Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

Vụ thu hoạch hãi hùng của chủ nghĩa CS


Robert Service - Đăng Trường chuyển ngữ

Hôm thứ ba, phát biểu trong buổi lễ khánh thành đài tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản ở Washington, Tổng thống Bush tuyên bố rằng trong thế kỉ XX đã có 100 triệu nạn nhân vô tội bị chết dưới bàn tay tội lỗi của chủ nghĩa cộng sản. Ông đã không nói quá, đúng hơn, ông đã giảm bớt phần nào con số các nạn nhân thực sự.

Người cung cấp cho Tổng thống những số liệu đó có thể đã dựa vào những đánh giá gần đúng. Đến nay vẫn chưa ai biết chính xác số người chết trong các trại tù thuộc hệ thống GULAG ở Liên Xô, trong các trại lao động cải tạo gọi là “Lao cải” ở Trung Quốc hay trong các khu rừng rậm ở Campuchia. Không nghi ngờ gì rằng việc giết người không phải là tội ác duy nhất của các chế độ cộng sản. Nếu tính cả những người mà cộng sản đã làm cho thành thân tàn ma dại thì con số nạn nhân phải lên đến hàng tỉ..

Trong chế độ cộng sản nạn nhân cũng được phân loại. Có những người bị giết một cách có chủ đích, lại có những người bị chết vì những chính sách phi nhân hoặc thiếu trách nhiệm của họ. Thí dụ, trong giới khoa học người ta vẫn còn tranh luận xem liệu nạn đói năm 1932-1933 có phải là do Stalin cố tình gây ra để giết hại người Ukraine hay không. Tương tự như vậy, ít có nhà sử học nào tin rằng Mao Trạch Đông đã cố tình gây ra nạn đói ở Trung Quốc vào cuối những năm 1950; đây là nạn đói được coi là khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại. Nhưng sự dốt nát của các chế độ cộng sản trong việc quản lí sản xuất nông nghiệp và cung cấp lương thực, thực phẩm cho dân chúng là một sự kiện không phải tranh cãi.

Ngoài ra, cộng sản còn thực hiện chính sách phân biệt đối xử đối với các giai cấp “đối kháng”. Thí dụ, bố của Boris Yeltsin chỉ là một người nông dân bình thường nhưng đã bị chế độ của Stalin cho vào sổ đen chỉ vì ông từng phàn nàn về điều kiện lao động. Không những bố mẹ mà cả con cái cũng rơi vào sổ đen, vì vậy mà chàng trai Boris phải dấu việc bố bị đàn áp, nếu không thì ông chẳng thể có cơ may được vào đại học. Ở Campuchia tình hình còn tệ hơn: tất cả những người đeo kính đều bị tuyên bố là kẻ thù của nhân dân và bị đàn áp khốc liệt.

Nói về các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản thì còn phải kể đến những người đã bị khốn khổ vì mất quyền tự do chính trị, tự do tín ngưỡng và tự do hoạt động trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật nữa.

Ngay cả trong những nước mà trên danh nghĩa chế độ chấp nhận sự tồn tại của các đảng phi cộng sản, thí dụ như Cộng hoà dân chủ Đức, thì trên thực tế đấy vẫn chỉ là hệ thống độc đảng mà thôi. Nhà thờ, ngay cả khi được phép đóng một vai trò nào đó trong xã hội, thí dụ như ở Ba Lan, thì các giáo sĩ, nếu không muốn bị đàn áp, phải tìm cách tránh né, không dám phê phán hệ tư tưởng cộng sản. Nhà nước cộng sản nào cũng duy trì một chế độ kiểm duyệt khắt khe, mọi hệ tư tưởng, trừ tư tưởng mác-xít, đều bị chính quyền coi là nguy hiểm.

Trong các nước dân chủ, chính quyền, dù thuộc đảng bảo thủ, đảng tự do hay đảng xã hội, cũng thường không cần phải cấm đảng cộng sản hoạt động. Tất nhiên là có ngoại lệ. Ở Tây Đức, Đảng cộng sản đã bị cấm hoạt động vào năm 1956 sau khi lãnh đạo của nó, theo lệnh Moskva, tuyên bố phủ nhận quyền tồn tại của Cộng hoà Liên bang Đức. Ở Mĩ, thượng nghị sĩ Joe McCarthy đã từng phát động chiến dịch “săn lùng phù thuỷ” nhằm chống đảng cộng sản và cảm tình viên của nó.

Nhưng cái mà trong các chế độ dân chủ được coi là ngoại lệ thì trong chế độ cộng sản lại là điều bình thường, ở những nước này tư tưởng tự do bị đàn áp một cách có hệ thống. Các nước này thường xuyên phá sóng của các đài phát thanh và truyền hình nước ngoài. Công dân của họ không được phép đi ra nước ngoài. Để giữ chính quyền, cộng sản buộc phải giữ dân của mình trong “bức màn sắt”. Biểu tượng rõ nhất của nó là bức tường ô nhục ở Berlin, đã bị giật sập vào tháng 11 năm 1989.

Một nhà nước hoạt động hữu hiệu trong thời đại hiện nay thường cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của người dân. Hệ thống kinh tế sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Dù là xét về nguyên tắc hay theo quan điểm thực tiễn thì việc thảo luận một cách công khai các hệ tư tưởng cũng đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Vì vậy khi mà Angver Hodgia tuyên bố rằng Albania đã là một nước hoàn toàn vô thần thì trên thực tế ông ta đã làm cho mâu thuẫn giữa các tôn giáo và các sắc tộc ngày càng trở nên năng nề hơn.

Dĩ nhiên là các chế độ cộng sản không phải là những bản sao của nhau. Không ai khẳng định rằng Cu Ba, với những quán rượu, nhà hàng, khách sạn ồn ào và nhiều màu sắc của nó, lại có hệ thống quản lí nhà nước hoàn toàn giống với Bắc Triều Tiên. Trung Quốc dưới thời Mao cũng khác với, thí du, Ban Lan dưới quyền Gomulka hay Albania dưới quyền Hodgia. Nhưng chế độ cộng sản, dù ở đâu, cũng có những đặc trưng cơ bản giống nhau.

Ngoài ra, cần phải nhấn mạnh: trong thế kỉ XX không chỉ cộng sản mới làm những hành động phi nhân. Adolf Hitler đã giết người Do Thái, người Di-gan, người đồng tính và những kẻ tâm thần. Cộng sản cũng không có liên quan gì đến vụ diệt chủng ở Ruanda hồi năm 1994. Còn việc phun chất độc da cam phá rừng ở Việt Nam và Campuchia là do lực lượng không quân Mĩ thực hiện

Cuối cùng thì phương Tây đã thắng trong “cuộc chiến tranh lạnh”, M. Gorbachev và chương trình cải cách Liên Xô của ông đã có nhiều đóng góp. Hôm nay chủ nghĩa cộng sản đã mất tín nhiệm trên toàn thế giới, đài tưởng niệm mới được xây dựng ở Washington là cách chúng ta tỏ lòng tưởng nhớ các nạn nhân của nó.

Nhưng các nhà nước cộng sản vẫn còn tồn tại: Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên, Việt Nam. Trong bài phát biểu của mình Tổng thống đã không nói chuyện đó. Ông đã bỏ qua cơ hội nói một cách rõ ràng điều mà mọi người đều biết: hệ thống trại cải tạo lao động vẫn còn tồn tại ở Trung Quốc. Nhiều người vẫn tiếp tục là nạn nhân của nó. Chế độ trong các trại đó còn dã man hơn cả GULAG ở Liên Xô trước đây: chính quyền Trung Quốc không chỉ giam giữ mà còn nhồi sọ các tù nhân bằng những biện pháp rất dã man.

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của phương Tây vì vậy mà các chính phủ cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng đã đối xử với nước này một cách khá “nhẹ nhàng”. Nhưng không được quên điều này: Trung Quốc là siêu cường duy nhất trên thế giới có chế độ đàn áp dã man nhất.


© DCVOnline

--------------------------------------------------------------------------------

Nguồn: - "Los Angeles Times", dịch qua bản tiếng Nga tại địa chỉ http://inosmi.ru/translation/235021.html.
- Robert Service là chuyên gia về lịch sử Nga, giáo sư của St. Antony's College trực thuộc Oxford University, tác giả cuốn sách “Comrades!: A History of World Communism” mới được xuất bản gần đây.

Không có nhận xét nào: