Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

Hà Nội cần hiểu tại sao người Việt Nam ở Mỹ biểu tình chống ông Nguyễn Minh Triết

Tiến sĩ Ðinh Xuân Quân

Ông Nguyễn Minh Triết và phu nhân đã rời Hà Nội trên đường thăm chính thức Mỹ. Theo các chuyên gia theo dõi tình hình Việt Nam, trong chuyến viếng thăm này, ông dự tính đặt nặng vấn đề phát triển thương mại Việt-Mỹ và nói nhiều về phát triển và tránh né không muốn đề cập tới “vấn đề dân chủ,” trong khi phía Mỹ muốn nêu lên những mối lo về “dân chủ.”


Hình: Mít Ðặc (VietnamReview)

Quan hệ kinh tế - thương mại Việt-Mỹ có những bước phát triển rất lớn nhất là về xuất khẩu của Việt Nam đi từ dưới 1 tỷ USD vào 1996 (khi mới mở quan hệ ngoại giao với Mỹ) nay đã lên đến khoảng 8,6 tỷ USD vào 2006. Ðầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam ở mức 2,3 tỷ USD, đứng thứ 8 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực nhân đạo, văn hóa, du lịch, thể thao, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, quốc phòng,... đang được dần dần mở rộng.

Nhân dịp chuyến viếng thăm chính thức Mỹ, ngoài vấn đề nhân quyền và tự do dân chủ đang trở thành đề tài nóng bỏng trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ còn có một số vấn đề các người Việt hải ngoại trên khắp thế giới vẫn bức xúc, nhất là phía chính phủ Việt Nam luôn luôn nêu vấn đề “hòa hợp và hòa giải dân tộc” và kêu gọi các thành phần người Việt hải ngoại đóng góp cho Việt Nam.

Theo các thuyết kinh tế hiện đại (và bài này là ý kiến của một kinh tế gia) thì làm sao có phát triển bền vững cho Việt Nam mới là thách thức lớn nhất cho Việt Nam. Dựa trên một số kinh nghiệm các nước trên thế giới thì ta có thể có một số bài học và trong những bài học này chất xám là quan trọng hạng đầu.

Hiện trạng Việt Nam cho thấy từ “đổi mới” tức là từ 1986 đến nay qua 4 Ðại Hội Ðảng (ÐHÐ) Việt Nam đã có những tiến bộ kinh tế nhất định. Việt Nam đi từ chỗ GDP đầu người từ dưới $200/đầu người vào cuối thập niên 80 cho đến con số $780 vào năm 2006. Trong 20 năm “đổi mới” số GDP/đầu người đã tăng gần 4 lần nghĩa là 400% với một mức tăng trưởng trung bình 7%/năm. Ðọc báo chí Việt Nam do đảng Cộng Sản Việt Nam kiểm soát thì những thành công đó được ca tụng ráo riết.

Trên thực tế, những thành công đó chỉ là rất nhỏ (vì đi từ chỗ rất thấp) khi so sánh với các nước ASEAN, Việt Nam cũng đứng gần đèn đỏ. Việt Nam còn thua GDP/đầu người của Thái Lan khoảng 4 lần, Mã Lai 7 lần, Ðài Loan 15 lần, vv. Với mức tăng trưởng 7 - 8% thì tốt nhưng tiềm năng phát triển của Việt Nam còn cao hơn nữa nếu Cộng Sản Việt Nam đổi mới và phát triển ngành công nghiệp.

Bài học các nước phát triển mau chóng như Singapore, Trung Quốc và nhất là của Israel, v.v. cho thấy sự đóng góp chất xám là rất quan trọng và các nước này nhờ rất nhiều vào các trí thức (do Thái kiều, Hoa kiều, v.v.) từ bên ngoài trở về và đối với Israel là sự ủng hộ chính trị tại Mỹ.

Theo một nghiên cứu của Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã hội Trung Quốc (Chinese Academy of Social Sciences - CASS) thì, mặc dù với tăng trưởng trên 10%/năm Trung Quốc đang mất rất nhiều “chất xám” do việc 70% sinh viên ưu tú của Trung Quốc không trở về nhà mà ở lại Hoa Kỳ hay các nước Âu Châu khác. Cũng theo CASS thì, “những khác biệt lớn về kinh tế - xã hội, về lương bổng, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc tại Trung Quốc, cơ hội nghiên cứu và mức sống” đã là nguyên do cho việc này. Mặc dù Trung Quốc cũng nhận rất nhiều “chất xám” từ các đầu tư trực tiếp (FDI - Foreign Direct Investment) và qua các đầu tư này, các chuyên gia Ðài Loan, Hoa Kỳ, Nhật, v.v. đã đóng góp vào sự phát triển của Trung Quốc bù vào sự mất mát rất lớn.

Bài học của Trung Quốc cho thấy là một số người đã trở về Trung Quốc đóng góp và cùng lúc Trung Quốc cũng được sự “trợ giúp” của nhiều chuyên gia nước ngoài hay những chuyên gia Hoa kiều về giúp. Mặt trái của việc này là các chuyên gia đã giúp Trung Quốc tăng trưởng về kinh tế nhưng tăng trưởng này cũng gây nhiều ấn tượng xấu: Trung Quốc là nước bị ô nhiễm lớn nhất thế giới. Ðây không phải là tăng trưởng lâu dài và bền bỉ.

Bài học Israel quan trọng hơn đối với Việt Nam vì Israel tương tự như Việt Nam cũng có một láng giềng kẻ thù phía Bắc. Israel với một dân số dưới 7 triệu người đã phát triển trong khi phải đương đầu với một khối người Ả Rập gấp cả chục lần dân số Israel.

Israel được nhiều dân Do Thái từ các nước Cộng Sản Âu Châu trước đây dưới chế độ Cộng Sản (Balan, Nga, Tiệp, v.v. kể cả các thuyền nhân Việt Nam trong thập niên 80) hay từ Hoa Kỳ trở về đóng góp bảo vệ “an ninh” và xây dựng tiềm năng công nghiệp của xứ nhỏ bé này kể từ khi lập quốc năm 1949. Từ 1949, với sự giúp đỡ của dân Do Thái tại hải ngoại, Israel đã đương đầu và chống trả một cách mạnh mẽ với cả khối A Rập tại Trung Ðông. Ðó là việc nhờ trí thức Do Thái từ nhiều nước trên thế giới trở về đóng góp và quan trọng hơn nữa họ được dân Do Thái tại Mỹ ủng hộ triệt để và do đó Quốc Hội Mỹ luôn luôn ủng hộ Israel về tài chính và quân sự. Có thể khẳng định là Israel thành hình xây dựng một vận động hậu trường “lobby Do Thái” rất mạnh và việc này đã giúp đỡ Israel rất nhiều trong việc duy trì quốc gia để tồn tại và phát triển nước của họ.

Nói tóm lại, Israel đã được sự trợ giúp về chất xám, do đó đã tăng trưởng bền vững dựa trên chất xám, và sự ủng hộ quân sự và vũ khí và chính trị nhờ “lobby Do Thái” tại Mỹ. Nhờ việc này Israel đã khéo léo đứng vững trước khối A Rập với dân số đông gấp cả mấy chục lần Israel.

Bài học các cộng đồng Mỹ gốc nước ngoài thuộc Á Châu như Ðại Hàn, Nhật bản, Phi Luật Tân, Ðài loan và Trung Hoa, cho thấy họ đều có quan hệ mật thiết với xứ sở quê hương gốc của họ và có dịp đóng góp quan trọng cho sự phát triển của quê hương cũ của họ. Tại sao chuyện này đã không xảy ra cho trường hợp người Việt hải ngoại? Tại sao chuyện này đã không đến với Việt Nam?

Từ thời kỳ mở cửa, nhiều nhân sự gốc Nam, hay đã từng sống trong Nam như Nguyễn Văn Linh, đã có tầm nhìn khác hẳn với giáo điều và đã có nhiều dịp trao đổi rất nhiều với phía bên ngoài.

Gần đây đọc bài của cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, ta thấy ông đã có nhiều cố gắng trao đổi, nhiều khi rất thẳng thắn về tương lai Việt Nam trong hoàn cảnh toàn cầu hóa và còn nhiều vấn đề khác như quan hệ Việt-Mỹ, quan hệ Việt-Trung, đời sống người Việt ở Mỹ, kể cả vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc đã được mang ra mổ xẻ.

Theo ông Kiệt thì: “Việt Nam đã có thể bắt tay với các kẻ thù trong quá khứ như Pháp, Mỹ, Trung Quốc thì không có lý do gì mà người Việt chúng ta lại không ngồi lại được với nhau”. Ông nhấn mạnh vào nhu cầu: “Khép lại quá khứ và hướng tới tương lai”.

Ðây cũng là câu hỏi mà nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã tự hỏi và tìm lời giải đáp. Ða số trong cộng đồng hải ngoại không chống vấn đề “hòa giải hòa hợp dân tộc” và giúp Việt Nam phát triển. Họ “nóng ruột” khi thấy Việt Nam đang “tụt hậu” so với các nước láng giềng. Nhưng theo người Việt hải ngoại thì hòa giải và hòa hợp theo kiểu nào?

Trong việc ngồi lại với nhau, Giáo Sư Lê Xuân Khoa đã viết vài năm trước đây một số bài với chủ đề “Ðể tiến tới quan hệ bình thường giữa người Việt hải ngoại và Việt Nam” được đăng trên tờ “Người Việt” tại Santa Ana, California và tờ “Ngày Nay” tại Houston, Texas. Giáo Sư Lê Xuân Khoa đặt vấn đề là làm sao người Việt hải ngoại có thể có cơ hội giúp Việt Nam phát triển và tiến một cách bền vững? Ðáng chú ý là mỗi năm người Việt hải ngoại đã gởi cho thân nhân họ trên 4 tỷ USD (viện trợ lớn nhất của Việt Nam), trên 300,000 người/năm đã về thăm nhà, nhiều hội về giúp trẻ em, giúp cô nhi, giúp cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa bị bở rơi và đối đãi bất công, vv. Nhưng chỉ có trên dưới 200 trí thức về giúp Việt Nam.

Tựu trung thì có 3 nguyên nhân chính người Việt chưa ngồi lại được với nhau:

1) Thứ nhất là nhà nước (và đảng Cộng Sản Việt Nam) vẫn chưa nhìn nhận lòng yêu nước của những người không Cộng Sản;

2) Thứ hai, nhà nước (và đảng Cộng Sản Việt Nam) vẫn chưa nhìn nhận một số chính sách sai lầm sau khi chiến thắng, cụ thể là chính sách kinh tế mới và học tập cải tạo;

3) Thứ ba là chưa tạo được niềm tin của người Việt hải ngoại (và người dân trong nước) vì lời nói không đi đôi với việc làm, nhất là về những vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Qua những bài viết và những bài trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Võ Văn Kiệt cũng đã đặt những vấn đề và giải quyết theo chiều hướng đó. Ðây là những bước tích cực tiến đến hòa giải và sự đóng góp chất xám của nhân tài Việt Nam ở nước ngoài.

Ða số người Việt Nam sống bên ngoài đã có phần nào kinh nghiệm sống trong các môi trường dân chủ thật sự. Họ muốn giúp Việt Nam nhưng họ không tin ở “thiện chí và lòng thành thật” của các nhà lãnh đạo Cộng Sản.

Kinh nghiệm thực thi Hiệp Ðịnh Paris 1973, những biện pháp và - hành vi cướp của - được thi hành ở miền Nam sau 1975 còn để lại những dấu ấn tiêu cực sâu đậm trong tâm trí của người Việt, nhất là những người đã trải qua trại cải tạo Cộng Sản. Những mất mát về vật chất - tài sản của người dân miền Nam (qua các cuộc đổi tiền, đánh tư sản mại bản, v.v.), những đau thương của những gia đình bị đi tù cải tạo và mất mát lớn của các “thuyền nhân vượt biển” còn ở trong tâm nhiều người.

Gần đây vụ “cắt biển - bán đất” cho Trung Quốc, những vụ bắt bớ những người Cộng Sản muốn thay đổi và đổi mới đất nước ra khỏi Cộng Sản như Tướng Trần Ðộ, các vụ giam tù, bắt bớ các lãnh tụ Phật Giáo, các mục sư Tin Lành, người Thượng và người “bất đồng ý kiến ôn hòa” như ông Nguyễn Vũ Bình, ông Lê Quốc Quân, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, v.v. hay những nhà tranh đấu cho dân chủ như Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự v.v... là những nguyên do sâu xa tạo nên sự nghi kỵ về chính sách cũng như ý đồ của những nhà lãnh đạo Việt Nam để có thể hóa giải hận thù và đạt được hòa giải thật sự.

Phân biệt vẫn còn tồn tại khi chính phủ chỉ nói nhiều đến “hòa hợp” là rất ít nói đến “hòa giải.” Ðiều đó được hiểu là phe Cộng Sản chưa thật tâm đối xử bình đẳng đối với người dân miền Nam, kể cả đối với các cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa tàn phế (mặc dù một vài dò dẫm bán chính thức trong vụ quản trị nghĩa trang quân đội tại Biên Hòa và quyết định của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng “dân sự hóa” việc quản lý nghĩa trang quân đội tại Biên Hòa có thể làm dịu bớt nỗi đau của nhiều con em của những người đã nằm xuống, nhưng chưa có gì rõ rệt).

Về những vấn đề dân chủ và nhân quyền thì các biện pháp của chính phủ càng chứng tỏ là “lời nói chưa đi đôi với việc làm”.

Người Việt hải ngoại cũng hiểu những khó khăn của Nguyễn Minh Triết. Ông Nguyễn Minh Triết là người gốc miền Nam, đã sống, học và được đào tạo tại miền Nam, từng là khóa sinh “Biên tập viên cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa.”

Người Việt hải ngoại cũng hiểu là chuyến đi của ông Nguyễn Minh Triết cũng bị nhiều thành phần “bảo thủ - thân Trung Quốc” trong đảng Cộng SảnViệt Nam phá hoại và mong chuyến đi của ông thất bại.

Việc đảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức vụ xử Linh Mục Lý với sự hiện diện của báo chí nước ngoài trở thành một màn kịch “lố bịch” vậy ai đã đứng sau vụ phá đám vụ này? Ai phá đám những cố gắng cải tổ - đổi mới của Võ Văn Kiệt vào những năm 1995-1996? Trong vụ kiện “da cam” chỉ thấy người miền Bắc trong vụ kiện này mà chẳng thấy ai là người dân miền Nam, mặc dù chất da cam đã chỉ được trải ở miền Nam?

Tại sao những trí thức người Việt hải ngoại, những thiện nguyện viên của các tổ chức nhân đạo về giúp, các trí thức về giúp đào tạo cho đại học, đào tạo cho các nhà thương, cho các trẻ em vẫn bị công an theo dõi, hạch hỏi, quan thuế làm khó, giữ máy móc và thuốc men của họ?

Nước Việt Nam còn đó và trên nhiều ngàn năm cha ông chúng ta đã chiến đấu để bảo vệ sơn hà. Ðảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là một dấu vết nhỏ trong lịch sử Việt Nam. Ðã đến lúc đảng Cộng Sản Việt Nam cần có những hành động hòa giải cụ thể với cộng đồng người Việt hải ngoại trên căn bản:

- Nhìn nhận lòng yêu nước của những người không Cộng Sản;
- Nhìn nhận một số chính sách sai lầm của đảng Cộng Sản Việt Nam sau 1975;
- Tạo được niềm tin của người Việt hải ngoại (và người dân trong nước) bằng lời nói và việc làm ăn khớp với nhau.

Nếu ông Nguyễn Minh Triết khẳng định được những điều trên là đúng và thực thi được thì các cộng đồng Việt Nam trên thế giới sẽ có dịp đóng góp nhiều hơn và mạnh mẽ hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần, cũng như dân Mỹ gốc Do Thái ủng hộ Israel về chất xám, tài chính và ủng hộ chính trị tại Washington D.C. qua dư luận truyền thông và Quốc Hội.

Trái banh đang ở trên sân của Việt Nam.

Tiến sĩ Ðinh Xuân Quân

Không có nhận xét nào: