Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

Tình chiến hữu & Tác phong người Lính











(Xin kính tặng những người đã từng khoác áo chiến binh)

Thiên Minh

Sau 42 năm được ghi nhận là mất tích trong cuộc chiến Việt Nam, cuối cùng thì thi thể của hai quân nhân Úc là binh nhì Peter Gillson (20 tuổi), và trung sĩ Richard Parker (24 tuổi) đã được tìm thấy và đưa trở lại quê nhà (Australia) để an táng trong tuần qua. Ðây quả thật là một tin vui ngoài sức mong đợi… không những cho gia đình, cho đất nước mà còn cho những đồng đội cũ của hai anh. Ðược biết hai chiến sĩ này đã hy sinh vào ngày 8 tháng 11 năm 1965 trong một trận giao tranh tại Biên Hòa (của gần 42 năm về trước).

Phải nói rằng thời gian qua là một chuỗi ngày dài so với một đời người, nó gần như là gấp đôi tuổi đời của hai anh (lúc hy sinh) là 20 và 24 tuổi. Như vậy thì 42 năm quả là một thời gian quá lâu mà thân thể các anh đã nằm lại “vất vưởng” ở một chiến địa xa xôi, không người biết đến. Có lẽ cũng chính vì nghĩ đến điều này, nên các đồng đội của hai anh luôn cảm thấy ray rứt và tâm trạng không được yên lòng. Do đó họ đã quyết tâm bằng những nổ lực không ngừng tìm kiếm trong suốt thời gian qua, hầu mang các anh trở về… để được “yên nghỉ ngàn thu” trong lòng đất mẹ.

Chính những tấm lòng này đã thể hiện được tinh thần đồng đội của người lính năm xưa. Ngày nay mặc dù tuổi đời của họ càng cao, nhưng họ vẫn “một lòng” và không quên những người đã chết. Theo lời kể (với đài phát thanh ABC) thì một đồng đội cũ là trung đội trưởng Trevor Hagan đã tính từng ngày. Ông cho biết là tính đến bây giờ thì đã 15,151 ngày… từ cái ngày mà hai đồng đội của họ hy sinh. Ông cho biết thêm, là lần này trở lại VN để mang hai người bạn trở về thì đó là một trong những điều rất có ý nghĩa đối với ông. Nghe nói, ngày đó dù biết rằng đồng đội đã hy sinh, nhưng vì chiến trận quá ác liệt và căng thẳng nên những người lính Úc đành phải miễn cưỡng rút lui theo lịnh của cấp trên. Họ biết rằng đồng đội của họ vẫn còn nằm lại nơi chiến trường. Và họ đã không bao giờ lãng quên từ ngày đó cho đến hôm nay (là ngày mà thi thể của hai người lính ấy đã được tìm thấy và mang trở lại quê nhà)….


oOo

Vào hai tuần trước sau khi chiếc phi cơ Hercules của không lực Úc từ Hà Nội về đến Darwin, thì quan tài của hai anh đã được khiêng ngang qua đoàn quân danh dự trước sự chứng kiếng trong ngấn lệ của những người thân, viên chức, và hàng trăm cựu chiến binh Úc đã từng tham chiến ở Việt Nam. Mọi người nhìn thấy quan tài của hai anh có phủ lá quốc kỳ Úc được xếp chéo góc, bên cạnh là lẵng hoa, cùng với một “chiếc nón nỉ” truyền thống của quân đội Úc với vành mũ bẻ cong.

Nhân dịp này, bộ trưởng Cựu Chiến Binh Úc, ông Bruce Billson đã nói:

- “Ðồng đội đã hy sinh, trận chiến đã qua đi nhưng những người lính vẫn mang trên vai họ một hành trang nặng trĩu không lúc nào ngơi. Ðó là một sự lo lắng cho những đồng đội chưa trở về, nó giống như là một “túi ba lô” không nhìn thấy, không tưởng tượng chất chứa một sự giao dịch … chưa hoàn thành”.

(Mates lost; battles passed. But soldiers carried the weight and worry, without respite, of an invisble and unimaginable ‘backpack’, of unfinished business, of mates not returned).

Khi đề cập đến sự quan tâm của quốc gia dành cho những người chiến sĩ đã một lần ra đi không bao giờ trở lại, ông Billson nói tiếp:

- “Sự biết ơn của một quốc gia là tiếp tục bổn phận của mình và trách nhiệm đạo đức đối với những người đã đáp lời kêu gọi và đền nợ nước với núi sông.

Hơn 4 thập niên qua rất nhiều câu chuyện đã được ghi chép nhưng vẫn chưa hoàn thành. Ðó là một chương mà phần lớn đã được viết ra bởi những cảm xúc mạnh mẽ, bởi sự say mê, và bởi lòng-dạ kiên-trì của tình chiến-hữu với nhau. Họ không bao giờ bỏ cuộc và hiếm khi để một ngày trôi qua mà không nhớ đến và quyết tâm cho mục đích cao cả của mình”.

(A grateful nation carries forward its special duty and moral obligation to those who have done all that their country asked of them and in doing so, paid the ultimate price.

For more than four decades, much of this story has been largely settled, yet incomplete. The chapter largely penned by the passion and perseverance of mates who never gave up and rarely let a day escape without remembering and recommitting to their goal).

Cuối cùng ông Billson kết luận:

- “Như vậy ngày hôm nay một chương mới mà cũng là một chương sau cùng về câu chuyện của trung sĩ Parker và binh nhì Gillson. Câu chuyện này sẽ được cập nhật thêm nhiều nữa…

Thôi thì… hãy để chương cuối đó được đọc và ghi chép thế này: Hai người chiến sĩ gan dạ đã hy sinh, luôn trẻ mãi và không bao giờ bị lãng quên. Họ đã được tìm thấy, đưa trở lại quê nhà (bằng sự) tương xứng với phẩm chất cao quý trong vòng tay của tình chiến hữu với nhau. Họ trở về với những người họ yêu thương và những người yêu thương họ. Xin hãy vinh danh và đưa họ đến nơi an nghỉ sau cùng bởi một quốc gia còn nhớ ơn của họ.

Cuối cùng thì họ đã trở về và luôn được mãi mãi ghi công”.

(So today, the new chapter, the final chapter of the story of Lance Corporal Parker and Private Gillson, begins to be written.

Let the final chapter read and record: two brave servicemen lost; now forever young; never forgotten; found, recovered and repatriated with great care and dignity; carried home by the hands of mateship; returned to those who love and were loved; honoured and laid to rest by a grateful nation; home at last, always remembered).

Tang lễ của anh Richard Parker diễn ra ngày thứ Ba 12 tháng 6 năm 2007 tại Woden, thủ đô Canberra (Úc). Và tang lễ của anh Peter Gillson đã được tổ chức tại nghĩa trang Fawkner vào thứ Sáu 15 tháng 6 năm 2007 ở Melbourne. Nhân dịp này thủ tướng John Howard đã nói:

- Câu chuyện tìm kiếm trung sĩ Parker và binh nhì Gillson là một trong những điều cao quý của tình chiến hữu, sự bền chí và hy sinh. Ðó cũng chính là điều tốt đẹp nhất của truyền thống Anzac.

("The story of the search for Lance Corporal Parker and Private Gillson is one of great mateship, perseverance and sacrifice in the best of the Anzac tradition," Mr Howard said).

Ðược biết Ban Chấp hành Cộng Ðồng Người Việt Tự Do ở Melbourne đã ra một thông báo về việc tham dự lễ an táng của chiến binh Peter Gillson. Ðây cũng là dịp để cộng đồng người Việt bày tỏ lòng tri ân sâu xa đến gia đình của người lính Úc đã chết trong chiến cuộc Việt Nam, cũng như đối với quân đội Hoàng gia Úc. Riêng tang lễ của chiến binh Richard Parker tại Canberra thì cũng có một số đồng hương Việt Nam tham dự (theo tính cách cá nhân) để tỏ lòng tri ân cùng những người đồng minh ngày trước.

