Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2007

Phỏng vấn Trần Bình Nam về quan hệ Việt - Mỹ

RFA phỏng vấn Trần Bình Nam

RFA:Thưa quý thính giả, cũng liên qua đến chuyến đi Hoa Kỳ của chủ tịch nhà nước Việt Nam ông Nguyễn Minh Triết, ông Trần Bình Nam, người có nhiều bài bình luận thời cuộc đăng tải trên các báo Việt ngữ ở hải ngoại đã có những nhận xét về những nguyên nhân mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay không thể tránh khỏi khi vừa phải quan hệ tốt với Hoa Kỳ để tìm đối tác kinh tế, nhưng cũng không được bỏ rơi người cựu thù Trung Quốc đang chăm chú nhìn từng bước đi của một đất nước vừa thoát ra được đói nghèo, lạc hậu.

Mời quý thính giả theo dõi ý kiến của ông Trần Bình Nam qua trao đổi với biên tập viên Mặc Lâm:

Mặc Lâm: Thưa ông, chung quanh việc công du Hoa Kỳ của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có vài điều đáng suy nghĩ đối với người Việt của chúng ta, nhất là những đồng bào đang sống tại hải ngoại. Việc đầu tiên là trước khi sang Mỹ, ông đã sang thăm Trung Quốc vài tuần trước đây. Chúng tôi xin được hỏi ông câu đầu tiên là dưới nhãn quan của một người có kinh nghiệm trong môi trường chính trị, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào ạ?

Trần Bình Nam: Tôi nghĩ trước hết việc ông chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết đi Trung Quốc theo như chúng ta đều biết là hoàn toàn không có dự trù trước, trước khi có quyết định đi Hoa Kỳ. Thành ra chuyến đi đó có thể nói là một chuyến đi rất đột ngột. Mà đi đột ngột kiểu đó thì rõ ràng là Việt Nam đã bị áp lực của Trung Quốc. Trung Quốc muốn ông Triết trước khi đi Hoa Kỳ thì phải sang Trung Quốc. Việc sang (Trung Quốc) đó, về mặt hình thức chẳng khác gì như một tiểu quốc đi chầu một nước lớn. Và chắc chắn rằng trong việc đi như vậy thì giữa Trung Quốc và Việt Nam, ông Triết sẽ qua trình bày cho Trung Quốc biết rằng khi ông Triết đi Hoa Kỳ thì vấn đề được sắp xếp như thế nào, hai nước đã đồng ý với nhau về những nguyên tắc lớn về vấn đề buôn bán, về vấn đề chiến lược ra sao.

Tôi nghĩ rằng việc đi như vậy là một quyết định rất lúng túng về phía Việt Nam. Nhưng có lẽ vì áp lực của Trung Quốc. Bởi vì có thể trong ban lãnh đạo của đảng CSVN, thành phần thân Trung Quốc khá mạnh cho nên họ áp lực là ông phải đi, đi để cho yên chuyện.

Nói tóm lại, tôi cảm thấy việc đi như vậy là một hành động ngoại giao hết sức vụng về.

Mặc Lâm: Thưa ông, xin hãy cho một ví dụ nếu vì tự ái dân tộc mà ông Triết không sang Trung Quốc thì hệ quả mình sẽ thấy trước mắt là phe bảo thủ tại Việt Nam sẽ gây bất lợi cho ông ta ngay lập tức. Giữa hai điều ông Triết phải chọn một, và sự lựa trọn này cho thấy phái bảo thủ vẫn còn khá mạnh trong guồng máy tại Việt Nam. Có phải như vậy không, thưa ông?

Trần Bình Nam: Chắc chắn như vậy. Có lẽ là họ cũng đã bàn tính rất kỹ, cho nên cuối cùng ông Triết phải chọn giải pháp đi Trung Quốc, là để cho trong nội bộ của họ bớt sóng gió một chút. Nghĩa là sự lựa chọn đó là một lựa chọn khó khăn, nhưng có lẽ họ không có sự lựa chọn nào khác. Tôi nghĩ rằng họ hy vọng việc đi Trung quốc này Hoa Kỳ xem là một hành động ngoại giao tế nhị thôi. Nhưng họ không ngờ rằng việc này làm cho chính phủ Mỹ rất bực mình mà tôi nghĩ chính phủ Mỹ bực mình cũng hữu lý mà thôi, vì gần như là vấn đề hơi làm sĩ nhục Hoa Kỳ một chút.

Mặc Lâm: Cứ tạm cho là chủ tịch nước thực hiện được một vế là làm hài lòng Trung Quốc nhưng ngược lại hành động này cũng có thể làm Mỹ phản ứng. Ông có cho rằng Hoa Kỳ mặc dù vần tiếp đón ông Triết nhưng sẽ có những đối sách bất lợi về lâu dài không?

Trần Bình Nam: Tôi thấy vấn đề có gây khó khăn cho Việt Nam. Vì sau khi ông Triết đi Trung Quốc thì Hoa Kỳ đã có những phản ứng rất rõ ràng, thí dụ thông báo cho biết là giảm cung cách đón tiếp chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; thứ hai tung tin có thể hủy bỏ chuyến đi; rồi đồng thời tổng thống George Bush đích thân tiếp bốn nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam. Tôi nghĩ tất cả những việc đó đều là những tín hiệu cho Hà Nội biết rằng Hoa Kỳ rất là bất mãn việc ông Triết đi Trung Quốc và gần như tỏ ý muốn hủy bỏ chuyến đi Hoa Kỳ của ông Triết. Tôi nói tỏ ý thôi, nhưng trong thâm tâm có lẽ Hoa Kỳ cũng không muốn hủy bỏ chuyến đi, vì về mặt chiến lược cuộc thăm viếng của ông Triết cũng có lợi cho Hoa Kỳ. Về phần Việt Nam với bao nhiêu trục trặc như vậy Hà Nội cũng cố gắng vượt qua để duy trì chuyến đi nên tôi nghĩ đó cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam. Dù phải thần phục Trung Quốc nhưng vẫn gìữ chuyến đi chứng tỏ rằng Việt Nạm cũng có một chút độc lập đối với Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn xem Hoa Kỳ là một đối tác chiến lược quan trọng vì chuyến đi này có lợi cho an ninh của Việt Nam về lâu về dài.

Mặc Lâm: Việc chủ tịch nước Việt Nam sang Mỹ chắc chắn sẽ gặp sự chống đối của đồng bào hải ngoại đặc biệt là sau khi Hà Nội đàn áp các nhà đấu tranh trong nước. Ông có nghĩ rằng cộng đồng hải ngoại chống Việt Nam trong đề tài này thì sẽ có ảnh hưởng đến bộ mặt dân chủ của Hoa Kỳ và vì vậy sức ép từ nhiều phía sẽ khiến bang giao Việt-Mỹ bị trục trặc đưa đến những bất lợi về lâu dài hay không?

Trần Bình Nam: Cộng đồng Việt Nam trên cả nước Mỹ từ miền tây, đến miền trung đều tập trung về miền Đông Hoa Kỳ để chống đối sự hiện diện của ông Triết. Tôi nghĩ đây là vấn đề rất tế nhị vì khi mình biểu tình chống đối như vậy mình phải có một “message” với ông Triết, và tôi nghĩ “message” quan trọng nhất là nhân có sự quan tâm của truyền thông quốc tế chúng ta báo cho ông Triết biết là cộng đồng Việt Nam phản đối những hành động đàn áp những người dân chủ tại Việt Nam, cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại không chấp nhận chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam do đảng Cộng sản Việt Nam áp đặt lên đầu lên cổ của người dân. Nhưng tôi nghĩ cộng đồng Việt Nam cũng nên thận trọng và không nên đưa vào đề tài chống đối của mình là chống đối chuyến đi của ông Triết. Nói tóm lại là cộng đồng Việt Nam chống độc tài chứ không chống quan hệ tốt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Khi hai người đứng đầu hai nước gặp nhau bàn thảo thì khi nào cũng có lợi cả. Nhất là chuyến đi này chắc chắn có lợi về mặt chiến lược cho Việt Nam và cho Hoa Kỳ, thành ra việc đồng bào biểu tình chống đối thì nên hướng về chống chính quyền Việt Nam về việc đàn áp dân chủ và chính sách độc tài nhưng không nên bày tỏ chống đối chuyến đi của ông Triết làm cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trở nên lạnh nhạt.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà bình luận Trần Bình Nam đã cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Không có nhận xét nào: