hiểu (người viết) chết liền – hay các những điểm đặc trưng của máy bay 787 Dreamliner hoặc những chi tiết trong các hợp đồng thương mại đã được chuẩn bị ký kết trước để chụp hình đăng báo Nhân Dân và TTXVN. Tuy thế ông Chủ tịch nước CHXHVN chắc chắn sẽ phải nghe đầy cả hai tai về những phê phán, những chỉ trích hồ sơ nhân quyền và những trấn áp dân chủ nhà nước cộng sản đã sống sượng vi phạm trong khoảng thời gian sau khi gia nhập WTO.

Nhân viên Nhà Trắng đã thông báo trước, Bush sẽ bày tỏ “quan tâm sâu sắc” với Triết về việc nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam hồ hởi đưa ra hội đồng chuột xét xử và tống giam hàng loạt những người không cùng chính kiến ở Huế, Sài Gòn và Hà Nội.

Và chắc chắn quốc hội, đa số thuộc đảng Dân Chủ, cũng sẽ không để yên cho Triết nhai sandwich ở bữa ăn trưa với Bush.

Tại Hoa Kỳ nhiều tổ chức ủng hộ dân chủ Người Mỹ gốc Việt đã chuẩn bị cả tháng trời để thực hiện cuộc biểu tình phản đối khi Triết gặp Bush ở Nhà Trắng vào ngày thứ sáu tới, 22/06/2007.

Quốc hội Mỹ chấp thuận cho chính quyền Bush bình thường hoá quan hệ thương mại với Hà Nội với điều kiện Mỹ sẽ phải theo dõi sâu sát hồ sơ Nhân Quyền tại đây.

Hà Nội đã nghiêm chỉnh hứa hẹn với quốc hội Mỹ là họ sẽ đánh bóng tập hồ sơ nhân quyền, dân biểu đảng Cộng Hoà Ed Royce nói, “nhưng đến nay thì chúng ta đều biết rằng tất cả đó chỉ lời nói láo và việc quan trọng bây giờ là chúng ta phải dũa te tua cái nhà nước Việt Nam về vấn đề này đã.”

Văn phòng chính phủ Mỹ đã tràn ngập thư do nhiều tổ chức, hội đoàn ở khắp nơi gởi đến than phiền về những vi phạm nhân quyền của Hà Nội, cùng lúc yêu cầu Bush “chuyển thông điệp rõ ràng, dứt khoát cho Hà Nội biết việc đàn áp công dân của nhà nước Việt Nam là điều Hoa Kỳ không thể chấp nhận được,” T. Kumar Giám đốc tổ chức Asia-Pacific cho biết.

Hai tuần trước Bush, Cheney và một số cố vấn trong Hội đồng An ninh Quốc gia (HĐANQG) đã tiếp đại diện của bốn tổ chức vận động dân chủ của người gốc Việt. Nhân dịp này, người phát ngôn của HĐANQG, Gordon Johndroe, nói: “Khi nền kinh tế và đổi mới xã hội đang phát triển thì việc đàn áp người dân chỉ vì ôn hoà phát biểu những quan điểm riêng là động thái lạc hậu và mâu thuẫn với nguyện vọng muốn hiện đại hoá và giàu mạnh cũng như giữ vai trò nổi bật hơn trong cộng đồng thế giới.”

Trước khi đi Mỹ, Triết đã mở cuộc họp với báo giới Hoa Kỳ để biện hộ cho hành động đàn áp dân chủ của Hà Nội cũng như phủ nhận tất cả thông tin cho rằng nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Triết nói với New York Times, “Việt Nam đã trải nghiệm chiến tranh và hiểu rõ việc mất nhân quyền và không có tự do. Vì thế chúng tôi cực kỳ yêu chuộng những quyền căn bản của con người Nhưng nếu ai vi phạm luật pháp, chúng tôi phải thẳng tay trừng trị”.

Nói vậy mà không phải vậy. Cũng trước khi Triết được bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam cho phép đi Mỹ, Lê Văn Bàng (thứ trưởng bộ Ngoại giao) đã chạy “tiền trạm” xấc bấc sang bang qua Mỹ xin xỏ hứa hẹn thả tù để xoa dịu Washington, D.C.

Và vẫn cái mửng láu cá, không đưa chi tiết tên tù nhân, Hà Nội vẫn có thể muối mặt thả những phạm nhân thuộc hàng “đâm cha, chém chú, .. úp chị dâu” và gọi đó là những người tù vì không cùng chính kiến.

Đến hôm nay, 18 tháng 6, Triết đã lên đường sang Mỹ Hà Nội mới thả Nguyễn Vũ Bình hôm 9 tháng 6 (người tù Hà Nội đã hứa phóng thích từ dịp APEC) và len lén để Lê Quốc Quân về nhà với gia đình hai ngày trước, 16/06. Hà Nội hứa phóng thích tù nhân làm qùa để Triết nhập cảnh Mỹ vẫn còn thiếu. Người tù thứ ba là ai, khi nào mới phóng thích?

Một nhân viên ngoại giao (không cho biết tên) xác nhận với AFP là Mỹ sẽ tiếp tục áp lực Việt Nam thả những người tù vì ôn hoà phát biểu chính kiến và để Hà Nội tự do lý giải nguyên nhân thả tù, thế nào cũng được miễn là phóng thích tù nhân.

Cũng thế, đa số người Việt khắp nơi đều mong thấy tất cả những người bị tù vì không cùng chính kiến ra khỏi lao xá bất kể đó là ai, bị tù trước hay sau Linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Lê Nguyên Sang, Huỳnh Nguyên Đạo, Nguyễn Bắc Truyển, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, hay Trần Quốc Hiền, v.v...

Tuy nhiên, khả năng Hà Nội phóng thích ngay một trong những tù nhân nêu trên rất nhỏ. Chẳng lẽ vừa bịt miệng vừa kết án tù lâu năm họ vì phạm luật hình sự lại thả ra ngay bị áp lực từ các “thế lực thù nghịch” và bọn “phản động lưu vong”? Như thế thì nhà nước CHXHVN lại kẹt vào thế “nhổ ra xong lại liếm vào”.

Biết đâu đấy, “nhổ ra xong lại liếm vào” để Triết đi Washington, D.C. đổi lấy hiệp định khung và vài ba cái hợp đồng thương mãi cũng có thế sẽ xảy vì Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam nổi tiếng thế giới là những người liệt giây thần kinh xấu hổ; Đấy là chưa kể còn liệt những chỗ khác.

Còn gần 1 tuần lễ, nhắn nhỏ với ông Triết thế này: nhớ năn nỉ Bộ Chính trị “fax” câu trả lời trước khi gặp Bush ở Nhà Trắng. Cố gắng học thuộc lòng. Đừng thò tay vào túi mông, móc tờ giấy gấp tư nhàu nát và ngớ ngẩn đọc như Phan Văn Khải năm nào thì nhục chết được đấy.

Người Việt khắp nơi cũng đang đợi đến thứ sáu 22/06/2007 để xem Bush bày tỏ “quan tâm sâu sắc” ra sao hay chỉ đưa Triết ra hành lang Nhà Trắng cho xem dân chúng đang biểu tình phản đối bên ngoài.