Khi nghe được tin này là người Việt Nam chắc chúng ta không khỏi bùi ngùi và cảm phục trước tình chiến hữu của những người lính Úc đã từng phục vụ, chiến đấu và bảo vệ đất nước chúng ta. Càng cảm động hơn là khi biết thi hài của họ đã được tìm thấy sau gần 42 năm bị vùi thây nơi chiến địa cũng chỉ vì một mục đích là bảo vệ lý tưởng tự do. Khi nói lên điều này chắc hẳn chúng ta khó lòng quên ơn những người đã từng là đồng minh có cùng chung chiến tuyến. Ðặc biệt là quân đội Úc nói riêng, cũng như đất nước Úc nói chung. Chính quân đội đó là đồng minh ngày trước của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và đất nước đó chính là quê hương thứ hai của hơn 200 ngàn người Việt Nam hiện tại.


oOo


Năm nay nhân dịp ngày Quân lực 19 tháng 6 lại đến, và sẵn dịp nói đến tình chiến binh, chúng tôi cũng xin phép (một lần nữa) ghi lại đôi dòng về đề tài “Tác phong người Lính” mà có lẽ nhiều kỷ niệm vẫn còn lưu lại trong lòng của những người chiến sĩ năm xưa…

Cách đây không lâu trong lúc đi ăn trưa tình cờ chúng tôi nhìn thấy hai người lính Úc chào nhau trên đường phố Sydney. Hình ảnh này đã thực sự làm tôi cảm kích. Không những thế, nó còn gợi cho tôi… nhớ lại những hình ảnh tương tự ngày xưa (lúc tôi còn nhỏ ở quê nhà). Có lẽ tôi luôn ngưỡng mộ những “tác phong” cao đẹp này của người Lính, mặc dù trong đời mình… tôi chưa một lần nào… được “chào nhau” như thế. Lý do, vì khi tôi và các bạn của tôi lớn lên, thì cuộc chiến ở quê hương đã tàn. Nên “đời chiến binh” chúng tôi chưa hề trải qua, hay… được một lần tham dự.

Có lẽ từ sự cảm nhận đó ở trong lòng, nên hình ảnh ngày hôm ấy đã gây cho tôi rất nhiều ấn tượng. Một điều thú vị nữa, là không phải chỉ riêng chúng tôi, mà còn có vài người qua đường khác. Họ cũng dành cho hai người lính này với một cái nhìn đầy thiện cảm như nhau. Ðiều đáng nói ở đây là thái độ “tự nhiên” của hai người người lính Úc… lúc họ chào nhau. Tôi thấy họ thể hiện hành động ấy như là một thói quen, một sự tôn trọng, một sự kính nể dành cho đồng đội. Nói chung, đó là một “tác phong” nghiêm chỉnh… rất đổi nhà binh. Bởi thế, họ không hề tỏ ra một điều gì gọi là “gượng ép”. Nhìn cảnh đó tôi tự nhủ trong lòng, đúng là tác phong của những người lính chiến! Tôi hiểu, là ngoài trách nhiệm được giao phó để thi hành, họ còn luôn nghĩ đến đồng đội, đến tình chiến hữu. Bởi vì mai này, nếu có ra ngoài chiến trận, thì chính họ sẽ là những người cùng sống chết bên nhau…


oOo

Nhớ lại ngày lễ Anzac hàng năm. Ðây được xem như là ngày quân lực Úc. Từ rạng sáng hừng đông (dawn service) mọi người đã tề tựu về những tượng đài chiến sĩ để làm lễ truy điệu, và sau đó là đến phần diễn hành truyền thống như mọi năm. Không phải chỉ một nơi mà hầu như ở khắp mọi miền đất nước (Úc) cũng đều diễn ra như thế. Ðặc biệt là những cuộc tưởng niệm này còn lan rộng đến những quốc gia mà quân đội Úc đã từng tham chiến ngày xưa. Trong số đó phải kể đến bờ biển Gallipoli ở tận bên xứ Thỗ Nhĩ Kỳ. Nơi đây đã đánh dấu trận đổ bộ của quân đội Úc và Tân Tây Lan vào buổi rạng sáng ngày 25 tháng 4 năm 1915 lịch sữ. Rồi đến những quốc gia khác như Singapore, Philipines, Ðại Hàn, East Timo, Indonesia, Irag, Afganistan… và ngay cả Việt Nam tại vùng Long Tân (ngoài Vũng Tàu – nơi có căn cứ ngày xưa) người Úc cũng có đến đây để cử hành ngày Anzac.

Riêng tại Sydney thì như mọi năm, cuộc diễn hành đều có rất nhiều người tham dự và được truyền hình trực tiếp từ sáng đến trưa. Từ quân đội Úc bao gồm các ngành, các cấp cho đến lực lượng đồng minh (các nước) đều có tham gia. Từ già đến trẻ, từ cựu chiến binh đến những người còn đang tại ngũ. Chúng tôi thấy trên gương mặt họ luôn thoáng hiện nét hân hoan, cùng lòng tự hào về tác phong người lính (oai nghiêm và dũng cảm). Có người mặc dù giờ đây thân thể đã già, nhưng ánh mắt vẫn còn lộ nét tinh anh, và tinh thần vẫn còn minh mẩn. Ðây là những dịp để họ cùng đồng đội ngày nào được họp mặt với nhau, và nhất là được ôn lại những kỷ niệm của một thời xa xưa họ đã từng là người lính.

Và thật hãnh diện làm sao khi trong đoàn người diễn hành đó, còn có sự tham dự của những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Giờ đây họ đang sinh sống trên quê hương mới này… và được công nhận là đồng minh, là cựu chiến binh của những người lính Úc. Trong cuộc diễn hành ngày Anzac hàng năm, họ luôn thể hiện tinh thần đồng đội và sự hợp tác đồng minh… để cùng tham dự. Mặc dù vậy, có lẽ qua ánh mắt hân hoan trong ngày Quân Lực Úc, những người lính Việt Nam ngày nào… chắc cũng không khỏi chạnh lòng nhớ về một tổ quốc xa xôi, về một ngày quân-lực 19 tháng 6 bất diệt thuở nào. Cũng như nhớ về một quân đội oai hùng mà họ đã từng là chiến sĩ. Bên cạnh đó họ còn có những đồng đội can trường, những cấp chỉ huy gương mẩu luôn nêu cao tác phong người lính… Ngày nay cho dù thời gian đã qua đi, nhưng có lẽ những truyền thống tốt đẹp kia vẫn còn in sâu trong lòng họ.


oOo

Chúng tôi luôn vững tin là như vậy, vì tác phong này chúng tôi đã được nhìn thấy từ lâu, từ những người lính chiến năm nào trên quê hương tôi (mặc dù khi xưa chúng tôi còn bé). Ngày xưa họ cũng “chào nhau” giống như hai người quân nhân Úc. Tuy nhiên có điều khác hơn là (ngày hôm nay) họ không còn mặc áo chiến binh để được chào nhau như thế nữa. Có người nói, là vì cuộc chiến đã tàn, nên cuộc đời binh nghiệp cũng không còn tồn tại nữa. Ðiều này thật sự có đúng hay không, nhất là mỗi khi đề cập đến tinh thần chiến binh, đến tác phong người Lính, đến kỷ niệm chiến trường, đến tình chiến hữu, đến những đồng đội hy sinh, và đến rất nhiều điều liên quan khác nữa...?!

Theo cảm nhận của chúng tôi, thì (hình như) tất cả những điều trên đã tạo nên một “spirit” thiêng liêng, một truyền thống oai hùng, một “linh hồn” sâu kính (sâu xa và kính trọng). Nên có thể nói, chúng đã khắc sâu trong lòng của những người chiến binh (kể cả bạn bè)… thì có lẽ muôn đời… vẫn là bất tử?! Ngày nay cho dù cuộc chiến thật sự có qua đi, hay có… “tàn” gì cũng được. Nhưng chắc chắn một điều… là hình ảnh đó, tác phong người Lính đó… vẫn còn đây, vẫn kiêu hãnh, vẫn tự hào, và vẫn lưu lại mãi trong tim của rất nhiều người… Vì họ đã từng một thời khoác chung màu áo trận.


oOo


Nhớ lại ngày xưa, ngay như hình ảnh của những người lính nghĩa quân chào cấp chỉ huy ở một đồn ấp xa xôi (gần ngôi trường ngày nào chúng tôi theo học) cũng khó làm cho chúng tôi quên được. Hầu như ngày đó mỗi lần thấy họ chào nhau là chúng tôi vẫn “khoái” chạy ra… và xem cho bằng được. Rồi có một lần trên đường đi học (tại một bến đò) chúng tôi đã chứng kiến cảnh một người quân nhân “đi theo” đồng đội của anh trong... “ngày trở về”. Khi đến nơi gặp lại gia đình bạn của anh, và trước lúc đò máy sang sông, thì anh lính này cũng đã đưa tay kính cẩn chào người bạn của anh trước khi từ biệt để trở lại đơn vị. Hành động này đã làm cho nhiều người chung quanh ngưỡng phục. Và càng cảm động hơn khi biết rằng người bạn của anh thì đang nằm yên trong quan tài giá lạnh. Tôi còn nhớ đó là một quan tài có lớp thiết bao bọc ở chung quanh, bên trên là lá cờ tổ quốc (có màu da vàng cùng ba dòng máu Việt của tổ tiên, của quê hương của ba miền Nam Trung Bắc). Nghe nói bạn của anh đã tử trận hơn 10 ngày qua, từ một chiến trường (vùng 1) xa xôi, nơi tuyến đầu lửa đạn.


oOo


Và có lẽ cũng chính vì một vài hình ảnh vừa nêu, đã khắc sâu vào tâm trí của nhiều người, nên dù thời gian có qua đi nhưng những “tác phong” này khó có thể… “tàn phai” theo ngày tháng? Nhất là trong lòng của những người đã từng tham gia chiến trận và mang thương tích trở về. Mặc dù ngày nay thân thể của các anh không còn nguyên vẹn nữa. Nhưng chúng tôi tin, là tác phong và niềm kiêu hãnh đó, vẫn sống mãi trong lòng các anh như những ngày xưa còn xông pha nơi lửa đạn. Nói đến điều này làm tôi liên tưởng đến hình ảnh của một người thương phế binh mà tôi có dịp cùng với nhiều đồng hương khác gởi tiền về giúp đỡ cho anh (qua trung gian của một vị nữ ân nhân giàu lòng bác ái). Trong lá thư (copy) của anh gởi sang mà tôi nhận được, thì ngoài những lời cám ơn, tôi còn thấy anh kèm theo tấm hình “oai phong” ngày nào, khi anh còn khoác áo chiến binh thời trai trẻ. Ðiều này đã nói lên tác phong người Lính ngày xưa thì vẫn còn sống mãi trong anh. Cho dù thân thể anh ngày nay có mang nhiều thương tật, nhưng anh vẫn hãnh diện về những kỷ niệm ngày nào. Mặc dù chỉ qua một tấm ảnh đơn sơ, nhưng tôi tin là nó đã gói ghém bao nhiêu tâm tư để gởi cho những người đồng đội cũ!?

Xin cám ơn các anh, những người trai thế hệ đã vì nhiệm vụ bảo vệ non sông mà cống hiến cuộc đời cho quê hương đất nước. Ngày nay chúng tôi dù chưa có dịp đóng góp như các anh ngày xưa, nhất là cho quê nhà đang nghìn trùng xa cách. Nhưng chúng tôi cảm nhận được tác phong người Lính và học hỏi được những bài học quý giá từ cha anh để lại…

Chúng tôi cũng biết trân trọng, biết tự hào, và nhất là biết tự xét mình đã xứng đáng với tiền nhân hay chưa, để khi có cơ hội sẽ tiếp nối những hoài bão cao đẹp ngàn đời (mà cha ông đã dạy), để không phụ lòng những người đi trước…

Thiên Minh
19 tháng 6 năm 2007

Không có nhận xét nào: